LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Tác giả: Phạm Quỳnh
Khi nói đến những thành tựu rực rỡ của văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ 1930-1945 và tiếp tục về sau này của nền văn học cách mạng, không thể không nói đến một tiền đề hết sức quan trọng, một công cụ cơ bản nhất để tạo nên tác phẩm văn học, đó là ngôn ngữ, là tiếng Việt La tinh hóa, tức chữ quốc ngữ như ta thường gọi lâu nay. Việc dùng mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng Việt (La tinh hóa tiếng Việt) đã được các nhà truyền giáo Phương Tây thực hiện từ các thế kỷ trước. Đặc biệt phải kể đến công lao của Alếchxăng đờ Rốt đã tiếp tục công việc của các nhà truyền đạo trước đó, biên soạn được cuốn từ điển đầu tiên Dictionnatium anamitium lusitanun et latinum1(1)
Nhưng chữ quốc ngữ từ lĩnh vực giao tiếp truyền đạo, lĩnh vực hành chính của chính quyền thuộc địa đến tiếng Việt như là ngôn ngữ chính thức của đời sống xã hội, của báo chí truyền thông, của văn học nghệ thuật là cả một thời gian dài để làm quen, rèn rũa, trau chuốt cho đến thuần thục. Thời gian chuẩn bị đó khá dài, khoảng trên ba thế kỷ (từ thế kỷ 16 cho đến tận gần giữa thế kỷ 20 (thời kỳ 1930 - 1945). Và, những báo, tạp chí, những công báo... ở thời kỳ này, dù theo các xu hướng chính trị xã hội khác nhau, đều có tác dụng khách quan thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện của Tiếng Việt La tinh hóa, của chữ quốc ngữ
. Trong số các báo, tạp chí như Đông Pháp, Trung Bắc tân văn, An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí... thì tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút (từ 1917 đến 1934) có những đóng góp cần được nhìn nhận lại. Trong số các cây bút chính của Nam Phongnhư Nguyễn Mạnh Bổng, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, hai cha con Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trạc, Phạm Duy Tốn... thì cây bút chủ báo Phạm Quỳnh là nổi bật nhất. Thượng Chi đã viết thường xuyên về nhiều thể loại trên báo này: dịch thuật, thông tin, bình luận, khảo cứu... Các bút ký Trẩy hội Chùa Hương, Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ có thể gọi là bút ký du lịch, khi Phạm Quỳnh mới ra làm báo Nam Phong, đầy hăm hở của một người ham hiểu biết, yêu mến thiên nhiên, tìm hiểu các di sản văn hóa, các phong tục tập quán. Trong bút ký Trẩy hội Chùa Hương, tác giả rất bài bác tệ mê tín buôn thần bán thánh nhưng lại tỏ ra thích thú khi thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên và tìm thấy ở Đạo Phật chân chính một nguồn cứu rỗi tâm hồn. Trong Bút ký Mười ngày ở Huế, với một thời gian ngắn ngủi, tác giả đã nêu được nhiều hình ảnh phản ánh tình hình đời sống, dân tình thời ấy cùng vẻ đẹp kỳ ảo của cảnh núi non sông nước, các công trình kiến trúc đặc sắc của cố đô Huế, gặp gỡ những gia đình quí tộc có danh tiếng như nữ sĩ Đạm Phương (mẹ đẻ nhà văn Hải Triều tức NguyễnKhoa Văn...). Đặc biệt trong thiên bút ký này Phạm Quỳnh được tận mắt chứng kiến lễ tế Nam Giao. Những ghi chép này rất có giá trị trong việc tìm hiểu phong tục cung đình thời nhà Nguyễn. Ở Một tháng ở Nam Kỳ, tác giả đã nhận biết sớm và rất đúng tính cách đời sống Nam Bộ, ghi lại được nhiều điều về đời sống Nam Kỳ lục tỉnh lúc đó, về tình hình của các Hội khuyến học và báo chí Nam Kỳ đương thời. Tóm lại, về mặt nội dung, các bút ký du lịch của Phạm Quỳnh đã ghi lại được nhiều mặt về thiên nhiên đất nước, phong tục tập quán và đời sống đương thời, cách viết hấp dẫn, suy tư phong phú, gây được tình cảm tốt cho người đọc về nghĩa vụ của người công dân đối với quốc gia, với truyền thống văn hóa của tiền nhân.
Cần phải khẳng định những đóng góp của tác giả Phạm Quỳnh về ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại (chữ quốc ngữ). Nếu chúng ta nhớ lại khoảng những năm hai mươi, văn xuôi quốc ngữ chưa phải đã đạt đến trình độ thuần thục. Thời ấy, một người được dư luận chú ý là Hoàng Tích Chu đưa ra lối văn mới chống lại thứ văn biền ngẫu truyền thống, tác giả này thường ký là Văn Tôi, và giới văn học thường gọi là thứ văn cộc, đã được coi như một sự đổi mới mạnh dạn (theo Vũ Ngọc Phan -Những năm tháng ấy, hồi ký, Nxb Văn học, 1987) thì những bút ký du lịch của Phạm Quỳnh trong những năm 1918-1919 đã tỏ ra là một giọng văn trôi chảy, uyển chuyển, diễn đạt được nhiều nội dung phong phú.
Phạm Quỳnh hoạt động khá rộng trên các lĩnh vựcchính trị, văn hóa, nghệ thuật. Ông chủ trương dựa vào người Pháp để dần dần đòi lại quyền tự trị, (chủ trươngthuyết lập hiến, dựa vào hiệp ước Ácmăng 1883 để đòi lại quyền tự trị) khác với Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương để cho người Pháp cai trị trực tiếp (thuyết trực trị). Phạm Quỳnh tỏ ra thần phục văn hóa Pháp, nước Pháp cũng như chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam, những quan hệ chính trị giữa Phạm Quỳnh với chính quyền thực dân Pháp là đề tài thuộc lĩnh vực chính trị - lịchsử. Ông đã, đang và sẽ còn được phân tích, đánh giá, phê phán trên lĩnh vực này, nhưng về mặt văn hóa, văn học, về tiến trình phát triển của văn xuôi quốc ngữ thìcông lao đóng góp của ông cần được nhìn nhận lại. Điều đó đã được thể hiện phần nào trên các công trình gần đây. Trong Từ điển Văn hóa Việt Nam (Nxb Văn hóa - Thông tin. Hà Nội. 1993) đã ghi nhận điều đó và tác giả Phạm Quỳnh đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường (Sách giáo khoa Văn 12. Nxb Giáo dục. 199....). Vì vậy việc cho in lại các bút ký du lịch của Phạm
Quỳnh chỉ là cụ thể hóa sự đánh giá lại tác giả này trên lĩnh vực văn học - báo chí, với tư cách là mộttác giả văn học. Để giúp cho việc nghiên cứu tiến trình văn xuôi quốc ngữ cũng như chữ quốc ngữ, và ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, chúng tôi giữ nguyên trạng hình thức văn phong của tác giả, chỉ lược bỏ những chi tiết xét không cần gợi lại.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và rất mong nhận được sự phê bình góp ý của các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc.
Hà Nội tháng 6-1994 Nhà Xuất bản Văn học
1 Tự điển Annam - Bồ Đào Nha và La Tinh. Rôme. 1651.