Cánh Cổng Xanh
Tác giả: Nguyễn Thu Phương
Khó khăn nhất là chế ngự được cơn mệt mỏi và buồn ngủ để có thể tung mền bật dậy lúc đồng hồ báo thức ré lên inh ỏi, bởi đêm nào cô cũng thức quá khuya. Dậy được rồi thì mọi việc có vẻ trôi chảy hơn: vội vàng làm vệ sinh buổi sáng, tất bật thay quần áo thể dục và dắt xe đạp ra, khóa cửa căn phòng trọ nhỏ, cô thong thả đạp xe đi. Thường thì lúc đó, đồng hồ trên tay cô chỉ năm giờ mười lăm.
Căn biệt thự rộng lớn với tường rào bao bọc sơn màu nâu vàng nằm án ngữ góc phía đông khu quy hoạch mới, cổng xanh thường xuyên đóng kín. Kiêu hãnh nhìn ra công viên xanh mướt, chóp nhà thót lên cao với những đường vát cách tân mạnh bạo án ngữ khá ấn tượng tầm nhìn của cư dân xóm nhà thờ. Cô nhớ có lần ông bánh mì cột điện đã ác khẩu chỉ trích: thật phách lối khi cố ý xây đỉnh nhà cao xấp xỉ tháp chuông. Bà đeo găng đánh cầu lông trề môi phản bác: phàm đã có nhiều tiền cứ việc tiêu xài cho thỏa thích. Đa số những người khác ngắm nhìn ngôi biệt thự với vẻ ngưỡng mộ. Còn cô chỉ muốn nói: những cánh cổng xanh thường mở ra niềm hy vọng và hạnh phúc…
Cô xuống xe, bấm chuông và chờ. Giây lát, cổng xanh bật mở. Đích thân mẹ anh ta đón cô niềm nở:
- Châu à, con vô đây. Chờ anh Nhã một lát.
Cô dạ, dắt xe đạp vào dựng kế bên cây dừa kiểng thân màu vàng ngà, rồi đứng ở khoảng sân rộng mênh mông đúc bằng sỏi trộn bê-tông đẹp đẽ, nhìn vào khuôn cửa lộng lẫy ốp đá hoa cương đỏ rực, lấp lánh kính màu trà. Từ trong nhà, mẹ Nhã đẩy xe lăn ra. Nhã trên xe lăn nhợt nhạt với khăn len quấn vòng quanh cổ, áo khoác dài tay, quần py-ja-ma sọc dài nền nã. Đúng kiểu một cậu ấm nhà giàu kỵ gió. Cô bật cười:
- Bác bao bọc ảnh… kín mít như vầy, tập tành sao được.
Cô thấy Nhã cau mặt khó chịu. Bà mẹ phúc hậu và đẹp đẽ của anh ta mỉm cười dịu dàng:
- Kệ. Cứ vậy cho yên tâm, con ạ.
Rồi bà nắn nhẹ vai cô bằng bàn tay ấm áp của mình.
Ông bánh mì cột điện thồ lố mắt ngạc nhiên khi thấy cô chầm chậm đẩy xe lăn ra. Hai mẹ con bà bán thuốc lá đầu hẻm lỏng bước jogging, ngắm nghía họ bằng ánh mắt tò mò. Cô tiến vào công viên, đẩy xe theo lối lát gạch con sâu nhiều màu tới chỗ hồ phun nước. Ở đó có những cọc sắt trang trí xếp thành một hàng dọc ngay ngắn như lính duyệt binh. Bà đeo găng tiến tới, một tay xỏ găng cầm vợt cầu lông, tay kia không. Cười toe:
- Chào cậu.
Nhã khinh khỉnh quay đi khiến bà chưng hửng. Một đám những bà khác vội vã ngừng ngang những động tác mang đầy chất ngẫu hứng, hớn hở bu quanh, háo hức quan sát gã công tử bột ngự xe lăn. Những lời bình phẩm truyền tai náo nức lây lan. Nhã bám chặt thành xe đến căng gân cổ tay, quát khẽ cô:
- Làm ơn tránh xa chỗ này giùm tôi. Hừ, cả một đám rách việc, vô duyên.
Sự hiếu kỳ như ngọn lửa mới nhen bị dội gáo nước lạnh tắt ngúm. Bàn dân thiên hạ bực mình, nhanh chóng rã đám trở lại với việc của mình. Bà găng tay chơi cầu lông với ông chân rưỡi. Năm lady quần đen áo túi giơ tay giơ chân bất khả đồng đều, hít thở cùng nhau bên đám hoa ngũ sắc. Ông bánh mì cột điện lúi húi bán món ốp-la. Hai chị em cô hạt mít và hạt sầu riêng huỳnh huỵch chạy tới chạy lui. Anh bó giò hết hít đất lại trồng cây chuối. Mẹ con bà bán thuốc lá tiếp tục jogging. Từ phía nhà thờ, một cô chân dài xinh xắn xuất hiện trong short jean. Cô ta lao tới đánh đu nơi cây bàng, đong đưa thân mình với những động tác oằn oại khá quyết liệt. Tán bàng rung chuyển từng đợt như vũ bão. Dăm ba đứa dậy thì đá cầu tanh tách… Chẳng còn ai chú ý tới Nhã nữa. Cô dịu dàng:
- Bây giờ chúng ta tập nhé? Anh thử vịn tôi mà đi…
Xe lăn được cô đẩy tới sát những cây cọc sắt. Cô cúi xuống chìa tay, đưa vai cho anh.
- Cô điên hả, chân của tôi như vầy làm sao đi.
Cô ráng giữ lời lẽ nhỏ nhẹ:
- Thì mới phải tập. Chúng ta đều biết khả năng phục hồi đôi chân của anh rất cao. Và cũng biết nếu không chịu luyện tập, qua khỏi giai đoạn này anh sẽ chẳng còn cơ hội nữa…
- Cô khỏi cần dạy tôi.
Cô mím chặt môi, cố kềm cơn tức. Giống như cô đang phải dỗ dành một thằng "em-chã" lên ba khó tính. Vậy mà người mẹ trang nhã của anh ta đã vô cùng hãnh diện khoe với cô về hai, ba tấm bằng đại học, cao học của anh ta, khoe cả những bằng khen, huy hiệu đỏ chói cho những công trình sáng tạo mà anh ta từng thực hiện. Nhã ngước lên nhìn cô, bĩu môi:
- Gia đình tôi trả tiền để cho cô chăm sóc tôi, không phải để tôi bị hành hạ.
Nói rồi, anh ta nắm đến đau điếng đôi vai gầy của cô. Sự đau đớn làm cô quên cả nỗi ngượng ngập, xấu hổ do va chạm giữa hai người khác phái. Hai cái chân quặt quẹo trong py-ja-ma xám run lên bần bật, mồ hôi khắp người anh ta túa ra nhớp nháp. Anh ta cố nhấc mình. Cô hổn hển, ráng sức gánh đỡ thân hình vốn dĩ cường tráng.
Nhưng, sức ì quá lớn. Anh ta buông xuôi ngồi phịch trở lại mặt nệm với cú thở dốc:
- Tôi đau khủng khiếp. Thôi, thà què vĩnh viễn còn hơn.
- Anh thử làm lại lần nữa đi… – Cô nài nỉ.
- Cút!
Nhã gào lên, giơ tay xua thằng bé đen nhẻm thò lò mũi đang đứng gần đó, chò hõ mắt nhìn. Thằng bé hoảng hốt thối lui. Cô thật không thể hiểu, làm sao một bà mẹ thiên thần như mẹ Nhã lại có thể sinh ra đứa con cộc cằn đến thế. Với một giọng giận dữ tới độ rít lên, Nhã the thé:
- Tôi căm thù tên tài xế xe tải đã biến đời tôi thành tàn tật. Tôi căm thù đôi chân què này. Thà chết quách còn hơn.
Cô vỗ nhẹ đôi vai anh ta:
- Anh nói vậy cũng không giải quyết được gì…
- Cả cô nữa, cũng làm ơn cút luôn đi…
Cô nuốt sự tự ái, nuốt nỗi chán ghét, nuốt cả niềm khinh bỉ. Không có dấu hiệu gì cho thấy nơi người đàn ông trẻ này có sự lạc quan, đức tính tự tin và lòng kiên trì bền bỉ. Anh ta tiêu biểu cho kiểu trưởng thành từ cái nôi vàng son nhung lụa, bọc điều trứng nước. Nhưng mẹ Nhã nói khác. Theo lời bà, trước đây Nhã từng là một gã trai cương nghị, rất có ý chí phấn đấu. Kể từ khi bị tai nạn, rồi nằm viện, và xuất viện trở về nhà trên xe lăn, anh ta đã không còn là mình nữa. Người mẹ hiền dịu và vị tha ấy đã cầu xin cô hãy nhẫn nại, ôn hòa…
Nhã vẫn đang cáu kỉnh:
- Tôi đã nói với mẹ tôi rồi, có ba giải pháp…
Cố giữ cho giọng mình êm ái, cô nối lời anh ta:
- Một là sân vườn nhà anh rộng, không việc gì phải ra công viên tập để bị mọi người đổ xô chú ý. Hai là chính mẹ anh có đủ thương yêu và tận tụy để giúp anh. Ba là bố anh cùng chiếc xe hơi sang trọng và tay tài xế ngoan ngoãn, có thể chở anh tới bất cứ nơi đâu mà anh yêu cầu…
- Tôi ghét bị ai ngắt lời, và ra vẻ ta đây hiểu hết.
- Còn tôi thì ghét ai hèn nhát. Anh nên nhớ, tôi được trả tiền để làm việc, tôi phải hiểu rõ người ta yêu cầu gì. Tốt nhất, anh hãy thôi ngay cái trò trẻ con õng ẹo…
- Bởi vì cô không biết là tôi đang đau thấu tận xương. Cô không có lương tâm khi cư xử với tôi như vậy…
Nhã rên từng hồi dài, cúi rạp người xuống. Cô quỳ trước mũi xe, dịu dàng dùng đôi tay của mình xoa bóp nhẹ nhàng qua lần vải mịn hai bắp chân teo tóp của anh ta. Bàn tay cô hơi run nhẹ, lần đầu tiên cô làm việc đó cho một người con trai xa lạ, chưa hề quen. Bất ngờ, Nhã hất cô ra, lạnh lẽo:
- Tôi cóc cần ai thương hại.
Cô đứng bật dậy xoa tay, quắc mắt nhìn xói vào mặt anh ta. Nhã cố tránh ánh mắt dữ dội của cô, hạ giọng:
- Làm ơn đẩy tôi về nhà giùm đi…
Cô cười khô khan. Dùng hết sức bình sinh, cô hì hục lật mạnh chiếc xe lăn. Chiếc xe đổ nghiêng, bánh xe giơ cao quay tít. Anh ta ngã tuột khỏi xe, hực lên phẫn uất, bò lồm cồm lê lết. Vài người lập tức chạy tới, tưởng cần có sự giúp đỡ, nhưng cô bình tĩnh xua tay nói cám ơn. Khá vất vả lật chiếc xe lăn lại, cô đẩy nó ra thật xa khỏi tầm tay rồi đi tới gần, gỡ tuột khăn len trên cổ và áo khoác trên mình anh ta, quẳng lên bãi cỏ:
- Tôi muốn anh phải đổ mồ hôi vì luyện tập chứ không phải vì những lớp khăn áo này…
Nhã mắt vằn đỏ, cuống quýt sờ nắn khắp quanh mình:
- Cô muốn giết tôi…
Cô cười khẩy, rành rọt:
- Thứ nhất, sân vườn nhà anh tuy đẹp, rộng mênh mông và kín đáo, nhưng đã làm cho anh mau chán vì anh thấy quá cô độc; thứ nhì, bố anh rất bận rộn làm ăn, không thể có thời gian cho anh; thứ ba, mẹ anh chỉ bằng tình thương và sự dịu hiền, thiếu mất sự cứng rắn, không đủ để giúp anh. Cho nên mọi người mới phải áp dụng giải pháp cuối cùng này: là tôi.
Nói rồi cô cúi xuống xốc Nhã lên, từ tốn giải thích:
- Tôi muốn đỡ anh lại hàng cọc sắt kia. Anh sẽ vịn vào đó và vào tôi, để lần lần tập đi…
Nửa chống đối nửa tuân lời, Nhã mệt nhọc bám vào cô. Thật khó khăn, cả hai ì ạch lê tới đích nhắm. Vịn vào cọc sắt đầu tiên của dãy cọc, Nhã thở hào hển:
- Chẳng hiểu tại sao mẹ tôi lại đồng ý thuê cô. Cô nói nhiều, độc ác và đanh đá khủng khiếp.
Cô suýt bật khóc. Những lời của Nhã khó nghe quá đáng. Có thể anh ta chưa bao giờ biết nói năng lịch sự với một cô gái. Hoặc anh ta cho rằng cứ nói, mặc kệ người nghe tiếp nhận thế nào. Cô buột ra lạnh lùng:
- Mẹ anh đăng báo trả khá nhiều tiền cho công việc này, tôi đã cố hết sức để thuyết phục bà là tôi làm được.
- Vậy thì, – anh ta nhếch môi, cay nghiệt – ngay ngày mai tôi sẽ nói mẹ tôi đuổi việc cô, kính thưa cô-gái-ham-tiền.
- Tuỳ anh.
- o O o -
Nhưng Nhã đã không thực thi lời đe dọa của mình. Sáng hôm sau, rồi những sáng sau nữa, anh ta ít nói hẳn. Vẫn còn cáu bẳn và hằn học chút đỉnh mỗi lúc quá đau hay bị ngã, nhưng càng lúc anh ta càng chịu khó luyện tập hơn.
Những người xung quanh công viên cũng đã không còn làm cho Nhã thấy khó chịu nữa. Thậm chí bắt chước cô, anh ta đã bắt đầu thuộc và quen với dấu ấn riêng của từng gương mặt.
Hàng cọc sắt dài đã không còn là xa thăm thẳm với những bước chân chệch choạc cứ mỗi ngày mỗi vững vàng thêm. Chiếc xe lăn đã từ lâu không còn là “ngai vàng” để Nhã bám víu, ẩn náu, trốn tránh. Thuận theo lời mẹ Nhã khẩn nài, cô bỏ bớt công việc dịch sách thuê ban đêm, ghi danh học cấp tốc ngắn hạn một khóa vật lý trị liệu, để có thể xoa bóp và châm cứu cho Nhã theo đúng phương pháp. Bác sĩ đã nói không sai: nhờ luyện tập tốt, đôi chân Nhã tiến triển rất khả quan.
Một sáng, sau buổi tập nhọc nhằn đổ mồ hôi mồ kê, họ ngồi ăn bánh mì ốp-la chỗ ông cột điện, chuyện phiếm với bà đeo găng và ông chân rưỡi. Qua câu chuyện, họ mới khám phá ra ông chân rưỡi dễ mến hay cười là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào tập thể dục buổi sáng ở công viên này – ông đã trở thành tay quán quân cầu lông hạng khu phố với một chân rưỡi của mình; còn bà đeo găng sở dĩ phải đeo găng khi đánh vũ cầu vì bà bị bệnh phong thấp, thường xuyên đổ mồ hôi tay. Thỉnh thoảng, mẹ con bà bán thuốc lá jogging lướt qua cười toe cười toét với họ. Chị em hột mít và hột sầu riêng tròn trịa chạy ngang huỳnh huỵch. Mỹ nhân chân dài sau một thời gian làm khổ cây bàng đã đột nhiên biến mất không kèn không trống. Bộ năm lady quần bà ba áo túi vẫn cố thủ kiên cường bên đám hoa ngũ sắc, trung thành như nhất với bài thể dục ngẫu hứng tay không. Lúc ông chân rưỡi và bà đeo găng cắp vợt dắt díu nhau ra về, bất ngờ Nhã quay sang hỏi cô:
- Châu à, có bao giờ em nghĩ là tôi sẽ… yêu em không?
- Không. – Cô chẳng cần đắn đo, đáp tỉnh.
Đó là sự thật, điều này với cô hoàn toàn không hiện diện trong ý nghĩ và cảm xúc. Nhã ngạc nhiên:
- Có phải em mặc cảm. Nếu như tôi nói rằng: tôi không hề e ngại về sự… chênh lệch giữa hai chúng ta…
- Chênh lệch à. Chênh lệch ra sao? – Tới lượt cô ngạc nhiên.
- Anh biết hiện nay đời sống của em rất vất vả. Hoàn cảnh của em hết sức khó khăn. Em đang sống một thân một mình, nhà thì phải thuê để ở, người thân thì chẳng còn ai. Em phải vừa theo đuổi khoa Đông phương học, vừa làm cật lực để xoay xở… Đúng vậy không?
- Đúng. Thì sao. Không ai được quyền lựa chọn số phận của mình. Nói như anh từng nói: tôi không cần sự thương hại. Tôi sống được. – Cô bình thản.
Cũng dễ để Nhã biết được tất cả những điều chẳng có gì là bí mật đó, chính cô đã kể cho mẹ anh ta nghe, khi bà tỏ ý muốn biết. Mẹ Nhã, người đàn bà hiền dịu đoan trang, đức hạnh tới mức cũ xưa mà ngay từ lần gặp đầu tiên cô đã mê mẩn yêu quý. Chỉ là nghe kể lại, chứ chưa một lần Nhã tìm tới tận nhà để thăm cô, dù nhà cô cũng chẳng xa nhà anh ta bao nhiêu: đúng mười một phút nếu đi thong thả bằng xe đạp. Nhã nhún vai:
- Em là một cô gái ương ngạnh và vô lý.
- Khi anh nói những lời như vậy, anh trở lại đúng với mình hơn. – Cô mỉm cười, nhận xét. Và cô nói thật từ tốn. – Tôi nghĩ, vấn đề không nằm ở chỗ tôi mặc cảm với sự giàu có, sang trọng của gia đình anh, hay với học thức, địa vị xã hội của chính anh. Điều quan trọng là tôi không hề cảm thấy yêu anh.
- Em lúc nào cũng lắm lý lẽ. Tại sao không nghĩ: lấy anh, em sẽ có tất cả những điều mà bây giờ em không thể có.
Cô không trả lời, tỏ ý kết thúc câu chuyện bằng cách nhắc nhở Nhã đã tới giờ phải về. Mặt Nhã nặng nề, nhưng gắng kiềm chế để không nổi cáu. Khi cô leo lên xe chuẩn bị đạp đi, anh ta vừa khép cánh cổng xanh vừa nói:
- Em nên suy nghĩ lại cho kỹ.
Ừ thì suy nghĩ, nếu cố giả vờ yêu để được sống với mẹ Nhã chung một mái nhà, dám cô nhận lời anh ta lắm. Đã từ lâu cô quá thèm có một người thân, một người mẹ, một tấm chân tình. Nhưng xét cho cùng, cô không phải loại người giỏi sống dối trá, phỉnh phờ lâu dài. Rồi có lúc Nhã hiểu ra rằng: cô không bao giờ dành cho anh ta trái tim của mình, trái tim dù bệnh tật nhưng ghét và yêu phân định. Điều đó sẽ chẳng hề dễ chịu…
So với giao ước ba tháng mà mẹ Nhã đặt ra lúc đầu thì thời gian có bị trễ hơn: đôi chân Nhã được bác sĩ đánh giá đã trở lại gần như bình thường sau bốn tháng mười ba ngày cùng cô vất vả luyện tập. Cơ bắp quặt quẹo yếu ớt dạo nào đã hồi phục ở mức khó tin. Mẹ Nhã ân cần trao vào tay cô một phong bì dày cộp, gồm cả tiền công lẫn tiền thưởng. Bà ôm chầm lấy cô và để rơi trên vai cô những giọt nước mắt nóng hổi:
- Bác mang ơn và rất quý con. Chỉ tiếc con đã không nhận lời làm vợ con trai của bác. Nhưng cũng không thể trách, vì trái tim không dễ bảo…
Cô ứa nước mắt, cổ họng nghẹn lại. Cô không thể nói tuy cô yêu cánh cổng xanh hiền hòa, nhưng không thích phải trèo leo lên cái chóp nhà vươn cao kiêu hãnh xấp xỉ tháp chuông đó.
Cô nhìn thấy Nhã đứng xa xa, chỗ đặt cây đàn piano phủ khăn xanh biếc, đang bá vai bá cổ cô chân dài xinh xắn. Hình như vì tự ái, anh ta đã không một lời cảm ơn cô.
Vậy là từ nay cô sẽ không còn được thường xuyên gặp gỡ người đàn bà đôn hậu có nụ cười dịu hiền, ấm áp này. Sẽ không còn những túm chè ngọt, những nắm xôi thơm, những miếng bánh ngon… do đích thân bà nấu, bà làm và dành phần cho cô bằng cách treo lủng lẳng sẵn nơi tay lái xe đạp, để sau mỗi buổi tập luyện trở về, cô thích thú nhâm nhi thưởng thức. Sẽ không còn những lời hỏi han ân cần và cử chỉ dịu dàng chăm sóc mỗi khi bà thấy cô mệt mỏi, tái xanh, hốc hác… Từ nay, cô sẽ trở lại với công việc dịch sách và tài liệu ban đêm. Sẽ thức dậy sớm để tập luyện cho chính bản thân cô ở một công viên xa lắc xa lơ nào đó…
- o O o -
Tháng sau, nhờ sự giới thiệu của mẹ Nhã, cô nhận chăm sóc bán thời gian cho một bà cụ bị đau thần kinh tọa trong vòng sáu tuần rưỡi, việc học vật lý trị liệu và châm cứu của cô dạo nào tỏ ra khá hữu dụng. Cô vẫn cố duy trì việc dịch tài liệu nước ngoài, nhưng phải bớt đi dạy kèm. Bởi vì cô biết giới hạn sức lực của mình – giới hạn của trái tim.
Bảy tháng hai mươi mốt ngày kể từ lần đầu tiên gặp mẹ Nhã, cô đã dành dụm đủ số tiền cần thiết. Ngày thứ hai trăm ba mươi hai, cô loay hoay làm thủ tục ở bệnh viện, trở về chuẩn bị những vật dụng cần dùng rồi thanh thản nghỉ ngơi. Ngày mai, ngày thứ hai trăm ba mươi ba, cô sẽ chính thức nhập viện để giải phẫu, hy vọng chữa khỏi trái tim bệnh tật – trái tim đã đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng. Cô tin mình sẽ vượt qua, như đã nhiều lần vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, dù cô biết xác suất thành công năm thua năm thắng.
Năm giờ mười lăm phút sáng hôm sau, lúc mở cửa ra để bắt đầu một ngày mới, cô sửng sốt khi thấy trước mặt mình là mẹ Nhã với nụ cười dịu hiền tỏa sáng:
- Châu… Trời ơi, con xanh xao quá.
- Bác tìm con?
- Bác sĩ Khanh, bạn thân của bác đã cho bác biết về ca mổ tim của con. Bác rất muốn được chăm sóc con trong những ngày con nằm bệnh viện…
Trái tim cô thổn thức. Nếu chuyện thần thoại là những câu chuyện kỳ diệu về những bà tiên với kết thúc luôn có hậu, rõ ràng bà tiên của đời cô đã đến với cô từ cánh cổng xanh ấm áp… Cô nắm lấy bàn tay mềm mại của bà tiên, kéo vội vào nhà…