Phần XII- Chương - 1
Tác giả: Nguyễn Xuân Khánh
Cha tôi nói:
- Anh Trừng? Đã đến lúc cha phải vào Tây Đô. Tình thế lúc này dồn dập. Minh Thái Tổ vừa mới chết. Minh Huệ Đế vừa mới lên ngôi. Lúc này, phương Bắc đang phải lo việc bên trong của họ. Bên mình, thái tử An cũng vừa lên ngôi thay Thuận Tôn. Cháu ta còn nhỏ lắm. Năm nay ta cho tổ chức hội thề tại Tây Đô, trên Đốn Sơn ta sẽ đích thân làm chủ lễ. Trăm quan đều phải có mặt ở hội thề, không ai được phép vắng. Ngày ấy sẽ là ngày chứng tỏ lòng trung trinh của mọi người. Anh Trừng? Chính vì hệ trọng như vậy, nên công việc ngoài biên ải không thể lơi là. Những việc ta giao cho anh...
Tôi trả lời:
- Thưa cha, biên cương phía nam hiện nay không còn là mối lo ngại, nhưng con cũng đã biên thư vào Hoá Châu nhắc nhở bọn Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân vẫn phải cẩn mật theo dõi địch tình. Ngại nhất là biên giới phía Bắc. Mặc dù nhà Minh đang bận. nhưng ý đồ nhòm ngó nước ta của họ ít lâu nay đã rõ. Vậy nên, phía Lạng Sơn con đã nhờ Hoàng Hồi Khanh đi nhắc nhở và thanh sát; còn phía mặt biển, đã cho Đỗ Tử Mãn đem thuỷ binh ra Vân Đồn. Mặc dù vậy, ngày mai con cũng phải lên đường ra Hải Đông thanh sát...
Quý Ly gật đầu:
Như vậy cha mới yên lòng vào Tây Đô. Cha dặn thêm con một điều: Ngoài việc xem xét động tĩnh của phương Bắc, trong khi đi thanh sát, con nên nhớ gặp những nhân sĩ khoa bảng... Cha muốn ngày hội mừng Tây Đô và ngày hội thề phải có đủ mặt các danh sĩ... Cũng nên báo cho cả đám học trò, sắp tới ta sẽ cho mở khoa thi kén người tài ngay tại kinh đô mới... Sĩ tử nên vào sớm ngay từ lúc này là vừa... Ra Hải Đông, con nhớ lên Yên Tử thăm ông ngoại... nếu mời được ngoại vào Tây Đô dự hội mừng kinh đô mới là tốt nhất - Nhưng năm nay ngoại của con đã ngoại tám mươi; không biết người còn đủ sức để đi một chuyến...
Vậy là khi tất cả các gia đình quý tộc Thăng Long lũ lượt kéo nhau vào Thanh Hoá, thì một mình tôi lại chuẩn bị đi một chuyến ngược chiều, vừa ra biển, vừa lên biên giới.
Tôi cưỡi ngựa. trở về Trại Thuốc. Ông già Lặc ra đón. Tôi nói với người lão bộc:
- Cụ vào chuẩn bị hành trang. Nhớ mang cả túi thuốc quý, nhất là những thỏi quế Thanh, những con nhân sâm...
Ông già đưa mắt nhìn tôi. như muốn hỏi lộ trình nơi đến, song lại không dám. Tôi vui vẻ trả lời câu hỏi ẩn ngầm ấy, bởi vì tôi biết câu trả lời sẽ làm ông vui:
- Chuyến này ta lên Yên Tử, đến chỗ ông ngoại tôi.
Quả như tôi dự đoán. mắt ông già mắt chợt sáng lên. Tôi hiểu người lão bộc rất gắn bó với ông tôi. ừ nhỉ? Người già... tuổi già... nỗi cô đơn... tại sao ta lại không nhận thấy ông lão Lặc và ngoại tôi, ngoài thân phận chủ tớ, còn là hai người bạn. Ông Lặc được ông ngoại tôi nhờ cậy giao phó... vì cái nghĩa, ông cụ đã từng ấy năm trời chăm sóc cho tôi. Nhưng còn ông ngoại và nỗi cô đơn của người già nữa... Trong thời ly loạn này, tôi có quyền gì để kéo cái tuổi già vào vòng xoáy? Nghĩ vậy tôi nói:
- Lần này, lên đó, tôi sẽ gửi cụ ở lại với ông ngoại tôi
- Thưa đức ông...
- Ngoại tôi đã già lắm rồi. Và cụ cũng đã trở về già... Tôi nói thực bụng đấy... Hai người cần ở bên nhau lúc tuổi già. Tôi đã vô tâm, đáng trách với ngoại tôi... cả với cụ nữa... nhưng chuyến này, tôi đã quyết...
- Thưa đức ông, cụ nhà dặn, vì đức ông chưa có...
Tôi cười:
- Ngoại tôi lo láng, vì mấy năm nay, từ khi quận chúa mất, tôi chưa chịu tục huyền chứ gì. Cụ đừng lo... Phen này tôi sẽ lấy vợ... mà không chừng, tôi sẽ cưới dăm ba bà ấy chứ.
Chiều hôm ấy, tôi ngồi ở thềm ngôi nhà cổ, ngắm nghía khu vườn thuốc của ông ngoại. Khu vườn thuốc, nhưng đối với tôi lại là một vườn hoa, lúc này đương tiết xuân, nên tưng bừng muôn sắc. Mấy bụi loa kèn trắng, trước sân, vươn cao những giò hoa trắng ngà, toả một vị hương kín đáo, tôi phải nhắm mắt lại mới bắt được thứ hương dìu dịu ngọt của nó. Bóng tối sắp đến, tôi phải mở mắt ra để đón nhận trăm sắc hoa rực rỡ. Chắc ông tôi, lần này, sẽ muốn cháu mình kể lại cho nghe về khu vườn yêu mến, khu vườn mà có lẽ ông sẽ không còn có dịp gặp lại... Ông ơi! Cháu vẫn giữ nguyên vạt vườn cỏ lau ở góc xa xa, nơi ông đã nuôi thứ sâu “đông trùng hạ thảo”. Vẫn còn đó cây lựu, tứ thời, cây lựu già lúc này có hàng trăm bông hoa đỏ chót, cây lựu của ông sao lại nở hoa quanh năm? Vẫn còn tất cả những chậu địa lan, cháu chẳng nhớ tên từng thứ, nhưng cháu nhận thấy có thứ hoa xanh cốm, có thứ hoa ngà ngà, đốm tím bông to, có thứ hoa vàng ươm như một đàn bướm xúm xít...
- Ông ơi! Cây ngọc lan yêu quý của ông vẫn xanh tốt, nhưng lúc này chưa đơm hoa... Ông tôi yêu cây lan, tôi cũng yêu cây ngọc lan không kém. Ngày xưa, phải vạch cỏ dại mới đến được gốc của nó. Ở đó, có một ngôi miếu nhỏ. Nó giống như một thứ cây hương, to hơn mọi cây hương, đằng trước có bậc trèo. Chính ở đây, tôi đã dấu bí mật của thời thơ ấu. Bà mẹ kế của tôi, bà công chúa Huy Ninh kể rằng, cha tôi thời thơ ấu vẫn nuôi một ngọn lửa bí mật trong một hốc đá. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao lại có sự trùng hợp như vậy. Tôi cũng đã nuôi một ngọn lửa bằng những que hương ở góc miếu, dưới gốc ngọc lan, và vẫn thường mơ thấy những điều kỳ lạ bí ẩn về cây hoa ngát hương nọ. Có đêm, nằm cạnh ông, nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi trên nóc nhà, tôi vẩn vơ hỏi:
- Ông ơi? Tại sao ta phải thắp hương ở miếu ngoài vườn?
- Tại vì... cây ngọc lan.
- Sao lại thế?
- Cây lan thơm quá... thành thử những vong linh thiêng liêng hay về tụ hội ở đó.
- Những vị thần hở ông?
- Ừ! Thần đất... có người bảo lắm khi... cả những hồn ma.
- Cây ngọc lan nhà mình có ma sao?
- Ông chưa trông thấy ma ở đấy bao giờ.
Những tín ngưỡng thơ ngây dân dã ấy, khi lớn lên làm tôi tự cười thầm, nhưng đã làm đẹp thời ấu thơ của tôi rất nhiều. Đêm ấy, tôi trằn trọc và im lặng nghĩ ngợi: ông tôi chưa hề thấy, nhưng riêng tôi đã từng trông thấy con ma Ngọc Lan. Điều này tôi chẳng nói với ai, và cứ thầm hứa với mình sẽ gìn giữ bí mật ấy mãi mãi. Tôi ghen tuông mà gìn giữ, bởi vì chẳng có ai, ngay cả ông ngoại tôi, cũng chưa bao giờ nhìn thấy. Riêng một mình tôi thấy, vậy đó là đặc ân trời đã riêng ban cho tôi. Cái đặc ân độc nhất trên đời - Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ như vậy - Nếu như ai ở trên đời này không có một bí mật riêng tư, dù cho điều đó bị coi là ngớ ngẩn, thì chắc chắn người đó là kẻ bị thiệt thòi, thậm chí có thể nói là bất hạnh. Tổ tiên, khí sông khí núi đã gửi riêng cho ta điều linh thiêng kỳ bí đó... tôi cứ tưởng như đó là vật gia bảo được xưa truyền lại... nó như muốn dạn dò tôi để làm kế tiếp một điều gì đó rất mơ hồ, ta khó bao giờ xác định rõ rệt. Con người cứ như thể bị quỷ ám, cứ đinh ninh mình phải làm một điều gì đó, một điều có thể nhỏ bé thôi, nhưng là số phận, mà có khi cả cuộc đời vật lộn cam go mới có thể tìm ra.
Con ma Ngọc Lan của tôi hình thù thế nào? Cứ nhớ mãi một đêm mùa hạ năm tôi trạc chừng bẩy, tám tuổi - tôi cũng ngồi ở thềm nhà nhìn ra góc vườn, chỗ cây ngọc lan. Hương lan ngát trời. Hương lan đượm vào vườn cây thuốc, đượm vào lùm cây bưởi. để man mác theo ngọn gió đến đánh thức cái hồn mơ màng ở chỗ sâu kín trong tôi, vẫy gọi nó thoát xác, để ra nô đùa dưới trăng hè. Tôi như bị thứ mê hồn hương ấy vừa ru rím, vừa rủ rê đi vào cuộc xuất thần. Trong giấc ngủ ngồi chập chờn, đột nhiên, tôi rùng mình. Rùng mình, bởi vì hồn tôi hay chính là tôi chợt trông thấy cái vòm lá thẫm của cây ngọc lan đang lắc lư. Cảm giác cái cây như một con người đang cựa quậy muốn gắng hết sức... lột xác Rồi cây lan bỗng run bần bật. Toàn bộ không gian quanh vùng cũng nức lên, ngút ngát hương thơm. Không gian được ướp hương hay là cây lan đang vắt mình phun ào ạt thứ mê hồn hương kỳ lạ, để tặng cho người. Chính phút ấy, từ bóng sẫm, tôi trông thấy con ma Ngọc Lan lững thững bước ra ánh trăng. Thế là tôi choàng tỉnh dậy, và không tin ở mắt mình nữa. Tôi dụi mắt. Đúng là tôi đang thức.
Chính đôi mắt tôi đã trông thấy hồn ma. Những con ma của người đời, của hầu hết mọi người, thảy đều xấu xí, đều làm ta rùng mình sởn gáy, trái lại, con ma Ngọc Lan của tôi lại là một giai nhân. Một cô gái đẹp, rất trẻ, đội nón thúng quai thao, mạc áo mớ ba, bên trong áo lụa bạch, ở giữa áo hồ thuỷ, bên ngoài áo là mầu cánh gián. Cô bước đi làm mớ váy lụa, trong trắng ngoài đen sột soạt; mớ thắt lưng mầu hoa đào và hoa lý phất phơ. Đôi chân cô đi hài cườm, lướt trên đầu ngọn cỏ tựa đang bay. Còn thêm một điểm khác nữa: con ma của người đời đều độc ác, chúng hiện hình như chỉ để doạ nạt, chỉ để báo một điều dữ, làm cho con người phải đẫm mồ hôi lạnh toát. Riêng con ma Ngọc Lan của tôi lại hiền lành, cô con gái nón thúng quai thao ấy đứng giữa vườn hoa thuốc, nở nụ cười với tôi, vẫy nón, rồi thủng thỉnh quay về gốc hoa lan, và... hoà tan trong vũng tối góc vườn, để cho tôi ngơ ngẩn trông theo. Cũng không hiểu sao, trong thâm tâm, tôi cứ đinh ninh rằng đó là một điềm lành đã xuất hiện ở lúc rạng đông cuộc đời mình. Rồi nhiều buổi chiều khác, tôi cứ ngồi ở thềm ngôi nhà cổ, chờ đợi, rình gặp lại cái phút kỳ diệu mà một lần tôi đã thoáng thấy, nhưng phút đó không bao giờ tái hiện. Hay, nói cho đúng hơn, điều kỳ diệu ấy chỉ tái hiện trong giấc mơ tôi. Cô gái Ngọc Lan, hay cô ma xinh đẹp ấy, trong cuộc đời tôi, thỉnh thoảng lại về trong mộng; đó là những lúc, trong những cơn bão tố cung đình, lòng tôi mang nhiều phiền muộn...
***
Hôm nay, trong cái chập choạng, tôi lại ngồi ở thềm ngôi nhà cổ nghĩ xa nghĩ gần. lòng buồn man mác, nghĩ tới số phận của những người thân đang bị cuốn theo, không cưỡng nổi, những cơn co giật cuồng nộ của sóng thịnh suy. Khu vườn này, ngày xưa, chẳng đã in dấu chân của Thánh Ngẫu, của Thuận Tôn... đó sao, chẳng đã từng nghe tiếng cười giòn giã sung sướng của những đứa em tôi đó sao; nhưng nay Thánh Ngẫu lúc nào cũng khóc, nó đã trở thành bà thái hậu u buồn; còn Thuận Tôn, sau khi làm lễ truyền ngôi cho Thái tử An, chắc lúc này đã ra tới Hải Đông, lên núi cao, ngồi tĩnh toạ, để tìm giấc mơ tiên... trong khói núi, sương chiều. Tôi muốn chối bỏ tất cả. Mà phút mơ màng trở về thủa ấu thơ lúc này cũng là cách chối bỏ. Bây giờ, tôi đã quá lớn để có thể đốt nén hương, nhen một ngọn lửa trong cái hốc ở gốc cây ngọc lan, nhưng chắc chắn trong lòng tôi vẫn còn bí ẩn leo lét ngọn lửa ấm áp của ngày xưa.
Ông ngoại tôi đã lên Yên Tử từ lâu. Khu trại đã bỏ hoang, nhưng vườn thuốc vẫn còn đó. Ông già Lặc vẫn chăm sóc vườn thuốc nhưng chẳng để làm gì cả. Ông ngoại, người thày thuốc từ tâm đã bỏ lên núi, hỏi còn ai biết xử dụng những cây cỏ lạ lùng đó nữa. Vườn thuốc không còn hữu dụng, nhưng nó vẫn còn là một vườn hoa, một vườn hoa ắp đầy kỷ niệm. Bụi bìm bìm tím mọc ở góc sân, leo lên cây bưởi, những ngọn của nó cong cong vươn ra không trung để nhảy múa với gió. Tôi chợt giật mình, nhớ tới chuyện ông ngoại dạn một bài thuốc lúc cụ đi tu:
- Phải nhớ lấy cây bìm bìm. Hạt của nó tên gọi “Khiên ngưu tử”, có thể chữa được bệnh rồ dại. Mà dòng giống nhà cháu vốn có chứng rồ dại.
- Ai rồ dại? Cha tôi? Hán Thượng? Hay bà hoàng Thánh Ngẫu? Cũng có khi, kẻ rồ dại ấy chính là tôi? Bởi vì đã nhiều đêm tôi mất ngủ. Bởi vì có một nỗi sầu dằng dặc vẫn ám ảnh tôi, mà tôi đã cố chôn vùi vào trong chén rượu. Bởi vì trong hồn tôi mang nhiều ảo ảnh. mà cô gái xinh đẹp nón thúng quai thao kia cũng là một ảo ảnh.
Dòng nghĩ miên man lang thang ấy bỗng nhiên chững lại, như bánh xe lăn vấp phải viên đá giữa đường. Hồn tôi sẽ lạnh, rùng mình. Tôi chợt ngẩng đầu nhìn ra vườn thuốc, rồi bàng hoàng... Từ xa xa, trong bóng mờ, dưới những tán cây hòe, có bóng một người con gái bước ra. Cô ta bước ra từ đám lau sậy, hay từ bóng những cây cổ thụ nhập nhoạng? Trăng non mùa xuân chẳng biết đã lên tự lúc nào... Không có bóng tráng. Biết trăng lên vì trời mầu trắng sữa. Trăng dãi lên người cô gái như khoác lên một tấm sa trắng mờ mờ, để làm nhoà khuôn mặt, nhưng lại càng làm tăng thêm vẻ kiều diễm. Tôi giật mình, tự nhủ thầm: hồn ma Ngọc Lan. Nhưng, cô Ngọc Lan đêm nay không đội nón thúng quai thao. Cô vấn khăn, tóc bỏ đuôi gà.
Những tà áo mớ ba đỏ trắng nâu và bộ thắt lưng hồng lý bạch được gió thổi tung phơ phất. Đúng! Cô ta đã hiện về? Tôi khẩn cầu cho hồn ma bước lại gần tôi. Người con gái mờ ảo đó tiến về phía tôi thật. Cô ta cười. Và hai tay lại dâng lên ngang mày một cây đàn nguyệt. Ô hay! Hồn ma đêm nay cũng muốn cùng ta say một khúc nguyệt cầm? Tôi đứng lên, mừng rỡ.. Người con gái mà ta đã gặp từ thủa ấu thơ, người con gái vẫn nhiều đêm đi về an ủi tôi trong giấc mơ, hôm nay, lại hiện ra bằng xương bằng thịt cùng với cây nguyệt cầm... Tôi như trong mộng, khi nghe thấy tiếng ríu rít như lạ... mà lại rất quen:
- Chàng thẫn thờ gì thế?
Tôi kính cẩn cúi đầu thi lễ.
- Ô hay!
- Đúng là nàng! thật hay mơ?
- Ô kìa? Chàng chẳng nhận ra em?
Tôi càng bàng hoàng hơn, khi nhận thấy giọng nói... quá ư quen thuộc...
- Chàng sao thế? Chàng nghĩ đi đâu vậy? Em đây mà? Thanh Mai đây mà
Tiếng nói chợt kéo tôi về cuộc sống thật. Và, thế là tôi bừng tỉnh... à! Ra thế! Thực và ảo?... Ở đây ảo với thực hoà tan. Thì ra, cô gái Ngọc Lan, người đàn bà nón thúng quai thao, mà tôi đã gặp từ thủa xa xưa, nay đã hiện thân ra thành Thanh Mai. Thảo nào! Tôi cứ cảm thấy gương mặt của nàng rất quen thuộc... Hoá ra, một tiền duyên? Có thể nàng đã quen tôi từ một kiếp khác... Và hồn nàng đã về ẩn dưới gốc hoa cao quý để bây giờ hồn và xác, mơ và thực, nhập với nhau làm một, hoá thành cô gái bằng xương bằng thịt: Thanh mai, biến thành cô kỹ nữ, với tiếng đàn làm mê hồn cả đất Thăng Long.
Tôi cười, bảo nàng:
- Có lẽ em không phải ở cõi đời này!
Thanh Mai cười giòn:
- Chàng quá khen... thành mơ. Chẳng phải em là xương là thịt hay sao?
Chúng tôi trò chuyện, vui vầy thâu đêm. Trong lúc ái ân, tôi ngạc nhiên nhìn đôi mắt long lanh ánh trăng của nàng, nhìn mớ tóc mượt mà xoã tung của nàng, sao chúng đen láy và linh động đến thế, và gương mặt nàng lúc trang nhễ nhại lúc hồng hào, sao chúng đổi sắc màu nhanh đến thế, cứ như thể tôi vừa mới thổi cho chúng một cái hồn mang nhiều âm điệu. Giọng ríu rít của nàng nói vào tai tôi:
- Chưa bao giờ em sung sướng như đêm nay.
Tôi chợt nhớ đến lời một người bạn: Chỉ có người đàn ông thông minh mới đem lại được sự vui vầy thoả thích cho người đàn bà trong cuộc giao duyên. Không hiểu câu nói đó có chút nào kiêu ngạo không? Tôi cứ tự cười thầm, tự chế nhạo thầm trong lòng, nhưng chắc chắn nó là một niềm hãnh diện và hạnh phúc. Cũng không hiểu ảo ảnh về con ma Ngọc Lan có ảnh hưởng gì đến cuộc ái ân đêm đó không, mà bỗng dưng, lúc ở cạnh nàng, tôi bỗng thấy sực nức mùi hoa vương giả, phải chăng mùi hương được lan toả từ da thịt nồng nàn, ấm áp và quấn quýt của nàng.
Và chính đêm ấy, tôi mới chợt hiểu một điều: Thanh Mai là người đàn bà độc nhất mà tôi đi tìm kiếm từ bấy lâu nay. Đó là người đàn bà ẩn dấu luôn ám ảnh tâm tưởng con người, người đàn bà tôi muốn gặp mà chưa hề thấy mặt. Lúc thì nàng biến hình ra một bóng ma, một ảo ảnh. Lúc thì biến thành một cây hoa, một hồn hoa. Người đàn bà đầy nhục cảm, đầy sự sống. Người đàn bà xinh đẹp lại có một tâm hồn. Gặp được nàng, đó là niềm vui lớn, đó là cuộc tìm kiếm lớn của đời người.