Hội chứng cô đơn
Tác giả: Nguyễn Thu Phương
Hai đứa tôi nhìn nhau. Dường như khắp cả xung quanh, lơ lửng bao vây chúng tôi là những nỗi muộn phiền cô đặc, ám tối bi quan. Ánh ngày qua lưới thưa mụ mị âm u.
Những song sắt gỉ mạ đồng đẫm mồ hôi, mùi tanh tản mát. Nhánh lan phi điệp treo thả nơi mái vòm đong đưa vật vã. Chán nản, tôi và nó quyết định đứng lên. Bye thôi, hồn ai nấy giữ.
“Đi quán”. Thằng bạn rủ. Quán trong hẻm nhỏ, lọt thỏm giữa sân vườn mênh mông rộng bất ngờ. Lối đi uốn éo trải sỏi. Chuối thật trổ buồng, vịt giả bằng sứ cắm mỏ trong ao. Bảy phần phố ba phần quê, hay ngược lại? Hợp “gu” những người lãnh cảm với sự quen mắt.
Tâm trạng chán chường, tôi đang cần một chỗ ngồi. Miễn nhạc mở không quá ồn, miễn có người chịu nghe tôi.
- Sao rồi?
Thằng bạn nhướn mắt. Tôi ậm ừ:
- Vẫn là chuyện sếp.
Ừ phải. Các sếp muôn năm! Nó há họng, một nụ cười không âm vang. Tôi xì luôn chuyện của mình. Tôi và trưởng phòng không hạp nhau. Trưởng phòng mềm dẻo, ghê gớm. Tôi quá dư năng lượng để đốt cháy ra tro cả người xung quanh lẫn kẻ đối diện. Trưởng phòng tốt nhịn cũng có lý do, vì ông thuộc loại dốt trầm trọng. Bộ sưu tập bằng cấp đủ loại (có được bằng nhiều cách) chỉ có tác dụng trấn an chính ông. Nên càng về sau, tôi coi thường ông chẳng cần giấu giếm. Cao điểm là chuyện ký hợp đồng với hãng Z., một phi vụ quảng cáo béo bở. Tôi đang theo đuổi bên đối tác, gần tới đích thì bỗng trưởng phòng chen ngang, hạ giá bất ngờ, dù vẫn ký được nhưng gây thiệt hại cho công ty đến mức khó hiểu. Lẽ tất nhiên tôi bất bình, bỏ công sức để điều tra. Và tôi đã khám phá ra trưởng phòng vì tham chút “bánh ít” bỏ túi riêng đã đem dâng cả mẻ “bánh quy” ngon lành cho bên ấy. Nắm chắc bằng chứng, tôi lao thẳng lên phòng giám đốc như cỗ xe tăng hung hãn, và nổ bùng như động đất.
Sếp lớn nhếch môi, hờ hững: “Vậy hả?! Thôi cậu về đi…”. Xong ông cho gọi sếp nhỏ lên, thì thầm riêng tư gì đó, và vụ việc từ phân trâu dần dần hóa bùn. Còn tôi trở thành cái gai trong mắt cả hai sếp. Tôi chỉ còn biết gồng mình chịu đựng. Vậy rồi sáng nay, tất cả các hợp đồng lớn nhỏ tôi đang theo dõi bỗng giao lại hết cho người khác. Sếp nhỏ quả là thâm khi chọn cho tôi hình phạt kiểu đó. Tôi rảnh rang thừa thãi, mất phương hướng, rơi trong trạng thái cô đơn. Nhìn thằng bạn, tôi uể oải:
- Tao muốn nhảy sang nơi khác làm.
Thằng bạn tỉnh táo:
- Coi như mày trúng kế ông ta.
Tôi uể oải:
- Kệ. Còn hơn kéo dài tình trạng mệt mỏi này.
Thằng bạn cười buồn, gật đầu:
- Ừ. Chính tao cũng đang muốn bay đây.
Tôi trợn mắt, ngạc nhiên. Quái thật, nó ngược tôi, thần tượng sếp như bậc thầy. “Bà ấy vừa giỏi nghề, giỏi đối nhân xử thế lẫn giỏi làm sếp!”, nó thở dài đau xót. Tôi tin nó không nể phục ai vô nguyên cớ. Nhưng không phải ai cũng tin và đồng tình với nó. Mọi người trong công ty tẩy chay, kết cho nó cái án nặng nề: thờ bà. Họ đồn độc địa tới phát rùng mình. Đồn nó vo ve tiến thân bằng con đường làm... kép nhí. Họ xầm xì, mấy bà sồn sồn hồi xuân bây giờ thích trai tơ. Các ông có “chả”, các bà có “nem”. Mà là “nem” hảo hạng…
Sự thật, nó là người rõ sau cùng chuyện đời tư sếp đã ly dị chồng (sau vụ ông ấy “ăn chả”). Bà không con, đang sống cô đơn và khô khát như đập thủy điện mùa không mưa. Nhưng biết thì cũng biết vậy thôi, đời ai nấy sống. Vô tư vô tình nên nó vô lo. Nó không hề biết những lời đơm đặt hoài nghi đã bao trùm lên khắp công ty, ăn lan mạnh mẽ theo từng ơn mưa móc mà sếp hào phóng vung tay, lên tới đỉnh điểm lúc nó được bà hạ lệnh nâng hẳn hai bậc lương và đề bạt làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Tất cả đồng lòng nổi giận. Một số vị có tuổi có tên nháo nhác thở than, hờn dỗi. Sao được?! Thằng nhãi ranh mới ra trường ba năm. Bộ công ty hết người để tin rồi sao?
Chưa hết. Vẻ bề ngoài đầy cá tính của nó trước được bỏ qua, giờ mặc nhiên đính kèm những tính từ gây âm hưởng chói tai: gai góc, cứng đầu, nổi loạn… Về nhà than thở, nó bị ba má ra nghiêm lệnh: phục hồi cấp tốc tóc tai áo quần nhân dáng theo đúng chuẩn mực ông-bà-mình-xưa-nay-vẫn-thế. Nó thở dài với tôi: “Làm sao họ (các bậc đứng tuổi) có thể đồng tình được với tớ, khi giữa hai thế hệ là khoảng cách bằng từ mặt trăng tới sao Kim!”. Dọn tới phòng trọ sống riêng, nó cố gắng vượt qua cơn khó khăn. Nhưng tinh thần càng lúc càng rơi xuống nửa bên dưới của đồ thị hình sin. Hiện nay, nó khủng hoảng trầm trọng. Tóm lại: nó làm sốc người ta và bây giờ chính nó bị sốc.
Hai đứa tôi nhìn nhau. Dường như khắp cả xung quanh, lơ lửng bao vây chúng tôi là những nỗi muộn phiền cô đặc, ám tối bi quan. Ánh ngày qua lưới thưa mụ mị âm u. Những song sắt gỉ mạ đồng đẫm mồ hôi, mùi tanh tản mát. Nhánh lan phi điệp treo thả nơi mái vòm đong đưa vật vã. Chán nản, tôi và nó quyết định đứng lên. Bye thôi, hồn ai nấy giữ.
Lê lết trở về nhà, tôi đờ đẫn mở máy tính truy cập net. Tín hiệu online mời chào: thằng bạn cùng học phổ thông hồi xưa. “Hi. Khoe khong?”. Trời đất, tên này mà cũng có thời gian để chat! Nó hiện đang làm chủ một công ty tư nhân cũng thuộc loại ăn nên làm ra. Sáng đi ký hợp đồng ở Cần Thơ, trưa về thành phố, chiều đã bắt tay đối tác trên Đà Lạt. Tôi chấp nhận. Ý đồ của tôi là biến nó thành “thùng rác”, cần phải có ai để tôi trút sạch những tức tối. Không ngờ, nó sử dụng tôi với cùng một mục đích. Thì ra nó buồn vì cách nhìn của người đời với những dạng con cưng như nó. Vừa bước chân ra riêng đã được ông bà già giàu có đổ sẵn cho một nền bêtông cực kỳ vững chắc. Nên bây giờ dù làm ăn ngon lành tới đâu thì cũng không ai chịu tin nó giỏi. Thật đúng là nỗi buồn quý tộc, buồn theo kiểu “người giàu cũng khóc”.
Thoát khỏi mạng, tắt máy, khóa cửa nhà, tôi lê xác tới rạp chiếu phim. Đây là lần đầu tiên tôi đi coi phim trong tình trạng không có chỗ để đi, và không có ai để bắt cặp. Vậy nên tôi dễ dãi mua vé vào xem lúc phim đã chiếu được hơn nửa tiếng. Đại khái, phim mô tả một người đàn ông mắc phải chứng bệnh khá lạ: hoang tưởng môi trường. Một kiểu cô đơn cực đoan. Từ chuyện bình thường như rác thải, tiếng ồn, bụi khói xe, cho tới tinh thần: ô nhiễm văn hóa nghe nhìn, văn hóa đọc, văn hóa trong đối nhân xử thế, và vĩ mô hơn: ô nhiễm nhân tính, sự phi lý của chiến tranh, vấn nạn bạo lực trong xã hội tư bản, đói khổ tụt hậu ở các nước nghèo, sự pha tạp những hệ tư tưởng, phôi phai bản sắc…
Ấn tượng mạnh nhất phim để lại trong tôi chính là hình ảnh… một cái nút áo, của một trí thức trẻ làm ở một công ty đa quốc gia. Anh ta bóng bẩy từ đầu tới chân, chỉn chu, hoàn hảo toàn phần, chỉ trừ một nút áo sứt sẹo, cố tình nham nhở. Nút thứ nhất từ trên xuống của áo veston, nằm ở vị trí dễ thấy nhất: ngay giữa ngực. Theo các tác giả của bộ phim, điểm nhấn ấy tượng trưng cho vấn nạn ô nhiễm. Nó như cái nhọt ung mủ trên một cơ thể khỏe mạnh không tì vết.
Nhưng tôi không thấy vậy. Tôi cho cái nút áo đó chính là biểu hiện của hội chứng cô đơn, mệt mỏi đương đại. Gã trí thức trẻ đó nhiễm căn bệnh giống tôi, giống đám bạn tôi, giống một lớp người trẻ đô thị đang bị cuốn vào những bánh răng của cả một guồng máy lớn. Gã ta dường như chất chứa ngầm trong máu nguy cơ nổi loạn, ý muốn tự tạo ra những dấu hiệu riêng, đặc biệt. Để làm khác mình, nhằm phân biệt một cái tôi giữa nhiều cái tôi. Nhưng xã hội nói chung, và quần thể cộng sự quanh gã ta (quanh chúng tôi) nói riêng đã cố ý hiểu sai theo một hướng không xác đáng. Họ cần gì? Một sự nền nếp, sạch sẽ thuần nhất, đồng bộ, rập khuôn máy móc. Một sự hòa tan, trộn lẫn, đánh đồng vào nhau. Các sản phẩm dây chuyền hàng loạt đã bị cười khẩy từ thời đại tân kỳ của Charlie Chaplin, rồi tới nay vẫn còn lạm phát. Hội chứng nhà kính, vô trùng, vô khuẩn. Những người muốn khác đi sẽ nhận được gì? Ánh mắt ghẻ lạnh, nụ cười khinh bỉ, coi thường: đồ lập dị, ô nhiễm.
Tan suất phim, đèn bật sáng. Tôi nhận ra rạp khá đông người xem. Mỗi người nhặt ra từ phim những tư tưởng khác nhau. Đôi ba người trẻ khúc khích bàn luận về mắt môi, chân cẳng, ngực nghẽo, phấn son… Một cô gái chạm mặt tôi ngay cửa. Nhận ra cô bạn học cũ, đủ quen tới mức tôi có thể rủ đi quán.
- Anh chán. - Tôi than thở.
- Em biết. Em cũng vậy. - Cô bạn đăm chiêu hưởng ứng ngay.
- Tại sao?
Cô bạn nhún vai:
- Bởi vì em luôn thấy mình vô dụng. Không thuộc về đâu, mà cũng chẳng cần cho ai. Sống vậy, thà chết cho xong!
Quái quỷ, hình như có một thứ “virút u ám” gì đó đang lan nhanh trong cộng đồng những người trẻ tuổi.
Cô bạn nhún vai: Em thất nghiệp.
- Thất nghiệp? Vậy mà em... rảnh rỗi đi coi phim?
- Vậy chứ anh bảo em làm sao? Phải khóc ư, hay tự tử? Hay phải cuống quýt lên với hàng đống hồ sơ, để xin bằng mọi giá vào bất cứ đâu, để làm bất cứ công việc gì…
Tôi gật.
Cô buồn:
- Nói cho ngay em cũng từng trải qua đủ các món rồi. Em rao mình trên báo, lê la khắp các trung tâm giới thiệu việc làm. Chỉ vài năm, em trôi qua mười mấy cơ hội thử việc. Em có thừa kinh nghiệm về chuyện bị sếp quấy rối tình dục. Em tận mắt chứng kiến những trò chung chi, tệ nạn ăn và đưa hối lộ. Em quá rành mấy trò gian lận, mánh lách thuế của các doanh nghiệp… Bây giờ em bỏ cuộc, em trở lại làm dây tầm gởi, sống bám gia đình. Ăn học cho nhiều, tưởng nên cơm nên cháo. Ai ngờ… Chán, buồn, mệt mỏi, bế tắc, cô đơn… Em phải làm sao đây anh?
Chia tay, tôi dúi cho cô địa chỉ công ty của thằng bạn con nhà giàu cô-đơn-trong-nỗi-thành-đạt, dặn hãy tới. Cứ thử đi, em. Biết đâu cánh cửa cuối cùng chính là cửa mở vào thế giới. Cô lẳng lặng cảm ơn, ánh mắt lơ đãng. Thấy rõ cô không tin mẩu giấy của tôi sẽ là cơ hội. Tôi hiểu khi thất vọng quá nhiều, người ta trở nên chai sạn, đa nghi, hờ hững.
Gặp cô, tự nhiên tôi thấy mình còn may. Bởi vì tôi chưa bao giờ bị thất nghiệp. Chưa từng trải qua những thăng trầm… Xong đại học, xin việc, tôi được chọn ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên. Việc tôi làm đúng với nghề đã học. Lương tôi ổn. Vậy còn đòi hỏi gì nữa? Trong cơn phấn khích, tôi tự mắng mình: phải quay về công ty đương đầu với sếp nhỏ, quyết không chịu thua. Bỏ đi lúc này, khối kẻ sẽ tha hồ cười vô mặt. Phải đấu tranh. Phải làm cho ra lẽ.
Đúng lúc tâm trạng đang rất bốc, tôi gặp nó ở ngã tư. Thằng bạn mới vài tháng trước được chọn tham gia chuyến đi tuyệt vời trên tàu thanh niên quốc tế. Đi giáp vòng mười một nước châu Á trong sáu tuần. Trước đây ở trường đại học, chúng tôi gọi nó là Cối Xay Gió. Một điển hình chuyên bao thầu trọn gói những… vụ việc bao đồng. Ngoài sự hăng hái tích cực, nó còn nổi danh vì thánh thiện như thiên thần.
Tôi quay đầu xe, tấp vô lề. Nó giao cây cờ nhờ đứa khác làm thay, chuyện gẫu với tôi năm phút. Đã quá hiểu nó, nhưng tôi vẫn thắc mắc:
- Bộ ông rảnh quá, không có việc gì làm sao mà ra đường đứng?
Nó cười, nụ cười quen thuộc của kẻ bao đồng:
- Bận lắm. Nhưng ráng thu xếp thì cũng còn thời gian.
Cối Xay Gió kể, trong chuyến Á du vừa rồi nó đã được đi rất nhiều nơi, tai nghe mắt thấy đủ điều. Đúng như câu đi một ngày đàng… Chăm chú nhất là chuyện giao thông ở xứ người. “Thấy rõ dân mình không tự giác”. Nên sẽ phải từ từ xây dựng, từ từ khuôn khổ, từ từ nhắc nhở, từ từ vận động, từ từ kiểm tra… Rồi từ từ gặt hái.
Và nó buông lời cảm thán:
- Mình tự nguyện tham gia việc này, lắm người cho là… điên. Ngay chính người thân trong nhà cũng trách: việc gì mày cứ phải lăn lê bò toài ra đó, đã có người khác lo. Nhưng hỏi cậu, người khác là ai?
Người ta bảo nó thích chơi nổi, thích ra vẻ ta đây. Một phiên thể khác của hội chứng “tại sao không ai hiểu tôi”.
- Thôi kệ, miễn thấy đúng thì cứ theo. - Cối Xay Gió quả quyết.
Sáng hôm sau tôi đi làm, tình hình vẫn không có gì khả quan. Mọi người y lệnh trưởng phòng, tiếp tục lơ tôi. Tôi phớt, dành thời gian rảnh ngoài ý muốn viết ra một truyện ngắn, lên tiêu đề khá căng thẳng: “Hội chứng cô đơn”. Sau đó, tôi gởi qua e-mail đồng loạt cho rất nhiều địa chỉ, cả trong lẫn ngoài công ty. Thậm chí tôi không chừa cả ban giám đốc.
***
“Hội chứng cô đơn” sau đó được một người bạn khác của tôi dựng lên thành website, tương đối được giới trẻ quan tâm. Bàn luận khá sôi nổi. Những người lần đầu truy cập, câu hỏi đầu tiên luôn là: “Kết quả cuộc đấu tranh giữa anh và sếp nhỏ cuối cùng ra sao? Ai thua ai thắng? Anh ở lại hay là… ra đi?”. Một số khác thì suy đoán: “Sếp lớn giựt dây sếp nhỏ bày trò kiếm chác, ăn chia. Anh thua chắc!”. Vậy là tôi tung ra sáng kiến: “Mời dự đoán đoạn kết truyện ngắn chủ đề”. May mắn tôi cũng xoay được ba nhà tài trợ, một nhà sản xuất bút bi, một hãng thời trang trẻ và một công ty du lịch lữ hành. Giải thưởng được treo vô cùng hấp dẫn: một chuyến xuyên Việt xả xú-páp.
Ngay trang đề từ của cuốn sách “Tâm hồn cao thượng”, tôi tóm được một câu tổng kết khá hay ho: “Hãy sống ở thể chủ động, ở cách khách quan, ở thì hiện tại, ở ngôi thứ nhất. Và hãy chọn động từ: yêu thương”. Hình như tôi đã tự tìm được thuốc chữa cho căn bệnh cô đơn. Bạn đừng cười khi nghe tôi tiết lộ thêm, dạo này tôi đeo nơi vành tai bên phải một chiếc bông hình ngọn lửa. Tự tay tôi thiết kế, mô phỏng theo cái nút áo sứt mẻ đầy ấn tượng của tay trí thức trẻ mà tôi đã thấy trong suất phim ơ hờ dạo trước. Người khen, kẻ chê. Tôi đơn giản nghĩ mình sẽ không bao giờ bị hòa tan, để rồi biến mất.
Nếu bạn từng đưa người thân đi thi đại học trong mùa hè vừa qua, có thể bạn đã gặp tôi trong đội quân “Tiếp sức mùa thi”. Với chiếc áo xanh nổi bật hàng chữ trắng, nón tai bèo đúng mốt, phù điêu ngọn lửa đeo một bên tai, tôi cùng đám bạn hỗ trợ cho các thí sinh dự thi đại học bằng nhiều chiêu thức vô cùng hiệu quả... Thú thật ban đầu tôi chỉ miễn cưỡng nhập cuộc do bị Cối Xay Gió rủ rê. Nó tuyên truyền sôi nổi quá, có lý quá, khiến tôi không thể từ chối. Nhưng khi đã nhận lời, tôi cũng không thấy phải hối tiếc. Dĩ nhiên đã có không ít người lãnh đạm trề môi: “Một lũ ôm rơm rặm bụng, ăn cơm nhà đi vác ngà voi”. Hội chứng cô đơn, tôi biết. Nỗi cô đơn thánh thiện của lòng tốt, cô đơn vì trót chọn một cách sống tử tế, ủng hộ cái đúng và phản ứng với cái sai.
Dù sao tôi vẫn sẽ đi tiếp con đường mà mình đã chọn.