Chương 7
Tác giả: Phan Nhật Nam
Thuấn ngừng xe trên cầu, nhìn xuống dòng sông Bồ loáng sáng, ánh sáng đầu tiên của một ngày. Trời lạnh, sương mù ở mặt nước bay lên đặc cứng nồng nàn. Dòng sông sâu mịt mờ dưới chân xa, hai bờ cát trắng váng vất lạnh lùng. Sáu giờ sáng đường chưa mở, mình có thể đứng ở cầu chơi… Thuấn nhủ thầm.
"Đại uý đi đâu mà sớm rứa?" Người lính gác cầu hỏi thủ thỉ thân mật.
"Tôi ở Huế về…"
"Đại uý thật liều, đi chặng này nguy hiểm lắm, hay bị mìn, xe hàng cũng không dám đi”.
"Chết có số, sợ gì, anh hút thuốc?"
Người lính chia tay lấy điếu thuốc hân hoan…
"Đại uý chắc có bồ ở Huế, con gái Huế gặp đàn ông Bắc là xứng…"
"Xứng gì? Tôi đi ngủ đò bà Tôn…"
"Đại uý sành hí, biết cả đò mệ Tôn". Nụ cười hiền lành và chịu đựng chêm vào câu nói.
"Anh gác ở đây lâu hay mau rồi?”
"Dạ được sáu bảy tháng. Trước em ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn I, bị thương ở trận ngoài Cùa nên về Địa phương quân gác cầu này… Nhảy dù của Đại uý cực quá, em thấy ở đây cả năm, tụi em người vùng này, có gì còn có gia đình, chớ còn Đại uý ở tận “trung” Sài Gòn…"
"Tiểu đoàn tôi có nhiều người Trung lắm, thằng cha đi theo tôi là người gì ở tận bên nhà ông Ngô Đình Cẩn đó…”
"Phú Cam, rứa là hắn có đạo rồi…”
"Không, hắn đạo Phật, chịu khó một cây… Người Huế anh giỏi chịu đựng nhất. Xứ này buồn và nghèo đến nỗi không ngờ được. Ra đây mới thấy cái nghèo của miền Trung kinh khiếp". Thuấn nhìn quanh, núi sau lưng xanh mờ lớp lớp, trước mặt và đàng xa những thôn xóm nằm dọc bờ sông còm cõi hiu hắt tiếp giáp đến phá Tam Giang, dải cát xám biền biệt thứ cỏ tím mỏng manh ngút ngàn bất tận… "Xứ Anh nghèo đến độ sông cũng không có nước, Thuấn chỉ xuống dòng sôngg lững lờ mặt nước xanh thẫm quanh co giữa hai dải cát trắng… Ở Quảng Trị có con sông nghe đến lạnh người, sông Thạch Hãn, anh biết sông Thạch Hãn là gì không, là mồ hôi của đá… Trời ơi, đặt tên gì mà bi thảm đến quá vậy”.
Người lính cười, cười hoài, như thứ sức mạnh luồn sâu dưới thịt…
"Đại uý lầm rồi, bây giờ nó không có nước, cha, tới khi nó lụt thì khỏi chê. Đại uý thấy từ dưới mặt nước lên đây tới ba thước, buổi chiều nước còn xấp xấp dưới móng cầu, ban đêm trời tạnh mưa, gió thổi, nước nguồn đổ về đỏ chạch, mặt trăng viền đỏ viền cái vành vàng khè và nước dâng lên từ từ, người ta phải chồng bàn ghế lên giường để ở, chồng tới mô nước ngập tới đó, người ta đánh thùng thiếc kêu cứu… Mà ai cứu được ai, mấy cái làng từ đây đến Sịa, vô thấu trong Đồng Xuyên, xa tới phá Tam Giang, chỗ mô cũng ngập mênh mông, đứng ở cầu này nhìn từ đây ra biển chỉ thấy một mặt nước trắng xoá, tưởng như biển chảy ngược vô đây… Thảm lắm Đại uý ơi, đứng ở cầu mà thấy bà con trôi, đầu họ nổi lên, thụp xuống trong nước, lòng đau như cắt nhưng biết làm sao được. Không phải trôi vài người mà cả nhà, cả làng cùng trôi. Họ ngồi trên mái nhà, cái mái trôi và rã từ từ, cha con vợ chồng ôn bà dính lại một chùm rồi chìm luôn… Nước ở đây lại mạnh, Đại uý thấy núi gần đó, ào một cái là xuống biển, không làm răng mà chạy cho kịp…"
"Nguy biến thế thì ở gần sông làm gì?"
"Không ở đây thì biết ở mô Đại uý? Bên thì núi, bên thì biển, cái đất chi mà hắn hẹp không có chỗ thở, phải ở dọc mấy con sông mới kiếm đủ đồ ăn. Đại uý thấy đó, ngoài hai bên sông ra chỗ mô cũng toàn cát, cát xám xịt đen đúa chẳng làm được việc gì… Sông nó giết người nhưng nó cũng nuôi sống được người…”
Thuấn im lặng nghe người lính nói, điếu thuốc lá phà khói mênh mang, chàng thấy cay ở mắt, một đêm thức trắng hay cảnh tượng biển nước màu xám đỏ tuôn tràn mênh mông trên đó thoi thóp dật dờ những đầu tóc rối…
Có tiếng gọi ở đầu cầu.
"Có ai kêu tui. Thôi Đại uý đứng chơi, chưa có ai đi vào giờ này, nếu có thì tôi xoay cái bảng đỏ cho Đại uý biết…”
Thuấn gật đầu mời thêm một điếu thuốc… “Dạ, cám ơn Đại uý”, người lính đưa tay chào, những ngón tay cong queo, cái chào mềm oặt. Thuấn thấy trống trải một cách dễ chịu, những phiền muộn tưởng đeo chặt trong người phút chốc bay đi thênh thang. Đưa tay xoa mặt, dấu vết trận tình còn đâu đây, thấy được khởi đầu cũng như chấm dứt, chỉ là cơn mê. Chỉ là một cơn mê. Còn một ngày nữa là hết năm, tính tuổi ta là hai mươi bảy, tam thập nhi lập. Tiên sư, cái thân lo chưa xong, Thuấn leo lên xe rồ máy, xe chạy chậm chậm trong sương mù pha nắng. Vặn lưng, mệt thật. Thấp thoáng trong mù mờ hình ảnh Quỳnh Như oằn người dưới cơn tình ái. Thuấn mỉm cười vu vơ…
7.
Đại đức Trí Không đặt cây súng trên mặt bàn đen xỉn, ẩm mùi nước tương, đậu phộng. Cây súng đen bóng lạnh lùng. Đại đức nắm cây súng lên, hướng nòng súng vào góc mái nhà… Khi muốn hắn cũng nhắm như thế này đây. Đại đức khẽ rùng mình như thấy tội giới sát đang khép vào. Phải bắn một người, quyết định khó khăn làm nhức mỏi thân thể như sau khi chặt hàng bó củi lớn. Không bao giờ. Người tu hành thầm nhủ. Phải, không bao giờ, dù bị ép sát đến cuối đường, sẽ giải thoát bản thân, hạnh vô uý của đạo Phật sẽ được noi theo trong giờ phút chót. Chết, Đại đức thấy lờ mờ trước mắt phút tương quan khoảnh khắc ngắn ngủi để qua đời sống khác. Nhưng không phải mình chết mà dự phần vào cái chết của người khác. Đại đức Trí Không run tay… Bàn tay run run mở chiếc khăn màu đỏ đậm như quết trầu, đặt cây súng vào, chêm thêm hai cuốn kinh, cho vào ngăn giữa chiếc cặp da cũ nát trong có cuốn sách Đạo Phật ngày nay của một vị thượng toạ vừa tốt nghiệp ngoại quốc về. Vị thượng toạ có tư tưởng cấp tiến muốn đặt vấn đề: Sinh hoạt Phật giáo trong hoàn cảnh hiện tại với những điều kiện cụ thể… Thượng toạ có bao giờ biết được va chạm tóe lửa giữa Phật pháp và thứ vũ khí lạnh băng ghê gớm này? Đại đức Trí Không cất chiếc cặp vào ngăn tủ cao nhất bước ra sân chùa. Chỉ còn buổi chiều này thì hết một năm. Một năm đã đi qua, nhà tu nghĩ đến số tuổi hai mươi tám. Hai mươi tám vừa sắp đến số tuổi hai mươi tám. Hai mươi tám vừa sắp đến ba mươi, ngày vào chùa cũng chỉ bằng tuổi hai điệu, đầu cạo trọc với một chùm tóc đằng trước bằng nửa bàn tay, cơm chay đạm bạc nhưng ăn hối hả mê man, cơm đỏ lạnh tanh cứng ngắc nấu từ buổi sáng để ăn qua trưa, chút chao mặn, lớp tương lõng bõng những hạt đậu phộng. Năm tháng ốm yếu đã trôi đi như gió chạy trên đồi luồn qua rừng thông non. Rồi ngày khôn lớn với những cơn xôn xao đột khởi, đột biến trong lòng… Không khí u tịch của ngôi chùa như bóng mây che hẳn bầu trời nắng gắt.
Đại đức ghi tên học triết học để có thể so sánh những âm ba tinh tuý Phật giáo trong dòng âm thanh hỗn loạn của tư tưởng, dạy một vài giờ ở trường Bồ Đề tỉnh, làm việc nặng trong chùa giúp hai điệu, thay thế Hoà thượng trụ trì điều hành nhà chùa. Vị Hoà thượng đã đến tuổi già, giữa chiếc bóng đen lặng lẽ trên tường cùng khối hình hài bất động gầy guộc không còn biên giới. Hai hình tượng khác biệt đó có những thông cảm âm thầm soi vào nhau. Hoà thượng sống trên khoảng trống im lặng… Giữa im vắng của người và cảnh Đại đức vạch một tương lai ẩn khuất êm ả như tiếng ngân chót của hồi chuông trong sương chiều.
Đại đức Trí Không đi dọc theo khoảng sân để lên chánh điện. Hoà thượng trụ trì đang đứng nhìn bóng mây giữa sân, thân thể gầy gò với số tuổi chín mươi hai đứng vững chãi trông như một cây tre còn sót lại sau trận bão khi các thứ cổ thụ kềnh càng to lớn đã bị giật tung. Đại đức Trí Không nhìn chiếc hình hài mặc nhiên ấy lòng cảm thấy bình yên.
"Lạy thầy". Đại đức chắp tay cung kính.
"Ừ, chiều ni là ba mươi Tết phải không con?"
"Dạ, bốn giờ chiều rồi, không còn mấy giờ nữa là hết năm”.
"Thầy biết, nhìn cái nắng vàng vàng với cái bóng núi là thầy biết mấy giờ… Con năm ni là hai mươi tám tuổi, con học cái chi dưới Huế?"
"Dạ Cao học Triết… Nghĩa là hết cử nhân rồi sắp thi tiến sĩ". Đại đức mỉm cười vui thích sau chữ tiến sĩ.
"Tiến sĩ là ông Nghè. Thầy lúc trước có học chữ Hán, không bao lăm… À này con, thông vạn quyển kinh mà lòng chưa yên thì vô vị lắm, con gắng đừng để bị u tối với phiền toái ám trong đầu…”
"Dạ". Đại đức Trí Không chắp tay cúi người xuống đi vào chánh điện. Hai chú tiểu đang chơi trò bắn nhau quanh bàn thờ, những tiếng pằng pằng nổ liên hồi với khẩu súng là hai ngón tay trỏ và giữa khép vào nhau…
"Pằng, chú chết trước!"
"Không, chú chết trước tui…"
"Ê mô được, tui bắn trước…”
Đại đức Trí Không mỉm cười, chắp hai tay sau lưng khẽ hắng giọng. Hai chú tiểu im bặt chui tọt xuống gầm bàn thờ… "Chú chui chỗ tê, tui chỗ ni… Ừ để tui đi đổ chậu nước”. Nhà sư xem như không thấy trò chơi, chậm rãi đi đến bàn thờ Phật Thích Ca.
"Các chú chùi cái này chưa?"
"Dạ chưa, mới xong hai nhỏ, cái đó cao quá, để con đi tìm cái ghế!"
"Ghế dưới bếp, lấy lên, thầy chùi giúp một tay".
"Dạ". Chú tiểu chạy nhanh ra cửa.
Căn phòng vắng tanh, khói hương xanh nhạt bay chậm rãi lượn từng vòng trong ánh sáng vàng tươi ấm áp phát từ những cây nến lớn. Nhà sư nhìn lên tượng Thích Ca. Đôi mắt nhắm xuống bình thản, chiếc mũi thẳng và nụ cười… Bao nhiêu lâu nhà sư đã nhìn nụ cười này, mười năm, mười tám năm, một năm bao nhiêu lần, bao nhiêu giờ phút đã qua trước mặt pho tượng. Từ lúc còn để chỏm, phòng chánh điện bát ngát mênh mông tưởng như không có giới hạn và bức tượng uy nghi cao lớn. Rồi tuổi lớn, lớn dần để thấy ngôi chánh điện hẹp nhỏ, bức tượng rụt lại còn một khối gỗ thếp vàng cao hai thước. Nhưng nhà sư ngày càng chìm ngập trong niềm mê man khác, một cơn lụt êm ả nhận chìm xuống hết phiền não khó khăn, bắt nguồn từ nụ cười lặng lẽ… Nụ cười. Nhà sư chợt rùng mình. Người nghệ sĩ chơn chất nào đã vẽ được nụ cười đấng Chí Tôn trong phút xuất thần ngắn ngủi tuyệt vời như thế. Đúng là một nghệ sĩ tràn đầy Phật tính hiểu theo nghĩa đơn giản và trong sáng nhất… Nụ cười tràn trề tính chất Việt Nam một cách kỳ lạ. Nụ cười của Phật ở tranh Ấn Độ quá gọn gàng sắc sảo, nụ cười đã đến cuối cùng của chặng đường dài suy nghiệm. Nụ cười ở tượng đá Chiêm Thành thì quá đơn giản, pha chút khô khan, cảm giác khô của chất liệu nhám cứng. Còn tượng Phật của Trung Hoa và Nhật Bản nữa… Lạ thật, cũng là đức Thích Ca, với dáng ngồi, những ngón tay từ bi… Nhưng tượng Phật Trung Hoa thì quá xa cách, nụ cười quá an lành tự tại bát ngát vững vàng của dải đất mênh mang và dòng giống Hán Nam. Nhà sư lại chợt rùng mình, cơn xúc động ào ạt nôn nao. Nhìn lên, lần thứ bao nhiêu, thấy lại nụ cười của thớ gỗ mộc mạc, lớp sơn nứt từng đường nhỏ, tà áo cong cong chừng mực dịu dàng, những ngón tay đằm thắm và đôi mắt nhìn xuống với nụ cười. Nụ cười hồn nhiên pha lẫn chút vô tư chịu đựng đơn giản như khi ông lão dựng thẳng người nhìn lại thửa ruộng còn tươi luống cày, trời trên cao xanh ngắt, cơn gió đầu xuân khẽ lay động chòm râu màu trắng thưa thớt, những nếp nhăn trên mặt chợt giãn dần ra, đột nhiên có nụ cười, một nụ cười bất chợt đầy ắp hạnh phúc mơ hồ chưa có hình khối, đối tượng… Hạnh phúc được sống trong lòng đời đầy đủ cả khổ đau lẫn sung sướng, sống hay là nghi lễ linh thiêng hân hoan mà thể chất diễn đạt cũng ngoài cơn cuồng nộ của cuộc mơ hồ cố gắng. Cười như sau khi vừa lợp xong được mái tranh, cơn gió mùa đông bắt đầu luồn qua khe núi, cười của lớp dân Nghệ Tĩnh khi vượt Trường Sơn đứng ở đỉnh Hải Vân nhìn đồng bằng hai xứ Quảng trải dài đến tận chân trời… Nụ cười của Phật Việt Nam còn có chút hạnh phúc cay đắng của người vợ Nam Xương khi thấy bóng chồng thấp thoáng trong bụi mờ trên nẻo đường về, sửa soạn vở bi kịch nhức nhối… Bao nhiêu năm nụ cười vẫn tràn đầy cơn gió thổi miệt mài trên con sông xanh thơm bóng rêu, chuyển động lăn tăn giữa hai bờ lau lách.
Đằng trước chùa, bóng nắng bắt đầu nhạt và đêm đã đến dưới đáy thung lũng. Khí lạnh và khói lam bốc cao. Đoàn quân mặc áo quần nâu tiến vào thung lũng. Họ dắt lá trên nón, sau lưng, một hàng cây xanh rì đang chuyển động. Đoàn quân dừng lại, hàng cây xanh thấp xuống, tiếng loạt xoạt của gió thổi trên những thân cây nhân tạo, trong tiếng gió có hơi thở của người. Người thở dồn dập đứt khoảng vì mệt. Bằng có mặt trong đám người, chỉ tay về phía ngôi chùa nói với một thân cây um tùm lá… "Tôi đã làm áp lực với một nhà sư trong chùa này, ông ta có ảnh hưởng nhiều với lớp thanh thiếu niên của đoàn Quyết Tử, ông ta sẽ đóng vai trò đại diện cho lầm lẫn tôn giáo trong những quyết định cứng rắn…” Bóng cây gật đầu, ánh nắng cuối cùng rọi xuống thung lũng soi rõ một đôi mắt long lanh quyết chí nhưng le lói đường gân đỏ mệt mỏi.
Lạc thắp nén hương vào chiếc ly đựng đầy gạo được dùng thay bát nhang, có tiếng khịt mũi của người vợ. Lạc xoay người lại. Vợ Lạc khoanh tay trước ngực cúi đầu lặng lẽ…
"Tôi với mình lấy nhau như thế đã mười tám năm… kể từ ngày tôi đi lính”. Lạc bước tới, dựa lưng sát tường kéo vợ vào người…
"Tóc mình khô quá sao chẳng gội gì hết?"
"Nhà tắm không có nơi gội. Em có gội ở Sài Gòn trước ngày ra đây… Tóc em có mùi?"
"Không". Lạc im lặng ngửi mùi nắng bụi trên sợi tóc khô se của người vợ, bao lâu Lạc không làm cử chỉ thương yêu nhỏ bé này, mười bảy năm tình vợ chồng và đời lính… Mới ngày nào đó khăn đóng áo dài đi giữa hai lối tre in dấu chổi vừa quét, cô thôn nữ khép nép rụt rè bước theo trong thứ nóng có khói bay mịt mù từ cây đuốc của ông chú từ hàng đầu… Mười bảy năm, mới ngày nào mái tóc đen kịt đẫm ướt dầu dừa mát lạnh trong lòng tay, nay khô se xơ xác dưới ánh điện vàng vọt theo cơn gió đêm lạnh buốt… Mười mấy năm cũng bằng thời gian mang giày săng đá, giày botte de saut, bao nhiêu đôi giày đã qua trên đó đôi chân gồm những ngón thô cứng cong méo trắng nhợt, không phải màu trắng tự nhiên của loài da nhàn hạ nhưng vì bị để lâu bóp chặt trong một thể tích hầm hơi kín mít mùi bùn non và mồ hôi… Lạc nhúc nhích mấy ngón chân trên đôi dép Nhật, hít mùi tóc khô của vợ một hơi dài… Tội nghiệp, mười bảy năm rồi, tiếng nói không vượt khỏi hàm răng khép chặt nghe phều phào.
"Mình nói gì em?"
"Không".
"Vừa rồi mình bảo vợ chồng lấy nhau được mười tám năm, em nhớ mình chỉ ở với nhau năm giao thừa, kể cả tối nay, còn ngoài ra mình đi tận đâu đâu…”
"Thì đi hành quân chứ đi đâu nữa”. Lạc đâm ra cáu kỉnh vì nghe âm thanh của vợ có những khó khăn trách móc…”
"Không, em nói gì mình đâu, em… thương mình và thương thân, em năm nay ba mươi bốn tuổi rồi, còn một giờ nữa là ba mươi lăm, em già rồi, đợi mình từ một thuở xa xưa bây giờ đã quen, đợi thêm cũng được, hình như em sống cả đời để đợi mình về". Lạc lắc đầu. “Không, tôi nói đùa". Lạc kéo chặt vợ vào lòng, thấy lại trước mắt mười bảy đêm giao thừa dằng dặc, từ năm một ngàn chín trăm năm mươi đến năm một ngàn chín trăm sáu mươi bảy. Những giao thừa của những năm đầu đời lính, khẩu phần đặc biệt, rượu chát được uống thả cửa, sĩ quan Pháp bỏ hết kỷ luật thường ngày để vui cùng lính Việt Nam… Tết, Tết, chúc mày một bonne année! Bois un coup avec moi le petit caporal. Lạc đứng dậy trên thùng, nâng chiếc ca nhôm… Je bois un trait… ca… ca… c’est ca, c’est bon type, tiếng khen thưởng ồn ào, tiếng vỗ tay loạn xạ. Lạc uống một hơi không nghĩ, rượu chát chua ngọt ngọt, vị nồng nàn trầm ấm, ướt đẫm lưỡi, một đường đỏ theo mép chảy xuống ướt đẫm khoảng áo, da cổ đỏ cháy, Lạc lột chiếc nón đỏ trên đầu đắp lên phần da thịt thắm tươi… Versez le vin dans eci mon lieutenant. Lạc căng chiếc mũ bằng hai tay, viên sĩ quan Pháp hai tay nâng hai chai rượu nhảy lên chiếc thùng… Bon, très biens. Hai ca rượu đổ vào lòng mũ… Rượu sóng sánh màu đỏ sậm trong lòng mũ đen úa bẩn, Lạc ngụp đầu vào, mùi mồ hôi, mùi tóc cháy nắng, mùi đất đậm đà, trộn lẫn vào cùng chất lỏng sôi nổi. Lạc ngụp đầu vào… Bravo! Bravo! Hoan hô Hạ sĩ Lạc, Hạ sĩ Lạc ngụp hẳn mặt vào, rượu sóng sánh chuyển động, rượu ngập lụt giác quan, rượu mát lạnh chuyển qua mức độ nóng bức. Lạc mê man đẫm ướt, tưởng như toàn thân tan chảy thành luồng nước đỏ nồng thắm. Những đêm giao thừa tung hoành thật tự do ở xóm bà Mâu, Trung sĩ Lạc bước ra sau khi mở lưỡi con dao commando, cán dao bằng nhôm run rẩy khô cứng ép con hát đứng nép vào một góc… Mụ chủ quán ấp úng: "Vâng, vâng, thầy Đội cứ tự nhiên… Nhà cháu xin lỗi, xin lỗi". Lạc bước tới cạnh ả đào hát. Bốp! Cái tát bắn ngã thân thể nhỏ bé vào thành giường… "Tiên sư, giao thừa hay không cũng mặc, ông còn ngồi đây là mày còn tiếp cho đúng tiền ông bỏ ra, muốn cả xóm này bị phá nát ra bây giờ hả…" "Dạ, dạ thưa thầy Đội sinh phúc để nhà cháu dạy dỗ em út, xin thầy Đội…” Lạc rút con dao ra khỏi bàn, bước ra khỏi ngưỡng cửa. Đầu con hẻm có bóng người thấp thoáng, Lạc chặt lưỡi, nâng chiếc xe đạp ghi đông course lên vai… tay trái thủ con dao chưa gấp lưỡi, gió đêm lạnh thổi phà lên mặt, cơn chếnh choáng bay hẳn đi, nhưng Lạc vẫn bước những bước ngã nghiêng, ánh đèn từ ngoài mặt lộ lập lòe vàng ửng. Lạc cất tiếng hát… Debout les paras… cip, cip, cip, giọng khò khè nặng nề nhập nhòe hơi rượu chêm vào những tiếng gừ gừ. Trong bóng tối Lạc cười những tiếng nhỏ thích thú với lối đóng trò giả say, ánh đèn đường chao động ngõ hẹp, ba bóng người nhào ra, có tiếng dây xích khua trong gió… "Ông giết mày!" Ba bóng đen cùng nhào tới. Lạc nhanh như con báo, "Ha ha, ĐM… chết với ông đây, cha chúng mày đâu có say”. Lạc tỉnh như trong giây phút bàn chân rời khỏi sàn máy bay và bốn sợi dây thượng thặng dù căng bật, chiếc xe đạp ném ngang về phía phải, Lạc nhảy về phía trái, cánh tay phải vòng lên che lấy đầu và mặt, tay trái nơi có lưỡi dao, đâm thẳng về phía trước. Lạc nghe tiếng “bực” ngọt sắc trên đầu tay, lớp thép của một chiếc xích sắt quấn theo cánh tay phải, phần da thịt vừa bị bóc đi, cơn đau quá nhanh lóe sáng như ánh chớp không làm Lạc đau đớn, cánh tay phải xoay một vòng, chiếc xích đã nằm trong bàn tay. Lạc giật mạnh và tay trái, cánh tay tự do và tàn bạo thọc thêm một lần phía đàng trước. Phập, lưới thép cứng ngắc lạnh buốt của con dao đi một vòng từ trái sang phải. Lạc cong tay, rút con dao ra khoảng một tấc. Phập, lưỡi dao ngập xuống lần thứ hai. Hà, đụng vào ông là chết! Chữ chết của Lạc hoà vào một tiếng thét lạnh lẽo : "Chết tôi rồi". Lạc cười trong bóng tối. Chết là phải. Lạc bước vào nhà cùng với chiếc xe đạp trên vai, con dao đã nằm trong túi quần nhưng hai tay đẫm máu, máu của Lạc và máu của kẻ vô danh trong hẻm tối. Lạc không biết mặt người vừa bị chàng đâm. Không hiểu nó chết hay không?
"Mình, sao mình đầy máu thế này?" Bà vợ chạy quanh Lạc, mười ngón tay run rẩy không dám đụng đến áo…
"Không có gì", chiếc xe đạp vất vào một xó, bàn tay trái, bàn tay khoẻ mạnh và đẫm nhiều máu, đẩy vợ đi… “Bà lo việc bà đi, tôi không có sao…” Lạc bước vào buồng…
"Mình say thật rồi, ĐM… không lẽ mình say máu người". Ngoài bàn thờ nơi vùng ánh sáng lung linh có tiếng khóc của người vợ. Lạc vớ phải một chiếc ly ném thật mạnh xuống sàn. ĐM… Im có được không!” Lạc ngã người xuống giường, nhắm mắt tỉnh rượu. Khoảng tay gối đầu có mùi máu tanh tanh… "Tiên sư, ba năm lấy vợ mới ở nhà ăn Tết với vợ một lần…” Lạc thấy mệt mỏi lạ lùng.
Đêm nay, Lạc thấy lại cảm giác đó, mệt mỏi có hình khối đè xuống người rã rời, ngất ngây ngột ngạt… "Tôi sẽ gắng xin về làm tại Bộ Tư lệnh, thôi đây là giao thừa chót tôi đi lang bang… Tôi hứa với mình như thế". Lạc thì thầm vào tai vợ, giọng ấm đặc chơn chất pha lẫn hối hận của một người kiệt lực, nhưng trong lòng vẫn thấy có điều gì ngang trái khó khăn.
"Con đi với mẹ đến đằng nhà ông ngoại, lát nữa sau giao thừa đến không được, số mẹ năm nay không tốt, xông đất nhà ông không được, mình đến mừng ông trước”.
"Mẹ đi một mình cũng được, nhà ông đâu bao xa, con thèm ngủ quá". Minh lười lĩnh ngồi dậy khỏi giường, che miệng đáp lại sau một cái ngáp dài.
"Đâu phải mẹ ngại đi một mình, bao nhiêu năm con đi lính cả nhà thăm hỏi, hai năm sau này con đi mất biệt, bây giờ nên đến thăm ông cho phải đạo”.
"Vâng, vâng, con đi đây, con đùa vậy thôi…" Minh với tay lấy bộ áo quần để ở thành giường, bộ áo quần bẩn cũ xì hôi ngai ngái mùi bùn và đất ẩm. Minh đưa lên mũi ngửi.
"Dơ lắm rồi, hồi nãy mẹ định giặt nhưng sợ con không chịu, mẹ thấy nó đã nhão xìu… đất dính ở cổ đen ngòm".
"Chưa dơ lắm, không hôi, còn mặc được…”
"Trời đất, áo quần như vậy con còn bảo là sạch?"
Minh cười, căng chiếc áo cũ rũ rũ mấy cái, xong, có thể mặc thêm vài ngày, nếu đi hành quân thì thêm nửa tháng cũng được…
"Thôi, Tết nhất ai lại mặc đồ lính trông cục mịch quá, con lấy áo quần thường mặc đi…”
Minh ngần ngại, chiếc áo lính mỏng manh ẩm ướt lạnh cóng thật khó để mặc trong tiết trời giá buốt và cảnh nhà ông ngoại với đám đông hân hoan chuyện trò trong ánh nến sáng rực từ bàn thờ rọi xuống, và Minh lúng túng trong bộ đồ lính… “Ừ, thôi mặc tạm cái áo quần gì đó cho tiện”. Minh rũ chiếc áo xuống, vải popelin trắng sau nhiều lần giặt căng rạn mỏng, cổ áo lật, sờn mòn được mẹ mạng bằng loại chỉ quá trắng. Nhìn vào bảng huy hiệu của trường thêu chỉ xanh "QH", Minh mỉm cười nhớ lại đâu đó hãnh diện ngày đỗ tú tài I và lên đệ nhất. Đệ nhất Quốc Học với nấc thang cuối cùng sẽ trở thành sinh viên, có thể mang cà vạt đi phố ngày Chủ nhật và tán nữ sinh trường Đồng Khánh không e ngại, đệ nhất Quốc Học với ba đường vạch xanh trên túi áo chứng tỏ đã có một trí thức vững vàng để đi nghe linh mục hoặc giáo sư diễn thuyết những đề tài "Nhìn mặt hiện sinh: Người đàn bà sinh vật lạ lùng ấy…". Đệ nhất Quốc Học sẽ tự tin đi vào phòng hội, ưỡn ngực ra, ba đường xanh rõ ràng… Đệ nhất rồi đó có quyền chứ… Minh kéo ghế, gù cái lưng cau vầng trán khi diễn giả cao giọng tha thiết… "Như vậy, người đàn bà, cái thân phận bi đát rõ rệt nhất…", Minh nhớ lại cô nữ sinh viên văn khoa của chứng chỉ dự bị đã khẳng định lời trên về thân phận người đàn bà trên giường giáo sư Văn mấy tháng sau buổi chiều diễn thuyết… Đúng thật, văn chương triết học đã khai phá những lối đi rạng rỡ cho đời sống. Nếu không có lời diễn thuyết đó, không có hình ảnh bi tráng sống động nói lên phản kháng của con người trước hoàn cảnh trong dáng điệu của giáo sư Văn. Đôi mắt long lanh sau cặp kính trắng, biết gầy gồm những ngón tay xinh đẹp tài hao bấu siết lại, gằn mạnh trên mặt bàn… với âm thanh réo gọi vũ bão vang lên… người đàn bà, thân phận, định mệnh… hiện sinh bi đát… Nếu không có những viên đá dò dẫm đầy tính cách mạo hiểm trong cuộc tìm kiếm con người đó làm sao một cô gái Huế bỏ chồng chưa cưới, cởi áo cởi quần lăn lộn miệt mài, giãy giụa chân tay trong cơn động tình ái với giáo sư Văn, thứ thầy tu xuất đầm đìa tình dục trên mỗi dòng trong toàn thể các tác phẩm đi tìm một chỗ đứng cho thân xác. Minh cười nhẹ nhớ lại sự bàn tán xôn xao của thành phố Huế sau tai nạn bi thảm do triết học gây nên, lũ học trò nhỏ xuýt xoa thán phục … "Hay thật, ông Văn chì thật, học đã giỏi mà còn dám sống đúng theo tâm hồn mình… Tao thì nghĩ bà kia oai hơn, dám bỏ chồng chưa cưới để theo ông Văn…” Đúng là định mệnh, thằng học trò chỉ thiếu chữ "con người" nữa là đúng ngôn ngữ của giáo sư Văn. Khối người bị ép kín bởi Ngự Bình và cửa Thuận An xuýt xoa thì thầm to nhỏ, tưởng như những nụ hôn, vòng tay siết, cơn ân ái giữa anh giáo sư thầy tu xuất và một chị sinh viên hai mươi tuổi học chứng chỉ dự bị là kết hợp vĩ đại giữa tư tưởng và tuổi trẻ biến thành hiện sinh dũng mãnh chống đối lại tảng đá luân lý đóng rêu để lại từ đời Đồng Khánh, Thiệu Trị. Thành phố xôn xao vì chuyển động của đôi mông giống cái học văn khoa đưa đẩy vồ vập của một giống đực trí thức làm rung rinh dãy trường thành rêu thâm, hòn bia đá Phú Văn Lâu, chín ngọn súng đồng đứng im lìm trước Ngọ môn vàng rực trong nắng. Minh cùng lũ bạn đã than van, thì thầm bàn tán bằng những ngôn ngữ quan trọng cái tai nạn quyến rũ kinh khủng đó và trong lòng nhen nhúm ao ước được sống chết hết mình với một mối tình trong tương lai, mối tình, phút hiện sinh làm sáng rực định mệnh bi thảm và dũng cảm của con người!!! Minh chúm miệng thổi phù hai tay đánh vào nhau, có tiếng cười nhỏ thoát ra từ cổ họng.
"Gì đấy con?”
"Không có gì hết mẹ, con nhớ đến chuyện mấy năm con đi học nên buồn cười".
"Mấy cậu bạn học của con đến đây chơi luôn, họ thường nhắc đến con và cứ trách con không viết thư về…"
"Tụi nó trách sao nữa mẹ? Con viết thư cho tụi nó làm gì? Để kể chuyện chiến trường, để bày tỏ tâm trạng của tuổi trẻ trong thời chiến tranh… Hì hì… không lẽ con đi kể chuyện con có mấy cái huy chương cho tụi nó nghe nữa hay sao? Con về đây chẳng thấy mặt thằng nào cả, có gặp mấy đứa trên phố, nhưng con quên tên nên đành lơ luôn".
"Chỉ có con tệ vậy thôi, chứ như cậu gì đậu hai bằng cử nhân luật đó, đến đây là hỏi con luôn…"
Minh không trả lời, im lặng mặc chiếc áo, cũng vì mình có con em với mấy đứa chị họ xinh đẹp tụi nó mới đến, dám chắc có ông nào đó học sau mình đến đây nhận vờ: “Dạ cháu học với Minh từ hồi còn con nít…" Tiên sư, ái tình cũng phải có kế hoạch. Minh hút gió lung tung, mặc thêm cái áo saut.
"Đi mẹ, con xong rồi”.
"Sao con ăn mặc gì lạ vậy, chân con lại đi dép Nhật nữa”.
"Trời lạnh mà mẹ, nhưng con còn gì để mặc bây giờ, đây là đồ cũ bị trật mốt rồi, có gì mặc đó không ai để ý đâu… Con quên đường tới ông ngoại rồi, không phải quên, tối quá con nhìn đường không ra”.
"Con thật vô vị".
Minh cười không nói, lầm lũi đi sau người mẹ. Tối ba mươi trời đen đường vắng, ngọn đèn đường chao động, khói hương từ các căn nhà bay ra tản mát vào sương mù. Minh nhớ những giờ thức dậy mặc đồ mới, lạnh cóng, ăn bát chè bông cau, cục xôi cứng ngậm trong nước chè vàng óng, chất ngọt lạnh tanh trôi dần vào người, nghe chừng như những giọt mùa xuân thấm dần vào máu, rồi pháo nổ từng tiếng vang lên… "Pháo nhà ông Tham, nhà ông Đốc… Ấy, ông gì làm bên công an có tràng pháo tốt nổ không dứt một tiếng…Minh, đốt pháo đi con”. Minh mang thêm đôi giày, chải tóc. Tóc chải rẽ, mẹ nâng một tay dưới cằm giữ thẳng đầu mới rẽ được đường ngôi. “Tóc gì cứng thế này, đằng sau không xong gì cả, chóng ngoan lên để mẹ thấm một chút nước lạnh cho tóc nằm xuống”. Minh chải tóc với nước lạnh, cho nổi hoa màu trắng… "Mẹ mua con đôi vớ rộng quá…” “Rộng gì thì mẹ mua bằng nắm tay mẹ hay con, nhưng đây là vớ nylon có thể co giãn được. Mẹ đo từ đâu đến đâu?” "Theo nắm tay…" "Ừ rộng thật". Minh mặc áo mới, giày mới, đầu chải với nước lạnh, bước ra khỏi hiên nhà, không khí mát tinh khiết, hình như trời đất rung chuyển. Minh hít hơi lạ vào như xe lửa bắt đầu qua khỏi hầm đèo Ngoạn Mục, trời lạnh, không khí mới mẻ, cây thông toả mùi thơm, người làm vườn mặc veston, trẻ con má đỏ căng tròn trong áo ấm. Minh hít những hơi nhẹ, thổi cây hương trịnh trọng trước khi châm vào sợi bấc, sợi bấc khô queo cứng cáp sau mười tháng hong trên chái bếp. Sợi bấc bắt lửa cháy đến hân hoan, chiếc pháo đầu tiên nổ. "Pháo mình nổ to quá mẹ ơi, năm nay mẹ phát tài…" Pháo nổ từng chiếc chắc chắn, ngọn tim đã cháy hết, chiếc pháo im lìm gây một tiếng động khổ đau nhức nhối trong tim. Băng pháo hết, vỏ xác pháo bay bay rực rỡ dưới gió đêm, chúc mẹ mạnh khoẻ … Minh bóp tay trước bụng. Chợt thấy âm thanh của tràng pháo còn vang dội, thứ âm thanh của niềm vui ngắn hạn mỏng manh như phút giây vô hình qua biên giới của hai năm. Minh muốn ngủ, cởi áo vắt trên thành ghế, sáng mai mẹ nhớ thức con dậy…
"Mẹ ạ!"
"Gì con?"
"Hết Tết theo con vào Sài Gòn không?"
"Làm gì trong đó?”
"Mẹ ở chơi đi chợ nấu ăn cho con, con thèm thức ăn Huế, mẹ nấu cho con canh hến, cá nục kho, cá nục kho cắm đôi đũa vào chỉ thấy một lỗ, con nói với gia đình tụi bạn ở miền Nam như thế nhưng họ không tin, Sài Gòn chỉ biết kho cá nục nước hoặc chiên, mất mùi cá, mẹ làm bánh bột lọc nữa…"
"Nhưng ở đâu?”
"Ở cư xá Sĩ quan Tiểu đoàn, nhà hai buồng có bếp, rồi con lấy vợ cho mẹ một đống cháu, mẹ tha hồ quấn tã nghiền cháo cho tụi nó".
"Con nói thật không, nếu con chịu thế mẹ vào với con liền".
"Chịu chứ, qua Tết này con được hai mươi lăm tuổi, hai mươi lăm tuổi đối với người Việt Nam là già, bạn con có đứa có vợ hồi hai mươi tuổi. Con đi với mẹ trong đêm nay vừa thấy mình nửa con nít nửa người lớn".
"Lớn rồi, con nít làm sao được… Nếu con chịu mẹ đóng cửa nhà vào với con lập tức, con cho mẹ một đứa cháu nội, mẹ giữ nó không một chút bụi…”
"Xong rồi, hết Tết mẹ vào với con, con sẽ được ăn cá nục”.
Bóng hai mẹ con đổ dài theo ánh đèn chao động, có mùi hoa từ hàng dậu thơm ngát… hoa dạ hương, Minh nghĩ thầm, hoa cũng sửa soạn đi qua một ngày mới. Có những thân cây sầu đông gầy guộc chập chùng hai bên đường, Minh có cảm giác thấy được những chồi lá non trong bóng đêm dày thẫm, lá cũng có mùa xuân riêng của nó.
Nhà ông ngoại đầy người, cậu mợ và đám anh em bạn dì đứng ngồi đầy nhà trên và nhà ngang… "À, o Tám, dì Tám… À, cô mới đến”, mỗi người một câu họ ghìm lời nói trong cổ họng để tạo vẻ nghiêm trang, sự nghiêm trang làm nhòe âm thanh hững hờ đến một người thân. Họ ngoại mình là dòng Tôn Thất ở Huế lớn lắm, có phủ, có đình, có ruộng vườn, non bộ to lớn có đủ kích thước của một thế giới thần bí thu hẹp lại, kích thước của dòng Tôn Thất, dòng vương, ông ngoại làm Tham tri bộ Lại. Họ lớn ở bộ tam sự cao hơn năm tấc vàng chóe, sau bàn thờ Phật một dãy hình người chết bán nguyệt, người em ông ngoại mũ cánh chuồn ốm yếu dưới sức nặng của chiếc mũ, chòm râu đen mệt mỏi. Minh không hiểu sức mạnh nào trong lòng một ông quan cằn cỗi này để dẫn dắt dân chúng qua quãng đường ngặt nghèo, chống chỏi với cán bộ Cộng sản hớt tóc ngắn, hông đeo súng lục pạc-khoọc và cách mạng công nông. Việt Nam độc lập chắc hẳn đè bẹp đạo Thần tử, đức Khâm thượng… Thánh thượng hồi loan. Ông ngoại ngồi trong đi văng vàng rực ánh nến, đầu đội khăn, mắt đeo kính, áo dài sa tanh đen, áo ngoài đơm bông chữ thọ, quần xan… cậu mợ dì vây bọc xung quanh, có người từ Nha Trang, có người về từ Ban Mê Thuột… "Tôi phải vận động lắm, nhờ ông Trưởng ty trên đó lấy chỗ mới về được, vé cuối năm như ăn cướp, may là nhờ người quen, nhưng không có ông Ty thì tôi cũng nhờ bà Tỉnh, tôi với bà quen nhau lắm, bà là con của mụ dưới đầu cồn đó… Trời ơi, bà gặp tôi lần đầu thiếu đường ôm mà khóc, mới biết người Huế đi đâu cũng được vị nể mà thương lấy nhau". Dì Tư nói thật nhiều, dì nói oang oang nhấn mạnh ở chỗ bà Tỉnh và nỗi khó khăn phải mua vé vào dịp Tết… "Nhưng được thấy thầy là mãn nguyện rồi, có tốn vạn bạc tôi cũng chịu huống gì mấy ngàn tiền vé". Dì kết luận khoan khoái vì thấy không ai ngắt lời, xác định được sự hiếu thảo trên giá tiền chục vạn… Ông ngoại im lặng ngồi nghe, không hiểu mỉm cười hay vì ánh sáng lung linh làm chiếc miệng móm chuyển động. Ông ngồi hưởng hiện tại, một hiện tại hạnh phúc có thể định giá vào số lượng con cháu xung quanh. Cậu Năm cũng không kém, đi tàu bay thì hai tiếng là tới, giá tăng kinh khủng, tôi cũng muốn đổi xe Nhật, nhưng cái thứ đó không bền, tôi xài bao nhiêu đời xe rồi nên tôi biết, chỉ có cái dáng thanh thanh vậy thôi… Đường từ Nha Trang về đây nguy hiểm không tả được, gió biển chắc chắn làm thầy khoẻ ra liền… Thầy đi xe con như ngồi trên salon, cậu Năm bắt đầu nói lại bằng chuyện xe hơi, nhấn mạnh về vài nỗi nguy hiểm và hao phí khi đi đường. Dì Tư ngồi nghe ra dáng bực dọc, vì công lao đi máy bay chắc chắn thua xa nỗi khó nhọc của chiếc xe hơi đi năm trăm cây số. Ngoài ra chiếc xe bóng lộn màu đỏ nằm rõ ràng trước nhà như dấu tích của một phiêu lưu ngắn hạn của một lòng hiếu thảo cụ thể được thể hiện bởi giàu sang. Xe chị cũng uống nhiều xăng lắm, tuy đoạn Ban Mê Thuột xuống nguy hiểm nhưng chị cũng muốn về bằng xe hơi.
"Đâu được, xe là xe Jeep làm sao mà về, về đến đây đã gãy xương sống à…" Cậu Năm hả hê chứng tỏ được sự hiếu đễ qua nhãn hiệu của chiếc xe. Dì Tư ngồi im bực dọc: "Cốt về được với thầy cho mau là quý, cà tịch cà tang biết bao giờ mới tới…" Ông ngoại ngồi im lặng nghe cậu và dì giành giựt nhau bằng chứng của tình thương, trí não người già chậm chạp làm phép tính giữa số tiền bị mất và sự hiện diện của các đứa con.
"Ai sau con Tám đó?”
"Dạ thằng Minh đó thầy, nó theo đơn vị ra ngoài này hành quân xin phép nghỉ đêm về thăm thầy, mấy năm nay nó chỉ ở trong Nam”. Mẹ nhấn mạnh chữ xin phép.
"Thằng Minh à, ông ngoại hỏi với vẻ hững hờ, lâu quá thầy quên mất mặt nó, con xích tới đây on coi một chút”. Bàn tay nhăn nheo lạnh cóng rờ trên mặt Minh… "Nó lớn ghê, mấy năm trước con đến đây hái ổi, trần bì…" Bàn tay rờ đến áo saut, áo gì mà dị hợm thế này.
Minh đứng im dưới cái rờ tìm kiếm, ông già tìm được trên vóc dáng đứa cháu không phải một vóc dáng thân yêu nhưng như tấm áo Nhảy dù thô cứng…
"Cháu đi lính Biệt động quân đó à?" Có giọng nói tra hỏi từ một bà mợ đang dựa lưng vào chiếc cột.
"Dạ thưa không phải, cháu đi Nhảy dù".
"Nhảy dù, như rứa anh ở đây hay Đà Nẵng năm 1966”. Một gã trẻ tuổi không giấu nóng nảy.
Minh liếc qua, à thằng Trí con cậu Sáu, gã mặt tái, dài quắn, loại mặt thủ dâm và hiểm độc, thằng Trí, Minh chợt nhớ thời gian trước lúc bố mới mất nhà bắt đầu sa sút. Nhưng bà ngoại và mợ Sáu không nghĩ như vậy đem Trí đến nhà Minh, thằng bé nhởn nhơ sung sướng vì sắp được trả thù… Bà ngoại đã tấn công mẹ.
"Con coi lại thằng Minh, nó hỗn và nghịch ngợm quá, đây nè nó đánh thằng Trí đến bầm cả mặt”, bà ngoại bóp hai tay vào má Trí lắc qua lắc lại, chìa hai má nó cho mẹ Minh xem hai gò má không có vết bầm, chỉ có màu đỏ của làn da hóp quá mạnh… Mợ Sáu tiếp theo: "Cô phải dạy nó lại, cha nó chết đi thì còn cô, con hư là tại mẹ, cô cứ thả nó đi là thành du thủ du thực, à, mà nếu không coi được thì em đưa chị nuôi”.
"Dạ thôi, để em đánh cháu liền”. Mẹ cúi xuống chịu đựng.
"Mẹ vẫn thương nó lắm chứ, cháu nào mà chẳng thương, hơn nữa nó lại không cha, đáng lẽ mẹ phải thương hơn, nhưng khổ cái thằng nó nghịch ngợm”, bà ngoại đưa tay lên lau nước mắt, Minh nép ở nhà trong sau liếp cửa nhìn ngoại chùi những giọt nước mắt vô hình… Minh liếc qua thằng Trí, mặt nó thoả thuê sung sướng, đôi mắt đầy trắng láo liên tìm Minh… Minh thấy ở bà ngoại cái vẻ gì không thực, mấy tháng trước khi bố mất Minh là cái đinh của sự chiều chuộng mỗi khi về ngoại… “Chao ơi, cháu lớn quá, cháu tới đây bà coi… Hừ cái thằng có cái tai thật to, hắn giống ba hắn như đúc, bố là rể có chức phận lớn, hắn lại có cái cằm giống bên ngoại… Cằm này tha hồ mà đòi ăn”, ngoại bế Minh trên tay, dí cái mồm đầy quết trầu vào má Minh, các cậu dì lớn đón Minh về chơi nhà, cậu Út cõng Minh chạy khắp mấy con đường vắng, nhưng khi bố mất sao mà khác hẳn thế này, cậu Út bẹo má bẹo tai Minh thật đau, khi Minh lén với lên hái ổi các cậu các dì nhìn Minh lạnh lùng: "Cháu đi chỗ khác chơi, cháu đi đâu đó, sao không về nhà mẹ đợi…” Trường học Minh gần nhà bà ngoại. Minh sợ cái không khí vắng lặng của gia đình sau khi bố chết. Minh ngã về bên ngoại… "Cháu về nhà ăn cơm, ở đây không có ai rửa tay chân cho cháu trước khi ăn…” Minh lầm lũi xách cặp bước ra khỏi chiếc cổng bằng lá chè Tàu, nghe đằng sau có tiếng nói của ngoại: “Mẹ nó dặn đến đây xin cơm đó…” Minh không hiểu có gì khác giữa bữa cơm ở nhà vào ở ngoại, nhưng có một nỗi buồn rõ rệt làm lòng đứa bé nặng lắm. Minh liếc mắt nhìn thẳng vào các cậu, các bộ veston thẳng tấp, trịnh trọng với cà vạt, các dì áo dài mới, khoác áo ấm đắt tiền… Những ngày thơ ấu lạnh lùng bi thảm đắm chìm từ lâu bỗng ồn ào trở lại.
"Vụ Phật giáo ở Đà Nẵng có Tiểu đoàn tôi tham dự, chắc hôm đó anh có vào trong đó biểu tình?"
Minh cau có ra mặt. Minh biết họ ngoại vốn sùng đạo và cố chấp, Phật nhất định là bậc đại trí, Công giáo ngoại lai hời hợt, các cậu dì hãnh diện với bàn thờ Phật được lập ở mỗi nhà, tượng Phật lớn hơn nhau theo tỷ lệ nghèo giàu. "Kim thân Phật Thích Ca nhà con cao gần một thước", cậu Hai hãnh diện khoe với ông ngoại, xem công việc thờ Phật như cách thức diễn tả sự hiếu đễ tiếp sức với cha già dựng lên bức tượng đồng mạ vàng, góp công lao để đẩy cha về Niết Bàn tương lai… Câu nói của Minh có ảnh hưởng ngay lập tức.
"Như vậy cháu có dẹp bàn thờ ở Đà Nẵng?"
"Không những dẹp cháu còn cho lính đánh thả cửa mấy anh sư”.
"Chết, chết, A Di Đà Phật, nghiệp chướng đó khi nào rửa được, cháu nỡ lòng nào mà phạm đến các thầy…” Mợ cả xuýt xoa.
"Cháu chẳng thấy có gì là khó hết, mấy thằng trốn lính cạo trọc đầu thành thầy tu, tụi nó ăn nói còn mất dạy hơn lính cháu… Mợ biết thằng Thứ học chung với cháu một lớp, thi hỏng tú tài là nó đi Thủ Đức, xong đi Biệt động quân, mất dạy cả thành phố Đà Nẵng phải khiếp… Thế rồi cũng cạo đầu làm thầy xách động biểu tình hợp với lính tráng con nít tranh đấu. Con không vơ đũa cả nắm, mợ vào Đà Nẵng mà xem mấy thằng du đãng cầm đầu biểu tình… Đạo Phật hư không phải do ông Diệm, ông Khánh, ông Kỳ gì hết, chính là do bọn lưu manh đó nó phá nát”. Minh nói hả hê, bao nhiêu uất ức phiền muộn cho nổ bùng không che giấu. Buổi chiều ấu thơ nào ôm chiếc cặp bước ra khỏi chiếc cổng, bụng đói, mâm cơm nhà ngoại vừa dọn, con tôm râu đỏ chạch thèm thuồng, chiếc lồng bàn đậy lại. “Con đi về kẻo mẹ con trông…” “Mẹ nó biểu nó qua xin cơm…” Minh nhớ như in, Minh nghe sấm nổ cuồng nộ bên tai. Minh thấy rõ cái đau nhói nhục nhã khi chân bước đi trong bóng tối chập choạng của trời bắt đầu tối. Minh liếc một vòng tròn, những cặp mắt mở to vì tức giận. Minh nhìn vào chỗ thằng Trí.
"Chắc vụ Đà Nẵng anh có tham dự, anh có định tự thiêu không? Tiên sư, anh mà tự thiêu thì nhà mình có thánh tử đạo hạng nhì rồi đó…” Mẹ bấm vào tay Minh. Minh rút tay lại ra vẻ không biết, liếc về phía ông ngoại, người già chưa kịp có phản ứng về Minh. Ông ngoại im lặng, lòng Minh chùng xuống, nó bước tới khoanh tay lại… "Con kính chúc ông ngoại khoẻ mạnh".
"Ừ, con đi trận mạc gắng giữ mình".
"Dạ thưa ông con về". Minh bước lui. "Thôi con về trước mẹ về sau". Minh cúi đầu xung quanh thưa bà, thưa cậu, thưa dì. Minh bước lần ra cửa. Trời lạnh và đen thẫm. Minh bước vào khối đen im lặng mênh mông, thấy rõ lại những giao thừa thơ ấu cùng một khối lượng không khí đằm thắm thê thiết của tuổi thơ.
Minh mang đôi giày nhà binh đến đứng trước gương.
"Đồ Tết của sáu năm đi làm quan đây”.