LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ
Tác giả: nhiều tác giả
Di tích và danh thắng núi Sam in dấu trên sử sách gần hai thế kỷ qua. Hình ảnh núi Sam đã thấm đậm trong tâm hồn người dân An Giang nói riêng, và miền Nam nói chung với ngày lễ hội Vía bà tháng tư.
Miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân triền đông núi Sam, mặt chính hướng về núi, mặt sau tiếp giáp cánh đồng bạt ngàn bờ kênh Vĩnh Tế. Từ cao nhìn xuống Miếu Bà như đoá sen xanh vươn lên khoe sắc trong vườn hoa kỳ lạ. Miếu bà là một di tích kiến trúc nghệ thuật có tiếng ở miền nam, cũng chính từ ngôi miếu này đã nảy sinh ra bao truyền thuyết và lễ hội mà người đời truyền tụng. Miếu Bà Chúa Xứ và khu danh thắng núi Sam hàng năm đón nhận hàng triệu lượt người trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái.
Theo thông lệ hàng năm, Vía bà Chúa Xứ được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26 và 27 tháng tư âm lịch. Vía chính là ngày 25. Vì sao người xưa lại chọn ngày này? Có người cho rằng xưa kia dân làng phát hiện ra tượng Bà vào ngày đó. Có thuyết cho là sau khi sạ lúa thắng lợi, nên tổ chức hội hè ăn mừng và làm lễ cúng tạ ơn, lâu dần thành lệ.
Các tác giả Thạch Phương- Trung Vũ, trong 60 lễ hội truyền thống Việt Nam chép rằng "Về nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ cũng như miếu bà được xây dựng từ bao giờ, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ. theo lời các cụ già kể lại, thì ngôi miếu Bà được xây dựng đầu tiên bằng cây lá vào khoảng những năm 1820- 1825. Còn về chung quanh lai lịch của tượng bà thì có nhiều truyền thuyết khác nhau:
1. Có truyền thuyết kể rằng, một hôm dân địa phương vào núi đốn củi, tình cờ họ phát hiện tượng bà nằm ở giữa rừng, bèn về báo cho dân làng, sau đó dân làng đã cùng nhau đưa tượng về, lập miếu thờ.
2. Một truyền thuyết khác kể rằng có một vị thần linh tự xưng là Bà Chúa Xứ Châu Đốc đã báo mộng cho dân làng; Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam, đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân sống an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, 9 cô gái được chọn cử lên đỉnh núi tìm tượng đá và quả nhiên, họ đã gặp một tượng đá trong tư thế ngồi, mắt nhìn thẳng về phía trước, bèn khiêng về, kỳ rửa sạch sẽ, và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được "an vị" tại miếu làm ngày lễ Vía Bà.
3. Một truyền thuyết khác nữa gắn với chiến công của Thoại Ngọc hầu và việc trùng tu ngôi miếu làm ngày lễ Vía Bà. Dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới tây nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà vợ thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía bà. Nếu chi tiết này có thật, thì đây cũng là một thông tin cho biết thêm rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời Minh Mạng.
4. Lại có truyền thuyết gắn với lễ Vía bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng tư là thời vụ bà con xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cầu Bà, hy vọng mùa sẽ được bội thu. Nhân dịp này, dân chúng tổ chức những cuộc vui chơi, rồi lâu dần thành lệ. Từ một hội làng Vĩnh Tế mang đặc điểm lễ cầu mùa trong nông nghiệp đã dần biến thành lễ Vía bà, thu hút đông đảo khách thập phương từ các nơi ngày càng đông.
Về nguồn gốc tượng, cho đến nay vẫn chưa xác định rõ xuất xứ cũng như niên đại. Tượng được tạc tại chỗ, hay từ nơi nào đưa đến? Vào thời kỳ nào và được vận chuyển đến núi Sam bằng phương tiện gì? Cần lưu ý thêm một điều là tượng được tạc bằng loại đá tốt, màu xanh (không giống loại đá ở vùng núi Sam) có hình dạng nam thần. Cánh tay bên phải bị gãy mất và được phục chế lại bằng một loại đá khác. căn cứ vào đường nét, phong cách thể hiện, một số nhà khảo cổ học cho rằng tượng thuộc loại nghệ thuật trung cổ Ấn Độ".
Hồ Tường khi quan tâm đến lễ hội vía bà chúa xứ cũng viết "Chánh điện của miếu bà gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ bà Chúa Xứ núi Sam với tượng bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà. Bên phải tượng Bà là một linga cũng bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà, là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình nữ giới, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng
là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).
Về pho tượng bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc, khi bước vào khảo sát thực tế, thì pho tượng vốn là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân trái của tượng xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải; trong lúc chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá. Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải. Tóc tượng uốn thành những búp xoăn, thả về phía sau. Trên mặt tượng có một vành ngấn, là nơi đặt mão lên đầu tượng. Trong vành ngấn này có những hoa văn hình móc câu, riêng ở phần vành nằm trước trán của tượng có một hình tròn, chung quanh là những hoa văn kiểu ngọn lửa. Trên cánh tay để trần của tượng có một vành đai, giống như cái vòng đeo tay. Toàn bộ dáng hình của pho tượng là dáng hình một người đàn ông tràn đẩy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc bụng phệ. Trên ngực của tượng có một vành đai như vòng kiềng, trước ngực là hình mảnh trăng lưỡi liềm khá rộng.
Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25m, được tạc liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10cm. Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. ở cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to bản, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.
Thế nhưng từ lúc nào tượng được gọi là Bà Chúa Xứ núi Sam trong khi thực tế là một pho tượng đàn ông? Bộ sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn khi miêu tả lăng miếu, chùa chiền ở núi Sam cũng chỉ nói đến Tây An tự và lăng Thoại Ngọc hầu, mà không hề nói gì đến miếu bà Chúa Xứ núi Sam, trong khi miếu Bà hiện nay chỉ cách hai cơ sở nói trên chỉ một con đường. Điều này cho thấy vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, miếu Bà Chúa Xứ có thể còn quá nhỏ nhoi, chưa có người đến chiêm bái đông đảo, nên chưa được sự để mắt của các sử thần triều Nguyễn. Ngay cả Sơn Nam khi miêu tả chùa miếu vùng biên giới các tỉnh hậu Giang cũng không đề cập đến miếu Bà Chúa xứ núi Sam:
"Vùng biên giới vẫn là nơi chùa miếu nhứt: đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Tây An (núi Sam), chùa Tây Sơn, đình thờ Thành Hoàng làng Vĩnh Ngươn (Châu Đốc), miếu họ Mạc, chùa Phù Dung, Tam Bảo, Địa Tạng, chùa Quan Công (Hà Tiên). Ban sơ, các chùa miếu đều lợp lá, đôi ba năm sau mới lợp ngói".
Do vậy có thể nói rằng miếu bà Chúa Xứ núi Sam chỉ mới bắt đầu phát lên từ những năm 60 của thế kỷ XX, khi "ban trị sự miếu Bà có công hương chủ Phạm Văn Tiên có đề xướng tô điểm mặt mày hình tượng thật giống phái nữ. được tất cả hưởng ứng, ông đến Chợ Lớn thuê thợ đắp tượng có tay nghề tinh xảo về điểm xuyết khuôn mặt và gắn pha lê vào đôi mắt trở nên sống động. Du khách đứng phía nào, quay mặt đều nhìn thấy ánh mắt của tượng rọi thấu suốt. Để củng cố niềm tin vô biên, thiện nam tín nữ thường dâng lễ vật hiến tế cả y phục đắt tiền, đồ trang sức bằng kim loại quý".
Theo nhà khảo cổ học người Pháp, ông Malleret, trong thời gian tiến hành khai quật khu Óc Eo- Ba Thê từ năm 1942 đến năm 1944, ông có đến núi Sam nghiên cứu tượng bà Chúa Xứ, và cho biết rằng đây là loại tượng nam thần, được tạo theo dáng người ngồi nghỉ ngơi, vương giả, vật liệu bằng sa thạch, giá trị nghệ thuật cao. Năm 1989, một đoàn ngoại giao Ấn Độ có đến thăm vùng này, vào miếu Bà Chúa Xứ, họ rất ngạc nhiên là được gặp loại tượng thần Shivalinga ở khu vực núi Sam trong danh xưng Bà Chúa Xứ! Tóm lại, qua giám định bước đầu cho biết tượng Bà Chúa Xứ là một tác phẩm điêu khắc thời Trung cổ còn giữ lại đến ngày nay và được nhiều người sùng kính".
Trước đây và hiện nay vía Bà có các nghi thức cúng tế như sau:
1. Lễ tắm Bà. Lễ này được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24. Nói là tắm bà, nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. vào giờ đó, trong khuôn viên miếu, hàng chục ngàn người chen chúc nhau trên sân, mọi di chuyển tới lui chỉ có thể nhích từng bước một.
Vào 23 giờ 30, ông chánh bái và Ban quản trị lăng miếu cùng các vị bô lão địa phương có mặt ở chánh điện. các du khách dâng cúng áo mão cho tượng Bà có vinh dự được đứng trong khu vực Chánh điện để chứng kiến.
Đúng 0 giờ ngày 24, lễ tắm Bà được chính thức cử hành. Nghi thức đầu tiên là thắp sáng hai cây đèn cầy to trước tượng Bà. Ông chánh bái và hai vị bô lão niệm hương, dâng rượu, trà, kế đến là Ban quản trị lần lượt niệm hương cầu nguyện, lễ tất. Bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa nhiều màu sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm từ 4- 5 phục nữ đã được chọn lựa, phân công từ trước vén màn bước vào trong chuẩn bị tắm Bà. Đầu tiên là cởi mão, khăn đội trên tượng, rồi lần lượt đến đai áo, áo ngoài, áo trong, để lộ toàn thân pho tượng bằng đá sa thạch ở tư thế ngồi. Dưới chân tượng Bà được đặt một chậu nước nhỏ đựng nước hoa xông lên thơm ngát, hàng chục chiếc khăn được nhúng vào chậu, vắt khô rồi lau lên cốt tượng. Số lượng khăn bông du khách đem đến có hàng trăm, nên để làm vừa lòng mọi người, tổ phục vụ cứ chốc lát lại thay khăn mới, cố sử dụng số khăn được đưa vào. Sau đó một mâm đầy lọ nước hoa loại đắt tiền được dâng lên, mỗi lọ đều được xịt một ít vào tượng cốt, xong trả lại cho chủ. Người dâng cúng kính cẩn mang về nhà xem như một vật gia bảo. Kế đến, một bộ áo đẹp nhất dâng cúng trong kỳ lễ hội được khoác lên tượng, thắt dây đai áo rộng và các bộ phận khác, cuối cùng đội mão lên tượng.
Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên, mọi người chen nhau đến gần để chiêm ngưỡng, khấn vái, ai cũng cố đến sát bên bệ thờ để xin lộc bà. Lộc bà bây giờ chỉ là một vài cành hoa, một vài trái cây để trên bàn, chứ không như trước đây có người sử dụng nước tắm Bà xem như nước thánh để chữa bệnh, hay uống vào để được mạnh giỏi, không bị tà ma quấy nhiễu. Hủ tục này ngày nay không còn nữa.
Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái.
2. Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà:
Lễ này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24. Tại miếu bà, các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà qua một con đường thỉnh sắc. Đoàn thỉnh sắc có đội múa lân của Miếu bà đi trước, kế đến là ông chánh bái, hai vị bô lão và những vị chức sắc khác, theo sau là các học trò lễ xếp thành hai hàng dọc, tay cầm cờ phướn đi hầu trước và sau long đình do bốn người khiêng. Đến trước điện thờ Thoại Ngọc Hầu, mọi người dâng hoa, niệm hương tế lễ. Sau phần nghi thức, đoàn thỉnh bốn sắc (bài vị) lên long đình về miếu. Bốn bài vị đó là: Bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại, bên trái là bài vị bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, cuối cùng là bài vị Hội đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện, Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc được kết thúc.
Vì sao Vía Bà Chúa Xứ lại có tục lệ này? Theo nhiều người cho biết, tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu. Có lẽ nhân dân làng Vĩnh Tế xưa trước khi cúng tế phải thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu đến Miếu Bà để chứng kiến và đồng thời để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.
3. Lễ Túc Yết:
Lễ được tổ chức 0 giờ ngày 25 rạng ngày 26. Tất cả các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề, đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà. Phía sau các vị là bốn học trò lễ và bốn đào thầy. đứng chính diện với tượng bà là ông chánh bái. Vật cúng gồm có: một con heo trắng (đã được cạo lông mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết có ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối. các lễ vật được bày trên bàn trước tượng bà.
Vào lễ cúng, ông chánh bái và các vị bô lão đến niệm hương trước bàn thờ. Kế đến là phần "Khởi cổ". Sau khi đánh ba hồi trống gỗ và ba hồi chiêng trống, nhạc lễ bắt đầu trỗi lên là lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà. Từng diễn biến của buổi lễ được hai người xướng lễ, một xướng nội, một xướng ngoại - xướng to lên. Ông chánh bái đi trước, bốn học trò lễ và bốn đào thầy đi theo, hướng về phía bàn thờ tổ. Tại đây ông chánh bái tự rót rượu để học trò lễ đem lên dâng cúng.
Sau khi dâng cúng hoa là dâng ba lần rượu gọi là chúc tửu, dâng ba lần trà gọi là hiến trà, theo lệnh của người xướng lễ, bản văn tế được mang đến trước bàn thờ. Một người trong Ban quản trị lăng miếu đọc văn tế. Dứt bài văn tế, ông chánh bái đốt văn bản này và một ít giấy vàng bạc, heo cúng trên bàn được lật ngửa ra trước khi khiêng đi, phần cúng túc yết đã xong.
4. Lễ xây chầu
Sau cúng túc yết là Lễ xây chầu. Để chuẩn bị cho lễ này, người ta khiêng bàn tổ ra ngoài và thay vào đó một cái trống chầu.
Vào lễ người xướng nội hô to "ca công tựu vị", ông chánh bái ca công liền bước tơ ái bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán khấn vái. Phía bên trái bàn thờ có một tô nước và một nhành dương liễu. Ông chánh bái ca công cầm nhành dương nhúng vào tô nước rồi vảy nước ra xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện:
"Nhất xái thiên thanh" - Trời luôn thanh bình
"Nhị xái địa linh" - Đất thêm tươi tốt
"Tam xái nhơn trường" - Người sống muôn tuổi
"Tứ xái quỷ diệt hình" - Quỷ dữ bị tiêu diệt.
Đọc xong, ông chánh bái ca công đặt tô nước, cành dương trở lại bàn thờ, ông đánh ba hồi trống và xướng "ca công tiếp giá", lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bộ bắt đầu. Các tuồng hát bộ sau đây thường được diễn tại miếu bà: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương v.v...
5. Lễ Chánh tế
Đến 4 giờ sáng ngày 26 cúng Chánh tế (nghi thức giống như cúng "túc yết"). Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng. Chương trình hát bộ chấm dứt. Kết thúc cúng vía Bà.
Song song với cuộc lễ chính ở Miếu bà Chúa Xứ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén...thu hút nhiều du khách.
Xưa, bên cạnh các hoạt động chính xung quanh Miếu Bà có biết bao tập tục như: xin xâm, bói toán, đồng bóng...được diễn ra rất nhiều, liên tục trong những ngày này. Sau ngày miền Nam giải phóng, được sự chỉ đạo của ngành văn hoá và Ban quản trị, nhân dân xã Vĩnh tế đã biến ngày Vía bà thành ngày hội truyền thống. nhiều tập tục xấu được ngăn chặn. Thay vào đó là các hoạt động văn hoá lành mạnh, truyền thống và sôi nổi hơn.
Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ. Nghi thức lễ tắm Bà, cúng túc yết mang tính chất riêng biệt, còn các hoạt động lễ hội khác như thỉnh sắc, xây chầu hát bộ, giống như các lễ kỳ yên ở các đình thần Nam Bộ. Như vậy cho phép chúng ta kết luận, lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội văn hoá dân
gian đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân.