Rồi Cũng Yêu Nhau
Tác giả: Nguyễn Ý Thuần
Cho đến lúc cộng chung tiền điện thoại của hai người lại có thể đủ để làm một đám cưới nhỏ, họ vẫn chưa gặp nhau. Đúng ra, với những tiện nghi của xứ Mỹ này chỉ cần một chút tiền - cỡ chừng một phần năm mươi của tiền điện thoại đã trả - cộng thêm vài ngày nghỉ, chàng hay nàng dư sức làm một cuộc thăm viếng để... ra mắt nhau. Nhưng họ vẫn không làm bởi những lý do... Chúa ơi! Để lý giải những lý do dành cho kẻ đang yêu theo kiểu chàng và nàng thì họa may chỉ có thượng đế mới làm được. Lần lựa, lần lựa họ tìm cách né nhau. Và hôm nay, mùa xuân của năm thứ hai đã đến.
Chàng hiền lành, đôn hậu và nàng dễ thương. Cả hai đều biết rõ về mình và nghĩ về nhau đúng như những điều họ đang có. Nghĩa là đứng trên cái nhìn bình thường của mọi người thì họ rất xứng đôi, rất xứng đáng để... cầm tay nhau đến nhà thờ. Nghĩa là họ hội đủ những điều kiện ắt có và đủ để thành một cặp vợ chồng hạnh phúc. Nghĩa là... Tất cả mọi cái nghĩa là của mọi người đã nghĩ chàng và nàng đều đã nghĩ. Nhưng chỉ nghĩ thôi. Dám đâu mà thực hiện. Cả hai đành phải né nhau trong những dịp lễ có vài ngày nghỉ. Họ ngại! Rất đúng, họ ngại như những dòng chữ đầu tiên trong lá thư đầu tiên viết cho nhau.
A! Đến đây cần phải nói rõ, cả chàng và nàng đều không khoái cái mục - tìm bạn bốn phương- tí nào cả. Không khoái đến độ giở một tờ báo lá cải nào có mục - kết bạn thư tín- hoặc - tìm bạn bốn phương- họ đều bĩu môi, lật sang trang khác. Với họ, cái trò chơi vớ vẩn này chỉ tổ tốn tiền tem. Chẳng được lợi lộc gì. Mất thời gian để ươm mơ một cách thiếu... nền tảng. Và nghĩ sẽ chẳng bao giờ họ tham dự vào trò chơi này. Chẳng bao giờ. Đúng! Sẽ chẳng bao giờ. Họ đã nghĩ và làm như thế. Cho đến bây giờ, mùa xuân thứ hai kể từ lá thư đầu tiên họ vẫn chưa được gặp nhau, dù họ vẫn chẳng biết cái trò chơi đáng ghét - tìm bạn bốn phương- là gì cả.
Đầu tiên là một truyện ngắn của chàng đăng trên báo. Nàng đọc và nhận thấy có những điều trùng hợp với mình. Sự tình cờ này đã đưa đến lá thư thứ nhất. Đại loại như hầu hết thư độc giả gởi cho người viết, chàng đọc và vẫn thường bỏ quên trong ngăn kéo. Nói cho cùng, lúc mới nhận được thư, chàng cũng định trả lời nhưng đọc thấy tên của nàng cuối thư chàng đâm... sợ! Ôi, cái sự sợ hãi kỳ cục và hiển nhiên của một gã đàn ông ngoài ba mươi thật khó lòng giải thích. Tên nàng quá đẹp. Tên nàng quá haỵ Tên nàng quá dễ thương. Tên nàng nghe... cổ kính. Chàng nghĩ cả trăm lần tên nàng với một tĩnh từ cộng thêm chữ quá.
Hãy khoan trách chàng là lẩm cẩm, bởi đó là sự thật. Hãy tưởng tượng đến một cái tên thật đẹp nào đó - theo kiểu bạn nghĩ - về một người con gái đáng yêu nào đó - cũng theo kiểu bạn nghĩ - nhưng chưa gặp. Dĩ nhiên, cũng có thể chẳng bao giờ gặp trong đời bởi đó là ý nghĩ. Lũ đàn ông chúng ta thường chế ra một mẫu người như trên, để dành trong đầu. Chàng cũng thế, cũng chế ra một mẫu người. Và... Chúa ơi! Sự tình cờ thứ hai là cái tên của nàng y chang cái tên chàng cho là đẹp nhất với người con gái đáng yêu nhất của chàng. Nên run là phải.
Chàng đã ngẩn ngơ đọc tên nàng trên lá thự Một lần. Hai lần. Ba lần. Rồi nhiều lần... Sau cùng, chàng hét lên, chạy ào vào buồng tắm. Thằng người trong gương hiện ra kỳ cục, chả đẹp trai tí nào cả. Làm sao sánh với người con gái có cái tên như thế? Nhưng thôi! Dù sao cũng phải ráng thêm. Chàng vuốt tóc cẩn thận. Thằng người trong gương vẫn không khá hơn. Chàng mỉm cười nhè nhẹ. Thằng người trong gương vẫn cứ vô duyên. Nản lòng, chàng trở về phòng và chấm dứt ý định viết thư để làm quen.
Cái ray rứt của hai tuần lễ đầu kéo dài trong từng đêm. Đi làm về, chàng lấy thư nàng ra đọc lại, ngắm nghía cái tên. Đã đời là đã. Rồi bật dậy, cầm viết, lấy giấy, ghi ngày tháng. Xong ngồi yên, nhìn tờ giấy trắng bong đang chờ đợi. Cuối cùng bao giờ cũng là hành động cáu kỉnh vò nát tờ giấy và tắt đèn lên giường nằm. Đến tuần lễ thứ ba, chàng phải dọn nhà. Lá thư bị bỏ quên trong một cuốn sách.
Bởi bản tính hồn hậu nên chàng dễ dàng bỏ quên mọi sự trong cuộc sống. Về nhà mới, chàng nhớ mang máng là lá thư có bỏ trong một cuốn sách nào đó. Chỉ thế thôi, còn cuốn nào chàng đành chịu. Nhìn đống sách vở lộn xộn chàng thở dài, làm sao có thể tìm được đây? Ngồi lật từng cuốn sách ư? Cũng được đi, vài trăm cuốn chứ mấy. Chàng tự hẹn mình sẽ bỏ ra một buổi cuối tuần để tìm lá thư.
Nhưng chỉ hẹn vậy thôi, đâu có một buổi cuối tuần nào chàng được rảnh rỗi. Luôn luôn là những quán cà phê, những buổi họp mặt, những chầu nhậu. Đám bạn bè văn nghệ đã là lẽ sống thứ hai của chàng. Năm ngày trong tuần cắm đầu trong công việc, còn lại hai ngày phải xả hơi. Như quả bóng căng phồng được xì ra đúng lúc. Chàng thở phào mỗi chiều thứ sáu, và bắt đầu sống lại với bạn bè. Nên việc bỏ ra một buổi cuối tuần để tìm lá thư nghe thấy dễ nhưng với chàng sao mà khó thực hiện. Cứ thế, chàng nguôi ngoai cái ray rứt được đọc lại lá thư với thú đọc lẩm nhẩm tên nàng. Dần dà, tên nàng chỉ nằm trong ý nghĩ và cuối cùng chàng chỉ nhớ mang máng là đã có một độc - giả - con - gái mang tên đó viết cho mình một lá thư.
Cuộc đời đầy rẫy những sự tình cờ, nếu quả đúng những sự tình cờ làm nên số mệnh, thì số mệnh tình cảm của chàng và nàng bắt nguồn từ việc ăn ở bừa bãi, bê bối của chàng. Chủ nhà sau ba tháng, phát ngán vì ông khách - share- phòng quá nghệ sĩ - nghệ sĩ đến độ căn phòng chỉ còn giường ngủ là có thể ngồi hoặc nằm được, còn toàn bộ sàn phòng đều không có chỗ đặt chân, rác cộng với giấy, cà phê cộng với tàn thuốc v.v... căn phòng kỳ cục hết chỗ nói - đã phải mời chàng đi chỗ khác ở. Chàng vui vẻ dọn nhà lần thứ ba trong năm. Và định mệnh tình cảm, do sự tình cờ trong việc cố tình ăn ở bừa bãi, đã bắt đầu chuyện hai người từ đó.
Có một tật xấu từ ngày còn bé đến nay chàng vẫn không bỏ được là đọc sách khi đi vệ sinh. Luôn luôn theo chàng vào restroom là một cuốn sách. Bất kể cuốn gì, thơ, truyện, báo chí v.v... Đọc vài trang trong thế ngồi thoải mái. Và lạ vô cùng, những trang sách đó thường được nhớ rất kỹ. Lại nữa, theo thời gian cái ật kỳ cục đó đã thành cái thú không bỏ được. Chàng đã xem đó là một điều hiển nhiên trong sinh hoạt như ăn phải nhai, khát phải uống... Tự nhiên như mọi hành động cần thiết khác để làm nên cuộc sống. Lần này cũng thế, đến nhà mới, đống sách vở lộn xộn còn vất trên mặt thảm chưa kịp xếp vào kệ thì chàng nổi cơn đau bụng. Vớ đại một cuốn, chàng chạy ào vào restroom.
Trở lại với số mệnh tình cảm của hai người, ta phải nói rõ là bắt nguồn từ sự tình cờ nhưng nơi chốn bắt đầu là restroom. Trong thế ngồi bình thường như trăm ngàn người bình thường khác, chàng lật cuốn sách, lá thư của nàng hiện ra. Chàng ngạc nhiên và mừng rỡ. Đọc vội, đọc vàng như lá thư mới nhận được dù bấy nhiêu câu trong thư chàng đã thuộc lòng từ ba tháng trước. (Đến đây phải mở thêm một dấu ngoặc về việc thuộc lòng lá thự Chàng đã thuộc lòng lá thư của nàng trước lần đọc này. Kẻo lại có sự ngộ nhận giữa những trang thư đã thuộc lòng và không khí của một cái restroom mà tại mất đi tính chất... thơ mộng của câu chuyện và nàng có thể giận chàng như chơi!). Mắt thì đọc, tay thì cầm nhưng lòng náo nức như vừa tìm thấy một điều gì tưởng mất. Cuối cùng, chàng vui vẻ rời khỏi restroom với lá thư được cầm cẩn thận trên tay.
Trong nỗi mừng, chàng khoe lá thư với người bạn làm thơ gốc không quân. Anh chàng này bản tính cẩn thận, sau khi đọc xong đã đưa ra nhận xét.
- Chữ viết cứng cáp quá, có vẻ như đàn ông viết.
Chàng im lặng. Người bạn tiếp.
- Cô ta bảo mới 12 tuổi sang Mỹ, ở đây 13 năm. Làm sao có thể thích đọc tiếng Việt? Nói chi là viết một lá thư gọn ghẽ, chấm phẩy đàng hoàng như vầy?
Chàng cố chống chế.
- Thì có người này, người kia chứ bộ. Biết đâu nhờ gia đình cô ta - kèm- kỹ lưỡng.
Người bạn nhún vai.
- Tôi nghĩ vậy đó. Còn ông muốn viết thư trả lời là tùy ông. Coi chừng - vào xiếc- của thằng nào à...
Chàng bắt đầu thấy hình ảnh của người con gái mà mình hằng nghĩ chợt lung laỵ Thay vào đó là khuôn mặt của một thằng đàn ông nào đó, hiện lên với nguyên vẻ đểu cáng. Rồi tự nhiên, chàng đâm trách mình ươm mơ quá sớm, quá vội vã.
- Bây giờ tính sao?
Chàng hỏi với tất cả sự bối rối. Người bạn nhún vai cái nữa.
- Ai biết tính sao, tùy ông à.
- Như ông, ông sẽ làm gì?
- Tôi hả? Tôi coi như không có và quên liền.
Mẹ kiếp! Chàng nhìn gương mặt tỉnh như không có gì của người bạn mà bực mình. Đâu ai hiểu đã có những đêm chàng trăn trở đọc tên nàng... Đâu ai biết chàng bối rối khi nhìn đống sách để rầu rĩ không biết lá thư của nàng nằm trong cuốn nào. Đâu ai hay niềm vui tràn ngập restroom như chàng sáng nay... Chàng ngập ngừng.
- Sao tôi nghĩ cô ta là con gái thiệt ông à.
Người bạn định cười chế nhạo, nhưng bắt gặp khuôn mặt như đưa đám của chàng lại thôi. Suy nghĩ một thoáng rồi anh ta vỗ vai chàng.
- Thôi! ông thử test xem sao.
- Test?
- Ờ! Test hay check cũng được.
- Bằng cách nào?
- Qua điện thoại.
- Điện thoại?
Chàng ngơ ngác hỏi lại. Người bạn gật đầu mỉm cười. Và chàng đã theo lời bạn, làm những điều mà anh ta gọi là test hay check qua điện thoại.
Có lẽ đến tận cuối đời chàng vẫn nhớ cái hoa thị nhỏ, đáng yêu đánh trước mười con số điện thoại nằm cuối lá thợ Dù đã đọc lá thư hàng trăm lần, thuộc từng dấu phẩy, dấu chấm nhưng chàng vẫn không để ý đến cái hoa thị với mười con số nằm ở đáy trang giấy. Lần nào chàng cũng ngưng tại cái tên của nàng để lẩm nhẩm. Cho đến khi kế hoạch của người bạn được đưa ra, chàng mới hồi hộp giở lại lá thơ và hú vía! Nàng đã cẩn thận để số điện thoại ở trang chót. Chàng sẽ thực hiện được cái test dễ dàng. Chúa ơi! Cái hoa thị nhỏ vẫn bị bỏ quên bên cạnh mười con số sao hôm nay đáng yêu đến thế.
Nhưng dù sao cũng run. Run là cái chắc, thà không biết kết quả còn hơn khám phá ra tác giả lá thơ là một thằng đàn ông đểu cáng. Không biết thì còn mơ, còn mộng. Nhưng không test thì không được. Chàng bèn nghĩ sẵn những tình huống để làm, rồi run run bấm số phone khi lời dặn của người bạn vang lên trong đầu. Nếu ông nhắc lên, hỏi cô ta mà gặp thằng đực rựa nào bảo cô ta đi vắng hay chờ tí thì nên cúp ngaỵ Trường hợp này chỉ từ thua tới huề. Thua là ông hiểu, còn huề là người ta dàn cảnh để kéo dài trò đùa với ông thêm một tí. Trong cái huề muốn sang trường hợp thứ ba, ông phải “feel” thấy người ta có dàn cảnh hay không. Người bạn cười hề hề sau ba trường hợp đưa ra. Hai điều trước rõ ràng là thua, chỉ còn tí ti hy vọng của trường hợp thứ ba thì cần phải feel mới thấy được. Sao mà khó khăn quá! Chàng áp ống nghe vào tai. Giọng cô gái Mỹ ở tổng đài léo nhéo về việc bấm lộn số. Chàng thở phào như được cất cục đá vô hình trên ngực khi buông điện thoại xuống. Nửa tiếc, nửa mừng chàng lẩm bẩm một mình, bàn tay nắm chặt lại. Dám người ta cho số điện thoại chùa lắm à! Sao lại không dám khi mình chả là cái quái gì trong trò đùa của họ - nếu đúng là trò đùa. Mẹ kiếp! Có thể mình bấm lộn số trong lúc vội vã. Thu hết bình tĩnh, chàng bấm lại số cẩn thận. Có tiếng tích tích, rồi tiếng chuông reng đầu giây bên kia. Vậy là số thật. Chàng mừng rỡ reo lên, nhưng trống ngực đập mạnh hơn. Cái run lại đến.
- Hello.
- Hello.
Một giọng - con - gái - Bắc - Kỳ vang lên từ đầu giây bên kia. Chàng ngập ngừng. Tự nhiên thành cà lăm.
- Cho... tôi gặp... cô... - Vâng, tôi đây!
Giọng cô gái Bắc Kỳ trong điện thoại thật dịu dàng. Chàng hét lên một câu chẳng ăn nhậu gì đến cuộc đối thoại. Hẳn nàng chẳng giận hay ngạc nhiên. Bởi về sau, chàng kể lại trường hợp test với một câu trả lời kết quả rất lạc quan: Anh rơi vào trường hợp thứ tư.
Sau khi gởi lá thư, nàng bắt đầu ân hận. Đúng là đoảng. Chả quen biết gì hết mà đùng đùng viết thợ Mà trời ơi! Lại viết thơ cho một người viết văn. Chắc chắn hắn sẽ cười mình. Chẳng có chuyện gì để viết một lá thơ dài đến ba trang. Ngay cả câu chuyện của hắn viết cũng chẳng có gì chứng minh là có liên quan đến nàng. Chỉ vì hơi giông giống nhân vật, nàng đã cảm động viết thự Lại còn ghi thêm địa chỉ và số điện thoại để liên lạc nữa chớ. Dù số điện thoại được nàng cố tình ghi tận cuối trang, rất dễ bị bỏ sót khi đọc nhưng vẫn có. Để làm gì cở Đâu biết hắn thế nào? Tốt thì chả nói, còn xấu thì lá thơ đó sẽ thành một đề tài trong các câu chuyện. Chỉ nghĩ đến đây là nàng cảm thấy nóng bừng hai má và khó chịu với chính mình. Cũng có lúc tự nhiên nàng nghĩ hắn sẽ đôn hậu và dễ mến như những gì hắn viết. Văn là người mà lỵ!. Hắn sẽ cảm động khi đọc thư nàng, và viết thư trả lời. Cũng có thể hắn sẽ coi đó như những lá thư độc giả viết cho hắn. Xem xong rồi xếp vào xó, không bao giờ biến lá thư thành một trò cười. Nàng tưởng tượng đến đủ thứ nhưng dù sao sự lo lắng vẫn nhiều hơn là hy vọng.
Hết tuần lễ đầu, với những ý nghĩ pha trộn đủ loại, nàng bắt đầu cảm thấy hắn có vẻ gần gũi. Tình cảm lãng mạn của một cô gái gốc miền biển, còn nguyên nét Việt Nam đã cho nàng những cái mỉm cười, những cái nhíu mày vô cớ hàng ngày. Hy vọng nhận được thư của hắn đột nhiên có nhiều hơn là những lần tự trách. Nàng bước vào tuần lễ thứ hzi với nụ cười cho gã bưu tín viên đến mỗi chiều.
Nhưng điều đến với nàngkhông phải là một lá thợ Đó là những cái nhảy mũi vô cớ, đấan một cách vô duyên. Những cái nhảy mũi quái đản trong suốt hai tuần lễ liên tiếp. Lắm lúc trong sở làm, lắm lúc nửa đêm. Tưởng bệnh, đi bác sĩ thì chả có gì. Giữa nàng và những cái nhảy mũi thì chắc chỉ có trời mới giải thích được sự liên hệ. Cứ thế, hai tuần lễ nữa trôi qua, thư cũng không thấy mà điện thoại cũng chẳng có. Duy nhất chỉ có những cái nhảy mũi là đeo đẳng. Nàng bắt đầu bực bội và giận mình.
Ông bà cụ nàng ngạc nhiên về tính tình thay đổi của đứa con gái út vẫn được tiếng là hiền lành, dịu dàng. Con bé đâm ra khó tính và hay cau có. Lắm lúc những chuyện đâu đâu xảy ra cũng làm nó gắt gỏng. Chả bù với lúc trước, cười nói cả ngày. Ông bà cụ lo lắng đặt ra vài giả thuyết cho cô gái út cưng.
- Này bà, con bé dạo này đến là kỳ.
- Thày nó nghĩ sao?
Ông cụ ngần ngừ một lúc, rồi nói khẽ với bà cụ mặc dù lúc bấy giờ chỉ có hai người trong phòng.
- Hay nó... phải lòng đứa nào mà không được...
- Phải lòng?
Bà cụ nhắc lại thẫn thờ và cảm thấy trời đất xụp đổ. Giời ơi! Con bé mới... hăm lăm mà đã khổ thế sao? Bà cụ quên mất dù nàng là con gái út, bé bỏng nhất nhà, nhưng nếu chuyện đó xảy ra trên đất Mỹ với cô gái vào tuổi nàng thì vẫn là điều bình thường. Vẻ cuống quít của bà cụ làm ông cụ ái ngại.
- Tôi chỉ nghĩ thế, cũng chưa chắc.
- Ừ con bé ngoan thế...
Bà cụ vội vã nhận ngay ý kiến đó. Trầm ngâm thêm một lúc, ông cụ lại bảo:
- Nhưng dù sao bà cũng nên để ý đến con nhiều hơn nữa. Gạn hỏi nó xem sao, rõ khổ con bé út ít nhà mình...
Ông cụ thở dài bỏ lửng câu nói. Và bà cụ bắt đầu theo dõi cô con gái cưng. Cuối cùng báo cáo lại với ông cụ.
- Nó bịnh đấy ông ạ.
- Bịnh?
- Ông chẳng để ý gì đến con cái cả. Nó hắt xì cả đêm... Lại còn nghi oan cho con bé...
Mọi cái xảy ra cho cô con gái cưng được bà cụ đổ cho những cái nhảy mũi và cơn bệnh không có. Nhưng đó chỉ là ý kiến của ông bà cụ nàng. Còn nàng, những cơn ắt xì ít dần, rồi chấm dứt vào tuần lễ thứ tư mà chẳng cần viên thuốc nào cả. Song song với việc chấm dứt nhảy mũi là nàng chấm dứt tâm trạng chờ thư và điện thoại. Bốn tuần là quá đủ. Cái thằng cha thật dễ ghét, làm phách, kiêu căng. Cứ tưởng như mình viết hay lắm ấy... Đã có lúc nàng nhất định không thèm đọc những gì hắn viết, nhưng ác thay, trong ba tháng liên tiếp hai tờ tạp chí văn nghệ nàng mua hàng năm đều lại đăng bài của hắn. Nàng giở tờ báo, đọc cái tên hắn rồi bĩu môi, lật sang trang khác. Đó là tháng đầu. Tháng thứ hai tính từ cơn bệnh nhảy mũi, nàng lật hai tờ báo ra. Vẫn thấy cái tên dễ ghét, kiêu căng, làm phách đó xuất hiện. Tháng thứ ba nhận báo nàng lật ra. Vẫn có hắn! Lần này cái tên hắn như một sự châm chọc và giễu cợt nàng. Bực mình không ít, nàng đọc cái truyện của hắn. Đọc với tất cả hậm hực để vạch lá tìm sâu (câu này, lúc sau nàng... thỏ thẻ khi kể lại với chàng chẳng có gì là hậm hực mà còn đáng yêu nữa mới chết chứ). Được vài trang đầu nàng bật cười ròn rã. Đó là một cái truyện giễu của hắn. Ông bà cụ nhìn tràng cười của con gái đâm vui lây. Vừa lúc đó, chuông điện thoại reng. Nàng bốc lên. Bên kia giây nói một giọng đàn - Ông - Bắc - Kỳ lạ hoắc.
- Hello.
- Hello.
Nàng feel thấy người đàn ông đó ngập ngừng. Rồi tiếng nói đứt quãng, nhưng tự nhiên nàng nghe rõ ràng.
- Cho... tôi gặp... cô...
- Vâng tôi đây!
Nàng dịu dàng trả lời. Bên kia giây nói người đàn ông rất bất lịch sự, đã hét lên, nghe chói tai.
- Đúng rồi! Đúng rồi!
Sau đó hắn giới thiệu tên. Nàng ngạc nhiên, và sực nhớ trước mặt nàng là cái truyện đang đọc với cái tên không còn dễ ghét của chàng
Sắp đến mùa xuân thứ hai là nói cho nó văn vẻ, còn chàng với nàng thì đâu còn quan tâm đến điều gì khác. Thời gian với họ chỉ quan trọng vào những lúc bốc điện thoại nói chuyện với nhau và chỉ đáng nhớ khi công ty điện thoại gởi bill về. Từ tháng Giêng của một năm đến bây giờ là tháng Chạp của một năm là điểm đầu và điểm cuối thời gian. Khoảng thời gian này được một nhân chứng thành thật và nhiệt tâm nhất trong vấn đề nhắc nhở là công ty điện thoại. Mỗi tháng, một lần nhân chứng tận tụy làm tròn trách nhiệm với họ, đều đặn, không xao lãng. Hai mươi ba lần nhắc nhở được biểu diễn bằng hai mươi ba cái bills với những con số. Chàng vui vẻ ký check. Nàng vui vẻ ký check. Và công ty điện thoại cũng vui vẻ nhận check.
Tất cả đều vui vẻ như những câu chuyện vớ vẩn họ đã nói với nhau. Chẳng đâu vào đâu cả. Toàn chuyện trên trời dưới đất. Đại loại như:
- Em dạo này thế nào?
Chàng mở đầu, dù mới đêm hôm qua nàng vừa gọi.
- Vẫn khỏe và đi làm đều anh ạ!
Chúa ơi! Nghe nàng nói hình như hãng xưởng sắp đóng cửa đến nơi. Dĩ nhiên chàng tỏ ra quan tâm hơn.
- Ở sở vui chứ?
- Vui! Còn anh?
- Vui lắm. Anh làm báo mà ly...
Tiếp theo là chàng kể ra một lô chuyện xảy ra trong ngày tại tòa soạn tờ báo đang làm. Nàng, bây giờ có thể hình dung được quang cảnh tòa soạn ra sao, ai ngồi đâu, công việc gì một cách dễ dàng bởi lần này có thể là lần thứ một trăm hay hơn nữa, chàng kể về tòa soạn. Ngược lại chàng cũng có thể hình dung được căn phòng nàng đang ở. Cái cassette để góc nào, bàn kê sát cửa sổ màu gì, kệ sách của nàng mới có cuốn sách nào... Hoặc ly kỳ hơn nữa nàng còn kể cho chàng nghe tối nay ăn cơm với món gì, rồi hỏi ngược lại. Dĩ nhiên chàng cũng kể cho nàng nghe vừa ăn gì, uống mấy chai bia loại nào... Ôi! Lòng dzòng có bấy nhiêu chuyện xảy ra. Nhưng vẫn nói! Bởi họ đã ghiền giọng nói với nhau.
Mà ghiền thật chứ chả chơi! Những lần nói chuyện trên trời dưới đất đã thành sự cần thiết với họ. Chỉ cần sau tiếng hello của nhau là cả hai đều thấy lòng nao nao. Rồi chàng và nàng thay phiên nhau nói. Đề tài dĩ nhiên toàn những mẩu chuyện lãng xẹt mà chỉ có những người như họ mới thấy đáng yêu - như trăm ngàn câu chuyện đã có giữa trăm ngàn cặp tình nhân. Có lúc bí đề tài chàng bèn đọc một bài thơ mới làm. Sau thấy thơ còn ngắn không đủ đã, chàng bèn đọc truyện ngắn mới viết. Nàng nghe, thỉnh thoảng... góp ý kiến. Chàng đồng ý thì câu chuyện tiếp tục, còn không đồng ý thì cả hai cùng bàn cãi. Say sưa bàn cãi đến độ quên hẳn tiền long distance từ Cali đến Dallas phải trả sòng phẳng chứ không thể thương lượng hay bàn cãi được. Chưa hết! Lâu lâu nàng còn rủ chàng... đánh cờ tướng. Chúa ơi! Những ván cờ tướng rất đáng yêu và rất đáng tiền. Chỉ cần từ con pháo đầu tiên nhúc nhích đến con tướng bay đầu là đủ hết nửa lần nói chuyện. Chỉ nửa lần thôi vì phần còn lại là ho... luận về bàn cờ vừa rồi. Đáng lẽ anh phải đi con xe, đúng ra em phải bỏ mã v.v... Hăng hái nói cho nhau nghe để cuối cùng buông điện thoại xuống là quên hết.
Nếu câu chuyện giữa hai người chỉ vẩn vơ, trên trời dưới đất thì công ty điện thoại đâu thoải mái thu tiền hàng tháng? Cũng phải có gì chứ? Có gì là có gì? Có gì sao được? Đến bây giờ họ vẫn chưa gặp nhau mà. Nhìn vào ai cũng thấy thế, cũng bảo thế. Nhưng đó là mọi người. Họ đâu phải mọi người, họ đâu bảo thế, họ đâu thấy thế? (Nhắc lại đến giờ này họ vẫn chưa gặp nhau làm sao mà thấy?). Nhưng họ đã nói, đã nghe và đã cảm thấy. Cái cảm này chính là cái có gì chỉ riêng họ có mà mọi người không có.
Với chúng ta, điều có gì của họ nhạt thếch, bình thường như những chuyện ấm ớ của các cặp tình nhân. Nhưng với họ, nhất là nàng thì đó là điều không được tiết lộ. Kỳ chết! Chửa gặp nhau, chửa biết mặt mũi của nhau ngang dọc thế nào mà cứ như là... Như thế nào? Chàng tủm tỉm cười, tưởng tượng đến mặt nàng khi nói. Rồi vòng vo tam quốc mãi mới dụ được nàng tiết lộ. Thật ra, việc tiết lộ những cái gọi là có gì của họ đâu có gì quan trọng trong cuộc sống. Nhưng bởi câu chuyện này, bởi truyện ngắn này phải được hoàn tất nên đành phải dụ hai người đồng ý. Chúng ta dụ chàng, chàng dụ nàng. Diễn biến của hai lần dụ đã được hoàn tất. Chàng đã yên tâm không sợ nàng giận. Nàng vui vẻ không sợ xấu hổ và chúng ta lại tiếp tục.
Cái gọi là có gì của họ lẫn lộn vào những câu chuyện ấm ớ, hội tề. Nhưng cả hai đều cố gắng bòn tro, đãi sạn để tìm thấy những cái có gì. Họ ráng tìm cũng như ráng tìm cơ hội để gởi gấm điều gì đó trong các lần đối thoại. Như kể cho nhau nghe vừa ăn tối với món gì. Chàng thở dài rất cải lương.
- Anh lang thang như hồn ma không miếu.
- Sao anh không ăn chung với chủ nhà?
- Phiền lắm em ạ.
- Buồn quá nhỉ...
- Mỗi bữa ăn là một quán. Nhiều lúc nhìn thực đơn anh chẳng biết gọi món gì. Mà có gọi ra, một mình ngồi một bàn, nhìn chung quanh anh thấy mình đúng là mồ côi. Tủi không ăn được...
Nàng bùi ngùi, nói nhỏ.
- Phải chi có em.
- Ừ, phải chi có em thì đỡ biết mấy.
Họ im lặng khi hai cái phải chi được nói đã kéo họ gần lại một cách tự nhiên. Hoặc giả một lần sau khi đánh cờ tướng bằng mồm. Nàng hồn nhiên kể một câu chuyện vui về việc kén rể bằng cờ tướng. Xong, cả hai phá lên cười. Nàng bảo.
- Có một điều trái ngược giữa anh và em.
- Lúc nào?
- Lúc đánh cờ tướng. Em là con gái mà luôn luôn đánh pháo đầu. Còn anh cứ gánh tượng mãi. Đàn ông con trai gì mà yếu xìu.
Chàng cười.
- Tam thập nhi lập. Ngày xưa các cụ bằng anh đã thành người, anh năm nay ba mươi mấy mà vẫn lông bông, đôi lúc nghĩ lại cũng cần phải thủ chứ. Biết đâu chả được vơ...
Nàng cười theo.
- Được sao mà dễ thế. Ít nhất cũng phải qua một màn thi đấu cờ tướng như chuyện em vừa kể...
Chàng suy nghĩ một thoáng rồi bảo.
- Anh cũng có một câu chuyện cờ tướng kén chồng.
- Kể đi anh!
Chàng bắt đầu chế ra câu chuyện.
- Xưa có ông phú hộ Bắc kỳ, người nhân nghĩa nên trời thương cho con cháu đầy đàn. Người nào cũng giỏi giang, thông minh. Đặc biệt là cô con gái út, đã xinh đẹp lại còn dịu dàng. Nhưng cô ta chẳng để ý đến ai cả. Ông phú hộ Bắc kỳ rất thương yêu cô con gái rượu này. Cha con quấn quít bên nhau suốt ngày, có gì cũng san sẻ, cũng dành cho cô út. Ngay cả thú đánh cờ tướng, ông phú hộ cũng truyền cho con. Mỗi ngày là một cuộc cờ giữa hai bố con. Cứ thế đến năm mười tám tuổi, cô út đã là một danh thủ về cờ tướng.
Dù thương con đến đâu cũng có ngày phải gả chồng cho con gái. Năm ấy, ông phú hộ kén rể. Điều kiện không phân biệt sang hèn, chỉ cần đánh với cô út ba ván cờ, nếu thắng hai thì thành rể. Các đấng đàn ông, con trai ùn ùn kéo đến thử sức. Dĩ nhiên bại trận dài dài. Ban đầu thấy con gái thắng, ông cụ cũng khoái. Sau thấy cô út thắng hoài, ông cụ đâm lọ Điệu này nó dám ế vì say men chiến thắng lắm à! Nhưng thương con, ông cụ chưa dám lựa lời để nói. Cuộc thi kén rể do ông cụ bày ra bây giờ lại thành mối lo cho chính ông.
Nửa năm sau vẫn chưa có chàng trai nào đủ sức đánh ván thứ bạ Ông cụ đã rầu rĩ lại càng rầu rĩ. Nhưng cô út hình như say men chiến thắng thật. Cứ tỉnh bơ hạ từng đối thủ và vui vẻ sống.
Nửa năm nữa trôi qua, khách đến dự thi đã thưa dần. Dăm bữa, nửa tháng mới có người ghé đến. Nhưng vẫn là những bại tướng. Ông cụ nản lòng, định hủy cuộc thi nhưng cô út nằng nặc không chịu. Lại còn dọa tự tử nếu ông cụ ép uổng.
Lại nửa năm nữa, khách đến chỉ có hai người. Và thua cả hai. Cái chái dựng lên để làm nơi tranh tài vắng teo, bộ cờ bụi bám đầy. Chả bù với những ngày mới mở cuộc thi, người vào ra tấp nập như trẩy hội. Giành giật, chen lấn nhau để được thử sức trước kẻo lại ôm hận. Chỉ cần nhìn cái chái vắng tênh là ông cụ đủ héo lòng khi hình dung đến đoạn đời cũng vắng tênh, trong tương lai của cô út.
Đang rầu rĩ thì người nhà báo tin có kẻ lỡ đường đến xin trọ. Ông cụ cho mời khách vào. Vừa gặp mặt chàng trai, ông cụ có cảm tình ngaỵ Sau bữa cơm hai người có vẻ tâm đắc lắm. Cuối cùng là chuyện cờ tướng kén rể. Ông cụ gợi ý với chàng trai.
- Cháu biết đánh cờ chứ?
- Có, nhưng xoàng lắm bác ạ.
Ông cụ hơi thất vọng, nhưng cũng khuyên chàng trai nên thử. Dĩ nhiên anh chàng nhận lời để khỏi phụ lòng ông chủ nhà tốt bụng.
Đêm ấy mười sáu, trăng tròn vằng vặc. Mảnh vườn với cái chái trở thành nên thợ Không gian làm nao lòng người. Cô út và chàng trai gặp nhau trong không khí đó.
Sau ván đầu, ông cụ chán nản bỏ đi ngủ. Chàng trai đánh cờ thấp thật. Còn lại hai người, họ đánh thêm ván thứ hai. Bấy giờ câu chuyện đang nói giữa hai người trở nên thân mật, cô út thấy chàng trai thật dễ mến, mà câu chuyện cũng đang đến hồi gay cấn. Cô út thích thú theo dõi từng đoạn đời do anh chàng kể. Và thua là tất nhiên. Thua để đánh thêm ván thứ ba cho câu chuyện được tiếp tục.
Đang ngủ, ông cụ bật dậy khi nghe người nhà báo cáo tình hình. Lần đầu tiên trong vòng hai năm mới có người được đánh ván thứ bạ Ông cụ vội vã chạy ra vườn trong ý nghĩ tràn đầy hy vọng. Chàng trai chỉ nhường cô út ván đầu tiên, hai ván sau sẽ thắng và...
Hình ảnh của đôi trai gái ngồi đối diện nhau trước bàn cờ làm ông cụ hài lòng. Họ xứng đôi quá xá. Rón rén bước vào chái, ông cụ theo dõi ván cờ cuối cùng đã bắt đầu.
Chàng trai bấy giờ đã đưa pháo sang ăn tốt đầu và chiếu tướng cô út. Cô út lui tượng thay vì gánh sĩ lên đỡ. Chàng trai lui con pháo lại một nước. Cô út nhìn chàng trai rất lâu, rồi mỉm cười đưa tượng lên vị trí cũ.
Có chút ngạc nhiên hiện trên mặt chàng trai, rồi chàng ngước lên, bắt gặp ánh mắt cô út với cái cười dịu dàng. Chàng ngẩn ngơ, cô út ngẩn ngợ Họ cùng ngẩn ngơ và quên hẳn những con cờ đang bầy trước mặt.
Phía bên ngoài ông phú hộ Bắc kỳ cũng ngạc nhiên vì nước đi của cô con gái. Nhưng thay vì nhắc con, ông lại nhắc chàng trai với tất cả hy vọng.
- Đi đi cháu, đến lượt cháu rồi đấy.
Hai người trẻ tuổi giật mình. Chàng trai làm đúng như ý ông cụ và cô út. Cầm con pháo nhảy qua con tượng mà cô út vừa đặt xuống và ăn tướng. Bàn cờ kết thúc một cách thoải mái cho ba người, sau gần hai năm không thoải mái của ông phú hộ.
Chàng ngưng lại với câu hỏi, trong tiếng cười của nàng.
- Hay không em?
- Vui quá.
Chàng cười theo.
- Em thấy không? Đàn bà con gái dù có khôn ngoan, thông minh đến đâu đôi lúc cũng chỉ nên đi con tượng.
Bên kia giây nói, nàng đã thôi cười. Im lặng giữa hai người một lúc lâu, rồi nàng bảo.
- Từ nay em sẽ chỉ đi tượng lúc đánh cờ với anh.
Suốt thời gian của hai mươi ba cái bills điện thoại họ đã có rất nhiều dịp để đến thăm nhau. Giáng sinh, lễ Tạ Ơn... Đủ thứ ngày nghỉ, nhưng họ đã không làm. Như đã nói, họ luôn luôn né nhau. Sự thân tình càng ngày càng tăng làm cho ý nghĩ về nhau càng ngày càng đẹp. Dần dà trở thành... lý tưởng.
Trong chàng, nàng là một cô gái dịu dàng, nết na, dễ thương. Một cô gái Việt nam lý tưởng trên đất Mỹ, trong khi mình chả là cái quái gì cả. Mấy năm trời lang thang, trôi nổi với cái nghề bạc bẽo, hữu danh vô bạc là làm báo Việt nam ở Mỹ. Diễn nôm là nghề có tiếng không tiền. Thư ký tòa soạn, rồi tổng thư ký. Trời ơi! Nghe oai dễ sợ. Nhưng chỉ nên nghe thôi chứ đừng gặp. Nản lắm và nản lắm. Gặp nhau để làm gì trong khi cuộc sống tương lai của chàng đen ngòm như màu mực in báo? Thôi, đành phải né vậy. Đành phải đến với nhau qua sự trung gian của hãng điện thoại. Lâu rồi, đời mình cũng qua... Nói cho cùng, chàng hoàn toàn không mang mặc cảm về công việc đang làm tí nào cả. Đôi lúc lại còn hãnh diện nữa là khác. Nhưng đó là đối với cuộc sống hay đối với mọi người chung quanh. Còn với nàng? Chỉ cần hình dung đến người con gái mang tên đó, dịu dàng như thế, hiền ngoan như vậy mà đối diện với cái thằng trôi thân lạc chợ như chàng thì người ta thất vọng biết bao nhiêu? Tội nghiệp biết mấy khi nàng thất vọng... Chàng đột nhiên mang mặc cảm. Bởi thứ mặc cảm kỳ cục đó nên những lần lễ nghỉ chàng đều kiếm cớ không sang Dallas (nơi nàng ở) dù chưa một lần nàng mời đến. Cứ thoái thác trước bằng một lý do nào đó là chắc ăn.
Cũng thế, trong nàng, chàng là một người đàn ông lý tưởng. Chấp nhận đời sống eo hẹp để thực hiện... văn hóa. Chúa ơi! Nếu nàng nhìn thấy cảnh các nhà văn hóa phải cười cầu tài với thân chủ quảng cáo thì đau lòng và thất vọng biết mấy. Chàng đã hy sinh, lang thang khắp chốn để tiếp tục con đường. Lại nữa, qua những lần nói chuyện nàng thấy chàng hiện rõ nét đôn hậu, hiền lành. Ôi! Mẫu người đàn ông Việt nam trên đất Mỹ, trong khi mình chả là cái quái gì. Sang Mỹ từ ngày còn bé ý niệm về quê hương lờ mờ, lúc có lúc không. Học xong, đi làm. Suốt ngày quẩn quanh một chỗ, chẳng biết gì ngoài sách vở. Gặp người từng trải như chàng thì ngại chết. Mình sẽ hiện nguyên hình một cô bé nhà quê lạc lõng trong con đường chàng đã chọn... Và cũng như chàng, nàng chả có tí ti mặc cảm nào cả đối với cuộc sống Mỹ. Công việc tốt, có bố mẹ, gia đình bên cạnh, dễ thương... Một cô gái như vậy có gì phải ngại ngùng khi sống? Nhưng trong cái nhìn về những người làm văn nghệ của nàng quá đẹp nên ngại ngùng là phải. Nàng cũng tìm cách né chàng. Để khỏi làm thất vọng nhau mà.
*
Bây giờ là mùa xuân thứ hai, họ vẫn đang trong tình trạng né và ghiền. Tội nghiệp chàng, tội nghiệp nàng, tội nghiệp cả những tấm check. Đời đã lắm cảnh tội nghiệp sao ta nỡ để thêm một cảnh tội nghiệp nữa xảy ra cho hai người trong mùa xuân sắp đến. Bởi nếu không ai nói cho họ biết những điều về nhau, họ sẽ kéo dài tình trạng né và ghiền đến tận cuối đời. Đâu ai đành thế? Nên truyện ngắn này phải được viết ra với một hy vọng đẹp như mùa xuân dành cho họ, bằng tất cả sự tin tưởng của chúng tạ Họ sẽ không làm cho nhau thất vọng trong tình yêu. Và bạn, nếu gặp chàng hoặc nàng trong mùa xuân này, hãy an ủi họ rằng.
- Rồi cũng yêu nhau mà!
Hết