Mộ Gió
Tác giả: Phan Thái Yên
em từ nguyệt lặn nghiêng che
sầu tư bỏ lại bên lề cuộc chơi
tiếc xuân giục giã một đời
ba mươi năm vẫn như người mộng du
Mạc Phương Ðình
Người đàn ông luống tuổi đứng lơ đãng nhìn trời, khoang mây cao treo buổi chiều trên từng sợi nắng hanh hao cuối ngày. Tháng Mười rồi mà ở Song Thành những ngày nóng vẫn kéo dài đến lạ. Xóm nhà bên kia hờ hồ nương mình vào dãy đồi phong đang nằm chờ khoát lớp áo màu thu. Giữa điệp trùng lá gió ngập ngừng dải liếp vàng lóng lánh, chẳng biết vì nắng chiều vương hay chớm thu phong vừa đọng lên tàng bạch dương lạc lõng chen thân trong cánh rừng phong. Bầy chim thiên cư sớm bỏ vùng biên hồ phương Bắc thôi ngỡ ngàng với màu lá xanh thô đậm cuối hè, chúng quang quác gọi bầy, sải từng đôi cánh biếc giỡn đùa trên mặt hồ gợn sóng.
Khoảnh vườn sau bên lối xuống bờ hồ tuy đã qua mùa rộ trái vẫn còn được chăm sóc kỷ lưởng - quá kỷ lưởng khiến người đàn ông không khỏi cười thầm khi nghĩ đến. Mỗi cuối ngày ông thường chắt chiu quanh quẩn bên bụi ớt, gốc cà, tìm chút thư thả sau ngày làm việc rối rắm lo toan. Nhìn sắc lá ủng vàng phủ đầy trên giàn mướp đắng, hồn người sao nghe bàng hoàng nỗi xao xuyến giao mùa. Lủng lẳng góc giàn, trái khổ qua để giống mùa sau lóng lánh lớp da vàng, vỡ chín lòng son. Khổ qua. Máu đỏ. Da vàng. Lòng chợt chùng vướng nỗi buồn phiền về một thời chinh biến xa xưa. Nhớ lần thương tích vỡ toang bên giòng kinh nhỏ đục lầy, góp máu mình cho cuộc chém giết điêu linh. Nhớ giàn trái đắng nuôi người vào những năm lận đận non cao. Mỗi cuối thu, khi sương mai gió núi làm chạnh lòng kẻ xa nhà thì những liếp cải một độ hoa vàng cũng đã khô nẻ kết hạt. Giàn khổ qua úa lá chỉ còn trơ lại vài trái chín sủng vàng, ngậm ngùi chấp nhận làm thân hạt giống cho mùa gian nan kế tiếp chẳng ai chờ đợi ngóng trông. Mùa chướng hằn lên thân khổ qua vết thương đau rệu rã vệt máu vừa khô như niềm hi vọng cũng vừa cạn kiệt theo giấc mơ trở về ngày càng hao huyễn xa vời.
Trong vọng tưởng mịt mờ, không gian và thời gian dìu níu nhau vào kỷ niệm xa vời, bàng hoàng con sóng trường giang lan đọng mơ hồ. Ông thấy mình đứng bất động bên bờ sông cũ gảy đổ nhịp cầu, đôi mắt nhắm soi miết vào hồn bóng con đò xa ngút tuổi thơ. Mường tượng từng khuôn mặt người thân, bè bạn, từng cảnh đời chắp nối hư hao như những cánh buồm xuôi ngược trôi nổi đắm chìm trên giòng thân phận...
Hình ảnh đứa con đầu lòng vắn số mà bố chỉ một lần gặp mặt trong chuyến mẹ ẳm con đi thăm chồng ở trại tù cải tạo, đã gần ba mươi năm, vẫn tươi ngợp lòng ông mỗi khi nghĩ đến và vẫn lóng lánh mắt lệ mẹ đoanh tròng những lần giổ con vào mỗi tháng Mười. Mùa Thu trước, vợ chồng trở về, dời mộ con gái về ở yên với quê Ngoại bên giòng Ô Lâu xanh mát điệu hò...Trước bến ban mai đò ai lấp ló, ai kêu, ai ngó, ai bủa đó, ai câu đây, ai gởi mình nơi Cồn Én, ai cày cấy tại Bàu Mây, ai ngẩn ngơ tấc dạ, ai vui vầy với Ô Giang...
*
Người đàn ông cắm những cây nhang cuối cùng xuống nấm mộ đất ở cuối nghĩa trang rồi bước về phía dãy lăng mộ mới xây gần bờ sông. Người đàn bà đứng tựa bên thành lăng vẫn giữ nụ cười trên môi từ lúc nhìn vẽ kính cẩn của người anh rể lúc ông đứng bên ngôi mộ đất.
- Anh có biết mộ ai anh vừa thắp nhang rứa không ?
Nhìn nụ cười hóm hỉnh của Hà-Thân, người đàn ông lắc đầu phân bua.
- Anh có ở rể ngày nào đâu mà biết. Ngoài mộ mới của cháu và sinh phần của ông bà Ngoại, thì mộ nào cũng như mộ nào, mỗi mộ chôn một người chết.
- Anh khôn thấu trời mà còn làm bộ. Em vợ cả bầy, anh mà ở rể thì chịu chi thấu bầy nữ binh phá như giặc ni hè... Nội tiền mua me chùm ruột cũng đủ cho anh le lưởi rồi...Cô em vợ cười lớn chế giễu anh... Rứa là anh trật cả hai rồi đó. Mộ đất anh vừa cắm nhang là mộ gió, không có người chết. Còn lăng Cố ở đầu nghĩa trang chôn cả Cố Ôn và Cố Mụ vô một. Tụi em nghe kể lại Bàø chết chưa kịp liệm thì Ôn chết theo, trối trăn cho con cháu phải chôn hai người một mộ.
Mộ gió. Âm thanh bâng khuâng buồn như tiếng hò vọng trên giòng nước nghiêng chao. Hình ảnh ngôi mộ trống nằm im lìm đếm thời gian bên bãi sông vắng, đợi chờ ai đó một lần về chung cuộc, sao quá cô đơn. Người đàn ông đứng lặng nghe Hà-Thân kể chuyện nàng một nửa đời qua.
Thành phố bên bờ vịnh biển trong xanh giòng sông, rực thắm màu hoa phượng mỗi hè sang, cô học trò nhỏ đẹp dịu dàng với mái tóc ngoan dài, hồn nhiên lớn lên cùng chúng bạn trường lớp. Thế rồi “cơn gió tình yêu lại” đã vương lòng cô trò nhỏ với chàng sinh viên ở cùng phố ngày nào từ Sài Gòn về nhà nghỉ tết. Cô có ngờ đâu mùa đông năm đó với từng dấu chân vụng về bên nhau trên con dốc lối qua nhà hay cánh rừng dương hẹn hò cuối phố rạo rực môi hôn đã trở thành vốn liếng thương yêu cho nàng sống với trong suốt quãng đời dài. Tháng Ba Ðà Nẳng khóc ngất chia ly, nhớ chị theo chồng ngày cuối cùng di tản quan quân hổn loạn, nhớ người yêu giờ đã ngàn trùng theo mệnh nước cắt chia. Nỗi nhớ chất chồng theo từng ngày trông ngóng cho đến khi tin dử theo về sau ngày Sài Gòn thất thủ. Viên đạn pháo oan khiên của bộ đội miền Bắc trên đường tiến chiếm phi trường thành phố đã kết liễu cuộc đời đang rộ sống của người thanh niên lúc đang cùng vài người bạn trò chuyện trước sân nhà.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong tận cùng thương nhớ. Và chỉ với chừng đó Hà-Thân đã sống qua hết thời con gái. Cánh rừng dương ôm quanh bờ vịnh chớp tắt ngọn hải đăng chóp núi như mắt anh đăm đắm tự tình là ngọn đèn tình yêu sáng mãi lòng em từ phút yêu đầu. Nấm mồ gió canh cánh hồn người là kỷ vật tình yêu để nàng ấp ủ chắt chiu trong khu vườn mộng ảo mong manh.
Nhìn người đàn bà đứng tuổi trước mặt mình đang thẩn thờ trong kỷ niệm vụt về, ông chợt nghĩ tới hình ảnh cô em gái làm phù dâu trong ngày chị vu qui. Ba mươi năm. Thời gian như giòng sông trôi qua bến sông buồn đời người. Bến đục. Bến trong. Xuôi ngược. Lỡ làng...
Người đàn bà nhìn về phía bến sông, che dấu nét ngượng ngùng vì câu chuyện kể đời mình.
- Mới đó mà cháu Hà-Khê đã được mười hai. Tụi em có được hai cháu, tuy bận rộn kiếm sống mà vui. Thôi thì đời người rồi cũng qua.
Người anh rể nhìn cô em vợ, bông đùa.
- Cô vậy là dở quá, quạt mộ cả mười lăm mười sáu năm mới khô.
- Mộ gió cần chi quạt anh... Có lẽ chỉ là số phận. Những năm sau bảy lăm, ai cũng tất bật kiếm sống trong đói khổ, đong đếm phân chia, chẳng còn chi mà mơ mộng đoái hoài. Trong nhiều năm em vẫn đinh ninh trong lòng là chẳng thể yêu ai được nữa. Nhìn những người đàn ông buồn bã bơ phờ hay rừng rú thô lỗ lòng chỉ thêm buồn.
Người đàn ông nghĩ tới lần tình cờ gặp lại người bạn cũ cùng lớp những năm trung học ở Phan Châu Trinh Ðà Nẳng, trong dịp đi công tác xuống một tiểu bang miền Nam. Ông tần ngần hỏi Hà-Thân.
- Ðã gần ba mươi năm rồi, có lẽ em không buồn phiền chi nếu anh hỏi... Em có biết là trong thời gian hai người yêu nhau, Tuân cũng có bồ ở Sài Gòn?
- Sau bảy lăm vài năm em có nghe chuyện đó. Em không tìm hiểu chi thêm. Hai đứa em yêu nhau và Tuân thì đã chết... Ðơn giản rứa thôi và quá đủ để sầu đời.
- Em còn nhớ anh của Tuân, anh Bách?
- Quên răng được, anh nớ điệu và bay bướm một cây. Mấy ông thiệt! Em còn nhớ chính anh là người xúi dại anh Bách đeo bảng tên giả tên Huy lò dò theo cô giáo dạy nữ công gia chánh lớp em hỏi cô có phải tên Trâm rồi đưa cho cô mượn quyển Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng.
- Ai ngờ cô giáo là bồ của thầy Tâm giám thị. Tụi anh sau vụ đó bị “chiếu tướng” dài dài... Anh mới gặp lại Bách ở Cali. Vợ là cô bồ của Tuân ngày đó. Họ cưới nhau vài tháng sau ngày Tuân chết. Vợ chồng Bách ăn nên làm ra, sống đầm ấm.
Tiếng cười rộn rã của bầy cháu đang nô đùa với bố từ dưới bến sông vọng lên chen lẫn trong tiếng máy đò từ phía Bàu Mây chở khách qua Cồn Én. Giòng nước Ô Lâu thấp thoáng xanh sau rặng tre la ngà êm đềm lả ngọn theo gió chiều. Hai anh em sánh bước đi về phía tiếng cười.
- Em mừng cho anh Bách. Những trái tim dễ dãi thì không biết buồn, phải không anh !?
*
Người đàn ông dụi mắt, dang tay làm vài động tác vươn vai, biết mình vừa tỉnh giấc mơ ngày. Ông cúi nhặt quả thông khô vẩn vơ ném về phía hai chú sóc nhỏ đang nô đuổi nhau trên cỏ mịn. Ngước mắt nhìn theo cặp đuôi sóc dài phủ lông mịn thoắt lượn trên cành, loáng thoáng bóng chiều sa. Ráng trời pha màu vàng biếc lên nóc rừng phong đứng gió. Ông bâng khuâng hỏi lòng mùa thu đang đến hay trở về... Rồi thầm nghĩ. Có lẽ lần tới về thăm mộ con, ông sẽ đi đò dọc theo sông Ô Lâu đến Phá Tam Giang một lần cho biết.