Sáu
Tác giả: Nguyễn Thị Giang Châu
Sáng dậy trời vẫn lạnh và kèm theo mưa rây. Mẹ bắt chị Lương chở tôi đến trường. Từ hồi ba hay xa nhà mẹ cưng tôi hẳn. Lúc nào cũng làm như tôi còn bé hạt tiêu lắm.
Bọn con gái đạp xe phăm phăm trong mưa, gấu quần dính đất đen thùi lùi. Lúc đi ngang qua Nguyệt, Xuyến vẫy tôi rối rít: “Hôm nay bồ sướng nghen, có người đưa rước”. Tôi thanh minh: “Tại trời mưa chớ bộ” và cảm thấy cái lưng muốn gãy làm đôi vì không quen ngồi một bên. Tôi ngọ ngoạy, chị Lương gắt: “Ngồi yên không té xe giờ” – “Em mỏi” – “Thôi ráng chút xíu – Chị thương hại – Sắp tới rồi. Hai bạn em đó hả?” – Tôi quay nhìn tụi nó đang đạp xe chầm chậm phía sau. “Dạ. Con mập mập là Nguyệt. Đứa kia là Xuyến, bạn hơi thân của em” – “Mày sướng thiệt, lúc nào cũng có bạn thân – Chị tiếc nuối – Hồi đó tao cũng có nhưng giờ tan tác hết”. Tôi châm chọc: “Tại chị không biết giữ thôi. Còn than khổ cái nỗi gì”.
“Chết cha – Chị la làng – Mày không bận áo gió à?” – “Hì Út quên – Tôi cười cầu hòa – Nãy vội quá em quên” – “Coi chừng bệnh. Hay lấy áo chị mặc”. Tôi nhăn mặt: “Mắc gì em phải mặc. Chị lạnh chị mặc đi. Em hổng có sao hết”. Tôi khuỳnh tay, hùng dũng vô trường.
Lớp hôm nay như trổ bông. Đủ các loại áo ấm màu sắc sặc sỡ. Loay hoay cũng chỉ có mấy thằng con trai với tôi không bận áo gió. Nhìn ra ngoài trời bụi mưa phủ dày. Gió thổi lọt qua cửa sổ tốc hết sách vở, lạnh hun hút.
Lam dò hỏi: “Hồi hôm bánh ăn có được không?” Tôi đỏ mặt: “Lần sau muốn cười thì kiếm chỗ khác nghen”. Lam xịu mặt, lầm bầm: “Trời, ăn nói gì xóc hông vậy. Có ý tốt thôi mà”. Tôi hối hận vội vã sửa sai: “Cám ơn nhiều nhưng anh làm tôi sợ muốn chết”. Xuyến quay xuống góp chuyện: “Ly tưởng Lam thả con chuột lắt vô. Muốn cho thì cho trước mặt, còn vòng vo mãi”. Lam lấp lửng: “Ly ghê lẵm”. Tôi tròn mắt: “Là sao?” – “Ly hay chọc quê thấy mồ. Ai dám”.
Thấy giáo gõ thước lên bảng đánh cách. Xuyến rụt cổ quay lên sau khi thè lưỡi trêu Lam: “Vậy Ly mới trị được Lam chớ”. Thầy ra lệnh: “Lấy giấy ra làm toán nhanh”. Mặt Lam vẫn thần ra. Tôi giục: “Kìa!” – “Cái gì?” – Lam ngơ ngác – “Kiểm tra toán nhanh. Mau lên”. Nó uể oải rứt giấy. Thầy đọc đề bài. Lớp im phăng phắc, tiếng viết cạ vào giấy loạt xoạt. Tôi liếc sang thấy Lam vẫn chống cằm nhìn thơ thẩn cửa sổ. Tôi khều: “Sao không làm đi. Bài này dễ ẹc”. Từ đầu năm đến giờ, nói không phải khen, tôi với Lam vẫn luân phiên giữ kỷ lục làm toán nhanh và chính xác nhất lớp. Chỉ có điều lời giải của Lam bao giờ cũng độc đáo và ngắn gọn hơn của tôi.
Lam thì thầm: “Coi mấy cái lá rơi kìa”. Tôi kinh ngạc nhìn Lam, thấy mái tóc bàn đinh của nó đã mọc dài ra, phủ lờm xờm xuống vầng trán rộng và phẳng. Tôi lẩm nhẩm… 36,5… Sao tính căn lại lẻ thế này nhỉ? Thôi chết cha, mải nói chuyện tính lộn ngay từ đầu. Tôi ngẩng lên: Một, hai, ba, bốn… Xuyến là người cuối cùng chạy lên nộp bài. Thầy lại gõ thước đánh cộc thông báo hết nhận bài. Tụi nó về chỗ mặt mày tươi tỉnh và vênh vào. Lam dòm tờ giấy tôi viết dở trên bàn, thắc mắc: “Chưa làm xong à? Sao bảo dễ”. Tôi cay cú: “Tại anh tui mới làm lộn tùm lum”.
Thầy phát bài, nhận xét: Hôm nay bài dễ. Thật tiếc năm bài không ai trúng cả”. Thầy nhìn xuống bàn tôi: “Sao Ly với Lam không nộp bài?” Tôi cúi đầu im thin thít. Lam bẻ đốt ngón tay lốp cốp, nhổm đít dậy: “Thưa thầy trời lạnh đàu em mít đặc”. Tôi lừ mắt nhìn nó. May Lam nói nhỏ nên thầy không nghe thấy.
Mười lăm phút nghỉ giải lao giữa hai tiết, lớp không ồn ào như mọi hôm. Đứa nào cũng co rúm vì lạnh. Lâu lắm rồi Sài Gòn mới lạnh và lây phây mưa như thế này.
Tôi bắt đầu cảm thấy cóng tay, da gà nổi dượn lên từng đợt. Cổ họng đau buốt như vừa ngậm cả tảng đá bự. Xuyến kêu hoảng hốt: ‘Trời, mặt Ly tái mét. Mệt à?” – Tôi cười gượng: “Hơi lạnh chút xíu”. Lam cởi phăng cái áo gió trên người dúi vào tay tôi: “Mặc đi cho ấm. Tớ quen rồi. Lạnh thế này thấm gì so với ngoài Bắc”. Tôi thật thà: “Có thật là không có gì không? Vậy cho Ly mượn héng”. Tôi tròng áo vô, người bắt đầu ấm ran. Máu chạy điều hòa trở lại. Tôi xuýt xoa khoan khoái: “Áo anh Lam ấm quá”. Lam tủm tỉm: “Chủ sao áo vậy mà!” Tôi giả đò không nghe thấy, đánh trống lảng: “Anh Lam hồi này bày đặt mơ mộng nữa ta” – “Không phải. Nhưng thấy nhớ Hà Nội quá”. Lam mân mê cán bút xanh đỏ trên tay: “Không khí này hệt gần chớm đông Hà Nội. Lá bàng rụng đầy ngoài đường. Tụi Lam hay trốn học, đi lang thang qua đường Thanh Niên ở Hồ Tây. Ly biết Hồ Tây lần nào chưa?” – “Chưa. Nghe bảo đẹp lắm” – “Còn phải nói. Trời xám mọng. Nước trong hồ như bốc khói. Ngồi uống chè chén là nước trà đựng trong tách nhỏ đó, thú phải biết”. Tôi cười đùa: “Ngồi bên cạnh người Hà Nội mà không biết chút xíu gì về hà Nội thiệt chán há?” = “Ờ - Lam đồng tình – Khi nào Ly đi ới một tiếng Lam dẫn ra cho. Bạn Lam ngoài đó vô khối” – “Giờ còn liên lạc không?” – Tôi tọc mạch – ‘Ban đầu một vài lá thư. Sau lâu lâu gọi điện. Xa mặt cách lòng mà” – Ánh mắt nó buồn hẳn. Nó lôi trong cặp ra một tấm ảnh nhỏ chụp nhóm người trai có gái có. Tôi nhận ra mớ tóc dựng ngược của Lam ở phía bên trái. Mơ hồ nhận ra một Lam tình cảm khác hẳn Lam lấc cấc của ngày thường.
Cô giáo dạy Văn vô lớp và chép tựa bài lên bảng. Lưng Xuyến ngọ ngoạy trước mặt tôi là một tấm bình phong che chắn tia quét của cô rất tuyệt. Tôi để ý một con bé mặc chiếc váy đầm đen để lộ cặp chân dài tắng muốt và khuôn mặt xinh như một cô người mẫu đứng e thẹn bên Lam nhưng đứng lạc lõng giữa đám vui nhộn và bụi đời, Tôi hỏi: “Ai thế?” Lam kín đáo liếc tôi: “Bạn thân của mình. Xinh không?” Tôi làm mặt tỉnh queo dù trong lòng có gì gợn lên một chút: “Ừ, đẹp. Nói chung là chấm được” – “Bạn cùng trường. Hơn Lam một tuổi nhưng trẻ con lắm”. Lam kể cặn kẽ: “Không thông minh bằng Ly”. Mũi tôi nở phồng lên lại xẹp xuống để lấy đà cho sự nở tiếp theo. Tôi giả bộ ho khan. Lam tiếp tục: “Nhưng con gái hơn Ly nhiều”. Mát Lam ánh lên vẻ chế giễu. Tôi giật mình, tự nhiên nổi cáu: “Mắc gì ông đi so sánh chỉ với tui. Hồi nào giờ tui là vậy đó”.
“Ly, Ly. Kìa Ly – Xuyến gọi giật giọng – Cô kêu đọc bài nãy giờ kìa “. Tôi hốt hoảng đứng dậy làm hộp bút đổ xủng xoeng xuống đất. Cô hỏi: “Lam với Ly nói chuyện gì vui vẻ thế?” Tôi ngượng ngập không biết trả lời. Cô lại bảo: “Lam ngồi xích ra bên trái. Cô nghĩ trời lạnh nhưng mọi người vẫn có thể ngồi đúng vị trí và theo dõi bài được”. Cả lớp cười rần rật. Lam cũng cười tỉnh bơ. Mặt tôi đỏ rần, cầu đất nẻ mà chui xuống được. Trong bụng tức tối nghĩ, sao lần nào dính vô chuyện cái ông quỷ con này là y như rằng có chuyện xảy ra. Thật tệ!
Mưa cuối cùng cũng tạnh. Đường phố lớp nhớp lá và nước bùn đen bẩn. Tôi lơ láo trước cổng trường gần mười ba phút có lẻ mà vẫn chưa thấy chị Lương tới rước. Đám bạn đã kéo nhau về hết. Tôi tự bảo, đến người đàn bà thứ mười đi một mình một chiếc Cub chắc chắn sẽ là chị Lương. Nhưng rốt cục đã mười chín người đàn bà như vậy đi qua mà bóng chị vẫn mịt mờ tăm tích. Tôi tủi thân chỉ muốn bật khóc. May có cái áo của Lam nếu không tôi đã chết cóng.
Một chiếc Cub phóng vọt qua rồi bọc vòng lại bấm còi nhặng xị. Tôi nhận ra Lam đang toe toét cười, phô hàm răng đều và sáng bóng với cái lúm đồng tiền con con bên khóe miệng. Tôi mừng rỡ: “Ủa anh Lam chưa về à?” – “Chưa. Tại biết hôm nay có thể kiếm thêm được một việc làm” – “Việc gì vậy?” - Tôi tiu nghỉu vì thấy cơ hội nhờ Lam chở về giùm đã tan thành mây khói, đành hỏi cho lấy lệ. “Thật không biết hả? – Lam háy mắt – Là làm tài xế đó. Nào, bây giờ thì xin mời quý cô nương lên xe”. Tôi leo tót lên xe, rụt cổ vào áo cho ấm và cố nén một tiếng thở vào nhẹ nhõm. Lát sau mới sực nhớ: “Anh Lam mặc áo nè” – “Thôi khỏi – Lam tăng ga cho xe chạy vù vù – Ly cứ giữ mà mặc cho ấm”.
Tôi gạ chuyện: “Vụ đánh nhau hôm trước hai người lỡ tay thiệt à?” – “Không, tại…” Lam im bặt rồi bối rối: “Ờ, ờ lỡ tay thiệt”. Tôi nằn nì: “Kể cho Ly nghe đi. Ly hổng có nói cho ai nghe đâu” – “Không được – Lam lúng búng – Bây giờ chưa được. Mai mốt Lam sẽ kể cho Ly nghe”. Tôi hậm hực: “Mai mốt là bao lâu. Người ta cần bây giờ mới nóng sốt chó bộ”. Lam nhất định im bặt làm tôi cũng đâm ngại không hiểu mình có đòi hỏi quá đáng không, đành câm bặt.
Lam kêu: “Tới nhà Ly rồi kìa!” Tôi ngạc nhiên thật sự: ‘Ủa sao biết nhà Ly vậy?” – “Vậy mới là thám tử Sờlốc Lam chứ!”
Tôi xuống xe tức tối bấm chuông. Không thể nào tưởng tượng được, người ra mở cửa lại cính là chị Lương, mặt mày hớn hở, tai đeo phone, tay cầm quyển tiểu thuyết dày cộm. Vừa ngó thấy mặt tôi chị ớ người ra: “Chu cha chị quên. Đầu óc chị tệ thật. Chị cứ thấy thiếu thiếu cái gì”. Tôi giận dỗi: “Mẹ đâu?” – “Mẹ xuống dì” – “Hèn chi…” tôi nghẹn giọng, nước mắt bắt đầu chấp chới lên mắt. Chị rồi rít: “Cho chị xin. Tối nay chị đền Út một chầu chè nghen! Nghen!” Chị quay sang phân trần với Lam: “Út Ly ở nhà được cưng nhứt. Nhõng nhẽo như mít ướt vậy”. Tôi tự ái: “Nhõng nhẽo hồi nào đâu. Tại bụi bay vô mắt chớ bộ”. Tôi cởi áo gió đưa cho Lam, mặt vẫn còn nhăn nhó: “Đây là Lam, bạn ngồi cùng bàn với em” – “Chị nom em quen quen” – “Dạ chị gặp em ở nhà cô Nụ” – “À há. Cha, chút xíu chị quên, em vô nhà chơi” – “Dạ thôi em về. Trưa rồi. Chiều em còn phải đi học”. Tôi lí nhí: “Cám ơn nhiều nghe”. Lam tỏ vẻ bất cần: “Ôi ơn huệ gì. Vô tư đi. Tớ về đây. Em về đây chị”. Nói xong là phóng vọt xe đi, phụt lại một luồng khói khét lẹt và bùn bắn tung tóe.
Chị Lương nhận xét: “Thằng đó có vẻ quậy ghê”. Tôi gân cổ cãi: “Hổng có đâu. Nó chơi cũng được, tốt bụng với bạn bè lắm. lại học toán có cỡ trong lớp đó”. Chik Lương nhìn tôi chằm chằm: “Sao tự nhiên bênh nó chằm chặp vậy”. Tôi mắc cỡ: “Chị Lương kỳ, người ta làm việc thiện cho mình mình phải nói tốt cho họ chớ”. Trong bụng hơi ngạc nhiên vì thấy mình có thể chấp nhận cái kiểu vọt xe hơi bất lịch sự ấy của nó được.