watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tấm gương bản ngã - tác giả Nguyễn Thu Phương Nguyễn Thu Phương

Tấm gương bản ngã

Tác giả: Nguyễn Thu Phương

Từ bao giờ tấm gương vẫn nằm ở đó, trên tường trong phòng ngủ. Mẹ gọi nó là tấm gương bản ngã. Ngày nhỏ, bản ngã là một từ tôi không hiểu hết ý. Như mọi đứa trẻ tò mò, tôi mất nhiều thì giờ săm soi để rồi nhận xét nó cũ kỹ đến mức cổ quái. Kiểu cũ kỹ của những món đồ cha truyền con nối. Vâng, tấm gương là của ông ngoại cho mẹ (do ông không có con trai), và trước đó ngoại được ông cố trao cho. Càng về trước đó và trước đó nữa thì thật tình không ai biết. Chắc cũng phải mười mấy đời. Nó trầy xước, đôi chỗ ố vàng. Nước tráng thủy tróc lở lam nham. Chính vì vậy nó nhận được sự quan tâm quá mức của mấy vị buôn bán đồ cổ.
Với tôi, tấm gương quá tệ nếu dùng để soi. Qua nó, tôi trông càng xí trai thêm. Tôi giống cha như tạc, mà (nói trộm vía cha) vẻ đẹp của đấng sinh thành ra tôi chưa bao giờ thuộc về hình thức. Tuy nhiên, tôi rất thương yêu và kính trọng cha. Thường khi đứng trước gương, tôi buồn bã tự hỏi vì sao mình phải chịu nỗi đau mất cha khi chưa kịp lớn (ông qua đời năm tôi mười bốn, vì một chứng bệnh hiểm nghèo). Còn một nỗi buồn khác. Hậu quả tệ hại từ một chuyện trời ơi xảy ra vào mùa hè tôi lên chín. Dạo đó, tôi có thằng bạn tên Quang cũng khá thân. Nhà Quang có xe bán nước mía lề đường. Trong một lần đến chơi, tài lanh giành với Quang công việc xay mía lấy nước, tôi đã bị cuốn cánh tay phải vào guồng quay. Trong cơn hoảng sợ tột độ, hai mẹ con Quang không tắt kịp moteur. Cánh tay tội nghiệp của tôi vì vậy đã bị ép dập nát tận khuỷu, hư hỏng nặng, không thể cứu chữa. Cuối cùng đành tháo bỏ. Tôi trở thành thằng “một tay rưỡi”. Biết bao đớn đau, rắc rối, khổ sở tôi phải gánh chịu từ biến cố đó. Ở trường, ở nhà, ở mọi nơi. Hơn hết, tôi đã làm cha mẹ đau lòng vì nỗi “đẻ con lành nuôi con què”.
Mẹ luôn nói tấm gương rất kỳ diệu, nó giúp người soi tìm lại bản ngã. Nhưng điều kỳ diệu sẽ chỉ xảy ra với mỗi người kể từ năm mười tám tuổi. Cha xác nhận lời mẹ. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của cha. Chuyện cái đồng hồ. Nó cũ, vì là đồ xưa. Một kiểu đồ vật cha truyền con nối khác. Với gương, người ta có thể treo trên tường nhà trong phòng ngủ, còn đồng hồ đeo tay thì phải đeo vào tay và đem cùng đi khắp đó đây. Mà cha tôi lại không ưa đồ cổ. Nhận được bảo vật gia truyền vào năm tròn mười tám, thay vì hãnh diện, cha không hứng thú đeo nó. Dưới mắt cha, nó cổ lỗ sĩ, thô thiển, xấu xí, quê mùa, gây cảm giác xấu hổ. Như mọi gã trai trong hoàn cảnh tương tự, cha giấu biến nó đi rồi báo với ông nội rằng nó đã bị thất lạc. Sau đó nội có la rầy cha, nhưng chỉ sơ sơ. Thời ấy, sắm được cái đồng hồ đẹp coi như có cả gia tài nho nhỏ. Nhiều người vẫn sống bình thường chẳng cần đồng hồ. Nhưng với cha thì đáng tiếc, ông đã đánh mất khá nhiều thời gian cho những chuyện vô bổ. Trải qua những năm tháng tuổi trẻ dông dài phí phạm, đến khi biết tiếc thì đã không thể lấy lại được nữa. Rồi cha gặp mẹ. Hai người thành vợ chồng, và cha có dịp soi vào tấm gương cũ kỹ ố vàng mầu nhiệm.
Không bao giờ cha gọi tên chính xác bản ngã đã khiến ông tỉnh hồn, đi tìm lại chiếc đồng hồ gia bảo. Giờ đây, khi đeo nó vào tay cha không còn thấy xấu hổ mà tự hào, trân trọng. Nó giúp cha biết quý trọng thời gian, biết nâng niu từng giờ, từng phút. Sau những tháng ngày lận đận trôi nổi với đủ loại công việc nhọc nhằn kiếm sống, cha trở thành thợ sửa chữa đồ điện tử. Cha làm việc cặm cụi, cần mẫn, tỉ mỉ. Tất cả vì cuộc sống và tương lai của tôi. Điều mà tôi còn lưu giữ mãi về cha là ánh mắt ông mỗi khi nhìn tôi, ngập tràn một nỗi niềm lo toan âu yếm. Ngày cha vĩnh viễn đi xa, chiếc đồng hồ được ông trao lại cho mẹ. Mẹ cẩn thận cất vào tủ, để dành đến khi tôi đủ mười tám tuổi.
Tôi mong sao mau đến cái ngày tuồng như xa xôi ấy. Tôi chờ điều kỳ diệu xảy ra khi soi gương. Tôi nóng lòng muốn biết bản ngã của mình “mặt tròn mũi dẹt” thế nào.
Ký ức in hằn kỷ niệm lần đi tắm sông cuối cùng với Quang. Tôi rất thường rủ Quang đạp xe ra vùng giáp ranh ngoại thành để tắm sông. Dù chỉ còn một tay rưỡi nhưng tôi bơi cũng khá. Không may hôm đó đang vùng vẫy giỡn hớt, Quang bị chuột rút giữa dòng. Nó đuối hơi sặc sụa, kêu cứu ầm ĩ. Tôi bơi vội đến, chìa cho Quang khúc tay phải cụt để bám, cố gắng dìu nó bơi vào bờ bằng tay trái còn lại. Do bơi một tay lại phải đeo thêm một trọng lượng ngang ngửa mình, tôi đuối dần. Mỏm tay cụt quá trơn nên Quang bị tuột ra hoài. Rồi, thằng bạn thân của tôi quyết định bỏ cuộc. Nỗi hốt hoảng dâng lên đầy ngập tâm não, tôi như ngộp thở, thân thể cứng đờ, run rẩy tận chân tóc kẽ răng nhìn Quang từ từ chìm xuống đáy nước ngay trước mắt. Mấy ngày sau người ta mới tìm thấy xác nó. Còn tôi ngã bệnh một trận thừa sống thiếu chết.
Qua cơn bạo bệnh, cha có cuộc nói chuyện nghiêm túc với tôi. Không cấm tôi tham gia “những trò vui thường có của thời trẻ dại” (vì ngày xưa chính ông cũng thế), cha chỉ chân thành khuyên tôi phải biết lượng sức. Cha lúng túng tìm lời tế nhị để nhắc tôi nhớ tôi không trọn vẹn. Ngay lúc đó, tôi đã giận cha ghê gớm. Bởi tự ái. Không cãi cha nhưng lòng thầm nghĩ, tôi đã tự làm được bao nhiêu công việc mà chẳng cần tay phải. Tai nạn bi thảm xảy ra đâu phải lỗi của tôi. Chính Quang mới là người không biết lượng sức.
Mãi sau này, tôi mới nhận ra cha đúng. Đó là khi tôi nung nấu trong lòng quyết tâm trở thành một kiến trúc sư tài hoa. Chẳng là, trước khi bị mất tay tôi vốn vẽ rất đẹp. Tôi thường mơ mộng sáng tác đủ mọi kiểu nhà trong những tranh vẽ thơ dại và non nớt của mình. Dán mắt vào chương trình Thế giới đó đây trên tivi, tôi hình dung một ngày tôi là tác giả của những công trình kiến trúc kỳ vĩ tuyệt vời, những kiệt tác để đời sẽ còn lại mãi với nhân gian. Tốn bao công sức nhọc nhằn khổ luyện để tập cầm bút bằng tay trái, cuối cùng tôi cũng vẽ được. Nhưng đường nét vụng về thô tháp, không thuận, không khéo léo, mềm mại, sinh động như vẽ bằng tay phải. Tay trái của tôi rõ ràng không có “hoa tay”, chỉ giỏi những việc cơ bắp. Giấc mơ trở thành kiến trúc sư tan vỡ như bọt biển, tôi đành xếp vào xó xỉnh quên lãng.
Mười bảy tuổi, tôi lớn nhanh đến nỗi chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên. Thoắt đó, tôi đã trở thành một thanh niên cao lớn, giống y như cha ngày trước. Bắt đầu những ngày mẹ đưa tôi đi kiểm tra sức khỏe. Người ta thử máu, chụp phim xương, khám mô cơ, kiểm tra hệ thống mạch máu, dây chằng, làm hàng loạt xét nghiệm đủ kiểu. Bác sĩ trưởng khoa giải phẫu là bạn thân của cha tôi ngày trước. Đích thân ông săm soi, xem xét, nghiên cứu rất kỹ không chỉ một lần khúc tay phải cụt của tôi. Trước đây, chính ông là người đã tháo bỏ phần cánh tay tôi bị dập nát. Để trả lời tất cả sự việc liên tiếp xảy ra – khơi gợi trong tôi cả ngàn thắc mắc, thay vì giải thích, mẹ bàn với tôi chuyện... bán tấm gương. “Con trai ạ, chúng ta hiện đang rất cần một số tiền lớn”, mẹ nói. Tôi biết, phải vì một lý do quan trọng và cấp bách lắm mẹ mới đưa ra đề nghị đó. Trào dâng nỗi tiếc xót trong lòng, nhưng tôi không thể không đồng ý.
Sau cuộc giải phẫu thành công kỳ diệu đến khó tin mà vị bác sĩ trưởng khoa là người mổ chính, tôi xúc động muốn ngừng thở khi lần đầu co duỗi những-ngón-tay-phải-mới. Từ nay, tôi không còn là thằng một tay rưỡi nữa. Mẹ nghẹn ngào vuốt ve cánh tay quen thuộc trước là của cha, giờ là của tôi. Thật lòng mà nói, tôi không quen được ngay với việc có lại một cánh tay, dù ở bên thuận. Tôi lạ lẫm với dấu chai thân thuộc ở ngón trỏ, chỗ cha hay tì mỏ hàn. Tôi bần thần mân mê vết sẹo sần sượng nơi ngón giữa, kỷ niệm cha bị đứt tay lúc cặm cụi đẽo cho tôi một cái chạc ná bằng nhánh ổi đem lên từ quê nội. Một vết sẹo khác hình đồng xu trên bắp tay mà tôi không rõ nguyên cớ. Và như không tin được, vẫn còn nguyên đó dấu trắng mờ mờ nơi cổ tay, khác biệt với màu da rám nắng của cả cánh tay, dấu vết của chiếc đồng hồ đeo lâu ngày. Giờ đây, tất cả dấu vết đó thuộc về tôi. Hơn ba năm được chăm sóc chu đáo, bảo quản kỹ lưỡng ở Viện Lưu trữ các bộ phận cơ thể người (nơi ứng dụng rất nhiều thành tựu khoa học tuyệt vời của y học nước nhà trong giai đoạn mới), cánh tay như vẫn đượm hơi ấm của sự sống, tưởng như chỉ mới rời cơ thể cha tôi vài phút trước đó. Tôi nhói lòng nghĩ tới những đớn đau cuối cùng của cha trong cơn hấp hối. Món quà ông để lại cho tôi lớn lao quá mức mà tôi có thể tưởng tượng. Nhiều ngày sau, tôi thấy mình vẫn còn lâng lâng.
Nhưng, những ngày choáng ngợp rồi thì cũng qua, niềm hân hoan từ từ lắng xuống. Tôi bắt đầu thấy khó chịu. Điều rất dễ nhận ra: Cánh tay khá dãi dầu, chẳng tương hợp chút nào với thân thể tôi đang buổi thanh xuân tươi rói. Tuổi tác một người thể hiện rất rõ nơi bàn tay. Những bàn tay lao động vất vả thường sẽ già trước tuổi. Trước khi làm thợ sửa chữa điện tử, cha tôi từng trải qua nhiều nghề, kể cả làm thợ mộc, phụ hồ... Ghép cánh tay cha, tay phải tôi trở nên dài và to, thô thiển quá nhiều so với tay trái. Thêm nữa, những vết sẹo chằng chịt ở khuỷu tay sau cuộc giải phẫu, dù được may khéo đến đâu vẫn cứ lồ lộ. Tôi bắt đầu xếp cất vào tủ những chiếc áo ngắn tay trước đây không ngần ngại mặc (dù trước đây tay tôi cụt). Tôi tránh để cùng lúc hai tay lên bàn. Tôi le lói mặc cảm về sự khập khiễng kỳ quái của mình.
Nỗi mặc cảm càng lúc càng sâu sắc. Nó khiến tôi chỉ muốn tháo bỏ quách phần cơ thể mới có. Nó làm tôi e sợ mọi ánh mắt chiếu vào mình. Ngay cả với mẹ tôi cũng hoang mang, tôi không chịu nổi ý nghĩ mẹ hiểu rõ hơn ai tôi đang tận hưởng niềm vui của sự chắp vá. Tôi xa lánh bạn bè. Dường như trong mắt họ tôi chỉ là một sinh thể “lắp ghép”. Học hành sa sút, lạc lối giữa mớ bòng bong rối rắm, tôi rút vào nỗi cô độc của mình. Tôi ghẻ lạnh ngay chính bản thân tôi. Càng ghẻ lạnh hơn khi khám phá ra hàng loạt thói quen trước đây tôi không hề có. Tôi ghẻ lạnh với mình vì nhận ra tôi không còn là tôi nữa. Tôi trải qua sinh nhật mười tám trong cơn ủ ê, nhận từ mẹ chiếc đồng hồ gia bảo, hững hờ đeo vào tay phải vừa vặn. Lòng tôi u ám.
Nhưng tôi không có cơ hội ở lâu trong cơn trầm uất trĩu nặng, bởi rốt cuộc mẹ đã đoán biết. Một sáng chủ nhật, mẹ khăng khăng đưa tôi tìm tới tận nhà người đã mua tấm gương. Ông là một họa sĩ nổi danh, có thú sưu tầm những món vật độc đáo. Mẹ khẩn khoản nài nỉ ông cho tôi được soi qua tấm gương một lần. Rất vui vẻ, họa sĩ đồng ý. Tấm gương được treo trang trọng trong phòng vẽ của ông. Cùng mẹ đến bên, tôi nhận ra nó vẫn như bao giờ, ố vàng cũ kỹ. Vẫn khung đồng chạm trổ hoa văn tinh xảo lốm đốm mốc trắng, ten xanh, xỉn màu. Vẫn nước tráng thủy tróc lở nhiều chỗ. Tôi soi, rất lâu. Căng mình nín thở, nghiến răng đợi chờ. Mãi vẫn không thấy sự kỳ diệu nào xảy ra. Tấm gương trơ trơ ngó tôi, tôi trơ trơ ngó bản mặt mình xầm xì trong đó. Đến khi mẹ kéo tay tôi, “ta về thôi con”, tôi giật mình bừng tỉnh. Lủi thủi theo mẹ ra về.
Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ. Tôi thấy mình trèo lên một cái cây cao, rất cao, rồi tôi bị tuột tay, ngã xuống. Tôi rơi uỵch trên đất đau điếng. Cánh tay phải đứt lìa, vọt bay cao lơ lửng, còn tôi co rút lại, nhỏ dần, nhỏ dần thành một thằng nhóc. Người ta khiêng đứa nhóc tôi vào bệnh viện. Dọc đường, chỗ tay cụt của tôi bị chảy máu rất nhiều, chảy mãi như không thể cầm, chảy đến mức tôi thấy cơ thể mình trong suốt. Cánh tay phải vẫn bay theo tôi, lơ lửng trên cao. Đến bệnh viện, người ta hối hả cắm những dây truyền máu cho tôi, từ chính cánh tay phải kia. Khi tôi mê man, bàn tay thô tháp đặt trên trán tôi lo âu, những ngón tay gân guốc dịu dàng vuốt ve mặt tôi, trong khi dòng máu ấm vẫn tiếp tục được truyền sang tôi, đầy dần huyết quản. Sắc diện tôi hồng hào trở lại, còn cánh tay thì tái xanh mệt mỏi... Thế rồi, tôi bỗng nhiên trôi tuột ra sông. Tôi kiệt lực chới với giữa dòng. Cánh tay sà xuống đỡ lấy tôi. Tôi chao đảo cuống cuồng. Cánh tay dìu đưa tôi vào bờ. Tôi bất tỉnh, cánh tay xốc tôi lên, êm ái như vòng nôi chở tôi về nhà. Hiện ra khuôn mặt của cha, ánh nhìn thầm lặng, tràn ngập niềm lo toan âu yếm. Đôi tay cha vâm váp rộng lớn, ôm trọn cả mẹ lẫn tôi. Tôi ứa nước mắt. Tỉnh cơn mơ, tôi vụt hiểu ý nghĩa của từ bản ngã.
oOo
Giờ đây, tôi nuôi lại giấc mơ thuở nhỏ của mình – trở thành một kiến trúc sư kỳ tài. Hiện tôi đang là sinh viên năm ba đại học kiến trúc. Điều kỳ diệu rốt cuộc cũng xảy ra: Cánh tay phải của tôi đang trẻ lại dần, tương hợp từ từ với cơ thể. Những ngón tay khéo léo với hoa tay tròn vạnh, đã giúp tôi thực hiện thành công rất nhiều đồ án. Tôi vẫn thường xuyên đeo chiếc đồng hồ cổ lỗ sĩ. Điều đó khiến cổ tay tôi có một cái ngấn mờ mờ trắng.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Thu Phương

Và sững lại ở đâu đó …

Trái tim không cần thay đổi

Tình cũ

SÂM CẦM

Quán Mưa

Phiêu linh trắng

Phía Tối

Ngôi nhà thủng mái

Một đêm với trăng

Mờ nhân ảnh

Làng Bè

Không dấu vết

Hội chứng cô đơn

Hoa sao nhái

Đức hạnh

Chuyện Ở Trăng

Chỉ cần nhìn thẳng vào mắt

Cây Lẻ Bạn

Cánh Cổng Xanh