nhiều tác giả
Truyện 12
Tác giả: nhiều tác giả
Vì tình thế năm 1863 vua Tự Đức phải phê chuẩn Hòa ước 1862 nhường đứt ba tỉnh Biên Hòa, Định Tường và Vĩnh Long cho Pháp, nhưng ông vẫn tìm cách chuộc lại. Tháng 6-1863 Tự Đức cử một phái đoàn đem lễ vật sang Pháp và Y-Pha-Nho để điều đình xin chuộc lại ba tỉnh đã mất. Phái đoàn gồm có cụ Phan Thanh Giản làm chánh sứ, cụ Ngụy Khắc Đản, cụ Phạm Phú Thứ làm phó sứ, và một đoàn tùy tùng trong đó có viên đội trưởng Lương Doãn.
Phái đoàn rời Huế bằng tàu Écho, vào Sài Gòn chuyển qua tàu Européen để sang Pháp. Bọn Pháp ở Sài Gòn cử một sĩ quan người Pháp đi theo dẫn đường.
Khi tàu sắp vào Kênh Suez viên quan Pháp cho sứ đoàn biết:
- Theo thủ tục quốc tế, khi tàu của một vị sứ thần ngoại quốc đến một hải cảng nào, thì hải cảng ấy phải bắn 19 phát súng lệnh để chào mừng, và tàu phải thượng quốc kỳ của mình lên để đáp lễ. Vậy xin đại sứ thượng quốc kỳ của nước Đại Nam lên cột tàu để đáp lễ cùng chính phủ Ai Cập khi họ bắn súng chào.
Nước ta lúc ấy chưa có quốc kỳ. Lá cờ đuôi nheo thêu rồng là kỳ hiệu của nhà vua phái đoàn không được phép dùng. Cụ Phan bèn họp phái đoàn thảo luận. Phái đoàn hết sức bối rối, có ai ngờ trong việc ngoại giao lại có cái lệ chào cờ dị dạng như thế! Cờ đâu mà treo bây giờ. Ai nấy đều lấy làm nan giải. Trong khi các cụ lớn nổi tiếng mưu lược của triều đình Tự Đức đang bứt tóc bứt tai thì may có anh đội trưởng Lương Doãn lên tiếng:
- Bẩm ba cụ lớn, nước ta không có quốc kỳ, mà việc này thì cấp bách, không thể không giải quyết ngay được. Con thấy chiếc khăn gói của cụ chánh bằng lụa kiều cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi đẹp quá ! Con xin đề nghị ba cụ tạm dùng cái khăn gói làm cờ treo đã. Sau về nước sẽ tâu lên Hoàng đế ngự tường.
Vì không còn cách nào khác, ba vị sứ thần đành chấp thuận lời đề nghị. Nhưng khi đưa "lá cờ" cho viên quan Pháp treo thì y bảo:
- Lá cờ này không thể dùng được bởi lẽ nó giống lá quốc kỳ của Ai Cập, sợ chính phủ Ai Cập hiểu lầm. Vì thế phái đoàn lại phải thảo luận nữa. Cụ Phạm Phú Thứ nói:
- Thì ta thêu quách bốn chữ vàng "Đại Nam Khâm Sứ" ở giữa cái khăn thì hết lầm lẫn với lá quốc kỳ Ai Cập chớ có khó khăn gì?
Ai nấy đều khen là thần diệu. Thế là khởi công ngay. Trong đoàn lính hộ vệ có nhiều tay thợ thêu lành, nên công việc không mấy chốc thì hoàn tất. Thế là khi tàu cặp bến, 19 phát súng lệnh bắn chào thì chiếc khăn gói có thêu bốn chữ "Đại Nam Khâm Sứ" thượng trên đỉnh cột tàu Européen phấp phới vẫy chào đáp lễ.