Một đêm với trăng
Tác giả: Nguyễn Thu Phương
Thực điện thoại bảo cô xuống ngay, cô nói "em mệt, muốn ngủ". Thực cười, "ngủ nghê gì em ơi, chỉ còn đêm nay nữa thôi mai về nhà tha hồ ôm gối, đời người được mấy nỗi, sao em tốn vào chuyện ngủ nghê lắm thời gian thế". "Em mệt thật", cô uể oải đáp. Ban chiều, trong buổi tiệc chiêu đãi chia tay, cô uống hơi nhiều nên đầu váng vất. Nhưng Thực đã chuyển điện thoại qua sếp, và lời rủ rê mời mọc bỗng hóa thành mệnh lệnh, kiểu không đi không được.
Trong xe, sếp ân cần hỏi cô ưng đi đâu. Giọng sếp thủ thỉ dịu dàng, như muốn chuộc lại lỗi lầm đã ép cô đi chơi vào lúc mà cô chẳng thiết tha. Cô bóp trán suy nghĩ, sực nhớ vùng này có một doi đất ăn ra biển, trên đó vị vua nức tiếng ăn chơi từ thuở xa xưa có cho xây một tòa lầu để đón gió, thưởng trăng - đặt tên là lầu Nghinh Phong. Trên dải đất xinh đẹp có vòng bờ biển dài hơn nửa chu vi này hình như không chỉ có một cái lầu Nghinh Phong kiểu ấy, thậm chí ngay ở miền Trung đã đến mấy cái. Nhưng có lẽ đây là tòa lầu cổ được người hậu thế cẩn trọng tu bổ và chăm sóc kỹ lưỡng nhất - để nhằm khai thác du lịch. Cô kể với sếp, sếp gật gù, ra lệnh bác tài lái thẳng đến đó. Thực hỏi:
- Có gì hay không em.
- Có gió, có biển, có núi, có trăng. Thế đã đủ chưa?
- Tuyệt. Chúng ta cùng đi ngắm trăng, hôm nay may quá lại đúng ngày rằm - Sếp gật gù. Rồi sếp vừa đọc thơ vừa kể chuyện Lý Bạch say rượu yêu trăng đến nỗi cứ nguyên xi quần áo mà nhảy xuống hồ, để ôm trăng cho thỏa. Giọng sếp truyền cảm thấm đẫm từng câu thơ, cô nghe cũng thích. Thấy cuộc đi chơi hóa ra cũng đáng. Ai ngờ dáng vẻ sếp bệ vệ mà tâm hồn sếp cũng đa cảm quá.
Xe dừng ở ngoài, bác tài ở lại trông xe, cả ba xuống đi bộ vào trong. Dọc lối đi, hàng cây duối cắt tỉa gọn gàng vuông vức, xi-măng sạch sẽ phẳng phiu. Đèn vàng leo lét mấy ngọn làm sếp hồ nghi:
- Em có nhầm không, khu du lịch kiểu gì mà vắng tanh vắng ngắt, lại tối om om.
Cô lắc đầu, "em không nhầm". Đang đi, bỗng trăng tuột ra từ tấm khăn mây, sáng như đốt trắng cả đêm mùa hè. Bọn ve hoan hỉ ré lên khúc hoan ca nhiều bè náo nức. Sếp lấy lại hăm hở, thúc giục:
- Nào, đi nhanh lên chứ.
Thực quay sang cô:
- Em cũng lãng mạn ghê, chuyến công tác chỉ bằng ấy thời gian, vừa công việc vừa giao tiếp lu bù mà cũng moi ra được những chỗ hay ho như thế này để thưởng thức.
Cô nhún vai:
- Em thì hay ho gì, cả đời chỉ ngủ - Nói xong cô tự thấy mình hơi ăn thua, một kiểu cay cú không nên có trong một đêm trăng chỉ cần thanh thản tâm hồn để ngắm.
Sau khúc quanh, con đường dừng lại đột ngột. Cầu thang dẫn xuống sâu hun hút, hai bên hai hàng phượng cành gầy không lá chênh chao. Ở đoạn này bọn ve càng ra rả dữ dội hơn, và trăng càng sáng hơn như nuốt lấy đêm đầy gió. Sếp lướt mắt qua những bậc thang, quét xuống những nóc lều và đám cây lá rậm rịt tối om bên dưới. Bờ biển hiện ra thấp thoáng, vắng như sân khấu lúc vãn tuồng. Một nhân viên bảo vệ của khu du lịch đeo bảng tên và băng tay lảng vảng gần đó, sếp vẫy lại hỏi han. Vỡ ra thông tin nhà hàng bờ biển của khu du lịch mùa này không phục vụ ban đêm, do không có khách.
- Thôi, đi về - Sếp dợm quay lưng.
- Về bây giờ sao? - Cô ngạc nhiên.
- Không về thì dắt díu nhau mò xuống cái doi đất vắng như chùa bà đanh ấy để ngồi không mà nhìn nhau chay ư? - Sếp nhăn.
Cô vẫn không hiểu:
- Vậy chứ anh muốn gì, chúng ta cùng đi ngắm trăng cơ mà.
- Cô này ngốc thật, ngắm trăng thì cũng phải có tí bia bọt nhấm nháp cho nó ngọt môi, ai đời lủi thủi ngồi trơ ngắm suông trong xó tối - Sếp càng cáu.
Ra vậy. Cô ngỡ ngàng tiếp nhận một quy tắc mới: không có bia thì không thể ngắm trăng. Các nhà thơ của thì hiện tại không hiểu đã có ai so sánh màu vàng của trăng với màu của bia sủi bọt lên cơn chưa? Thì đấy, Lý Bạch ngày xưa không có rượu hẳn đã không say, phàm không say chắc đâu đã dám nhảy xuống hồ mà ôm trăng, yêu trăng thành giai thoại. Thực khều tay cô, "em làm ơn, ngoan hộ anh một tí". Nhưng cơn gàn của cô đã bốc lên, không kìm được nữa:
- Mọi người không thích cứ về trước đi. Em ở lại đây về sau, khỏi phiền ai hết.
Và cô xăm xăm đi xuống những bậc thang. Ba mươi mốt bậc không đều nhau. Có ba bốn chỗ làm người ta hụt chân với cao độ bất thường. Thực hối hả xuống theo cô, suýt ngã dúi vì mấy chỗ bất thường ấy. "Em quay lên ngay, đừng làm sếp cáu", anh năn nỉ tha thiết. "Anh sợ thì cứ quay lên", cô lạnh lẽo.
Nhưng xuống hết ba mươi mốt bậc thang và lội hết lối cát ngập chân, ra đến vịnh biển thì cô trôi sạch hứng thú. Trăng sáng rợn người và gió mang hơi muối mặn lùa đầy trong tóc. Mùi biển ngằn ngặt. Nhờ trăng cô thấy rõ mồn một đám vỏ lon vỏ đồ hộp vỏ cua vỏ dừa trôi bập bềnh tấp đầy mũi cát. Nhờ gió một cái túi xốp rách tướp sau mấy vòng chu du đã mắc lại trên tàu dừa, bay phần phật và phát ra những tiếng kêu sột soạt lố bịch. Trăng làm huyền ảo mặt sóng lăn tăn êm đềm của biển, hóa bạc lỏng khối dập dờn đen thẫm không ngừng chuyển động. Nhưng cũng vì trăng mà đám rác rến bẩn thỉu lộ ra trần trụi không thể lẫn vào đâu, và hương vị không thơm tho của chúng được gió thản nhiên đem cợt đùa khứu giác. Cô rùng mình, thất thểu theo chân Thực trở lên. Khi leo những bậc thang giữa chừng, cô nhóng mắt thấy sếp đứng ngất ngưởng trên cao, vòng bụng tròn núng nính, gương mặt thể hiện sự kiên nhẫn và nín nhịn tột bậc.
Leo vào xe, cô thở ra. Sếp ngả đầu trên nệm mềm, im im. Thực sành sỏi buông một địa chỉ cho bác tài. Thành phố nhỏ ngủ sớm, ít có những tiếng rao bánh giò bánh chưng, tiếng gõ mì xực tắc, tiếng xập xòe đấm bóp như thành phố nơi cô đang sống. Trăng thênh thang trên những con đường ắng lặng đèn cái được cái mất. Bốn năm chỗ rẽ. Một chỗ quay đầu xe. Nơi Thực nói nằm trong một khu phố nhỏ thức khuya. Đèn ngọn xanh ngọn đỏ. Karaoke vi tính âm thanh nổi Hương Thầm. Trừ tấm bảng hiệu lập lòe bảnh chọe ra tất cả đều xệch xạc, buông tuồng, chắp vá. Chốn ăn chơi nửa tỉnh nửa quê. Xe vừa dừng đã có một người đeo nơ gầy như ống điếu tong tả sấn ra. "Khách quen các em ơi", anh ống điếu cười tóe loe, giọng lựa nhựa.
- Phòng máy lạnh ba người - Sếp nãy giờ mới lên tiếng.
- Phòng đặc biệt - Thực thêm.
Cô suýt nói "em không vào đâu" thì Thực nhìn sang, ánh mắt Thực có vẻ gì đó không phân minh làm cô bắt mình đổi ý. Hãy cứ thử xem, thử một lần cho biết. Hành lang lở lói dẫn đến một dãy phòng, văng vẳng vọng ra những tiếng ca hát ẩm ương đan xen tiếng nhạc xập xình, họ dừng trước một cửa phòng có bảng đề "VIP 2". Anh ống điếu mở cửa, lăng xăng bật đèn, thoăn thoắt bấm máy lạnh, mở nhạc. Mùi nước hoa xịt phòng rẻ tiền xông lên nồng nặc. Ghế nệm simili cũ mờ rít lên òm ọp khi cô ngồi xuống. Một vết thủng há oạc ra như cái mõm quái vật cỡ nhỏ. Thực đập bốp khăn lạnh, chìa sang kính cẩn điệu nghệ. Sếp cau mặt nhón lấy, lau xoay tua hai vòng mặt mày đầu cổ. Anh ống điếu "a lô, một hai ba bốn" thử micro, xong để lại hai cuốn list nhạc, kính cẩn cúi chào và đi ra. Thực dặn với:
- Đẹp nhất ở đây đấy nhé.
- Dạ, em biết - Cái nơ trên cổ anh ta khúm núm.
Không cần xem list, không cần hỏi, Thực cầm remote bấm thuộc lòng những con số. Nhạc xập xình nổi lên. Sếp tươi tỉnh e hèm rồi bắt giọng hân hoan. Nhạc Trịnh hẳn hoi. Lời như sám hối, đời là hư không. Nhưng mới được hai câu thì cửa bật mở, hai cô bé ưỡn ẹo đi vào:
- Cho bọn em cùng hát với nghen. Được không các anh...
- Vào đây... - Sếp buông micro vừa gật vừa cười toe vừa ngoắt lia. Có cảm giác sếp cố ý quên sự hiện diện của cô trong căn phòng toen hoẻn mười hai mét vuông với những bức tường vẽ rối loạn đủ kiểu họa tiết đồng thời bị thấm ố lỗ chỗ.
Hai em theo gương sếp phớt lờ cô, sà tới bên sếp và Thực, đập khăn lạnh lốp bốp. Thực đẩy ra. Hai em hiểu ý tập trung mình sếp. Lại xoay tua hai vòng lau mặt, đầu và cổ. Nựng nịu lẫn nhau. Bên sếp đồ sộ bụng bia, hai em trông đỡ tệ. Chỉ tiếc ánh sáng từ đèn trên trần và từ màn hình hắt ra soi rõ mồn một nước da đen, rất đen - như các em thoát khỏi xóm chài ven biển mới chỉ vừa trưa hôm qua. Hai khuôn mặt võ vàng được trang điểm vụng về. Hai nụ cười máy móc như thợ cười thuê. Hai cái đầu tóc nhuộm xác xơ. Hai bộ váy ngắn hở hang sắc màu kiểu cọ chẳng đâu vào đâu. Hai khoảng ngực trần quá nửa, do quá gầy nên không khêu cũng chẳng gợi. Hai bộ móng tay sơn nhũ bạc và hồng cam làm nổi bật những ngón tay thâm thủi, gân guốc. Một em nhoay nhoáy khui bia, em kia yểu điệu sửa váy lấy lệ, nhón remote đổi bài và nhặt micro say sưa hát. Công bằng mà nói giọng em khá hay - chất biển đậm đà, và đoạn điệp khúc là một màn song ca hòa hợp giữa sếp và em vô cùng ăn ý. Trớ trêu thay đó lại là bài hát về Hàn Mặc Tử và trăng, với hình nền minh họa là một bãi biển đêm, chị hằng treo lơ lửng trên cao tròn vành vạnh như một đĩa gương chạm hình chú cuội. Một người mẫu mặc bikini mặt buồn thỉu buồn thiu, đi lang thang trên mép nước.
Khi Thực ê a bài tiếp theo sếp nằm ngả ra lim dim, đầu gối lên đùi em váy xanh, chân gác lên chân em váy đỏ. Cảnh tượng thêm phần ngổn ngang khi một em thứ ba xuất hiện bày những món nhắm lên bàn và sếp kéo luôn em cùng ngồi xuống, ôm chặt eo em. Em này mặc đồng phục, trông xinh xẻo hơn, nước da trắng trẻo. Cô thầm nhận xét vẻ bẽn lẽn của em làm đàn ông dễ cảm. Níu tay em, trên nền nhạc Chiếc áo bà ba sếp đọc thơ tình tự biên. Giọng truyền cảm nhừa nhựa men bia được echo hết cỡ làm rung cả loa, đọc xong các em và Thực vỗ tay hoan hô giòn còn hơn pháo tết. Cô tự hỏi mình ngồi đây làm gì, biết thêm một chút kinh nghiệm này để làm gì. Cô đứng dậy, định ra về. Nhưng sếp phất tay, và Thực bước qua kéo cô ngồi xuống. Sếp ấn micro vào tay cô:
- Anh muốn nghe giọng hát của em.
- Tôi không có hứng - Cô gay gắt.
Sếp bật cười, lắc đầu:
- Em ngang ngạnh quá.
Các em bên sếp phá ra cười hùa theo, chỉ chịu ngưng ngang khi bị cô trừng mắt. Sếp nhìn em xinh xắn diện đồng phục:
- Dẹp bia đi, bé ngoan. Cho anh Hen-nét-si pha mật gấu.
Em ngoan ngoãn dạ, làm ngay. Ở những chốn này, kẻ có tiền là vua. Cô nuốt khan, cố lấy vẻ thản nhiên để xem sự thế xoay vần đến đâu. Em đồng phục sành sỏi dùng kim tiêm pha dung dịch màu xanh vào rượu sóng sánh, lắc đều rồi rót ra chung nhỏ chia cho từng người. Tất cả chạm ly, hân hoan nốc cạn món chất lỏng vừa cay vừa đắng mềm môi, cô nghĩ đời quá phức tạp với kẻ này nhưng lại thật giản đơn cho kẻ khác. Tùy theo cách sống, cách nghĩ. Thấy đó là vui thì sẽ vui, là dơ bẩn thì sẽ không được sạch. Bất giác cô ngửa cổ nhìn lên trần nhà, đèn nê-ông hình vòng cung lờ nhờ trong chóa tròn, giống mặt trăng nhân tạo. Mặt trăng không hình chú cuội soi xuống những khăn lạnh đã bị lau bẩn, những đĩa thức ăn đã bị gắp dở, những lon bia không đã bị bóp méo, những cô gái chưa hết trẻ con đã bị đàn bà. Nhớp nhúa.
Cuộc chơi kết thúc khi sếp bo hào phóng cho các em, hỉ hả ra về. Thực biến một lúc theo nhân viên ống điếu để lấy hóa đơn giá-trị-gia-tăng về thanh toán. Cô không cần xem cũng biết trên hóa đơn sẽ ghi "chi phí tiếp khách" hay gì đó tương tự, và hẳn là sẽ có giá khống. Rất nhanh sau khi Thực chui vào xe, bác tài đã de ra được ngoài đường. Cửa kính kéo xuống để gió đêm lùa vào xe mát rượi. Cô không còn hứng thú mở miệng. Sếp tỉnh bơ như chưa hề say:
- Em đã chọn điểm đến đầu tiên. Chỗ vừa ghé qua là do Thực chỉ định. Còn bây giờ tới lượt tôi.
Bác tài mỉm cười liếc đồng hồ: mười hai giờ ba mươi lăm. Đi ô-vờ-nai (*) thôi đừng có nói mấy giờ. Xe bon bon về hướng biển. Tầng thượng một nhà hàng bán thủy tạ. Những thực khách khuya ngồi rải rác thành từng nhóm, có chỗ ghi-ta bập bùng. Gió lồng lộng, trăng tràn trề. Gió làm khăn trải bàn xô lệch. Trăng làm lòng người như dịu lại. Biển ngoài kia rì rào cơn bất tận. Anh bồi với giấy bút trên tay, đứng chờ gọi món.
- Cho tôi một ấm chè nóng và một đĩa lạc rang - Sếp nói.
- Dạ thưa... - Anh bồi cau mặt.
- Tôi hiểu, các cậu cứ việc tính tiền lên gấp bao nhiêu lần cho hợp lý thì tính, không sao hết. Chúng tôi không cần ăn uống, chỉ cần một chỗ ngồi. - Sếp khoát tay.
- Dạ, nhưng...
- Vẫn không ô-kê à? Gọi anh Hùng chủ réts-tơ-rân này ra đây.
Anh Hùng - bạn thân sếp ra, cười hân hoan, giải quyết êm xuôi trong nháy mắt. Lạc rang chè nóng được dọn lên. Chè thơm thoang thoảng hương sen. Sếp tưng tửng:
- Ngắm em quá đủ, anh không cần ngắm trăng.
Thực đứng lên, tế nhị xin phép "đi đây một tí". Cô quay ra biển, nhìn từ độ cao vừa phải sóng nước mênh mông huyền ảo lạ lùng. Trăng vẫn đẹp, một vẻ đẹp ngây thơ vô tội. Đột nhiên có những giọt mưa li ti rơi ướt mặt cô. Hơi mưa ùa về lẫn trong hơi muối. Sếp nhấp ngụm chè, nhìn cô như một ông bố bạc đầu nhìn đứa con gái mới lớn:
- Em nói gì đi chứ, hả cô bé con kiêu hãnh và xa vời, chỉ thích nhìn đời qua lăng kính màu hồng và phán xét tất cả mọi người bằng lý thuyết màu xám.
Nói gì bây giờ. Cô không muốn định nghĩa đàn ông khi chính cô cũng không hiểu rõ họ. Họ là ai? Bao nhiêu phần người bao nhiêu phần quỷ? Tùy theo cách sống cách nghĩ. Thấy đó là vui thì sẽ vui, là dơ bẩn thì sẽ không được sạch. Bàn tay sếp lần tìm tay cô, nhưng cô phủi đi. Cô vẫn nhớ bàn tay ấy vừa mới đây thôi đã vuốt ve ham hố những cô em "công cộng" - chỉ cần bỏ tiền mua là có. Mưa rơi những giọt lớn hơn. Mưa trong trăng có màu lóng lánh. Sếp ngửa đôi tay chuối mắn hứng mưa, ngón tay nần nẫn đeo hạt kim cương to kềnh lóng lánh hơn trăng. Nước mưa quá ít, không đủ để sếp rửa phai cái mùi nước hoa rẻ tiền vướng vất. Mắt sếp bỗng dưng hiền dịu. Rất hiền.
- Cách đây hai mươi năm tôi hoàn toàn vô nhiễm như em bây giờ - Sếp nói mà không nhìn cô - Có hẳn rồi hai mươi năm sau, em vẫn nguyên xi vô nhiễm?
Cô không trả lời. Người ta làm sao có thể nói trước tương lai. Thực quay trở lại:
- Chúng ta về thôi, anh.
Nhưng sếp không về mà xăm xắn đi xuống cầu thang, lần mò ra biển. Thực cun cút bươn theo. Dáng anh cao ráo thẳng thớm, vai rộng, chân dài, bước chắc. Nhưng sao cô trông vẫn thấy hèn. Cùng bác tài đứng bên chiếc xe, cô kiên nhẫn đợi sếp và Thực trở lại. Mưa vẫn lay phay. Một cái gì đó từ trăng tỏa ra ngằn ngặt, gợi trong tâm hồn cô nỗi rạo rực ngất ngây. Trong thứ ánh sáng phi phàm của đêm, cô tin người ta chỉ muốn hóa điên. Nhìn ngút ra xa, cô thấy bóng sếp và Thực như đang hòa tan giữa sóng.
Có những câu hỏi mà lời đáp không chỉ là một phương án để lựa chọn, do số phận con người được đặt trong rất nhiều tình huống. Cũng như ma trận đường ngầm trong lòng một kim tự tháp, kết cuộc của mỗi người có khi chỉ là bức tường chắn ngang ngõ cụt, hoặc có khi chính là điểm khởi đầu. Điều mà cô cảm thấy càng lúc càng rõ, người ta ở đời thật khó sống như mình mong muốn. Đôi khi mất cả kiếp người mới nghiệm ra chân lý. Người ta hy sinh bản thân để được nhiều thứ, rồi khi đã có được nhiều thứ người ta hối hả tìm lại bản thân. Nhưng liệu rằng đến lúc cuối, người ta có còn nhớ bản thân mình là thế nào không?
Mưa mỗi lúc thêm lớn hạt, nhưng trăng vẫn không bớt sáng. Sáng như một đĩa gương khổng lồ không tì vết. Từ phía biển trở về, sếp và Thực ướt như chuột lột, tóc tai phờ phạc vì gió, răng đánh lập cập, quần áo dính bết vào người, nước rỏ ròng ròng, cát lấm đến gối. Nhìn sâu vào khuôn mặt ngây đờ của sếp, cô nhận ra ông khóc, hay đơn giản đó chỉ là những giọt nước muối ?...
(*) overnight: qua đêm
Nguyễn Thu Phương