LỄ HỘI ĐẦM Ô LOAN
Tác giả: nhiều tác giả
Nằm trong địa phận huyện Tuy An tỉnh Phú Yên có một đầm nước lợ mang tên một loài chim - đầm Ô Loan. Đứng trên đèo Quán Cau thuộc Quốc lộ I nhìn xuống có thể thấy thế đất phía nam đầm Ô Loan giống như con phượng hoàng đang sải cánh. Còn nhìn trên bản đồ, đầm Ô Loan lại giống như một con thiên nga đang thong thả bay. Một chót cánh của nó là vùng đất Tân Hoà, chót cánh kia là vùng đất Hà Yến, Phú Sơn, đuôi ở Phú Tân. Những cửa đầm ra biển y hệt những chiếc lông ngắn xoè ra. Cổ chim vươn cao từ Tân Quy đến Phú Lương. Mỏ chim "mổ" vào chân núi.
Đầm Ô Loan rộng 1200 ha, gần như nằm lọt trong đất liền, tiếp giáp và nằm trong các xã An Cư, An Thạch, An Hiệp, An Hoà, An Hải, An Ninh, thị trấn Chí Thạnh. Đặc sản nổi tiếng của đầm Ô Loan từ xưa đến nay là sò huyết. Đầm Ô Loan đã đi vào lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là nơi gắn với tên tuổi và chiến công của Lê Thành Phương (1885-1887) và nhân dân Phú Yên:
Ô Loan nước lặng như tờ
Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương
Trải bao gối đất nằm sương
Một lòng vì nước nêu gương anh hùng.
Những câu ca từ bao đời nay truyền tụng trong dân gian nơi đây còn hơn những tấm bia đá khắc ghi dấu son chói lọi đó của lịch sử vùng đất này. Cảnh vật Ô Loan càng hữu tình hơn khi cứ mỗi độ xuân về vào ngày 7 tháng giêng những người dân chài nơi đây lại tổ chức lễ hội tưng bừng, náo nhiệt với nhiều hoạt động phong phú mang đậm chất văn hoá vùng sông nước Tuy An - Phú Yên, mà đặc sắc nhất là hội đua thuyền tổ chức ngay trên mặt đầm Ô Loan, thu hút không chỉ người dân trong vùng mà cả đông đảo du khách Tuy Hoà ra, Sông Cầu vào. Hội đua thuyền đầm Ô Loan là lễ hội mới hình thành trong những năm gần đây, trên cơ sở các cuộc đua thuyền trong lễ cầu ngư của người dân vùng biển Phú Yên.
Lễ hội đầm Ô Loan có tính chất truyền thống mang nét đặc trưng của văn hoá dân gian vùng duyên hải miền Nam Trung bộ của người Việt, mới ổn định vào khoảng 300 đến 400 năm trở lại đây, chủ yếu của cư dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Lễ hội đầm Ô Loan có nét riêng về vùng sông nước Tuy An – Phú Yên, song cũng mang những nét chung của văn hoá dân gian Việt Nam.
Lễ hội đầm Ô Loan không chỉ đơn thuần là việc tổ chức vui chới giải trí trong ngày xuân, mà người xưa còn gắn vào đó nhiều ý niệm như: tín ngưỡng, thờ các thần, phản ánh đời sống lao động sản xuất nông nghiệp, sự khai thác kinh tế tự nhiên ở vùng đầm, hồ... cầu mong cho các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn đạt kết quả tốt đẹp vào một năm mới đến.
Lễ hội đầm Ô Loan xưa diễn ra trong không gian thôn dã, thành phần tham dự gồm: nông dân, ngư dân, thợ thủ công, cư dân khai thác kinh tế tự nhiên, quăng chài, kéo lưới, đánh bắt tôm cá... Trước đây, lễ hội được tổ chức ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An. Không gian của lễ hội ở hai bên bờ khúc quanh của đầm. Xung quanh đầm rộng lớn là đồi núi bao bọc, non nước hữu tình và trên mặt đầm, nước "thản nhiên" phẳng lặng.
Phương tiện thực hiện lễ hội là: thuyền, ghe, xuồng, chài, lưới, trên một số ghe lớn trang trí rồng phượng, trang nghiêm, tôn kính. Các trò chơi diễn ra trong lễ hội xưa là quăng chài đánh cá, mở mắt bắt vịt, bơi chài (nam nữ), bơi bộ (nam nữ), múa, hát bội. Phần lời là ngôn ngữ dân gian. Phần nhạc có trống, kèn, đờn cò, gậy gõ... Ngoài ra còn có vật võ và một số hoạt động vui chới khác... Lễ vật dâng cúng thần linh bao gồm: nhang hoa, xôi, chè, chuối, thịt heo, thịt gà...
Lễ hội còn thể hiện một điều có ý nghĩa cơ bản là: cư dân muốn thể hiện tín ngưỡng của mình trong quan niệm trời - đất - sông - biển... qua các vị thần quanh vùng: thần biển, thần đầm (Nam đại hải vương), thần sông (hà bá) cùng hệ thống thuỷ thần, hải thần (hội đồng). Người ta làm các bài văn tế (do thần văn đọc) biểu thị sự tin tưởng ngưỡng mộ tự nhiên (trời - đất - gió - mưa)... cầu cho gió yên, biển lặng, cá tôm nhiều, cầu cho con người được an toàn khi làm nghề.
Theo diễn trình phát triển của lịch sử, lễ hội đầm Ô Loan được bổ sung nhiều hoạt động mới; mặc dù vẫn gắn liền với hoạt động lao động sản xuất, với tính dân tộc, tính truyền thống, tính dân dã, song đã mang thêm màu sắc hiện đại đáp ứng yêu cầu và mục đích của cuộc sống. Và tuỳ theo hoàn cảnh của từng năm mà việc tổ chức lễ hội có quy mô khác nhau.
Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, dân tộc độc lập, nét đẹp của lễ hội mùa xuân lại về với người dân Phú Yên. Hàng năm, ở huyện Tuy An tổ chức lễ hội, có bổ sung thêm nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ phong phú sinh động, hấp dẫn, thi đua thuyền, thi bóng nước, bóng đá, về đêm biểu diễn thơ, ca nhạc, hát bội... mà người biểu diễn là các nghệ nhân thôn dã quanh vùng. Đêm càng về khuya, không khí cuộc vui càng sôi động... Ngày nay, phần lễ, bài văn tế của thầy văn được thay bằng bài diễn văn của chính quyền do ban tổ chức đọc. Nội dung gắn liền với đời sống văn hoá - kinh tế - xã hội, phần hội bổ sung nhiều hoạt động hấp dẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa khiến nó trở thành nét đẹp của truyền thống văn hoá Phú Yên.