Chương III
Tác giả: Paul Jacques Bonzon
Về đến nhà trọ Ca-bơ-rét, Ti-đu thấy các bạn mình đang xúm xít trong "phòng ngoài" để ăn sáng. Ma-đi nói đùa:
- Cậu đi đâu về thế? Ngắm mặt trời mọc trên mặt hồ cạn nước à? Sáng nay cậu đã thấy những tàn tích đổ nát trồi lên chưa?
- Rồi! Các cậu hình dung xem, anh chàng Gămbađu không biết bơi mà lại mon men đến chỗ đó. May mà mình với con Ka-phi đến kịp. Chúng mình đã cứu anh ta khỏi chết đuối. Cái anh chàng Gămbađu ấy đã làm cho mọi người phải sợ; đúng là một con người hết sức kỳ quặc. Anh ta cho rằng những người lạ đến đây chỉ làm hại anh ta, đặc biệt là những người quan tâm đến việc rút cạn nước hồ.
- Cả bọn mình nữa chứ?
- Đối với chúng ta thì ít thôi. Mình đã nói cho anh ta tin là chúng ta đến Mô-bơ-rắc không phải vì chuyện đó; trái lại chúng ta hết sức tiếc bởi việc tháo nước hồ mà chúng ta mất bơi lội. Theo mình hiểu thì anh ta tin ở chúng ta. Trái lại, anh ta nghi ngờ và dè chừng hai người khách nghỉ ở quán trọ. Đã có lúc mình nghĩ là anh ta sắp nói ra một điều gì bí mật, thế rồi đột nhiên anh ta im bặt. Tự nhiên anh ta nỗi đóa lên với mình và tống cổ mình ra khỏi lán của anh ta.
Tông-đuy gật đầu, giơ tay lên gãi cái sọ dừa nhẵn thín dưới chiếc mũ nồi của cậu.
- Ti-đu này, cậu có chắc là anh ta lẩn thẩn không, không mất trí như người ta đồn đại đấy chứ?
- Có khả năng sự mất trộm ở trang trại của chú anh ta và cái chết phũ phàng của chú thím anh, rồi cái làng cũ bị phá đi trước khi xây dựng đập nước và xả nước ngập hồ, tất cả những cái đó cộng lại đã ít nhiều tác động đến thần kinh của anh? Nhưng cái đó xảy ra đã mười lăm năm nay. Mình không có một ấn tượng nào là có một ai đó đã mất trí. Gămbađu ngờ vực những người lạ quan tâm đến việc làm cạn hồ nước, chắc là anh ta có một lý do gì đó thôi.
Những người "Bạn đồng hành" suy nghĩ. La Ghiơ hỏi:
- Cậu có nghĩ là nếu bọn mình đến thăm anh ta, liệu anh ta có tống cổ ra khỏi cửa không?
- Chúng ta cứ thử xem - Nha-phơ-rông gợi ý, - nhưng đừng có cái vẻ là chủ tâm đến thăm. Chiều nay khi tản bộ, chúng ta đi một vòng, lúc đó đến cây Thánh-giá-Nghiêng thì quay lại qua trước cái “lều vịt" của anh ta.
Trong bữa ăn ở quán cơm, những người "Bạn đồng hành" quan sát kỹ hai người khách lạ nhưng thái độ của họ chẳng có gì khác thường. Rồi họ về nhà trọ xỏ giầy leo núi, gọi con Ka-phi lúc nào cũng phởn phơ, để đi dạo. Họ leo lên ngọn đồi sau Mô-bơ-rắc-Thượng, xong họ lại xuống dốc theo con đường mòn dẫn về trước lán của Gămbađu.
Nghe tiếng bước chân, người đàn ông đi cà nhắc mở cửa ra, lăm lăm chiếc gậy trong tay (vả chăng nhiều lần như vậy mà Ti-đu đã thấy). Tưởng anh ta nổi khùng thì ngược lại, anh đứng im rồi thả rơi chiếc gậy, hai tay vỗ lên đùi mà gọi:
- Lại đây, nào, con chó ngoan của ta! Lại đây nào?
Ka-phi do dự, nhìn chủ nó và chủ nó nói thầm:
- Đi đi! Lại với anh ấy đi! Anh ấy không làm hại mày đâu!
Con chó chạy đến gần Gămbađu và để cho anh ta vuốt ve. Rõ ràng là Gămbađu hài lòng, anh cũng gọi luôn cả nhóm học sinh:
- Hê, các bạn trẻ? Các bạn cũng vậy, lại đây nào các bạn!
Anh thân mật giang rộng hai tay. Ti-đu nói nhỏ:
- Lại đi các bạn, nhưng chớ tò mò làm anh ta phật ý thì phiền. Có thể anh ta lại nổi máu tam bành như sáng nay.
Tất cả bước vào, ùn lại trong bếp đang chập chờn một làn khói mỏng phơn phớt xanh bay lên từ mấy que củi đã tàn. Trên bàn vẫn ngổn ngang những bát đĩa như sáng nay.
Trong chiếc chậu rửa bằng kẽm chất đầy soong chảo, bát đĩa bẩn và đủ thứ.
Ma-đi không thể không tủm tỉm cười về sự lộn xộn đó.
- Đừng chế giễu tôi, cô bé thân mến ạ. - Gămbađu nói - một tên đàn ông nhiều tuổi, sống một mình như tôi không có cái khiếu về nội trợ. Ngồi xuống đi! Cả sáu bạn nhỏ, ngồi xuống đi!
Ngồi xuống? Chỉ có hai chiếc ghế! Gămbađu chạy đi tìm được một chiếc ghế đẩu trong phòng của anh rồi vừa thu dọn một góc bàn vừa nói rằng nó vẫn chắc chắn, có thể làm chỗ ngồi. Anh nói thêm:
- Tôi muốn mời các bạn uống chút gì đó nhưng tôi chỉ có nước trong thôi. Vang thì đắt quá... Nước ở Mô-bơ-rắc sạch, không ô nhiễm đâu mà sợ.
Ghế ngồi đã thiếu, cốc chén cũng hiếm hoi.
Gămbađu chỉ có ba chiếc cốc, những chiếc cốc sứt sẹo và cáu vàng.
- Chúng tôi vẫn uống nước trắng đấy chứ - Ma-đi nói - Chúng ta có thể cho đầy nước vào cái bình này rồi chúng ta ngửa cổ mà tu như vẫn tu khi cắm trại cũng được chứ sao?
Cái bình được chuyển từ tay người này qua tay người khác một vòng rồi cuối cùng đến tay Gămbađu và đặt xuống bàn. Anh nói:
- Nhìn các bạn, không có chút gì là kiêu kỳ. Các bạn thật là tốt! Thế các bạn từ thành phố nào đến?
- Li-ông.
- Các bạn giản dị như những người nhà quê chúng tôi.
Gămbađu lấy làm sung sướng. Anh cười vui vẻ, biết mình đang nói chuyện với ai, chứng tỏ anh chẳng có tí gì là hung dữ như ở địa phương này đã đồn đại về anh. Nét mặt anh giãn ra, một thoáng buồn hiện lên trong đôi mắt anh.
- Liệu các bạn, các bạn cũng coi tôi là thằng điên ư?
- Nhất định không!- Tất cả bọn trẻ đồng thanh đáp.
- Thế nhưng, cách đây mười lăm năm, có thể nói tôi đã là một người mất trí... Nhờ trời tôi đã trở lại bình thường như mọi người. Nhưng đấy, trong làng này người ta tin tôi vẫn như vậy... bởi vì tôi sống trong cái lán do tự bàn tay tôi làm nên này.
Ma-đi nói:
- Chúng tôi biết chuyện đó. Trong thời gian xây dựng đập nước, anh đã gặp nhiều điều bất hạnh, hết việc này đến việc kia...
- Ai nói cho các bạn biết?
- Vợ chồng người chủ trại mà chúng tôi ở trọ, ông bà Pu-giát.
- À! Nhà trọ Ca-bơ-rét?... Họ đã kể cho các bạn?... Chính xác thì họ nói với các bạn những gì nào?
- Họ nói rằng trong một tai nạn, anh đã mất đi người chú và người thím nuôi dạy anh.., rằng trang trại của chú thím anh bị cướp trước mấy ngày lúc xả nước vào hồ sau khi xây xong đập nước.
- Họ không nói cho các bạn biết là chú tôi rất giàu mà tôi lại không nhận được chút gì thừa kế à?
- Thế chú anh không để lại cho anh gì cả ư? Chú anh truất quyền thừa kế của anh?
Gămbađu không trả lời. Bởi Ma-đi đã đặt ra câu hỏi đó, anh phóng một cái nhìn nhọn hoắt vào cô bé và chau mày lại. Ma-đi hiểu rằng mình đã quá thóc mách không giữ được ý tứ. Một phút im lặng. Sợ phải thấy Gambađu nổi giận, Ti-đu vội nhảy xuống khỏi góc bàn mà cậu đang ngồi và đi ra.
- Đừng! - Gămbađu ngăn lại.- Các bạn đừng đi. Tôi có đôi điều muốn thổ lộ với các bạn..., những điều mà tôi không bao giờ tin ai để nói ra cho họ biết.
Ti-đu lại ngồi xuống. Ngập ngừng giữa ý muốn nói ra và sự còn nghi ngại, Gămbađu vặn xoắn hai bàn tay, tỏ ra bối rối. Rồi anh bắt đầu:
- Chú tôi yêu tôi lắm. Chú tôi không truất quyền thừa kế của tôi. Ông đã để lại cho tôi một chúc thư ở Phòng Công chứng Xanh-phơlua. Trong chúc thư ông để lại trang trại cùng các nhà phụ và ruộng đồng cho một người cháu khác. Phần còn lại của gia tài có nghĩa là vàng thì thuộc về tôi, để phục vụ cho việc học hành của tôi. Tôi muốn trở thành một bác sĩ thú y. Tôi yêu quý súc vật lắm.
- Thế của cải đó đã mất đi trong vụ trộm à?
Gămbađu lắc đầu:
- Chú tôi là một người thông minh và thận trọng. Ông không để một số của lớn như vậy dưới đáy một cái chảo hay giữa một chồng chăn gối, hoặc trong tủ như một số người nhà quê đã làm. Những tên trộm cướp thường lấy đi những đồ đạc ít có giá trị như ti vi, vài đồng ngân phiếu, những tờ giấy bạc trong một cái ví.
- Thế còn những cửa cái đó ra sao? Chú anh không nói rõ cho anh biết nơi giấu vàng à?
- Chú tôi không hề thốt ra lời nào. Lúc đó tôi còn quá trẻ... Nhưng chú tôi đã dạy cho tôi học thuộc một bài thơ không đầu không đuôi và sẽ giải thích cho tôi vào ngày mà ông cảm thấy sắp từ giã cõi đời. Nhưng cái chết của chú tôi đã xảy ra đột ngột và quá phũ phàng.
Những người "Bạn đồng hành" suy nghĩ.
- Anh cho rằng bài thơ đó là chìa khoá của một bí mật phải không? Anh còn giữ bài thơ đó chứ?
- Nó biến mất trong vụ cướp đó cùng với những giấy tờ khác… nhưng tôi đã thuộc nhập tâm. Tôi đã viết ra bằng giấy trắng mực đen một cách chính xác, phòng khi tôi đãng trí.
- Chúng tôi có thể xem được không?
- Nó được giấu trong phòng của tôi ở một chỗ bí mật. Tôi chỉ đọc cho các bạn nghe thôi.
Anh ngồi lặng đi một lúc rồi bắt đầu đọc bằng một giọng đều đều bài thơ Ca ngợi mặt trăng.
Những người "Bạn đồng hành" chăm chú nghe anh đọc. Bài thơ này có nghĩa như thế nào? Gămbađu điều chỉnh lại nhịp thở rồi nói thêm:
- Những chữ cái đầu tiên của mỗi dòng viết bằng mực đỏ còn tất cả là bằng mực đen. Tôi đã nghĩ là những chữ viết hoa bằng mực đỏ đó xếp lên nhau thì có thể hợp thành một câu. Nhưng không, cái đó chẳng có ý nghĩa gì cả.
- Có thể chính đó là một bản mật mã chăng? - Ti-đu có ý kiến trước.
- Một bản mật mã à? Thế là thế nào?
- Một bức thư mã hoá. Những chữ viết hoa đầu dòng đó có thể xê dịch lên hoặc xuống một hai ba nấc hoặc nhiều hơn trong bản thứ tự chữ cái abc... Trong một bài, các chữ thường gặp là chữ "e". Trong bài thơ của anh theo tôi thì chữ "g" thường nằm đầu dòng, nếu dịch lên hai nấc thì nó biểu thị cho chữ "e". Cứ như thế thì sự giải mã chỉ còn là một trò chơi thôi. Anh có thể cho chúng tôi mượn bài thơ đó của anh được không? Với sáu người chúng tôi, biết đâu chúng tôi có thể hiểu được ẩn ý của bài thơ.
Gămbađu suy nghĩ rồi lắc đầu:
- Ồ không! Bằng bất cứ giá nào tôi cũng không thể rời nó ra được.
- Thế thì anh có đồng ý ngày mai chúng tôi lại đến đây để chúng ta cùng nghiên cứu tập thể được không?
Gămbađu do dự rồi tuyên bố:
- Đồng ý! Sáng mai tôi sẽ chờ các bạn.
Đêm đã xuống. Những người "Bạn đồng hành" ra khỏi “lều vịt”. Về đến nhà trọ Ca-bơ-rét họ bàn luận về bài thơ lạ lùng Ca ngợi mặt trăng đó. Theo Tông-đuy thì có một số đoạn không phải là thiếu chất thơ nhưng một số câu thì chẳng gắn tí gì vào nội dung ca ngợi mặt trăng cả.
- Thôi đừng đoán già đoán non nữa, vì ngày mai chúng ta còn gặp lại Gămbađu cơ mà - Nha-phơ-rông cắt ngang câu chuyện đang nói dở.
Tối hôm đó họ lại tự nấu lấy ăn mà không ăn ở nhà hàng, một phần vì kinh tế eo hẹp nhưng cái chính là Bít-xtếck phàn nàn là đã để xoong nồi của cậu mốc meo lên.
Ăn xong, đầu óc vẫn còn lương vướng về bài thơ của Gămbađu, thấy bí họ rủ nhau đi dạo ban đêm cho sảng khoái. Lúc này mặt trăng rất sáng, Ma-đi ngân nga một câu thơ "Lưỡi liềm vàng ối trong cánh đồng sao!". La Ghiơ khen:
- Hay đấy chứ! Thơ của cậu đấy à?
- Không, của Victo Hugô đấy.
Họ đi qua làng rồi đi theo một con đường nhỏ dẫn đến hồ nước. Bỗng nhiên, khi đến gần một lùm cây, Ka-Phi đừng lại và sủa inh ỏi, rồi nó thận trọng bước lên. Các cô cậu chủ đi theo nó. Nha-phơ-rông thầm thì:
- Hình như ... phải rồi, một chiếc tăng... những người cắm trại.
Màu sắc cái tăng hoà lẫn với màu sắc cây lá. Tông-đuy nói:
- Hôm qua mình qua đây thì những người cắm trại này đã có đâu.
Để khỏi gây phiền cho các nhà du lịch, họ đi lối khác để tránh, rồi về nhà ngủ.
Nằm trên giường, Ma-đi không tài nào ngủ được, cứ trăn trở nghĩ về bài thơ của Gămbađu. Nhưng nó dài và khó quá, lẫn lộn lung tung. 'Thôi, để mai, ngày mai sẽ rõ".
Ngủ muộn nhưng sáng hôm sau, cô là người dậy sớm nhất, trước cả Ti-đu. Cô bé đến các cửa để đánh thức các bạn.
- Dậy đi, các ông lười ơi. Mặt trời đã lên lâu rồi và Gămbađu đang chờ chúng ta đấy!
Nửa giờ sau, cả đoàn rời nhà trọ Ca-bơ-rét, đi xuyên qua làng im lìm ngủ say để đến "lều vịt".
Nha-phơ-rông có vẻ ngờ ngợ cất tiếng nhận xét:
- Này, Gămbađu ngủ mà vẫn để nguyên cửa thế? Anh ta có tiếng là đa nghi cơ mà.
Tất cả thận trọng đến gần, Ma-đi cùng con Ka-Phi đi lên trước. Đột nhiên cô kêu ré lên:
- Ôi! Có chuyện gì xảy ra rồi!