Hai
Tác giả: Nguyễn Thị Giang Châu
Ngày đó cuối cùng cũng đến. Tôi loay hoay đứng trước gương. Một cô bé lạ hoắc giương mắt nhìn tôi, mặt mũi đỏ bừng. Chiếc áo dài bó vào người, mỗi cử động đều khó khăn. Lại thêm chiếc quần trắng chấm đất lẹt phẹt như quét nhà. Mẹ khen: “Xinh lắm!” Ba đứng tựa ở phòng ngủ, vỗ tay: “Không ngờ con gái ba duyên thế”. Tôi ngượng: “Mặc đồ tây thích hơn. Đạp xe cũng nhanh hơn. Út không sợ trễ giờ học”. Chị Lương cười: “Ba mẹ coi nó đó. Dụ để tóc dài miết mà không chịu. Nhìn đằng sau giống cái thằng mặc áo dài”. – “Thì sao? Để tóc dài nóng, gội lại cực thấy mồ - Tôi biện bạch – Làm con trai sướng hơn ba hén!” Ba ậm ừ: “Con đi học kẻo trễ”. Mọi cố gắng của tôi đều có vẻ như vô ích. Ba mẹ ít nói chuyện với nhau. Không khí trong nhà thật nặng nề.
Chị Lương dặn: “Mặc áo dài đi xe đạp Út phải khép hai chân lại. Đi bộ cũng phải thong thả, đừng bước huỳnh huỵnh như con trai, tụi nó cười cho nghen” – “Biết rồi, nói mãi” – Tai tôi lại nóng bừng lên. Chị Lương đưa cho tôi hai cái kẹp: “Út kẹp hai ống quần lại, không dính vô sơn xe, dơ hết.” “Mẹ! – Tôi cằn nhằn – Cái cổ này nóng quá. Hay mẹ khoét cổ cho con” – “Dở hơi – Mẹ vuốt vai áo tôi – Một chút là quen liền thôi mà.”
Tôi đi ra đường, cảm giác hàng trăm con mắt đều đổ dồn vào mình. Tôi nhủ thầm: “Bình tĩnh. Mày cứ bình tĩnh. Hai chân đạp phải khép lại nè, phải…” Đồng hồ đeo tay kêu đánh “tít” một cái. Chết cha, trễ giờ học rồi! Tôi co giò đạp, suýt nữa tông phải chiếc cub trước mặt.
Sân trường vắng hoe. Mọi người đã vô lớp, chỉ còn bóng vài cô giám thị đi rảo trên hành lang. Tôi dáo dác nhìn, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Tôi hối hả bước, đến chân cầu thang thì va phải một anh học sinh từ trên bước xuống, sách vở bay tứ tung. Tôi cuống quýt xin lỗi, mặt gầm xuống đất. Người kia cúi xuống nhặt vở cho tôi: “Sao Ly vội quá vậy?” Nghe giọng quen quen, tôi ngẩng phắt dậy: “Ủa, anh Lam – tôi hậm hực – Hồi nào gặp tui anh cũng gây cho tui một cái gì đó bực mình” – “Chắc tại số - Lam gãi tai cười hề hề - Ly học lớp mấy?” – “10A1” – “À, à 10A1 – Nó chỉ bảo tận tình – Lên gác, rẽ tay phải, phòng cuối cùng” – “Còn anh?” – “Đi rửa mặt” – Chưa trả lời xong nó đã biến mất vào con đường dẫn đến toilet.
Cô chủ nhiệm chỉ cho tôi chiếc bàn trống cuối lớp kê sát cửa sổ. Tôi hơi bé con nhưng ngồi đây có cái thú quan sát được hết cả lớp. Lại một mình một giang sơn không đụng chạm, cãi cọ với ai. Tự do muôn năm. Tôi lấy giấy lau ghế kỹ càng rồi mới ngồi lên. Tôi mặc áo dài trắng mà.
Lam vào lớp. Nó đi xăm xăm xuống bàn, ngồi vào chỗ trống bên cạnh, chân nhứn nhảy, mặt mày tỉnh bơ như không đẻ ý tôi bực bội ra mặt. Một con bé tóc dài cột thành hai cái sừng to tướng trên đầu, quay lại làm quen, mắt hấp háy sau cặp kiếng cận: “Mình tên Nhật. Hồi nãy cô giới thiệu bạn tên gì tui quên mất” – “Tui tên Ly - Lam quay sang chỏng lỏn: “Ngoài Bắc tui Ly gọi là cốc. Ai lại đặt tên Cốc, rõ buồn cười”. Tôi cáu: “ở đây chẳng có cái chi là cốc hết!” Đứa con gái tóc ngắn ngồi bên Nhật cũng góp chuyện: “Tên Ly dễ thương thiệt. Tui tên Xuyến, vòng xuyến á. Thường”. Nó tự kết luận. Tôi lắc đầu, tự nhiên thấy có cảm tình với Xuyến, kiểu nhang nhác giống Thục.
Cúp điện. Quạt quay lờ đờ vài cái rồi tắt ngúm. Trống đỏ dồn từng chặp. Lam hối hả thu dọn tập vở và leo tót ra cửa. Tôi dắt xe ra cổng trường. Lam đứng chỗ mấy thằng con trai, ngoắc tay vẫy tôi lia lịa. Nhật nói vẻ ghen tị: “Họ gọi bạn kìa!” – “Kệ” – Tôi ngó lơ chỗ khác. Bắt gặp Trúc đang đứng lơ vơ dưới gốc dầu. Tôi chạy tới vỗ mạnh vai Trúc: “Đi đâu đó?” – “ Đón Ly – Nó nảy người lên mọt cái – Hôm nay trường Trúc ra sớm. Trúc tạt ngang coi Ly thế nào. Vui không?” – “Bình thường. Chưa hòa nhập với tình hình chung thế giới” – “Trời! Ly khác thiệt – Trúc ngó tôi chằm chằm, chắc nãy giờ hắn mới để mắt tới – Sai lầm dễ sợ. Vậy mà hồi đó Trúc nghĩ tụi mình chơi với nhau như hai thằng con trai.” Tôi ngượng nghịu: “Thì Ly vẫn như cũ thôi!” – “Không, khác thiệt mà. Xinh ơi là xinh”. Cánh mũi tôi phập phồng. Tôi ngó ngang dọc định chào Xuyến nhưng không thấy nó, chỉ có Lam đang ngồi trên chiếc cub bóng lộn ngó tôi dò xét. Tôi kéo tay Trúc: “Thôi mình đi”. Chúng tôi đạp xe chầm chậm qua mấy con đường nhỏ còn ngập nước. Bỗng dưng cảm giác hệt như hồi còn học cấp hai, hai đứa học chung lớp, nói cười râm ran suốt quãng đường về, bông điệp rụng bám đầy áo, đầy giỏ xe.
Trúc chào tôi và quẹo tay mặt. Hôm nay đến phiên Trúc phục vụ nhà hàng của ông chủ Ba Tàu. Cạy cục mãi nó mới xin được việc làm này để kiếm thêm tiền đi học. Cực khổ nhưng cuộc sống đỡ hơn hẳn. Chỉ tội bà nội của Trúc, thương cháu mà không biết làm gì. Mỗi lần ra vô lại than thở thở than.
Tôi nghĩ lăng quăng hết chuyện nọ xọ chuyện kia. Bánh xe bỗng cứng ngắc. Tôi hốt hoảng nhìn xuống. Gấu quần mắc vô sên xe không rút ra được. Ngồi xe cũng dở, xuống xe cũng không xong. Tôi hoang mang nhìn quanh cầu cứu nhưng tịnh không một ai. Đén lúc gần như tuyệt vọng, Lam xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Nó nhăn răng cười: “Mắc kẹt à? Để đây giúp cho”. Lời đề nghị với điệu bộ trịch thượng thế kia thì không nên để nó giúp. Tôi làm mặt lạnh: “Không, tìm nhà người quen”. Nó không nói lẳng lặng xuống xe, hì hục gỡ gấu quần cho tôi. Một lúc nó thở phào: “xong. Nhưng phải tốn công bỏ xăng vào giặt mới sạch được.” Tôi lúng túng: “Cám ơn anh. Hình như tôi biết rồi”. Nó trèo lên xe rồ ga chạy thẳng, phụt lại luồng khói đen khét lẹt. Tôi nhăn nhó kết luận: “Rõ đồ bất lịch sự”. Chừng vài phút, nó quay xe lại trước sự ngỡ ngàng của tôi: “ Này cầm lấy hai cái cặp mà cặp lại quần. Chứ bị lại không ai gỡ cho”.
Cúi xuống lúi húi kẹp lại ống quần, tưởng tượng ra cái mặt nhăn như bị của bà chị. Tôi đâm giận hết sức vì đã quên lời chị Lương để ra nông nỗi này. Lúc ngẩng lên đã thấy Lam biến mất. Đường phố vắng và nóng như rang.