watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bức chúc thư bằng mật mã-Chương VII - tác giả Paul Jacques Bonzon Paul Jacques Bonzon

Paul Jacques Bonzon

Chương VII

Tác giả: Paul Jacques Bonzon

Hành động trắng trợn của tên lạ mặt đã đến mức nghiêm trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, tên đe dọa lần này và lần trước chỉ là một, cùng một nét chữ, cùng một miếng bìa như nhau, lần này hắn không chỉ dừng lại ở mức đe dọa mà đã có hành động báo thù hết sức bỉ ổi.
Nếu thông điệp trước còn có thể ngờ là ý định thiện chí cảnh báo để đề phòng tính nết hung dữ của Gămbađu thì với lần này rõ ràng không phải như vậy. Nha-phơ-rông nói:
- Dù sao đi chăng nữa thì ý đồ của tên này hoàn toàn không lô-gích tý nào. Nó muốn chúng ta phải rời nhanh khỏi Mô-bơ-rắc mà nó lại chọc thủng hết săm xe của chúng ta thì nhanh thế nào được. Đúng là một thằng điên chứ không phải là Gămbađu điên.
Ma-đi nói:
- Theo mình thì việc này cần phải báo cho cảnh sát.
- Ở Mô-bơ-rắc làm gì có cảnh sát - La Ghiơ nói.
- Thì ta báo cho cảnh sát Xanh-phơlua là huyện lỵ không được à? - Nha-phơ-rông nói xen.
- Tại sao?
- Nếu báo cho cảnh sát, chúng ta buộc phải nói ra là chúng ta bị đe doạ phải xa lánh Gămbađu, phải nói đến bài thơ Ca ngợi mặt trăng, như vậy hẳn là gây cho Gămbađu nhiều chuyện rắc rối.
- Đúng đấy! Ma-đi đã nhận ra... Vậy thì phải làm gì nhỉ? Cậu muốn chúng ta phải rời khỏi Mô-bơ-rắc à?
- Ồ không, dứt khoát là không. Chúng ta dù sao cũng đã lớn, chúng ta dám nhận lấy trách nhiệm, không thể để cho kẻ phá hoại nó hăm doạ mãi được.
Nha-phơ-rông "oắt con" bực dọc thọc mạnh các ngón tay vào mái tóc rối bù rồi nắm lại. Cậu nhận ra rằng đã có lần cậu gặp chuyện lôi thôi khi báo cho cảnh sát. Dáng người nhỏ bé của cậu làm cho người ta coi cậu như một thằng nhóc nên người ta không xem trọng ý kiến của cậu. Cậu nói:
- Không! Không thể để cảnh sát tham gia vào! Một mình chúng ta thôi.
- Nhất trí, nhưng cậu cứ bình tĩnh, đừng lồng lộn lên như thế - Ti-đu nói - Hình như khi nào cậu cũng nổi nóng thế, phải chín chắn mới được chứ. Nào! Kẻ nào đã nhét hai mảnh giấy đe dọa dưới cửa phòng của chúng ta và đã lẻn vào nhà để xe nào? Có phải tên đó biết được Gămbađu đang giữ một bí mật..., có phải hắn đã trói anh ta và phá phách lán của anh ta không?
- Chưa hẳn thế! - Ma-đi nói - Nếu tên lạ mặt đó đã có bài thơ Ca ngợi mặt trăng thì nó đã nắm được bí mật rồi còn gì nữa.
- Có thể là hắn chưa hiểu được bài thơ đó; hắn không biết tiếng Đức. Có thể lúc này hắn đang cố giải mã lời di chúc mà không được nên hắn sẽ còn đến quấy phá.
Một phút im lặng, Ma-đi nói:
- Lúc này cứ tạm coi có ba đối tượng đáng nghi. Đầu tiên là hai nhà đại chất. Cái đêm mà chiếc lều bị phá phách và anh Gămbađu bị trói thì hai nhà địa chất còn ở ngoài không có mặt ở nhà. Nếu họ có đi xem chiếu bóng thật thì sau khi xem xong về đến nhà còn sớm, họ còn đủ thì giờ để đến “lều vịt”; đây là điều đáng ngờ. Người thứ ba phải là Sác-chi-ê. Tại sao tối đó anh ta lại đi dạo trên đất nhão nhoét ở mép hồ? Vì sao anh ta đến Mô-bơ-rắc một mình? Và lúc nào trông anh ta cũng có vẻ chán chường ảo não, bệnh hoạn?
Rồi Ma-đi nói thêm:
- Mình còn nghĩ đến nhân vật thứ tư nữa cơ.
- Ai?
- Người đàn ông cắm lều bạt, con người đã quát mắng chúng mình. Nhìn bề ngoài, anh ta là một họa sĩ vì anh ta có một giá vẽ và một cuộn vải cùng hộp màu gần cái nệm hơi của anh. Nhưng anh ta lại có cái dáng lố bịch. Biết đâu việc hội hoạ chỉ là để che mắt thế gian?
Ngồi lại ở "phòng ngoài", những người "Bạn đồng hành" còn tranh luận một lát nữa rồi mới đi ngủ. Trong khi đó trong phòng xép, Ma-đi vẫn thao thức; cô nghĩ:
- Không thể nghi ngờ cho ai mà lại không nắm được chứng cứ cụ thể. Một kẻ nào đó tìm cách chiếm lại tài sản mà chú của Gămbađu đã dấu trong cái làng chìm sâu dưới đáy hồ. Chỉ là một người hay nhiều người biết được số của cải đó là có thực? Ôi, giá như ta có thể tìm được nghĩa của từ Prons, từ cuối cùng trong thư di chúc!
Cô nhắc đi nhắc lại như hôm trước Gămbađu đã lẩm nhẩm: "Về phía đông năm mét, cách... Về phía đông năm mét, cách...".
Bóp óc, cố tìm ra những tên có thể điền vào cho câu di chúc có nghĩa. Đầu tiên cô liệt kê một loạt những từ thuộc giống đực vì trong lời di chúc tận cùng thì danh từ thuộc giống đực. Nhưng cô lại nhớ tới lời nói của giáo sư ở Xanh-phơlua cho biết là có rất nhiều từ tiếng Pháp thuộc giống đực, trong ngôn ngữ của nước Đức lại thuộc giống cái.
Đồng hồ đã điềm mươi hai giờ đêm, Ma-đi vẫn trằn trọc không thể chợp mắt nổi. Bỗng nhiên có tiếng động bên ngoài, cô nhổm dậy nhìn qua cửa sổ thì thấy trong nhà xe có ánh sáng đèn lọt qua cửa. Ma-đi đã nghĩ đến đánh thức tất cả dậy nhưng cô lại thôi. Lấy hết can đảm, Ma-đi nhẹ nhàng xuống cầu thang đi qua phòng ngoài, khẽ mở chốt cửa và bước ra. Cô không nhầm, ánh sáng đèn vẫn rọi qua của nhà xe hé mở. Ma-đi dỏng tai nghe và nhận ra có tiếng va chạm của kim loại. Mặc dù đã trấn tĩnh nhưng cô vẫn hồi hộp và rùng mình, toan quay trở lại; song cô nghĩ: nếu là kẻ gian thì nó phải hành động trong bóng tối hoặc thận trọng khép cửa lại, sao lại đàng hoàng kỳ cục trong ánh đèn. Cô ghé mắt nhìn vào và mạnh dạn xô cửa... rồi... thở ra nhẹ nhõm: Tông-đuy thức đêm để vá lại săm xe.
- Cậu làm mình sợ hết vía! - Ma-đi nói - Sao cậu phải làm gấp cả đêm thế?... Cậu quyết định sáng mai rời khỏi đây à?
- Không; mình không buồn ngủ... và mình muốn xe của chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng, cơ động nhanh nhất khi cần thiết. Có thể bất thình lình chúng ta cần đến chúng...
Kiên trì ngồi lại, Ma-đi chờ cho Tông-đuy, tay thợ máy của đoàn làm xong công việc, dán xong miếng vá của chiếc xăm thủng cuối cùng, rồi cả hai mới đi ra. Bên ngoài gió hầu như đang quét sạch tất cả mây đen trên bầu trời. Ánh trăng lung linh toả sáng, trải một lớp ánh mờ đục lên mặt hồ cạn nước, trên đó trồi lên những vật lổn nhổn sẫm màu của tàn tích đổ nát.
- Đẹp ghê! - Tông-đuy nhận xét - Chúng mình xuống gần mép nước xem đi.
- Đồng ý! - Ma-đi đáp - Nhưng cậu chờ mình leo lên gác một tí thôi để lấy chiếc áo a-nô-rắc ( Anorack: áo chống lạnh mặc khi trợt tuyết ) đã.
Cô nhanh nhẹn lên phòng ngủ và chỉ khắc sau, chiếc áo a-nô-rắc đã vắt vai và chân đã thay đôi giầy khác.
Hai người cầm tay nhau đi ra bờ hồ cạn nước.
- Tông-đuy, xem kìa!
- Đâu? Mình chẳng thấy gì cả.
- Theo tay mình chỉ đây, một bóng người đang di động kìa!
Tông-đuy đã thấy nhưng quá xa nên khó nhận dạng.
- Cậu ở lại đây để mình xem người đó là ai. - Tông-đuy nói với Ma-đi.
- Không, đừng đi! Không nên liều - Ma-đi ngăn lại.
Nhưng đã muộn, Tông-đuy đã vụt đi. Với những bước chân dài, cậu ta lao về phía bóng người. Chạy được nửa đường thì mặt trăng bị một đám mây dày che lấp, mặt hồ tối sầm lại. Tông-đuy dừng lại thở và định hướng nơi kẻ lạ mặt vừa xuất hiện. Lúc này cậu không chạy nữa mà thận trọng bước lên theo hướng một tảng đá hay một bức tường đổ chưa phân biệt được. Cậu bước đi rất khó, đôi giầy nặng trĩu lún sâu trong bùn. Cuối cùng mệt đến đứt hơi, cậu mới đến nơi và đó là một tảng đá lớn, cậu vòng quanh mõm đá. Tên lạ mặt ở phía kia đã thấy cậu hoặc nghe được bước chân của câu, lợi dụng bóng tối để chuồn mất.
Tông-đuy đang chờ ánh trăng chui ra khỏi mây để xem xét chung quanh thì bỗng nhiên cậu hét lên. Đầu cậu đã bị một chiếc gậy nện xuống. Cậu lảo đảo khuỵu xuống và trước khi ngất xỉu còn nhìn rõ cái bóng đen tập tễnh chạy trốn và bất giác cậu nghĩ đến Gămbađu. Thế rồi đầu óc trống rỗng, chơi vơi và không còn nhận ra gì nữa...
Bức chúc thư bằng mật mã
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI