Lời bạt
Tác giả: Phan Nhật Nam
Chỉ là câu chuyện giản dị của những người lính trong một thời gian dồn dập… Chuyện bình thường, phẳng phiu, không là bản anh hùng ca rực rỡ uy dũng, cũng không đậm nét bi thương làm đọng cứng linh hồn – Chỉ là phản ứng cấp thời của người lính cố tìm lối sống trong cái chết trùng điệp… Phản ứng cấp thời nên ngắn hạn và chóng vánh nhưng mang nỗi thụ động tội nghiệp, đến đỗi ngậm ngùi…
Mỗi chiến tranh khai sinh ra một lớp anh hùng, mỗi thời đại, biến cố cần thiết một loại người tổng hợp… Chiến tranh Việt Nam kéo quá dài, dài hơn biến cố khởi đầu, dài hơn ước tính chiến lược của những kẻ chủ tâm khởi xướng, chiến tranh Việt Nam dài bất tận, dài miên man được chuyển đi miệt mài trên lưng của hàng triệu con người, những người kinh sợ chiến tranh hơn bất cứ chủng tộc nào của nhân loại… Thế nên chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến không có anh hùng.
Cuộc chiến chúng ta không có những André, anh hùng trí thức của Chiến tranh và hoà bình , không có Robert Jordan, người chiến sĩ tự nguyện tìm chân lý đời sống qua nỗi chết của Hemingway, chúng ta cũng không có những người thấm mệt của Irwin Shaw… Đây là chiến tranh của người bình thường, người vì đã sống nên phải chiến đấu, người biết yêu đời, yêu người, người thương thân và tự nhiên phải dự phần vào chốn đao binh với linh hồn không chút bạo ngược. Nhưng những người lính đó đã chiến đấu đúng cỡ. Chiến đấu đúng “tiêu chuẩn" chiến trường. Hai mươi năm dài hay hơn nữa, người Việt Nam vẫn đứng vững được trước mọi sức tấn công vì cuộc sống đã đồng nghĩa cùng đời chiến đấu. Lẽ tất nhiên người lính đối phương, phía Cộng sản, lại là một chuyện khác.
Tuy tràn ngập với đời sống, thế nhưng người lính Việt Nam vẫn là hình ảnh lạ lùng với người… với chính bản thân. Yếu tính lính, tuy chỉ là yếu tố ngoại nhập nhưng không thể cưỡng chế, không ngăn chận nổi. Qua tấm áo, người lính là một sinh vật dị kỳ. Thế giới riêng rẽ dần được tạo dựng. Sinh vật lính tội nghiệp quay cuồng lổng chổng hỗn loạn vào cùng nhau trong khói súng, máu và sự chết… Bản chất con người muôn thuở vẫn còn đấy nhưng qua tháng năm dài tanh mùi máu, qua phút giây đằng đẵng dằng dặc khói bom, người lính biến dạng thành người lạ, biến dạng thành thiên thần, lắc mình thoát nên quỹ dữ… Bản năng được khai phá tận cùng, tội lỗi bốc đầy phủ phê. Lính-sống-cùng-đời-lính không kẽ hở, không phân ly… Yếu tính tạm thời trở thành căn bản, tưởng như gió thoảng ngoài xa nào ngờ bão tố dậy sấm trong lòng. Sinh vật lính vùng vẫy tung hoành trong lòng thế giới ầm vang cô quạnh riêng tư.
Đang sống trong đời không ai có thể biết hết cuộc đời. Chưa chết không thể hiểu về cái chết. Nhưng có những cuộc sống dựa vào nỗi chết, đặt căn bản trên nỗi chết. Chết không phải là biến dạng, nối tiếp cuộc sống… Nhưng chết ở bên cạnh, ở sau lưng, trước mặt, trùng trùng kín mít giăng giăng bao lấy sự sống… Sống và chết là trạng thái hỗn hợp không kẽ hở. Chết là một cách thế thường trực của sống. Trong "cuộc sống" quái dị kinh hoàng bình thường lặng lẽ đó, người lính Việt Nam đã sống như thế nào?… Quá nhiều dòng chữ đã nói về lối sống nọ. Nhưng chỉ nói được lúc người-lính-sống. Qua khỏi biên giới không xác định giữa khi quả đại bác ra khỏi nòng và tiếng nổ, qua khỏi lúc quả mìn nổ ở khinh binh đi đầu, khói bụi tung cao, âm thanh còn lồng lộn trong óc, mắt rực một màu đỏ mịt mù… Trí não giãn ra chớp nhoáng, lại vẫn còn nghe tiếng "tách" khô ngắn của kim hoả đập vào khối nổ… Trong toàn thể âm – dương, tiếng động mịt mùng và im lặng lạnh lẽo. Người lính "nghe" được cùng một lúc: mình bị mìn… mình còn sống. Phút giây rùng rợn bi thảm độc địa đó là cuộc sống thường hằng của riêng mỗi người lính – Không ai có thể viết ra thành lời được. Không thể một ai viết được vì không ai có thể sống cùng.
Là một người lính nên có được hoàn cảnh qua chặng đường độc địa ghê gớm trên, cầm bút cố gắng biểu hiện qua dòng chữ nguồn gốc lối sống gây quá nhiều ngộ nhận. Và cũng là để biện hộ giải thích cho chính bản thân. Nơi địa chấn từ lâu đang âm ỉ…
Vấn đề vừa được đặt ra vấp ngay hố lớn ngỡ ngàng. Khi cầm bút chỉ còn là người viết-văn-bình-yên ghi lại biến cố mà dù hắn ta có dự phần trong giờ phút này cũng đã xa lìa mất hút. Viết có nghĩa không phải là viết riêng cho một cõi-trong-ta, viết ở tinh tuý là nói-cùng-người về ta hay một người nào khác, một đời nào khác… Nhưng viết gì trong chiến tranh? Lại thêm điều khó nói. Nếu bảo rằng chỉ cần kể đến cảnh đời gian khổ và hành động can trường của đời lính thì quá giản lược. Gian khổ quả là một tính chất, nhưng không là tính chất độc nhất, chính yếu, càng không là không khí tổng quát của chiến tranh… Đói, khát, đau đớn, sợ hãi, gian nguy là những góc cạnh đa diện của đời binh lửa, người lính đắm chìm và miệt mài trong đó. Họ hãnh diện với cơ khổ tân toan của mỗi ngày chiến trận, dạ dày quen một ngày một bữa ăn – Gian khổ, trong khía cạnh tích cực là phẩm chất đẹp riêng tư của đời lính chiến – Không phải là yếu tố gây nên tan vỡ, tuyệt vọng. Vậy yếu tính cuộc chiến ở đâu? Lại phải tập trung, gạn lọc, định lượng dần với một nỗ lực lớn để khám phá ra những động tác, lời nói rất thường bề ngoài, bao phủ thêm bởi hệ thống sự kiện rất sôi nổi, bắt mắt, lôi cuốn… Đời sống vốn đã phức tạp và đa diện, đời binh đao lại thêm phần sôi nổi, đa đoan. Viết với sự ôm đồm quá mức, bản văn lần trở thành tập tài liệu ghi đủ các sự kiện, sự cảm xúc vắng bóng không tránh khỏi… Viết ôm đồm quá nhiều, đời lính quá vô cùng mang thêm vẻ ồn ào kệch cỡm đầy âm động bề mặt rất bình dân hạ dần xuống bọt bèo rẻ rúng…
Viết về cuộc chiến, ắt phải đề cập đến nhân vật chính – Người lính. Nói rõ thêm tính chất của nhân vật chính đó. Thời đại chinh chiến này chỉ có người lính, kẻ mang nghiệp nhà binh, vắng bóng toàn thể anh hùng, vắng và mất hẳn. Anh hùng chỉ là một phản ứng cấp thời – Phút giây ngắn mà kẻ "hào kiệt" bộc phát đó không bao giờ nghĩ đến và suy diễn thành hệ thống luận lý. Chiến tranh này là chiến tranh khoảng cách, khoảng cách từ hai khinh binh mỗi bên, khoảng cách từ nòng đại bác đến mục tiêu, khoảng cách từ phi cơ xuống đất… Khoảng cách đó co giãn tuỳ theo khả năng viễn xạ của vũ khí người lính sử dụng. Anh hùng không còn giữa khoảng trống thật rỗng này. Người lính sống, chết và làm anh hùng do một tình cờ không kiểm soát.
Viên đạn đi đến, xoáy một lỗ hổng đỏ tươi trên da thịt, người lính đứng tròng, da xanh xám, cúi xuống nhìn máu từ thân thể chảy ra từng dòng ngấm xuống đất, đọng thành vết nâu sẫm trên nên cát xám… Chết! Chữ khô nhỏ vang động trong một khoảng giây rất ngắn. Người lính “cảm” thấy nhanh như tia chớp toàn thể cuộc đời – Đau thương, hoan lạc, khốn khổ, u uất chen lẫn xô bồ hiển hiện trong một chớp mắt – Viết được hết cái “chớp mắt” này không? Chắc là không, không thể được, vì chỉ có người lính đó mới cảm nhận được một lần - Lần độc nhất - Giây phút thiên thu bí nhiệm bão bùng đó. Chỉ có mỗi anh ta qua lằn ranh của sống chết, anh ta đi một mình. Thế nên, viết được gì? Viết làm sao được “sát na” đau đớn linh diệu ấy… Và viết cho ai? Làm gì? Người lính đã chết…
Thấy hết vẻ tang thương vô ích của hàng chữ viết, nhưng trên tờ giấy ngòi bút vẫn chạy đều… Trong tuyệt vọng im lặng người viết vẫn muốn khai triển, muốn “nói” một điều gì canh cánh – Sự diễn tiến thành hình của đoàn thể hắn tích cực tham dự. Ngày 13.4.1949, lực lượng quân sự Quốc gia đầu tiên được thành hình – Vệ binh Quốc gia – Tập họp của Bảo chính Đoàn, Vệ binh Nam Việt, Vệ binh sơn cước… Những người lính bị cưỡng ép nằm ở trong tay một khẩu Mat 36 hoặc Mousqueton bắn từng viên một, nòng súng không đường khương tuyến và "Quốc gia", danh hiệu mù mờ với ông vua được gọi là Quốc Trưởng nằm ngoài hệ thống thể chế lập pháp của toàn thế giới.
Năm 1951, lực lượng vệ binh dần được chính quy hoá không phải do nhu cầu căn bản của Quốc gia nhưng để làm mạnh lập luận "chống Cộng" của ông Tây De Lattre muốn nguỵ trang bàn tay thực dân bởi máu đỏ của đám Phụ lực quân được đóng khung trong những “ổ” bê-tông bao bọc châu thổ sông Hồng… Xong rồi, tôi đã thuyết phục được anh vua ù lì để hắn ta chấp thuận “chính quy hoá” quân đội Annamite!! (Trích Lucien Bordart). Quân đội Quốc gia đã được đẻ non sau một cơn hiếp dâm tàn bạo, đẹp mặt hơn, nó lại được chỉ huy bởi một vị Tổng tham mưu trưởng lừng danh – Thiếu tướng Hinh. Gã Tây con local mang thực dân tính nhiều hơn bất cứ một anh Tây chính gốc, gã tay chơi lái tàu bay Spitfire, Junker, ý niệm quốc phòng không thoát khỏi buồng lái chiếc bà già Morane Saulnier và thành công cụ thể của võ nghiệp sau thời gian dài phục vụ cho nước mẹ – Một chị đầm bán cà phê ở Bắc Phi được mang về Việt Nam, chị đầm có bộ ngực lớn nhất Đông Dương!!
Được khai sinh trong hoàn cảnh ngất ngư, được nuôi dưỡng bởi bàn tay ghê tởm của những người chỉ huy mà ý niệm Quốc gia chỉ là tiếng nói phảng phất mơ hồ được đọc lên một cách kỳ lạ sau những cơn thử lửa với cường độ tiêu huỷ hàng ngàn sức mạnh to lớn hơn… Năm 1954, chiến tranh tạm ngừng để nhận thấy rằng, bất kỳ dưới danh nghĩa nào, tổng số người chết mang chủng tộc Việt Nam của Quân đoàn Viễn chinh… Chiến dịch Castor hay trận Điện Biên Phủ hạ màn với 13.050 chết và bị thương có một phần ba quân nhân Việt Nam (theo B. Fall). Bắt buộc người ta phải chấp nhận sự có mặt của người lính Việt Nam – Những người lính chết trước khi được xác nhận vì Tổ quốc!! Và người lính "siêu vô danh" đó đã được tôi luyện đẽo gọt trong một thứ lửa ma quái dần dần biến thể không ý thức, không chỉ đạo, thành người lính Quân lực Việt Nam Cộng hoà… Quân lực đối đầu với cộng sản, đạo quân Thập tự không Thiên Chúa – Sự kiện đã xảy ra như một mầu nhiệm không giải thích được.
Thời gian từ năm 1955 đến 1960 chỉ vừa đủ để tập cho những cá nhân rời rạc, chiến đấu trong lòng đơn vị mới, chưa đủ lượng thời gian để tạo truyền thống, thói quen cho mỗi đơn vị. Chiến tranh lại trở nên tàn khốc và những đơn vị tân lập, những Tiểu đoàn Bộ binh, Biệt động quân chưa kịp sốt vỡ da, chưa đủ lượng huấn luyện, vội vã rời hậu cứ chìm dần trong cuộc chiến quái đản lạ lùng, tàn khốc, chiến tranh số một của chiến sử nhân loại. Thêm một lần nữa người lính Việt Nam chứng tỏ sức đề kháng ngấm ngầm tuyệt diệu.
Đại chiến mùa hè 72, nối tiếp cao điểm Mậu Thân dựng nên thành tích mới – Ba mặt trận chính, Quảng Trị, Kontum và An Lộc đều bị rơi vào bất ngờ chiến thuật và lúng túng chiến lược… Cộng sản đã chuẩn bị chiến trường quá độ tinh vi, chiếc xe tăng lãnh năm 1966, thực tập nổ máy, tập chạy, tập điều động, tu bổ từng đinh ốc, từng giọt nhớt… Một năm có bao nhiêu giờ nổ máy tại chỗ, bao nhiêu giờ di chuyển trên đường bằng phẳng, bao lâu trên đường núi, suốt sáu năm trời “tổ xe tăng” không chểnh mảng, không ngừng nghỉ ôn luyện, thực tập để tháng 2.1972 có mặt tại Đông Bắc An Lộc, nòng súng ở cao độ nhất định … Giờ G của chiếc xe tăng đã được sửa soạn từ sáu năm về trước. Ở Quảng Trị, Kontum, các yếu tố tác xạ của giàn 130 đã được tính sẵn, con đường chuyển quân bằng molotova đã dọn dẹp quang đãng… Giờ G của chiến trường mùa hè 72 là giọt nước cuối đầy chiếc ly chuẩn bị. Hội nghị Ba lê cũng đi đến bước chót, bản hiệp định ngưng bắn quái đản hàm hồ đã được tu chỉnh từng chữ một trong căn phòng mật đàm giữa Kissinger và Thọ… Không một chữ nhắc đến Quân đội Nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà!! Sự chuẩn bị tinh vi đến độ độc địa chấm dứt – Trận chiến bắt đầu … Lại thêm một lần nữa như mùa xuân xưa, Tân Cảnh, Lộc Ninh, Đông Hà lần lượt bị giặc xâm chiếm, dãy cao độ phía Tây đường 14 do Nhảy dù chiếm lĩnh bị cả một Sư đoàn Cộng sản luận chiến dồn dập tấn công không ngắt quãng… Charlie, Delta những đỉnh núi chỉ do một trăm tay súng chiếm giữ, dần dần bị bóc hẳn dưới những đợt tấn công cấp Trung đoàn với pháo yểm vượt khỏi sức ước tính của những đầu óc nhiều tiên liệu. Và cao điểm cuối cùng ở miền cực Bắc quê hương, Đông Hà, Quảng Trị, hai thị trấn bốc lửa ngọn, tung lớp khói dày che khuất mặt trời hạ chí… Năm trăm chiếc tăng được pháo binh yểm trợ tiếp cận đồng theo hướng Bắc Nam ùa xuống như cơn nước lũ…
Và cũng như Mậu Thân, dựa lưng vào nỗi chết, người lính Việt Nam đã chiến đấu trong một trạng huống không ngờ – Chiến đấu đồng nghĩa như đang sống. Thiếu hẳn ưu thế kỹ thuật chiến trường, lòng trống vắng tinh thần của hệ thống chủ nghĩa, chỉ với quả tim người và lòng ham sống, tình cảm không được suy nghiệm, luận lý, giải thích một lần trong đời, người lính Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ con người và đời sống – Hành vi cao cả bình thường chưa bao giờ được ý niệm như là bổn phận!!
Tập thể xao xác của hai mươi năm trước nay như viên ngọc trong suốt đã chứng nghiệm giá trị qua trùng điệp bão lửa. Hai mươi năm, chặng đường dài cơ cực ngút ngàn, núi cao khổ đau chất ngất, thế nhưng sinh vật lính lặng lẽ đó dù chưa ý thức được phẩm chất cao quý của mình, dù bị bủa vây bởi muôn ngàn miệt thị và ngộ nhận – Không phải vì bát cơm, cũng không phải vì lá cờ – Đã chiến đấu và tồn tại như một thực thể tràn đầy bi tráng. Tĩnh từ này vẫn chưa đủ, phải gợi đến hình ảnh một thứ Thánh chịu nạn, gánh cơn đau yếu Tổ quốc để bước lên con đường gai lửa – Hình ảnh "thánh nhân" bình lặng này quá gần gũi với phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng – Hiệp sĩ mới của thời đại tan vỡ đang trên đường xây dựng lại con người…
1969–1973
Hết