watch sexy videos at nza-vids!
Truyện LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM-HỘI ĐỀN AN DƯƠNG VƯƠNG - tác giả nhiều tác giả nhiều tác giả

nhiều tác giả

HỘI ĐỀN AN DƯƠNG VƯƠNG

Tác giả: nhiều tác giả

Không biết từ bao giờ trong dân gian đã lưu truyền câu ca:
"Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sáu tháng giêng"
Đó là ngày mở hội đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Hội mở, sắc xuân tưng bừng bao phủ lên mọi cảnh vật, thẫm đẫm tâm hồn du khách hành hương. Người ta cảm thấy làn khói hương như dẫn tâm trí con người ngược thời gian trôi theo dòng lịch sử và truyền thuyết về một vùng đất cội nguồn.
Đền thờ An Dương Vương, còn gọi là đền Thượng, được xây dựng trên một gò đất cao kề trong luỹ thành cũ ở góc Tây Nam, thuộc địa phận xóm Chùa. Mở đầu là ba cây hương đá mang tư cách trục vũ trụ rất đẹp được làm khoảng đầu thế kỷ XVIII. Từ đó bước theo các bậc lên thềm cao, hai bên có đôi rồng đá lớn, một điển hình của nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII, dẫn vào nghi môn. Theo bia ký còn ghi lại thì đền được xây dựng năm 1687 và sửa lại năm 1893. Đây cũng có thể là niên đại của ngôi nghi môn xây bằng gạch Bát Tràng với lầu thượng cao. Sau nghi môn vào đến sân lát gạch khá rộng, kẹp hai bên sân là hai dãy nhà tả hữu mạc để khách thập phương dừng chân sửa soạn trước khi vào lễ. Tiền bái là một ngôi nhà ba gian to, cao, cột lim đồ sộ, góc mái cong vút, hai đầu hồi liên kết với hai dãy hành lang, rồi chạy vào nối với điện chính tạo thành
một khung kín ôm lấy một "sân vuông" mà ở giữa là một ngôi nhà trùng diêm tám mái cao. Người ta như cảm thấy kết cấu ngôi nhà này ít nhiều chịu ảnh hưởng của dịch học. Rằng: cả toà nhà như tượng cho Thái cực, lớp mái ở trên tượng cho dương, mái dưới tượng cho âm, bốn phía mái như hiện thân của tứ tượng và tám lá mái cho bát quái. Tất cả hội lại nhằm nói lên sự nảy sinh và phát triển. Ngôi nhà này có từ bao giờ hiện không rõ, song trên ô cửa có trang trí mang phong cách nghệ thuật của cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Nơi đây, trên bàn thờ ngoại bát hương có tượng Rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng và một chiếc nỏ có tên, đó là bàn thờ thần Kim Quy. Hậu cung cũng dựng ba gian có bàn thờ An Dương Vương đặt ở giữa, với pho tượng của Ngài bằng đồng, mặc triều phục, bên đông là bàn thờ hoàng hậu và bên tây thờ Thái Thượng hoàng. Trên một gò đất cao phía tây đền là nhà bia, xưa kia là nơi vua lập miếu thờ thần Nông. Đây là một nhà bia hai tầng tám mái có thể coi là đẹp nhất nước ta cả về địa thế và cây cối, kiến trúc và ý nghĩa triết học. Cách cổng đền không xa, phía trước mặt là một hồ tròn lớn, chính giữa có một cồn đất tròn và ở tâm xây một giếng nhỏ bằng gạch, tương truyền đó là giếng Ngọc.
Am Bà Chúa ở cách đền không xa, cùng khuôn viên với đình, nơi đây có cây đa cổ thụ toả bóng mát đã từ lâu lắm rồi. Tiền bái của am là ngôi nhà nhỏ ba gian, ở giữa là bàn thờ. Qua một cái sân nhỏ là hậu cung cùng gồm ba gian, gian giữa đặt bàn thờ công chúa, hai bên là 12 nàng hầu. Vén bức màn sau bàn thờ sẽ thấy một khối đá lớn hình chiếc ngai, thường phủ vài vàng, ba bề khối đá được xây kín, theo lời truyền tụng của dân gian, đó là tinh linh Mỵ Châu hội vào đó.
Trong cụm di tích này còn có thành Cổ Loa được xây trên đất mà người ta truyền lại từ xa xưa là nơi vua ngự triều. Đình trông về hướng nam, phía trước có nghi môn (nay đã bị phá), tiếp theo là một lớp cổng xây có ba cửa, ở giữa là cửa lớn đóng kín. Hai bên cửa giữa xây trụ gạch có phượng lật, lồng đèn... cửa hai bên kiểu tò vò đội mái giả, sau lần cửa là sân gạch khá rộng rồi tới đình. Đình được làm với kết cấu cổ truyền gồm ba gian hai chái lớn. Theo lời truyền thì đình này được di chuyển từ nơi khác tới với nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII. Nơi đây tập trung nhiều mảng chạm rất đep, với đường nét mạnh, chắc tay, có thể coi như dấu vết nghệ thuật điển hình của đương thời.
Theo Lĩnh Nam chích quái, Thục Phán nối nghiệp các vua Hùng lên ngôi xưng là An Dương Vương, nhập hai tộc Âu Lạc và Lạc Việt thành nước Âu Lạc, định đô ở Cổ Loa. Vua muốn xây thành nhưng mất rất nhiều công sức, mà thành xây xong lại đổ, vua bèn lập đàn trai giới, cầo đảo bách thần. Ngày mồng 7 thăng 3 có một cụ già từ phương Đông đi tới trước cửa thành mà than rằng: "Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!". Vua đón vào trong điện hỏi rằng: "Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?". Cụ già đáp: "Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng mới thành công". Hôm sau, vua ra cửa đông chờ đã thấy một con Rùa vàng từ phương Đông lại, nổi trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương quỷ thần. Được sự giúp đỡ của Rùa vàng nên đà trừ được yêu quái, thành xây nửa tháng thì xong. Thành rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc cho nên gọi là Loa thành, còn gọi là Quỷ Long thành. Trước khi trở về biển Đông. Rùa vàng trao cho nhà vua vuốt thần, vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy gọi là "Linh Quang Kim Quy thần cơ". Khi Triệu Đà cho quân xâm lược phương Nam, vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn phải xin hoà. Sau đó. Triệu Đà xin An Dương Vương cho con trai mình là Trọng Thuỷ được kết hôn cùng công chúa Mỵ Châu, vua vô tình đồng ý và còn cho Trọng Thuỷ ở rể.
Trọng Thủy được Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần, hắn đã ngầm đánh tráo vuốt Rùa vàng, sau đó mang về phương Bắc cho Triệu Đà. Trước khi chia tay Mỵ Châu đã hẹn với chồng: Nếu sau này chẳng may gặp phải cảnh biệt ly thì Trọng Thuỷ cứ theo dấu lông ngỗng sẽ tìm thấy mình. Được nỏ thần, Triệu Đà cho quân sang đánh Âu Lạc, An Dương Vương tin tưởng vào nỏ thần nên vẫn thản nhiên ngồi đánh cờ, khi quân Đà tiến sát vua mới cấm lấy nỏ, nhưng nỏ đã không còn thiêng vì đã bị mất lẫy thần, vua bèn đặt Mỵ Châu ngồi sau ngựa rồi cùng nhau bỏ chạy về phương Nam. Ra tới biển (đời sau truyền rằng đó là đất Dạ Sơn, xã Cao Phú, phủ Diễn Châu) thấy không có thuyền vua kêu lên rằng: "Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu ta". Rùa vàng hiện lên nói: "Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó!". Vua tuốt kiếm chém Mỵ Châu rồi theo Rùa vàng xuống biển. Mỵ Châu chết, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Quân Đà và Trọng Thuỷ theo dấu lông ngỗng đuổi tới nơi không thấy gì, chỉ còn lại xác Mỵ Châu. Trọng Thuỷ đưa xác Mỵ Châu về táng ở Loa thành, rồi lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông đem về rửa ở nước giếng này thì ngọc trong sáng hơn.
Xã Cổ Loa gồm ba làng Đông, Đoài, Chùa với 12 xóm: Thượng, Nhồi, Dõng, Gà, Lan Trì, Chùa Chợ, Vang, Hương, Mít, Bãi và Trại. Từ bao đời nay nhân dân 12 xóm đã cùng nhau trông coi di tích này, cùng nhau thờ phụng và mở hội hàng năm để tưởng nhớ đến An Dương Vương, đồng thời cũng nhớ đến một thời kỳ lịch sử bi hùng của đất nước.
Xưa kia hội bắt đầu mở từ mồng 6 cho đến hết 18 tháng giêng, theo truyền thuyết dân gian thì ngày 5 tháng giêng là ngày Thục Phán nhập cung và ngày 9 tháng giêng là ngày ông lên ngôi và mở tiệc khao toàn bô binh sĩ. Cổ Loa còn kết chạ với 7 xã khác ở xung quanh cùng thờ An Dương Vương từ ngày 6 tháng giêng, nên hội đền An Dương Vương đã trở thành hội lớn trong vùng với sự tham gia rước kiệu của của 7 xã đó. Tuy nhiên, có những năm vì bị mất mùa hay vì một lý do nào đó mà làng chỉ mở hội trong 4 hay 6 ngày, thông thường những năm này làng không tổ chức rước, mà chi tế lễ và dâng hương tại đến Thượng.
Việc chuẩn bị cho ngày hội được bắt đầu từ năm trước, theo các cụ cao tuổi trong làng thì ngày xưa vào giữa tháng tám, làng đã họp bàn việc tổ chức mở hội. Làng Cổ Loa khi ấy chia làm 4 góc, mỗi góc sẽ cử 2 người đàn ông vào ban điều hành của làng, hai người này gọi là lang cai. Các lang cai phải là những người đàn ông đã có tuổi (ngoài 50 tuổi), có uy tín đối với dân làng, có khả năng tổ chức công việc và đặc biệt là gia đình phải quang quẻ, thuận hòa, êm ấm.
Cùng với 8 vị lang cai còn có 2 vị dịch mục của làng sẽ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức lễ hội. Trước hết, những người trong ban tổ chức sẽ quyết định thời gian mở hội năm đó (6 ngày hay 12 ngày), sẽ chọn quân chần và quân cờ. Mỗi xóm sẽ cử một số thanh niên khoẻ mạnh, đẹp trai, gia đình không bị vướng vào các điều cấm kỵ để cầm cờ và khênh kiệu, đó là những quân chần.
Quân cờ là những thanh nữ từ 13 đến 16 tuổi, chưa có chồng, xinh đẹp và gia đình cũng không bị vướng vào các điều cấm kỵ. Khi tham gia đám rước, thanh niên mặc áo gấm thắt khăn đỏ ngang lưng, thanh nữ măc áo the, những quần áo này cũng như quần áo của các quan viên đều do mỗi gia đình tự sắm lấy.
Ngày 14 tháng Chạp làng sẽ tổ chức kiểm tra mọi việc chuẩn bị đến lúc đó đã hoàn tất hay chưa, đó là ngày nhập tịch. Trong ngày này có thể làng sẽ tổ chức tập duyệt các nghi thức tế lễ, rước, hoặc bổ sung, thay thế các quân chần hoác các quan viên vì lý do nào đó không thể tham gia ngày hội được. Đền thờ, am thờ được quét dọn sạch sẽ, đồ thờ, đồ rước được lau chùi cẩn thận, sửa sang trưng bày.
Ngày 18 tháng chạp là ngày lễ gia quang, tức là ngày rước áo mũ của thần về đến nơi thần đang ngự.
Chiều ngày 5 tháng giêng cả 8 xã tổ chức dâng hương tại đình làng. Tại đền Thượng, các vị chức dịch, quan viên trong làng cũng làm lễ dâng hương và ôn lại công lao, chiến công của nhà vua. Ngày chính hội (6 tháng giêng) được bắt đâu bằng các cuộc rước và đại tế.
Sáng sớm ngày 6 tháng giêng, một đám rước rất nghiêm trang và lộng lẫy rước bản văn từ nhà ông điển văn(1) ra đền, dẫn đầu là một viên chức mắc áo thụng xanh, đầu đội mũ tế cùng với dân làng mang cờ quạt, long đình. Ra đến đền, ông cai đám ở đền Thượng phải ra nghênh tiếp bản văn và rước vào đặt ở hương án. Ngoài sân đền, cờ hội, cờ đuôi nheo, lá cờ đại cắm trên cột cờ lớn giữa sân, phấp phới bay theo tàn gió xuân. Sát hai bên cửa đền là đôi ngựa hồng, ngựa bạch bằng gỗ, to như ngựa thật, có yên cương hình chim phượng, lại được trang trí bằng các ngù, đai thêu kim tuyến rất sặc sỡ lộng lẫy. Dọc hai bên dũng đạo là hai hàng lỗ bộ và bát bửu xếp cân xứng. Lúc này, kiệu của bảy xã kết chạ cũng đã được rước tới đền Thượng và bày xung quanh sân, cuộc tế lễ bắt đầu.
Lễ vật dâng lên thần gồm có hương, hoa, oản, quả, xôi thịt và có cỗ bánh dầy, cỗ bỏng, theo dân gian đó là hai thứ An Dương Vương đã dùng để khao quân. Lễ tế diễn ra đến quá Ngọ (12 giờ trưa) mới xong, và tế ở đây là tế hội đồng, tức là 7 xã cùng Cổ Loa thành phiên nhau tế. Lẽ ra, Cổ Loa là chủ nên được tế trước, nhưng người Cổ Loa cho rằng họ không phải là dân gốc ở đây nên họ mời làng Quậy (Liên Hà) tế trước, vì dân làng Quậy mới là dân gốc, khi làng Quậy tế xong, Cổ Loa mới cùng các xã khác lần lượt tế.
Các quan viên, kỳ mục làm lễ trước bàn thờ xong, tiếp tới dân chúng lễ theo. Trong lúc đó, ở nội tự, một số kỳ mục đại diện các xóm cầu nguyện nhà vua phù hộ cho d ân làng được bình yên, thịnh vượng. Sau khi tế lễ xong ở đền Thượng, tất cả các quan viên cùng kỳ mục và dân chúng cử hành lễ rước thần từ đền sang đình để thần xem hội, đây là đám rước có quy mô lớn nhất với sự tham gia rước đồng thời của tất cả các kiệu. Tuy đường rất ngắn chỉ từ đền Thượng đi vòng qua giếng Ngọc ra đến đầu làng rồi vòng về ngự tại đình Cổ Loa, nhưng đám rước đi chậm. Đến nghi môn, kiệu của làng nào trở về làng đó, trước khi về đều được nhận lễ ban phúc, ông chủ tế làng Cổ Loa thắp hương, xóc thẻ rồi cắm cho mỗi kiệu ba nén hương, hương này đủ cháy cho tới khi kiệu về đến từng xã. Đoàn rước và kiệu của Cổ Loa vào tế một tuần nữa tại đình, kết thúc nghi thức tế lễ của ngày hội chính. Từ đó cho đến hết hội, tại đình và đền chỉ còn lễ túc trực và lễ của các phe, giáp, các dòng họ và khách thập phương với các lễ vật do họ đem tới.
Hội đền An Dương Vương còn có một lễ rước rất đặc sắc là lễ rước vua giả làng Nhội. Trên núi Sái ở làng Nhội có đền thờ Trấn Vũ, theo truyền thuyết là vị thần đã giúp vua trừ yêu quái, xây thành Cổ Loa. Thành xây xong, An Dương Vương đã tự mình đến núi Sái để làm lễ tạ ơn, tại đây nhà vua đã cho xây dựng đền thờ và vào ngày 12 tháng giêng hàng năm, nhà vua thường cùng văn võ bá quan sang đây tế lễ. Nhưng rồi việc đi lại của nhà vua và đoàn tuỳ tùng quá cầu kỳ tốn kém nên An Dương Vương giao cho dân sở tại cử người thay mặt mình (đóng vua) và tổ chức tế lễ giống như thật. Về sau người ta diễn lại tích đó. Làng sẽ chọn một người cao tuổi, có đức độ đóng vai vua hành lễ. Tuy đây là một phong tục riêng của làng Nhội nhưng nó cũng góp phần làm phong phú thêm các hoạt động của lễ hội Cổ Loa.
Ngày 18 tháng giêng, ngày giã hội, người ta sẽ tổ chức một đại lễ giã đám tại đền, các nghi thức được tiến hành trong buổi lễ cũng giống như ở ngày chính hội. Sau khi tế xong, thần vị được rước hoàn cung, dân làng cùng nhau thụ lộc thánh với hy vọng một năm ấm no, thịnh vượng, dưới sự bảo trợ của thần linh đang chờ đợi họ. Ngoài ngày hội chính vào đầu mùa xuân, trong năm tại đền An Dương Vương còn có một số lễ hội khác như ngày lễ thánh sinh (11/8 tục truyền là ngày sinh của Thục Phán), ngày thánh hoá (7/3), lễ "ăn sêu bà Chúa" (13/8 là ngày ăn hỏi của công chúa Mỵ Châu).
Không chỉ có phần lễ, dân chúng đi hội còn được tham dự vào nhiều trò vui khác nhau, nhờ vậy ngày hội không những đem lại cho người ta sự thoả mãn, yên ổn về mặt tâm linh mà còn là dịp để những người nông dân nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái trước khi bước vào một chu kỳ lao động mới vất vả và nhiều âu lo.
Các trò vui diễn ra ngay tại sân đình và xung quanh các nơi thờ tự khác với những trò phổ biến ở tất cả các hôi hè trên khắp các làng quê Bắc Bộ như cờ người, đấu vật, chọi gà, đánh đu, leo dây, tổ tôm, hát chèo, tuồng...
Đấu cờ người là một cuộc thi khá thú vị, bởi những người cao cờ nhất của mỗi làng mới được tham gia và giật được giải cờ là một năm vinh dự lớn cho làng. Trước khi vào cuộc, người đấu phải vào lễ Thánh rồi mới ra đấu. Cứ lần lượt đấu loại nhau, ai giữ được cho đến cuối cùng thì được giải, đó là người phá giải cờ và là người giỏi cờ nhất của hội năm đó.
Chơi đu là trò chơi thu hút khá nhiều trai thanh gái lịch tham gia. Trước ngày mở hội, ban tổ chức đã trồng sẵn hai cây đu để các đôi nam nữ thi tài. Giải thưởng thường chỉ là vài vuông lụa, nhưng những người được giải vẫn rất sung sướng vì đã có dịp thể hiện tài năng và lòng dũng cảm của mình.
Trò đấu vật diễn ra ở bãi đất ngoài đình, các chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn của các làng đều có thể tham gia, bởi sới vật là nơi thể hiện tinh thần thượng võ. Giá trị vật chất của giải thưởng không phải là lớn nhưng giá trị tinh thần lại rất đáng kể, đây là dịp để các chàng trai phô bày sức khoẻ và tài nghệ của mình trước dân làng, trước các thôn nữ trong vùng. Đối với họ, đây cũng là một niềm
vui, niềm vinh dự mà hội làng mang lại.
Chọi gà là một trong những trò vui nổi tiếng ở hội Cổ Loa, vì vùng này cũng là vùng hay tổ chức đấu gà chọi và nuôi gà chọi, nên đến hội người ta lại đem những cặp gà đã được nuôi nấng, luyện tập công phu để tranh giải.
Đáo đĩa là một kiểu đánh đáo đạc biệt, có một người làm cái. Người này đặt một chiếc mẹt, trong mẹt để một cái đĩa nhỏ. Những người chơi đứng cách mẹt khoảng 2 thước, rồi đi những đồng trinh hoặc những đồng xu vào cái đĩa, nếu trúng một sẽ được ăn năm, những đồng nào bắn ra mẹt sẽ bị mất cho nhà cái, đồng nào không vào mẹt cũng không vào đĩa người chơi được đi lại.
Ngoài ra còn không ít trò vui khác như tổ tôm điếm, đánh cờ bỏi... Tối tại đình làng lại có hát chèo để thờ thần, có năm có cả hát tuồng. Cứ như vậy những trò vui ấy kéo dài suốt từ ngày mở hội cho đến ngày giã đám, mang lại cho làng quê một không khí náo nức, vui vẻ khác thường.

Ông điển văn thường là người có tài văn chương, đỗ đạt cao, được phe tư văn trong làng tín nhiệm, chọn viết chúc văn tế thần cho ngày hội năm đó.
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
MÙA HOA BAN TÂY BẮC
LỄ HỘI GẦU TÀO
LỄ HỘI CẦU AN BẢN MƯỜNG
HỘI ĐOỌC MOONG CỦA NGƯỜI MƯỜNG XÃ PHONG PHÚ
LỄ HỘI CÚNG RỪNG
LỄ HỘI LẬP TỊCH
HỘI CHÙA HƯƠNG
LỄ HỘI LIM
HỘI BẠCH HẠC
HỘI ĐỀN AN DƯƠNG VƯƠNG
HỘI PHỦ GIẦY
LỄ HỘI ĐỀN BÀ TẤM
LỄ HỘI LÀNG MIÊNG HẠ
LỄ HỘI ĐỀN BA XÃ
LỄ HỘI CHUYỂN MÙA
LỄ HỘI ĐUA THUYỀN
HỘI ĐỔ GIÀN
LỄ HỘI ĐẦM Ô LOAN
LỄ BỎ MÃ CỦA NGƯỜI GIA RAI MTHUR
LỄ HỘI BỎ MẢ CỦA NGƯỜI BANA KONKƠĐEH
LỄ ĂN CƠM MỚI
HỘI ĐUA VOI
HỘI DINH THẦY
LỄ HỘI DINH CÔ
LỄ HỘI CHÙA BÀ
LỄ HỘI CHÙA NGỌC HOÀNG
HỘI CHÙA ÔNG BỔN
LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ
LỄ KỲ YÊN ĐÌNH CHÂU PHÚ