Phần I
Tác giả: Phạm Quỳnh
Nhân dịp tế Nam Giao tôi có về chơi Huế, thật là phỉ cái lòng mong mỏi đã lâu nay. Sinh trưởng ở một nơi đô hội mới, không còn tí gì là cái dấu vết cựu thời, mối hoài cổ vẫn thường canh cánh trong lòng. Quan niệm về lịch sử nước nhà, trông quanh mình không có cái cảnh tượng gì đủ nhắc lại những sự nghiệp nhớn nhao của đời trước, tình ái quốc vẫn thường ngang ngang trong dạ. Nên vẫn ước ao được về nơi Đế Đô để chiêm ngưỡng cái hình ảnh của Tổ quốc. Nay sự hi vọng đã thành, mắt đã được trông, tai đã được nghe, tinh thần đã cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể đã gội cái khí thiêng của núi sông, muốn đem những sự kiến văn, sự cảm giác, sự tư tưởng trong mười ngày ở chốn Trường An thuật lại cho các bạn đọc báo nghe, tưởng cũng giúp được một phần cho cái quan niệm của quốc dân đối với Tổ quốc vậy.
Xưa chẩy Kinh mất hai mươi ngày, nay nhờ có xe hỏa xe hơi đi đường bộ chỉ vừa đầy hai ngày tròn. Bắt đầu đi từ Hà Nội ngày 19 tháng 3 tây, ngày 21 tới Huế, ở Huế 12 ngày, ngày 2 tháng 4 bắt đầu về, chiều ngày 3 tới Hà Nội, vừa đi vừa ở vừa về cả thảy 16 ngày. Đi qua mười tỉnh: Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; trải nhiều cảnh khác nhau: khi ruộng lúa, khi đồng cỏ, khi non thấp, khi núi cao, khi sa mạc, khi cao nguyên, khi qua sông, khi men bể; giải Hồng Lĩnh, núi Hoành Sơn, bến sông Gianh, truông nhà Hồ, những nơi có tiếng to tiếng dữ ngày xưa lần lượt trình bầy ra trước mắt, chỉ khác cổ nhân là thân không phải chịu khó nhọc mà trong khoảng hai ngày thu được một mảnh giang sơn của cố quốc. Ở vào thời đại khai thông cũng có nhiều điều tiện lợi, nhưng có nhẽ kém cái thú riêng của các cụ ngày xưa, thong dong bầu rượu túi thơ, đi đến đâu đề vịnh đến đấy, chẳng quản ngày qua tháng lại, cái thân nhàn không hệ lụy với thời gian! Ngày nay thời giờ đã coi là vật rất quí ở đời, người đời đối với ngày giời đã sinh lòng bủn sỉn, thì cái hồn thơ lấy đâu mà lai láng được như xưa! Cho nên điện khí, hơi nước, xe hỏa, xe hơi, không phải là những “thi khố” thiên nhiên của giời đất.
Sáu giờ sáng ngày 19 lên xe hỏa về Vinh, năm giờ chiều tới nơi. Từ Hà Nội đến Ninh Bình là phong cảnh đất đồng bằng, đất bằng giời phẳng, bát ngát mênh mông, người đứng giữa như giam mình trong cái ngục nhớn. Ai sinh trưởng ở chốn đồng bằng xứ Bắc, từ thủa nhỏ đầy mắt chỉ là cái cảnh giời biếc ruộng xanh, song song bất tuyệt, mới biết cái khổ lạ như cái khổ kẻ tù nhân, khao khát những cảnh núi non cao thẳm, gò đống khi khu. Theo sách địa lý thì những bậc anh tài hùng kiệt thường sinh ra ở gần nơi cao phong tuấn lĩnh: mắt nhìn những cảnh tượng nhớn nhao, lòng tất rộng rãi mà trí tất cao sâu. Sách tây cũng thường nói người Ấn Độ đời xưa sở dĩ sáng lập ra được những tôn giáo triết lý cao thâm như đạo Thích ca, đạo Phệ đà, cũng là bởi sinh trưởng ở dưới núi Tuyết Sơn, tinh thần thường theo ngọn núi cao mà bay bổng lên chốn không gian vô cực. Như thế thì xứ đồng bằng hiếm người anh tuấn cũng là phải: người đồng bằng cái trí không lên khỏi ngọn cây tre! - Từ Ninh Bình giở vào mới thấy nhiều núi non, trước còn thấp, rồi cao dần mãi lên. Núi thường đột khởi ở giữa cánh đồng, đá trắng mọc rêu xanh, đen đen đốm đốm, trông xa như những mảnh thành bị tàn phá đã lâu ngày, hay là những bức tường đổ nát của cái lâu đài khổng lồ từ thời thượng cổ. Trông những núi đó không khiếp sợ mà chạnh thương, vì nó trơ vơ xơ xác giữa đồng, có cái hình dạng tiêu điều như người đau đớn trong lòng: mộc thạch cũng có linh hồn chớ chẳng không! Nhưng từ vùng Thanh Nghệ giở vào thì núi đã thấy liên tiếp nhau mà thành từng rặng dài, đá thường lẫn đất, cỏ cây rậm rạp, không xơ xác như những núi trên kia. Hình tròn sắc mượt, như một đàn voi cực lớn theo nhau tự trong rừng Vạn Tượng ra đến bờ bể Đông. “Hồng Lĩnh cửu thập cửu phong” là bắt đầu từ đấy. Xe lửa chạy nhanh, không thể đếm được có đủ chín mươi chín ngọn không. Nhưng túng sử đếm được mà cái số hoặc nhiều hơn hay ít kém thì có hề chi; cái tên của cổ nhân đặt vẫn là có ý vị, dẫu không đúng cũng chẳng giảm đi chút nào. Ôi! Cái hồn thơ của cha ông!...
Đêm hôm ấy ngủ tại Vinh, sáng hôm sau lên xe hơi đi về Đông Hà. Xe hơi có thể đi từ Vinh về Đông Hà trong 12 giờ, nhưng xe hỏa tự Đông Hà về Huế chỉ có một chuyến chạy chín giờ sáng, vả Đông Hà là một nhà ga cùng tịch ở đêm không tiện, nên ước năm sáu giờ chiều tới Đồng Hới là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình ngủ đêm đấy, sáng hôm sau đi nốt Đồng Hới về Đông Hà, vừa gặp chuyến xe lửa về Huế, đúng 12 giờ trưa thì tới Kinh đô. Nếu sở xe hỏa chịu đặt một chuyến bảy tám giờ tối thì hành khách khỏi phải ngủ đêm ở Đồng Hới, khỏi phải mất nửa ngày hôm sau, mà ước nửa đêm ngày thứ hai đã tới Kinh. Cứ xem khi ở Huế ra Hà Nội chỉ vừa đầy hai ngày thì đủ biết: 6 giờ sáng lên xe hỏa tự Huế ra Đông Hà, 8 giờ đến Đông Hà, 9 giờ lên xe hơi ra Vinh, 10 giờ tối tới Vinh, ngủ đêm ở đấy, sáng sớm mai lên xe hỏa ra Hà Nội, 5 giờ chiều tới nơi. Người yếu sức cũng hơi nhọc mệt một đôi chút, nhưng trông phong cảnh hai bên đường đủ làm cho quên cái nỗi lưng mỏi chân chồn.
Từ Vinh giở vào đi xe hơi là theo con đường Thiên Lý cũ gần bờ bể. Phải một quãng ở khỏi Nghệ đường mới đắp xấu quá, hôm đi lại vừa gặp giời mưa to đêm hôm trước, đường sũng nước thành bùn lầy, bánh xe bết xuống không đi được hành khách phải xuống để cho phu đẩy mất năm sáu trăm thước tây. Chuyến ấy có bốn người đi, hai vợ chồng ông quan ba với hai anh em nhà báo mình là ông Chương Dân và tôi. Bốn người cùng lội bì bõm, nhìn nhau mà buồn cười thay. Quan ba cùng phu nhân tính vui mà nhã nhặn, thực là một đôi bạn đi đường quí hóa. Suốt một ngày chuyện trò ân cần vui vẻ, cùng nhau bình phẩm cái bức tranh thiên nhiên đương bầy ra trước mắt. Đến lắm chỗ phong cảnh núi non đẹp, phu nhân nói nhớ đến những cảnh quê hương bên mẫu quốc. Chẳng hay phu nhân có biết hai người Việt Nam ngồi đấy trông cảnh ấy trong lòng cũng đương vẩn vương về tổ quốc không?... Quan ba người đẫy đà, ngồi trong xe khí chật, tủm tỉm cười mà nói: “Tôi to nhớn quá, ngồi chật mất cả chỗ, không được thanh tú như các ông là những bậc văn nhân...” Than ôi! Câu đó cũng là một câu nói nhã mà khiến cho chúng tôi luống những rầu lòng. Trông người mạnh mẽ ta yếu ớt mà buồn thay cho tư cách văn nhân của giống mình. Ngoài những khi ngồi xe như lúc này, cái tư cách ấy há đáng người ta thèm lắm ru? Ngay khi lóng cóng lội bùn vừa rồi cũng đủ biết cái tư cách văn nhân không đủ ra đối đãi với đời. Ngán thay!
Xe hơi đi phăng phăng như nuốt đường, gió lộng tứ phía như đập vào mặt đập vào tai mà thành một thứ âm nhạc riêng lẫn với tiếng phành phạch của cái máy động cơ trong xe. Người nhà quê trong Trung Kỳ này vụng tránh xe lắm. Nghe hiệu còi không biết đứng nép ngay vào bên đường mình đương đi, lại hình như cuồng cẳng lên mà đâm quàng sang bên kia, hoặc cứ chạy mãi cho đến chỗ nào có cái cửa hay cái ngõ ngang mới rẽ vào, rồi cắp nón quay lại nhìn, mặt ngơ ngác! Thường xe hại người cũng vì thế. Nhưng mà nghĩ cho kỹ chẳng nên trách chi người nhà quê. Phàm cái gì có hiểu, có giải được cái lý do nó thế nào thì làm mới phải đường; người nhà quê trông cái xe hơi chạy vùn vụt, tưởng là có cái ma lực gì nó đưa đi như mây như gió, lại không hiểu những người ngồi trong xe ấy có công việc gì mà đến nỗi chạy bạt hơi bay tóc như lũ cuồng như vậy, nên trông thấy cái xe đi đến kinh ngạc khiếp sợ, bối rối lên mà không biết tới lui thế nào.
Hai bên đường xe chạy, phong cảnh có cái vẻ buồn rầu lặng lẽ: toàn thị là một rải đất hoang, xa xa mới có một thôn lạc năm ba nóc nhà lơ thơ; ngoài là bãi cát trắng xóa, trong là rẫy núi xanh om. Cái xe bon bon chạy giữa tưởng như con thú rừng lạc vào trong sa mạc; kinh hoảng mà chạy cuồng. Ngoài xa nữa là bể khơi một mầu xanh ngắt, sóng rạt gần bờ trông như một rải bạc trắng xóa. Phong cảnh ấy tưởng những lúc bão bể mưa ngàn, tiếng sấm trên núi họa với tiếng sóng ngoài khơi, thì kinh hãi biết chừng nào! Hoặc buổi chiều mặt giời đã xế, cây cỏ rầu rầu, nghe tiếng con chim lạc đàn kêu giữa bãi trường xa, thì thê thảm biết chừng nào! Mình ngồi trong xe chạy vùn vụt, mà trông cảnh ấy trong lòng còn lạnh lẽo thay, huống chi là những khách đường xa, người lữ thứ đi đến đấy, tấm lữ hoài ngao ngán biết là bao!
Miền hải tần đó không phải là cái đất người ở được. Núi tuy có cây mà là những cây cằn cọc, không phải là cái lợi nguyên cho cư dân. Đất trộn lẫn với cát, không phải là cái chất nuôi được giống sinh vật. Trông cây cỏ mọc đấy mà thương thay; có lắm giống giá vào chỗ đất tốt sức nhớn được bằng cây đa cây đề, mà ở đây không sao lên được hơn ba bốn mươi phân tây. Thực là cái cảnh sơn cùng địa tịch vậy.
Nếu suốt đường cứ một cái cảnh tiêu điều như thế thì mắt cũng phải chán mà lòng cũng phải ngán. Nhưng ước nửa đường thì đến rặng Đèo Ngang. Phong cảnh ở đây mới thực là ngoạn mục, chẳng khác gì một bức tranh sơn thủy vậy. Núi Đèo Ngang tức tên chữ là Hoành Sơn. Ta thường dùng nhầm chữ Hoành Sơn mà dịch tên tây Chalne Annamitique là gồm cả cái rẫy núi dài chạy dọc suốt đất Trung kỳ, theo lưu vực sông Cửu Long, trên liền tiếp với các núi miền Thượng du Bắc kỳ, dưới đến tận đồng bằng Lục tỉnh. Thực Hoành Sơn chỉ là một chi núi của rẫy núi nhớn ấy, chạy thẳng ra bờ bể, chắn ngang đường Thiên Lý tự Bắc vào Kinh, nên gọi là Đèo Ngang, Bài thơ bà huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà... tức là vịnh núi ấy. Ngày xưa khách bộ hành đi đến đấy tất phải trèo đèo, trèo ngược lên, rồi lại trèo dốc xuống, lấy làm một bước đường rất gian hiểm. Khi đêm các vì sơn quân vẫn thường lẩn quất ở đấy. Ngày nay đã có con đường chạy quanh núi như xoáy trôn ốc, xe hơi đi ước mất hơn nửa giờ, đến lưng chừng núi trông xuống không cảnh gì xinh bằng. Thực là:
Dừng chân đứng lại giời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cảnh vui này mới bõ cảnh buồn lúc nãy. Trên núi thì cỏ cây chen đá lá chen hoa, dưới đồng thì ruộng lúa xanh rì dòng nước cuốn, ngoài bể thì giời nước mênh mông sắc một mầu. Đến cửa “Hoành sơn quan” xe đỗ tôi trèo lên xem. Cửa nay đã mất cánh, rêu mọc cỏ che. Cạnh có cái bi đinh trong khắc bài bia ngự chế của Đức Thiệu Trị. Trông cái cửa cỏn con ấy, không thấy gì là cái cảnh tượng một chốn “hùng quan”! Đứng đấy mà lại sực nhớ đến hai câu thơ của bà huyện:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Tuy bấy giờ không nghe tiếng con quốc cái gia nào kêu, mà nỗi thương nước nhớ nhà như chan chứa trong lòng.
Nghe nói gần đấy có cái đền thờ bà Liễu Hạnh linh lắm, nhưng đường xuống dốc quá, không thể đi tới nơi.
Khi xuống xe thấy một ông lão già ngồi bên đường như người hành khất, hình dáng tiều tuỵ, không nói không năng. Than ôi! Khoảng vắng đường dài, trên rừng dưới bể, lão ở đâu đến, lão ngồi chi đây? Hay là lão cực nỗi đời khốn khổ, đem thân tự hiến cho sơn quân? Thương thay!
Lúc đã xuống đến chân núi ngửng trông lên thấy con đường mình vừa đi như một dải lụa vòng quanh núi, khác nào như cái dây trắng buộc quả bầu xanh vậy.
Hết rặng Đèo Ngang lại đến cái cảnh đất cát câycằn như trước. Đi một ít lâu nữa thì tới một nơi có tiếng dữ ngày xưa, tức là nơi truông nhà Hồ, thuộc tỉnh Quảnh Bình, làng Hồ Xá. Truông là một khoảng đất cây cỏ rậm rạp, không có đường đi lối lại. Ngày nay thì không có cái cảnh tượng như thế nữa, cây cỏ ở đấy cũng cằn cọc như ở trên kia, nhưng xưa thực là một nơi sào huyệt của bọn cướp đường, khách bộ hành lấy làm nguy hiểm hơn cả, nên đi qua đấy phải đông người mới dám đi. Những buổi nhiễu nhũng khách đi qua thường bị bọn cướp bắt đem vào trong xa bóc lột, quân quan không biết đường nào mà tìm bắt, vì cây cỏ rậm quá. Thuộc về lịch sử nơi truông nhà Hồ ấy, ở đường trong có tương truyền truyện như sau này. Ông Nguyễn Khoa Đăng làm chức nội tán cho chúa Minh vương (1691 - 1725) nghe nói nơi truông nhà Hồ có nhiều giặc cướp, hay bóc lột khách đi đường, bèn lập kếtrị cho yên. Ông cho tải đến nơi ấy ước hai mươi cái hòm to đóng kín, trong phục người, để giả làm một bọn nhà buôn chở đồ hàng đi qua. Đám cướp vẫn rình ở đấy trông thấy bọn khách đông, lại nhiều đồ hàng, tưởng là một dịp béo bở lắm, xông vào đánh cướp, rồi đem đến nơi bụi rậm chia nhau. Trong hai mươi cái hòm ấy một cái có khoan lỗ thủng, người nằm trong ấy đi đến đâu rắc giấy đến đấy, để cho quân lính theo sau biết đường mà tìm vào. Đương khi bọn cướp họp lại đông đủ cả để bàn nhau chia của thì người trong hòm đâm xổ ra, quân ở ngoài kéo ùa vào, vây bốn bề, bắt được cả bọn, không thiếu đứa nào. Từ đấy cả miền đó được yên. Sau ông truyền cho người bộ hành nào đi qua đấy cũng phải cắt những cây mọc bên đường. Hai đầu đường đã để dao sẵn cho mà dùng. Cứ thế mãi, không bao lâu mà con đường thành ra quang đãng, người đi lại giao thông như thường; từ đấy không có tiếng giặc cướp gì nữa. - Lại gần Kinh, giáp bể, ở nơi tên là Bàu Ngược, thuộc huyện Quảng Điền, có một cái đầm nước gọi là phá Tam Giang, cũng có tiếng dữ lắm. Nay xe hơi không đi gần đến đấy, nhưng xưa hành khách về Kinh tất phải chở thuyền qua đấy.
Nhất là về mùa thu mùa đông, sóng gió nhiều, thuyền thường đắm luôn, rất là nguy hiểm, vì chỗ ấy nước vừa sâu mà đường đi lại quanh co khúc khuỷu. Tục truyền là đấy có ba cái Sóng thần dữlắm. Ông Nguyễn Khoa Đăng muốn trị cho được, bèn truyền đóng một chiếc thuyền rất vững vàng, đặt chiếc súng thần công ở trong. Ra đến giữa phá ông nổ hai phát súng bắn tan được hai cái Sóngthần, còn cái thứ ba thì chạy ra bể mất. Đêm hôm ấy ông cho đào liền một con sông thẳng đấy; từ đó thuyền bé không hay đắm nữa.
Nhân hai việc tục truyền đó mà có câu hát như sau này:
- Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang
- Phá Tam Giang nay rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm(1)
Xe hơi đi đến Đông Hà thì thôi. Đấy là đầu đường xe hỏa Quảng Trị. Có một nhà ga nhỏ với năm ba cái hàng quán con ở giữa khoảng đồng không mông quạnh. Xe hơi tới nơi, đợi ít lâu thì có chuyến xe hỏa về Huế. Hai bên đường cũng vẫn nhiều đất rậm bỏ hoang, chưa ra cái cảnh tượng trù mật. Xe hỏa chạy gần tỉnh Quảng Trị, nhưng không đi qua.
Vào đến địa phận Thừa Thiên thì phong cảnh thấy khác ngay. Làng xóm đông đúc, ruộng lúa xanh rì, không phải đất bỏ hoang như trên kia nữa. Dẫu không biết rằng đã sắp đến Huế, cũng đoán được rằng sắp tới một nơi đô hội nhớn. Quả nhiên ước một giờ đồng hồ thì xe hỏa tới Kinh đô: Bây giờ vừa đúng 12 giờ trưa...
Kể chi những nỗi dọc đường... tới đây mới nhớ đến câu thơ ấy trong truyện Kiều, thì ra từ trên toàn thị là những nỗi dọc đường cả, mà chính chuyện trong “mười ngày ở Huế” chưa từng kể đến. Ôi! Cổ nhân có tính hay thơ, mà tôi đây thực là thơ thẩn vậy. Thơ thẩn thẩn thơ, giời đã bẩm sinh cho cái tính luyến cảnh luyến người, bình sinh đã từng biết người nào cảnh nào, những khi hồi tưởng đến không thể dứt cho đành. Thôi thì:
Dở hay cũng bởi tính giời biết sao? tưởng các bạn đọc báo cũng lượng cho vậy.
Từ đây xin thuật chuyện Trường An.
1 Họ Nguyễn Khoa là một vọng tộc ở tỉnh Thừa Thiên, khi ở Huế tôi có được tiếp truyện một ông Nguyễn Khoa, sau này sẽ kể qua cái lịch sử họ ấy, theo một bài khảo cứu trong sách Biên tập của hội “Đô thành hiếu cổ xả”.