Một
Tác giả: Nguyễn Thị Giang Châu
Gió cuốn là chạy rào rào ngoài sân. Trời căng mọng như da quả mận Đà Lạt, chỉ đợi có người chọc gậy vô là tuôn nước xối xả. Mấy cành cây khô rơi xuống mái tôn lốc cốc, kéo theo tiếng chim hốt hoảng gọi bạn.
Một lúc thì trời mưa. Sấm giật chớp lòe, ầm ĩ như một trận động đất. Chị Lương đi chợ về áo quần ướt nhẹp. Chị với tay cất áo mưa, loay hoay kiếm chỗ đặt túi đồ giữa đống màu của tôi đang bày đầy ra sân. Chị gắt: “Con khỉ con, lúc nào cũng bừa bãi”. Tôi cười: “Người ta đang làm nghệ thuật chứ bộ”. Tôi giơ bức tranh đang vẽ dở cho chị xem. Một bờ sông yên lặng với vài cánh buồm trắng lững thững trôi. Chị hỏi: “Sao không thấy cánh buồm đỏ thắm?” (Chẳng là tôi rất mê chàng hoàng tử trong “Cánh buồm đỏ thắm”). “Chưa. Bây giờ chưa cần hoàng tử để đón em đi nên chưa cần buồm đỏ”. Tôi phụng phịu: “Chị chẳng nhận xét gì cả” – “À, đẹp. Đẹp nhất là cái mặt mèo của em kia kìa”. Tôi ngoảnh mặt vô gương. Một con bé lọ lem nhìn tôi, hai mắt to và ướt long lanh. Cái miệng xinh chúm chím như sắp cười.
Mẹ từ bếp đi lên, chiếc tạp dề cột ngang bụng loam nhoam vết mỡ. Mẹ nhìn chị Lương âu yếm: - “Con đi chợ mua được gì?” – “Dạ, toàn đồ lặt vặt”. Chị lục túi đồ: “Con mua cho mẹ chai dầu gió. Còn út Ly , một bộ áo dài nè”. Tôi giãy nảy: “Ly hổng mặc áo dài đâu”. Chị Lương nghiêm mặt: “Út lớn rồi. Lên lớp Mười không mặc áo dài ai cho đi học?” Mẹ phụ họa: “Phải đó. Chớ không con thành con trai mất”. Mẹ nhìn ra ngoài trời trắng xóa mưa, lơ đãng: “Thôi hai chị em để đó về ăn cơm”. – “Còn ba?” – Tôi nhìn mẹ chờ đợi – “Chắc ba không về”. Mắt mẹ buồn hiu: “Chừng ba về ba ăn sau” – “Con thích ăn với ba”. Chị Lương suỵt khẽ. Tôi ngơ ngác: “Thiệt mà. Lâu rồi Út chưa ăn cơm với ba”. Chị Lương phát mạnh vào vai tôi. Tôi òa khóc. Mẹ dỗ: “thôi vô ăn với mẹ. Chừng ba về con lại ăn với ba hén”. Mẹ vội quay đi, đưa tay xoa mặt. Chị Lương thì thào: “Mày lớn rồi mà không biết gì hết. Ba mẹ đang giận nhau”. Tôi len lén nhìn mẹ. Thấy mẹ già và lo âu nhiều. Tôi ân hận: “Út đâu có biết”. Và ngồi vào bàn ăn, cổ họng đắng nghét. Bữa cơm nhạt và lạnh tanh. Ba ơi, giờ này ba đang ở đâu?
Mẹ giục: “Út ăn mau lên rồi chị Hai chở xuống nhà dì lấy quà”. Tôi hớn hở: “Quà đâu vậy mẹ?” Quên phắt chuyện nằng nặc đòi đợi ba về mới ăn cơm. “Quà Hà Nội – Chị Lương cười – Nhưng lúc nãy có đứa khóc nhè, không cho đi”. Tôi lại rơm rớm nước mắt. Mẹ la: “Con Lương cứ chọc em miết!” Và vuốt tóc tôi, khẽ thở dài.
Ngoài đường hơi nước mát lạnh. Bầu trời trong veo sau cơn mưa. Một vài ánh sao le lói sau những tán cây loáng nước như những ánh nhìn da diết. Xe chị Lương phóng vọt qua những vũng nước tù làm nước bùn văng tung tóe. Một ông già đạp xe ngang qua càu nhàu: “Đi với đứng, chẳng để ý đến ai cả”. Chị Lương quay lại giọng biết lỗi: “Dạ, con xin lỗi” và le lưỡi với tôi: “Người già bao giờ cũng khó tính thế”.
Chị Lương cho xe chạy tắt qua mấy con hẻm nhỏ và thắng lại trước một cánh cửa sắt phủ đầy hoa bìm bìm. Trong nhà, nhạc bật ồn ào xen với tiếng cười nói vui vẻ. Mây, em họ tôi thì thào: “Nhà có khách”, vẻ mặt rất trịnh trọng. Tôi và chị Lương vào phòng khách. Một bà to mập, sang trọng và một thằng bé trạc bằng tuổi tôi đang ngồi ở ghế salon. Trên mặt bàn bày la liệt hình. Thằng bé có vẻ chán. Cặp mắt sáng cứ đảo về phía cửa, tóc tai dựng đứng như một con nhím. Dì giới thiệu: “Đây là bác Hiền, bạn dì. Đây là Lam. Hai mẹ con vừa chuyển từ Bắc vô”. Dì nhấm một ngụm nước: “Đây là cháu Lương, cháu Ly, con chị ruột em”. Bà to mập gật đầu hơi khinh khỉnh, cặp mắt kiếng rơi tọt xuống đầu mũi. Tôi phì cười liền bị chị Lương đạp chân một cái đau điếng. Chị Lương lễ phép: “Tụi con vô chơi với bé Mây”. Dì dặn với theo: “Có thư của anh Hoài ở trên tủ. Lát nữa nhớ mang về cho mẹ nghe con”. Tôi đi vào nhà trong còn thoảng nghe tiếng dì thủ thỉ: “Bà chị em…lấy phải…không ra gì”. Tôi cau mày. Giọng dì rù rì rất khó nghe.
Chị Lương reo: “A, ô mai, ô mai nè Út”. Tôi lưỡng lự đứng ở cửa, tai nhóng ra ngoài. Dì đã nói sang chuyện khác. Tiếng bà mập cười và tiếng thằng bé ho lụ sụ. Mây ngạc nhiên: “Chị Ly sao thế?” – “Tao mệt – Tôi giả đò – Hôm nay trời mưa nên tao mệt”. Mây hỏi: “Chị Ly vô học trường nào?” – “Lê Hồng Phong” – “ Chị Ly giỏi thiệt. Toàn dân gớm mới được vào đấy. Mây vô Bùi Thị Xuân”. Nó chạy biến vô phòng. Một lát chạy ra khoe: “Hai chị coi em mặc áo dài đẹp hôn?” Con nhỏ đúng là mặc áo dài đẹp thiệt. Tóc lại kết bím cột nơ con bướm xinh xinh trước ngực. Mắt môi rạng rỡ.
Tự nhiên tôi đưa tay vuốt đầu. Mái tóc ngắn ngủn lởm chởm thụt ra thụt vô không ngay hàng thẳng lối đến tội. Chị Lương xuýt xoa: “Bé Mây dễ thương quá”. Tôi cũng bảo: “Xinh thiệt”. Mây phổng mũi: “Em mà vô Lê Quý Đôn mặc đầm xinh hơn nhiều. Chỉ tại thiếu có nửa điểm.” Và cười, khoe hai răng khểnh rất duyên.
Mây ghé tai tôi thì thào: “Anh Lam ngồi ngoài đó bằng tuổi mình mà chững chạc ghê hén? Vô đây học lớp Mười luôn đó chị Ly.” Tôi nhăn mặt: “Tao ngó nó lóe chóe thấy mồ”> Mây có vẻ ngượng: “ Nhưng đẹp trai hén?” – “Thường thôi. Đâu bằng thằng Trúc bạn tao.” Chị Lương tò mò: “Tụi bay nói cái chi đẹp đó?” – “Nói chuyện chị Lương – Mây cười giòn giã – bao giờ chị Lương lấy chồng? Tết này ngen?” – “Con khỉ. Có tiền không mà đòi đi đám cưới” – “Em đập heo!” Lương reo lên. Mưa chạy lao xao ngoài hiên, mỗi lúc một to hơn…
Khuya, tôi tỉnh dậy vì khát nước. đi ngang qua phòng ba mẹ thấy cánh cử khép hờ, đèn vẫn còn bật sáng, tôi đẩy cửa vào. Mẹ ngồi ở bàn viết, giật mình quay lại. Mắt mẹ đỏ hoe. Tôi tiến lại gần, giụi đầu vào ngực mẹ: “Mẹ khóc à?” – “Không. Con chưa ngủ à?”. Tôi thấy mẹ tồi tội: “Mẹ vô ngủ đi, không bệnh đó”. Mẹ gật đầu. “Đêm nay con ngủ với mẹ, nghe mẹ?” Mẹ lại gật và cúi xuống hôn lên mà tôi âu yếm. Nụ hôn ướt rượt.
Bảnh mắt Trúc đã gọi điện thoại inh ỏi. Giọng vỡ ra lào khào như vịt: “Tối nay rảnh không, tới nhà Trúc ăn tiệc”. Tôi chun mũi giả vờ lè nhè: “Mới sáng sớm đã gọi người ta dậy. Bộ giỗ ai à?” – “Vậy mà cũng đòi là bạn thân – Trúc tự ái – Người ta hôm nay tròn 15 tuổi rồi chứ bộ”. – “Á – Tôi ghẹo –Người ta lớn rồi mà Ly quên mất. Có cần Ly phụ gì không?” – “Không. Ly tới là vui nhất rồi!”.
Tôi hỏi mẹ nên mua gì tặng Trúc. Mẹ cười bảo tặng cái bóp cho nó đựng tiền. À không, một cái thắt lưng cho nó ăn mặc người lớn một chút. Tôi ừ hử, đi lang thang khắp chợ suốt một buổi sáng. Sau cùng tôi chọn một con búp bê bằng sứ có mái tóc in hệt tôi, đứng chỏng một chân trên chiếc piano cách điệu. Mỗi lần lên dây cót con búp bê lại xoay vòng theo điệu nhạc trong suốt, ngọt lừ.
Tôi khoan khoái bước ra khỏi chợ, tưởng tượng bộ mặt khoái chí của Trúc và mỉm cười sung sướng. Tính đến sinh nhật này đã bảy năm có lẻ tôi với Trúc quen nhau. Thời gian thật dài và thật mau. Dang thân thiết thế bỗng nhiên lên cấp ba hai đứa lại không học chung trường, không cùng đi trên chiếc xe đạp tọc tạch cà khổ của Trúc mà mỗi lần trèo lên Trúc lạo chọc tôi lùn và bò lăn ra cười.
Mải miên man, một chiếc xe máy phóng vọt qua, thắng kêu ken két. Tôi hốt hoảng “Á” lên một tiếng. Chiecs hộp lộn mấy vòng trong không khí rồi rớt bịch xuống đường, nắp hộp bật ra để lộ đống sứ vụn đủ màu xanh đỏ. Tôi nhăn mặt đau đớn, ngơ ngẩn không biết tính sao. Chiếc xe máy quay lại. Một giọng con trai Bắc đặc sệt cất lên: “Ôi, xin lỗi chị!” Tôi cáu: “Anh đi đứng thế à? Bể hết đồ của tui rồi!” Tôi ngẩng phắt dậy. Thằng nhỏ ngồi chống chân xuống đất, nhe răng cười. Tôi càng bực tợn: “Anh làm bể hết đồ tui còn cười” – “Chào bạn Ly!” Tôi giật mình, thì ra là cái anh chàng Lam ngồi ho lụ sụ, mặt mày cứ dáo dác nhìn ra cửa sổ ở nhà dì Nụ đây mà. Tôi xịu mặt: “Chào anh”. Nghĩ đến túi tiền rỗng không mà cho Trúc chưa có, mắt tôi lại rơm rớm, loay hoay không hiểu có nên bắt đèn Lam hay không. Cậu ta cười: “Hỏng đồ rồi. Lam đền cho”. Tôi vẫn nhăn nhó: “Nhưng hết con búp bê loại tóc ngắn này rồi” – “Thiếu gì!” Lam chở tôi đến một cửa hàng lớn trên đường Hai Bà Trưng, bảo: “Đấy, muốn lựa kiểu nào cũng có”. Thấy mặt nó vênh vênh, đâm ghét, tôi bảo chỉ lựa đúng cái nó làm bể thôi.
Nó cúi người xuống hỏi: “Ly khát nước không? Nắng toát mồ hôi đi ăn kem giờ là thú nhất.” Tôi lắc đầu quầy quậy: “Không, Ly kẹt giờ rồi!” Nhìn mặt nó tiu nghỉu tôi bỗng thấy tội nghiệp: “Chừng nào gặp lại Ly sẽ đi uống với anh nghen”. Tôi trèo lên xe, luồn lách qua con hẻm nhỏ và biến mất sau những mái nhà thẫm đen vì mưa. Không ngờ một trong những lời tiên đoán vu vơ của tôi thành hiện thực, mà về sau làm tôi hối hận mãi…
Hiền, Thục đứng đợi tôi ở cửa. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe vô, tụi nó đã ồ lên: “Đi trễ nè, phải phạt một chầu chè nghen”. Tôi chun mũi: “Đồ tham ăn. Đi ăn tiệc mà còn đòi ăn chè” – “Thì cũng phải phạt chớ, không mày làm eo đi trễ miết ai chịu cho thấu?” – “Trúc chịu Trúc hén!” Tôi bám vào Trúc vừa ở trong nhà bước ra. Trúc ngơ ngác: “Chịu gì cơ?” – “Là chịu hai đứa kia mời mình đi ăn chè há” – “Rốp liền – Trúc hưởng ứng – Nhưng giờ vô nhậu đã”.
Cả lũ ồn ào kéo vô. Nhạc bật xập xình làm căn nhà gỗ sơ sài chộn rộn hơn bình thường. Trên bàn bày mấy đĩa thức ăn lớn và một chiếc bánh kem hình cuốn vở gắn đủ mười lăm bông hồng. Thục khều tôi: “Đẹp không?” – “Đẹp chớ. Mày làm à?” – “Không. Tặng”. – “Ai mà sang vậy?” – “ Tiệm tặng bánh mình mình tặng lại nó tiền…Quá trình trao đổi chất mà”. Thục chúm miệng cười hi hi…
Bà nội Trúc đi ra. Bà ốm yếu, tóc bạc phơ. Chiếc áo nâu khoác trên người đã sờn hết cả vai. Tôi nũng nịu kéo tay bà: “Bà ngồi với tụi con, vui với tụi con nghen bà”. Bà móm mém: “Tao có ăn được chi mô mà mời.” “Chớ sao bà làm nhiều dữ vậy?”. – Tôi thắc mắc – “Bà làm cái chi. Con Hiền, con Thục bày ra đó.
Trúc đằng hắng: “Tuyên bố lý do nghe. Ngày này cách đây 15 năm có một con khỉ ra đời…” Hiền cười: “Sao giờ không thấy có đuôi?” – “Khoan đã. Sau một thời gian cần mẫn lao động cần cù bù thông minh và nhờ sự chăm sóc tận tình của các bạn, con khỉ đó đã biến thành thằng Trúc bảnh chọe ngày hôm nay!” Kết thúc bài diễn văn, cả bọn vỗ tay rầm rĩ. Bà nội chậm chạp lau mắt: “Tội nghiệp, may nhờ có các con. Chứ bố mẹ nó…” – Trúc gắt: “Thôi bà!” Bữa tiệc lắng lại. “Ăn đi chớ!” Tôi cố vui vẻ: “Liên hoan thế này, một tháng nữa mình vô cấp ba hết có dịp ăn chung vầy à nghe”. Cổ họng tôi tự nhiên nghèn nghẹn.
Thục, Hiền đã về từ lâu. Tôi phụ Trúc dọn đống đồ còn lại trên bàn, rồi hai đứa kéo nhau ra ngồi ngoài hiên. Cây mận trổ bông thơm ngát, nhưng phải lắng mũi mãi mới ngửi thấy được.
Trong bóng tối hai mắt Trúc sáng lênnhuw hai đốm lửa nhỏ. Trúc đề nghị: “Mở nghe nhé” và với tay bật dây cót . Con búp bê bằng sứ quay mấy vòng theo điệu nhạc du dương.
Trúc nói giọng buồn buồn: “Ba mẹ Trúc xa Trúc đã mười năm rồi. Bây giờ không biết mẹ đang làm gì”. Ba Trúc mất từ khi nó bốn tuổi. Một năm sau mẹ nó bỏ đi biệt vô âm tín. Nó ở với bà, lớn lên bằng này mà vẫn chưa một lần gặp lại mẹ. Tôi đánh trống lảng: “Sinh nhật này Trúc ước gì?” – “Ước mẹ về.” Tôi nghĩ là tôi cũng sẽ ước thế nếu như tối nay ba không về. Một tuần rồi, còn dài hơn cả thế kỷ nữa. Giọng Trúc xa xăm: “Mẹ Trúc sẽ về”. Tôi gắng cười: “Thế không ước tụi mình còn học chung à?” Trúc nắm tay tôi: “Vô đại học mình học chung vậy, Ly há!” Hai đứa yên lặng, lơ mơ ngó ra ngoài sân tràn ngập ánh trăng và bóng lá, se sẽ thở dài. Chỉ cần nghĩ đến phải mặc áo dài một mình đạp xe đến trường là tôi đã thấy phát phiền lên rồi.