Phần Một
Tác giả: Paul Gallico
Vào một chiều xuân cách đây không xa lắm, ở Paris có một người con gái toan nhảy xuống dòng sông Seine trầm mình.
Cô nàng ẻo lả, lúng ta lúng túng, có chiếc miệng rộng và mái tóc đen cắt ngắn. Thân thể cô lủng củng toàn những xương và ở những phần cơ thể lẽ ra phải có những bắp thịt nổi lên thì lại hóp vào. Khuôn mặt cô tuy hấp dẫn, nhưng lúc này thì võ vàng vì đói và vì khổ sở thất vọng. Đôi mắt nàng hau háu, to, trong đen lay láy và tràn ngập tuyệt vọng.
Tên nàng là Marelle Guizec nhưng cũng có biệt danh là Mouche. Nàng là một cô bé mồ côi, gốc người Breton [miền bắc nước Pháp] ở xã Plouha, gần St. Brieuc. Trông nàng lam lũ nhưng vẫn phảng phất giữ được vẻ u trầm của miền địa linh này. Nét đặc biệt ấy thể hiện ở dáng đi, nước bước của nàng, mặc dầu nàng chỉ bận chiếc váu nhà quê rộng thùng thình. Sự trang nghiêm trong khoé mắt, vẻ thơ ngây, đầu óc chất phác, nàng đã lớn trong bầu không khí tinh thần đó – nàng mới hai mươi hai tuổi – là những nét thần bí của dòng giống Celtique (Celtic). Một trong nhưng đặc tính ấy đang dẫn nàng đến chỗ chết.
Nàng mong chết lắm vì cũng như nhiều cô gái khác từ tỉnh nhỏ tìm về Paris đô hội những mong thành công trong kịch trường, nàng đã thất bại ê chề. Thực tình không có người nào trên đời này bận tâm đến số phận nàng nừa một khi nàng bị gánh hát lưu diễn hạ cấp Moulin Bleu sa thải vì nàng vô tài và bất lực không sao gợi hứng hay gợi sự ham muốn của những tên bầu gánh nữa. Nàng không có ai là người thân. Ít đồng phật-lăng còm nàng lãnh được chỉ đủ ăn, đủ trọ trong ít ngày nữa thôi. Sau đó nàng sẽ hoặc là chết đói hoặc là bán trôn nuôi miệng.
Bạn còn nhớ không nhỉ, cảnh Paris về tháng Năm, buổi đầu xuân khi nhưng cành cây dẻ có hình chân nến chùm khổng lồ nở hoa sáng rực cả bầu trời trong sáng?
Ban ngày thì nắng ấm, nhưng ban đêm còn lạnh và thường lộng gió. Paris ban ngày đã vào mùa hè, trẻ thơ nô đùa bên những chị vú nơi quãng đường Rond Point, mùi nước hoa của các bà cô làm đỏm phảng phất trên hè đại lộ, những hàng bán đồ chơi lóng la lóng lánh dưới ánh nắng; vòm trời trông như một chiếc tán màu xanh, thứ màu xanh đặc biệt chỉ có ở nước Pháp mà thôi. Nhưng đến chiều tiết trời trở lạnh, người nào rút về nhà người ấy, phố xá lại vắng tanh vắng ngắt.
Cũng vì vậy mà gánh hát vỉa hè mở mùa bên kia cầu Neuilly đang sửa soạn dẹp đồ nghề và thất vọng ra về, vì họ lầm tưởng rằng đêm đến còn có thể làm ăn được.
Dây bóng đèn điện dài sáng rực hoang vắng xen lẫn với những ngọn đuốc đốt bằng dầu ma-zút bốc khói, chạy suốt dọc một bên đại lộ De Gaulle từ công trường Quốc Phòng qua cầu, bắt ngang dòng sông Seine vào Paris theo cửa tây.
Tiếng huyên náo của khu phố hội chợ, tiếng nhạc giật gân, tiếng gọi ơi ới của những anh mời khách vào xem hát, tiếng nảy cò trong gian bắn súng, tiếng chuông reo, tiếng xe nổ máy đã nhường chỗ cho âm thanh phàm tục hơn như tiếng gỡ tháo máy, tiếng cưa, và tiếng gỗ, tiếng sắt đang được ném xuống đất, và sau hết những tiếng giỡ hàng từ những phà chở hàng đem chất lên xe làm át những âm thanh cuối cùng do máy móc tạo nên.
Có ít diễn viên phong trần bất chấp cơn gió lạnh còn quanh quẩn bên những cột cây đu, nhưng con ngựa gỗ, những chiếc cầu tuột, những bục lộ thiên, những túp lều, họ cũng bắt đầu leo xuống. Sáng hôm sau không còn gì ngoài mớ rác trên mặt đường và những khoảng đất bị dày xéo bên lề con lộ lớn chứng tỏ gánh xiếc đã dừng chân nơi đó.
Trong khoảng đất vuông lộng gió ngoài trời quây bạt bốn bề làm phòng thay đồ cho lũ con gái rét run của gánh hát Moulin Bleu mạt hạng, Mouch sau khi đã trả lại mấy mảnh quần áo nhỏ xíu của gánh cho mượn, vận đồ của mình vào và suy nghĩ một lần cuối về những hy vọng sụp đổ của mình.
Gánh hát chuyên trình diễn vũ điệu giật gân và thoát y hạ cấp đang đóng đồ để di chuyển xuống St. Germain, nhưng nàng thuộc loại quá bết nên mất việc không được đi theo. Sau mục trình diễn cuối cùng của đêm hôm ấy, lão quản lý sa thải na, lão nói, “Gầy quá, cô em gầy quá. Cần bọn con gái đẫy đà ngon ăn hơn kìa. Qua nghe trong đám khán giả có kẻ phê bình em rằng, ‘lại con gà trụi lông chán chết!’ Qua cũng lấy làm tiếc, nhưng chẳng làm sao hơn được. Một nữ diễn viên không hát, không nhảy được thì ít ra thân hình cũng phải hấp dẫn ngon lành cơ.”
Mà có thế thật, Mouche gợi lòng thương hơn là sự thèm muốn.
Chuyện nàng là một thứ chuyện thường tình của một cô con gái mê ca kịch, có lẽ được khích lệ bởi sự thành công ở địa phương trong một ban kịch tài tử. Mồ côi trong kỳ đại chiến, nàng đã từng sống với một bà cô, nhưng bà này cũng chết năm nàng mười sáu tuổi. Hồi đó nàng sanh ra ở thị xã St. Brieuc xin được chân quét dọn trong Toà thị sảnh, có dành dụm để có đủ tiền lên Paris.
Lên đó cô mới nhận chân ra là mình chẳng có tài cũng chẳng có sắc để đạt được tham vọng.
Nàng bị bọn dẫn mối đểu giả vồ vập, bị bọn ma đầu, bọn bầu lột xiêm áo xem xét thân thể nàng như một món hàng và cuối cùng phá lên cười rồi tống cổ nàng đi nguyên lành, vì sự ngây thơ và trinh trắng của nàng là một điều bực tức cho chúng nên chúng muốn đuổi nàng đi cho khuất mắt.
Năm thì mười hoạ nàng cũng xin được xuất hiện ở những nhà hàng Pigalle và Montmartre, và nhờ vậy mới khỏi chết đói, nhưng cũng không được làm lâu, càng ngày càng xuống dốc, cuối cùng phải nhận mục thoát y cho một gánh hát lưu diễn trên vỉa hè và bây giờ lại bị coi là thiếu tư cách để đảm nhiệm hình thức giúp vui hạ cấp nhất đấy. Ngay đối với lũ khán giả phàm tục bỏ ra vài phật-lăng để chui vào lều vải, thân hình loã thể của nàng cũng không gợi hứng nổi.
Cũng vì vậy mà nàng quyết liều thân, vì sự sa thải chứng tỏ là nàng đã hạ mình xuống cái độ bán mình để khỏi chết đói mà chẳng tìm thấy người mua.
Mouche đảo mắt nhìn quanh lần cuối cùng những cô gái khác đang trò chuyện, những cô này ít ra cũng còn hữu dụng ở điểm là họ có thể ưỡn ẹo đi lại trên bục gỗ sân khấu và chọc cho bọn đàn ông la ó, cất tiếng cười hay huýt gió. Rồi nàng thu nhặt mấy món đồ riềng xếp vào chiếc va-ly mây nhỏ nàng vẫn đem theo bên mình vì cứ tưởng là được theo gánh lên xe buýt đi đến nơi mới cùng với họ.
Bây giờ thì nàng chẳng cần đến những món đồ này nữa, nhưng nàng cũng không nỡ quẳng chúng đi. Ít ra thì chiếc va-ly mây cũng còn dựng bên thành cầu Neuilly sáng mai khi cảnh sát đem những cây sào dài để vớt xác nàng từ dòng sông Seine lên.
Nàng xách chiếc túi lên và đi thẳng ra cửa không ngó mặt nhìn lại. Dường như biết trước nơi hẹn hò của mình, đôi mắt nàng mờ đi. Đôi vai gầy của nàng rũ xuống theo bộ điệu của một cô gái thất thế, ở Pháp người ta có thể nhận ra liền, của kẻ sắp tự tử...
Đúng lúc ấy, lão quản lý nhô đầu ra, gã linh cảm thấy điều bất tường, trong giây lát lão xúc động đến thương hại và muốn thay đổi ý kiến, muốn kêu nàng lại. Nhưng lão chần chừ. Nếu thấy con quạ non nào ở dưới tỉnh lên cũng thương hại thì rồi làm ăn ra sao?
Thực ra nơi con nhỏ này vẫn có cái gì hấp dẫn, lão cảm thấy thế. Điểm chưa khai thác được để hấp dẫn khán giả, nhưng nhất định là có – nếu tìm ra được điểm này... Nhưng lúc lão quyết định nhượng bộ thiên lương của lão và lão réo gọi sau lưng nàng : “Nè! Mouche! Đợi một chút! Lại đây. Có lẽ...” thì nàng đã đi xa rồi.
Mouche chân bước, mắt không nhìn thấy gì nữa, như một người đã chết, hướng về phía sông Seine, nàng vắn tắt nghĩ tới thời thơ ấu ở xứ Bretagne, nàng nhìn thấy khoảng biển xanh biếc với những ngọn sóng bạc đầu va vào những mỏm đá đen, những cánh đồng đầy nắng có những vách đá răng cưa cắt ngang, và những màu sắc đỏ hực của giống hoa loa kèn, giữa rừng hoa ấy nhô lên những cây thập giá bằng đá thời xưa và còn xưa hơn nữa là những phiến đá cao dựng lên từ thời Thượng cổ.
Những chiếc thuyền đánh cá rẽ sóng vào bờ; những đứa trẻ nô đùa trên cát; người đưa thư cỡi xe đạp đi qua; những người đàn bà dừng lại ngồi mách la mách lẻo ngoài cửa tiệm bán bánh mì, và có một lúc nàng như ngửi thấy mùi bánh mì mới ra lò và những ổ bánh tròn tròn giòn tan. Nàng thấy mình đang ở trong nhà thờ, nghe thấy tiếng sột soạt của những chiếc áo choàng hồ cứng và cả tiếng đàn phong cầm êm ái. Có một lúc những lời thánh ca dịu dàng thoảng qua trí não nàng và nàng nhìn thấy đôi tay héo mòn vì lam lũ của người mẹ hiền đang vuốt lại chiếc áo cho nàng mặc để rước lễ lần đầu. Nàng hồi tưởng lại những người bạn xưa. Đã có lần nàng cóm con thỏ xám, một con rùa, một con mèo vàng và một con vịt lúc nào cũng chỉ đứng bằng có một chân. Nàng nhớ lại đôi mắt của những con vật đi hoang đôi khi núp đàng sau bụi rậm âu yếm nhìn ra.
Nhìn lại khu vườn xuân sắc đầy hương nhụy ấy như nhìn qua một khung cửa trên bức tường, nàng không biết cuộc đời có còn đáng sống hay không. Vì nàng còn trẻ và người ta vẫn có thể xây dựng trên đống tro tàn của thất bại. Khoảng đêm đen dày đặc, lạnh buốt, thù hận ồn ào chỉ gợi lên những ý nghĩ tuyệt vọng nơi đầu óc nàng. Nàng cắm đầu lủi thủi bước không nhìn thấy gì nữa.
Từ trong bóng tối có một vật hay một người nào gọi ra: “Này cô kìa, cô nhỏ xách va-ly kia, cô đi đâu mà gấp thế?”
Mouche dừng lại giật bắn mình lên, bối rối, vì tiếng nói the thé ấy nhằm vào nàng, nhưng nàng không biết tiếng ấy xuất phát từ đâu. Câu hỏi trân tráo này khiến nàng tức giận, vì nó có tác dụng lôi nàng về cái thế giới mà thực sự nàng đã bỏ đi rồi.
Những lời nói tiếp theo trong bóng tối vọng ra càng làm nàng hoảng sợ hơn.
“Dưới đáy sông lạnh lắm, cô bé ơi, loài lươn, loài tôm chúng rỉa thịt cô đó.”
Kỳ quái thật! Cũng như bất kỳ người phụ nữ gốc Breton nào, nàng rất mê tín và tin có ma quỷ thần thánh. Sợ hãi nàng đưa mắt nhớn nhác tìm nơi xuất phát tiếng nói đã đoán trúng điều thầm kín trong lòng nàng.
Nhờ ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu hoả, nàng nhìn thấy một chiếc sạp diễn trò múa rối trống trơn trên căng một tấm bảng hiệu vải sơn có kẻ hàng chữ: “Ông Bầu COQ và Toàn Ban” [Nguyên văn: “Capitaine COQ et Sa Famille”]. Gần đấy phía bên này sạp, một chị làm nghề bói dạo, mặt mũi lem luốc đang chửi lộn với chồng về số tiền còm kiếm được, vừa lo dỡ chiếc lều vải. Bên kia sạp có hai người đàn ông đang lo khiêng chiếc máy thử sức mạnh lên một cỗ xe vận tải nhỏ. Xem chừng như không ai lưu tâm đến sự có mặt của đứa con gái.
Giọng nói lanh lảnh lại cất lên, công kích nàng một lần nữa:
“Làm gì mà thảm khốc đến thế? Bộ bồ cho rơi hả? Chà biển có bao giờ thiếu cá đâu mà rộn!”
Nhìn qua lớp sương mờ, Mouche thấy chiếc sạp múa rối không hoàn toàn trống trơn như nàng tưởng. Có một con búp bê vắt vẻo ngồi trên thành sạp, hay đúng hơn chỉ có nửa con búp bê vì không nhìn thấy chân nó đâu cả. Thực ra đó là một thằng búp bê tóc đỏ mũi cà chua, tai vểnh. Hắn mở đôi mắt trắng dã thao láo nhìn nàng, nét mặt hắn bối rối một cách tức cười. Dưới ánh sáng chập chờn vàng vọt của ngọn đèn dầu trông như hắn đang vẫy nàng.
“Hừ,” hắn nói. “Bộ mèo tha mất lưỡi rồi à? Người ta hỏi thì phải trả lời chứ.”
Ngay từ khi thấy biến động Mouche đã buông chiếc va-ly xuống mặt đường. Bây giờ nàng xách lên chậm rãi cất bước cố tình đi sát lại chỗ đựng sạp để quan sát thằng nhãi kỳ quái này.
Vẫn bất bình vì bị đường đột trêu ghẹo, nàng ngạc nhiên nghe thấy mình trả lời: “Vậy hả, thế có mắc mớ gì đến nhà cậu không?”
Thằng múa rối chăm chú nhìn nàng từ đầu đến chân. “Ủa,” hắn đáp, “thất nghiệp, rách rưới tả tơi mà còn nổi sùng nữa sao. Đây tử tế hỏi thăm chơi mà.”
“Tử tế mà lại đường đột hỏi chuyện người lạ khi chưa có người giới thiệu à?” Mouche cãi, “Lại còn xúc phạm đời tư người ta nữa. Cậu có chịu được không nếu tôi...”
Nàng không nói nữa, lần đầu tiên nàng nhận thấy mình đang nói chuyện với thằng nhãi hình nộm như thể nói với một người thật vậy. Mà nàng hành động như vậy cũng chẳng có gì là lạ, vì điệu bộ của nó cứ như thực ấy, và nét mặt quét sơn dường như cũng biến thái tuỳ theo vị trí cái đầu lúc lắc.
“Ồ, đối với tôi đâu có ăn nhằm gì,” hắn đỡ lời. “Ai thì cũng thích kể chuyện mình. Cô có muốn nghe tôi kể chuyện đời tôi không? Tôi ra đời trên một ngọn cây đêm áp lễ Noel...”
Bỗng có sự lay động bức màn và một con máu rối con gái chợt xuất hiện. Con nhỏ tai đeo vòng vàng, nó có đôi mắt to thao láo, một chiếc miệng nhỏ cong cớn. Nó lăng xăng chạy qua chạy lại có vẻ xem xét nàng theo mọi chiều hướng. Rồi nó nói: “Ngộ ha Carrot Top, gặp cô bé ở đâu vậy?”
Thằng múa rối lỏi tì vừa cúi rạp người chào vừa nói, “Không tệ lắm ha?”
Con nhỏ kêu ré lên. “Chèng ơi, Carrot, chắc cậu cũng không nghĩ là cô ta đẹp chứ... Chỉ còn da và xương không à.”
Carrot ngoắc đầu một cái ra bộ suy nghĩ. “Hừ, tôi cũng công nhận là đôi chân cô ta không đặc sắc, Gigi ạ, nhưng đôi mắt đẹp lắm và ở nơi cô ta có một cái gì...”
“Quê, theo ý tôi, đáng lẽ ra cô ấy phải đẹp hơn mới phải,” Gigi lẩm bẩm, rồi nghiêm nghị khoanh tay trước ngực, ngước mắt nhìn lên trời.
“Được,” Carrot Top đáp, “quê cũng được. Nhưng, chắc chị cũng biết...”
Mouche cho thế cũng là đủ rồi. Nàng dậm chân quát mấy đứa lỏi tì tinh nghịch: “Thế hả. Mấy người dám đứng đó bàn chuyện tôi hả - Mấy người có biết tư cách như vậy là xấu lắm không?”
Carrot Top có vẻ sửng sốt và xem chừng hắn bối rối. Hắn can: “Thôi, thôi. Có thể co nói đúng. Mấy lớp sau này tụi tôi ẩu lắm. Có lẽ tụi tôi phải kỷ luật hơn mới được. Sao cô không chửi tụi tôi một mách?”
Gigi ngúng nguẩy giận dữ. “Hừ, riêng tôi, tôi không đứng để nghe con chết tiệt nó chửi đâu nhé.” Nói rồi nó chui xuống quầy biến mất.
Carrot Top ngó theo và chậm rãi lắc đầu. “Tính nết lúc nào cũng đổ quạu như thế. Thôi, mời cô đi đi. Ai có chửi tôi tôi cũng thây kệ.”
Mouche không nín cười nổi. “Tôi thì không vậy. Tôi thấy thương cậu quá.”
“Ủa, thiệt hả?” Carrot Top làm ra bộ vừa thích thú vừa ngạc nhiên. “Việc này cần phải xét lại. Có lẽ tôi còn có dịp gặp lại cô.”
Hắn cũng biến mất nhưng lập tức từ trong ló ra phần thân trước của con chồn lông đỏ có cái mùi nhọn và dài kèm theo một nụ cười tinh quái. Đôi mắt cú vọ của gã đầy vẻ xỏ lá, giọng nói của hắn càng có vẻ xỏ lá hơn. Gã khiêu khích nhìn người con gái một chặp, rồi mỉm cười, cái cười ướt át, đểu cáng, gã bô bô cái miệng, “Chào cô bé!”
Cô nàng nghiêm nét mặt nhìn lại. “Không chào hỏi gì hết.” Nàng cảnh cáo gã. “Chú là đồ lưu manh, tôi chưa thấy ai lưu manh như chú.”
Con chồn ngoẹo đầu ra vẻ đau khổ. “Đâu có. Tại mắt tôi lé chớ. Không tin thi lại đây mà xem. Cô thử chìa tay ra coi.”
Mouche tiến lại gần phía sạp và rụt rè chìa tay ra. Vầng trán bên dưới chiếc nón nhỏ rẻ tiền vừa lộ vẻ lo lắng vừa ra vẻ thích thú. Con chồn nhẹ nhàng cọ nằm xuống lòng bàn tay Mouche và thở dài não nề. “Đó,” gã nói, “có đúng là cô xét đoán lầm em không?” Gã ngước mắt nhìn nàng.
Mouche không muốn bị mắc lừa. Nàng đáp. “Tôi không biết là có lầm hay không.”
“Tâm hồn người ta giống như con mèo con,” gã vừa nài nỉ vừa cọ cằm mạnh hơn vào lòng bàn tay Mouche, gã nói tiếp, “Cái khổ là chẳng ai thèm tin em cả, cô tin em nghe cô?”
Nàng sắp trả lời gã là nàng không nghĩ như vậy, thì gã cọ quậy cái đầu và ngước lên nhìn nàng một lần nữa. Cái miệng gã mở ra rồi lại lặng lẽ ngậm lại. Mặc dầu ánh sáng lờ mờ và bóng đêm chập chờn nhưng nàng nghĩ là mình nhìn thấy vẻ cầu khẩn, van lơn được tín cẩn trên khuôn mặt ma mãnh, nhọn hoắt, nàng thấy cảm động hết sức và thốt ra từ đáy lòng. “Ừ, thì cô tin...”
Nàng hầu như quên khuấy mất không biết mình đang đứng ở đâu và tại sao lại đứng ở đấy.
Nàng cũng không lấy làm lạ khi bắt gặp mình đứng cạnh sạp múa rối trò chuyện với một con chồn thuộc loại du đãng. Ở quê nàng không những người ta chỉ nói chuyện với những con thú nhỏ sống ngoài đồng ruộng và giống chim muông đậu trên cây, mà còn nói chuyện với cả cây cối và những dòng suối chảy, và thường bày tỏ nỗi lòng thầm kín cùng những ước vọng sâu xa của mình với những khối đá xám từ thời tiền sử bí hiểm đứng sừng sững trên đồng cỏ nữa.
Con chồn lại buông tiếng thở dài. “Em biết là thế nào rồi cũng có ngày gặp được người ngây thơ vô tội mà. Tên cô là gì nhỉ?”
“Marrelle. Nhưng người ta thường kêu chị la Bé Mouche.” [Nguyên văn: Petite Mouche]
“Cô Ruồi con hả? Tên em là Reynardo, J.L. Reynardo – Tụi bạn kêu em là thằng Rey. Cô ở đâu lên đây?”
“Ở Plouha, gần St. Brieuc.”
Con chồn ngẩng đầu lên nháy nháy một mắt tinh nghịch liếc ngang, gã đọc một câu phương ngôn, “Coi chừng con chó ngủ, thằng say rượu cầu kinh hoặc mụ đàn bà xứ Breton.”
Mouche giật vội tay ra và trả đũa lại bằng ca dao: “Khi con chồn nói chuyện nhân nghĩa thì cố mà giữ lấy ngỗng...”
Reynardo cười phá lên rồi rút sang phía bên kia sạp. “Cô bé ơi, người thì gầy tong teo mà dễ nổi nóng quá. Tôi nói vậy có đúng không bà con?”
Câu sau này gã nói với hai người lao động vừa hoàn thành công tác chất đồ lên xe và đang đứng gần đấy nghe chuyện.
“Thì có thế mới đối lại được bay, cáo già ạ.” Một trong hai người vừa mỉm cười, vừa nói.
Con chồn cười ré lên rồi cúi xuống dưới sàn gọi, “Ê, Ali! Lên đây một lát, mày thử nhát xem con nhỏ có ngán không.”
Bên dưới từ từ nhô lên một nửa tấm thân khổng lồ, đầu tóc rối bời, trông mà gớm, nhưng nét mặt hắn lại có vẻ đa cảm và trừng trừng nhìn Mouche, nàng cũng nhìn lại. Nàng không thể không nhìn được.
Reynardo đóng vai giới thiệu: “Đây là tên khổng lồ trong bọn chúng tôi, Alifanfaron – gọi tắt là Ali, Ali, đây là cô Mouche, cô ta mê tao như điếu đổ.”
Mouche bực bội đáp, “Còn khuya, nhưng nàng nghĩ tốt hơn nên lờ chuyện này đi xem cơ sự ra sao. Tên khổng lồ xem chừng như đang cố gắng một cách tuyệt vọng nhớ lại một điều gì và sau cùng cất giọng hiền dịu thân mật nói, “Phi-phô-phơ... Không, không – phô-phơ-phi – Chèng ơi. Trật lất rồi. Không khi nào tôi đọc trúng cả.”
Mouche nhắc va, “Phơ-phi-phô.”
Ali gật đầu. “Đúng rồi. Thêm vần sau cùng là phum nữa. Nhưng chuyện này đâu có ăn nhằm gì? Mà tôi không làm cô hoảng sợ chứ cô Hai?”
Thấy lòng mình bị rộn ràng thôi thúc, thấy tim đập thình thình mất một lúc, sau đó Mouche trả lời. “Ồ, tôi xin lỗi. Tôi sợ chú không nhát nổi tôi đâu.”
Tên khổng lồ buồn bã đáp, “Cũng được. Tôi thích được là bạn hơn chứ. May ra còn có người gãi đầu cho. Cô gãi đầu giùm tôi một chút.”
Mouche dịu dàng xoa cái đầu bằng gỗ trong lúc Ali vừa thở dài vừa chũi cái đầu vào những ngón tay nàng như một con mèo. Một lần nữa Mouche cảm thấy xúc động lạ lùng và càng cảm động hơn khi con chồn lên tiếng bảo: “Tôi nữa, còn tôi nữa”, như một đứa nhỏ bị bỏ rơi không được hưởng phần của mình, vùng vằng chạy lại dựa đầu vào vai nàng.
Một chiếc xe Citroen kiểu xưa, bẹp móp, sơn loè loẹt, trên mui có cái giá tải đô, và đằng sau có gắn thùng tải đồ từ trong bóng đêm chạy tới đậu xịch bên sạp, và một nhân vật kỳ quái dễ sợ xuống xe.
Hắn là một thằng da đen chột mắt vận bộ đồ nhà binh của quân đội Sénégalais thải, sờn rách, một ông già reo rúm có bộ mặt bèn bẹt, nhẵn thín, cái sọ hói trơ trụi, và miệng đầy răng vàng chứng tỏ đã có thời gã sống phong lưu lắm.
Gã không đeo một miếng băng trên mắt trái bị đui mà lại mang miếng băng trắng cáu bụi nên trông gã mà phát ớn lạnh, dầu sao vẻ hung hãn cũng được giảm thiểu nhờ nụ cười hồn nhiên và thơ ngây của gã. Trên cánh tay áo của gã có lon trung sĩ, và đầu của gã đội chiếc nón kê-pi từ thời thế chiến thứ nhất lật về phía sau chỏm tóc. Cổ gã đeo một chiếc đàn ghi-ta.
Gã nhập bọn và gật gù đầu ra vẻ thích chí, gã cả cười nói: “Úi chà! Giờ này mà còn đang tán tỉnh ai thế, Reynardo! Đố thấy mày xa gái nổi hai phút.”
Reynardo lườm gã Sénégalais. “Golo giả lại mười đồng quan mày giấu ở lòng bàn tay hồi mày thu tiền lúc chiều đi.”
Tên Sénégalais mỉm cười thán phục. “Bộ thấy hả, Reynardo? Quá lắm không sao lọt được mắt mày!” Gã móc túi lấy đồng bạc cắc để xuống bục, con chồn lập tức lượm lên, và lên mặt đạo đức nói với Mouche, “Cô thấy không? Có một người lương thiện ở kế cận cũng là một điều hay chứ. Golo, đây là cô bạn tao tên là Mouche. Bọn này đang tính chuyện thành hôn. Mouche, đây là Gole, nhạc công của gánh.”
Mouche bắt gặp mình đang trịnh trọng bắt tay gã da đen, gã cúi chào rất điệu nghệ và đang từ từ nâng tay nàng lên môi làm như nàng là một bà hoàng vậy.
Reynardo gắt, “Buông ra. Mày làm cô ấy đãng trí quên cả chuyện đang nói dở.” Hắn quay sang hỏi Mouche. “À này, cô bé, cô có biết hát không nhỉ?”
Mouche đáp, “Chút chút thôi. Còn chú thì sao?”
“Có chứ,” Reynardo khoe. “Giọng tê-no vững lắm. Tôi có người bạn hát giọng trầm hay lắm. Mình có thể hát ba bè được. Nè, Ali, mời ông bác sĩ lên đây. Golo đệm đàn cho tụi tao nghe.”
Tên khổng lồ biến mất và con hải âu rất ư trịng trọng lên thế chỗ, con vật này đeo đôi mục kỉnh kẹp mũi buộc bằng một sợi dây đen và được con chồn giới thiệu là bác sĩ Duclos, có chân trong Hàn Lâm Viện.
Con hải âu vừa cúi chào vừa lẩm bẩm, “Hân hạn, thật là hân hạnh. Xin lỗi, tôi phải vận đồ lớn. Tôi vừa đi dự tiệc thường niên của Hội Sưu Tầm Nhân Chủng về.”
Golo dựa lưng vào chiếc cánh cửa xe bị móp, nhè nhẹ dạo phần mở đầu của một bản nhạc êm dịu, rồi hấp! Dây đàn vang lên rộn ràng, không nói gì thêm, Mouche bắt gặp mình đang ca một bản dân ca Paris đang thịnh hành:
“Đi đi, đi đi, đi đi!
Anh không còn là người yêu của tôi nữa....”
[Nguyên văn tiếng Pháp:
“Va t’en, va t’en, va t’en!
Je ne suis plus ton amant...”
Ở đây người dịch dụng ý thay đổi vị trí cá chủ từ.]
Thực ra làn hơi nàng không sung mãn lắm, nhưng có sự êm dịu và tha thiết trong đó, với tiếng rung trong cổ nghe rất trẻ trung và thích thú, hoà hợp lạ lùng với giọng tê-no giòn giã nhưng không phải không êm dịu của Reynardo được nâng đỡ và pha trộn với những tiếng đệm “ồm ồm” rất thấp và đúng lúc của bác sĩ Duclos.
“Đi đi, đi đi, đi đi!
Anh không còn là người yêu của tôi nữa...
Người khác chiếm chỗ anh rồi...”
Bài ca phù hợp với tình cảnh Mouche đanglâm phải và dẫn nàng vào một vùng đất kỳ lạ nhất trong địa hạt lạ lùng của nghề diễn xuất nàng đã lạc vào nhân một đêm bạc phước.
Bài ca cũng lọt vào tai những người quanh đấy. Chị thầy bói và người chồng ngưng cãi nhau và mon men tới nghe, những cặp mắt tinh ranh của họ long lên trong ánh đuốc. Người phu khuôn vác và anh tài xế xe vận tải cũng vỗ tay giữ nhịp, mỗi khi đến chữ “đi đi”. Một bác tài tắc-xi cũng kéo thắng, rồi xuống xe. Những người đi khuya bu lại. Nhiều người bán hàng đang bận dẹp quán quanh đấy cũng nhập bọn. Chẳng mấy lúc một đám đông xếp thành nửa vòng tròn đã bao quanh lấy chiếc sạp cũ kỹ.
Phần đông họ là những người thô lỗ cục cằn; đêm lạnh và đã về khuya, nhưng họ vẫn say sưa theo dõi lũ búp bê biết nói ngộ nghĩnh, theo tiếng nhạc và xem một nhân vật mới lạ vừa nhập bọn – người con gái.
Chỉ trọn một khoảnh khắc, Mouche đã thay đổi. Sự thờ ơ, sự tuyệt vọng biến mất. Làm như có một điểm nào đó làm tăng vẻ hấp dẫn phát xuất từ tấm thân gầy ốm võ vàng, từ đôi mắt to, hiền dịu linh hoạt chiếu sáng rực cả khuôn mặt tái mét khi nàng đứng với con chồn quỷ quyệt những si tình và con hải âu trịnh trọng quá đáng, cứng nhắc và quan cách. Nàng diễn xuất theo lời ca, đang o bế người này lại quay sang với người kia làm như nàng thực tình đổi người yêu.
Cả bọn ngưng lại theo tiếng hô và tiếng Golo vỗ đàn thật mạnh, tiếng cười ha hả của gã át cả tiếng hoan hô của khán giả. Mouche không để ý tới việc Golo luồn tay ra phía sau lấy cái túi vả tả tơi gã nhanh tay chuyền nó trong đám đông và nàng cũng không lưu ý tới kết quả của cuộc thu tiền. Tiền giấy có, tiền cắc có, vì nàng còn mải theo dõi Reynardo và ông bác sĩ Duclos đang uốn éo, lia lịa cúi chào khán giả.
“Cậu Reynardo à, đêm nay cậu hát hay quá.”
“Tôi cũng xin phép khen lại bạn như thế, ông bạn Duclos.”
Quay sang với Mouche, Reynardo nói, “Cô bé thấy không, tôi có thể làm cho cô nổi bật ngay mà.” Còn ông bác sĩ Duclos thì lên mặt trịnh trọng nói, “Nhạc lý của cô cũng khá đấy. Tôi vẫn nói là tất cả đều phụ thuộc ở tài kiểm soát âm giai...”
Từ một xó nào đó bên dưới sạp có tiếng chuông ré lên. Reynardo la: “Úp! Ăn cơm! Xin lỗi! Hân hạnh được gặp cô. Thôi mời quan đốc đi cho.”
Con chồn và con hải âu chui xuống sạp biến mất. Golo đưa mắt buồn bã kèm nhèm của một tên da đen đã chứng kiến nhiều cảnh đời nhìn Mouche một hồi lâu. Gã hỏi, “Cô là ai, thưa cô?”
Mouche đáp, “Chẳng là gì cả.”
“Cô đem lại may mắn cho tụi tôi.”
“Thật không? Nếu vậy thì hân hạnh quá.”
“Tôi cũng không biết nữa.”
Câu hỏi của gã làm âm khí của đêm trường và mặt đất gồ ghề sống lại dưới chân nàng. Giấc mơ tiên hết rồi. Nhưng những thanh âm còn phảng phất và nàng thấy tâm hồn nhẹ nhõm lạ thường.
Golo gật gù đầu. Đối với gã không có chỗ để đi là chuyện quá quen thuộc rồi. Gã nói, “Xin lỗi cô, tôi phải sửa soạn để di chuyển.”
Gã đi lại phía xe và tháo dây chằng chiếc rương đựng đồ diễn tuồng ở cuối xe. Có ai đứng sát ngay đằng sau và có tiếng “X – xì!” Trên sạp có nửa thân con múa rối, một mụ già có lớp lông mép rộng và vầng trán cau có. Mụ vận chiếc áo choàng, đội chiếc nón vải nhầu, tay cầm cây phất trần, tiện tay đôi lúc phe phẩy mặt sạp một cái. Khi Mouche quay lại ngó mụ, mụ làm bộ đưa mắt lén lút ngó qua hai bên rồi nói với nàng giọng dấm dẳng. “Đừng có tin tụi nó.” Lập tức Mouche lại bị đem trở lại cái thế giới ban nãy. “Đừng tin ai cơ chứ?” Nàng hỏi.
“Đừng tin bất kỳ người nào. Tôi là đàn bà, cô cứ tin tôi đi, tôi biết tôi đang nói chuyện gì mà.”
“Nhưng tất cả bọn ấy dễ thương quá...” Mouche phản kháng.
“Hừ! Chúng giả bộ vậy đó. Tôi là bà Muscat gác-dan ở đây. Chuyện gì xảy ra tôi đều biết hết. Tôi thấy cô có vẻ con nhà tử tế. Tôi có thể nói thật với cô là... Tụi nó xạo lắm, và nếu cô nghe lời tôi khuyên thì cô không nên giao du với tụi nó.”
Mouche không phải hạng người thích nghe chuyện thèo lẻo, và bà Muscat thì đúng như những mụ gác-dan mà nàng đã từng biết. Nhưng dù sao nàng vẫn thấy lòng thắt lại, thứ kinh nghiệm đau khổ ta chịu khi nghe người khác nói xấu bạn thân. Nàng gắt lên, “Ồ, đâu có thể có thế được...”
Golo vừa đi qua đấy vai vác chiếc rương. Gã đứng lại và chỉ trích mụ “Bà không được ăn nói như vậy, bà Muscat. Tụi nó đâu có xấu đến thế. Có điều tụi nó còn trẻ và ưa phá phách chút đỉnh.” Quay sang phía Mouche, gã nói bằng một giọng khuyến dụ, “Đừng thèm để ý tới lời mụ ấy nói nghe cô. Đợi tôi bắt nhốt mụ vô đây là mụ hết bép xép ngay.”
Bị hăm mụ Muscat kêu ré lên rồi lủi xuống dưới sạp trong khi Golo đi vòng ra phía sau sạp.
Thế vào chỗ mụ một lúc sau có một con múa rối khác xuất hiện, đây là một ông già đạo mạo đeo kiếng gọng vuông bằng sắt, đội mũ nỉ và đeo tấm khăn choàng bằng da thuộc. Vẻ mặt của lão lúc thì có vẻ bao dung và suy nghĩ. Rồi lão nhìn thẳng vào mặt Mouche, bằng một giọng dịu dàng lão nói: “Chào cháu, tên qua là Nicholas. Qua làm nghề chế tạo và sửa chữa đồ chơi. Qua có thấy ngay là cháu đang gặp chuyện khó. Mắt cháu rưng rưng nước mắt lưng tròng mà.”
Mouche đưa tay lên chặn lấy họng vì nàng nghẹn ngào đến tắc họng. Từ lâu lắm rồi mới có người kêu nàng là “cháu”.
Lão Nicholas nói, “Cháu nói cho qua nghe được không?”
Lúc đo Golo lại xuất hiện. Gã nói, “Cô cứ nói cho ông bác nghe. Bác là người tốt bụng mà. Hễ ai gặp chuyện khó là đều lại thưa chuyện với bác Nicholas cả.”
Lúc này nước mắt đua nhau kéo lên, đua nhau tuôn trào như lòng dạ được cởi trói, Mouche đứng trong vùng ánh sáng rực trước sạp múa rối sụp xệ với một con múa rối bằng gỗ linh động lắng nghe nàng kể chuyện thử thách, thất bại của đời mình bằng tất cả tấm lòng chân thành, nếu kể cho người nghe chắc hẳn nàng không dám thổ lộ hết nước như vậy.
Khi nàng kể đến đoạn chót câu chuyện đoạn trường của đời mình, lão Nicholas kết luận dùm nàng: “Và cháu tính đêm nay đâm đầu xuống sông Seine.”
Mouche trợn mắt ngạc nhiên, “Sao bác biết?”
“Có khó gì đâu. Một người trẻ như cháu thì xuống đáy sông tìm gì mới được cơ chứ.”
“Nhưng, thưa bác Nicholas – Cháu biết tính sao hơn được. Cháu biết đi đâu bây giờ?”
Con múa rối gật đầu ra chiều đăm chiêu suy nghĩ một hồi lâu, bàn tay nho nhỏ ôm lấy vầng trán. Rồi lão nghiêng đầu sang một bên rồi hỏi: “Thế cháu có bằng lòng theo bọn này không?”
“Theo hả? Ồ, cháu có được theo không? Bác có thu xếp được không?” Bỗng nhiên viễn tượng thiên đàng hé rạng trước mặt Mouche. Vì đã thương yêu tất cả những con búp bê nhỏ bé kỳ dị và ưa hối thúc, chúng đã thay phiên nhau, từ khoảng thời gian ngắn, thu hút trí tưởng tượng của nàng hoặc co kéo những sợi tơ lòng của nàng. Để được mãi mãi giả bộ đóng kịch – hay vì năm tháng dài quá để lẩn trốn thực tại trong thế giới riêng của ảo tượng... Nàng giơ cả hai tay theo thế cầu khẩn rồi năn nỉ, “Bác Nicholas à! Bác cho cháu theo bác thiệt không?”
Con múa rối ra chiều suy nghĩ một hồi lâu rồi nói: “Cháu phải hỏi ý kiến cậu Poil du Carotte. Cậu ấy chính thức phụ trách phần trình diễn. Thôi chào cháu.”
Sân khấu trống trơn trong một thời gian khá lâu. Rồi có tiếng huýt sáo ầm ĩ và sau đó Poil du Carotte nhảy cà tửng xuất hiện, hắn lơ đãng nhìn bao quát. Rồi như ngạc nhiên gã hỏi: “Ủa, Mouche vẫn còn ở đây hả?”
Cô gái chưa biết phải bắt đầu như thế nào. Tính tình gã thất thường. Lúc này thì gã khác hẳn. Nàng đánh liều nói: “Bác Nicholas có nói...”
Carrot Top gật đầu. “Ừa, tôi có nghe mà.”
“Tôi có thể đi theo không cậu Carrot Top?”
Con búp bê băn khoăn nhìn nàng. “Cô hỏi khéo như thế mà từ chối cũng kỳ... Dầu sao chính tôi là người khám phá ra cô phải không? Nhưng trong trường hợp cô có theo bọn này cô đừng có đòi hỏi cái này cái kia nghe không? Cô biết trách nhiệm trình diễn tôi phải đảm đương cũng nặng lắm.”
“Ồ, đâu có... “
“Nhưng cô có chịu chăm sóc cho chúng tôi không?”
“Nếu tôi được giao phó công việc...”
“Khâu lại nút áo và những đồ khác?”
“Mạng vớ...”
“Bọn này làm gì có chân,” Carrot Top nghiêm giọng nói. “Đó là việc đầu tiên cô cần lưu ý.”
“Vậy thì tôi đan bao tay.”
Carrot Top gật đầu. “Tốt lắm. Nhưng chúng tôi không bao giờ dùng bao tay. Chắc cô dư biết, tiền nong cũng ít.”
“Tôi chẳng cần.”
“Vậy thì được lắm... Như thế thì cô có thể đi theo.”
“Ồ, Carrot Top!”
“Mouche!”
Mouche không nhớ rõ sự việc đã tiếp diễn ra sao, nhưng bỗng nhiên nàng thấy mình đứng sát bên sạp, khóc vì sung sướng, và Carrot Top choàng cả hai cánh tay quanh cổ nàng, bàn tay gỗ nhỏ bé vuốt má nàng. Gã năn nỉ: “Mouche, đừng khóc nữa, trước sau tôi cũng định mời cô theo. Tôi phải giả bộ đôi chút vì tôi làm quản lý... Chào đón cô gia nhập với bọn Poil du Carotte và gia đình ông bầu Coq.”
Từ bên dưới sạp có tiếng kêu gắt gỏng của con chồn và giọng nói the thé của Gigi vang lên: “Tại sao lại nhận thêm cô ấy nữa? Bây giờ đã chẳng đủ ăn rồi còn gì nữa.” Mụ Muscat vụt chạy qua sân khấu, mụ nói quang quác: “Nhớ đấy nhé. Tôi đã dặn rồi đấy nhé.” Ali nhô đầu lên nói vội: “Xì, tôi vui lắm. Tôi cần được săn sóc vì lắm lúc tôi khờ khạo lắm. Gãi đầu giùm tôi đi.”
Carrot Top bỗng trở nên cứng rắn. “Không, bây giờ chưa được, Ali. Phải lo chạy máy đi chứ. Golo... Golo, mi đâu rồi.”
“Có tôi đây, sếp.” Tên Sénégalais xuất hiện sau sạp.
“Cô Mouche đi theo bọn mình đó. Kiếm cho cô ấy một chỗ ngồi trong xe, rồi trở lại thu xếp đồ đạc, Golo.”
“Dạ, thưa sếp. Tôi sẽ lo xếp đồ. Tôi làm được mà. Mời cô đi theo tôi, tôi lo liệu cho.” Hắn xách chiếc va-ly của Mouche rồi cùng nàng đi lại chỗ chiếc xe Citroen đậu, hắn xếp hành trang vào thùng xe phía sau. Rồi hắn ngó vào băng sau, chôn sâu dưới những manh quần áo cũ, giấy báo, bản đồ, những bộ đồ của những con múa rối, những con đội xe, những gói đồ, một chai bia, một ổ bánh mì ăn dở, những dụng cụ, và một hộp xăng rỗng để lẫn lộn với những đồ dùng của đàn ông.
Golo bắt đầu một cuộc lục lọi vô ích. “Không lấy gì làm rộng rãi lắm, nhưng...”
Mouche đỡ lời, “Không sao cả, Golo. Tôi đã hứa với Carrot Top rằng tôi sẽ sắp xếp đồ đạc lại. Chỉ chút xíu là ngăn nắp liền.”
Vừa làm, Mouche vừa khe khẽ hát. “Đi đi, đi đi, đi đi...” Nàng khe khẽ huýt sáo điệu hát. Nhưng nàng tìm thấy những lời ca mới cho cung điệu cũ. “Đi đi, Thần chết! Mi không còn là người yêu ta nữa. Ta đã tìm được người tình mới tên là Sự sống. Ta nguyện sẽ trung thành với chàng mãi mãi...”
Nàng thu dọn lấy chỗ hẹp để ngồi, gấp quần áo và những tấm bản đồ lại, gói ổ bánh và mẩu xúc xích nàng tìm thấy, cẩn thận xếp quần áo vào chỗ sạch nhất, và rồi nàng cặm cụi lau lau, chùi chùi chiếc xe cũ, chiếc xe sẽ là căn nhà tương lai nơi đó nàng ở chung với Carrot Top, Reynardo, Ali, mụ Muscat, Gigi, Golo và cả bọn.
Say mê hý hửng đến nỗi nàng không nghĩ đến một người nữa đương nhiên phải có mặt nơi đây, đó là người điều khiển bảy con múa rối.
Sau khi nàng đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi, duy chỉ còn vướng chiếc thùng xăng rỗng không biết để vào đâu cho gọn, nàng ở xe chui ra kiếm Golo hỏi ý kiến.
Vậy mà khi thấy gã đứng gần đấy, nàng không sao lên tiếng gọi, không sao nói nên lời. Cảnh tượng bày ra trước mắt thật là lạ lùng quái đản.
Vì chiếc sạp cùng với những diễn viên khả ái đã biến mất chỉ còn trơ lại một đống gỗ, vài tấm phông, mảnh vải sơn, ít bức tranh giấy nham nhở được Golo cuộn trong vải không thấm nước và cột dây lại, gã làm công việc với những cử chỉ của một tay thành thạo. Không thấy bóng dáng một con múa rối nào vô, chắc chúng đang an nghỉ bên trong cái thùng gỗ để kế bên.
Những cây cọc trên đó cắm một cây đuốc tẩm dầu đang cháy vẫn còn đó, có một người đàn ông mà Mouche chưa hề nhìn thấy lần nào đứng tựa lưng vào đấy. Hắn bận một chiếc quần vải dầy có những sọc thẳng, đi một đôi giầy thô, và bận chiếc áo len cổ tròn, bên dưới lớp áo khoác nhà binh cũ. Hắn đội một chiếc nón dệt bằng sợi lệch sang một bên đầu, miệng lơ lửng ngậm một điếu thuốc lá.
Dưới ánh sáng chập chờn khó có thể đoán tuổi hắn, nhưng dáng điệu và nét mặt hắn, khoé miệng hắn thật lạnh lùng, trân tráo và khinh khỉnh. Đôi mắt hắn trừng trừng nhìn Mouche và nàng không thể nhìn thấy ánh lửa phản chiếu trong đôi mắt ấy.
Sự xuất hiện của hắn giống như một bàn tay lạnh đặt trên tim nàng, vì không có gì là ấm cúng dịu dàng trên khuôn mặt đang tựa vào cây cọc, hai nắm tay gã thọc sâu vào túi áo khoác. Ánh mắt của gã có vẻ thù hận và điếu thuốc ngậm trễ trên môi có điệu khinh bạc.
Trong thâm tâm Mouche biết ngay hắn la chủ nhân của lũ múa rối, chính hắn điều khiển những con múa rối bé bỏng đã gây thích thú cho nàng, nhưng nàng vẫn sợ rủn người. Mất một lúc, nàng vẫn thầm hy vọng là không phải hắn, không phải chủ nhân của lũ múa rối, nhưng là một kẻ nào đó, một người phu đổ nhựa đường, một tên lao công, hay một thằng cầu bơ cầu bất ở khu vực quanh đây.
Golo, làm xong công việc đứng thẳng người lên, nhìn người này rồi lại ngó người kia, người đàn ông kín miệng, cô gái hoảng sợ và giới thiệu họ với nhau một cách cặn kẽ, làm như họ chưa hề gặp nhau bao giờ, làm như gã đàn ông nấp sau bức màn nơi gã điều khiển bằng ngôn ngữ cử chỉ lũ múa rối đã không nhìn thấy, không quan sát tỉ mỉ những nét lồi lõm trên khuôn mặt và mỗi đường cong trên tấm thân gầy ốm của đứa con gái.
“Cô Mouche, đây là ông bầu Coq.” Golo giải thích, rồi quay sang phía người đàn ông đứng không nhúch nhích. “Thưa ông bầu, đây là cô Mouche. Tên Carrot Top, gã thấy nàng lủi thủi đi trong đêm vừa đi vừa khóc, gã tốp nàng lại, nói chuyện với nàng một hồi. Rồi thằng Reynardo khám phá ra nàng là một ca sĩ khá có tài nhưng gặp vận rủi, rồi ông Nicholas xuất hiện và hỏi xem nàng có bằng lòng theo tụi này không, sau khi bàn chuyện này thì mụ Muscat nhảy ra làm tùm lum lên. Rồi Carrot Top nói rằng gã chấp nhận cho nàng đi theo gánh. Tôi nghĩ như vậy là may mắm cho hết mọi người.” Hắn ngừng lời, ra vẻ đắc ý lắm. Golo cứ ngỡ là những con múa rối nhỏ bé đã suy nghĩ và hành động như những cá nhân riêng biệt, còn người điều khiển không hay biết gì hết trọi về những điều chúng nói hoặc làm hay những việc đã xảy ra giữa bọn chúng với nhau.
Phần Mouche cũng vậy, nàng sững sờ không kém, sự có mặt của gã đàn ông khiến nàng lúng túng, lo lắng làm cho bụng dạ nàng đã rối càng rối thêm.
Người đàn ông được giới thiệu là ông bầu Coq chớp mắt thật nhanh như đã hiểu hết điều Golo nói, hắn gay gắt.
“Hừ, bay muốn tao làm gì đây? Carrot Top bảo bay làm sao?”
“Xếp sạp lên xe, thưa Ông Bầu.”
“Ừ, thì làm đi. Bay lái nghe không. Tao phải ngủ một giấc.”
“Xếp sạp lên xe. Ô-kê.” Golo khuân cái sạp nặng nề lên xe rồi nhưng còn chần chờ. Ông bầu quát “A-lê, đi!” và tiện chân đạp gã một cái.
Golo không kêu ca, không phản kháng. Mouche nghĩ mình có thể xấu hổ và buồn đến chết vì phải chứng kiến tư thế tủi nhục mà tên da đen phải tránh nhé cú đá thôi sơn, đúng như đá con thú khiếp đảm – hay như một người đã biết thế nào là vô ích khi phản kháng sự độc ác.
Thực tại lạnh lùng như đêm tối đang bao phủ quanh nàng. Nhân cách và sự thô lỗ của con người cũng cay sè như lớp khói ám của đám rác cháy dở lơ lửng trên đầu hắn. Đến lúc hắn đưa khoé mắt thám sát trên thân hình nàng và đây là lần đầu tiên hắn trực tiếp nói với nàng. Gã vẫn lỏng lẻo ngậm điếu thuốc lá trên môi, bất động một cách đáng sợ ngay cả khi hắn nói, vì hắn có biệt tài nói bằng hơi bụng mà khỏi cần mấp máy môi khi hắn muốn.
“Nhỏ Mouche lại đây.”
Nàng thấy như bị thôi miên. Nàng thấy bất lực không kháng cự nổi và từ từ tiến lại phía hắn, hắn nhìn nàng từ đầu đến chân.
“Bay khỏi cần phải bày tỏ thiện cảm với tên Golo.” Hắn vừa nói vừa để ý dò xét nàng. “Sống thế này còn sướng gấp mấy sống ở nơi khác. Từ đây bay chỉ nghe lệnh tao thôi...” Hắn ngừng nói, và đầu điếu thuốc lá lúc lúc lại rực lên. Mouche thấy mình run lập cập. “Bay muốn theo tụi tao bao lâu tuỳ ý và giúp vào việc trình diễn. Không trình diễn được thì tao đá văng ra. Thằng Carrot Top muốn nói gì thì kệ nó. Thằng Carrot Top khoái bay. Thằng Reynardo và bác sĩ Duclos nghĩ rằng bay hát hay. Tiếng hay khóc thút thít như tiếng con nít làm tao phát ngấy, nhưng nhờ vậy mà rút được tiền khán giả đêm nay, tao chỉ cần có thế thôi. Thôi nhảy lên băng sau đi. Nếu có đói thì kiếm bánh mì, kiếm xúc xích mà ăn. Đừng có lộn xộn nghe không. Thôi đi.”
Nếu không vướng cái va-ly thì Mouche đã quay đầu bỏ chạy. Bây giờ cái va-ly ấy đã bị khoá trong thùng xe và nàng mắc cái nhược điểm của đàn bà là không thể rời bỏ đồ đạc của mình dù cho nó có tồi tàn đến đâu đi nữa. Ngoài ra, bây giờ nàng đi đâu cơ chứ? Không thể nhảy xuống sông được nữa, dưới đáy sông có những con lươn bò ngoằn ngoèo, những con tôm hùm, tên Carrot Top bảo thế.
Nước mắt dâng mờ, Mouche quay đi và ríu rít nghe theo.
Nàng nghe tiếng cột đồ, tiếng đập thình thịch trên mui xe. Golo đang lúi húi buộc chiếc sạp tháo rời vào giá xe rồi buộc thùng xe ở phía sau.
Ông bầy Coq ngồi ở băng trên kéo cái mũ sợi che đôi mắt rồi ngủ liền. Chiếc xe do Golo lái bắt đầu chạy, băng qua cầu chạy theo hướng bắc ở Port Neuilly, bò ra xa lộ đi Rheims.
Ngồi co ro ở băng sau, Mouche vừa lau nước mắt vừa nhấm nháp mẩu bánh mì xúc xích. Nàng cố tự an ủi mình rằng nằm yên ổn trên băng sau, nàng được che chở bởi lớp vải mưa chống lại thời tiết khắc nghiệt, và lũ múa rối bé nhỏ, chúng có vẻ mến nàng. Và nàng nhớ rằng chính ông bầu Coq cũng nói ám chỉ đến chúng bằng ngôi thứ ba làm như chúng có đời sống riêng của chúng.
Trước khi nàng thiếp ngủ đi, nàng nghe tiếng chiếc thùng gỗ cọ vào thành phía sau xe, nàng mỉm cười và chợt nhớ đến gã Poil du Carotte cúi đầu chào theo điệu phường tuồng, con chồn ba xạo nhưng khả ái, gã khổng lồ đau khổ, đứa con gái tóc vàng phụng phịu, con hải âu thích long trọng nhưng tốt bụng, mụ đàn bà giữ cửa lắm điều nhưng thực sự là một người đàn bà đáng tin cẩn, và gã sửa chữa đồ chơi bể vỡ rất nhân từ hiền hậu. Thế nào rồi nàng cũng sẽ gặp lại chúng...