Chương hai ( B)
Tác giả: Nhã Ca
- Ai nói cho mạ hay mà mạ biết?
- Tao cần chi ai nói. tao hỏi là hỏi làm răng mi dám đi một mình không nói cho tao biết.
- Mạ đi cả ngày.
- Buổi túi làm chi?
- Túi còn học.
- Không mở miệng với tao được một câu à?
- Mạ không muốn nghe con nói.
Đông Nghi không hiểu tại sao mình có thể trả lời với mẹ như thế, và cơn giận như nước nguồn cứ ào ạt chảy hoài không dứt. Đông Nghi cố giữ vẻ lì lợm, không muốn bật khóc, mặc dù nước mắt đã tràn trong mũi, trong mắt và sự nghẹn ngào đã đè nặng ngực, ngộp hơi thở. Bà Phúc Lợi thì không thể tưởng tượng được những lời nói của con. Mặt bà tím lại. Đông Nghi thấy hai mắt mẹ như hai ngọn đèn pha quét hết mọi chướng ngại vật đằng trước mặt.
- Đông Nghi! Nghi. Ai cho mày ăn nói rứa hỉ?
Đông Nghi cũng không ngờ được cơn giận dữ của mẹ. Bà Phúc Lợi ngồi xuống, đứng dậy, mặt bà tím bầm, mắt bà long lên sòng sọc. Con hổ đang đứng trướùc một con mồi đó. Mạ nhai đi, mạ nuốt đi, không cần chi nữa hết. Tiếng nói nổ ran buồng ngực của Nghi, đốt lửa nóng hực hai gò má. Mạ nhai đi, nuốt đi. Bà Phúc lợi đã rút cây roi dưới tấm trướng, ngọn roi đưa trong không khí mà đã bầm dập ruột gan Đông Nghi.
- Ai cho mi ăn nói với mạ mi kiểu đó?
Đông Nghi cũng không dằn được nữa:
- Thì mạ giết con đi. Con cũng không chịu được cảnh mất mạ, mất cha.
- À! Thì con ni giỏi quá rồi.
Đông Nghi bị kéo ra khỏi ghế, xuống nền nhà. Một roi, hai roi, rồi ba bốn roi. Đông Nghi không đau ở thịt da mà đau nhói tận ruột gan bầm dập.
- Tao đánh chết mi rồi tao ở tù.
Nghe giọng nói như vừa rên, vừa khóc của mẹ, Đông Nghi thấy mũi lòng, không phải nàng mũi lòng vì thương mẹ hay thương mình mà nàng mũi lòng vì số phận hèn mọn của đời sống gia đình mình. Giấy rách phải giữ lấy lề đó. Còn lại mấy bức hoành, bức trướng đã rã hết sơn son, thếp vàng, mấy bức ảnh võ quan, mấy thanh gươm giáo cổ. Bức ảnh cha nàng phóng đại treo giữa nhà là tấm bình phong thứ hai cho cánh cửa nhà. Tấm bình phong có chạm rồng phụng mới chỉ là tấm bình phong che cái lưng mà thôi.
- Con ni giỏi. Mi lỳ hí. Lỳ ni, lỳ ni …
Từ nhỏ tới lớn, có lẽ đây là trận đòn đau nhất. Chưa bao giờ mẹ đánh đau như thế. Cái roi da này được cất kỹ từ lâu, khi Đông Nghi qua khỏi tuổi mười bốn. Vậy mà lần này được mang ra sử dụng trong một trường hợp hết sức tình cờ. Đi dự một buổi họp là một trọng tội sao? Được rồi, để mẹ coi, tui sẽ làm nổ tung cái gia đình này, cái thành phố này. Mẹ có làm nổ cũng chưa tan tác, tui sẽ làm tan tác. Đông Nghi nghiến răng chịu đựng cơn giận dữ của mẹ. Chờ cho mẹ ngừng roi, nàng đứng dậy đi vào phòng, khóa chặt cửa lại. Đông Nghi không nghe tiếng guốc của mẹ, đoán làø bà vẫn còn ngồi ở nơi cái ghế cũ.
Vừa đau đớn, vừa chán ngán, Đông Nghi nằm mọp xuống giường. Khi còn một mình, nỗi tủi thân của Đông Nghi không còn đè nén vào đâu được. Đông Nghi vùi mặt xuống gối mà khóc. Đông Nghi khóc lâu lắm. Cho tới một giờ sáng nàng vẫn còn nằm úp mặt xuống gối. Mấy lần Đông Nghi nghe tiếng chân mẹ đi lại gần phòng rồi lại đi xa. Cho tới khi Đông Nghi nghe tiếng chân mẹ đi buông mùng, cánh cửa sổ ngoài nhà được gài kỹ và tiếng thằng Rọm hết quạt muỗi, Đông Nghi mới biết là cả nhà đã đi ngủ. Đông Nghi không tài nào ngủ được, nỗi tủi thân mỗi lúc một dâng trào. Lúc này, Đông Nghi muốn làm một cái gì? Khóc thật to, đập bể một cái ly hay bỏ ra ngoài đường đi lang thang một mình? Đập phá bằng sự tưởng tượng một lúc, đầu óc Đông Nghi dịu dần lại. Đông Nghi mở cửa sổ, đêm tối bên ngoài như giúp cho nỗi cô đơn trong lòng Nghi lan rộng. Đông Nghi vùng dậy. Phải làm một cái gì, phải làm một cái gì cho hả tức. Đông Nghi kéo ngăn kéo rồi đẩy lại. Mở ra, đẩy lại như thế tới mấy lần, Đông Nghi mới chợt nghĩ ra việc viết một lá thư. Nhưng viết thư cho ai? Cho Vinh, cho Khánh hay cho Tỷ Muội? Tỷ Muội thì mình có thể tâm sự được rồi. Còn Vinh? Viết thư cho Vinh là chịu thua cuộc. Mình tìm tới Vinh dễ dàng quá. Đông Nghi mở một tờ báo cũ. Thôi không viết thư mà đọc báo vậy.
Bỗng một trang báo mở trước mắt Đông Nghi với những lời mời mọc. Cái gì lạ thế này? À, một lời rao tìm bạn. Đông Nghi đọc một hàng chữ: Lính, xa nhà, cô đơn, nghèo, thích âm nhạc, thi văn. Mong tìm một cô bạn gái dịu dàng, cũng cô đơn để làm bạn và cũng vừa làm em gái.
Thư về:
Vũ Tuấn KBC…
Vũ Tuấn, đó là một cái tên rất đàn ông. Hắn lại đang tìm bạn, tìm bạn vì hắn cô đơn. Đông Nghi cũng đang cô đơn như hắn. Nhưng Vũ Tuấn là ai? Tại sao phải xưng là lính trẻ, tại sao lại cô đơn, có bị đòn như Đông Nghi không? Có bị sống ở một nơi gò bó như Đông Nghi không? Những lằn roi của mẹ đã hất Đông Nghi ra khỏi đời sống của bà rồi. Đông Nghi không còn ai nữa hết. Tỷ Muội đã lớn, nó cũng sắp có chuyện riêng tư như mình, bà ngoại thì làm sao hiểu mình được. Còn mạ, mạ có ông Bồ Đào. Phải đó, vì có ông Bồ Đào nên mạ mới ghét con, mạ thấy con như cái bụi gai, như cái cây nhỏ mọc trơ vơ trên thảm cỏ mềm, vướng bước chân của mạ. Vì lý do chi mà mạ đánh con như rứa? Không, Đông Nghi không đau khổ vì những lằn roi kia mà đau đớn vì bàn tay mạ đã đánh xuống, mắt mạ đã đầy những ghét bỏ, thù hằn. Phải cho mạ biết, phải làm gì đi chứ. Đừng thèm khóc lóc, rồi mày sẽ khóc lóc cả đêm nay cho mà xem. Đông Nghi hiểu mình lắm khi buồn sầu, tủi hổ. Đông Nghi không đủ can đảm để tự chủ. Đông Nghi phải khóc, nước mắt như đã sẵn sàng, chỉ chực có một nỗi u uất nhỏ là dâng tràn, là trải ra. Con gái khôn nhiều nước mắt lắm. Lời mắng của mẹ mỗi lần thấy Nghi khóc. Còn có một lần, lâu lắm rồi, mẹ đã mắng Đông Nghi và đã xúc phạm đến người đàn ông trong chiếc ảnh lồng lớn treo giữa nhà: Đó, cha mi đó, mi cuốn gói mà đi theo ông đi.
Nếu Đông Nghi biết được cha ở đâu, chắc nàng sẽ có chuyến đi thực. Đông Nghi nghĩ một người đàn ông bao giờ cũng ít ồn ào hơn một người đàn bà, dù mẹ có tiếng là ít nói, lạnh lùng đi nữa, mẹ cũng là đàn bà, mẹ thuộc loại ồn ào.
Tờ báo đã xếp trên bàn từ bao giờ. Đông Nghi đã không đọc thêm một dòng chữ nào ngoài mấy dòng tìm bạn với cái tên Vũ Tuấn. Đông Nghi bóp chặt tay mình: Ta đang cần gì, ta đang muốn gì? Đông Nghi muốn mẹ biết là mình đã lớn, đã lớn và tự ý làm theo mình được rồi. Thành phố, thành kiến, tất cả đã tù túng ta, bóp chẹt ta. Phải vậy, Vũ Tuấn, người lính cô đơn như ta, buồn bả như ta. Chắc hiểu ta nổi. Nhưng tại sao mày khóc hở Nghi? Tại sao nước mắt mày chảy dài? Con gái chi mà mau khóc quá, mau khóc rứa thì khổ một đời. Đông Nghi mở tờ báo, đọc lại dòng rao tìm bạn và Đông Nghi xé một tờ giấy trong tập vở, nàng viết:
Ông Vũ Tuấn,
Khi nhận bức thư này lẩn trong nhiều bức thư khác gửi đến ông, chắc ông nghĩ rằng tôi cần một người anh để làm nũng, để nhõng nhẽo, hay một người bạn để tâm tình, rồi ông sẽ xếp theo thứ tự để mà trả lời theo thời gian trước sau. Ông có thể hiểu lầm như rứa cũng được, nhưng tôi thì không, bởi vì tôi viết thư này cho ông khi tôi đang khóc, đang buồn, và đang cô đơn nữa. Thấy ông rao trên báo ông cũng cô đơn, cần bạn để tâm sự và tôi lúc này cũng cô đơn, cũng cần bạn để tâm sự nên tôi viết thư này.
Ông cô đơn vì cái chi? Có phải thiếu thốn tình thương gia đình như tôi không? Có phải vừa bị mẹ đánh đòn như tôi không? Ông có nghi ngờ bạn bè như tôi không? Ông có buồn chán thành phố, ghét ghê gớm những khuôn mặt quen thuộc hàng ngày? Còn tôi, tôi ghét hết, nên mới viết thư này cho ông, một người ở xa chắc dễ chịu.
Ông có muốn làm bạn với một cô gái Huế như tôi thì gửi thư về địa chỉ ghi ngoài phong bì cho tôi. Tôi không quen viết thư chắc lủng củng lắm, ông đừng cười nghe ông, mong thư ông.
Viết đến những dòng cuối, Đông Nghi ngập ngừng mãi vì không biết có nên ký tên thực của mình không. Đông Nghi nhất định tìm ra một cái tên khác, Đông Nghi không muốn ai biết việc này, kể cả người bạn gái thân nhất là Tỷ Muội. Đông Nghi đặt một lô tên rồi lựa chọn, cuối cùng nàng ký là Tương Giang.
Làm sao ta tạo ra hai con người, một Tương Giang và một Đông Nghi, hai đứa bây giờ sẽ không giống chi nhau hết. Đông nghi ơi, mi cứ sống y như những ngày của mi là của Huế, của khu vườn này, của căn nhà này, của đời sống này. Còn Tương Giang, đời sống mi là ảo tưởng, là mơ ước.
Đông Nghi bỏ lá thư vào ngăn kéo. Đèn bên ngoài đã tắt, chắc mẹ cũng đã ngủ. Mẹ đâu có thao thức vì ta, mẹ phải ngủ cho trơn da, trơn thịt để ngày mai gặp ông Bồ Đào nữa. Phải chi ngủ một đêm ra, mẹ già, mẹ xấu như bà ngoại, mẹ mới là của mình. Đông Nghi đi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài vườn, khuôn mặt mẹ và căn nhà như đã biến mất đằng sau lưng, Đông Nghi đưa tay ra ngoài bóng đêm, nàng nhìn về phía bụi hoa mộc, dù không trông thấy gì ngoài bóng cây đen như hình ảnh con gấu đang đứng ngó mặt lên trời. Đông Nghi cũng tưởng tượng ra được những búp hoa mộc đang chờ sương xuống để hé nụ, những bông hoa nằm lịm trong bóng đêm đang nao nao tỏa những làn hương mới nhúm và đang hòa hợp cùng với nhiều thứ hương khác trong vườn.
Đông Nghi thấy mắt mình nặng trĩu. Nàng không khóc lớn nhưng những giọt nước mắt đã sưng húp mi mắt. Một âm thanh nào đó đi qua trong đầu rồi biến mất trong tiếng động nhỏ ngoài vườn: Mi không còn là con gái Huế, con gái Huế mô có hư như mi. Tiếng động vụt ngang qua cửa sổ và những chiếc lá chết chưa ngừng rung rẩy, Đông Nghi đoán là một chú chuột vừa bỏ một hốc cây chạy tới đống gỗ mục ở mé vườn.
Không hiểu sao Đông Nghi thở dài. Con chuột đâu có giống ta, phải không Đông Nghi ơi. Đông Nghi gọi tên mình, tay này cầm chặt tay kia và Đông Nghi gục xuống thành cửa, những giọt lệ lại trào ra, Đông Nghi nức nở: Mạ ơi, mạ không thương con đành răng mạ?
Không còn ai để cho Đông Nghi nương dựa nữa hết, bà ngoại đã già, mẹ đã ghét, cả tiếng đàn lục huyền cầm của Khánh nữa, sao đêm nay cũng không thấy.
Đông Nghi gượng đứng dậy, và như thuở nhỏ mỗi lần bị nhừ đòn, Đông Nghi rên những tiếng nhỏ. Những lằn roi của mẹ đêm nay cũng không phải không đau lắm, Đông Nghi ôm chầm lấy cái gối, cắn chặt răng vào một góc gối, mặc cho dòng lệ tha hồ chảy. Mẹ có đáng cho Đông Nghi căm giận không? Tại mẹ một phần, tại Đông Nghi một phần, tỷ dụ như không có Đông Nghi, không có căn nhà, không có những bức hoành sơn son thếp vàng, tấm bình phong sẽ bứt đi dễ dàng, mẹ không vướng víu gì hết. Tại mẹ, tại mẹ hết, tại ông Bồ Đào nữa. Thôi cũng đừng tủi thân nữa nghe không, cũng đừng nghĩ tới mẹ, tới ông Bồ Đào nữa.
Lá thư được gửi một ngày sau đó. Một buổi chiều, đợi giờ tan học, Đông Nghi nói dối với Tỷ Muội sang cửa hàng, nàng ghé vào bưu điện bỏ thư. Đông Nghi đọc đi, đọc lại bức thư cả chục lần, thấy lá thư không hay ho gì hết, nhưng có viết lại rồi cũng chả có gì mới lạ hơn. Lá thư được gửi đi rồi, lòng Đông Nghi càng bối rối thêm, nàng mơ màng tưởng tượng đủ thứ về lá thư. Đông Nghi tưởng tượng lá thư đang đi trên những đoạn đường dài để tới tay Vũ Tuấn. Rồi Vũ Tuấn sẽ nghĩ như thế nào về lá thư với những lời lẽ ngây ngô đó nữa. Đông Nghi thấy mình dại dột rồi bần thần mãi. Đôi khi nàng muốn khóc vì những mặc cảm cô đơn, yếu đuối. Đứng trước lũ bạn, Đông Nghi cảm thấy ngại ngùng lắm, lớn như nàng còn bị đòn, nếu bạn bè Nghi nó biết được, chắc chúng cười Nghi không ngướcmặt lên nổi. Vũ Tuấn. Sao không có một khuôn mặt nào cho Đông Nghi tưởng tượng ra hết, nhỡ chàng cũng là một Khánh, một Vinh thì sao? Nhưng tại sao Đông Nghi lại có những ý nghĩ với người ở xa thân thuộc như thế? Tại vì chàng cũng cô đơn như mình? Nhưng sự cô đơn đó như thế nào, Đông Nghi chưa có biết. Trong lớp học Nghi thường hỏi dò Tỷ Muội:
- Mi biết thư mình gửi ở Huế đi Sài Gòn mấy ngày tới nơi không?
- Mi hỏi chi rứa, mi quen ai trong Sài Gòn?
- Ờ, tao gởi thư cho ông chú.
Tỷ Muội đã có lần nghe Đông Nghi tâm sự về một vài người bà con ở xa, nó hỏi lại bạn:
- Mấy ông chú mi ở Sài Gòn à, mà ăn nhằm chi mà viết thư?
Đông Nghi cười lấp liếm:
- Mạ tao khiến viết thì tao viết đó chớù.
- Răng mạ mi không viết.
- Tao biết răng được.
- Rứa thì khoảng ba hôm là thư tới, mau lắm là hai hôm, nhưng trường hợp này hiếm lắm.
Đông Nghi hỏi lại Tỷ Muội:
- Sợ thư không đến.
Tỷ Muội ngó bạn:
- Con ni kỳ khôi không, thư của mạ mi chớ của mi mô, không đến thì thôi.
Đông Nghi vò vò cái khăn trong tay:
- Thư gởi bưu điện có hay mất không?
- Không mô, ít khi mất lắm. Tao bày cho mi cách này, muốn thư không mất, dán tem thiếu là họ đem tới tận nhà họ bắt phạt.
- Răng mi biết?
- Thì chị Khánh tao hay chơi rứa lắm. Mi biết, anh Yên hay lẫy lắm, vắng thư chị Khánh là anh gởi năm bảy lá thư thiếu tem cho chị Khánh bị phạt chơi, anh Yên hay chơi lạ rứa đó.
- Anh Yên ở Sài Gòn?
- Thì anh Yên bữa trước đứng ở bên vườn hái ổi đưa ra cho tụi mình đó. Anh về thăm nhà, hết hè lại vô Sài Gòn học. Huế mình, người ta đi lần, đi hồi hết.
Đông Nghi hỏi bạn:
- Tỷ Muội có ưa xa Huế không?
- Không, tao ở đây tới tra, tới chết. Còn Đông Nghi?
- Tao không biết.
- Phải biết chớ, phải có lập trường chớ.
Rồi trong lớp, thấy Đông Nghi cứ hay nhìn ra cửa sổ, hồn như gởi trên những tàng cây phượng, Tỷ Muội trách bạn:
- Dạo này trông Nghi thay đổi nghe. Coi chừng cuối năm đứng thấp là không được, cái băng mình đang học giỏi, để tụi nó tranh thì ức chết.
Trà nói nhỏ vào tai Tỷ Muội:
- Nhớ anh Vinh tao đó. Anh chị mê nhau rồi nghe.
Nghe nhắc loáng thoáng tới tên Vinh là Đông Nghi cau mày. Nói làm chi tới anh chàng nhát gái đó. Đông Nghi chỉ trông hết giờ học để về nhà xem có thư không.
Và mỗi lần đi học, nàng dặn thằng Rọm:
- Rọm, có ai gọi đưa thư thì nhận rồi cất trong phòng học cho tui nghe, đừng đưa cho ai nghe.
- Thư từ, thư từ cái chi. Mà ai gởi thư? Tui mách mạ đánh cho nứt đít chừ. Bữa hổm bị đánh nứt đít mà không khóc giỏi cha hí.
Đông Nghi năn nỉ thằng Rọm:
- Thôi mà, Rọm thấy tui hay bị mạ đánh, Rọm không thương tui răng?
- Không thương thì tao đâu thèm ở, tao sang bên Phan Bội Châu tao xin giữ cửa hát bội. Mi coi tao hát bội thua chi thằng Chắt. Rứa mà hắn làm tới Tôn Tẩn, đôi khi đóng Bàng Quyên.
- Thương tui thì cất thư giùm tui, mạ biết, mạ đánh tui chết luôn.
- Mà thư chi, ai đem tới?
- Cái ông đi xe đạp ngang qua nhà, cái xe có cái chuông kêu to Rọm hay chưởi đó.
- À, cái thằng có hai cái túi đeo hai bên xe há?
- Đúng đó.
- Mà thư ai?
Đông Nghi giả vờ thì thầm với thằng Rọm:
- Đừng nói cho ai nghe nghe, tui gửi thư hỏi ông chú ở Sài Gòn về ba, để coi ba chừ ở mô. Ba mà về là cái ông Bồ Đào hết đến nhà nữa. Rọm ưng không?
Thằng Rọm cười hí hửng:
- Phải đó.
- Vậy nhận thư cho tui nghe.
Thằng Rọm làm bộ suy nghĩ:
- Không được, mi phải đọc cho tao nghe.
Biết thằng Rọm không thuộc được một chữ A, chữ B, Đông Nghi hứa:
- Ừ, được rồi, tui coi rồi, tui kể cho mà nghe.
Thấy thằng Rọm đã xuôi tai, Đông Nghi thấy cần phải dọa già, không thì sợ khi nó không vừa ý, nó nói vung ra thì nàng ốm đòn thật, Đông Nghi dặn:
- Đừng nói với ai, chuyện này có ai biết thì cả tui với Rọm đều bị đòn hết, Rọm thề đi.
- Thề thì thề, tui mà nói đi, nói lại cho Ôn vật chết tui, ông Chín thượng ngàn bẻ răng tui. Muốn thề nữa, mai tui lên điện hàng chén ….
- Thôi, nghe mi nói dễ sợ ghê rứa thế …
Từ hôm đó trở đi, thằng Rọm cứ thấp thỏm hoài. Mỗi lần Đông Nghi đi học về là nó nhìn Nghi lắc đầu ra dấu là không có thư từ chi hết. Hơn một tuần lễ trôi qua như thế, Đông Nghi hết hy vọng. Chắc lá thư không đến hoặc có thể vì nàng viết dở quá, quê mùa quá làm người bạn xa cười nàng và không thèm trả lời nữa. Thằng Rọm mỗi sáng chờ giờ người phát thư ngang qua đường trước nhà là quét sân, đợi để hỏi thư, mỗi lần thấy người phát thư đưa tay khoát lui lia lịa, nó lại chưởi thầm:
- Mụ cô bà nó chớ cả xấp thư mà không chịu đưa cho người ta một cái.
Ngoài chuyện trông thư và nói chuyện với thằng Rọm về lá thư đến chưa đó, Đông Nghi không còn ai để nói chuyện nữa. Bà ngoại tự nhiên ngã bệnh, bác sĩ khám cho biết là bệnh già. Mấy hôm sau, bà bại hẳn một chân và mỗi lần đi đứng bà cần phải chống gậy. Còn bà Phúc Lợi thì đi tối ngày, từ khi đánh Đông Nghi mấy roi, bà ít nói chuyện với nàng và mỗi lần ông Bồ Đào đưa bà về, bà vào thăm mẹ, hỏi thăm bệnh và tự tay sắc thuốc bắc cho bà ngoại uống. Mẹ càng ít nói chuyện với Đông Nghi hơn, đôi khi bắt chuyện thì cũng chỉ là những chuyện học hành, nhà trường, sách vở. Ông Bồ Đào cũng ít vào nhà, ông chỉ đưa bà Phúc Lợi đến ngõ rồi nói qua quít vài câu là ông rồ máy chạy.
Thằng Rọm mỗi tối lại lôi Đông Nghi ra giếng nước hỏi:
- Nì, răng lá thư đó chưa đến rứa?
Đông Nghi cố nuôi hy vọng, nàng nói với Rọm bằng giọng tin tưởng:
- Đợi vài bữa nữa, răng cũng có.
- Chắc không? Răng mà tui thấy hết hơi rồi.
Thằng Rọm đưa tay lên phân trần:
- Tại cái thằng đưa thư nó dấu đi. Nó có cả xấp mà bữa mô cũng nói không có, tức chi lạ.
- Không phải của mình, của người ta.
Thằng Rọm lại hỏi:
- Mi biết ba mi ở mô không?
- Rọm có biết không?
- Không, hồi đó tao ở dưới quê, tao lên ở khi ba mi đi rồi, hồi đó mi nhỏ chút xíu nì.
- Rồi ba tui đi luôn?
- Thì đi luôn. Tao bày nghe mi, hỏi bên nội a tề.
Đông Nghi cúi đầu làm thinh. Thằng Rọm làm răng hiểu được những uẩn khúc bên trong gia đình. Đông Nghi nhớ lại có một lần giổ ông nội. Đông Nghi được mẹ sai đem hoa quả, bánh trái sang góp cúng. Lần đó, ông chú của nàng ở Sài Gòn cũng về, thấy Nghi ngồi chung với anh chị em ở một mâm dành cho con nít, ông hỏi:
- Đứa mô rứa chị?
- Con Nghi, con của anh Tham đó.
- À, nó đó à, nó lớn rồi hỉ.
Giọng nói của người chú như nói với một kẻ xa lạ nào. Đông Nghi định bỏ đũa đứng lên đi về, nhưng nàng sợ những trận đòn của mẹ. Thuở nhỏ Đông Nghi có tiếng là giỏi chịu đòn, vậy mà cũng không chịu nổi tiếng quát lớn hơn của mẹ. Ông chú đó về một hai bữa rồi đi. Hôm sau Đông Nghi sang cửa hàng với mẹ, ông chú đi sắm hàng ngang qua, bất đắc dĩ ghé vào chào mẹ. Chị Nại dẫn Đông Nghi đứng trước mặt ông chú, cúi xuống bảo:
- Em chào chú đi. Em nói bẩm chú đi.
Đông Nghi đứng lỳ, nhất định không nói gì. Ông chú cười khẽ mà không nhìn Nghi, rồi ông vội vàng chào mẹ và đi thẳng. Lần đó Đông Nghi lấy làm lạ sao mẹ không đánh đòn vì tội vô lễ trước mặt người lớn. Đông Nghi chẳng thấy nàng có chút trìu mến nào với người chú xa lạ hết, mặc dù hồi đó còn nhỏ, Đông Nghi cũng biết nàng là con bé đáng thương, là nàng đã bị loại trừ ra khỏi họ hàng, vì cha nàng đã đi xa và mẹ nàng không hạp tính nết gia đình bên nội nàng. Thuở nhỏ, nhiều lúc Đông Nghi quan tâm đến và hay buồn tủi, bây giờ, Đông Nghi coi như mình không dính dáng đến gia đình đó là một cái may. Đông Nghi không chịu đựng được những tiếng bẩm bà, lạy bà, lạy chú, bẩm bác.
Thằng Rọm thấy Đông Nghi không nhìn nó mà nhìn đi đâu, nó cũng không buồn nói chuyện nữa mà bỏ vào nhà. Và mỗi tối, Đông Nghi cũng không còn cảm động khi thấy Vinh đi tới, đi lui trước ngõ nhà nàng nữa. Nhưng đối Trà, Nghi không hề cải chính gì hết. Đông Nghi cũng chỉ là một đứa con gái, tại sao Đông Nghi lại khác bạn bè là muốn có nhiều người yêu mình, để ý mình? Làm con gái, không ai đi theo chắc là buồn lắm. Đông Nghi chỉ tiếc những người đang theo nàng lại không phải là những mẫu người nàng chọn. Mẫu người thích hợp với Đông Nghi như thế nào, chính Nghi cũng chưa hình dung nổi, mà những mẫu người sẵn có thì thật là cách biệt, trước mắt nàng họ hết sức tầm thường.
Nhưng khoảng hơn một tuần lễ sau, một buổi trưa đi học về Nghi thấy thằng Rọm cứ nháy nháy nàng hoài. Đông Nghi biết là có chuyện lạ, nhưng rủi cho nàng là trưa đó, mẹ nàng cũng về ăn cơm. Đợi cho mẹ vào phòng nằm nghỉ trưa, Đông Nghi lén xuống bếp. Thằng Rọm đã rửa chén bát xong, đang đứng ở giếng nước nói chuyện với O Cau. Nhà có giếng nước nhưng mẹ cứ thuê gánh nước giếng khác vì giếng này nước trong và ngọt, nấu trà rất thơm. Giếng nhà chỉ dùng để giặt rửa, tưới cây. Đông Nghi phải làm dấu mãi, thằng Rọm mới nói khéo cho O Cau gánh đôi thùng không đi ra ngõ. Gài ngõ cẩn thận, thằng Rọm mới trở vào, ghé vào tai Đông Nghi:
- Nì, có rồi.
Đang hồi hộp, Đông nghi cũng phải phì cười. Tự nhiên kêu lên là có rồi, dù biết thằng Rọm ám chỉ lá thư, nhưng Đông Nghi không thể không cười trước vẻ mặt và giọng nói quan trọng đặc biệt của Rọm. Đông Nghi giựt tay thằng Rọm:
- Mô, đưa đây.
- Không.
Đông Nghi ngạc nhiên:
- Răng rứa, thư của người ta mà. Rọm biết chi mà giữ?
- Đưa rồi mi không đọc cho tao nghe răng?
- Đọc mà. Túi tôi kể cho nghe.
- Đọc to cho tao nghe với.
- Thì đưa đây đã. Mi chộn rộn, mạ biết là chết hết.
- Mi hay lừa tao lắm, thuở trước chơi đánh ô làng, chơi lò cò, chơi đánh căng, mi hay ăn gian tao, tao biết rồi, tao không chịu mô.
Đông Nghi phì cười:
- Rứa làm răng bây chừ?
- Thề đi …
- Được rồi, thề thì thề. Tui nói láo cho lá thư rớt máy bay mất tiêu không tới Huế nữa.
Thằng Rọm tươi nét mặt. Đông Nghi lạ lùng không hiểu tại sao khuôn mặt già khằn đầy nếp nhăn của thằng Rọm khi cười cứ loắt choắt như đứa con nít.
- Tui đi lấy nghe, tui chằn dưới cái gối.
Thằng Rọm đi lấy cái thư đưa cho Đông Nghi. Nghi cầm lá thư trên tay mà không dấu được sự run rẩy. Không biết cái gì ở trong này, mong là niềm vui. Đông Nghi cầm chặt lá thư nói với thằng Rọm:
- Túi tui kể cho nghe, chừ đi làm việc đi.
- Túi tui đợi ngoài giếng ni nghe, nghe tiếng tui úp chén dĩa vô cụi là ra đợi tui nghe.
Đông Nghi hứa chắc chắn cho thằng Rọm tin rồi nàng bỏ chạy vào phòng, đóng kín cửa lại. Đông Nghi vội vả xé lá thư đọc ngấu nghiến:
Cô Tương Giang,
Không biết chúng ta có căn duyên nào không mà khi đọc lá thư của cô, tôi cảm động lắm. Lá thư của cô đến làm cho những lá thư khác từ muôn phương gửi về mất hết ý nghĩa, tôi sẽ tìm ra người bạn gái dễ thương nhất, hiền lành nhất và cũng nhút nhát nhất nữa. Tôi yêu thích sự nhút nhát đó và vì thế, tôi đã chọn cô để xin được làm bạn, cô có bằng lòng không hở cô Tương Giang?
Trước khi chúng ta quen nhau, trao đổi thư từ với nhau, tôi muốn được tự giới thiệu với cô. Như lời rao ở dòng tìm bạn thơ tín, tôi nói tôi là một người lính cô đơn, cô đơn lắm. Tuy ở miền Nam nhưng tôi ở cách Sài Gòn rất xa. Nơi tôi ở là một vùng rừng núi hoang vu, chắc Tương Giang cũng biết là lính ăn uống và sống ra sao rồi. Tương Giang cho phép tôi được gọi cô Tương Giang nhé. Năm nay tôi 23 tuổi, đang phục vụ trong một đơn vị pháo binh, vậy chắc cô Tương Giang cũng đoán ra được đời sống chúng tôi buồn tẻ như thế nào rồi. Nhìn dòng chữ mềm mại của Tương Giang, tôi tưởng tượng ra Tương Giang là một cô gái Huế mảnh khảnh như liễu, rất hiền, rất thơ mộng. Tôi thích hình ảnh này lắm. Đã từ lâu, tôi mong tìm được một cô bạn gái ở Huế, một cô bạn hay một người em gái Huế. Tôi không đoán ra nổi tuổi của Tương Giang, nhưng tôi hy vọng rằng Tương Giang còn nhỏ tuổi lắm, mặc dù với lá thư đầu, Tương Giang đã cố tỏ ra rất người lớn. Tương Giang có biết những đứa trẻ con thường ưa làm người lớn không?
Tương Giang nghĩ sai rồi, không có lá thư nào tới trước hoặc sau thư của Tương Giang để tôi sắp ra, lựa chọn hết. Chỉ có mỗi mình lá thư của Tương Giang thôi, vì có ai thích nổi một anh lính nghèo, cô đơn, không gia đình.
Gia đình tôi còn lại ở Bắc, thuở nhỏ tôi được gởi học ở Hà Nội, ở với một ông chú ruột và đi di cư cùng với gia đình này. Về những điều này, tôi sẽ phải còn tâm sự với Tương Giang nhiều nữa, những lá thư đầu cũng cần phải có giới hạn, Tương Giang có nghĩ như thế không?
Hãy kể cho tôi nghe về cầu Tràng Tiền, về sông Hương, Lăng tẩm … Tôi chưa có dịp ra Huế, nhưng hy vọng rằng, bắt đầu từ nay, Huế sẽ là một nơi tôi nghĩ tới nhiều nhất trong cuộc sống đầy buồn phiền này.
Mong thư của Tương Giang đến sớm. Lời chúc đầu tiên của tôi đến với Tương Giang là cầu mong giấc ngủ đêm nay, Tương Giang mơ thấy một giấc mơ đẹp.
Đông Nghi đọc đi, đọc lại mãi lá thư, nàng nằm dài ra giường, rồi đứng bên cửa sổ, dựa lưng vào tường. Những dòng chữ cứng rắn cứ nhảy múa trước mắt Đông Nghi và Đông Nghi thuộc lòng lá thư. Sao nó dễ thấm vào ta hơn cả một bài học ưa ý nhất. Mà bài học thì chả có bài nào ưa ý đâu. Lá thư của Vũ Tuấn tới với Đông Nghi lúc nàng đã ngút hết chờ đợi. Nhưng làm thế nào để trả lời thư đây? Đông Nghi loay hoay hết cả buổi trưa mà không viết được chữ nào, không học được chữ nào. Đông Nghi dấu lá thư mang ra vườn. Lâu lắm nàng mới ngồi trên chiếc võng, cây trần bì đã chín, những quả mọng nước bị dơi ăn rơi vung vải trên đất, lẫn với lá vàng. Vườn tràn ngập lá vàng và quảû khô, một mình thằng Rọm dọn không hết. Đông Nghi đung đưa hai chân, lòng nàng thơi thới, một tình cảm mong manh, lảng vảng như những hơi nắng lọc dưới lá ve vãn trong tâm hồn nàng. Đông Nghi cũng nhìn thấy tất cả, những ngày thơ ấu tròn mắt nương trong những giọt nắng vàng về chia vui với nàng. Lá xanh thẩm đã óng ả vàng như lòng nàng đã ngả theo nắng. Đông Nghi lại lấy lá thư ra, lại đọc. Anh ấy tưởng tượng ra ta như liễu, tưởng tượng ra ta như một bóng mây, như một ngọn lá, như nỗi thơ mộng. Vũ Tuấn là một người lính 23 tuổi cô đơn. Đông Nghi thắc mắc không hiểu tại sao với số tuổi đó, Vũ Tuấn đã vào lính, đã từng trải. Không hiểu sao chỉ mới đọc lá thư đó, Đông Nghi đã linh cảm thấy Vũ Tuấn khác hẳn mọi người mà từ trước tới nay nàng đã gặp. Nhất định là Vũ Tuấn không nhát gái như Vinh, không lãng mạn quê mùa như Khánh.
Đông Nghi xếp lá thư bỏ gọn vào giữa trang vở học rồi nàng cúi xuống nhặt mấy hột sầu đông khô rơi trên mặt đất. Đông Nghi đặt những hạt khô trong lòng bàn tay và bỗng dưng nàng cảm động ghê gớm, cảm động vì một lẽ gì không biết mà sắp muốn khóc được. Có nhẽ ta đang nhớ lại những ngày cũ và không bao giờ ta còn trở lại với chúng nữa. Đông Nghi ơi, mi bắt đầu có một thế giới mới rồi, một tâm tình mới rồi. Hãy báo cho vườn cây biết, cho cây sầu đông biết, cây bại hoại cuối vườn, cây ngọc lan đã cuối mùa nở hoa nữa.
Một ngọn gió trưa đang thổi đến ve vãn trên mấy đọt cây. Ngọn gió cũng tới rất nhanh, phe phẩy trên tóc, trên da mặt nàng. Đông Nghi nhắm mắt lại, nàng chìm đi trong một cảm giác hân hoan tràn ngập