watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồ Quý Ly-Chương 7 - tác giả Nguyễn Xuân Khánh Nguyễn Xuân Khánh

Nguyễn Xuân Khánh

Chương 7

Tác giả: Nguyễn Xuân Khánh

Sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy. Phạm ngạc nhiên thấy mình đang nằm trong một phòng ngủ ở trang trại của họ Nguyễn. Người gia nhân vào báo Nguyễn Cẩn có việc gấp phải đến cung Hoạ Lư từ sớm. Trên bàn có một lá thư Cẩn để lại.
Phạm huynh nhã giám.
Đêm hôm qua, đệ đã rút hết tâm can phơi bày cùng huynh. Những lời đề nghị là những lờ tâm huyết, mong huynh suy nghĩ. Rất mong sớm nhận được phúc đáp, trao cho rồng mây gặp hội. Rồng mây gặp hội.
Câu nói đó bỗng làm thức dậy toàn bộ diễn biến của bữa tiệc trăng trên mặt hồ Tây đêm qua. Rồng mây gặp hội! Thế là chuyện thật chứ không phải một giấc mơ, hoặc những lời của rượu. Như vậy, mục đích Nguyễn Cẩn mời ta đến “Tịnh thân đường” nay đã rõ ràng. Hay thật? Để trở thành một người tâm phúc ngày đêm bên cạnh Hồ Quý Ly, ta sẽ phải... tự huỷ hoại thân mình...
Thế là... như kẻ bị ma đuổi, Phạm Sinh tức tốc trở về ngôi chùa đổ. Chàng bồn chồn. ngồi đứng chẳng yên.
Chợt thấy chẳng muốn gặp ai lúc này. Phạm ra bờ hồ, ngồi lên con thuyền nhỏ, bơi thăng ra hòn lau, hòn đảo hoang; ngay thẳng chùa nhìn ra thấy nó nằm dài như một người ngủ mơ trên mặt nước.
Có lẽ từ hàng ngàn vạn năm xưa nơi đây có một dòng sông chảy qua, rồi trải nhiều cuộc dâu bể, đã trở thành hồ nước; còn cái bãi nổi trên sông nay đã trở thành một hòn đảo hoang đầy lau lách, làm nơi trú ngụ cho lũ chồn cáo và nơi trốn lủi cho đám dân manh lệ, sa cơ lỡ bước...
Phạm Sinh cắm sào, lên bờ. Những bãi đất gần mép nước là những nương ngô, còn ở sâu bên trong toàn cây hoang và lau sậy. Trước đây, có mấy lần Phạm đã đi cùng cô Hạnh và bà Sử ra vỡ đất. Anh còn nhớ nương ngô của Hạnh. Ngô xuân mới nhú như tấm thảm mượt. Phạm theo ruộng ngô đi đến túp lều trú nắng mưa. Ở đây có nhiều lều. Người ta chỉ cần dọn một vạt đất nhỏ bằng chiếc chiếu, rồi vít những cây lau chung quanh, buộc túm đầu lại là đã có một cái túp chống nàng. Cẩn thận hơn nữa đánh một chiếc tranh mềm và dài, rồi che vòng quanh trên cao, kiểu như mặc áo tơi, là chiếc túp lại có thể chống mưa.
Cái lều nhà Hạnh, do tay Phạm làm. Anh làm cẩn thận hơn. Phạm kiếm những cây lau, cây sậy già, rót hết lá, rồi cũng buộc túm đầu lại, chân choãi ra, nhưng chung quanh Phạm ken dầy, và đều đạn tạo thành một cái vách tròn kín mít. Sau đó, anh đan gianh, lợp như lợp nhà. Phạm nhớ hôm ấy làm xong, cô Hạnh cứ chui ra chui vào như đứa trẻ thơ, mắt long lanh, miệng cười: Huynh là học trò mà khéo tay thế.
Hạnh kiếm một số bông lau buộc lại như bó hoa, cắm trên đỉnh; chiếc lều càng thêm đẹp.
Lúc Phạm ra hồ lấy thuyền, cái dáng vẻ bồn chồn của anh, từ lúc về, không thoát khỏi con mắt tinh tường của Hạnh. Cô nói với cha chuyện đó. Hôm sau, ông già Sử sai cô chở mình ra đảo lau tìm Phạm. Anh đang nằm co ro trong ổ rơm suy ngẫm. Thấy ông già Sử, anh vội ngồi dậy chào. Sử Văn Hoa bảo:
- Anh mới ra đây một ngày, đã có bao nhiêu người đi tìm. Đêm qua, Tổ Thu và Ngưu Tất hỏi. Biết anh ở ngoài đảo nhưng tôi không nói. Sáng nay lại đến lượt Nguyễn Cẩn. Tôi nghĩ: chắc là có chuyện.
Phạm và ông già Sử, trở thành đôi bạn vong niên từ lúc mới gặp nhau. Khí chất, sự từng trải, nỗi ưu tư của ông già, làm cho anh tin tưởng. Anh chẳng nói nhưng ông Sử hầu như đã hiểu mọi tâm sự của anh. Hôm nay, ông kể cho Phạm một câu chuyện về Nguyễn Cẩn: Cẩn là người thông minh, học giỏi có tiếng ở Thăng Long so với những người đồng trang lứa. Anh ta có người anh song sinh tên Nguyễn Trọng. Cẩn thư sinh còn Trọng quắc thước. Cẩn giỏi văn, còn Trọng giỏi võ. Bộ đôi song sinh này quấn quýt với nhau lắm. Họ đầy triển vọng. Nhưng về sau, Trọng có hiềm khích với con trai một vị vương nhà Trần. Sự hiềm khích chuyển thành xung đột. Trọng giỏi võ, nhưng cậu công tử họ Trần lại đông tay chân. Một lần, bọn nô tì nhà công tử họ Trần vây đánh Trọng một trận nên thân. Họ đánh đòn hiểm. Trọng bị nội thương thổ huyết; mặc dù ông Nguyễn Điền là thầy thuốc giỏi cũng không cứu nổi mạng con trai. Từ khi Trọng chết, Cẩn mắc bệnh trầm tư Hồi về sau. Cẩn luôn luôn nghe thấy một tiếng nói trong đầu. Ông Điền không giỏi về chữa chứng cuồng phải nhờ tay ông lang Phạm, ông ngoại Nguyên Trừng. Hôm Cẩn đến xin thăm bệnh có mặt cả ông Sử vì cụ lang và ông Sử vốn là bạn thân Cụ lang bảo: Công tử phải kể chi tiết cho tôi. Ai nói trong đầu? Nói những gì? Nói vào lúc nào? Công tử đừng ngại... Tôi vốn là người kín đáo.. Vả lại, nếu không rõ... sẽ khó cho việc chữa trị.
Công tử Cẩn ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời:
- Cháu chẳng bao giờ nói với ai kể cả thân phụ cháu... sợ những ngộ nhận nhưng thực ra đó là những lời của đức Phật.
- Công tử nghe Phật nói... Nhưng tại sao lại biết chính là đức Phật?
- Dạ, từ khi anh Trọng cháu mất, hằng đêm cháu vẫn đến thắp hương trước điện thờ Phật cầu cho vong linh anh ấy... Rồi sự khẩn cầu được linh nghiệm... Cứ mối tối, đến trước bàn thờ Phật, là tiếng nói của Người bỗng đột hiện trong đầu óc. Tiếng nói hiền từ... Người khuyên nhủ nên viết ra những điều mà thâm tâm tôi hằng suy nghĩ... Viết ra mới nhẹ người.
- Công tử đã viết chưa?
- Dạ đã viết... Đó là bản: “Nhật tân thập nhị sách”
- Nhật Tân... à, tôi hiểu... tôi hiểu... sau đó ra sao?
- Sau đó thấy bệnh đỡ hẳn nửa phần... Còn bây giờ đức Phật lại khuyên cháu... “Đã đi, phải đi hết con đường của mình. Sứ mạng của con rất nặng nề”.
- Sứ mạng ấy là gì?
- Điều này cháu không thể nói với cụ được... Và chính nó đã làm cháu suy nghĩ ngày đêm... Nên hay không nên...
- Việc này... tự công tử phải suy ngẫm... Nhưng tôi chỉ khuyên một điều... Sức người có hạn... Vả lại... cuộc đời vốn có con đường đi theo cái lý của nó... Không vội được! Vội vã sẽ bất cập. Công tử đọc sách phật có để ý đến thuyết “tuỳ duyên” của Trúc Lâm bồ tát chưa? Người đại trí trông cứ tưởng như người ngu... Đói thì ăn, mệt thì nghỉ... Duyên đến đâu. Làm đến đó... Có thể cả đời ta không gặp cái duyên ấy, nhưng sẽ có người khác gặp được, họ sẽ làm thay ta... Còn nếu ta gặp, thì cứ làm... không làm không đặng... Làm xong rũ áo bỏ đi. Cuộc đời thản nhiên. nhi nhiên. Cứ như thế... Đừng quá sức lội ngược... Đừng một mình làm cây trụ chống trời... Bệnh của công tử do suy nghĩ thái quá. Tôi sẽ cắt thuốc điều hoà cho... Nhưng điều chính, công tử phải tự mình giải quyết lấy.
Ít lâu sau, thấy Nguyễn Cẩn khỏi bệnh, và làm người tâm phúc của thái sư. Nghe đến đây, Phạm nói:
- Cháu đã hiểu đoạn sau câu chuyện... Việc này chắc chỉ có mình cháu biết, Nguyễn Cẩn đã đã tự tịnh thân.
- Tự cắt bỏ... mình đi.
- Vâng! Để chiếm được sự tin cậy tuyệt đối của thái sư.
- Và và anh ta đã khuyên cháu.
- Vâng Cẩn đã khuyên cháu.
Ông già viết sử ngậm ngùi:
- Cái giá phải trả đấy? Ta cứ ngẫm nghĩ mãi về cái tâm bệnh của Cẩn. Tiếng nói trong đầu ư? Lời của Phật ư? Chẳng qua cũng vẫn chỉ là giấc mơ cuồng. Nó không phát ra thành hình, thành tượng, trong phút mơ màng. thì phải biết thành lời nói vang vang, nhỏ to trong đầu óc.
Ông già Sử suy ngẫm một lúc lâu rồi chợt nói:
- Đáng lẽ ta cũng chẳng nói ra một chuyện về ta. Nhưng chắc nó sẽ có ích cho cháu... Cháu có biết cách đây ít bữa, một đêm Ngưu Tất chèo thuyền đưa ta đến gặp quan thượng tướng và quan Thái bảo không?
- Cháu có biết.
- Họ định nhờ ta làm cho một việc. Một việc mà Trần Khát Chân bảo hợp với khả năng của ta, mà một kẻ sĩ trung hiếu như ta phải làm lúc này. Ta nhớ hôm ấy, thượng tướng đãi ta rượu “Thập niên cổ mai”, thứ rượu hiếm, không phải lúc nào cũng dám đem ra mời khách. Uống thứ rượu ấy, ta biết có việc quan trọng. Thượng tướng ân cần nắm lấy tay ta: “Đoàn Xuân Lôi đã viết Phi Minh Đạo. Trần Thiêm Bình đã viết Cáo Nạn Biểu, khóc dưới cung khuyết nhà Minh. Và chính ông cũng đã viết Minh Đạo luận để vạch trần tội ác của Quý Ly. Những bài văn ấy xúc động và thức tỉnh lòng người. Nhưng theo ý chúng tôi như thế chưa đủ. Phải viết cả một cuốn sách, vạch ra đủ mọi tội ác, từ cuộc sống tư riêng đến việc triều chính. Phải làm sao biến tên ông ta thành một vết nhơ trong sử sách. Hiện nay cũng có lợi cho chúng ta, sau này cũng có lợi... Ví dụ việc ông ta đầu độc bà công chúa Huy Ninh... Việc ông ta có con riêng với lũ kỹ nữ... Việc ông ta nhục mạ ông lang già, ông bố vợ, làm ông này phẫn chí lên núi Yên Tử đi tu... Việc viết quyển Minh Đạo là một sự nhận vơ... Chính Nguyễn Cẩn đã viết ra cuốn sách đó...”. Ta càng nghe nói càng ngạc nhiên, bởi vì các chuyện đó đều không có. Ta bèn nói: “Việc viết sách là việc tâm huyết của kẻ sĩ. Phải điều tra cho tận tường. Không có thật thì không thể nói. Bởi vì nói vu cáo, kẻ bị hại sẽ không hề gì, mà chính vết nhơ sẽ in lên mặt kẻ sĩ cầm bút”. Trần Khát Chân bảo ta: “Ông không nên câu nệ. Để tỏ rõ lòng trung hiếu, để tiêu diệt kẻ thù, thì ta có quyền làm tất cả, ngay cả dựng nên sự việc...”.
- Chắc bác không viết cuốn sách đó - Phạm Sinh hỏi, song ông già Sử không nói vào việc đó. Giọng ông lúc này chợt buồn bã:
- Thế đấy! Thời nay sao đẻ ra làm kẻ cuồng. Nguyễn Cẩn là một kẻ cuồng tín. Đến cả Khát Chân cũng chẳng ra ngoài một chữ cuồng. Họ đinh ninh với một ý tưởng, rồ dại vì suy nghĩ của mình, không từ một thủ đoạn nào, không dung tha cho một ai trái ý... Có đúng không? Có đáng hy sinh cho những điều như vậy không? Ai cũng rồ dại vì những câu nói khoa trương.
Họ có hiểu đâu được hồn nước mới là điều chính yếu.
Chẳng ai thông minh hơn được hồn của núi sông mình. Ai đúng, ai sai? Khát Chân hay Quý Ly? Vả lại đường đi của hồn núi sông thật là ngoắt ngoéo. Đánh giá thành ư? bại ư? Có khi bại mà mấy trăm năm sau lại là thành. Có khi người đời chỉ vì mê muội mà kéo ánh sáng trở về bóng tối. Sự mơ màng lòe loẹt làm chậm bước chân của hồn núi hồn sông?
Những câu nói của Sử Văn Hoa làm Phạm thấy mình dần dần tỉnh lại. Ông già sau khi nói một hồi dài, cũng thấy như mình được vơi nhẹ nỗi lòng. Cả hai người trở nên ít nói hẳn đi. Ông Sử lấy ra bình rượu mà ông đã mang sẵn bên người. Một già một trẻ nhâm nhi lặng lẽ. Cuối cùng, ông già Sử nói: - Ta đã bị Quý Ly hành hạ nhiều. Nhưng lúc này còn quá sớm để khen chê ông ta. Chỉ biết rằng đất nước mình đang cần lột xác Quý Ly là một người đầy táo bạo. Một kẻ cướp phải có gan: trên đầu nào biết có ai. Ông ta là một con người dám “trên đầu chẳng có ai”. Ta không thích ông ta, nhưng cũng không viết cuốn sách mà thượng tướng đã giao cho. Còn cháu, ta quý cháu như con trai. Nếu cháu thấy lời ta là phải... thì cái Hạnh đấy, ta biết các con thương yêu nhau. Các con hãy mang nhau đi... Đi đi, đi thật xa, đến nơi thôn ổ nghèo nàn không bon chen mà ở... Chốn náo nhiệt này không phải là chỗ của các con đâu.
Ông già lấy một cuốn sách. trao cho Phạm:
- Đây là cuốn Trần Sử bác mới phác thảo và chưa hoàn thành. Ta già rồi, vả lại trước mắt có nhiều bất trắc, con hãy mang nó đi và viết tiếp rồi hoàn chỉnh lại nó... Việc này có lẽ là cái duyên nợ cháu phải làm, nó hợp với cháu hơn.
Qua lời ông già. Phạm cảm nhận cứ như một cuộc chia tay. Anh bùi ngùi hỏi:
- Tại sao bác lại nói tới chữ bất trắc?
- Bởi vì... bởi vì.. à quên chưa nói với cháu một điều. Chuyện dạo xưa cháu vẽ chậu hoa cúc, lại nói theo ý bài thơ Cúc của Hoàng Sào. Hoàng Sào là giặc, tại sao cháu có cảm tình với Hoàng Sào? Quan thượng tướng để ý và cho người đi dò la. Cuối cùng, họ đã biết cháu là con trai của Phạm Sư Ôn năm xưa đã chiếm Thăng Long ba ngày, Cháu là kẻ thù của Quý Ly, nhưng cũng là kẻ thù của nhà Trần... Cháu đã hiểu ý bác chưa?
Đến lúc này, Phạm Sinh đã hoàn toàn tỉnh mộng. Anh muốn cả gia đình nhà Hạnh cùng đi với anh. Nhưng ông Sử cho rằng đi bốn người líu ríu rất dễ gặp nguy hiểm. Trong lúc đó cả Nguyễn Cẩn, cả Tổ Thu Ngưu Tất đều đang rất muốn tìm anh.
***
Phạm Sinh và Thị Hạnh nghe lời cụ Sử Văn Hoa, ngay đêm ấy, bơi thuyền rời khỏi Đại Hồ, đi về phía nam Thăng Long ở nhờ một nhà quen cách kinh đô chừng vài mươi dặm. Cụ Sử hẹn mấy hôm sau cả nhà sẽ đoàn tụ. Nhưng đã mười hôm rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng cụ Sử ông và cụ Sử bà. Hai người lòng nóng như lửa đốt. Không chịu nổi nữa. Phạm Sinh định giả trang trở về Thăng Long nghe ngóng tin tức.
Phạm mới rời chỗ ở một quãng đường, đến một cái chợ, may mắn gặp người quen. Anh ta là một nô tì được giải phóng, không có việc làm, phải lên Thăng Long làm nghề gánh thuê, thỉnh thoảng vẫn đến ngủ đô ở ngôi chùa đổ. Gặp Phạm, anh ta kéo ngay ra chỗ vắng báo tin:
- Huynh chớ có về Thăng Long. Người ta đang vẽ hình truy nã huynh. Giấy dán ngay ở chợ Báo Thiên. Vả lại...
- Tôi muốn hỏi bác tin tức về hai ông bà Sử.
- Thật khổ? Huynh chưa biết tin tức gì sao? Chùa Tiên bị đốt cháy rồi.
- Chùa cháy?
- Cả hai vợ chồng cụ Sử cũng bị chết cháy trong đó...
- Hai cụ Sử đều chết cả rồi sao?
- Thật khổ! Sau khi huynh và cô Hạnh bỏ đi, vợ chồng cụ Sử về ngủ ở toà hậu điện, chỗ huynh ở cũ. Đêm hôm ấy, có một toán người bịt mặt đến chùa. Tôi may mắn hôm ấy không ngủ tại chùa. Nghe nói toán người này rất hung ác, chúng sục sạo khắp chùa, trói gô tất cả ai có mặt, đánh đập dã man, rồi giết tất cả chẳng trừ một ai. Hôm ấy chỉ có ba người thì phải. Ông bà Sử và một thằng bé ăn mày, thằng bé nhỏ người nằm dưới đít ông Thiện hộ pháp. Nó nhìn thấy tất cả. Nó thấy lũ bịt mặt đánh đập ông bà già tra hỏi điều gì đó, thằng bé nhanh nhẹn lẻn được ra khỏi chùa, xuống hồ lặn đi mới thoát chết. Bọn bịt mặt giết hai vợ chồng ông bà già xong, liền phóng hoả đốt chùa. Lửa cháy ngùn ngụt cho đến sáng. Người ta đến thấy xác vợ chồng ông Sử bị cháy đen. Và có một điều rất dã man và rất kỳ quặc.
- Điều gì kỳ quặc?
- Bọn bịt mặt đã dùng dao sắc cắt toàn bộ cụm ngọc hành của cụ Sử Văn Hoa...
Cắt sạch! tại sao lại cắt? tại sao phải dã man như vậy? Là một tín hiệu gì hay một sự đe doạ? Ai đã làm việc này? Cũng có thể họ muốn tìm ta. Cũng có thể cụ Sử đã chửi rủa hoặc làm phật ý một nhóm người nào đó?
Phạm lặng người đi vừa buồn rầu vừa tức giận. Cũng xen lẫn một cảm giác hối hận, vì Phạm nghĩ có thể cụ Sử chết vì người nào đó muốn tra hỏi để tìm anh, vậy anh đã gây ra cái chết của vợ chồng cụ Sử, mà cũng là bố mẹ vợ của anh.
Phạm chợt nghĩ đến một câu nói của cụ Sử cái đêm ngoài túp lều bãi ngô: “Con người có ba thứ quý nhất: khối óc. trái tim và tinh lực. Nếu ở cạnh một quân vương, chắc chắn con người sẽ bị mất một trong ba vật quý ấy “ Phạm liên miên suy ngẫm. Anh lại nhớ xa hơn đến những lời dạy của ông thầy già Sư Tề khi dạy võ Ngọc Trản cho anh. Có ba miếng võ độc thủ: Thượng Ngọc Trản, Trung Ngọc Trản và Hạ Ngọc Trản. Dùng độc chiêu Thượng Ngọc Trản kẻ thù sẽ mất đầu; dùng miếng Trung Ngọc Trản, kẻ thù sẽ bị đâm qua tim, dùng miếng Hạ Ngọc Trản kẻ thù sẽ mất cái sinh khí ở đời.
Phạm không đi sâu vào võ thuật nên không học những thế võ giết người quái quỷ ấy. Song ở đây cụ Sử bị cắt toàn thể bộ sinh thực khí, liệu có gì liên hệ với thế võ Hạ Ngọc Trản kia không? Và như vậy, liệu có liên quan gì tới Tổ Thu và Ngưu Tất hay không?
Tuy nhiên Phạm Sinh vẫn miên man nghĩ tiếp - Cái đêm tâm sự với Nguyên Cẩn trên hồ Tây, rồi chuyện Nguyễn Cẩn đã tự hoạn, rồi Nguyễn Cẩn đã gợi ý cho chính anh... liệu tất cả những cái đó có mối liên hệ nào tới cái chết bi thương và tàn độc một cách quái dị của cụ Sử không?
Sao lại không? Đối với những kẻ cuồng tín tất cả đều có thể.
Vậy thì ai là người đã giết chết Sử Văn Hoa? Ai là người đã đang tâm giết một con người đã cõng một bồ sử trên lưng, leo đèo lội suối, trốn tránh một hôn quân để đi tìm một chân mạng thiên tử? Ai là kẻ đã dã man giết một con người nhân hậu chỉ muốn đi tìm cách giải giấc mộng cuồng ở đời? Ai là kẻ đã mất hết nhân tính đến mức giết một người suốt đời ghi chép sử di tìm hồn của núi sông, dù trong tù ngục vẫn giải một câu đố về sự thái hoà dân tộc?
Hồ Quý Ly
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Phần II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Phần III - Chương 1
Chương 2
Phần IV- Chương -1-
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần V - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Phần VI-Chương -1 -
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Phần VII - Chương - 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Phần VIII- Chương -1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần IX- Chương -1
Chương 2
Chương 3
Phần X- Chương -1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Phần XI -Chương 1
Chưong 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Phần XII- Chương - 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần XIII- Chương - 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương kết