watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình Nghệ Sĩ-Phần Hai - tác giả Paul Gallico Paul Gallico

Paul Gallico

Phần Hai

Tác giả: Paul Gallico

Cái gã tự nhận mình là Ông bầu Coq tên thật là Michel Peyrot, gã lớn lên giữa rác rến của thành phố Paris, tương tự như đời sống của thi sĩ Villon thủa thiếu thời. [François Villon (1431-1465), thi sĩ Pháp, sống một cuộc đời lãng tử, mấy lần suýt bị treo cổ. Nhờ sức mạnh của nguồn cảm hứng và sự chân thành của lời thơ, ông được coi là ông tổ của thơ trữ tình Pháp – ND]
Cuộc đời của gã là một cuộc đời không có gì là êm ấm, là tình thương cả. Gã không hề biết cha gã là ai. Năm gã lên sáu thì mẹ gã, một mụ đàn bà lang thang kiếm ăn trên vỉa hè bị mưu sát. Michel được một gia đình làm xiếc nuôi. Mẹ nuôi của gã, một cô đào thương hết thời, phải kiếm thêm sau khi trình diễn bằng cách rước khách phía sau lều vải, cha nuôi của gã chuyên biểu diễn trò ảo thuật nuốt lửa, rượu chè be bét tối ngày.
Năm Michel mười hai tuổi, diễn viên nuốt lửa cha nuôi biểu diễn thi với một người của gánh khác, nhưng vì quá say tính lầm số lượng dầu hỏa có thể chứa hai bên thành má để phun ra khỏi miệng thành những ngọn lửa, ông ta nuốt dầu nóng vào, lửa bốc cháy vào chết thảm. Bà vợ cũng đã hao mòn vì bệnh tật sống chẳng được bao lâu. Thế là năm mười ba tuổi Michel lại một lần nữa bơ vơ giữa dòng đời.
Năm mười lăm tuổi, gã là một đứa trẻ man rợ, thành thạo mọi ngón hiểm độc lừa đảo trong các gánh hát rong, các gánh xiếc hạ cấp. Năm nay gã ba mươi lăm tuổi, bảnh trai một cách đểu cáng, mái tóc đỏ hoe và cứng, đôi mắt màu tro mở rộng trên khuôn mặt mét, chiếc mũi đã quặp đặc biệt đàn ông lại càng quặp hơn vì bị đánh dẹp trong thời gian gã thử học quyền Anh, chiếc miệng vật dục, tất cả tạp cho gã dáng điệu của một tên điếm đàng.
Suốt đời gã, chẳng có ai tử tế với gã, nên gã cũng đối xử lại với cuộc đời như vậy. Hoàn toàn trân tráo, gã chẳng coi thần thánh, đàn ông đàn bà, con nít ra quái gì. Suốt ba mươi lăm năm trường, gã nhớ chưa có lần nào yêu thương ai hay tha thiết với cái gì cả. Gã coi đàn bà như những công dụng làm thoả mãn sự thèm muốn của gã và sau khi dùng rồi thì vứt bỏ hay hành hạ. Tại sao gã lại thâu lượm con nhỏ gầy ốm tả tơi như đồ trôi sông tên là Mouche, gã cũng không hiểu nổi. Gã đành nhấn mạnh là không phải gã quyết định thu nhận con nhỏ vào cái gi đình kỳ quái của gã, mà Carrot Top, lão Reynardo, mụ Muscat, và xừ Nicholas đã quyết định như vậy.
Mặc dù là chính gã ngồi đằng sau tấm màn một chiều sau sạp điều khiển và nói bằng bảy giọng nói khác nhau, nhưng nhiều khi, lạ lùng thay, bảy con búp bê chúng hành động khơi khơi như những cá nhân riêng biệt ngoài sự kiểm soát của gã. Michel không bận tâm suy nghĩ nhiều về hiện tượng này mà chỉ biết đại khái như vậy thôi, không cần thay đổi nếp sống quen thuộc của mình, hiện tượng này cũng làm cho gã có cái thú là lạ.
Vì sống với những người làm xiếc, Michel đã tập được nghề ảo thuật, nuốt kiếm, chạy nhảy trên dây, nhưng thuật nói bằng hơi trong bụng là ngón sở trường nhất của hắn.
Đời sống của lũ múa rối được khai sinh từ hồi Michel Peyrot ở tù trong trại giam của bọn Đức trong thời chiến tranh và thời gian này có thể coi như giai đoạn trau giồi thêm cho những gì la bỉ ổi của bản chất con người.
Trong giai đoạn đen tối và xấu xa của đời gã ấy, gã đã đẽo gọt, mặc y phục cho bảy con múa rối và cho chúng xuất hiện trình diễn giúp vui cho bạn tù, và gã khám phá ra rằng càng ngày chúng càng có khuynh hướng không chỉ chịu nói những chuyện tục tĩu, bỉ ổi để chọc cười bọn lính mà thật ra chúng còn muốn trở nên những cá nhân có đời sống riêng của mình.
Trong những lúc trình diễn, gã ngồi nấp sau cái sạp, Michel Peyrot không còn là gã nữa, nhưng là bảy con múa rối. Golo, tên Sénégalais vô lại, hiểu rõ điều mâu thuẫn này. Đối với hắn đó là vì có ma rừng giúp cho linh hồn gã thoát ra khỏi xác và nhập vào các đồ vật khác, nhưng đồ vật này lúc đó mang linh hồn thật của gã. Nhưng còn có một biểu thị khác mà Michel Peyrot không hề biết tới, và điều đó là trong khuôn khổ của sự sáng tác người sáng tạo không thể nào hoàn toàn độc ác được, gã không thể sống một đời chỉ toàn có xấu xa thôi.
Nếu Carrot Top, Gigi, và tên khổng lồ Ali đang dựng lại cho gã tuổi thơ ấu gã đã bị tước đoạt thì Reynardo, bác sĩ Duclos, mụ Muscat là những phương tiện để gã có thể vượt ra khỏi sự tù túng của chính gã, Michel không hề biết tới điều này. Thường gã đùa rỡn trân tráo với những việc, những tình cảm mà lũ múa rối do gã khai sinh diễn tả, những việc, những tình cảm ấy hoàn toàn xa lạ với gã.
Nhờ tài trình diễn múa rối mỗi ngày một tinh vi, và khi chiến tranh chấm dứt, gã trở về Pháp. Michel Peyrot nghiễm nhiên trở thành Ông bầu Coq, cùng với tên Golo, mà gã thấy nằm chờ chết đói trong trại giam, vừa làm đầy tớ, làm nhạc trưởng, làm lao công sân khấu, cả hai cùng lên đường.
Đêm rồi khi gánh hát dừng lại bên cạnh Port Neuilly ở Paris, chính cặp mắt tinh đời và trân tráo của Ông bầy Coq chợt nhìn thấy đôi vai rũ xuống, và bước đi mù quáng đến chỗ tự sát của đứa con gái khổ sở, tay xách chiếc va-ly mây, nhưng chính tên Carrot Top, thằng bé tóc đỏ tai nhọn, đã cứu nàng. Đối với Coq thì cả đến một lũ con gái tuyệt vọng xếp hàng một nhảy xuống dòng sông Seine gã cũng thây kệ. Hắn hoàn toàn dửng dưng trước đàn bà và sự chết, cũng như đàn bà đi tìm cái chết. Nhưng gã thây kê Carrot Top và lũ múa rối muốn đối phó với đứa con gái ra sao tuỳ chúng, gã cũng thấy hay hay.
Nhưng khi màn kịch nho nhỏ của bảy con múa rối đã khởi sự, chúng tha hồ hành động theo ý muốn để bắt bồ với con bé, với bản năng bén nhạy của nhà trình diền, gã nhân ngay ra giá trị của đứa con gái có thể tin cẩn được, nó nói năng thành khẩn với bọn múa rối trên sạp như nói với người thật vậy. Dù con nhỏ là ai, và là cái gì đi nữa thì nó cũng có được tính quý hoá là bắc cầu thông cảm giữa những trình diễn viên và khán giả quá xa cách và nó làm lòng người xem rung động. Gã để ý đến sự xúc động con nhỏ gây cho đám đông cục cằn toàn là phu lục lộ, giới thợ thuyền và những thằng lưu manh bao quanh sạp của gã. Nếu huấn luyện sao cho con nhỏ biết trình diễn nhịp nhàng tự nhiên với lũ múa rối của gã, để con nhỏ đứng trước quầy, thì thật là ăn khách đó. Bằng không gã muốn đá đi lúc nào mà chẳng được.
Nhưng có một đặc điểm ở con nhỏ hấp dẫn đối với gã khi gã hé chiếc màn để ngó đôi vao so lại, đôi má hóp, đôi mắt đen sầu não, nước da trắng như tuyết, hai thái dương nổi gân xanh dưới mái tóc đen cắt ngắn, hay đúng hơn gã xốn xang ruột gan, làm sự cay cú thù hận của gã thức dậy, những tình cảm này thì gã luôn có thừa. Đó là sự thơ ngây, trong trắng của con nhỏ. Đó là cái nét mà gã ghét cay ghét đắng nếu có ở người nào, dù người đó là đàn ông, đàn bà, con trai, hay con gái. Nếu có đủ khả năng thì gã đã sẵn sàng làm nhơ nhớp cả thế giới này rồi.
Ở băng sau, Mouche đã ngủ một giấc ngủ li bì của kẻ kiệt lực về tinh thần cũng như thể xác. Khi thức dậy trời sáng rồi, nàng thấy mình bơ vơ. Cơn hãi hùng hồi hôm vùng trở lại, nàng tung cửa xe ra láo liêng nhìn quanh mình. Nhưng nhờ ánh nắng và ngoại cảnh nên nàng thấy bớt sợ đôi phần. Chiếc xe cà tàng đậu lại ở một chỗ rất bừa bộn đàng sau những chiếc sạp, những quầy hàng của một chợ phiên khác. Ở xa phía sau, nàng nhìn thấy hai cột tháp song song của thánh đường Rheims [trong kỳ đệ nhị thế chiến] bị phá hại.
Gần đấy có một máy nước, nàng ra đó rửa mặt, nước lạnh khiến đầu óc nàng tỉnh táo. Lúc nàng chui qua mấy sợi dây thép chăng ngang và mấy cây cọc chống đỡ một căn lều gần đấy, bỗng nàng nghe tiếng khàn khàn quen thuộc gọi nàng: “Ố la, cô Mouche!”
Nàng len lỏi ra con đường họp hội chợ. Đích thị là tên Reynardo. Chiếc sạp mà nàng đã nhìn thấy dưới ánh đuốc đêm rồi đã được dựng lại. Trong ánh sáng ban ngày thật là sập xệ. Nhưng không chối cãi được Reynardo là con chồn lông đỏ trân tráo có bộ mặt hay hay.
Nó huýt sáo kêu nàng và trễ cằm xuống hỏi: “Rửa mặt rồi hả, cô bé?”
“Rồi,” Mouche đáp, rồi đáo để hỏi lại: “Chú rửa chưa?”
“Chưa, nhưng đừng méc ai nghe. Chẳng rửa đã sao đâu!” Hắn vẫy đuôi rồi tụt xuống. Carrot Top lên thế, tên này cầm tấm giấy bạc một trăm phật-lăng bằng cả hai tay. Hắn nói:
“Ồ, chào cô Mouche, ngủ ngon chứ?”
“Ngon lắm, cám ơn.” Một sự sảng khoái quý hoá truyền qua cơ thể nàng. Tụi nó lại có mặt đầy đủ, những người bạn nhỏ thân yêu của đêm rồi. Thật là thoải mái được đứng đây nói chuyện với chúng.
Carrot Top cất cao giọng nói: “Nè, mua bánh, mua phó-mát mà ăn điểm tâm.” Hắn đưa cho nàng tấm giấy bạc. “Ở cuối phố có hàng chạp phô đó. [nguyên văn: epicerie] Tôi còn mắc sửa soạn trình diễn. Còn bao nhiêu đem về trả lại nghe.”
Nàng vừa quay đi thì thấy đằng sau có tiếng “suỵt” gọi. Nàng ngó lại thấy Reynardo nấp ở góc sạp, gật đầu vẫy nàng, nàng lại gần, hắn ghé mõm vào tay nàng, giọng hắn khàn khàn, “việc đếch gì phải thối lại nữa.”
Mouche hỏi, “Chú nói gì cơ, chú Reynardo?” Con chồn lẳng lơ lườm, “Gọi tôi là Rey đi. Xì... Ai cũng biết thời buổi đắt đỏ, cái gì cũng lên giá. Cứ nói là ăn sáng tốn kém lắm rồi, giữ luôn chỗ tiền còn lại. Nhưng phải nhớ là sáng kiến này do tôi đưa ra nghe. Mỗi người phân nửa đó nghe, cô bé...”
Mouche lắc đầu lia lịa như muốn từ chối, không muốn bị coi là cô bé. “Nhưng, Rey... Thật mà! Làm thế bất lương quá.”
“Ha ha!” con chồn cười. “Làm sao được, có thế hoạ may mới có chút tiền còm dính túi chớ. Mà đừng nghĩ là cô được hưởng một mình đâu, còn tôi nữa đấy.”
Khi Mouche đi ăn sáng về con dư ba chục phật-lăng thì Carrot Top và Gigi, con bé nhí nhảnh, đang có mặt trên sân khấu. Thằng nhỏ đang chải đầu cho con bé, cái mặt nhọn của nó làm tăng vẻ chăm chú, đăm chiêu. Chừng năm sáu người đứng bu lại coi.
Carrot Top ngước nhìn lên, “Về rồi đấy à, cô Mouche? Ăn quà sáng chưa?”
Mouche lễ phép trả lời, “Dạ, cám ơn. Tiền còn dư đây.”
Carrot Top hờ hững gật đầu, cầm lấy tiền rồi lẩn xuống dưới sạp, nó lại xuất hiện gần như liền ngay sau đó và nói, “Tôi đang gỡ đầu cho con Gigi. Rối tùm lum à.”
Gigi rên rỉ. “Xạo! Hắn gỡ đau thấy mồ!”
“Rối như tổ quạ à?” Mouche hỏi. “Thôi để đấy cho tôi, cái việc này thì bọn con gái thế nào cũng khá hơn.”
Carrot Top lập nghiêm nét mặt. “Đàn ông vẫn là thợ làm đầu tài ba nhất...” Hắn cãi lại nhưng vẫn nhường chiếc lược lại cho Mouche. Nàng nhẹ nhàng gỡ mấy sợi tóc rối trên mái tóc màu vàng cũng Gigi ra.
Gigi nhõng nhẽo, “Tôi muốn kết tóc lại, để loè xoè nó đâm cả vào mắt. Kết tóc tôi lại đi, cô Mouche.”
“Được rồi, Gigi.” Mouche gật đầu, “để tôi kết thành hai dải vểnh sang hai bên tai, theo kiểu đàn bà xứ Breton nghe.”
Tự nhiên, như thể không có ai nhìn mình, nàng khởi sự chải tóc, chia chúng ra từng lọn rồi kết thành dải, vừa làm vừa hát bài vè kết tóc, bài vè mà từ bao nhiêu thế kỷ rồi những người mẹ thường hát cho các cô con gái nhỏ của mình nghe, để chúng khỏi cục cựa lúc kết tóc. Ve vẻ vè ve.


“Trước là,
Một và ba
rồi
Ba và hai
rồi
Hai và một
BÂY GIỜ -
Ba và một
rồi
Hai và một...”
Bài vè thô sơ, lặp đi lặp lại, có sức thôi miên và Golo từ sau sạp tiến ra, kè kè ôm cây đàn, dạo nhẹ vài lần rồi hoà theo. Bác sĩ Duclos xuất hiện với một bản nhạc mà ông chăm chú đọc qua làn kính kẹp vào mỏ, trầm trầm đệm theo. Gigi vỗ tay bắt nhịp. Chỉ trong nháy mắt đã có một đám đông mê say, ngỡ ngàng bulại quanh sạp, thích thú theo dõi.
Khi mái tóc đã kết xong và được buộc lại, Gigi và ông bác sĩ Duclos rút lui, Carrot Top độc chiếm sân khấu, trình bày cốt chuyện vở tuồng sắp diễn. Hắn yêu Gigi, nhưng bà mẹ cô ta là mụ Muscat tính tham lam, ép gả cô này cho bác sĩ Duclos vừa giàu có vừa hào nhoáng. Bạn của Carrot Top là Reynardo sai tên khổng lồ Alifanfaron đi bắc cóc Gigi, nhưng con chồn phản phúa ấy lại thông đồng với bác sĩ Duclos nữa, nên hắn thu xếp cho tên khổng lồ bắt cóc mụ Muscat, trong khi ấy hắn tìm cách o bế con Gigi.
Tham dự vở tuồng mà không hề sửa soạn, Mouche được lũ múa rối chỉ dẫn để giải thích hướng dẫn, vỗ về, la mắng, giữ bí mật cho tụi nó, đồng thời đôi khi tiết lộ cho khán giả, nàng thủ nhiều vai, lúc thì đóng vai đứa ở, lúc đóng vai thư ký cho Reynardo, lúc thì đóng vai chị bác sĩ Duclos, lúc thì đóng vai bạn của mụ Muscat...
Nàng có tài thích ứng mau lẹ với hoàn cảnh nhưng nhất là nàng có tài quên hẳn mình để hoà mình vào những việc đang tiến hành. Nàng hoàn toàn tin ở những con múa rối, và nàng có tài truyền lòng tin tưởng ấy lại cho khán giả, bằng khoé mắt, bằng nụ cười, hay bằng một lời nói dịu dàng giữa nàng và lũ múa rối, nàng đưa khán giả vượt ra ngoài thực tại ê chề mà họ đang sống sang thế giới kịch nghệ, nơi tách khỏi những ràng buộc của cuộc đời và của cuộc mưu sinh vất vả.
Trước khi vở kịch kết thúc, những nhân vật liên hệ đã làm cho câu chuyện rối loạn lên khiến ông Nicholas phải xuất hiện để dàn xếp và cuối cùng, trước sự tán thưởng của mọi người, Carrot Top sánh vai với Gigi, bác sĩ Duclos với mụ Muscat, Ali với Mouche, gã khổng lồ đáng thương lăn lộn vất vả nên Mouche phải cặp hắn vào nách vì hắn đã yêu Mouche chết mê chết mệt.
Bữa đó số tiền Golo thu được đã trội hơn mọi lần khác. Bầu Coq và ban hát, từ trước tới nay chưa bao giờ thu được nhiều đến thế, đêm đó hắn thuê một căn phòng trong một khách sạn rẻ tiền và hắn để Mouche ngủ chung với chị bồi trên lầu. Golo vẫn phải ngủ ở xe để coi chừng lũ múa rối. Gã cóc cần, gã vẫn thích được gần gũi tụi nó.
Đêm hôm ấy, ba người nhậu một bữa thịnh soạn ở quán, có cả rượu vang đỏ. Coq uống rất nhiều. Rượu không làm hắn dịu tính hơn, trái lại hắn có vẻ gắt gỏng, thù ghét Mouche hơn.
Hắn ăn uống thô tục, coi như nàng không có mặt vậy, nhưng có một lần hắn nhìn thấy đôi mắt to của nàng đang nhìn hắn trong sự yên lặng nặng nề bao trùm lấy bàn ăn của ba người như một sự quái lạ giữa cái quán ồn ào, đầy khói ấy, hắn ngước mắt nhìn lên khỏi đĩa ăn và gây gổ với nàng: “Hồi chiều nay lúc thằng Carrot Top hỏi ý kiến bay là phải làm gì để chiếm được con Gigi và rủ bay cùng lên trực thăng trốn đi với nó, bay đứng thộn ra, mắt mở thao láo ra là cái thá gì. Tại sao bay không trả lời nó?”
Mouche không khó chịu về lời quở mắng, nhưng nàng bối rối là không biết mình có làm xáo trộn cái thế giới tân kỳ mà nàng vừa gia nhập không. Nàng thấy như mình là kẻ ở đâu bỗng đột nhập vào vậy.
“Tại vì,” nàng thận trọng giải thích, “Carrot Top không muốn ai khuyên mình phải làm chuyện gì cả. Nó bắt tôi hứa với nó trước khi cho tôi đi theo là không bao giờ xía vô công việc của nó, và hơn nữa,” nàng kết luận sau một lúc suy nghĩ, “nó không thật tình thương con Gigi vì -”
Nàng hoảng hốt ngừng lời, vì bầu Coq trừng trừng nhìn nàng, mặt gã giận xám lại.
“Tại sao bay biết là Carrot Top yêu hay không yêu, con nhãi con?”
Mouche tưởng là tên đàn ông tóc đỏ ấy định quẳng chiếc đĩa đựng đồ ăn của gã vào mặt nàng.
Nàng nói, “Thôi... tôi xin lỗi. Thực tình tôi không biết... Tôi đoán vậy. Lần sau tôi không dám nữa.”
Mặt gã chưa hết giận, nhưng gã không nói với nàng nữa. Gã trút cơn giận lên đầu tên Golo. Gã quát, “Mày còn lẩn quẩn ở đây làm gì nữa, con khỉ da đen này! Nhồi đầy ruột chưa? Xéo đi! Ra xe, coi chừng dám mất hết đồ rồi đa.”
Hai người tiếp tục ăn uống trong một bầu không khí nặng nề cho tới khi Mouche thu hết can đảm để nói với gã. Một cách hồn nhiên và dịu dàng, Mouche hỏi, “Thưa ông bầu, sao ngài ưa giận dữ quá vậy?”
Hắn bỏ dao bỏ nĩa xuống, ngước đôi mắt lạnh lùng nhìn lên nàng hồi lâu, rồi nói: “Vì bay là đồ khùng. Tao không thì giờ để nói với những đứa khùng. Nhất là những con khùng.”
Mouche không phật ý, vì nàng đã quen sống ở những nơi mà đàn ông ăn nói tục tằn. Ngoài ra, nàng không dám nghĩ là mình khéo léo hay tài cán gì, sau bao nhiều điều bất hạnh xảy đến. Một cách thành khẩn, nàng nhoài người qua bàn và đặt tay nàng lên tay hắn để làm hoà, nàng nói: “Thưa ông bầu, sao ngài không đối xử tử tế với em như ngài đối xử với Carrot Top, bác sĩ Duclos và xừ Reynardo? Em biết là mấy người ấy cũng biết là bữa nay có nhiều lúc em sơ xuất nhưng mấy người ấy không nói.”
Chạm vào mấy ngón tay mềm mại, bầu Coq như bị ông đốt, giựt tay ra. “Chỉ vì đôi mắt thô lố của bảy và cái dáng điệu thơ ngây ú ớ của bay làm tao bực mình.”
Sự phản công tàn tệ ấy khiến Mouche ứa nước mắt ra, nàng khẽ gật đầu.
“Đối với tụi nó,” ông bầu Coq vừa nốc cạn ly rượu vừa nói, “tao khỏi cần để ý xem chúng làm gì. Ráng mà hoà mình với tụi nó, nếu bay muốn an thân, trong những lúc làm ăn. Còn những khi khác, lo mà tránh tao đi. Bay hiểu chưa?”
Mouche lại gật đầu. “Em xin ráng.”
Mặc dù ông bầu Coq cộc cằn, sự cộc cằn ấy chỉ làm cho nàng thương hại thôi, những lúc hắn cáu giận thấy hắn có vẻ khổ sở lắm. Tuần lễ hội chợ ở Rheims đối với nàng là khoảng thời gian sung sướng mà đời nàng ít khi được hưởng.
Mối thân thiện giữa nàng và bảy con múa rối như nhảy vọt, chẳng bao lâu nàng biết tính tình chúng, biết những ưu khuyết điểm của chúng. Thằng Carrot Top ưa gây sự và đầy tham vọng hay mơ mộng lúc nào cũng như muốn gạt phắt những cản trở thường ngày đi, nhưng thực tình rất có tinh thần trách nhiệm và chăm lo cho việc trình diễn, ông bác sĩ Duclos khệ nệ, chậm rãi, thích hình thức, đúng là mẫu người tự mãn một cách trống rỗng nhưng rất tốt theo điệu bộ dềnh dang của ông ta. Còn con Gigi nhõng nhẽo, kênh kiệu, khật khùng, nhưng lại dễ chịu nhất trong nhóm.
Ưa nương tựa nàng nhất là gã Alifanfaron, tên khổng lồ, gã không làm ai khiếp đảm cả, lại tốt bụng và chậm hiểu nên ai cũng ăn hiếp gã. Gã sợ hãi ngước nhìn nàng chờ được giúp đỡ và che chở, nhiều “xen” lý thú thường diễn ra giữa tên quái vật xấu xí và nhút nhát ấy với người con gái che chở cho gã.
Nàng trở nên thân thiết với mụ Muscat vô cùng, vì mụ này đã trải đời khá nhiều, mụ đã chôn mấy đời chồng, mụ hiểu đàn ông quá rồi và nghĩ rằng đàn bà cần phải bám víu lấy nhau, che chở lẫn cho nhau. Mụ luôn luôn là đồng minh của Mouche bằng lời khuyên hoặc bằng sự viện dẫn ca dao tục ngữ, hoặc thì thào vào tai nàng những lời xì xào hữu ích về những chuyện gì đang xảy ra đàng sau sân khấu, hay bên dưới sạp hát trong cái phần đất bí ẩn riêng của lũ múa rối.
Nhưng nếu nàng phải tuyển chọn một bồ ruột trong tụi chúng, người ấy hẳn là Reynardo rồi. Gã làm nàng cảm động chân thành mặc dù gã xảo trá, lưu manh, bất lương. Gã cũng biết vậy, và cũng có thiện chí muốn cải thiện, nhưng không hăng hái lắm.
Gã cũng cưng chiều nàng. Đôi khi gã đùa nghịch, chọc ghẹo nàng và hùa với mấy đứa khác bày trò phá nàng chơi, nhưng ngay cả những lúc ấy, gã vẫn có vẻ yêu nàng tha thiết nhất và cảm thấy cần sự âu yếm của nàng vô cùng. Phần nhiều gã chỉ la lối phụ hoạ thôi. Mouche cảm động đến sung sướng những khi qua cái vỏ trân tráo đểu cáng, nàng bắt gặp những nét tâm lý của một đứa trẻ mong được tha thứ và thương yêu.
Mặc dù ông ta là bạn và là cố vấn của nàng, Mouche vẫn thấy ơn ớn xừ Nicholas, người thợ sửa đồ chơi, vì ông là người thẳng thắn cầm cán cân công lý, ân oán đúng mức. Cái nhìn qua cặp kiếng vuông của ông dường như lúc nào cũng như soi qua nàng để rọi vào tận những ý nghĩ thầm kín nhất nơi đáy lòng nàng.
Gã Golo hồn nhiên như trẻ nít, thứ hồn nhiên bắt nguồn từ truyền thống của giống da đen. Anh ta đóng vai hầu hạ lũ múa rối và vì Mouche đã trở thành một trong những con múa rối ấy thì hắn cũng làm đầy tớ cho nàng luôn. Hắn thành thạo về kỹ thuật trình diễn lắm, đối với hắn công việc này không đáng bận tâm nữa. Lúc thì hắn rút về phía sau sạp giúp ông bầu Coq thay đồ cho một con múa rối, đưa đồ nghề cho ông, hay treo các con múa rối lại cho có thứ tự lớp lang, dốc đầu chúng xuống để ông bầu Coq xỏ tay vào chóng hầu có thể cho chúng xuất hiện ngay hoặc cho rút lẹ khỏi sân khấu, và ngay sau đó hắn lại ra trước sạp đứng bên Mouche và chiêm ngưỡng những con múa rối như thể chúng là những nhân vật thật bằng xương bằng thịt.
Đối với Mouche sự tin tưởng rằng những con người nhỏ bé này có cuộc sống riêng càng cần thiết, với nàng đó là một sự cần thiết giúp nàng chạy trốn khỏi những giông bão của cuộc sống mà nàng không đủ sức chống đỡ.
Dầu vẫn ý thức được rằng chẳng qua cũng chỉ là tên Coq múa may đằng sau chúng mà thôi, nhưng nàng cố gạt ý nghĩ đó đi. Vì làm sao có thể dung hoà được con người như thế với những sáng tác hoàn toàn khác hẳn với hắn? Hơn nữa, nàng ít khi nhìn thấy Coq chui ra, chui vô sạp trình diễn, vì hắn có vẻ bí mật, lén lút những khi phải vô ra. Đôi khi hắn ngồi lỳ trong ấy cả mấy tiếng đồng hồ từ sáng sớm và đến tận đêm khuya, không tỏ dấu hiệu nào là hắn phục sẵn trong đó, cho mãi đến lúc một hoặc nhiều con múa rối đột nhiên xuất hiện trên sân khấu.
Tất cả các chỉ thị, công việc làm ăn đều do Carrot Top đảm trách, bây giờ công việc tập dượt, học ca bản mới, thu xếp vai và trò chuyện với lũ múa rối là lẽ sống của nàng. Nàng không sao tưởng tượng được là một gia đình vui nhộn gồm những nhân vật khác nhau như thế lại là công trình sáng tạo của con người mặt tái mét, cay cú dường ấy.
Khi tuần lễ hội chợ ở Rheims kết thúc, gánh hát kép nhau đi Sedan trình diễn ba ngày. Rồi từ đấy di chuyển qua Montmedy và Metz, vì năm ấy ông bầu Coq tính lưu diễn suốt miền Đông Bắc nước Pháp và miền Alsace, cho đến khi nào thời tiết lạnh chịu hết nổi mới sẽ kéo nhau xuống miền Nam.
Một đêm, ông bầu Coq lầm lỳ từ một quán rượu sụp xệ ở vùng ngoại ô, nơi gánh tạm trú, bước ra, ngất ngư say, bụng thèm đàn bà.
Lúc đó đã về khuya. Không còn bóng dáng đàn bà, bọn gái ăn sương đã cặp được khách hoặc rút về ổ từ lâu rồi. Hắn chợt nhớ tới cô gái gầy ốm đang ngủ trên gác xép sát mái nhà mà từ lâu hắn vẫn coi là món đồ tư hữu của hắn.
“Tới lúc rồi,” hắn nghĩ. “Vả lại cũng phải cho con nhỏ ngô nghê đó tập sự để trở thành đàn bà. Đi với nó cho đỡ tốn. Từ nay chỉ nên mướn một phòng thôi và biết đâu con nhỏ này chẳng phải loại dễ tính đấy.”
Nhưng còn có một nguyên do đen tối thầm kín khiến hắn leo lên cầu thang dẫn tới căn gác xép là sự dịu dàng, thơ ngây trong trắng phát xuất từ đáy lòng của nàng chính là sự trêu tức thường xuyên đối với loại người như hắn và nếp sống của hắn. Hắn vẫn tấm tức không nguôi kể từ khi nhìn thấy nàng lần đầu tiên. Bây giờ thì hắn chịu không nổi nữa, thế nào cũng phải kéo nàng xuống ngang hàng với hắn, và làm cho nàng cũng xấu xa như hắn.
Hắn rón rén lại gần cửa, cúi xuống, nghe ngóng một hồi, rồi nhẹ nhàng xoay trái đấm, lẻn vào bên trong với một vẻ vụng trộm rất lẹ như một trong những con múa rối của hắn và khép cửa lại.
Sáng hôm sau khi Mouche tỉnh giấc, nắng tràn ngập chiếu ùa qua khung cửa sổ căn phòng như phủ nhận cơn ác mộng vừa xảy ra cho nàng. Nàng có cảm tưởng như đêm qua nàng không ngủ và từ đây chắc cũng hết ngủ rồi. Nhưng rồi phải quên chuyện ấy đi vì trời sáng rồi.
Nàng xuống khỏi giường, lần ra cửa sổ trông ra sân sau quán trọ, nhìn thấy một con chó nằm ngủ, một con heo đầm mình trong bùn, những con gà mổ đất, vịt, ngỗng đầm mình trong những vũng nước dơ.
Cảnh vật khiến nàng nhớ tới thời thơ ấu và những mảnh sân ở quê nhà tại vùng Britanie và nàng tự hỏi sao nàng có thể bình tĩnh đứng ngắm cảnh vật và suy nghĩ về những cảnh vật gợi lại, nàng tự nhủ mình sẽ không bao giờ còn trở lại tuổi thơ ngây nữa.
Mouche không dám chống lại hoặc phản kháng hành động ám muội của ông bầu Coq. Hắn từ bóng đêm xuất hiện, trong bóng đêm hắn dày vò nàng rồi lại rút vào bóng đêm để nàng đau đớn, ê chề, tủi hổ.
Nàng choàng tỉnh dậy khi hắn đột nhập, nàng nhận ra hắn nhờ mảng ánh trăng chiếu xiên lên bộ mặt nhợt nhạt với chiếc mũi quặp của hắn, ánh trăng biến thành màu tím hồng.
Trong một giây phút, tim nàng đập rộn ràng, vì nàng nghĩ, nếu hắn yêu nàng thật, thì nàng sẽ không từ chối.
Nhưng không một dấu vết yêu thương hiện lên khóe mắt, trong tâm tư hắn; không một lời thì thào qua môi. Khi nhậnra sự thể thì đã muộn quá rồi. Kêu la cũng vô ích. Hơn nữa trốn đi đâu bây giờ, trơ trọi, cô độc, không bạn bè, không đồng xu dính túi nơi một quán trọ xa lạ? Hắn đứng lù lù ở đó rồi còn cựa quậy sao nổi, lừ lừ tiến vào phòng ngủ, vào tâm thức nàng và rồi... vào cơ thể nàng.
Sự tàn bạo trong cơn thèm khát khiến nàng ghê sợ, sự đau đớn dường như không sao chịu nổi, khắc khoải, xót xa, và có một lần nàng thầm thì kêu tên hắn “Michel” một cách thảm thương. Nàng nghĩ rằng thế nào nàng cũng chết.
Sau đó hắn chuồn mất, mặc cho nàng mắc cỡ gần chết vì hắn đã hành hạ nàng một cách trân tráo không một chút thương yêu. Nàng khóc rấm rứt vì tủi nhục và đau đớn vì hắn khinh rẻ nàng một cách trắng trợn. Vì c’ch hắn chiếm đoạt thân xác nàng một cách cuồng bạo, đểu cáng, ẩu tả. Hắn đâu có thèm ngó mặt nàng, không một cử chỉ ve vuốt, không một cái hôn; không nói nửa lời, không có gì gọi là dịu dàng. Hắn không để lại một tia hy vọng trong lúc nàng chìm ngộp trong tuyệt vọng, không có gì chứng tỏ là ít ra còn có một trái tim loài người bên trong cái thân xác vũ phu, đầy ham hố đó.
Nàng càng xấu hổ hơn vì bản năng đàn bà bảo nàng rằng mặc dầu có sự hung bạo, tàn nhẫn đấy nhưng nàng đã nhượng bộ rồi, và biết đâu chính nhờ cái hành động ấy, chính nhờ cái giây phút ấy đã làm cho nàng vĩnh viễn thuộc về hắn.
Đó là những hình ảnh đen tối, những ý nghĩ, những lo sợ quay quắt trong đầu óc, trong lúc nàng rửa mặt, mặc quần áo vào tấm thân không còn thành trì phải bảo vệ nữa, và chuẩn bị chịu đựng những khổ nhục ngày nay có thể còn xảy đến.
Nhưng chuyện lạ lại xảy ra, vì bữa nay cũng như bất kỳ bữa nào khác, chỉ có khác là bọn múa rối có vẻ tử tế thân thiện hơn đối với nàng.
Carrot Top the thé gọi nàng ra chiều khoái chí lắm khi nàng lại gần sạp, “Ê, Mouche! Ở đâu ra đấy? Có biết chuyện gì không? Sáng nay ăn ngon lắm, có xúc xích đó. Golo chia phần xúc xích cho Mouche đi.”
Đúng lúc tên mọi da đen từ phía sau sạp xuất hiện, bưng xúc xích sực mùi tỏi và chiếc bánh mới đặt trong chiếc đĩa bằng giấy ra. Me xừ Reynardo cũng từ dưới sạp chui lên, miệng ngậm một thỏi xúc xích lớn vừa chìa cho nàng vừa nói, “Đây, tôi để dành phần của tôi cho cô đấy, cô biết tính tôi cũng thích món này lắm...”
Mouche đáp, “Ồ, Rey. Thiệt hả? Anh tử tế quá...”


Lúc Carrot Top rút lui và Alifanfaron xuất hiện, có tiếng người làu bàu phản đối. “Chà, đứa nào thuổng mất miếng xúc xích tao để dành cho chị Mouche rồi đây?”
Sửng sốt về hành vi xảo trá ba trợn như vậy, Mouche la lên, “Rey, không phải mi chớ?” Nhưng thái độ vụng về của con cáo đã tố giác nó.Nàng nghiêm giọng nói, tạm quên những khó khăn nàng vừa gặp, “Rey, trả miếng này lại cho Ali ngay. Đây... Rồi, Ali, em có thể cho lại tôi không?” Gã đưa lại cho nàng, “Cũng tại em ngốc quá. Rey nó biểu cho nó mượn để nó so xem có lớn bằng miếng của nó không.”
Mouche nhận lấy, rồi cúi người xuống hôn vào má nó. “Tội nghiệp em Ali tôi. Không sao đâu. Khờ khạo tin người ta, còn hơn có kẻ sống không cần nguyên tắc gì cả, bọn đó không phải đâu xa...”
Reynardo có cái lối bẽn lẽn riêng, hắn nằm bẹp xuống những con chó ở cuối sạp. Hắn nói, “Em ráng để dành phần của em, thực tình là như vậy. Em ráng, chị Mouche ạ, nhưng rồi lại ăn hết tiêu.”
Cô gái nhìn hắn một cách tinh nghịch. “Ồ, Rey...” nhưng giọng nàng vừa dịu dàng, vừa trách móc. Ồ, lạ thật, sao những sợi xích sắt thắt chặt tâm can nàng chóng nới ra lẹ thế, mà mối sầu đè nặng trên nàng dường như được cất đi? Cuộc trình diễn lại tiếp tục.
Nhanh như chớp, vừa thấy nàng ra chiều dễ dãi, Reynardo lon ton chạy quanh sân khấu và với dáng điệu khúm núm của con chó con, rúc đầu vào cổ, vào vai nàng. Mụ Muscat thấp thoáng xuất hiện ở phía bên kia sạp, tay phe phẩy cây chổi lông quét mạnh vào khung trước sạp.
“Nè, tôi đã biểu cô rồi đấy nhé, cô không thể tin thằng ấy được nghe chưa.” Nhưng bà không nói rõ ai là kẻ không tin được. “Rồi bây giờ cô chôn nhiều đời chồng như tôi...” Mụ chưa nói hết câu đã biến dạng. Carrot Top xuất hiện tay nắm tờ giấy bạc một ngàn quan màu xanh lợt.
“Nè, cầm lấy,” hắn nói. “Lương tuần vừa qua.”
Mouche đáp, “Ồ, Carrot Top, thiệt hả? Sao vậy? Tôi đâu có đòi...”
“Được mà,” thằng quái con đáp. “Sáng nay tụi này họp và bỏ phiếu về khoảng lương bổng cho cô. Ông bác sĩ Duclos chủ toạ. Ông nói lâu tới bốn mươi bảy phút...”
Đám đông bắt đầu bu lại trước cảnh một cô gái đang say sưa chuyện trò với một con múa rối – công việc hàng ngày bắt đầu...
Suốt mùa hè và một phần mùa thu năm ấy, đoàn lưu diễn khắp miền Đông nước Pháp và vùng Alsace, dần dà kéo xuống miền Nam, hết tỉnh này qua tỉnh khác. Lúc thì trình diễn ở những đám hội hè, chợ phiên, lúc thì dựng sạp ngay tại các chợ hoặc công viên các làng quê mà chẳng cần phải xin phép cảnh sát hoặc chính quyền địa phương.
Những khi nhà chức trách có đến hỏi giấy phép, họ ngỡ ngàng vì họ phải giao tiếp với Carrot Top, me xừ Reynardo, hoặc bác sĩ Duclos với sự trung gian của Mouche ráng làm cho hai bên hiểu nhau, và thường thường mấy ông này bị chúng chinh phục và giành được phép ở lại trình diễn.
Kể từ khi Mouche gia nhập gánh, nhờ tài khéo của nàng, những ngày cơ cực đã qua, bao giờ cũng kiếm được giường ngủ trong quán trọ trong khách sạn rẻ tiền, hay trong một nông trại với một căn phòng trống, đôi khi chiều tối còn được tắm rửa sau một ngày dãi nắng. Chỉ khác là bây giờ ông bầu Coq khỏi bận tâm thuê riêng hai phòng nữa mà chỉ ngủ chung một phòng và một giường với Mouche mà thôi.
Như vậy là Mouche đã bị hắn chiếm đoạt, ban ngày cũng như ban đêm, mà không sao thoát khỏi.
Ngày vẫn là thời gian đầy thích thú, đêm thì khốn khổ vô vàn, hoặc là hắn dùng nàng làm phương tiện kiếm lạc thú, hoặc xoay lưng vào nàng không thèm nói năng gì và ngủ như chết, để nàng nằm sợ run lẩy bẩy. Đôi khi hắn vào phòng trong tình trạng mê man, đứng không vững sau khi đã uống hết giờ này qua giờ khác tại quán rượu. Khi hắn say như thế thì Mouche săn sóc hắn, thay đồ cho hắn, và dìu hắn vào giường; và khi hắn lèm bèm chửi rủa, rên rỉ, vật vã trong đêm thì nàng dậy kiếm nước cho hắn uống hoặc đắp khăn ướt lên đầu hắn.
Bầu Coq luôn uống quá chén vì hắn bị vướng mắc vào một cái bẫy quái đản mà không biết làm sao ra thoát. Bí lối hắn chẳng biết phải làm gì bèn nốc rượu, nốc đến lúc không còn cảm giác, không còn trí nhớ gì nữa.

Một mặt thì hắn đã cướp đoạt được nơi Mouche những gì hắn cần và hắn muốn. Càng lúc nàng càng trở nên giá trị đối với công việc trình diễn, nhờ đó hắn kiếm ra tiền. Hơn nữa nàng là bạn chăn gối mà hắn bắt cóc được mà khỏi phải đặt vấn đề trách nhiệm. Nhưng về mặt khác hắn khám phá ra rằng hắn có thể huỷ hoại nàng về thể xác, còn tàn phá sự trong trắng của tâm hồn nàng thì hắn thấy hoàn toàn bất lực.
Hắn khao khát tận diệt điều này nhưng đồng thời hắn biết đây chính là đức tính thu hút khán giả, và làm cho họ say mê. Muốn nàng cũng ô uế, cũng chai đá như hắn, ban đêm hắn làm nhục nàng nhưng ban ngày dù muốn dù không hắn phải phục hồi danh dự cho nàng qua tình yêu thương của bảy con múa rối tựa như một cánh chim bằng hàng ngày nàng lại từ đám tro tàn thiêu rụi đêm qua, cất cánh bay lên, khổ hình nàng chịu hàng đêm có thể là những lời chửi rủa, đòn đánh hay bị hành hạ như số phận con điếm đứng đường. Qua một cơn giông tố, nàng lại trở lại tươi mát dịu dàng, đôi mắt thơ ngây, vô tội và đáng mến như cái đêm đầu hắn nhìn thấy nàng ở khu ngoại ô thủ đô Paris.
Hắn càng xử tệ với nàng bao nhiêu, thì sáng hôm sau bọn múa rối lại càng đối xử thân thiết dịu dàng với nàng bấy nhiêu. Dường như hắn không còn chỉ huy được bọn chúng nữa.
Còn về phần Mouche, nàng liên tiếp sống trong đau đớn thất vọng rồi lại hân hoan sung sướng.
Một đêm, tại Besançon, trong một âm mưu thâm độc, nhằm làm nhục nàng đến cùng độ, Coq về phòng cùng với một con điếm mà hắn nhặt được trong quán rượu. Cả hai cùng say khướt.
Hắn bật đèn sáng chưng rồi đứng nghinh nàng, nàng ríu líu ngồi lên. “Dậy, đi chỗ khác.” Hắn truyền lệnh.
Nàng không hiểu và vẫn ngồi đó ngơ ngác.
“Cút đi. Tao ngán mày quá chừng rồi.”
Nàng vẫn còn không hiểu hắn tính gì.
“Em biết đi đâu bây giờ, anh Michel.”
“Đi đâu thì đi, mặc xác mày. Cút lẹ lên. Chúng tao cần giường, biết chưa?”
Đêm hôm đó Mouche hiểu sâu xa hơn thế nào là tủi nhục, nàng đành lúng túng mặc quần áo dưới cặp mắt chế nhạo của thằng sở khanh. Nàng lại nghĩ tới cái chết, nhưng không biết làm sao chết được. Nàng thơ thẩn ngoài phố như người mất hồn, không biết phải đi đâu.
Rồi nàng mò lại gần chiếc xe Citroen. Golo ngồi ôm tay lái, miệng phì phèo điếu thuốc lá, chiếc áo rách trắng của gã nổi bật dưới ánh đèn đường. Dường như gã có ý đợi nàng. Hắn xuống xe, nắm lấy cánh tay nàng.
“Cô Mouche, mời cô vô đây mà nghỉ...”
Gã đã theo dõi từ lúc ông bầu Coq về phòng với một người đàn bà và Mouche từ trong quán đi ra, và gã để ý canh chừng nàng. Gã mở cửa sau để nàng lên xe ngồi nép vào một xó. Golo cho xe chạy tới khu đất hội chợ rồi đậu lại. Tiếng chuông réo rắt từ cái đồng hồ thị xã Besançon điểm ba giờ khuya. Mouche bắt đầu khóc.
Golo xoay người lại cầm lấy bàn tay gầy gò nhỏ bé của nàng trong bàn tay đen đủi chai đá với những ngón tay cứng như thép, xù xì vì cọ sát vào dây đàn đã nhiều. Nhưng cách thức gã cầm tay nàng thật dịu dàng, giọng hắn càng dịu dàng hơn. “Đừng khóc, em bé ơi...” nhất là lời nói lại bằng tiếng Pháp giọng Sénégal “Đừng khóc, em bé ơi. Nước mắt làm xấu cặp mắt đẹp đi.” [Nguyên văn: “Ne pleurez pas ma petite. Ça fait vous mal aux jolies yeux”]
Mouche vẫn khóc tưởng như sẽ không bao giờ nàng nín nổi.
Golo xuống xe bỏ đi một lát rồi trở lại. “Mouche,” gã khẽ gọi. “Cô Mouche. Nhìn nè. Cô Mouche hãy làm ơn nhìn nè...”
Mouche động lòng trước lời năn nỉ. Nàng bỏ tay ôm mặt theo lời thỉnh cầu của gã. Nàng nhìn trừng trừng, không dám tin trong một hồi lâu Carrot Top và xừ Reynardo đứng trên thành ghế nhìn nàng.
“Carrot Top? Rey...! Ồ, mấy bạn thân yêu của ta...” Mouche reo lên, tim nàng đập rộn ràng như muốn bật tung.
Hai tên này như hai khúc gỗ nhìn nàng. Golo đứng chen vào giữa hai đứa, mặt gã như ông thần cổ Phi Châu tạc bằng gỗ mun, nhưng ông thần đầy từ tâm. Gã buồn bã nói, “Tôi không nhờ bọn này nói giùm tôi được, cô Mouche à. Nhưng tụi nó thương cô. Vì thế tồi mời tụi nó ra đây. Lúc nào tụi nó cũng thương cô.”
Mouche nhoài người ra đón lấy hai con múa rối từ tay gã, ôm nựng hai cái vỏ rỗng ấy trong vòng tay, chúng như truyền niềm an ủi cho nàng cho đến lúc lòng căm phần mà nàng ráng kìm hãm lại cuồn cuộn nổi lên từ đáy lòng. “Tôi làm gì mà nó ghét bỏ tôi như vậy, Golo nhỉ? Tại sao nó tàn nhẫn, nó đểu giả đến như thế?”

Golo suy nghĩ một lúc trước khi trả lời. “Ông ấy bị ma làm. Trong lúc hồn ông ấy xuất thì có hồn khác nhập vào. Golo đã từng chứng kiến cảnh này hồi còn ở Sénégal từ lâu rồi hồi gã còn con nít.”
Mouche hiểu ý gã ngay vì chính nàng cũng ở một vùng mà dân chúng còn tin ma quỷ lắm.
Mouche hỏi, “Vậy anh không giận ghét nó à, Golo?”
Tên da đen rút một điếu thuốc đen khác đốt lên, lửa quẹt chiếu rọi đôi mắt sáng của gã. Gã đáp, “Người da đen không được phép giận ghét.”
Mouche hít thở thật mạnh, nàng nói như hét. “Tôi ghét nó vô cùng. Có trời đất biết!”
Điếu thuốc rực lên từng hồi, lâu lâu Golo lại thở dài. Thành phố và khu hội chợ vẫn chìm trong yên lặng, đôi khi sự yên lặng ấy bị phá vỡ vì tiếng gầm phản kháng của con sư tử ngứa ngáy và đói bụng bị nhốt trong cũi đặt tận cuối bãi. Gã nói, “Đôi khi giận ghét cũng tốt. Nhưng đừng giận ghét thì tốt hơn. Khi nào ghét quá cứ hát om lên là quên à...”
Thuận tay gã mơn lên dây đàn thành cung điệu dân ca miền Breton rồi gã huýt sáo theo. Không hiểu gã đã học được bài ca này hồi nào trong những năm luân lạc xa quê hương, trong trại tập trung, trong lao tù hay ở nước nào. Hẳn là hắn nghe một người nào cũng lưu lạc cô đơn như gã, cũng đã có lúc lang thang trên bãi biển gập ghềnh sỏi đá miền này. Gã dần dần nhớ lại lời ca:
“Cưng ơi, con ngủ cho ngoan,
Để mẹ đưa bổng chiếc nôi con nằm,
Ngàn trùng sóng gió xa xăm,
Ba nằm trên võng đăm đăm nhớ nhà
Cầu trời phù hộ cho ta,
Cưng ngủ ngon giấc cầu ba mau về.”
Khi gã chơi lại bài ca, Mouche bắt đầu hát theo gã, vừa hát vừa nựng hai con múa rối trên tay. Đêm hôm đó nàng gần như điên dại vì cách đối xử của lão Coq.
Golo có lý, âm nhạc có sức nhiệm màu khiến sự giận hờn phai nhạt. Thay vào đấy là lòng thương hại kỳ lạ nàng vẫn thường cảm thấy đối với con người độc địa ấy len lén trở lại, thứ tình cảm chính nàng cũng không hiểu nổi.
Đôi mắt lim dim nhắm lại, gã mơ màng, ca hát, thân hình rún rẩy:
“Mưa tuôn gió thổi ào ào,
Gió mưa cũng bởi trời cao điều hành,
Con nên kính sợ trời xanh,
Ba con cưỡi lớp sóng kình ngoài khơi,
Chắp tay cầu khấn ông trời,
Ba mau trở lại cưng thời ngủ ngon.”
Hai bên đồng ca tương đắc, càng hát càng say sưa. Golo thôi dạo đàn, Mouche ngủ thiếp khi tiếng đàn vừa dứt. Đầu Carrot Top và Me xừ Reynardo ngả vào ngực nàng. Điếu thuốc còn cháy rực lên một hồi trước khi tắt hẳn. Bóng đêm tĩnh mịch bao phủ chiếc xe Citroen và những người kỳ dị ngồi trong ấy.
Ông bầu Coq không dằn nổi lòng khinh ghét mụ đàn bà trơ trẽn hắn vừa rước về. Hắn tống cổ mụ ra khỏi phòng, hắn nằm chửi thề như điên. Tại sao hắn làm như vậy hắn cũng không biết nữa, có thể hắn căm giận sự trong trắng, đơn sơ, dịu hiền, sự bất khả khuất phục của nàng và sự bất lực không sao dìm nàng xuống đất đen ngang hàng với mụ đàn bà mà hắn vừa đá ra khỏi giường.
Hôm sau, Carrot Top và me xừ Reynardo cùng những con múa rối lại sinh hoạt như thường. Mouche lại xuất hiện trước sạp để săn sóc, khuyến khích và giải thích về những hành động của chúng cho khán giả gồm đủ loại, nam phụ lão ấu bu lại xem.
Cuộc lưu diễn tiếp tục, nhưng có một chi tiết thay đổi. Kể từ hôm ấy, ông bầu Coq mướn riêng cho Mouche một phòng những khi phải ngủ lại đêm ở đâu và tránh tiếp xúc với Mouche được chừng nào hay chừng ấy.
Thêm một điều mới lạ nữa, nhưng điểm mới lạ này chỉ dần dần hình thành trong khoảng thời gian gánh hát lưu diễn qua Annecy và Grenoble, xuôi về miền Nam nước Pháp khi khí hậu bắt đầu khô và lạnh. Bản chất của các buổi trình diễn thực sự thay đổi.
Những tuồng tích khuôn sáo bị bỏ dần, và những nhân vật, cốt truyện mới nương theo mưu lược của Me xừ Reynardo mà vi vút, pha lẫn chút thơ mộng, lãng mạn của Carrot Top và biệt tài thích ứng ngay được với tấn kịch đang diễn của nàng Mouche.
Gánh ở lại thị xã nào khoảng một tuần lễ, thì suốt thời gian ấy cả đoàn bận với cuộc thám hiểm nguyệt cầu do Carrot Top chủ trương và bác sĩ Duclos làm giám đốc khoa học. Kết quả là khán giả ùn ùn kéo tới để theo dõi xem công trình đã tiến triến tới đâu rồi, xem Gigi và mụ Muscat có được đi theo đoàn thám hiểm không, và cô Mouche phanh phui vụ Reynardo âm mưu hốt đá nguyệt cầu về bán làm đồ kỷ niệm hầu trở thành triệu phú.
Đặc biệt là gánh hát thành công khi trình diễn tại các thôn xã nhỏ, nhờ nghe được những mẩu chuyện rì rầm liên quan đến địa phương, dường như người ta ưa tụ họp quanh sạp hát để trao đổi những mẩu tin này nên Carrot Top có thể làm bộ bí mật gọi:
“Suỵt – Mouche – Reynardo. Xích lại đây. Nhưng đừng để mấy cô kia biết nghe. Tôi biết một vụ bí mật...”
Mouche xích lại gần, khuôn mặt chân thật của cô biến sắc, rạng rỡ. “Bí mật hả. Tôi thích nghe chuyện bí mật ghê lắm. Ồ, nói cho nghe ngay đi. Tôi thề không tiết lộ cho một người nào cả...”
Với một nụ cười xảo quyệt, Reynardo len vào giữa. “Có gì đặc biệt không, đừng xạo nữa. Nói nghe coi, có gì mình hù đương sự kiếm tí tiền còm chơi...”
Carrot Top mắng, “Rey, đừng nói bậy, không phải loại bí mật ấy đâu. Bí mật này không giữ được lâu đâu. Thế nào cũng bật mí. Tôi biết là chị Renée Duval, vợ anh thợ mộc Duval đứng phía sau kia kìa, chị ấy càng ngày càng mập bụng ra kia kìa...”
Reynardo kêu ré lên, “Ủa? Sao vậy, họ mới cưới hồi nào đây thôi... Ừ... để tính coi...” Giơ một bàn chân trước lên, hắn đếm từng tháng một, “Tháng Chín, tháng Mười, tháng Mười Một...” cho tới lúc Mouche lên tiếng chặn họng hắn, “Reynardo – đừng có lộn xộn. Đâu có phải việc của anh.”
Tiếp đó trong mấy phút chúng bàn xem đứa nhỏ tương lai là trai hay gái trong lúc khán giả còn đang cười rộ. Bác sĩ Duclos thì luận theo khoa sinh vật học đầy vẻ rườm rà bác học, mụ Muscat thì khuyên phải kiêng cữ này nọ, thằng Ali xin chân giữ em. Như bị quyến rũ bởi cô Mouche, dân làng bị lôi vào vòng câu chuyện đầy ly kỳ và bắt buộc phải tham dự vào đó.
Mouche có biệt tài tìm ra những cô, cậu bé nhỏ say sưa mắt mở thao láo trong đám khán giả và mời gọi chúng lên tiếp xúc với diễn viên cho chúng bắt tay Ali để chứng minh rằng hắn vô hại, cho chúng vỗ về Reynardo và đàm thoại với Carrot Top. Gánh hát này có một sắc thái đặc biệt, dân các nơi mà gánh đã lưu diễn qua đều nhận ra điều đó. Tăm tiếng của những con búp bê biết nói biết hát và của cô gái vui vẻ đứng trước sạp chuyện trò với chúng đã được đồn thổi nhiều nhiều trước khi họ tới nên khi gánh đến bãi biển Nice và Côte d’Azur, họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng.
Tình Nghệ Sĩ
Phần Một
Phần Hai
Phần Ba