Chương 2
Tác giả: Phan Nhật Nam
Mười lăm chiếc trực thăng chia làm ba đợt hạ xuống trên nghĩa địa cát trắng. Đại đội của Minh xuống hết, những người lính chạy nặng nề trên cát lún hướng về phía bắc, đối diện với ngôi làng nằm khuất trong hàng dương liễu ở nơi xa. Đến cuối hàng rào nghĩa địa, Minh cho đại đội nằm xuống bố trí theo vòng đai hàng rào. Người chết cũng có hàng rào, tượng trưng bằng những cây cột gỗ, ba hàng kẽm gai hờ hững lệch lạc. Hàng rào nay chỉ còn dấu vết, chiếc cột đã đổ kéo theo đoạn kẽm gai nằm sâu dưới cát.
Đơn vị xuống hết, đại đội Minh được lệnh dẫn đầu, lấy bờ biển làm chuẩn tiến về phía ngôi làng. Trời mùa đông miền Trung lạnh cóng, mây xuống thấp, xám ngắt. Gió thổi từng cơn như gom hơi lạnh để quạt vào mặt người. Minh kéo cao cổ áo, định hướng đi, nói qua máy truyền tin với Trung đội trưởng dẫn đầu: "Hướng 6000, hơi ép trái một chút, có gì thì dựa lưng vào biển đánh vào phía trái mục tiêu. Nhận rõ. Tốt, ông đi đi". Sản phẩm đẹp đẽ của thời đại chinh chiến – Sĩ quan hiện dịch trẻ tuổi – Bắt đầu xua quân chạy như bay qua bãi cát trắng trơ trọi. Chạy trên nghĩa địa, trên người chết, để tạo nên số người chết mới. Đoạt dăm khẩu súng Trung Cộng, để cắn vào một chút bánh vinh quang. Trung đội 1, 2, 3 cùng nhào vào một lượt. Thằng 4 (trung đội 4) cho ông già 60 nhổ vào bìa làng liên tiếp, rải đều đều, ngừng khi có lệnh. Các Trung đội trưởng nhận đủ. Minh hô lớn qua máy: "Xung phong. Xung phong… Xung phong…" Trên nền cát bóng người lính lụp xụp chạy, ba lô nặng đè lưng xuống, nón sắt cột không chặt úp xuống mặt, cọng rau cải lủng lẳng sau lưng, mũi súng hướng về trước. Trung sĩ vợ năm con, nhà ở trại gia binh trên tôn chung quanh vách ván mỏng. Mình nhớ mua hàng quân tiếp vụ gởi về cho tôi. Lá thư vừa nhận được: "Hụi một ngàn mà người ta bỏ đến 412 đồng vì tháng sắp Tết". Những lo âu có hình khối như sợi dây nón sắt đập liên tiếp vào gò má theo bước chạy, mặc, cứ chạy về đằng trước, lính Nhảy dù chỉ có tiến chứ không có lùi… "Xung phong". Chuẩn uý Trung đội trưởng dang hai tay rộng ngoắt từ sau ra trước: "Vào. Nhào…" Cục hột xoài dưới háng căng nhức đau đớn. Vô lậu bất thành nhơn mà Chuẩn uý! Chuẩn uý trẻ tuổi chịu chơi đi hành quân ở Huế không ngủ đò không được. Chuẩn uý 19 tuổi, đậu tú tài 1 khoá hai năm 1966. Đậu với tám điểm vớt. ĐM, thế thì làm sao đậu được tú tài hai. Xe Solex cọc cạch, chiếc đầu máy gật gù… Lính Nhảy dù đóng ở Sài Gòn, đi nhờ xe Jeep của Đại đội trưởng, chỉ tiếc nhà ở trong xóm xe bốn bánh không vào được. Chiếc Solex đã được bán lấy bốn ngàn lấy tiền nhậu… Nhậu, phải tập làm quen với hung bạo cằn cỗi này. Phải tập nói: Một giọt rượu là một giọt máu. Phải tập gật gù: Cắt cổ không bằng đổ rượu. Tuổi trẻ chịu chơi với con dao commando mua lại ở đám lính cũ, cột ở dưới chân. Hột xoài căng mủ trong háng. Thật đủ, nòng súng hướng về đằng trước. Xung phong. Trung uý Nguyễn Khoa Minh, Đại đội trưởng trẻ nhất của Tiểu đoàn 19 Nhảy dù rút súng colt cầm tay: "Thằng nào chạy lui tao bắn gãy giò. ĐM… vào". Chỉ vì thiếu chút chiều cao không thôi đỗ thủ khoa. Cây toán học của trường Võ bị, người giỏi toán nhất của các khoá bắt đầu từ ngày trường cải tên. Tay vô địch bóng bàn học sinh miền Trung. Con học làm sao mà thua con Lan con mợ Ấm ở dưới Gia Hội thì mạ buồn lắm. Khổ quá, Nguyễn Khoa Minh học bài suốt đêm, học ngậm sâm, uống thuốc bắc, học đến nỗi biết cách giải bài toán số 154 cuốn Le Bosset như thế nào! Nhưng, Nguyễn Khoa Minh đã hỏng một lần đã bị tình phụ, đi theo người yêu tốt nghiệp Đại học Sư phạm, người biết thắt cà vạt double, người biết nhảy cha cha cha, người dạy người tình của Minh những bước đầu tiên điệu mambo trong nhà bếp. Nguyễn Khoa Minh chỉ có đôi bata trắng, đứng lên nhận chiếc cờ hình tam giác trên có thêu hàng chữ: Vô địch bóng bàn học sinh niên khoá 1957 – 1958. Ông hiệu trưởng thấp bé có bằng MG đầu tiên ở miền Trung xưng "ta" với học trò. "Ta dạy các ngươi là một điều dại dột vì làm thầy thằng dại là ngu xuẩn!… Ta đánh tennis, service cú nào đáng cú đó, chỉ một cú rervert làm cercle ngất ngư…" Ông hiệu trưởng trao cái cờ, bắt tay hờ hững, chút giá lạnh khinh khi. Phải học giỏi. Nhưng Nguyễn Khoa Minh bị hỏng vì bệnh trong ngày thi, mất chân thủ khoa vì thiếu thước. Nguyễn Khoa Minh chỉ có cái cờ tam giác bằng vải sa tanh thêu chữ vàng lành lạnh trong bàn tay. "Vào… vào", đoành, viên đạn bắn bổng lên trời thật hào hùng. Minh mê man như khi vụt trái banh trong tiếng cổ võ hoan hô của hàng ngàn học sinh trường Quốc học. Anh Minh, người giỏi toán nhất ở Huế đó! Nguyễn Khoa Minh, niềm hãnh diện cao một thước sáu mươi mốt của lớp đệ nhất B1 trường trung học do cụ Ngô Đình Khả lập ra, người được đọc diễn văn trước Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc mười giờ sáng ngày mùng Năm Tết năm 1960, và cũng chính Nguyễn Khoa Minh trong ngày 23 tháng 11 năm 1963 quỳ trên bãi cỏ xanh nắm tay đưa cao, thề trung thành với tổ quốc trước mặt lãnh tụ mới. Người đã ra lệnh bắn vỡ đầu Tổng thống Ngô Đình Diệm trước đó hai mươi hai ngày. Nguyễn Khoa Minh cảm động từng lời diễn văn, run run khi được Tổng thống bắt tay khen ngợi: "Con gắng học giỏi để làm rạng danh xứ sở". Người được Tổng thống bắt tay, trong đảo chánh lật đổ độc tài đã cầm đầu đại đội sinh viên sĩ quan chiếm đóng đài phát thanh Đà Lạt… "Vào, vào", thêm một viên đạn được bắn lên, tiếng pháo đuổi ma quỷ nặng trĩu trong lòng người. Những người lính cùng bắn về trước mặt, cong chiếc lưng đẩy mạnh đôi chân tiến vào làng. Trong làng, những bóng áo đen và nâu bắt đầu ngửng cao khỏi giao thông hào. Nòng súng thượng liên Trung Cộng, tiểu liên Tiệp Khắc, súng báng đỏ của Nga, những cây súng ngoại quốc bắt đầu nhắm chiếc vòng đen sâu hun hút vào đám lính mang giày Nhật nón sắt Mỹ, M16. Những ngón tay Việt Nam chờ đợi trái tim Việt Nam đến gần hơn chút nữa. Chờ nhau hân hoan âm ỉ, chờ thản nhiên lạnh cứng. Những ngón tay Việt Nam bắt đầu cong, hàm răng vàng úa xấu xí nghiến chặt lại, thớ thịt bạc nhược trên mặt căng cứng giựt giựt.
Thịt sốt rét, thịt thương hàn, thịt được nuôi dưỡng bằng cơm rang nước ruốc, thịt trắng xanh vì ở lâu dưới hầm, áp sát vào đất, đè lên báng súng … Những ngón chân bấm sâu vào đất để viên đạn đi cho ngọt, những ngón chân thay vì gần nhau, bắt đầu tách rời, ngập cứng vào đất. Đôi mắt sát cứng vào lỗ chiếu môn, sát vào nữa để nhìn một lần cuối bóng dáng Việt Nam đang đi dần vào cái chết. Mở mắt cho rõ để nhìn thấy nhau một lần cuối cùng… Đôi mắt trong giao thông hào bắt gặp một hình ảnh: Hạ sĩ Nguyễn Thế Hùng, 21 tuổi. Hạ sĩ Hùng đeo một thánh giá bằng vải đen, thấm đẫm mồ hôi của ba năm lính. Hạ sĩ Hùng đọc kinh mỗi tối trước khi đi ngủ, đọc kinh trong hố phòng thủ, bên chuồng bò Bồng Sơn, đọc kinh trong địa đạo Khe Sanh, dưới hàng dừa An Phú Đông. Chúa Jêsu chuộc tội cứu thế. Cầu cho chúng tôi. Chúa Jêsu chuộc tội cứu thế. Cầu cho chúng tôi. Lạy Đức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Cầu cho chúng tôi… Hạ sĩ Hùng bây giờ có đôi con mắt láo liên, mắt mở lớn. Chiếc nón sắt lại úp xuống mặt, Hùng dùng tay trái nâng lên, bìa làng màu đen kia rồi, im lìm lặng lẽ, hình như có đám chim bay lên ở phía cây bàng. Việt Cộng? Không có đủ thì giờ để nghĩ, không có tiếng động nào trong đầu não. Chỉ nghe bước chân chính mình vang trên cát, nón sắt nhảy lùng bùng trên đầu và một đôi mắt đen mở hết cỡ. "Người Việt Nam "nền" có con mắt thiệt đẹp Thượng sĩ hi!" Hạ sĩ Hùng đã nói với Thượng sĩ đại đội như thế. "Đẹp làm sao? "Hén" đen thùi lùi như hột nhãn trong khi thằng Mỹ xanh như mắt mèo…" Con mắt người Việt Nam đẹp thật. Mắt Hạ sĩ Hùng đẹp, mắt của buổi sáng đứng ở bờ Quảng Bình nhìn mặt trời lên từng đường ánh sáng, mắt nhìn biển sáng như lân tinh dưới ánh trăng, mắt nhìn nến ở nhà thờ, mắt nhìn rừng xanh từ ngày di cư vào Long Khánh. Mắt Hạ sĩ Hùng đen thăm thẳm, vô tội ngọt ngào. Trong giao thông hào đôi mắt Việt Nam trên báng súng AK Tiệp Khắc căng lên lần chót vì nhắm quá lâu, những sợi gân ửng đỏ, mắt ứ đầy nước, chỉ đợi cái chớp sẽ chảy xuống ngón tay Việt Nam cong lại trên chiếc cò súng cong vòng tiện lợi cho động tác khép vào. Những viên đạn vàng rực từ băng đạn cong bắn ra từng ba nhịp một chính xác. Mắt Việt Nam ở giao thông hào khép lại nghỉ ngơi, quả tim thở hơi dài dễ chịu sau lần chờ đợi cứng ngắc. Ngoài đồng cát mắt của Hạ sĩ Hùng, mắt Việt Nam đẹp đẽ chợt thấy lóe lên ánh lửa, xong lửa tắt ngúm còn lại tảng tối mênh mông như mặt biển khi trăng lặn vào mây đen. Quả tim Việt Nam vừa ngừng đập.
Minh ngừng thở trong khoảnh khắc. Đạn đi đầy trong bầu trời, những tiếng rít xé gió kinh khiếp sát vào cạnh mang tai. Nhưng chỉ một khoảnh khắc, Minh tiếp tục vẫy mạnh người lao về đằng trước. Bìa làng, luỹ tre kín mít đầy hết tầm mắt. Minh đưa ống liên hợp vào miệng: "Xung phong". Tiếng hét vượt ra khỏi sức chuyền của máy truyền tin vang rộng trên bề mặt cát. Có sợi dây nào giữ chân Minh lại, gã binh nhất mang máy truyền tin ngã nhào xuống, viên đạn xuyên qua lớp da thịt trần trụi tiếp tục phá chiếc máy một lỗ lớn. Hai thứ kim khí chạm nhau không thành tiếng động vì được lót lớp thịt người. Gã mang máy ngã co quắp trên cát, sợi dây cao su từ chiếc máy đến ống liên hợp trên tay Minh căng thẳng. Minh bị kéo giựt trở lại, gã mang máy làm những động tác cuối cùng, hai tay co để trút bỏ sợi dây mang chiếc máy, người lính muốn bỏ gánh nặng trước khi chết. Chiếc lưng ưỡn cong, hai bàn tay duỗi khép chặt sau lưng, chân chống trên mặt đất, cong người hơn chút nữa, chiếc đai máy rời khỏi vai trôi xuống, hai chân chống cao hơn chút nữa… Một loạt đạn khác bay đến, những lỗ đạn tốt tươi tênh hênh trên thân áo nguỵ trang. Minh nghe được tiếng động của viên đạn đi qua thân thể người lính. Minh ném chiếc ống liên hợp xuống đất, trước mắt chỉ còn luỹ tre xanh nháng lửa.
"Đổi tần số nội bộ". Minh hét thật to với gã mang máy truyền tin thứ hai (máy liên lạc giữa đại đội và tiểu đoàn). Bằng bất cứ giá nào các ông cũng phải vào tất cả, tôi ở trong này với thằng Hai rồi (Trung đội 2).
Có tiếng thét của Trung đội trưởng Trung đội 1 và 3 ở máy: "Nhưng tôi bị kẹt quá vào không được… Tôi bị hai khẩu Thượng liên nó kềm nát bấy".
"Được, tôi sẽ cho hai thằng phá nó".
Trung đội 2 chiếm được một đoạn giao thông hào, tiếp tục đánh ép qua trái nơi có tiếng Thượng liên nổ liên tục. Việt Cộng bỏ giao thông hào chạy ép về phải, phía toàn bộ chủ lực của Tiểu đoàn Nhảy dù đang đánh vào.
Năm gã áo đen rải dài theo chiếc hầm, hai AK, hai B40 và một Thượng liên. Toán đao phủ lý tưởng với vũ khí đầy đủ của trò chơi kỳ lạ. Gã bắn Thượng liên ném cái mũ có ngôi sao vàng qua bên cạnh, hai chiếc chân ngập sâu trong bùn, gã không cần rút ra, đầu cúi gầm xuống trên báng súng, hai bàn tay di động thoăn thoắt, bàn tay trái nâng băng đạn, bàn tay phải bóp cò. Gã đã từng làm việc này thật quen thuộc từ một quận lỵ ở Quảng Bình. Đồng chí Lê Hoạt thợ may bảy tuổi đảng tính đến nay, năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, người anh hùng lao động của hợp tác xã cắt may Sao Vàng, đã sản xuất bằng tay mười tám chiếc áo trong vòng hai mươi tiếng đồng hồ… Đồng chí Lê Hoạt đã ngồi trên sập gỗ, đầu ở giữa hai đầu gối, lưng còng xuống ngồi bất động để hai cánh tay thoăn thoắt di động trên xấp vải tấm dệt từ Nam Định, tay trái Hoạt đè xuống cho thẳng tấm vải, tay phải ấn chiếc kéo, xong hai bàn tay thoăn thoắt luồn cây kim vào thân vải khô cứng. Lê Hoạt người anh hùng lao động trong dịp lễ thi đua sản xuất mừng sinh nhật bác Hồ của mùa hè năm một ngàn chín trăm sáu mươi rất muốn yên phận với niềm hãnh diện rạo rực, lần say độc nhất của ba mươi sáu năm làm người khi được Ban quản trị Hợp tác xã cắt may gọi đến vào buổi sáng 19 tháng 5 năm 1967 để nhận tờ giấy khen trên có hình Hồ chủ tịch với hàm râu dài, nhưng Hoạt bị kéo ra khỏi niềm vui bình yên, bị kéo ra khỏi chiếc sập gỗ, bị dúi vào tay khẩu súng AK thay vì chiếc kéo. Lê Hoạt phải luồn đạn vào trong những chiếc băng hình cong thay vì luồn chỉ vào kim. Lê Hoạt phải tập chống xe bọc sắt, được học tập những điều xa lạ và hung bạo. Bắn máy bay lên thẳng của Mỹ, tập đặt plastic, làm nổ cầu… Lê Hoạt phải nhồi vào óc, phải tin những điều kỳ quái: Máy bay lên thẳng của Mỹ chỉ có mỗi bộ máy, không có khung, chỉ cần bắn một viên đạn cũng đủ rơi. Hoặc phải học và tin như thế, mặc dù chiếc máy may Singer Hoạt mua sau ngày đình chiến được sơn lại bằng tay vẫn được Hợp tác xã mua lại và cạo sửa để nguỵ tạo dưới một nhãn hiệu khác: Máy Tiến Hoá do nhà sản xuất Thăng Long làm nên. Hoạt biết sự nguỵ tạo nhưng phải tin giặc Mỹ Nguỵ hết sức kiệt lực không làm nổi chiếc máy bay lên thẳng toàn vẹn. Hoạt cũng biết rằng máy bay Mỹ đã làm lở một phần đèo Mụ Già, núi đã biến hình dưới cơn tàn phá của bom Mỹ. Nhưng giặc Mỹ Nguỵ sắp thua, Hoạt bắt buộc phải tin như thế và giã từ tiếng hoan hô của Hợp tác xã cắt may, tấm giấy khen được bọc trong túi ni lông đeo trước ngực, vượt sông Bến Hải vào Nam trong tháng Mười một giữa đêm khuya lạnh cóng.
Lê Hoạt được biết mình đang ở trên phần đất quận Phong Điền giáp ranh Quảng Trị, Thừa Thiên. Hoạt không thấy hai thành phố và quận lỵ mặc dù trước khi xâm nhập đã được đồng chí Uỷ viên chính trị Trung đoàn cổ động: "Các đồng chí là những người hạnh phúc nhất trong tập thể quân đội nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các đồng chí sẽ là những người lính đầu tiên của Bác và Đảng bước chân đến thành phố Quảng Trị nơi quân miền Nam đã hoàn toàn làm chủ sau khi đánh đuổi hết quân đội Mỹ Nguỵ về phía Nam đèo Hải Vân". Hoạt đã nghe như thế nên lấy làm lạ tại sao phải vượt sông Bến Hải trong đêm, tiếp theo màn chạy bộ đến đứt đôi người từ cửa Tùng vào đến cửa Việt, chạy trong đêm người này nắm vào lưng người kia đi như ma đuổi, nín thở, cấm nói, cấm đốt lửa và khi năm giờ sáng đến một con sông tất cả phải đào hố nguỵ trang nằm bẹp dí trong suốt một ngày. Nằm một ngày để nghe trên dòng sôngg từ khi trời sáng cho đến buổi chiều vàng, vang động tiếng tàu chạy, đồng thời có những tiếng nói xa lạ, không phải tiếng Việt, vang lên ầm ĩ cùng tiếng cười huyên náo loáng thoáng. Chen lẫn trong cơn bão cười xôn xao nóng nảy đó, những tiếng thét rờn rợn đẫm ướt kích thích, tiếng của con mái khoái trá khi được chạm vào chỗ kín. Hoạt nằm nghe những tiếng cười mất dạy đó trong những giờ đầu tiên ở miền Nam. Tiểu đoàn I Trung đoàn E 812 quân đội Nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tiếng cười nô nức nhầy nhụa tình dục của đám con gái miền Nam cùng giống đực Mỹ quốc chào đón trong bước đầu giải phóng. Đêm xuống, Tiểu đoàn Quyết Thắng sau một ngày nghe tiếng động tình ái, tiếp tục bước đường giải phóng về hướng Nam. Cuộc di tản kéo dài đến làng Phú Trung quận Phong Điền, Lê Hoạt không thấy được gì thêm của miền Nam ngoài tiếng động kích thích thú vị trên mặt sông Ô Lâu ngày hôm trước…
Đóng tại làng Phú Trung được một tháng, Lê Hoạt và đồng đội chỉ có mỗi hai việc: tu sửa hầm hố và thực tập tấn công trên sa bàn một thành phố vuông vắn như ô cờ. Thành phố nào và ở đó có gì để phải tấn công vào? Quảng Trị và Thừa Thiên không nghe nói đến nữa. Cuộc giải phóng thành phố trên sa bàn chưa tới thì hôm nay, Tiểu đoàn 1 chạm với Tiểu đoàn 19 Nhảy dù Nguỵ. Đã lâu nay, Lê Hoạt nôn nóng vô cùng vì những người dân của làng Phú Trung lần lượt đi về phía Tây, hướng quốc lộ, làng chỉ còn lại vài người già và ít phụ nữ cằn cỗi cùng lũ trẻ èo uột lây lất. Những hình ảnh đoàn văn công miền Nam có những thiếu nữ đội mũ rộng vành màu xanh ca vọng cổ đàn tây ban cầm sao không thấy, Lê Hoạt chỉ cảm thấy chung quanh thứ không khí nặng nề như những hôm trời oi bức báo cơn bão lũ chuồn chuồn bay trong ráng vàng bệnh hoạn chói đỏ góc trời. Bộ chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh gài mìn chung quanh làng để ngăn cấm dân chúng bỏ đi, nhưng ban ngày khi đơn vị rút xuống hầm trú ẩn, Lê Hoạt thỉnh thoảng nghe tiếng mìn nổ. Một người dân làng nào đó trốn ra khỏi làng và đạp phải. Tối hôm đó có đám táng. Người chết được kéo về, bó chiếc chiếu, chôn vội trong đêm. "Các đồng chí noi gương đó, ai muốn sống thì phải ở lại đây với quân đội nhân dân". Ông mếu máo: "Đồng chí ơi là đồng chí ơi, có muốn băm vằm gì tui thì làm, xong rồi xin các đồng chí kéo nhau đi chỗ khác đánh nhau, dân chúng cực lắm rồi đồng chí cán bộ ơi…". Nhưng quân đội nhân dân vẫn ở lại nên sáng nay trận đánh diễn ra. Ngay khi chiếc phản lực vừa trên cao rít xuống, Lê Hoạt đã nhảy xuống hầm, hầm đào sâu dưới rễ một lùm tre kiên cố, lớp đất dầy thước rưỡi, đám rễ tre chắc chắn nhưng Lê Hoạt vẫn có cảm giác thân thể như vừa bị ép giữa một khối vô hình và tường đất lạnh cóng. Dưới hai thước đất và rễ cây Hoạt nghe được chấn động kinh khiếp thoạt tiên văng vẳng từ thinh không phút chốc biến đổi thành cơn giông bão sắc nhọn xuyên hẳn qua màng tai. Máy bay đi để lại đám cháy, lẫn trong tiếng nổ lép bép của thân cây tươi, cỏ lá cháy sém, có âm thanh khắc khoải tuyệt vọng của lũ vật lồng lộn trong chuồng bị lửa vây. Lê Hoạt còn nghe được tiếng khóc đứt khúc từ những cổ họng già nua. Sau trận giông bão nhân tạo, Hoạt tưởng mình như đã chết xuống địa ngục, vì thoảng đâu đây từ trên mặt đất la đà mùi nồng tổng hợp của thịt xương, cây cỏ sau khi đã bị đốt vàng cháy biến thành lớp tro tàn ươn ướt mùi chết chóc. Nửa giờ sau trận bom, qua lỗ hổng dưới lùm tre, Hoạt thấy từ ngoài đồng trống thấp thoáng những bóng đen. Bóng đen di động chậm chạp ở nơi xa và khi tiến gần như lũ ma ám, họ la lớn và bắt đầu chạy vào. Tim của Lê Hoạt đập hay bước chân người lính Nguỵ, Hoạt hoa mắt vì trước mắt không phải một hình ảnh Mỹ quốc tàn bạo và đáng ghét như lời tuyên truyền, trước mắt Lê Hoạt chỉ có những người Việt Nam, có thể gầy hơn Hoạt, vác nặng hơn Hoạt, nhịp chạy làm ba lô trên lưng họ xê dịch qua lại, hai ống chân mỏng manh tìm kiếm vất vả như chân con bò chạy vòng tròn quanh chiếc cột sau nhát búa giữa đỉnh đầu… Tiếng súng nổ bên phải, khẩu B40 bên trái bắn liên tiếp hai quả… Người lính khựng lại, hắn ngã xuống, ba lô nằm nhú lên trên nền cát, ba lô có con vịt, con vật thò đầu ra khỏi lỗ thủng kêu ngu ngơ trăn trối. Cái mỏ đen của con vật hiện rõ trên nền trời, con vật xoay đầu bên trái, bên phải nhưng thân hình bị cột cứng trong lòng ba lô, cuối cùng cố gắng, một cái cánh được nhú lên. Chiếc cánh cụt ngủn tha thiết quẫy mạnh trên bầu trời đỏ lửa. Hoạt bấm cò khẩu Thượng liên, đạn ghim vào cát ướt, đạn ghim vào ba lô, ghim vào thân thể người lính đã chết, ghim vào con vật nhỏ bé đang giẫy giụa cố rút chiếc cánh còn lại. Hai cánh vịt làm sao chịu đựng được sức công phá đỏ au nhức buốt của hàng chục viên đạn. Người lính và con vật chết thật xứng đáng, chẳng nên ngậm ngùi. Lê Hoạt bấm cò liên tiếp vào những bóng người xuất hiện qua lỗ hổng căn hầm. Tiếng nổ và hơi thuốc súng đốt cháy trí não, Hoạt không nhìn thấy mặt những người bị nhắm vào, Hoạt bắn vào những bóng đen trên nền cát.
"Đấy, cây Thượng liên ở dưới gốc tre, mày bò lại tìm miệng hầm, ném lựu đạn xuống không cần bắt sống. Trung đội bị kẹt chỉ vì thằng con c… này". Gã khinh binh theo lời Minh bò lại chỗ bụi tre. Đúng thật, ông Trung uý nói thật đúng. Gã khinh binh nhủ thầm. Trước mắt nó một đường hầm sâu xuống đen thẳm. Gã rút chốt lựu đạn, thả trái phá tiếp tục lăn cọc cạch trong bóng tối và một tiếng nổ bùng rung chuyển mặt đất…
Lê Hoạt úp mặt vào lỗ hổng nhìn ra xa, biển ở sau vùng cát trắng, biển xám đặc bọt trắng. Chưa bao giờ Hoạt nhìn biển lâu như thế, không phải không có dịp, nhưng trong trí óc khản đặc của anh thợ may, biển chỉ là lớp nước xanh xôn xao mặn chát không ích lợi. Sáng hôm nay Lê Hoạt phải ngồi đối diện với biển, chợt khám phá ra vẻ quen thuộc đã bao nhiêu lâu gần kề. Hoạt thấy mình như sống lại trong khung cảnh bình yên của quê nhà. Hoạt nghe tiếng sóng rì rào, nghe gió lọt qua rặng phi lao gây âm thanh dịu dàng, âm thanh của ngày mới lớn. Thời gian đã qua thật lâu tưởng như không bao giờ nhớ lại được… Nhưng sáng nay trong phút giây căng thẳng, đầy tiếng động, những người chết nằm trên cồn cát, những người bị thương trăn trở, lượng máu đỏ thấm sâu qua cát từ những vết thương do viên đạn của Hoạt gây nên, Hoạt nhìn thấy biển, cùng với cái cảm giác lạ lùng khi chợt khám phá thêm khả năng giết người của mình, Hoạt sợ hãi thảng thốt khả năng ma quái cay độc này. Hình ảnh vinh quang khi bước chân vào thành phố Huế nhạt nhoà như lỗ kim nhỏ chợt mờ mịt sau cái chớp mắt đầy mệt mỏi.
Lính Nguỵ đã bò ra xa tầm đạn. Họ đánh vào phía trái hay phải, Hoạt không biết, người liên lạc chưa nhận được lệnh mới. Những biến chuyển về trận đánh ngoài căn hầm, Hoạt không theo dõi được, trước mặt chỉ có lớp sóng biển thay đổi hoài hoài, bọt trắng ùn ùn kéo ra xa…
Trong im lặng, Hoạt nghe tiếng động sau lưng. "Cái gì đấy?" Không trả lời. Tiếng động khô khan của vật tròn lăn trên nền đất. Trí não Hoạt bỗng giãn ra. Ngọn đèn được kéo bấc lên hết cỡ. Trong sáng suốt đau nhói Hoạt nghĩ đến hai chữ "lựu đạn". Cùng lúc với ý nghĩ, tiếng nổ bùng lên. Luồng ánh sáng chớp lòe, Hoạt thấy được tám đôi mắt khiếp đảm của bốn tổ viên, tám đôi mắt bốc lửa khi tiếng thét chưa kịp mở. Ánh chớp tắt, Hoạt ngã xuống, hai bàn tay vừa kịp ôm lấy ngực nơi có tấm giấy khen của Hợp tác xã may cắt Sao Vàng in hình Hồ chủ tịch.
Xác Lê Hoạt cùng bốn tổ viên được kéo lên khỏi hầm. Sau tiếng nổ chói chang, Hoạt biết mình ngã xuống và ngất đi, nhưng khi bị kéo ngược ra khỏi hầm, Hoạt tỉnh hẳn, tỉnh táo để biết mình bị thương nặng, máu từ thân thể chảy ra, không phải từng giọt mà từng dòng, từng khối, Hoạt cảm thấy rõ rệt có bàn tay bóp lấy hơi thở và cơn tức dâng cao, cao từng bậc có chiều dài, chiều sâu đè Hoạt lún lần xuống. Hoạt biết mình nằm trên cỏ ướt, mặt trời chiếu sáng lên mặt, chung quanh người nói lao xao, những giọng nói Việt Nam, Bắc, Trung, có giọng nói thanh hơn giọng Quảng, chắc là người Sài Gòn. Tất cả người ở miền Nam đều được gọi là Sài Gòn, người của miền đất phì nhiêu, nơi cá đầy đồng, chỉ cần mang chiếc rổ xuống ngồi ở bờ ao cũng đủ thức ăn cho một ngày. Những người Sài Gòn sung sướng là đây. Hoạt muốn mở mắt ra nhìn nhưng nắng chói quá, chỉ còn chút sức lực đủ để lắng tai nghe. "Lục túi mấy thằng cha này coi". Có bàn tay luồn vào ngực áo, hình như Hoạt bị thương ở đấy vì khi bàn tay chạm phải, Hoạt cảm thấy trong thớ thịt những mảnh kim loại nóng hổi, sắc nhọn xao động.
Minh nhìn vào xác người thợ may, gã đàn ông chỉ còn hơi thở tàn tạ, mảnh lựu đạn xuyên lỗ chỗ trên thân thể, phần áo ở lưng rách nát máu sẫm đỏ bê bết đất cát, chiếc quần cộc mở tênh hênh bày ra cái vật người đen đúa nhão nhoẹt. Gã nhà quê này là kẻ thù của mình? Gã đàn ông đang thiêm thiếp trong cơn hấp hối, khuôn mặt nặng nề khờ khạo, tóc đen khô cứng chổng ngược rối tung bày ra một vầng trán ngắn hai nếp sâu hằn xuống vụng về. Bác thợ may Lê Hoạt ba mươi tám tuổi, người Quảng Bình này là nguyên nhân chính đã bẻ gãy mũi dùi thế công của Nguyễn Khoa Minh? Minh nhớ đến người làm vườn ở nhà, cũng cỡ người và khuôn mặt này, loại người chỉ biết mài con dao thật sắc để chọc tiết heo dễ dàng trong buổi chiều hai mươi chín Tết, những người gọi mẹ Minh bằng bà Phán và gọi Minh bằng cậu, khả năng chỉ có thể phân biệt cây gạo hay cây mù u, hay tinh xảo hơn biết thêu đôi bướm bay trước hai chữ "Hạnh phúc" trên mặt gối bằng những sợi màu sắc xanh đỏ ngây ngô. Mặt gối này sẽ được bán trong một phiên chợ thôn quê đổi lấy tiền mua cặp kính nhựa màu nâu… Những loại người này là kẻ thù của Minh? Những người như bác thợ may này là vật cản lối trên con đường công danh, đã làm Minh lạnh cóng tay trong nửa giờ trước đây?
"Trung uý. Gã mang máy truyền tin đến gần Minh. Ở trên Tiểu đoàn bảo mình báo cáo tổn thất, em nghe Đại đội 3 lấy được súng cối mà chỉ có hai chết… Trung đội mình bị nặng quá, ông Chuẩn uý bị nặng chắc không sống nổi…"
"Tao biết, mất năm con với một Trung đội trưởng, không khá chút nào hết. Minh cầm máy liên lạc với Tiểu đoàn trưởng: "Thiên sơn đây Minh mạng ()".
"Minh mạng đợi tôi một chút, tôi đang nói chuyện với thằng Ba (Đại đội 3)". Minh nghe qua máy giọng nói hân hoan của Tiểu đoàn trưởng: "Lạc long() đấy hả, tốt, toa số dách, toa đánh như vậy tụi nó chỉ mang cụ Hồ về Bắc thôi. Ông Đại bàng lát nữa sẽ xuống ở chỗ toa". Lạc trả lời lại với giọng cười mở đầu. Tiếng nói của Trung uý Vũ Văn Lạc, Đại đội trưởng Đại đội 3 Tiểu đoàn 19 Nhảy dù nghe hân hoan phấn khởi khác với giọng nói khề khà mệt nhọc của một Vũ Văn Lạc ba mươi sáu tuổi, vợ năm con. Lạc hay gọi dễ dàng quen thuộc hơn, Cai Lạc cựu Commando hổ xám của những năm 50, vừa nhận được thơ của vợ nhắc nhở chuyện xin đổi qua ngành không tác chiến, thơ cũng nhắc nhở đến việc mua hàng quân tiếp vụ nhiều hơn cổ phần sẵn có… Nhưng tất cả đã thuộc về quá khứ, bây giờ chỉ có giọng nói chững chạc của Trung uý Vũ Văn Lạc trong máy: "Trình Đích thân…" Minh nhủ thầm: "Lính già ăn nói có kiểu cách riêng của nó, ở ngay chốn đánh nhau tơi bời nó vẫn không quên thưa gởi".
"Trình đích thân() tôi đã có làm Trung đội trưởng cho ông Đại bàng trong suốt năm 1960". Minh cười thầm vì chữ "suốt". Giọng Lạc tiếp tục vững chắc hân hoan: "Trình Đích thân, nói tên tôi với ông ấy thì ông biết ngay". Lính già tự tin đúng chỗ và đúng lúc, chẳng ai chê trách được. Minh gật gù đầu nhận xét từng câu đối thoại của Lạc với Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn trưởng oang oang trả lời: "Ô kê, moa sẽ nói tên toa cho ông ấy hay trước. Đồng thời nói trước toa mừng, gì moa cũng kiếm cho toa cái thực thụ, đồng ý?"
"Vâng, cám ơn Đích thân trước, kính Đích thân, dứt".
Cuộc nói chuyện chấm dứt. Minh nghe trong đầu vẫn còn vang động âm thanh sáng khoái chắc nịch của Lạc.
"Minh mạng đây Thiên sơn". Tiểu đoàn trưởng xoay qua nói chuyện với Minh.
"Dạ, tôi nghe".
- Toa coi lại thằng 1 (Trung đội 1) của toa đi, nó bết quá… Toa xui rồi. Sao chẳng lựa thằng khác, lại cho thằng Ánh vào ngay chính diện".
"Vâng, tôi nghe rõ". Minh bỏ máy xuống, Minh chẳng rõ được điều gì. Chính diện, diện nào chính yếu sau luỹ tre xanh dày đặc lúc súng chưa nổ, làm sao Minh biết Chuẩn uý Ánh sáng nay nổi hạch hột xoài nên không thể điều động nhanh nhẹn Trung đội được. Làm sao Minh biết được tên chỉ huy tổ Thượng liên chỉ là một gã thợ may ba mươi tám tuổi có bằng khen thưởng vì đã sử dụng kéo nhanh, sử dụng kim tốt đã đạt được ưu điểm sản xuất do Hợp tác xã cắt may Sao Vàng đề xướng, gã thợ may ngu ngốc ngớ ngẩn không biết rút lui khi Tiểu đoàn đã bị đánh tan nát ở cánh phải. Chắc chắn đây là trận đầu tiên và cũng là cuối cùng của bác thợ may Lê Hoạt ở một chốn xa xăm với quê hương Quảng Bình không bao giờ trở lại. "Trung uý, thằng Việt Cộng cứ hấp hối hoài chắc nó đau lắm, em thấy mặt nó nhăn tréo". "Ừ, một viên để nó đi cho ngon, đỡ đau đớn". "Dạ". Súng nổ. Bác thợ may Lê Hoạt giẫy người lên lần chót. "Trung uý, ông Chuẩn uý Ánh chết khi lên trực thăng". Minh nhìn khẩu Thượng liên bị gãy báng bên cạnh thây gã thợ may, khẩu súng đã đưa đến cái chết của hai người. Một gã trẻ tuổi Chuẩn uý mắc bệnh hột xoài và gã thợ may ba mươi tám tuổi.
Thuấn đi hết khu vực phòng thủ của Đại đội, trở về chỗ đóng quân của ban chỉ huy. "Có gì ăn tối nay không Thiên?" "Có gà và chai rượu. Gà bắt được, dân chúng chạy đâu hết trơn, rượu ông Trung sĩ tiền trạm gởi theo chuyến tải thương hồi chiều vào". "Gà của dân mày ơi, ăn sao vô". "Không có, gà chạy hoang, mình không bắt đứa khác cũng bắt, đụng mà Đại uý, tụi Việt Cộng đóng đây cũng cỡ một Tiểu đoàn". "Mày lúc này giỏi rồi, biết ước đoán địch tình và bắt gà nhanh như chớp, mày là lính cũ rồi Thiên hử?" "Dạ". Lính cũ, một thứ vũ khí đã dậy men máu, vũ khí im lìm sắc nước, dễ sử dụng. Lính cũ, như khẩu súng đã được điều chỉnh, thoa dầu vào đủ các trục hay ressort, sẵn sàng bắn ra viên đạn đến mục tiêu không sai trật. Binh nhất Thiên của hai năm trước thì khác, hai năm trước chỉ biết khóc trong buổi tối vì nhớ nhà, khóc vì thấy đồng bạn chết thê thảm đột ngột, khóc khi thấy người dân bị lùa lên trực thăng khi về quận xét lại thành phần. Thành phần của người dân trong thời chiến được định nghĩa: Thành phần giết được người hay bị người giết. Nhưng Hồ Thiên của sau hai năm lính thì đã khác, biết ước tính tình hình đơn vị địch, biết lý luận: "Làng có Việt cộng, dân bỏ đi, có quyền hưởng thụ những vật còn lại". Sau hai năm để biết rằng: "Nếu không ăn thịt gà, chốc nữa biết đâu trở nên con ma thèm khát, bó tấm poncho bằng hai đoạn băng trắng". Thiên, lính cũ, tức là người lính đã biết mình sắp sửa để chết và bao tử làm việc nhiều hơn quả tim hay trí não. Người lính cũ nào cũng thế.
"Mày qua mời Trung uý Minh qua đây".
"Dạ".
Bữa rượu diễn ra dưới ánh đèn mù mịt trong căn nhà lạnh tanh, bàn thờ Phật yên lặng. Có lẽ Phật đang trầm tư về cảnh khổ hiện thực đầy dẫy tính cách vô lý đang diễn ra. Có định mệnh kỳ quái nào để kết hợp một anh sĩ quan hai mươi lăm tuổi, anh thợ may ba mươi tám, gã phi công Mỹ trên trời cao, ông chủ nhà bảy mươi hai tuổi chưa hề thấy cục nước đá. Định mệnh nào đã kết hợp những con người xa lại kỳ quái đó với trái bom sản xuất ở Philadelphia, đôi giầy được phát ở Fort Benning ấn trên cầu thả bom trong giây phút ngắn ngủi bọt bèo lúc ban chiều để tạo thành một loại khổ không căn nguyên, vô luân hồi. Khổ không khởi đầu, không chu kỳ chấm dứt. Phật trầm tư vì hai nghìn rưởi năm cách biệt và Ấn Độ quá xa lạ, Phật cũng đâu tiên đoán được quả bom sẽ xuất hiện như dấu tích văn minh khốn nạn cho con người, Phật cũng nên ngạc nhiên vì ông lão chủ căn nhà, căn nhà cháy hết một nửa ở mé bên trái, ngồi ở phía phải nhìn lên thấy bầu trời xanh đen lấm chấm những ngôi sao, tay nâng ly rượu của Thuấn.
"Cha, cái rượu chi hắn ngon lạ ngon lùng, cả đời "ôn" chưa khi mô uống được "en" ơi, buồn chi mà buồn, trái bom hắn như ông thiên lôi rớt xuống cái rầm, "ôn" với hai thằng cháu đang lớ quớ chưa xuống hầm mà khôn can chi hết. Thôi lạy Phật mớ bái, khôn can chi cả là mờn() rồi".
Phật phải ngạc nhiên vì được cảm tạ, phải ngạc nhiên vì giọng ông lão tỉnh táo đến ngang ngược. Đức vô uý lạc quan nào trong thân thể gầy gò chỉ còn một lớp da nhăn khô bao lấy bộ xương chỏng chơ. Thuấn cũng ngạc nhiên. "Ông già uống với cháu thêm ly nữa".
"Đa tạ, đa tạ, ôn Đại uý mời thì tôi xin phép, chà hôm nào hai thằng cháu lớn tui cũng cho tui "hén" đi lính, đi lính đóng lon to như ôn Đại uý thì mấy hồi chẳng xây lại được cái nhà. Thôi, của đi thay người, cám ơn Trời Phật!"
Ông lão ngửa cổ uống một hơi hết ly rượu. Hai đứa cháu đứng nhìn ông nội đang uống cạn niềm hân hoan cay đắng vì sống sót, nhìn Thuấn, tương lai ao ước của một tấm lòng hắt hiu đang được đốt cháy gượng gạo bởi thứ rượu ngoại quốc, rượu cùng xuất xứ với trái bom rớt xuống ban chiều. Phật ngạc nhiên vì tai hoạ và hạnh phúc cùng một nhãn hiệu. Chiến tranh giúp một ông già tầm thường phút chốc nhận chân được hết căn bản sắc không suốt một đời suy nghĩ của đầu óc ngoại hạng, chiến tranh đang biến người Việt Nam thành loại Phật tội nghiệp hân hoan trong Niết Bàn giới hạn qua hơi men mùi lúa mì.
"Ông già tay tổ, uống nữa đi ông ơi, uống đi để mừng được sống sót sau quả bom như ông thiên… thiên lôi". Thuấn rót thêm rượu cho ông lão.
"Uống cha, sao không uống, ôn chưa muốn chết thì chết răng đặng, ba bốn trận giặc trước tê chưa chết, lúc ni chết thì Trời Phật đi khỏi hết sao, rót nữa cho tui… Rót nữa cho tui, à uống đi ông Trung uý, răng mà ngồi rầu rĩ rứa, ông Đại uý nói ông Trung uý uống nữa đi, cha có chi mà buồn, coi tui đây, nhà cửa cháy một nửa cũng vui như ai".
Thuấn đưa mắt nhìn Minh đang ngồi im lặng trước ly rượu: "Uống đi em, không lẽ bị sếp chê rồi em bỏ rượu sao!" Minh không trả lời, cầm lấy ly.
"Mở miệng một chút đi em, rượu vào lời ra cớ sao em lại… Cớ sao, cớ sao em buồn, em ơi!" Thuấn gõ đũa vào thành chén, tiếng kêu boong boong sắc lạnh.
Minh nhếch miệng cười:
"Cố vui không được, cứ thấy tức ngang người, lại thêm một thằng Trung đội trưởng chết nữa, tao xui rồi, ông Tá nói đúng".
"Ở đây không có ông Tá ông Tướng nào hết, cứ nghĩ hồi sáng này ăn một viên đạn thì giờ này ra sao? Sống được đã khá rồi con ơi, đừng lo thành công hay thất bại rồi đâm ra hụt cẳng".
"Tao đâu nghĩ thế", Minh muốn giải thích nhưng hình như tiếng nói không đủ, làm sao Thuấn biết được cảm giác xao động âm ỉ khi Minh nghe lời đối thoại hân hoan giữa Lạc và Tiểu đoàn trưởng, cảm giác tròng trành thiếu hụt khi nghe câu từ chối: "Minh mạng đợi đó, để tôi nói chuyện với Lạc long". Chút khinh khi nhẹ nhàng như khói bếp bốc lên trong trời mù. Minh đứng dậy, bước ra nhìn lên trời. Trời trong, sao lấp lánh, trăng thượng tuần nhợt nhạt, tiếng sóng rì rầm ở xa xa. Minh ngửi thấy mùi lạ, mùi của lá tre ẩm mốc dưới bờ ao, thứ hơi hám âm ỉ nhưng nồng nàn chát đắng như từ một thân thể đẫm ướt dục tình. Minh linh cảm thấy giữa mùi vị lạ lùng đó với mình có một khăng khít xưa cũ được cất giấu bao lâu nay chợt thấy giữa mùi vị lạ lùng đó với mình có một khăng khít xưa cũ được cất giấu bao lâu nay chợt thấy như khi nhìn tấm ảnh đã mất hết vẻ quen thuộc của thời thơ ấu. Trong nhà vang tiếng cười sảng khoái của Thuấn và ông già, chợt Minh khó chịu như đang soi gương trong phòng vắng thấy được cái mụn đỏ nổi trên mặt. Ở một nơi nào đó chắc Lạc với Tiểu đoàn trưởng cũng đang có những tiếng cười vui như thế này. Minh châm điếu thuốc bước vào. Cuộc rượu đã đi đến chỗ đậm đà, Thuấn ôm lấy cổ ông già.
"Ôn ơi là ôn ơi, ôn uống nữa đi ôn, ôn chịu chơi, ôn tay tổ, uống, uống…" Thuấn kê ly rượu vào miệng ông lão, tay kia đỡ lấy chiếc cổ nhăn nheo:
"Cha răng lại không uống, nam vô tửu như kỳ vô phong, một giọt rượu là một giọt máu, đổ ra thì uổng biết mấy… Thả tay, ôn uống từ từ, uống để mà quên chứ en ơi!" Hai đứa bé ngồi dựa cột nhìn ông nội uống rượu với người lính. Hai đứa bé nhìn với ước muốn trở thành ông Đại uý Nhảy dù từ Sài Gòn đến đây, làng Phùng Trung, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, đến với dấu tích văn minh có đủ trên người, này điếu thuốc lá Mỹ, này hộp quẹt gaz, chai rượu cũng có một cái nhãn in hình một ông Mỹ đang đi…
Ông lão bắt đầu say, giọt nước mắt muộn màng long lanh trên viền mi sẫm đỏ mệt nhọc chảy xuống đôi má nhăn nheo.
"Này ôn Đại uý ơi, nhà cháy rồi làm sao sửa được hè?"
Thuấn ngừng uống, đặt ly rượu xuống, thò tay vào túi móc bao thuốc, điếu thuốc được đốt lên khó khăn… "Hết cái hỏi rồi sao ông già?"
"Biết, biết hỏi chi đây, cơ nghiệp cả đời tui mới có được cái nhà, cày ruộng từ lúc tui còn chút xíu, chao ơi tui chắt bóp dành dụm cả gần bốn mươi năm mới làm được, cái bộ rui mè ni mua được hồi đảo chánh Nhật, bộ cửa lá sách mua từ ngoài Huế lúc ôn vua Bảo Đại về nước… Ôn Đại uý ơi, làm răng mà sắm lại được "en" ơi?"
Giọt nước mắt không cưỡng nổi, chảy xuống, giọt nước mắt già cay đắng tưởng như chừng đã khô héo biết bao nhiêu năm nay tuôn tràn từ đôi mắt đỏ ửng. Lớp tro nóng âm ỉ khói leo lét một vài tia lửa nhỏ khi gió thổi qua. Hai đứa bé thấy ông lão khóc, chúng nhào tới, những tiếng khóc mạnh khoẻ thoả thuê vang theo tiếng nấc nghẹn tức tưởi của ông già. Ông lão giơ tay lên lau mắt… "Ôn Đại uý ơi…" Chiếc ly bị đụng lăn xuống, tiếng động khô nhọn lăn lóc nghe đau đau như lưỡi dao từ từ rút ra khỏi thớ thịt. Thuấn liếc qua Minh, điếu thuốc lóe sáng ở đầu môi, Minh cúi gầm trên ly rượu, ánh trăng theo phần vỡ của mái nhà rọi xuống lóng lánh trong lòng ly. Minh ngửa cổ dốc trọn cả một trời mù tịt vào người. Tiếng khóc của ba ông cháu khó nhọc rối tung vào nhau. Thuấn lóng cóng tìm lấy cổ chai rượu… "Ông ơi, thôi gắng thêm một ly nữa rồi đi ngủ".
"Nhà ơi là cửa ơi, ôn bà cha mẹ Trời Phật ơi. Thôi cám ơn ôn Đại uý". Trong cơn say đau đớn, ông già vẫn không quên gã trẻ tuổi ngồi trước mặt là một ông quan thật lớn. Ông quan lớn nhất trong ý niệm và lần đầu tiên ông lão được uống rượu cùng.
"Gắng uống ông già". Thuấn đưa tay ra trong bóng tối. Tay Thuấn chạm phải tay ông lão, một bàn tay lạnh buốt. Bàn tay của người già, bàn tay chết nhưng quả tim vẫn còn đau đớn chất đầy. Quả tim, vật mệt mỏi tội nghiệp nhất của người.