Chưong hai ( A)
Tác giả: Nhã Ca
Mùa tựu trường đã đến, Đông Nghi và Tỷ Muội lại sửa soạn sách vở đi học. Kỳ thi chót của mùa hè, cả Đông Nghi và Tỷ Muội cùng đỗ cao. Cả tuần lễ vừa qua, Đông Nghi và Tỷ Muội đi sắm sách vở, về đến nhà lại đem nhau ra vườn đọc ham hố những cuốn sách đã mua, và hôm qua, hôm nay thì bận rộn bao vở mới, dán nhãn vở và hoạch định một chương trình học cho năm mới.
Tỷ Muội không có gì thay đổi ngoài sự vui mừng, hớn hở với việc được lên lớp, nhưng Đông Nghi thì khác hẳn. Đông Nghi hình như có một tâm sự gì đang giấu bạn. Nhiều khi đang học, hay đang ngồi chơi ở ngoài vườn, Tỷ Muội thấy bạn bỗng dưng nhìn lên những đọt cây cao, hoặc đôi mắt đang linh động bỗng sững lại một giây. Tỷ Muội hỏi thì Đông Nghi bảo:
- Tao không biết, nhưng Tỷ Muội ơi, hình như tao vừa khám phá ra được một chuyện gì mới mẻ lắm.
- Chuyện gì? Ở đâu?
Đông Nghi cười tủm tỉm:
- Ở trong lòng.
- Mày yêu đứa nào?
- Không, nhưng tao thấy mình cần thay đổi rồi.
- Thay đổi cái chi? Thay đổi cái chi trong lòng?
Đông Nghi khoác vai bạn, giọng thủ thỉ:
- Mày có ghét Huế không?
- Đôi khi ghét, đôi khi thương.
- Có bao giờ mày muốn làm nổ tung cả Huế ra không?
Thấy Tỷ Muội nhìn mình, mắt mở lớn, Đông Nghi cười ngặt ngẽo:
- Thấy chưa, con gái Huế chỉ được nghĩ ở trong lòng mà không được làm.
- Nhưng làm chi mới được chớ?
- Thì làm nổ tung thành phố tụi mình đang ở.
Tỷ Muội cười khúc khích, cho Đông Nghi nói đùa cho vui. Tỷ Muội đập vai bạn:
- Thôi cô ơi, ngày mai tựu trường rồi, tha hồ mà gặp tụi quỷ. Đáng ra tụi mình phải đi cắm trại một buổi rồi mới đi học, uổng quá.
- Mi biết mùa ni Thuận An ra răng không?
- Vắng vẻ, buồn tênh. Chắc chả có ma mô muốn về.
Đông Nghi quyết định nhanh chóng:
- Vậy thứ bảy ni, tụi mình về dưới đó.
- Nhưng ….
- Tao nói đi là đi. Tỷ Muội à, từ hôm thi đến chừ tụi mình không đi mô hết, tụi con Trà, con Chánh đi cắm trại, đi lăng lù bù.
Tỷ Muội hỏi bạn:
- Mình nghe tụi con Trà nói Đông Nghi có đi họp văn nghệ há?
Đông Nghi đành thú thật:
- Ừ, bữa đó định rủ Tỷ Muội, rồi gặp Muội lại có chuyện bực mình thành ra mình quên.
- Hay Đông Nghi sợ mình biết có Vinh đi bữa đó?
Đông Nghi giật mình. Huế rứa đó. Trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay. Đông Nghi nhớ tới buổi họp ở nhà Trà, Nghi có gặp Vinh ở đó, nhưng hai người chỉ chào nhau rồi ai ngồi yên chỗ đó. Đông Nghi nhớ lại là mình có đỏ mặt khi Vinh nói đỡ giùm cho nàng khỏi phải ngâm bài thơ của một người bạn gái. Chắc chỉ có con Trà biết. Vinh thế nào cũng tâm sự với Trà. Nàng hỏi bạn:
- Trà bảo với mi phải không?
- Không, anh Tạo, con bác tao.
- Anh nớ nói răng?
Tỷ Muội khúc khích:
- Nói tụi mi phải lòng nhau.
Đông Nghi tái mặt, nàng chống chế yếu ớt:
- Con trai Huế ngồi lê đôi mách, chuyện chi cũng khui ra.
- Bộ Vinh không phải con trai Huế à?
Đông Nghi cứng họng. Nàng chỉ còn có nước năn nỉ bạn:
- Tội tao mi nghe, mi đừng nói với ai.
Tỷ Muội bắt nọn:
- Mày có không đã?
- Không.
- Không thì mi sợ chi, có mi mới sợ chớ.
Hai đứa cứ cãi quanh cho đến lúc Đông Nghi bảo có Tỷ Muội mới tha. Nó nói:
- Có rứa chớ, mi cũng giấu tao nữa thì còn chi là bạn bè. Có chi phải cho tao biết.
- Mi ranh lắm.
- Thôi đừng làm nổ tung Huế nữa nghe, cho người ta ở với kẻo tội nghiệp.
Một lát, Tỷ Muội lại hỏi:
- Tên Vinh tỏ tình với mi cách răng?
Đông Nghi ngượng đỏ mặt, nàng mắng bạn:
- Mi sao tò mò quá.
- Răng mà ra đường mi cứ lớn hơn tao. Tao đi mô cũng mang tiếng là lanh chanh như trẻ con.
Đông Nghi nói nhỏ:
- Tại mi có ba, có mạ, mi sướng hơn, mi lâu già hơn tao.
- Mi mà già?
- Không già mà tra thôi.
Tỷ Muội ngừng tay, nhìn ra cửa sổ:
- Cây thầu đâu đã rụng lá rồi mi ơi. Hột cũng sắp khô rồi.
Thấy Đông Nghi nhìn ra cửa sổ mà không nói gì, Tỷ Muội tiếp:
- Rứa là hết chơi ô làng. Hè ni tụi mình quên chuyện chơi ô làng.
- Lớn thiệt rồi Muội ơi.
- Mình cũng không đánh thẻ nữa.
- Không chơi cò cò, nhảy dây nữa.
Không đi hái lá chum vò nước làm thạch nữa.
- Không lên độn bỏ thơ nữa …
Hai đứa phá lên cười. Đông Nghi nghĩ tới những ngày còn lên độn, cũng chỉ mới cách đây một năm. Hai đứa thường trốn nhà, chạy lên mấy cái độn đất gần chân núi đầy mồ mả, đầy bụi dứa và cây gai. Đông Nghi và bạn thường chia nhau mỗi đứa một bụi cây để làm cái việc mà tụi nhỏ gọi là đi bỏ thơ, ngồi như thế cả nửa tiếng đồng hồ, nhìn trời xanh bao la, nhìn những cây cối xanh trùng điệp. Có những buổi chiều thật đẹp, hai đứa ngồi nhìn những đám mây thành từng tầng ở trên bầu trời và tưởng tượng có một làng xóm trên mây. Hai đứa nói với nhau về những ngôi nhà, những bờ biển, những cây trái tưởng tượng trên đó. Thường thường hai đứa ngồi cách xa nhau, phải nói thật to mới nghe.
Đông Nghi nói với bạn:
- Thôi, hết những ngày nằm võng chờ trần bì rụng vào miệng.
Tỷ Muội kêu:
- Ừ hỉ, trần bì vừa chín, nhãn vừa chín.
- Khế cũng ngọt rồi.
- Mà không, đi học thì có chi mà lo, chủ nhật mình học, chiều mô rảnh, mình lùng trái cây.
Đông Nghi cười ngất:
- Rứa mà sáng ni tao ra vườn, thấy buồn hiu, tao cứ cho là mình đã mất hết ngày tháng cũ và muốn khóc.
- Mi là con thằn lằn đa cảm.
- Con ni giỏi ghê, bài từ năm đệ thất, đệ lục, mi còn nhớ.
Hôm tựu trường, hai đứa tung tăng đến trường, sách vở mới, áo mới trắng tinh, nón bài thơ nghiêng vành. Mỗi đứa thêm một đôi guốc mới, Đông Nghi cứ nhón gót lên cho cao hơn Tỷ Muội:
- Tao cao hơn mi.
- Tao cao hơn mi.
Hai cô bạn gái cười vang, chợt Đông Nghi nín cười nhỏ giọng:
- Đừng cười lớn mi, tụi nó theo đằng sau.
Câu chuyện được nói nhỏ, kín đáo hơn. Niềm vui vỡ ào ạt như lụt tháng bảy khi Đông Nghi và Tỷ Muội gặp lại bè bạn. Thấy đứa nào cũng lớn hơn, áo quần tươm tất hơn. Lớp học buổi đầu không quan trọng mấy, chỉ chuyện chia lớp, viết chương trình, chia trưởng lớp và các nhóm. Đông Nghi, Tỷ Muội, cùng Trà, Mỹ Chánh, Trinh ngồi bàn đầu bộ ba Tâm, Hà, Báu ngồi sát đằng sau lưng. Một ngày với bàn ghế, bảng đen và những nụ cười, ánh mắt trao đổi, Đông Nghi đem niềm vui vỡ ào ạt đó khi trở về nhà. Buổi trưa Đông Nghi về nhà vội vàng và bữa cơm trưa chỉ lửng bụng vì niềm vui chật ních. Vừa rửa mặt xong Tỷ Muội đã sang đến sân. Hai đứa đến trường sớm, lang thang mãi ở vườn bông trước trường, ngồi dưới bóng những cụm cây ngâu, hai đứa nhìn xuống dòng sông Hương xanh ngắt. Bên kia sông, cột cờ trên Phú Văn Lâu cao ngất và gió đánh lá cờ bay phất phới, màu tươi như nắng vàng. Hai đứa ôn lại những kỹ niệm mùa hè qua, rồi một vài đứa bạn nữa tới sớm, cả bọn kéo nhau tới bến đò Thừa Phủ, xăn quần lên tới gối, xuống dầm chân dưới bến. Những cơn mưa giông đã trôi hút và đem theo những tảng mây xám giăng lên bầu trời chết chìm nặng nề muốn vỡ. Trời đầu thu cao vút, trong xanh, những đám mây bạc trắng nõn tan dưới những làn nước đang vỡ tròn quanh mấy bắp đùi trắng nõn. Cả bọn nghịch nước chán lại lên bờ, đi dọc theo bờ sông, tới trước vườn hoa ngồi tụm năm, tụm ba chờ giờ mở cửa. Giờ chơi, sân trường đầy áo trắng, những đám cỏ trước sân như chờ đợi đã vươn cao, bây giờ ép mình hứng chịu những đôi guốc giam những bàn chân hồng. Góc sân này một nhóm, góc tường kia một nhóm, Đông Nghi và bạn bàn tán về những thầy giáo, cô giáo vừa được tuyển mộ.
- Coi kìa, thầy ni có cái đầu bóng quá hí?
- Mỗi lần đi dạy, ít nhất phải năm hủ dầu.
- Đặt têân đi bây.
- Thầy Bờ ri đăng tin, được chưa?
- Được.
- Còn cô giáo dạy sử địa?
- Coi hơi dữ.
- Tóc tai uốn lối Kim Mao Sư Vương.
- Đặt là Kim Hoa bà bà.
- Kim Hoa bà bà có liên quan chi tới môn sử?
- Bờ ri đăng tin có liên quan chi đến môn Anh văn mô?
- Năm ni còn có mấy tên nữ quân nhân mới nữa.
- Để coi vài bữa xem cho vào nhóm nào.
- Năm ni chia nhóm có bồ, nhóm độc thân mệt đa, tụi lớn đã lộn xộn.
Khi nghe bạn bè nhạo báng câu đó, tự nhiên Đông Nghi cúi đầu, nhưng nàng tự cười mình ngay lúc đó. Chưa có tật, răng đã giật mình? Đông Nghi ngẩng đầu lên tin tưởng:
- Tao còn phe cũ nghe.
Tỷ Muội định nói câu gì đó, Đông Nghi bấu vào tay bạn. Lát sau, Đông Nghi dọa:
- Mi mà nói bậy, tao từ mi nghe không?
Đông Nghi biết Tỷ Muội ngán mình vì những câu nói là làm, mà lần này thì Nghi không dọa mà là nói thật. Tỷ Muội được bầu là đứa hiền nhất và tụi bạn gọi là Nai.
Buổi chiều hôm đó, khi tan trường Đông Nghi chia tay Tỷ Muội. Đông Nghi định sang cửa hàng bán giúp mẹ một tay rồi về cùng với mẹ. Nhưng khi sang tới cửa hàng, nàng không gặp mẹ. Chị Nại cho biết bà Phúc Lợi đi với ông Bồ Đào từ bốn giờ chiều. Đông Nghi bực tức càu nhàu:
- Đi chi mà đi hoài rứa?
- Chết, răng cô nói rứa, bà đi có công, có chuyện.
- Công chuyện chi thì nói ở đây không được răng? Cái thằng cha đó khó chịu thiệt.
Chị Nại to nhỏ:
- Cô đừng nói, bà nghe, bà buồn. Nghe mấy bữa ni bà rầu lắm, buôn bán thất bại chi đó.
- Thôi tui về.
Đông Nghi chán ngán, nàng ôm cặp lửng thửng đi bộ xuống cầu. Một vài đứa bạn đi học về giơ tay vẫy và gọi tên Đông Nghi ríu rít. Nhưng Đông Nghi cảm thấy niềm vui được chăm bón suốt ngày bỗng tan rời vội vả. Đông Nghi bỗng nghĩ nhiều tới mẹ. Hình như những ngày vừa qua mẹ có chuyện buồn thật, nhưng linh tính cho Đông Nghi tin chắc rằng mẹ không buồn vì chuyện buôn bán. Đông Nghi muốn ghé nhà bà nội, ít nhất cũng gặp một ông anh hay bà chị, nói chuyện học hành cũng đỡ buồn. Định vậy nhưng Đông Nghi vẫn bước qua cầu, nàng đi bộ một đoạn rồi gặp Trà đạp xe đi tới, Trà hỏi Đông Nghi có đi về nhà không, nó chở. Đông Nghi ngồi đằng yên sau, nàng nép vào lưng bạn. Trà vừa đạp xe, vừa nói với bạn:
- Năm ni trường mình có vẻ khá, quét vôi mới, có ít bàn ghế mới.
- Không biết cái bàn năm ngoái mình ngồi ở đệ tứ có còn đó không?
Trà hỏi:
- Chi vậy?
Đông Nghi nhớ tới lá thư nhét ở khe bàn gửi cho người sẽ ngồi ở bàn cũ của nàng. Đông Nghi bỗng vui vẻ trở lại:
- Đứa nào ngồi ở bàn tao hên lắm nghe.
- Có chi rứa?
- Một lá thư.
- Trò chơi đó cũ rích. Năm ngoái tao cũng để một lá thư nhỏ như rứa, mi biết cái con ngồi chỗ cũ tao là ai không? Con Hường lé đó, cái con khó chịu nhất lớp. Tao viết lá thư bày tỏ cảm tình như rứa mà mi biết hắn trả lời tao răng không? Hắn viết thưa chị, cái chỗ ngồi của chị vừa hôi, vừa nhớp, tui phải chùi rửa, tắm gội sạch sẽ mới dám tiếp tục học cho hết năm đệ ngũ.
Đông Nghi phá ra cười. Chiếc xe chao tay lái, bẻ ra đường, Trà gượng giữ tay lái cho thăng bằng rồi nói tiếp:
- Quả báo hay răng không biết năm ni hắn còn ngồi chỗ cũ thêm một niên khóa nữa mà chưa chừng sang năm đã lên lớp.
- Mi thù dai, để ý dữ.
- Thù chứ, mi coi tao tốt với hắn.
- Tốt ở lá thư, hắn cần chi tình cảm của mi.
- Rứa nhưng mất lịch sự.
Buổi chiều gió sông thổi tung tà áo của Trà bay phần phật đập vào ngực Đông Nghi, Đông Nghi phải một tay vịn yên xe, một tay cầm tà áo của mình và giữ thêm tà áo của bạn.
- Bữa họp văn nghệ, mi biết chuyện chi xảy ra không?
- Chuyện chi?
- Hai ba cặp mê nhau rồi đó.
- Mi bịa đặt.
- Tao thề, tao bịa đặt, tao chết. Nói ai xa xôi chi, anh Vinh tao không mê mi rồi đó, không mê chặt cái đầu tao đi.
- Tao có cấm được anh mi mô.
- Tao hỏi thiệt, mi có cảm tình với anh tao không?
Đông Nghi đắn đo:
- Đợi thời gian trả lời, bây chừ tao nói thiệt mi cũng không tin. Nhưng mi biết mạ tao đó, bà không thích tao có mấy chuyện đó.
- Đời của mi, mi lo chứ mạ mi lo được à?
- Không phải, tao không biết nói răng.
Trà tiếp:
- Hồi đạp xe qua cầu, tao thấy mạ mi ngồi xe với ông Bồ Đào.
Ông Bồ Đào, lại ông Bồ Đào. Sao đứa nào cũng biết, đứa nào cũng nhắc hết. Đông Nghi tái người, tay chân muốn run rẩy. Nhưng nàng vẫn còn đủ cố gắng giữ im lặng cho tới lúc nhảy xuống xe, trao đổi với Trà vài ba câu chào hỏi rồi đi vào nhà.
Đông Nghi lại xếp sách ngồi suy nghĩ vẩn vơ. Cả ngày hôm nay, nàng không nghe thấy tiếng đàn lục huyền cầm của Khánh, nàng cũng không nhìn thấy mặt Vinh. Thời theo chân không còn nữa hay sao đây? Đông Nghi đẩy hai cánh cửa sổ, nàng ngồi ở bàn học mà hồn để ở đâu trên cây nhãn, cây trần bì. Một mùi hương ngoài vườn theo gió tràn ngập cả phòng, Đông Nghi hít lấy, hít để: thơm quá. Đông Nghi nhớ lại lần lấy sào hái hoa bại hoại đem sang nhà bà nội. Bà nội lấy từng bông hoa đặt vào đĩa rồi nói: Mạ mi ưa hoa, ưa lá lắm. Cái cây bại hoại ni thơm lắm. Câu nói của bà nội Đông Nghi không hiểu ý nghĩa, nhưng nàng cũng đứng sững và bàng hoàng cả người. Đông Nghi biết đó là một câu rủa rất xấu xa, khi nàng về không dám nói với mẹ. Nhưng Đông Nghi yêu hết mọi thứ hoa có sẵn trong vườn, kể cả hai chậu hải đường trước sân, khóm dạ lan hương và cả bụi hoa có cánh dày thơm như mùi chuối tiêu chín nữa.
Đến gần chín giờ tối, Đông Nghi nghe tiếng xe hơi đậu trước cửa, Đông Nghi biết là mẹ đã về. Ông Bồ Đào đi sau lưng mẹ, tuy có vẻ đi thong dong nhưng không che lấp được cái dáng lật đật, chiếc đầu luôn luôn chúi trước bước đi của ông. Đông Nghi nghe tiếng mẹ gọi lớn:
- Nghi ơi, Nghi ơi.
Đông Nghi không dạ lớn như mọi lần, nàng thủng thỉnh ra sân. Mẹ đã vào đến, bà nói:
- Bảo thằng Rọm lau cái bàn, bật dùm tui ngọn điện đằng trước hiên chút coi.
Đông Nghi gọi thằng Rọm lấy nước rồi bật điện. Mẹ không vào nhà chào bà ngoại mà ngồi ngay vào chiếc ghế kê dưới gốc cây nhãn. Đông Nghi nói thầm ở đó đang có rất nhiều dơi, lạy trời cho một con dơi rớt xuống trúng cái mồm có cặp môi dày của ông Bồ Đào. Bà Phúc Lợi lại gọi con gái đem cất cái ví. Đông Nghi đứng yên lặng ở cửa sổ, vòng tay nhìn ra sân, nơi mẹ và ông Bồ Đào đang ngồi. Thằng Rọm bưng bộ khay trà ra rồi lại đi vào. Đông Nghi chờ đợi mẹ sai lấy quạt, nhưng nàng không nghe bà gọi nữa. Đông Nghi đi xuống bếp theo lối sau ra giếng. Phía đằng sau góc vườn có thể nhìn thấy chỗ mẹ và ông Bồ Đào ngồi. Nàng cố lắng nghe những lời trao đổi của họ. Đại để những câu trao đổi như:
- Chị thấy thế nào?
Giọng mẹ hơi thảng thốt:
- Chuyện chi anh?
- Thì câu chuyện đó, chị tính kỹ đi.
Tiếng anh của mẹ nói với ông Bồ Đào như có vẻ khác lạ. Và tính kỹ đi là tính chuyện gì? Chuyện gì mà có vẻ quan trọng thế? Mẹ nàng im lặng rất lâu rồi tiếng ông Bồ Đào tiếp:
- Chỗ thân tình tôi mới lạm bàn như rứa, chấp thuận hay không chấp thuận, chị cũng đừng cho tôi là sổ sàng.
Đông Nghi thấy mẹ nhìn lên những tàn cây nhãn. Ông Bồ Đào mở cái cặp lớn lôi ra một bao thuốc lá. Bàn tay mập mạp của ông vân vê mãi điếu thuốc mà không chịu đặt lên mồm, châm lửa. Bà Phúc Lợi im lặng rất lâu, vẻ suy nghĩ làm vầng trán bà nhăn lại, đôi mắt cương quyết hơn một chút. Đông Nghi nhìn thấy vẻ già nua của mẹ, sự khám phá bất chợt và Đông Nghi không ngờ chỉ trong buổi tối hôm nay, khuôn mặt mẹ bỗng thay đổi kỳ lạ như thế. Chỗ thâm tình mới lạm bàn, rồi chị tính kỹ chưa? Rồi có gì như chờ đợi làm căng tròn hai cái má phính, sự rình rập đang lăn theo cái rãnh chia chiếc cằm thịt ra làm hai của ông Bồ Đào. Rồi mẹ không nhìn lên những cây nhãn nữa mà cúi xuống nhìn tách trà trước mặt. Đông Nghi không nhìn thấy bàn tay của mẹ đặt trên bàn, nhưng hình ảnh chiếc nhẫn nạm ngọc nơi ngón tay áp út của mẹ thì như in sâu trong đầu óc nàng. Nhưng hình ảnh đó thì ăn thua gì đến câu chuyện mà mẹ đang tính toán trong chiếc đầu bí mật kia chứ? Phải rồi, ta đã ra khỏi bụng mẹ ta từ khi đủ ngày, đủ tháng, và chính khi ta còn nằm trong cái bụng tròn trĩnh của mẹ thì ta đâu có thể biết trên cái bụng còn có cái đầu, mẹ còn có ngón tay đeo chiếc nhẫn đó, nó có từ khi nàng chưa vào bụng, chưa vào đời.
Bà Phúc Lợi nói một câu gì đó thiệt nhỏ, và ông Bồ Đào đang nở một nụ cười gắng gượng làm những làn xếp trên da mặt ông như muốn nổi lên phản đối. Đông Nghi không còn nghe rõ câu chuyện nữa, tiếng của họ đã như chỉ thì thầm đủ cho nhau nghe. Đông Nghi quay lưng lại phía câu chuyện đang làm nàng bực mình và cúi xuống nhìn miệng giếng. Lòng giếng đã đen đíu, nhưng Đông Nghi cố mở lớn mắt để phân biệt mực nước đang ở khoang nào. Hình như một vùng đen láng lẩy hơn, đặc hơn và Đông Nghi đoán ở đó là mực nước.
Đông Nghi nghe tiếng gọi ngoài cổng, nhận ra tiếng Tỷ Muội, nàng đi vòng ngõ bếp, vào nhà rồi ra khỏi nhà bằng lối sân. Nàng đi qua mặt mẹ, cố lắng nghe, tiếng mẹ nàng vừa lọt vào tai nàng:
- Anh hiểu cho tôi đang rối ruột lắm, đang khổ tâm lắm.
Tiếng thở dài của ông Bồ Đào như một tiếng trống chầu rình rập chạm nhẹ trên mặt trống, khi cổ võ một tuồng hát bội, chỉ chờ cho khi câu ca dứt rồi thì khua lên ầm ĩ. Đông Nghi bất chợt cười nhạt một mình, rồi kéo guốc thật mạnh chạy băng ra ngõ. Tỷ Muội đang đi với cậu em trai nhỏ. Thấy bạn ra, Tỷ Muội vui mừng:
- Tui kêu hoài mà không thấy bạn ra.
Đông Nghi nhìn vào sân nheo mắt:
- Ê, bà rốp đang có khách trong sân, nói nhỏ chứ mi.
Tỷ Muội nhón gót nhìn qua hàng chè tàu:
- Thấy chi mô, ai rứa? Ông Bồ Đào đó à?
Đông Nghi miễn cưỡng:
- Ừ.
- Tối rồi mà còn đi cua, cua chi mà cua vô hậu rứa!
Đông Nghi la bạn:
- Vừa thôi chứ mi, mi nói tàm xàm rồi đó nghe.
Tỷ Muội đặt tay lên cổng gỗ, chằm chằm mặt Đông Nghi:
- Có chuyện ni hay lắm.
- Chuyện chi?
- Khi hồi chị Liên Ba ghé chơi với chị Khánh nì, tao nghe được chuyện lạ lắm.
- Chị Liên Ba tới nói chi với chị Phùng Khánh rứa?
Tỷ Muội kéo bạn dang xa cổng gỗ, nói thầm vào tai bạn:
- Khi chiều chị Liên Ba đi núi Ngự Bình ăn bánh bèo với mấy người bạn của chị gặp mạ mi với ông Bồ Đào cũng ở trên nớ, chị Liên nói thấy mạ mi khóc hay răng đó mà mắt đỏ hoe.
- Chị Liên Ba nói láo, mạ tao mà lên ngồi nơi cái quán toàn bọn con nít?
- Không phải quán mụ Chừng, mà nơi cái quán có giàn su trước sân, ngã quẹo lên núi Thiên Thai với lối đi Thiên An đó mi.
- Tao không tin, nói láo.
Đông Nghi cúi nhìn hai bàn chân mình như dính liền với bóng đất. Chị Liên Ba nói với chị Phùng Khánh, Tỷ Muội biết, em chị Liên Ba biết, con Tịnh Tâm biết, con Thạch Trúc cháu của chị Liên Ba biết, các lớp biết rồi cả trường Đồng Khánh biết nữa. Tủi hổ, Đông Nghi đâm ra oán hận mẹ vô chừng. Và Đông Nghi thấy căm cả Tỷ Muội:
- Mi sang để nói chuyện tòe loe, toát loét đó phải không? Tao không ngờ mi cũng tin chuyện đó.
Tỷ Muội ngạc nhiên:
- Tao thương mi tao cho mi biết rồi không cám ơn còn nói tao tòe loe, thôi, đã rứa, từ ni trở đi tao không nói chuyện chi cho mi nghe nữa hết.
Tỷ Muội kéo tay đứa em trai nhỏ bỏ đi thẳng. Đông Nghi nhìn theo bạn, nửa muốn gọi lại, nửa tự ái. Thôi thế là hết, bao nhiêu gìn giữ, bao nhiêu kín đáo, tất cả đã tanh banh hết rồi. Chợ miệng đã nhóm họp, nơi này, xóm nọ, không mấy hôm mà mọi người không biết. Kẻ hờm nhóm miệng thì lành, người ta nhóm miệng tanh banh cửa nhà.
Bóng Tỷ Muội đã khuất vào cuối đường. Câu chuyện đã tanh banh, cửa nhà rồi cũng sẽ tanh banh nữa. Đông Minh đóng mạnh cánh cửa gỗ, hăm hở đi trở vào. Lúc đó Đông Nghi muốn tới thẳng trước mặt mẹ và ông khách ngồi kia để hỏi chuyện gì đã xảy ra trong buổi chiều hôm nay. Tại sao Đông Nghi lại không có quyền can dự vào đời sống gia đình này? Bức ảnh cha nàng còn treo đó, bà ngoại còn đó, người đi xa còn làm tấm bình phong. Cái nhà, cái cửa, cái chổi cùn, bếp lửa, khu vườn, cây cối cũng chia đồng quyền lợi trong đời sống gia đình này chớ. Phải, tôi phải hỏi cho ra nhẽ. Cái gì đã chạy thành vồng bí mật trên khuôn mặt đạo đức giả kia? Cái mặt đạo đức thì cái bụng tố cáo. Hai cánh tay cố gìn giữ, cố thong dong thì hai cái chân đầy mỡ lệch bệch xô cái mặt đạo đức về phía trước. Chính hắn là nguyên nhân tối tăm của khuôn mặt bà nội, nguyên nhân cay đắng của mọi lời nói mỗi lần bà nội nhìn thấy mặt nàng. Chính hắn là nguyên nhân sự lạnh lùng, sự cách xa giữa tình mẹ con. Bây giờ mình đi thật đàng hoàng. Tiến vô một bước nữa. Đó, hai người đang ngồi đó, đi tới đi. Can đảm lên và hỏi: Mẹ, con có việc muốn nói. Rồi đứng đó, thật bình tĩnh, hỏi hết, nói hết, hoặc giận dữ hoặc la hét, khóc lóc cho đã nư đi. Bước một bước, ra tới sân rồi. Nhưng tại sao chân tôi vừa sựng lại, sức mạnh ở đâu trì kéo thế. Đông Nghi mệt nhọc cố nhấc chân lên, bàn chân lỳ lợm ì ra rồi và giọng nói của bà Phúc Lợi đã làm tan biến nhanh chóng mọi ý định liều lĩnh của nàng:
- Đứa mô gọi mày ngoài cửa đó?
Khuôn mặt bà Phúc Lợi hất lên, đôi tròng mắt nâu hướng vào mặt nàng. Một luồng điện thật mạnh vừa chạm vào mắt và Đông Nghi bỗng thấy mình tủi hổ, nhu nhược muốn phát khóc:
- Con bạn con, Tỷ Muội.
- Con gái trời tối không có đứng ngoài ngõ nói chuyện. Vô nhà ngay, vô nhà ngay. Con gái không đứng ngoài ngõ nói chuyện với con gái, còn đàn bà có chồng, có con được dắt bạn lên núi ngồi hóng mát nói chuyện? Luân lý nào như thế, đạo đức ai dạy thế? Mi mở miệng ra nói cho mạ biết. Mạ là người đàn bà tàn nhẫn, độc ác. Mạ đúng là con sư tử, con hổ, con sói, là con chi đó đẻ con rồi ăn thịt con. Mạ ăn thịt đi, cắn mà nhai nuốt đi. Đông Nghi dợm thêm một bước, mạ nhai mạ, nuốt mạ, giết con đi. Mất một đứa bạn thân rồi, mất nhà trường rồi, mất lớp học nữa rồi. Không cần chi nữa hết, muốn ra răng thì ra. Đông Nghi tiến thêm một bước nữa.
- Tao bảo vô nhà, người lớn nói chuyện không có đứng nghe chùng, biết chưa? Mẹ đang nghĩ chi trong đầu óc đó. Con cọp đẻ thương con con, con gà đẻ còn ấp. Răng mẹ nỡ chưởi bới, ghét bỏ con rứa? Mi hèn rồi Đông Nghi ơi, răng mà mi khóc? Không nói được, không dự được thì vô căn phòng, thế giới riêng của mi đó đông Nghi ơi. Đông Nghi lủi thủi đi hết khoảng sân, tới bực thềm, rồi cánh cửa. Bức ảnh ba đang ngó lệch lạc với một điều suy nghĩ chi đang ẩn sau vầng trán. Không nhìn ai hết, không thèm biết mặt con. Trách chi người đi xa, cả mẹ đang ngồi ngoài sân kia cũng không nhìn thấy nàng bao giờ. Đông Nghi khép cửa phòng, gục mặt xuống bàn. Đông Nghi nhớ tới nét mặt sững sờ của Tỷ Muội khi nghe Đông Nghi mắng. Mình đã nói bạn mình tòe loe, tòe loe và ngồi lê đôi mách, con gái Huế mà bị chê tiếng đó là xấu lắm. Chắc bạn đã giận ghê gớm lắm. Mi mất bạn rồi mi ơi. Tỷ Muội sẽ không còn đi học chung với Đông Nghi nữa. Ngày mai Đông Nghi đi học một mình, nói một mình, nghe một mình. Cả lớp sẽ biết chuyện, sẽ cười: Con mạ nó hết đứng đắn rồi. Thôi cái bình phong trước nhà bằng xi măng có gắn mảnh sành bằng sứ, những chén bát cổ bị bể, gắn thành đầu long, đầu phụng, bức khuôn son thếp vàng với hàng chữ nho, dấu tích dòng quan gia mấy đời đâu có chi cho người ta trọng vọng nữa. Đông Nghi chưa làm nổ tung Huế, mạ đã làm nổ rồi. Vậy còn chi mà cấm đoán, mà la chưỡi nữa. Mỗi lời nói của mạ không còn một chút êm ái. Đông Nghi xếp đặt trong đầu óc những lời xin lỗi Tỷ Muội. Sáng sớm thế nào Tỷ Muội cũng đi ngang qua nhà nàng trước khi đến trường, Đông Nghi chờ thiệt sớm ở cổng, đợi Tỷ Muội đi qua rồi gọi: Tỷ Muội ơi, chờ Đông Nghi đi học với. Hay Đông Nghi đợi cho Tỷ Muội đến trường, giả đò quên tập rồi mượn của Tỷ Muội dò chép? Không thể mất bạn được nữa. Đông Nghi yên tâm với chuyện sẽ làm lành với Tỷ Muội ngày mai, nhưng nỗi thắc mắc, giận hờn mẹ thì không rời Đông Nghi được một phút.
Mâm cơm để dành cho mẹ vẫn còn để ở ngoài bàn chưa đụng tới. Bà Ấm gọi Đông Nghi bảo hỏi mạ mi có ăn cơm không biểu thằng Rọm dẹp di. Đông Nghi biết bà ngoại muốn đuổi khách, nhưng nàng không dám ra nhắc lời đó. Không biết mạ có nghe không, hay có nghe mà lỳ ra. Hai người nói chuyện đến gần mười giờ tối, ông Bồ Đào mới lái ì ạch cái xe trở về. Lần này mẹ đưa ra tận cổng và còn đứng lại nói gắng tới năm mười phút. Đông Nghi tức sôi người, lòng nàng nóng như lửa đốt. Bà Phúc Lợi trở vào bảo dẹp cơm, nói chuyện nhạt nhẽo với bà ngoại vài câu rồi bắc cái ghế một mình ngồi trước hiên. Một lát sau Đông Nghi thấy mẹ ho ở nhà ngoài, rồi tiếng chân mẹ đi tới cửa phòng.
- Thức hay ngủ trong đó Nghi?
Đông Nghi im lặng một lát mới nói:
- Con chưa ngủ.
- Ra mạ biểu.
Đông Nghi đi tới, đặt ly nước xuống bàn:
- Dạ, mạ kêu con.
Bà Phúc Lợi chỉ tay:
- Ngồi xuống đó.
Đông Nghi ngồi xuống chiếc ghế đối diện mẹ, cách với mẹ là một mặt bàn rộng, Đông Nghi đặt hai tay lên mặt bàn chờ câu chuyện của mẹ.
- Mạ nghe người ta nói con có đi họp hành văn nghệ chi đó.
- Dạ …
- Dạ là răng, có hay không?
- Dạ …
- Không có dạ nhịp nghe, có hay không?
- Con tưởng chuyện đó mạ không nên để ý, chuyện đó của con nít.
- Chuyện con nít? Đông Nghi, ai cho con ăn nói như rứa? Con chưởi lại mạ rồi phải không?
- Con đâu dám hổn hào với mạ, nhưng con có tới nhà bạn con chơi, con cần có bạn.
- Bạn? Bạn với tụi con trai. Tụi bây họp hành cái chi?