Chương bốn
Tác giả: Nhã Ca
Anh Tuấn thân mến,
Hai tuần lễ rồi sao không có thư anh ? Nghi mong đến phát khóc rồi đó anh ? Hôm qua Nghi nghỉ học, ngồi trước sân đợi người đưa thư đi qua. Ông phát thư sao mỗi ngày dễ thương ghê vậy đó, mà chừ đi qua mặt chàu vàu dễ ghét ghê lắm. Lá thư gần nhất, anh bảo rằng anh sắp sửa đi hành quân, vậy là anh đi hành quân rồi nên không có ai rảnh rỗi để viết thư cho em phải không ?
Dầu biết vậy, em cũng không để anh đợi thư em mô. Lần ni anh đi hành quân về anh sẽ có một đống thư để đọc. Không có thư mới của anh, em đem thư cũ của anh ra đọc. Đọc thư anh, đọc hoài đọc hủy, đọc đi đọc lại, mà lần nào em cũng cảm động, cũng thấy mới mẻ, rứa có lạ không hở anh.
Mùa thu ở Huế sắp hết rồi. Đêm qua em mở cửa sổ, gió thổi lạnh ghê, và buổi sáng sương mù đã kết thành những đám mây đặc trên trời đen dịu, đầy vẻ đe dọa. Vì mở cửa sổ để quên nên em đã muốn ốm, đã sụt sùi rồi. Mấy tuần này, em nghe lời anh, đã không ham đi chơi nữa, dù đi chơi một mình. Đi học về em về nhà hoặc ghé nhà thương ở với bà ngoại. Có nhiều đêm em phải ở lại với bà ngoại. Đêm ngủ không được, em cứ nghĩ ở nhà thương có bao nhiêu người chết, họ chết trên chiếc giường em đang nằm với ngoại, cứ nghĩ tới đó là em đã run lên rồi, run và cả đêm không dám nhắm mắt. Em cũng có nghĩ tới lời anh nói nữa, anh kề cận với cái chết quá nhiều, nhìn thấy xác chết như nhìn thấy bữa cơm hàng ngày. Anh không còn biết sợ ma, sợ quỷ. Em làm sao tưởng tượng ra khỏi những điều anh nói, nhưng biết chừng đó em cũng thấy anh đầy can đảm, anh oai hơn ông ọ thuở nhỏ bà ngoại đem dọa em mỗi lần em khóc.
Bệnh của ngoại đã nặng lắm. Đêm hôm qua, mạ đuổi em về nhà để mạ ở lại coi chừng. Mấy hôm bà ngoại khi mê khi tỉnh, và khổ lắm anh ơi, cứ nhìn thấy mặt em là bà ứa nước mắt, bà khóc lặng lẽ. Tại sao vậy anh ? Em đoán chắc bà ngoại muốn nói với em điều gì ? Tối hôm qua, khi em hôn bà để về nhà ngủ, bà ngoại nhìn theo em như muốn níu lại. Lần trước đó cũng vậy. Bà tỉnh dậy thấy em ngồi bên cạnh, bà kéo mặt em úp lên ngực bà, lên mặt bà, và bà thầm thì như chỉ một mình bà nghe, vì tiếng khóc chặn hết những tiếng đứt quãng, em không thể nào hiểu thấu. Em thì muốn đem bà về nhà quá, ở nhà bà có giường chiếu riêng rẽ, có phòng riêng, có khu vườn. Bag ngoại em ưa bông ngọc lan lắm. Bà thường hái đặt trên cái dĩa đẻ ở trong phòng. Đôi khi bà lấy một bông dắt lên lọn tóc rối nữa. Trong phòng ngoại em luôn luôn đầy mùi ngọc lan với bông bại hoại. À anh ơi, em quên chưa hỏi giùm anh là bông bại hoại là bông chi rồi. Tại sao kêu bằng bông bại hoại thì em chịu, nhưng bà ngoại ốm như rứa làm răng mà giảng cho em nghe. Để vài bữa nữa, lạy Trời lạy Phật, bà đỡ em sẽ hỏi giùm anh coi có phải bông hoa y lăng là bông bại hoại không?
Anh ơi, mạ em vừa về, ông bạn già của mạ em lái chiếc xe traction đen thui đó. Cái ông mà… thôi, anh vẫn bảo em không được ghét ai, phải thương yêu mọi người… Em làm sao thương yêu nổi… em xin lỗi anh… Mạ kêu em ra nhà ngoài. Em vừa dừng lại dạ một tiếng thật to. Lạy trời, không có điều dữ chi hết cho anh và cho em nữa…
Ngày 11…
Anh Tuấn.
Em đã nhận thư anh rồi, nhận thư anh một tuần lễ nay àm chưa viết thêm cho anh một chữ. Anh ơi, điều bất hạnh đã xảy ra cho em rồi. Ngoại em đã chết.
Ngoại em chết vào ngày chớm đông. Mùa mưa rét như thế ai mà chịu cho được. Nhưng có điều ngoại em không nói gì cho em nghe hết. Có nhẽ vì rứa mà khi chết ngoại em nhìn em trừng trừng. Ai vuốt mắt cũng không nhắm mà chỉ chờ em vuốt, em khóc ngoại mới nhắm được anh ơi. Lá thư em viết cho anh còn dang dở, lúc mạ kêu em ra nhà ngoài là để báo tin bà hấp hối. Em không kể ông Bồ Đào hay ai nữa, em cuống cuồng nhảy đại ra xe, cả mạ, cả thằng Rọm bỏ cái nhà không ở đó rồi đi xuống nhà thương. Bà đã đuối lắm rồi. Anh ơi, lúc đó em nghĩ rằng giá có anh cầm tay em đứng trước mặt bà, trước khi cái chớp mắt cuối cùng của bà cứng hẳn.
Thế là hết, từ nay em cô đơn hơn hết nọi người cô đơn, em khổ hơn hết mọi người đang khổ. Hôm đưa đám bà ngoại, em không thể nào chịu được người ta chon bà em xuống đất. Nhưng rồi nấm mồ cũng được đắp và cuối cùng em cũng trở về nhà. Mẹ chỉ khóc lặng lẽ, em thấy mắt mẹ sưng húp nhưng không nhìn thấy mẹ khóc bao giờ. Khuôn mặt mẹ là khuôn mặt mang da thịt người chết. Chỉ có bà, lúc nào cũng đầy đủ cảm xúc, lúc nào cũng cùng vui, cùng khóc được với em thì lại không còn nữa. Anh Tuấn thân mến, nhiều lúc em tự hỏi em đang thương bà em hay em đang thương em đấy ? Nhưng sao em thấy thương bà cũng quá lắm mà thương em cũng quá lắm. Đám ma bà đi mà trời cũng khóc sụt sùi, trời cũng sụt sùi thương em nữa.
Bây giờ mọi chuyện cũng đã yên rồi, em khóc cũng đã mệt rồi. Đời sống cũng đã bình thường trở lại, chỉ có thiếu mất bà. Thiếu mất bà là thiếu hết tất cả rồi anh ơi. Buổi sáng em không được ăn mấy cái trứng tráng của bà. Không ai nhắc em ra vườn khèo hoa bại hoại. Mấy nhánh hoa bại hoại mấy hôm nay trĩu những bông chín, thơm in ỏi như nhắc em sự thiếu vắng bà ngoại. Cả cái khơi trầu, cái bể cạn, cái gáo dừa mỗi trưa mỗi chiều bà ngoại tắm. Cái gối của bà thơm mùi dầu dừa xức tóc nữa, chừng đó mùi vị, chừng đó vật như cuốn hút tâm hồn em trong nỗi nhớ thương bà ngoại.
Anh sẽ khuyên em gì nữa ? Lá thư của anh đã làm em hối hận vì lòng vị kỷ của mình. Anh vẫn nhắc nhở em thương người, bao dung. Nhưng bà ngoại chết rồi. Bà em chết rồi, em không muốn bao dung ai, thương yêu ai hơn thương thân em nữa. Cho em ngừng lại ở đây, để nhớ anh hơn, em sẽ đi lên mộ bà. Em sẽ kể cho bà ngoại nghe về tình yêu của anh đã cho em…chỉ có ngoại còn thương em, còn hiểu em trong căn nhà thảm đạm này…
Ngày 16,
Anh Tuấn,
Em lại nhận thêm một lá thư nữa của anh. Lá thư dài mười hai trang giấy xanh mỏng đã giúp em chống trả với những cơn gió lạnh đầu mùa đông được rồi. Hôm qua, và cả ngày hôm nay nữa trời mưa anh ạ. Mưa ở Huế thì dai dẳng lắm, thời tiết ở Huế y như tâm trạng con giá Huế, nắng nóng bỏng như tình yêu sôi nổi, mưa thì ủ ê, dai dẳng như vợ thủy chung đời đời… Em mong rằng trong mùa mưa này, em sẽ viết thư cho anh đều hơn và nói được với anh nhiều hơn.
Lá thư em viết nhiều ngày nên hoài hủy chưa muốn gửi. Mấy ngày nay trời mưa quá em chưa được lên mộ bà ngoại. Đường núi trơn nhớp, đi bộ thời quá xa, mà đi xe đạp thì phải mượn tỷ muội. Em lại đi học ngày hai buổi. Có lẽ đến chủ nhật này em mới lên thăm bà và tiếp tục kể chuyện anh với em cho bà nghe. Mẹ mượn cớ trời mưa hay ngủ lại bên cửa hàng, chỉ có mình em với thằng Rọm trong căn nhà quá rộng và khu vườn quá sầm uất. Trời mưa Tỷ Muội cũng nhác sang. Em cũng không ra vườn chi nữa. Chỉ có những lần mưa dịu một lúc, em mở cửa sổ và chỉ thấy những lá cây rủ xuống, nơi phía cây khế mà em thường kể cho anh nghe về chiếc võng của em hay nằm đong đưa học bài, cây sầu đông nổi lên cao với những cành khô trơ trụi cùng với những chùm hột khô vật vã đập nhau với những cơn gió dữ. Em nhớ bà ngoại quá chừng, những ngày mùa đông cũ, bên căn phòng bỏ trống kia, em thường ngồi sát vào bà ngoại. Trong chiếc chăn bên bà ủ một lon bắp nóng, và cứ cho em ăn từng nắm một… Em không còn dám vào trong phòng của ngoại hay ngồi trên chiếc sập gụ ngoại thường nằm nữa. Hôm ngoại chết, xác đem về cũng đặt nằm trên chiếc sập gụ đó. Chiếc sập gụ truyền qua nhiều đời, và thường là chỗ nằm cuối cùng của những người chết trong giòng họ. Khi em chết, không biết em có còn được nằm trên sập gụ đó nữa hay không ? Nhưng sao em thấy càng ngày em càng xa với Huế, càng ngày em càng thù ghét Huế. Không phải em chỉ thù ghét không thôi mà em cũng còn thương yêu chất ngất nữa. Có khổ không em vừa thương và ghét. Không thương răng được khi Huế có bà ngoại, có cây sầu đông, có khu vườn, có Tỷ Muội, có những ngày mưa như thế này hở anh ? Nhưng em cũng ghét lắm, Huế tạo ra khuôn mặt lạnh lùng của mẹ, ra đời sống của mẹ rời rạc ra đời sống của em.
Anh nói rằng con gái Huế chỉ ưa hão huyền, than mây khóc gió, như em chỉ giam mình trong thành phố nhỏ hẹp mà không chịu mở mắt nhìn xa, như nhìn thấy anh chẳng hạn. Em đã nhìn thấy từ lâu đấy chứ anh. Và những hôm trời mưa như thế này. Em đi học một mình hay với Tỷ Muội thì em vẫn nhớ anh ghê lắm. Nhưng nhớ để mà nhớ, yêu để mà yêu, em cũng biết rằng, chúng ta không thể nào gần hơn được. Anh không thể trở về đây, vì đất Huế không bao giờ dung vàng cho người như anh tới ở đậu. Huống chi anh muốn tới để mang con gái Huế đi một nơi khác.
Anh Tuấn thân mến,
Em cũng biết nỗi khổ tâm của anh khi yêu một người con gái không được bình thường như em. Có thể bây giờ em yêu nhiệt, yêu nông nổi, nhưng mạ biết được, chỉ hai làn roi của mạ em phải chịu đựng mọi sự khổ đau để làm đứa con gái của Huế. Như em đã có lần tâm sự với anh, ba em đã bỏ đi, bỏ đi khi em còn tròn bụng mẹ hay em còn nhỏ lắm, vậy mà đến chừ vẫn chưa trở về. Mạ em vẫn sống một mình, vẫn bí mật đời riêng khó ai biết được. Còn em, em có thể lớn lên chịu đựng như rứa được không ?
Thôi đó là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, viết thư cho anh, em phải tránh bớt cho anh những điều suy nghĩ giùm em. Anh thường khuyên em phải can đảm, phải chịu đựng. Chịu thương chịu khó nghe lời mạ và yêu thương hết mọi người. Anh ơi, nếu mà em thương yêu hết mọi người ở đây được, có lẽ em không cần đến tình thương yêu của anh nhiều đến rứa. Bà ngoại chết để năm nay em đi vào mùa đông một mình. Em có cảm tưởng như mạ cũng muốn chối bỏ căn nhà này nữa. Còn em, em có bị bắt buộc phải ở trong căn nhà này suốt đời không ? Em lại đặt câu hỏi rồi. Em lẩn thẩn quá, phải không anh Tuấn.
Lần này thì em nhất định gửi thư cho anh chứ không đợi viết thêm nữa. Lát nữa em đi học, đem lá thư này vào lớp. Chiều em sẽ mang áo mưa, đi tới nhà bưu điện gửi thư cho anh. Trời chiều chắc cơn mưa lớn hơn, từ đầu tới chân em sẽ đầy nước, em không cần phải khóc nữa.
Dù chậm trễ thư anh nhưng em vẫn mong nhận thư anh sớm hơn nỗi mong hàng tuần. Anh đừng để vì anh mà em ghét luôn cái người đưa thư có khuôn mặt không mấy dịu dàng kia nghe anh. Anh biết em dán thư cho anh bằng keo gì không ? Nhựa của cây sầu đông đó.
Mùa đông đã đến, cây sầu đông có quyền sầu. Em cũng là một cây sầu đông nữa, anh nhé.
Mùa đông rồi cũng sẽ qua mau lắm. Đông Nghi lại bận rộn với những công việc lặt vặt trong nhà. Mẹ mua cả một lố vải mới bắt Nghi thay lại tất cả màn cửa. May sẵn để đó, nhưng cũng phải đợi hết mùa đông qua mới thay hết chúng được.
Căn phòng của bà ngoại vẫn để không. Chi trầu vẫn đặt chỗ cũ, chiếc gối vẫn nằm ngay ngắn. Từ ngày bà ngoại mất tới giờ Đông Nghi vẫn chưa dám thay cái áo gối đem giặt. Hơi hám của bà ngoại vẫn còn chừng đó, giặt đi thì còn chi nữa. Mỗi lần nhớ ngoại Đông Nghi lại vào phòng bà, ngửi mùi mốc của khơi trầu, lăn mặt vào chiếc áo gối. Mùi cũ thơm nồng, ngát lỗ mũi. Đông Nghi nhớ bà đến ngây dại. Mỗi lần ngồi nơi căn phòng này, Đông Nghi thấy gần gũi với kỷ niệm của bà hơn là những chiều ngồi bên mộ bà trên sườn đồi… Bà Phúc Lợi mấy lần bảo đem giặt giũ chăn gối, dẹp bỏ giường chiếu của ngoại nhưng Đông Nghi cãi bướng không chịu. Hình như từ ngày ngoại mất, Đông Nghi thấy mình lớn hơn, chín chắn hơn và cũng can đảm hơn nữa. Mẹ không về ngủ nhà thường nhu trước, bà ăn ở luôn bên hàng, một tuần bà về ngủ nhà một hai đêm. Con Tý đã xin thôi việc về quê lấy chồng, mẹ nàng đã nại vào lý do đó để bỏ căn nhà mà bà vẫn thường nguyền rủa là địa ngục. Không biết có phải vì vậy mà mỗi lần trở về nhà mạ phải có ông Bồ Đào đưa đón không ? Ông Bồ Đào vẫn đeo mẹ như đỉa đói. Nhiều lúc Đông Nghi tự hỏi bộ xứ Huế này kẹt đàn bà rồi hay sao mà ông phải đeo đuổi một người lạnh lùng, già và xấu như mẹ. Nhà lại có thêm người ở, bà Phúc Lợi thấy nhà trống vắng mà Đông Nghi mỗi ngày mỗi lớn, bà cho thêm một người cháu gái đến ở trong nhà. Người này có chồng ở xa, chưa có con, chỉ có một đứa em chồng lại tàn tật, đi cà thọt. Đông Nghi ít khi xuống bếp, nơi cái buồng nhỏ hai chị em cô cháu gái của mẹ ở trọ. Đông Nghi còn nhớ lần cô cháu gái mới dọn đến, mẹ định dành cái phòng của ngoại cho họ ở, Đông Nghi đã phải cãi nhau với mẹ mãi mới để yên được căn phòng đó. Bà Phúc Lợi đã mắng Nghi:
- Mi giữ để bữa mô chết trong đó luôn phải không ? Mi phải biết bà mi là mạ tao chớ.
Đông Nghi đã phải lầm bầm nhiều lời khác để phá vỡ sự bực tức, hờn tủi đang nặng nề trong long. Rồi mãi cũng bùng ra, Đông Nghi trả lời mẹ:
- Con mồ côi mồ cút, con không có ai, con chỉ có ngoại, chừ ngoại chết, mạ cho con xin chỗ nằm của ngọai.
- Xí, mi tưởng mi hiếu nghĩa lắm.
- Tại con không có ai để hiếu nghĩa đó chớ mạ.
- Con ranh con lộn, con không cha không mạ, ở mô ra chớ phải con tao mô.
Bà Phúc Lợi đã mắng chư tát nước vào mặt Đông Nghi trước vẻ nhìn riễu cợt của cô cháu gái. Chưa bao giờ Đông Nghi thấy thù cái dòng họ mình, thù sự ra đời của mình đến như thế. Nàng nhìn lên ảnh ba : rõ ràng là sự bỏ rơi. Nàng nhìn khuôn mặt mẹ : Rõ ràng nàng là cục nợ. Đông Nghi chỉ biết khóc, và đêm hôm đó, nhiều đêm sau nữa, Đông Nghi khóc hết hơi trong căn phòng nhỏ của bà ngoại. Đông Nghi đâm ra thù hận luôn cả bộ mặt của cô cháu gái đáng ghét của mẹ, cả cái dáng đi thầm thà thậm thọt của con ranh con.
Nhưng sự vắng mặt của mẹ cúng giúp Đông Nghi có những phút yên tĩnh tuyệt diệu và hạnh phúc chan hòa. Đó là những lúc nằm quấn chăn kín người, đọc những lá thơ còn ươm hơi lạnh của bầu trời rét mướt. Người đưa thư ngại trời mưa gió, đợi vài ba hôm mới đi tới những con đường nhỏ, vắng nhà. Và thường Đông Nghi nhận luôn hai ba lá thư một lúc. Dạo này Tuấn đã gửi thư đếu cho nàng, những lá thư dài. Có đêm rỗi, Tuấn còn viết cho nàng đến hai ba lá thư ngắn trong những lần trở giấc. Đông Nghi e ngại nhất chị Mừng với đứa em chồng, con Bông. Những lá thư của Tuấn có thể lọt đến tay chị Mừng rồi đến tai mạ lắm, Đông Nghi chỉ có nước cầu cứu với thằng Rọm. Thằng Rọm đối với Mừng đáng bậc cha chú. Và trong nhà chị Mừng ngán thằng Rọm nhất. Hở ra là hắn chửi, hắn nói tầm bậy. Đông Nghi đem nỗi lo sợ đó nói thằng Rọm hay. Thằng Rọm hung hăng:
- Tao chửi nó nát bét ra chớ. Để đó. Tao nói thư của mi đó, mà hắn mét lại với mạ mi tao lấy kềm tao bẻ răng, tao trét đất sét vô miệng chết cha luôn.
Không biết bí mật có giữ được lâu không nhưng thấy thằng Rọm trị được chị Mừng. Mỗi lần thấy chị Mừng lườm nguýt Nghi hay lầm bầm nói gì đó thì thằng Rọm chửi ồn lên liền. Đông Nghi, nhờ vậy cũng thấy yên thân được.
Đông Nghi không thể nào đoán ra được tình trạng đè nén giữa mẹ và nàng đến ngày nào sẽ bung ra. Bà Phúc Lợi từ lâu nay hình như không bằng long Đông Nghi một điều gì đó. Nhưng bà không nói. Chính Nghi, nhiều lúc nàng cũng thấy mình mang bộ mặt khinh khỉnh dễ ghét chi lạ. Mình không thương nổi mình thì còn cai thương nổi mình nữa. Anh Tuấn ơi tại sao anh yêu em làm chi ? Yêu một đứa con gái Huế đã là chuyện liều, yêu một đứa con gái ở trong một gia đình như gia đình em, anh càng liều hơn. Đông Nghi thấy thương cho mình nhiều hơn là thương cho Tuấn. Tuấn cũng không thể nào hiểu hết được những sự thiệt thòi nàng đang chịu.
Ngày mùa đông thiệt là dài, buổi sáng Đông Nghi thường dậy muộn và phải can đảm lắm mới dám nhúng hai bàn tay vào nước lã lạnh cóng. Hôm nào siêng năng lắm thằng Rọm mới nấu cho nàng ấm nước sôi pha để rửa mặt. Nhưng Tỷ Muội dặn đừng có rửa nước nóng mà về sau chưa già đã nhăn da. Thành thử Đông Nghi cũng tập cho quen dần với những buổi sáng trời rét muốn nứt da. Những buối học mới cực khổ làm sao. Đông Nghi thường đến trường muộn vài ba phút hoặc vừa đúng giờ mở cổng trường là mừng lắm rồi. Những ngày mưa dai dẳng, liên tiếp, mặt nước sông dâng cao và tràn vào đường đi. Thêm những cơn mưa liên tiếp suốt ngày cứ xối xả trên mặt đường, trên cây cối, trên những chiếc áo mưa mảnh dẻ của người đi đường.
Mùa mưa năm nay Đông Nghi có được một chiếc áo mưa khá đẹp ông Bồ Đào đi Sài Gòn đã mua về tặng nàng. Dù ghét cái mặt ông ta không thể tưởng được, Đông Nghi cũng vẫn thấy ham chiếc áo đặc biệt đó.
Phải nói là đặc biệt vì Huế chưa thấy cô nào mặt. Dạo này ông Bồ Đà có vẻ săn sóc Nghi hơn. Ông mua hàng vải cho Nghi lu bù.
Nhưng ít khi Nghi nói chuyện với ông lắm. Mùa mưa, cái bàn nơi gốc cây nhãn đã được khiêng vào bổ trong góc bếp. Mấy cụm hoa nhài bị mưa và đất bắn lên bẩn thỉu, xơ xác. Đông Nghi thường nhìn chố trống trải đó với vẻ hài lòng. Con người ta đều ích kỷ như rứa hết. Đông Nghi thấy mình chả có chi ngượng ngùng hết. Hôm mặc chiếc áo đẹp đầu tiên đi học, gặp Vinh chở Trà đi học trên chiếc xe mô bi lét, Vinh nhìn không chớp và Trà kêu ầm lên:
- Mi mua ở đâu rứa, đẹp quá, đẹp quá.
Thay vì trả lời ông Bồ Đào cho, Nghi đã nói dối:
- Chú tao ở Sài Gòn gửi ra cho.
- Chú mi giàu quá hỉ.
- Ừ, giàu lắm.
Đông Nghi đáp nhỏ và tiếng nàng như bị cơn mưa thổi tạt xuống mặt sông. Đông Nghi thổi phào nhẹ nhõm. Dù vậy, mặt Nghi vẫn nóng bừng khi những lời trên được thốt ra. Những câu nói dối trên làm Nhi thấy tim mình đau nhói. Luôn luôn nàng phải cố gắng tỏ ra nàng là một đứa cháu cưng của bên nội. Đông Nghi cố cho mọi người khỏi nhìn nàng như một con nhỏ bị bỏ rơi, bị gia đình nội ngoại không thèm biết đến.
Chưa có thời gian nào Đông Nghi gặp nhiều suy nghĩ và buồn tẻ như mùa đông năm nay. Một buổi chiều khi tan học, Đông Nghi mang áo mưa đi về nhà. Tỷ Muội bị cảm không đi học thành Nghi phải đi một mình. Ra tới cửa, Đông Nghi đã thấy ông Bồ Đào mang áo mưa, tay cầm dù đứng đợi mình, nàng cúi chào rồi đi thẳng, nhưng ông Bồ Đào đã gọi lại:
- Đông Nghi, Đông Nghi. Bác tới đón cháu đi nì.
Đông Nghi dừng lại, sửng sốt:
- Bác đi đón cháu ?
- Ừ, bác đi đón cháu.
- Cháu không tưởng bác rảnh rứa,
- Trời mưa, nghĩ cháu đi về một mình tội nghiệp, bác đi đón cháu.
Đông Nghi nói mát:
- Rồi ai đón mạ cháu.
- Mưa ni bà có đi mô mô. Giờ ni chắc bà còn ngủ khèo.
Ơ hay, cái ông này. Tại sao ông khai trạc hết cả giờ ăn giờ ngủ của mạ. Có chi nữa nói hết ra luôn. Đông Nghi tỏ vẻ khó chịu:
- Thôi bác về đi. Cháu cám ơn bác.
- Hư nờ. Để bác đưa về.
- Bác lên xe kẻo ướt hết. Bác không quen mưa gió mờ.
Ông Bồ Đào nghiêng cái dù về phía trước để che những giọt nước rụng trên cây long não xuống.
- À, hôm ni bác không đi xe.
Đông Nghi thấy miệng ông cười cười, vẻ hớn hở. Không, đi xe có chi vui. Chắc ông gọi xích lô tới đây. Vậy bây chừ về mình sẽ đi bộ với ông chắc. Đông Nghi ngạc nhiên:
- Rứa bác đón cháu bằng chi ? Thôi bác kêu xích lô về nhà đi. Bác về không ướt đau chừ.
- Bác đi bộ với cháu.
- Đi bộ ?
- Ừ.
Đông Nghi cười lớn:
- Bác làm cháu buồn cười quá.
Câu nói của Đông Nghi hình như cũng làm ông Bồ Đào cảm thấy tức cười. Ông vừa cười lớn theo Đông Nghi vừa nói:
- Cười chi lạ rứa cô. Tui đón cô không được răng ?
Tự nhiên Đông Nghi thấy nụ cười của mình đồng lõa với ông Bồ Đào quá. Có thể ông ta cho ông cái quyền được thân mật với Đông Nghi mất rồi. Ông ta cho Đông Nghi là một con bé con, muốn được lòng mẹ phải nịnh con một tí. Còn lâu ông ơi. Ông bẻ răng tui, vặn họng tui coi tui có bằng lòng để mạ tui lấy ông không ? Mạ tui có lấy là tự lòng bà chứ tui không ăn thua chi hết. Không ai thèm tử tế chi với ông hết. Đông Nghi nhìn xuống đôi guốc gỗ trắng của mình, như có vẻ đang chăm chăm nhìn làn da chân ửng hồng, sạch lán vì dầm mưa. Cái mũ áo mưa của Đông Nghi cột vội, đã có vài giọt nước thấm vào. Đông Nghi thấy trên tóc mình dột dột, ướt át khó chịu. Nàng nghiêm mặt lại:
- Thôi bác, cháu về.
- Khoan đã. Đợi bác với chớ.
Ông Bồ Đào rảo bước theo. Tự nhiên Đông Nghi muốn té chạy. Mình chạy coi ông có đuổi theo không nờ. Dám không ? Chắc ông chạy tức cười lắm. Nhưng Đông Nghi nghĩ rứa mà không chạy. Nàng vẫn bước. Tuy nhiên chân nàng bước nhanh hơn. Ông Bồ Đào vẫn theo kịp:
- Được đón cháu bác vui ghê. Không có gì vui hơn nữa. Bác thấy đi đón cháu như đón con gái.
Đông Nghi trả đũa ngay:
- Bác thiếu chi con. Bác đừng làm cháu tủi vì nhớ tới ba cháu đang ở xa.
- Cháu thương ba cháu không ?
- Thương chớ sao không ? Bác hỏi mấy đứa nhỏ coi có thương bác không. Ông Bồ Đào cười, kể ra nụ cười của ông hiền lành thật. Đông Nghi không còn ý định bỏ chạy cho ông đuổi theo hay trốn ông nữa. Nàng đang đi về một mình, đang buồn, đang ướt át. Ông có đưa mình về nhà thì quãng đường cũng không dài mấy.
- Nếu ba cháu có mặt bên cháu, cháu có thương hơn thương mạ cháu không ?
Đông Nghi đáp không cần suy nghĩ:
- Thương hơn. Thương hơn và mạ cháu có thương cháu mô. Mạ cháu cần người ta thương, mạ cháu chỉ cần cho mạ cháu.
- Cháu ghét mạ. Không được nghe cháu. Mạ cháu cũng thương cháu lắm chớ.
Thì ra cái ông này mất công để thanh minh cho mẹ. Có vậy thì đủ rồi. Mình cũng chả còn gì để nói chuyện với ông. Cứ đi như thế này rồi cũng đến nhà. Đông Nghi nghĩ vậy rồi nàng vừa đi vừa nghịch nước mưa. Hai bên lề đường nước mưa chảy như một dòng suối nhỏ, những lá phượng vàng lốm đốm trôi xấp ngửa theo giòng nước. Đông Nghi dẫm chân mình trong những vũng nước lớn, và khi bước đi, Đông Nghi vung chân cho những tia nước bắn tung tóe. Ông Bồ Đào nhìn theo cử chỉ nghịch ngợm của Đông Nghi, khuông mặt ông như tê đi trong một cảm tình khó biết. Đông Nghi thấy câu chuyện của mình với ông Bồ Đào đã bắt đầu nặng nề, nàng vừa kéo mạnh guốc vừa nói:
- Thôi cháu không ưa nghe chuyện của mạ cháu.
- Cháu ưa nghe chuyện chi ?
Đông Nghi trả lời cụt ngủn :
- Cháu không ưa nghe chuyện chi hết.
Ông Bồ Đào rút khăn lau những giọt nước mưa hắt vào mặt, rồi bước nhanh cho kịp Đông Nghi:
- Nì cháu…
- Dạ…
- Cháu ghét bác lắm phải không ?
Đông Nghi bật cười thành tiếng :
- Cháu có thương bác khi mô mô mà ghét được bác.
Một luồng gió mạnh từ mặt sông thổi hắt lên, người Đông Nghi nghiêng hẳn. Ông Bồ Đào lúng túng gượng lại chiếc dù đang muốn lật ra đằng sau. Có tiếng guốc kéo mạnh phía sau lưng, Đông Nghi không quay lại cũng biết một tốp bạn bè đang trên đường về. Đông Nghi nghe có tiếng xì xầm nhỏ : Ông Bồ Đào. Ông đó thương mạ của nó đó.
Khi tốp học trò ngang qua mặt Đông Nghi, Đông Nghi nghe một giọng cười rúc rích:
- Bố ghẻ đi đón con… con người ta.
Hai ba bóng áo mưa đi nhanh về phía trước. Cơn mưa lớn đổ rào rào. Bước chân Đông Nghi như có ai trì léo trở lại. Đông Nghi nhìn lên những đọt cây long não đang vật vưỡng với gió mưa quất mạnh vào nàng. Không biết ông ta có nghe gì không ? Tại sao ông ta nghe mà chân vẫn bước đều, mặt vẫn núc ních những thớ thịt bình thản. Người béo thường ngu, ngu mới béo… Không phải chỉ khi gặp ông Bồ Đào, nhìn thấy ông béo Đông Ngh mới ghét người béo. Trong lớp học, có một cô bạn béo ụ, cả lớp đem ra làm đề tài để cười cợt, và Đông Nghi đôi lúc thấy thương hại cô bạn nhưng không thể nào có cảm tình với nó được. Phải nhắc cho ông ta nhớ, coi phản ứng của ông ta như thế nào. Đông Nghi đứng dừng lại, ông Bồ Đào cũng đứng theo. Đông Nghi nói lớn như sợ mưa gió sẽ kéo bớt giọng nói của nàng mất một phần giận dữ:
- Bác nghe tụi nó nói cháu không ? Lần sau bác đừng đi đón cháu nữa.
Đông Nghi bước nhanh tới trước. Cái dáng lệch bệch của ông còn lâu mới theo kịp nàng. Nhưng cánh tay Đông Nghi đã bị giữ lại. Ông Bồ Đào trông thật chậm chạp nhưng phản ứng cũng mau lẹ lắm.
- Muốn chi thì về nhà mà nói, ông lôi kéo tôi ở giữa đường rứa đó há ?
Đông Nghi vùng vằng rút tay lại không biết có ai nhìn thấy không ? Cơn mưa lớn vẫn trút ào ào, mặt Đông Nghi nhòa lệ, nhòa nước mưa. Có lẽ ông Bồ Đào không phân biệt những giọt nước mưa và những giọt lệ trên mặt nàng. Ông đứng trước mặt chặn Nghi lại.
- Nghi.
- Không Nghi chi hết.
Rồi không chịu đựng được nữa, Đông Nghi òa khóc. Ông Bồ Đào rối rít:
- Đừng, đừng cháu ơi, đừng khóc, đừng khóc.
- Ai mượn ông thương hại tui.
Nói xong những câu chua cay, Đông Nghi càng tủi thân hơn. Nước mắt nàng thi nhau với những giọt mưa chảy xuống.
- Cháu muốn chi bác cũng chìu, đừng có khóc giữa đường tồi lắm.
Cháu muốn chi bác cũng chìu. Đông Nghi ngừng khóc. Nàng đứng dừng lại.
- Thiệt hả bác, cháu muốn chi bác cũng chìu.
- Thiệt chớ.
Đông Nghi nói mau:
- Cháu muốn bác đừng theo đuổi mạ cháu nữa.
Bước chân của ông Bồ Đào khựng lại. Ông đưa tay lên như vuốt những sợi tóc tưởng tượng trên chiếc trán phẳng phiu mà những giọt nước long lánh đang đùa bỡn trên đó.
- Nghi, cháu nói chi mà kỳ cục rứa ?
- Kỳ chi mà kỳ. Khi hồi bác không nghe tụi nó nói bác là dượng ghẻ của cháu sao ?
Ông Bồ Đào chợt à một tiếng, giọng ông cũng hiền hậu :
- Cháu nghe rứa rồi giận bác, rồi khóc phải không ?
- Bác biết rồi hỏi mần chi nữa.
Giọng ông Bồ Đào chen cùng với mưa:
- Rứa chừ có ai đó nói với cháu chuyện đó không phải thỉ răng.
- Cháu không biết. Nhưng bác đừng theo mạ cháu nữa.
Bầu trời như tối sầm lại, màn mưa dày kịt đan từ mặt đường bên này giăng lưới sang bên kia bờ sông. Giòng sông Hương chỉ còn loáng thoáng một mặt nước đỏ ngầu.
- Rứa chừ bác nói lại với cháu, bác coi cháu như con đẻ thì cháu nghĩ răng ?
- Cháu không biết. Vì chuyện đó mần răng mà có thật được.
- Cháu cho chuyện chi có thật ?
- Chuyện bác với mạ cháu.
Ông Bồ Đào yên lặng. Đông Nghi thấy cũng sắp tới nhà và mạ chắc tối nay cũng không về. Nàng bước nhanh. Tất cả những lời đối đáp vừa qua với ông Bồ Đào, Đông Nghi đã quên gần hết. Nhưng có một điểm nàng thắc mắc là không hiểu tại sao ông ta bỗng dưng lại đi đón nàng. Mạ nàng có biết chuyện này không ? Khi tới ngõ, Đông Nghi bỗng nhìn thấy chiếc xe đen của ông Bồ Đào đậu sát đường. Đông Nghi hỏi:
- Sao bác không đón cháu bằng xe hơi ?
- Bác thích đi bộ đón cháu, nói chuyện với cháu vui lắm.
Cả chuyện mình khóc chắc ổng cũng thấy vui nữa. Đông Nghi đẩy cánh cổng:
- Chừ bác về ?
- Đế bác đưa cháu vô nhà.
Đông Nghi nhìn trời :
- Trời mưa mau tối lắm. Bác về cho sớm. Chắc mạ cháu đợi bác bên cửa hàng.
- Tháng năm chưa nằm đã dậy, tháng mười chưa cười đã tối Nghi hí.
- Dạ. Mà bác về bên cửa hàng với mạ cháu đi.
Đông Nghi thấy ông Bồ Đào bật cười :
- Bộ cháu nghĩ ngày mô bác cũng ở bên cửa hàng.
- Cháu biết nhiều hơn nữa.
- Cái đầu của cháu nhiều tưởng tượng lắm. Bác cũng rứa. Hồi xưa bác cũng gầy như cháu, chừ tự nhiên phát phì. Bác phát phì từ năm ba mươi tuổi.
Đông Nghi đã vào tới sân. Thằng Rọm mở cửa và bật ngọn đèn giữa nhà. Ông Bồ Đào ngồi xuống ghế, nói với Đông Nghi :
- Cháu thay quần áo ướt đi. Bác ngồi chơi chút bác về.
Đông Nghi đi vào phòng, việc đầu tiên là nàng mở ngăn kéo. Mắt Đông Nghi sáng ngời lên khi nàng thấy hai lá thư của Tuấn. Đông Nghi thay quần áo vội vàng, bóc lá thư của Tuấn ra đọc lướt qua. Có tiếng ông Bồ Đào gọi ở nhà ngoài, Đông Nghi buộc lòng phải cất lá thư đang đọc dở, đi ra. Thằng Rọm nháy nháy :
- Có thư, có thư nghe.
Đông Nghi kín đáo gật đầu. Ông Bồ Đào tươi cười :
- Ngồi đây nói chuyện với bác một tí.
Đông Nghi nén sự bực tức :
- Răng mà tự nhiên bác đâm ra chăm sóc cháu như ri ?
- Bác muốn săn sóc cháu hoài hoài, mà không được.
Đông Nghi mỉa mai :
- Săn sóc răng được mà săn sóc, cháu đối với bác là con của thiên hạ mà. Bác chưa về lát nữa trời tối, mưa to, lái xe cực lắm.
- Ừ.
- Chắc bác ghé cửa hàng ?
- Bộ cháu tưởng bác ăn ở bên cửa hàng hay răng ? Cháu hỏi hoài…
- Dạ thì cháu tưởng rứa.
- Bác còn gia đình, còn vợ con. Rứa mới khổ cho bác chớ.
Dù đang bực tức, muốn tống cổ ông về để được tự do đọc thư Tuấn, Đông Nghi cũng không thể nín cười được. Nét mặt ông Bồ Đào đang cố diễn tả tâm trạng đó, trông thật hề. Bác ơi răng mà bác giàu có, bác không làm một chân hề trong gánh hát bội. Người như ông mà thế cha tui, thôi đừng nói nữa tui tức cười lắm. Đông Nghi cũng cố đóng kịch lại :
- Bác có vợ con răng mà cực ?
- Vì rứa mà có vợ không được nhìn vợ, có con không được nhìn con.
- Ủa bộ bác có vợ con trước nữa.
- Có. Hồi còn trẻ kia lận.
- Bác cũng đào hoa hỉ.
Mặt ông Bồ Đào nhăn nhó :
- Bác mô có ham, khổ lắm cháu ơi. Chớ chi mà con bác nhận bác. Nó không nhận mà mạ nó cũng không cho nhìn.
Đông Nghi tàn nhẫn :
- Chuyện đau lòng đó chưa lo, bác đeo đuổi thêm mạ cháu mần chi ? Mạ cháu ác lắm, mạ cháu là người không có tình cảm. Bởi rứa ba cháu mới bỏ đi, cháu mới khổ.
Đông Nghi thấy mặt ông Bồ Đào cuối xuống. Ông đang suy nghĩ gì đó nữa. Đông Nghi cũng hơi chột dạ khi nói xấu mạ. Nàng nhìn ra ngoài sân, mấy khóm hải đường chịu mưa gió giói hơn tất cả các loại hoa khác, lá vẫn đứng, màu xanh sạch bóng, láng lẫy. Những búp hoa vẫn vươn mạnh bạo. Ước chi mình được như bông hoa hải đường, tại sao ta cứ yếu đuối, sầu mộng mãi. Ông Bồ Đào ngẫm nghĩ giây lát rồi nói với Nghi :
- Bác cho rằng cháu chưa đủ tuổi để hiểu những rắc rối ở đời.
Ông đốt một điếu thuốc. Không khí trong nhà như trầm ấm hẳn. Nhưng Đông Nghi không thế nào dung hòa được với con người đang ngồi trước mặt. Hai lá thư của Tuấn dày cộm, chắc có điều gì quan trọng trong đó. Đông Nghi nói vẩn vơ :
- Mưa dai quá.
- Mưa ở Huế năm mô cũng rứa, suốt cả mùa đông, vô hậu tế đợi.
Rồi ông đưa tay nhìn đồng hồ. Với dáng lật đật ông đứng dậy.
- Thôi bác về, mai mốt bác đi đón nữa.
Đông Nghi muốn từ chối, nhưng nàng không biết nói gì. Đông Nghi nhìn ông Bồ Đào nắm cái dù, che đầu đi ra khoảng sân ướt, mưa trên lá cây đổ xuống những hạt lớn, kêu lốp cốp trên dù. Bóng ông khuất ngoài cổng. Thằng Rọm mang cái áo mưa rách ra đóng cổng, hắn trở vô vừa run vừa nói :
- Hắn đưa mi về há.
- Ừ.
- Khi hồi chiều hắn tới đây, tao nói mi đi học, có kiếm mạ mi thì qua bên cửa hàng. Hắn bỏ xe đi, tao mô có biết đi đợi mi ở trường. Thằng Rọm nói xong, cởi áo mưa móc vào cái đinh nơi tường, chạy tới bên Nghi :
- Có thơ đó, vô đọc đi.
- Thư tới khi mô…
- Chiều.
- Cám ơn hí.
- Ừ, đi đọc đi. Tui đi hâm đồ ăn, dọn cơm. Ê, tối kể tao nghe ba mi nói cái chi trong a hí.
- Được rồi.
Thấy con Bông thập thò ở cửa bếp, thằng Rọm nạt :
- Ê, xuống dưới nhà, chân ướt lê lên nhà rồi bắt chùi thì con chị mi lại chửi mồ cha mi lên. Xuống xuống cho chút.
Con bé biến mất, thằng Rọm vừa đi xuống bếp vừa la :
- Đàn bà đàn búa nhen bếp lửa đi. Nấu cơm nước chi xong chưa ?
Đông Nghi dặn :
- Tui đi học bài, khi mô dọn cơm kêu tui nghe.
Nàng đi vào, đóng cửa lại và bật ngọn đèn lên. Ánh sáng vừa lóe lên, trong đầu Đông Nghi cũng bật lên một tiếng kêu nhỏ. Tiếng kêu ngơ ngác, nhỏ nhoi, chính Đông Nghi cũng không hiểu ra là tiếng gì. Trong một phút, đầu óc Đông Nghi như mê đi, rồi bừng tỉnh lại. Đến bây giờ, khi chiếc xe của ông Bồ Đào lóc cóc đi trong cơn mưa. Đông Nghi mới thấy xúc động. Không hiểu sao, trong sự ghét cay đắng ông Bồ Đào, Đông Nghi vẫn có một chút ngậm ngùi. Đôi lúc nàng cũng không phân tách rõ được sự ngậm ngùi đó chia già phần về phía ông Bồ Đào hay về phía nàng nữa.
Nhưng việc làm của ta đâu phải chỉ ngồi mà ôm mối xúc động đó. Đông Nghi mở hộc bàn. Hai lá thơ của Tuấn vẫn còn ấm không khí chờ đợi. Đông Nghi đưa lá thư lên mũi ngửi, một mùi thơm là lạ, nồng nàn, qua mũi, xông lên óc, tan loãng cùng khắp da thịt nàng. Mùi thơm thân ái, ngan ngát làm Đông Nghi rùng mình, như có một làn hơi ai phà sau gáy. Đông Nghi úp lá thư lên ngực : Anh Tuấn ơi. Đông Nghi nghĩ tới một ngày nào đó, Đông Nghi được cuộn tròn, được bao bọc, được ngủ ngon trong mùi vị ngan ngát này. Tình yêu có nhiều mùi vị quá, Đông Nghi nhớ tới mấy đứa bạn ngỗ nghịch trong lớp. Chúng nó nói, tình yêu đủ thứ mùi, kể cả mùi hôi nách. Câu nói đó động chạm tới một cô bạn, đã hôi nách lại lười tắm rửa. Nhất là mùa đông này. Cô bạn nhỏ ngồi cuối phòng trong góc, ba cô khác ngồi ún ra phía mép bàn, và cả trường đùa gọi là mùi của B4.
Nghĩ lẩn thẩn, Đông Nghi bật cười một mình. Tại sao lại tưởng tượng hương vị tình yêu với mùi vị lẩm cẩm đó.
Đông Nghi đóng kín cửa sổ, nhưng tiếng mưa bên ngoài vẫn rào rào và Đông Nghi tưởng tượng rất dễ ra khu vườn của nàng, bị chìm ngập nhiều ngày trong cơn mưa dai dẳng. Đông Nghi thay áo, leo lên giường quấn chặt chăn bông. Bỏ chuyện mẹ, bỏ chuyện ông Bồ Đào. Nghi sống riêng với những lá thư của Tuấn.
Đông nghi,
Anh đã nhận đủ những lá thư của Nghi gửi. Và đêm nay anh sống với những cơn mưa dai dẳng của Huế và của em.
Em biết anh đã làm gì trong hai ngày nghỉ phép về Sài Gòn không ? Ngày đầu anh tới nhà một thằng bạn, đi chơi, uống rượu và say lu bù. Không hiểu trong cơn say anh có nói điều gì không mà sáng ra, tỉnh dậy, nó cứ nhìn anh tủm tỉm cười mãi: Sao cô Đông Nghi của mày là tiên hay là phàm tục ? Anh vừa buồn cười vừa giận mình nữa. Và để chuộc tội, buổi chiều nah đã chui vào xiné ngồi và để dành cả buổi tối đọc lại những lá thư cả cũ lẫn mới của em. Em có thể tưởng tượng được anh đi nghỉ phép với nhữnglá thư của em không ? Trong xấp thư cũ, có những lá thư em xưng tôi, rồi những lá thư xưng em gái. Vậy thì em gái của anh, những cơn mưa của em gái Huế đã ngập lụt lòng anh rồi. Và anh nhớ em không thể nào tưởng tượng nổi. Và nhớ em, em biết anh đã làm gì không ? Anh đã đi lang thang dưới phố, anh đã uống cà phê đen đặc, anh đã hát một mình trên con đường lủi thủi về nhà. Anh cũng tưởng tượng ra được em và thương em nữa chứ ? Tưởng tượng ra em, mang áo mưa, chiếc áo mưa mới tinh, đi giữa cơn mưa thật lớn. Đường về nhà em cũng xa nữa, và em anh đi một mình, cô đơn, lủi thủi. Em nhìn ra mặt sông, ra cầu Trường Tiền và gọi tên anh đấy chứ ? Hay em đang ở trong phòng và mưa chôn em với căn phòng lạnh lẽo. Em đọc những lá thư cũ của anh và buồn cười, rồi đọc những lá thư mới của anh và khóc. Nhớ anh lắm phải không, bé ?
Đọc lại những lá thư mới của em, anh lo lắm. Hình như em có điều gì phiền muộn mà không nói ra được với anh ? Anh đã đọc đi đọc lại lá thư em để tìm hiểu tâm trạng em, nhưng em viết khó hiểu quá. Có lẽ em còn ngần ngại, chưa đủ tin cậy anh phải không ?
Điều đó đối với anh cũng không cần thiết lắm. Anh nghĩ rằng, bây giờ còn sự xa cách, em dè dặt là phải nhưng chỉ phải về phần em thôi đấy nhé, và anh có quyền trách em.
Lâu rồi em không nhắc với anh và mạ. Anh ao ướt được gặp em và mẹ lắm. Liệu mẹ có thương được anh bằng một phần nào em thương anh không ?
Anh đã nói với em là anh chưa ra Huế lần nào ? Nhưng nhờ em mà anh đã nhìn thấy Huế, thành phố vẽ vời hoang đường trong mỗi lá thư, và mỗi lần nhớ em, những lá thư của em lại dẫn anh đi trên những con đường đã in dấu chân bé bỏng của em.
Anh cũng buồn ghê lắm. Có một lần ngồi gác trên một lô cốt nhìn ra một ngọn đồi nhỏ. Anh bỗng thấy tình yêu của anh đối với em nhỏ nhoi quá, anh không thể nào chia sẻ được một phần nghìn sự khổ nhọc, nhung nhớ của em dành cho anh. Nhiều lúc anh nghĩ tình yêu chúng ta thật như một chương tiểu thuyết thật lãng mạn, thơ mộng. Nhưng tình yêu nào không thế hở em ? Tình yêu nào cũng trở nên thần thánh nếu gặt ra được sự vụ lợi và nỗi mù ám lương tâm.
Anh đã suy nghĩ nhiều về trường hợp của anh và em. Như đêm nay, đọc những lá thư mưa của em, anh thật có lỗi. Và vì mặc cảm lỗi lầm đó, anh đã có một quyết định mới. Đố em biết là quyết định gì ? Thôi, bắt bé bận tâm tội nghiệp lắm, anh long trọng tuyên bố với bé như thế này : Anh sẽ về Huế.
Anh sẽ về một ngày nào đó, trong mùa đông này. Anh phải về mùa đông, mùa đông của chúng ta, của tình yêu rét mướt vì xa cách.
Em Nghi,
Chắc em đang run lên vì sợ, vì xúc động phải không ?Anh cũng thế, khi quyết định sẽ về Huế, anh cũng run lên vì xúc động, anh xúc động và yêu em tới muốn bật khóc nữa. Nhưng đàn ông khóc xấu lắm, cho nên anh gửi những giọt nước mắt đó làm mưa rơi trên cây sầu đông của em đó. Vậy khi nào nhớ anh, hãy ra vườn ngước mặt lên cây sầu đông, lệ anh sẽ rụng từng giọt trên khuôn mặt em trắng như bạch lạp. Đừng giận anh, anh yêu hình ảnh đó lắm.
Ngay bây giờ anh chưa nghĩ ra cách nào để nghỉ phép, nhưng em đừng lo, chúng ta phải gặp mặt nhau trong mùa đông năm nay. Vậy đi xuống phố chụp cho anh một cái ảnh, phóng lớn gửi cho anh, anh nhìn cho thuộc từng nét yêu mến trên gương mặt em, để khi gặp nhau, mình không còn bỡ ngỡ.
Một ngày nào đó anh sẽ về. Và trước khi đến Huế anh sẽ đánh điện cho em. Có dám đi đón anh không ?
Ngày mai anh lại trở về đơn vị, nhưng lá thư này anh sẽ bỏ cho em ở bưu điện Sài gòn. Anh mang tình yêu của em đi khắp mọi nơi anh đặt chân đến… Lính mà em. Và trên quê hương thân yêu cảu chúng ta, ở chỗ nào có anh, là có tên nào rơi vào không gian hồng của những buổi chiều nhớ nhung tràn mưa cho đủ mùa đông ở Huế.
……………
Em đọc lá thư này rồi có thương anh thêm không ? Có giỏ cho anh một giọt nước mắt nào không ? Khi đọc lại những điều anh đã viết cho em, anh thấy anh thật đã chín già trong tình yêu của chúng ta rồi. Và ngay đêm nay, anh muốn bay về Huế. Anh đang tưởng tượng ra em, giờ này đang nằm ngủ ngoan như con mèo con trong tấm chăn dài. Cơn mưa sẽ rue m ngủ và tình yêu anh sẽ làm em mỉm cười trong giấc mơ.
Và sáng ngày ra, em ơi, nhớ thắp giùm anh nén hương trên bàn thờ ngoại. Xin lỗi. Anh lại nhắc đến bà ngoại làm em có thể buồn, có thể khóc. Anh yêu những giọt nước mắt của em…
Ngủ đi bé, và tin chắc là anh sẽ về…
Đông Nghi ngồi bật dậy, rồi lại nằm xuống. Nằm xuống rồi lại tung chăn ngồi dậy. Trời ơi, Tuấn sẽ về trong mùa đông này. Không, không, tôi không thế nào tin được điều đó có thể xảy ra. Nhưng mà lá thư của chàng còn nằm trên ngực ta. Đó, đọc lại đi. Đọc thêm một lần nữa. Đông Nghi đọc lại lá thư một lần, rồi một lần nữa. Ôi tình yêu, sao nó như một lát dao ngọt lịm. Nó như cái lưỡi hái mà ta như bông lúa chín vàng. Gặt đi, mùa đã tới. Tình yêu nó không nói bằng tiếng người mà là bằng tiếng chim hót. Nó không đi bằng chân, bằng xe hơi, bằng máy bay, tàu hỏa mà đi bằng đôi hia bảy dặm. Mạ ơi, sao mạ không có cho con gục đầu vô lòng mạ mà khóc trong lúc sung sướng ni. Ừ, mạ làm sao có thể hiểu được con, tha thứ cho con. Mạ sẽ giết chết con mất nếu mạ biết được. Con gái mà thư từ với trai, đồ trời đánh thánh vật. Rồi cái nước ni có ngày đi ăn mày đầu đường góc chợ. Mạ sợ chi mà không dám chửi như rứa. Nhưng Đông Nghi không thấy buồn chút nào hết. Lá thư của Tuấn như cơn hồng thủy cuốn phăng mọi rác rê lắng đọng tích trữ nhiều năm tháng trong lòng nàng. Đông Nghi nằm lịm đi với lá thư, nước mắt Đông Nghi trào ra với nỗi hân hoan chưa bao giờ có trong đời nàng. Lát sau Đông Nghi mở tung cửa sổ, cơn mưa chiều tối có vẻ muốn ngớt. Đông Nghi tới bên cầy sầu đông, nàng ngửa mặt lên, những giọt nước đọng trên cành rơi lốp đốp trên nền lá, đánh bốp vào da mặt non mịn của nàng. Những giọt mưa nhỏ tràn ướt khuôn mặt. Giọt lệ của Tuấn đó. Anh Tuấn ơi, em yêu anh không bút nào tả xiết, yêu anh bằng gạo trong lu, yêu anh cay như ớt, mặn như muối sống, yêu lút mày lút mặt mất rồi. Nàng nói một mình với cơn mưa, với cây sầu đông, với khu vườn đang bị bóng tối nuốt dần. Rồi đó, anh thương em lắm, anh sẽ trở về. Nhưng rồi liệu có như câu : Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang không anh Tuấn ? Còn bao nhiêu trở ngại nữa. Không, tình yêu tụi mình có ra chi mô. Mạ biết là chết. Bên ngoại biết là chết. Đông Nghi tựa người vào thân cây, thân cây trơn lắng và dưới gốc có những lá nấm mèo đen, nhầy nhầy. Đông Nghi nghe có tiếng ho của thằng Rọm. Rồi thằng Rọm trong cái áo mưa rách hiện ra :
- Điên hay răng mà tự nhiên ra ngoài mưa mà đứng. Đi vô ăn cơm chớ mi.
Đông Nghi bật cười, nỗi vui sướng lại tràn ra lai láng trong lòng. Đông Nghi cầm tay thằng Rọm :
- Vui quá ông Rọm ơi.
- Mi đừng có chơi. Con gái cầm tay đàn ông là không nên. Mi nên nhớ nam nữ thọ thọ bất thân. Tao tra rồi, mi chơi cái chi mà lạ rứa.
Đông Nghi càng tức cười hơn. Nàng bá cổ thằng Rọm đeo cứng.
- Vui quá.
Thằng Rọm cố gỡ Đông Nghi ra mà không được, nó nạt :
- Ê, mi chơi lạ rứa. Mi điên rồi. Bỏ tao ra không mưa ướt hết. Tao đập chết chừ.
Đông Nghi không dám đùa dai với thằng Rọm. Nàng thả tay và đứng cười trước mặt thằng Rọm. Hắn nhìn Nghi có vẻ lạ lùng :
- Mi điên rồi. Chuyện chi rứa.
Đông Nghi chỉ cây sầu đông :
- Chồng tui đây nì, Rọm.
- Thiên địa ui. Mi nói vô hậu rứa. Ê vô ăn cơm, mưa ướt tao hết rồi.
Thấy Đông Nghi cứ đứng cười, Rọm nổi sùng :
- Thiệt mi cười không ? Mi cười thì đứng đó mà cười.
Nói xong thằng Rọm bỏ đi vô. Đông Nghi quay lại nhìn cây sầu đông rồi cũng bỏ đi vô nhà. Mái tóc Đông Nghi ướt nhèm. Nàng đến ngồi bên lò lửa. Thằng Rọm càu nhàu :
- Tự nhiên rứa bơ trở chứng. Chi lạ rứa không biết nữa. Răng mi càng lớn càng điên điên khùng khùng giống mạ mi. Tao ghét à nghe.
Đông Nghi hơ hai tay lên lò than :
- Chơi cho vui một chút mà cũng la om sòm. Thôi không kể chuyện ba cho nghe nữa mô.
Thằng Rọm vồ vập :
- A, thư khi hồi a há. Kể tao nghe đi.
Đông Nghi đùa :
- Không kể.
- Được, mi thất hứa. Mai mạ mi về tao mét cho coi.
Đông Nghi muốn cầm tay thằng Rọm nhưng sợ hắn lại hất ra. Nàng dịu dàng :
- Ba viết về ba nói thương tui lắm.
- Rồi răng nữa ?
- Ba nói ba sẽ về thăm tui.
- Ui trời ơi. Thiệt răng Nghi ?
Đông Nghi giật mình. Bậy quá, tự nhiên tiết lộ một điều bí mật nguy hiểm như thế. Nhưng đã lỡ nói rồi, Đông Nghi không sượng lại được.
- Thiệt chớ.
- Răng chừ về ?
Đông Nghi nói dối :
- Lâu là khi mô ?
- Không biết.
Thằng Rọm thở ra, thất vọng :
- Mi nói chuyện như con tàng con điên, thôi lên nhà tui dọn cơm cho ăn.
Đông Nghi cừa quay đi, thằng Rọm kêu giật lại :
- Thôi ngồi đây tao hỏi chút.
- Hỏi chi ?
- Ông Bồ Đào không nói chi với mi hết ?
- Thiệt mà, không nói chi cả. Tui thề…
Thằng Rọm nhìn lên coi con Bông có đó không, rồi nói nhỏ vào tai Nghi :
- Tao sợ mạ mi lấy chồng mất.
- Lấy ai ?
- Ông Bồ Đào chớ ai nữa. Mi biết không, con Cau có đi gánh nước, nó nghe thiên hạ đồn tùm lum tà la. Nói là mạ mi không có ở bên cửa hàng mà thuê nhà ở với ông Bồ Đào như vợ chồng. Tao nghe nhiều chuyện lắm. Nghe nói con mụ vợ ông Bồ Đào đã đi hỏi dò dẫm. Ôi, mạ mi mà như rứa thì tao đốt cái nhà tao chết luôn. Từ khi bà ngoại chết là mạ mi lộng lắm rồi. Con ngựa thượng tứ mà…
Đông Nghi kêu lớn rồi hoảng hốt nhìn quanh. Chị Mừng và con Bông hình như đang ngồi chơi chái trên của căn nhà bếp, ngăn bằng tấm màn vải bông cũ. Đông Nghi lắng tai nghe thấy tiếng chị cười khúc khích trên đó. Đông Nghi kéo thằng Rọm đứng dậy :
- Đi, đi lên nhà trên nói chuyện.
- Lên trước đi để tôi tắt bếp đã.
Đông Nghi chán nản bỏ vào phòng nằm. Nàng nghỉ bao nhiêu thứ trong đầu. Lá thư của Tuấn cùng buổi đi đón của ông Bồ Đào. Đâu phải lúc này nàng mới đặt những câu hỏi ngơ ngác. Không, không thể có chuyện như thế được. Mạ không thể như thế. Mạ chít khăn tang mà. Mạ còn để chế bạ ngoại đó. Đông Nghi không còn chỗ nào để bấu víu nữa.
Bên ngoại coi như không biết nàng. Tại sao lại như thế ? Đâu phải tôi khác dòng máu của họ. Không, ảnh ba tôi còn treo ngoài phòng kia. Tôi còn mang họ bên nội. Vậy mà sao nội nhìn tôi bằng con mắt còn hơn người dưng nước lã nữa. Đông Nghi đưa tay mở toang cho hết cỡ hai cánh cửa sổ. Mưa hắt vào ướt mặt bàn, ướt cả khuôn mặt nàng. Mặc Đông Nghi đứng như thế, và cơn mưa bên ngoài trút xuống ào ào. Đông Nghi nhìn mưa, nước mưa cũng đang thấm ướt da thịt nàng và Đông Nghi khóc. Cho tôi khóc với mùa đông ơi. Đông Nghi bỏ bữa cơm tối. Thằng Rọm đứng ngoài đập cửa gọi nàng ra ăn cơm. Không thấy Đông Nghi trả lời, hắn lầm bầm nguyền rủa rồi ăn một mình.
Lúc này mẹ đang làm gì bên cửa hàng đó. Có ông Bồ Đào ở bên cạnh không ? Ông Bồ Đào. Tại sao ông lại tên Bồ Đào ? Nhưng tôi bỏ tất cả, tôi sẽ phá nát tất cả. Mùa đông này chàng trở về. Tuấn sẽ trở về. Thôi gác bỏ hết mọi chuyện. Cho tôi ngủ với tiếng mưa rơi trên cây sầu đông, giọt lệ tình nhân xa cách. Cho tôi gối đầu lên mưa, nương hồn mình lên mưa. Mùa đông, mùa đông ơi, cho tôi cùng khóc với.
Anh Tuấn ơi, em vàng, em đen hay em hồng trong mùa đông, trong giọt lệ tình rơi trên cây sầu đông trơ trụi. Đêm nay cơn mưa đừng có ngớt, mưa mãi, mưa khóc hoài hủy trên nỗi chờ đợi của nàng, cho tới khi người trở về. Và Huế bừng mở mắt.