Người đưa thư ở Cabramatta
Tác giả: Phan Thái Yên
Vợ người đưa thư ở Cabramatta qua đời vào một ngày cuối năm. Bà trút hơi thở cuối cùng lúc đám cưới chạy tang của con gái vừa bắt đầu. Thân nhân hai gia đình chừng trên mươi người im lặng đứng nhìn cô dâu chú rể lúng túng lạy bái trước bàn thờ gia tiên được bày dựng sơ sài ở phòng khách tầng dưới nhà. Tượng Phật có hào quang, người cha mua ở Banktown từ nhiều năm trước, đều đặn lóe trào những tia sáng ngũ sắc chập chờn soi đôi mắt khép, xa lánh trầm tư. Đám cưới mà căn phòng thì im lặng và buồn. Tiếng quạt trần uể oải vòng quay cố làm dịu phần nào buổi chiều hâm hấp nóng đang len vào phòng qua khung cửa mở. Người cha bước xuống thang lầu đến đứng bên bàn thờ với vẻ mặt nghiêm trang bứt rức. Ông lướt mắt qua khoảng trống trên hai dãy đầu người, tia nhìn chạm đọng vào nền trời tức mưa vờn xa phía ngoài khung cửa. Ông nghĩ tới cơn mưa đang đến và tấm màn lụa trắng phơ phất mỏng manh sau rèm cửa mở trên đầu giường người mẹ đang nằm, mắt khép tay buông. Ông muốn quay trở lên, kéo rèm, khép kín đôi cánh cửa mở hắt ra thế giới náo động cuồng quay. Bóng tối sẽ bao bọc, ông sẽ không còn thấy những sợi tóc cô đơn cuối cùng trên bờ trán nhăn nhúm và đôi quầng mắt sâu thê thiết vào những sát na cuối cùng của một đời người. Thế mà ông vẫn đứng yên, gật đầu trả lời ánh mắt hỏi thầm của con gái khi cô dâu chú rể đến trước mặt ông lạy chào ra mắt.
Ông đốt nắm nhang trầm thơm, tần ngần đứng cúi đầu trước bàn thờ Phật, lòng buồn phiền nghĩ về những giọt mưa giờ đây có lẽ đang thấm ướt tấm màn lụa mỏng se sắt buông lơi.
Người cha vắn tắt đôi lời với bà con hai gia đình rồi mời họ qua phòng ăn, bắt đầu tiệc cưới. Ông vội vàng ngăn cô con gái lúc nàng dợm bước theo cha lên cầu thang gác.
- Vợ chồng con nên ở dưới này đón mời bà con, để mình ba lên ngồi với má được rồi.
Bên dưới phòng khách nhóm người hai họ trở nên ồn ào sinh động hơn bên cạnh những món ăn thức uống, rượu vào lời ra. Người cha thở dài đứng áp lưng vào cửa phòng khép chặt, tần ngần trên tay là cây nến đỏ loan phụng sặc sỡ lấy từ bàn thờ. Lẽ ra thì ông nên tìm mua sẵn một ít nến trắng, người cha thầm trách. Bên ngoài cửa sổ, cơn gió chuyền mưa thổi ruồng qua nóc tàng cây phượng tím che phủ phần lớn khoảng sân trước nhà. Với tay đóng kín hai cánh cửa sổ, ông do dự hồi lâu rồi thắp sáng ngọn nến đặt lên phía đầu giường. Ông lục ra tấm khăn đắp màu trắng, phủ lên thi thể gầy rạc của vợ rồi ngồi xuống bên mép giường. Bàn tay ông vô hồn kéo sửa mép viền tấm khăn bao bọc đôi cánh tay xuôi dài theo toàn thân bất động. Ánh nến hồng lung lay trên đôi mắt nhắm khiến ông có cảm tưởng như người vợ đang nằm thanh thản trong giấc ngủ đã từ lâu lắm. Hay đó cũng là ý niệm vụt hẫng của thời gian bất động giữa hai bờ sống chết. Ông tự hỏi để rồi váng vất rờn rợn trong đầu hình ảnh mơ hồ và chậm chạp chẳng khác nào một đoạn phim cũ nhảy múa bầy vết xước thời gian, ngọng ngịu chuỗi âm thanh rã rời khó hiểu.
Suốt buổi trưa ông đã ngồi rất lâu bên vợ sau khi con gái và người rể lên gác thăm chào mẹ trước lễ cưới. Trên khuôn mặt trơ xương, đôi hốc mắt sâu hỏm ứa giọt nước mắt sau cuối, và môi mấp máy trối trăn lời van xin trễ nãi một đời chồng vợ.
- Tui biết ơn ông đã giữ im lặng mấy chục năm nay. Con nó không có tội tình gì. Xin ông hứa đừng nói gì với con. Được vậy thì tui mới yên lòng ra đi...
Nhìn ánh mắt đuối mòn trong cơn hấp hối của người vợ, thoáng chợt đâu đó tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi thuở ban đầu đôi lứa, ông gật đầu hứa sẽ làm theo lời trăn trối. Mấy ngón tay khẳng khiu lạnh mòn sinh khí khẽ máy động tìm bàn tay ông, bấu víu trong một khoảnh khắc rồi buông lơi bất động. Một đời người đã qua. Một phần đời đóng lại. Trôi xuôi. U hoài. Phía ngoài cửa sổ, từng cánh lá run rẩy lao đao trong gió mong manh. Ông nghe tiếng chân mình bỏ đi, rời rạc từng bước xuống chân gác, lòng dâng ngập nỗi buồn nhẹ nhàng. Sự chết sự sống đóng lại mở ra bất chợt thường hằng. Ngọn nến vu qui lung linh vờn quyện ánh mắt cô dâu chú rể nhìn nhau luyến lưu hạnh phúc khởi đầu.
Trời trở mưa nặng hạt. Trần mây thấp vần vũ từng cụm đen xám trôi nhanh giờ đã chìm khuất sau làn nước đan kín cả không gian. Từng sợi mưa rây qua khung cửa kính bám bụi run rẩy đổ thành giòng những giọt ngắn dài như lệ hoen. Chuổi hoa phượng tím rủ theo giòng mưa đong đưa kỷ niệm. Người đàn ông nhớ tới giọt nước mắt mình vào một chiều cuối năm đã xa, se sắt đông phong. Ông tự hỏi, không rõ điều nào buồn hơn. Giọt lệ cũ, hay đã từ lâu, những cuối năm vẫn đến giữa hanh vàng nắng hạ.
*
* *
Anh em Dũng Loan lớn lên từ một thành phố duyên hải miền Trung. Vào những năm sáu mươi, tiệm sách nhỏ của ông Ba Chánh trên con đường sầm uất nhất của thành phố chỉ là tấm bình phong cho những kinh doanh và mưu toan khác của vợ chồng ông. Họ làm giàu qua nhiều áp-phe đấu thầu với quân đội Mỹ và Đại Hàn cùng lúc chui luồn làm kinh tài cho cộng sản. Như một tay đánh cờ tướng thâm trầm, ông Chánh luôn nghĩ trước ba bốn nước cờ trước khi chọn đường tấn thối. Có lẽ chuyện đặt tên Dũng Loan cho hai đứa con cưng, ảnh hưởng từ “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, là thái độ sống dứt khoát nhất của vợ chồng ông thuở còn son trẻ, thời mắm dưa dắt dìu nhau sống trọn cho tình yêu đôi lứa. Cuộc sống bon chen, ước vọng sang giàu, đã biến đời họ thành chuỗi dài cấu kết của móc vòng mưu định lọc lường. Thế nhưng, người tính chẳng thể nào hơn được trời tính. Trong một thời gian khá lâu, ông Chánh vẫn buồn bực chuyện cô con gái ngỗ nghịch cứng đầu đã không nghe lời cha mẹ để kết hôn với một giáo-sư-con-một khỏi phải đi Thủ-Đức mà lại đem lòng yêu đương, bỏ nhà theo một sĩ quan tác chiến rày đây mai đó. Ông bà đã quên rồi câu văn lãng mạng “Hiện giờ có một người... đương đi ngoài sương gió...” khi nói về người yêu của nhân vật Loan trong Đoạn Tuyệt mà hai người đã suýt soa mường tượng khi cùng nhau đọc thâu đêm cho đến hàng chữ cuối cùng của tập truyện. Thật ra đó không chỉ là chuyện nhà bình thường, ông Chánh đã phải đôn đáo phân bua với “mấy ảnh” nhiều lần trong một thời gian khá lâu và tốn kém.
Mãi cho tới sau tháng Tư bảy lăm, trong lúc vợ chồng Loan an toàn định cư ở Mỹ thì con trai phải đi tù cải tạo và vợ chồng ông, như biết bao gia đình khác ở miền Nam, bị “đánh” thất điên bát đảo vì thuộc diện tư sản kinh doanh làm ăn với Mỹ Ngụy. Đứa con gái hư hỏng bỏ nhà theo trai ngày nào giờ đây là nước cờ đầy hi vọng của người đánh cờ già nua đang mất dần trí nhớ.
Cuộc đời người anh trai sóng gió hơn nhiều. Phải chăng số trời đã định phận cho Dũng như thế hay những bước cờ ông Chánh đắn đo đã không thành như mưu định.
Tuy nhiên thật khó mà biết Dũng là đứa con biết nghe lời cha mẹ hay anh chàng có đủ khôn ngoan để được cha mẹ tin tưởng mà lo lắng, ban phát, nuông chiều. Một điều khá chắc là Dũng có phần lêu lổng ham chơi hơn học. Ông Chánh lo lắng đút lót để Dũng được đậu cao trong kỳ thi Tú Tài nhưng rồi chuyện du học đi Nhật đi Úc không thành. Ông bà mua nhà ở Sài Gòn để con trai theo học Luật. Sau hai năm học hành lơ đễnh lang thang, tuổi lính không chờ rần rần kéo tới. Ông Chánh lại tốn kém để Dũng được vào Học Viện Cảnh Sát, trở thành sĩ quan làm việc ngay tại Sài Gòn ở Tổng Nha Đô Thành. Không lâu sau đó, ông bà Chánh đã chu đáo tìm vợ cho con. Một công đôi việc. Cô gái đẹp lẳng rất bắt mắt sẽ kìm chân anh chàng sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi ham vui. Ngân-Giang cũng là con gái người bạn cũ của ông Chánh đã tập kết ra Bắc.
Vợ chồng Dũng sống với nhau chưa được bao ngày thì miền Nam sụp đổ. Những ngày đầu tháng Tư di tản từ miền Trung về Sài Gòn, vợ chồng ông Chánh tạm sống ở nhà con trai. Người cha đã thuyết phục Dũng đi nước cờ mà ông hi vọng sẽ giúp con trai rào giậu được tương lai cho mình những ngày sau chiến tranh. Ông khấp khởi mừng về con cờ kinh tài cho cách mạng của ông từ nhiều năm trước. Ngày Sài Gòn thất thủ vào tay bộ đội miền Bắc, theo lời cha, Dũng vào Tổng Nha trình diện sớm với những người thắng trận và tình nguyện phụ việc tiếp quản cho chính quyền mới.
Thực tế không như ông Chánh hi vọng. Phần lớn gia sản của ông bà bị nhà nước tịch thu, may mà họ đã thu xếp cất dấu được một phần. Dũng bị đi cải tạo tận ngoài Bắc. Người vợ trẻ đã quen với nhàn hạ nuông chìu, sống một mình giữa Sài Gòn trong khó khăn lung lạc. Sau gần ba năm, ông Chánh đành phải đùm gói tiền vàng ra Bắc tìm bạn cũ và cũng là nhạc phụ cũa Dũng. Họ thành công trong việc chạy vạy cho Dũng được chuyển vào trại ở miền Nam chờ ngày thả.
Ở Sài Gòn, Ngân-Giang với cuộc sống trên trước dể thở và nhiều lần được miễn công tác lao động thủy lợi đã có cái giá riêng phải trả. Chuyện Ngân-Giang đi lại luyến ái với người trưởng công an phường nơi nàng có hộ khẩu, căn nhà từng là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ, là một bí mật công khai mà chòm xóm chẳng ai muốn tìm hiểu. Những đôi mắt rẻ khinh còn nhọn hơn cả lời nguyền rủa, nhưng sự dễ dàng trong cuộc sống đã cao lời phân bua giúp nàng cúi đầu đi tới. Nàng chưa hề tìm thăm chồng thời gian Dũng cải tạo ở miền Bắc, nhưng người công an đã chu đáo thu xếp để nàng một lần thăm riêng chồng qua đêm ở trại cải tạo trong Nam. Sáu tháng sau Ngân-Giang sinh con gái đầu lòng.
Một ngày cuối năm sau hơn ba năm tù, Dũng được ra trại trở về. Tuy đã hay chuyện đắng cay, chàng vẫn không khỏi rưng giọt nước mắt xót xa khi nhìn thấy đứa bé gái trên tay vợ. Nhà đó, vợ đó, con chính thức trên giấy tờ đó, thế mà chàng đã mất tất cả. Dũng bỏ nhà đến sống tạm với người chị họ. Ông Chánh lại bôn ba từ ngoài Trung vào, trở xoay cố gỡ thế cờ bí cho gia đình, cho con trai. Chuyến vượt biên đầu tiên thất bại. Sau sáu tháng tù và tiền vàng hối lộ, Dũng được phóng thích. Lần vượt biên kế tiếp may mắn thành công. Dũng sang định cư ở Úc sau hơn một năm chờ đợi ở trại tị nạn Thái Lan. Anh cố gắng bận rộn để quên đi ngày tháng cũ đau buồn và gầy dựng lại cuộc đời mình trên quê hương mới. Sau nhiều thâu đêm chăm chỉ cần cù với công việc lựa thư nhàm chán, cơ hội tốt đã đến với Dũng khi anh trở thành bưu tín viên cho một vùng của khu vực Fairfield không xa phố Cabramatta nơi anh cư ngụ.
Khu xóm nghèo hầu hết là kiều dân Trung Đông và Bắc Phi từ đó quen dần với bóng dáng người đưa thư gốc Châu Á vẫn hàng ngày lặng lẽ mà chừng mực tìm giao đến cho họ từng nỗi vui buồn niêm kín.
*
* *
Dũng không đậu xe thư dưới bóng cây ở đầu con phố như mọi ngày mà lái thẳng vào xóm nhà tận cuối đường. Anh có một điện thư khẩn phải trao. Dũng lạ lẩm ngoái nhìn tàng cây phượng tím sum suê che rợp cả khoảng đường rộng. Phải chăng từ lâu rồi thời gian đã vuột mất trong anh hay những công việc máy móc bận bịu thường ngày khiến anh quên đi điều xảy ra chung quanh, ngay cả bóng mát trên đầu. Những ngày còn bỡ ngỡ về đưa thư ở khu phố nghèo này, tàng cây phượng tím chưa phủ hết chiều dài chiếc xe thư của gã bưu tín viên mới ngoài ba mươi. Thế mà... Đã bao nhiêu trưa, như mỗi trưa, anh dừng chiếc xe thư dưới bóng cây, quàng lên vai chiếc xách bưu điện trĩu nặng thư từ, đứng nhìn con phố xuôi tắp vào xóm nhà rồi chậm rãi đếm bước. Bao nhiêu ngày nắng hâm hấp nhựa đường vờn quyện từng lọn gió khô pha cát cuồng xoay con trốt. Bao nhiêu ngày mưa nước trời rây nghiêng một màn xám ngắt không gian. Dù nắng hay mưa, khu xóm với những mái nhà thấp xỉn vẫn im lìm say giấc ngủ ngày. Và người đưa thư vẫn âm thầm đều đặn làm công việc mình, lòng chẳng buồn vui nghi vấn. Đong đưa theo nhịp chân là chiếc xách bưu điện căng phồng thư từ đã được lựa xếp gọn gàng theo thứ tự địa chỉ của lộ trình. Thỉnh thoảng là tiếng chó sủa gầm gừ vô hại hay ánh mắt chờ đợi sau rèm cửa sổ khép hờ anh chẳng mấy bận lòng. Đứng trước mỗi cửa nhà đóng kín, người đưa thư liếc nhìn lại địa chỉ một lần cuối, rành rỏi chuồi tuột phong thư qua cái rãnh nhỏ giửa cánh cửa rồi quay bước qua khoảng sân khô nức hay lầy lội tùy mùa. Anh thích hợp với công việc. Có lẽ tính anh đã quen thế từ những ngày còn ở trong gia đình. Cha mẹ tính toán sắp sẳn, anh cúi đầu bằng lòng với sự định đoạt, nhận lấy như một an bài.
Người đưa thư dừng xe trước ngôi nhà nhỏ nằm riêng khuất ở cuối khu phố. Nhà đổi chủ chừng hơn nửa năm. Địa chỉ hiếm thư, chỉ giấy tờ chính phủ gởi đến vào mỗi cuối tháng. Có đôi lần người đưa thư thoáng thấy dáng một thiếu phụ Trung Đông với khăn trùm kín đầu bồng con đứng dưới mái hiên, nhưng lúc anh bước qua khoảng sân nhà thì mẹ con đã đi biến vào trong. Cánh cửa màu hồng phai cũ kỹ đóng im lìm nhưng cái rảnh nhỏ để phát thư có nắp đậy bằng sắt màu đen còn rung hờ có lẽ vì sự máy động thiếu kiên nhẩn của tay người.
Khoảnh sân trước nhà cỏ lan xơ xác thiếu tay người chăm sóc nhưng giàn bông giấy bên hiên thì rực rỡ từng chùm hoa màu đỏ tươi. Người đưa thư nhìn địa chỉ và cái tên khó đọc trên tấm điện thư đóng dấu khẩn rồi bấm chuông chờ người nhà ra ký nhận.
Sau cánh cửa vừa được e dè mở ra là người thiếu phụ Trung Đông kín đáo trong khăn trùm đầu và trang phục quấn dài lụng thụng bằng lụa cùng màu đỏ sậm. Người đàn bà lộ rõ vẽ lo lắng khi nhìn thấy tấm điện thư trên tay người đưa thư. Nàng lúng túng ký nhận, hối hả cảm ơn, rồi khép cánh cửa sau lưng mình.
Người đưa thư vừa quay dợm bước chân thì chợt nghe tiếng gào đơn độc nấc lên rồi tiếng thân người ngã khụy xuống. Anh lưởng lự vài giây rồi quyết định mở tung cánh cửa đóng hờ, chạy bổ vào nhà. Người đàn bà nằm sóng soài bất tỉnh giữa phòng khách. Người đưa thư quăng bừa chiếc xách bưu điện vào góc phòng. Anh qùy xuống cạnh người đàn bà, muốn giúp nàng tỉnh lại nhưng lúng túng chẳng biết làm gì với đôi tay loay hoay những động tác cuống quít vô nghĩa. Rất may khi anh định tâm lay nhẹ vai người đàn bà vài lần thì nàng cũng vừa thoát qua cơn kích xúc, đôi mắt đẩm lệ mở lớn nhìn sửng lên trần nhà.
Người đưa thư lúng túng nói lời trấn an rồi khó khăn giúp đưa người thiếu phụ vào giường nghĩ. Anh nhúng ướt chiếc khăn nhỏ, trao cho nàng rồi tần ngần ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường. Căn phòng nhỏ, ngăn chia với phòng khách bằng tấm màn kéo lại nửa vời, có lẽ để người mẹ từ phía nhà bếp có thể trông chừng đứa con đang ngủ say trong chiếc giường nôi ở cuối phòng.
Người đàn bà nằm yên. Nàng đã thôi khóc, khuôn mặt chừng như đã bình thản trở lại, đôi mắt to và sâu đen tuyền màu hạt olive. Ánh mắt chưa khô lệ đăm chiêu nhìn xoáy vào một nơi nào đó vượt thoát khỏi trần nhà thấp loang lổ từng bợn mưa ngấm đã khô.
Tiếng chào của người đưa thư hình như kéo nàng trở về với thực tại. Người đàn bà nhỏm ngồi dậy.
- Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của ông. Chỉ là chút chuyện nhà, tôi chờ đợi từ lâu. Biết là sớm muộn gì điều đó cũng sẽ đến thế mà khi hay tin vẫn sửng sờ, xúc động. Tất cả đã qua rồi. Chắc chắn là từ nay tôi sẽ không còn phải lo sợ và đợi chờ nữa. Không bao giờ...
Người đưa thư có cảm tưởng như người thiếu phụ đang nói cho chính mình nghe lời tự trầm tích lũy bao nỗi niềm tâm sự cả một kiếp đời. Anh lặng lẽ bước ra phòng khách, chân rón rén không muốn chạm động vào thế giới cô đơn tuyệt vời và quá đỗi mong manh của độc thoại vỗ về.
Người đàn bà ngồi bên mép giường, tấm điện thư nhàu nát thờ ơ dưới chân. Nàng chống tay nhìn vào tấm gương lớn treo trên vách. Từ trong sâu thẳm chợt trào dâng nỗi hạnh phúc cũ rợp đến không ngờ. Cô bé Palestine chưa đầy mười tuổi, lớn lên trong trại tị nạn Rashidiyeh, lần đầu tiên được vui bước tung tăng trên bờ cát vàng bãi biển Tyre. Nỗi ước ao được tắm nước Địa Trung Hải từ lâu bị giam hảm sau dãy tường rào của trại tị nạn giờ đây là những con sóng bạc đầu từ khơi xa đuổi xô nhau tìm bờ, gần gủi rạt rào. Trong lạ lùng thôi thúc, tiếng cười đùa của bạn học rời rụng mất tăm, chỉ còn một mình với trời nước, cô bé đã cởi bỏ khăn trùm đầu và chiếc áo dài choàng kín lụng thụng, trần truồng nhảy trầm mình vào làn nước mặn. Mặt biển lóng lánh từng vệt sáng mặt trời quyện chuyển thành những vầng lục nhạt huyền ảo uốn lượn theo chiều sóng.
Bầu trời xanh trên ngàn khơi Địa Trung Hải trở thành giấc mộng đời người giúp nàng cố gắng học tập, trưởng thành. Cô giáo dạy Anh Ngữ cho thế hệ sau cô ở trại tị nạn luôn nhắn nhủ học trò về một phương trời xanh tự do, về tương lai sáng lạn cho cả dân tộc. Cô mơ ước một đất nước Palestine tự chủ, giải phóng, nhưng cô chán ghét chiến tranh và đường lối hung bạo của những nhóm bạo động khủng bố khát máu. Cuộc thánh chiến trở thành nếp sống kiêu ngạo của một lớp người, đám kiêu binh hô hào tuẫn đạo, hơi thở họ nồng trà rượu và thân thể thì ngạt mùi đá gạch vỡ tan.
Có gã kiêu binh thường hay đến trường tuyển mộ học sinh, dẫn chúng về Tây Ngạn tham gia trò chơi chiến tranh quá sớm cho lớp tuổi mười hai, và cũng để tìm dịp ve vãn cô giáo có nhan sắc. Hắn nhờ người có quyền thế đến gia đình hỏi cưới nàng. Không tình yêu, không bổn phận, chỉ là những lần vội vã ghé nhà trong đêm tối, thỏa mãn rồi bỏ đi. Người đàn bà có thai. Những chuyến vượt biên giới về trại tị nạn thăm gia đình của người chồng ngày càng thưa dần. Cô giáo bụng mang dạ chửa tìm về Tây Ngạn. Nàng hiểu thêm ra nếp sống của bầy kiêu binh tuẫn đạo, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, sống dưới bóng những ngôi đền mái tròn, gạch đá u linh đẫm vàng màu trăng sa mạc. Nàng không muốn con mình phải trở thành một kẻ khủng bố vô luân khi lớn lên. Nàng bỏ trường, tìm xin được việc làm thông dịch cho một cơ quan xã hội của Liên Hiệp Quốc ở Beirut. Người đàn bà sinh đứa con trai đầu lòng.
Có những sớm mai bồng con đón ngày lên xanh ngắt khoang trời Địa Trung Hải, người mẹ mường tượng đến cuộc sống tự do cho mình cho con. Cơ hội đến, hai mẹ con ra đi. Họ được định cư trên vùng đất bình yên cuối biển Thái Bình Dương. Thấm thoát mà đã gần một năm trên đất Úc Đại Lợi. Cơ quan xã hội chính phủ thường giao cho nàng công việc phiên dịch để giúp đỡ phụ nữ Trung Đông trong bước đầu bỡ ngỡ của đời kiều cư. Cuộc sống dần dà ổn định nhưng người đàn bà vẫn thường nao buồn nhớ về gia đình quê hương. Những buổi tối lúc con đã ngủ say, một mình trong căn nhà vắng, nàng mơ hồ cảm thấy sự cần thiết về một bóng dáng đàn ông trong đời sống. Người đàn bà chẳng luyến tiếc chi phần đời cay đắng nàng đã rảy bỏ mà đi. Xa rồi vành trăng khuyết, lửng lơ vết chém treo nghiêng trên vòng mái đền, thả bóng tối thâm u xuống mệnh hệ của một dân tộc không còn đất sống. Điêu linh lớp người ôm mãi lòng thù hận. Họ si mê cùng độ xa tội nghiệp của đường bay gạch đá tan hoang, tiếng bom nổ bên vệ đường hay trong thương xá nhầy nhụa từng mảnh vụn máu xương của con người bên kia đường thánh giới.
Thế mà nàng vẫn loay hoay lúng túng với sự ràng buộc của chiếc khăn trùm đầu khuất chắn mắt nhìn và y trang phiền toái quấn quanh thân xác nàng căng tràn rạo rực thanh xuân chưa tiêu phí. Bức điện thư đến trưa nay như ngọn giáo cắt phăng sợi dây thòng lọng treo cổ nàng đong đưa cạn nguồn dưỡng khí. Người cha đứa bé đã chết. Tiếng kêu thương bật lên vào lúc thân thể nàng đổ qụi xuống. Sự cảm nhận đau điếng vì độ rơi một lần thoát xác cùng lúc với lồng ngực mở trào luồng sinh khí tươi mát chính là sự bắt đầu của người vừa sống qua điều chết. Của nỗi hạnh phúc cuối cùng lóng lánh lệ cười.
Người đàn bà vẫn ngồi nhìn bóng mình. Quãng đời hơn hai mươi năm cuồng xoay cơn bảo cát dồn tụ trở về trong phút giây, loáng thoáng những cánh hồng tả tơi trong gió. Khuôn mặt nàng chợt mờ chìm vào đôi mắt cô gái nhỏ Palestine đang hiện rõ dần. Làn mi dài khẽ rung như tơ động trên đôi mắt mở to đen láy. Như trong giấc mộng du quay về trên từng bước chân cát vàng của đứa bé gái trần truồng đi vào biển ấm, người đàn bà tháo gỡ chiếc khăn trùm đầu, mái tóc hạ huyền tung xõa buông lơi. Nàng run rẩy trút bỏ hết mớ y trang trùm kín lê thê đã không còn cần thiết. Lụa rũ chìm dưới chân, người đàn bà đứng đó với nụ cười rất lạ, mắt vuốt ve thân xác mình lồ lộ thoáng Trung Đông phơi phới mượt mà. Hình như những giọt nước biển Tyre xanh màu trời Trung Hải hai mươi năm cũ vừa tròn cuộc hoá thân tươi đọng trên vai nàng rượi mát.
Tiếng động khẽ từ cửa ngoài khiến người đàn bà bừng tỉnh giấc mơ ngày. Chiếc khăn lụa quàng vai phủ hớ hênh trên cặp vú no tròn chẳng đủ dài cho khoảng bóng tối giữa vùng thân thể.
Nàng nhìn người đưa thư bối rối đứng nhìn về phía căn nhà. Dáng người ông dỏng cao so với đàn ông Đông Á. Có lẽ ông ta không thấy nàng đứng sau khung cửa đóng kín phủ bóng tối. Người đàn bà thầm nghĩ rồi chợt cảm thấy e thẹn khi ý niệm thời gian vụt quay về. Ý nghĩ lạ hoắc mà đằm thắm chạm thấu niềm sâu kín nào đó không tên vừa thức giấc trở mình. Nàng cắn môi ngăn hơi thở rướn, lắng nghe thân xác tê rần trong cảm giác thẹn thùng khó tả.
Chiếc xe người đưa thư chìm khuất sau con dốc nhỏ ngược về phía đầu phố. Người đàn bà dõi mắt nhìn theo mường tượng. Người đưa thư sẽ trở lại khu phố ngày mai. Mỗi ngày. Vào buổi trưa. Dù mưa. Dù nắng. Ông đi ngang mỗi nhà với từng bước chân đều đặn. Từ cửa sổ nhà bếp, người đàn bà vẫn có thể nhìn thấy một phần khuôn mặt ông với chiếc nón bưu điện nhấp nhô theo nhịp bước phía bên trên chiếc màn cửa vải hoa. Lòng người đàn bà dợm vui nỗi chờ đợi mơ hồ. Phải chăng sự có mặt, chừng mực, và tín cẩn là điều bắt đầu cho hạnh phúc, gần gũi và đằm thắm. Hay đó chính là sự mơn động của ước ao được bắt nhịp thăng hoa rồi thấm lặm vào tận cùng cảm giác, bồi hồi tiếng chuông rung gọi cửa, xuyến xao tiếng trở mình trong giấc ngủ thơm tho hơi ấm bên nàng... Con đường trưa nắng chang. Người đàn bà thèm một cơn mưa.
Dũng có thói quen đi ngủ sớm thế mà đã ba đêm, từ sau buổi trưa đến nhà người thiếu phụ Trung Đông trao bức điện thư khẩn, tối nào anh cũng trằn trọc trở lăn. Nằm mãi chẳng dỗ được giấc ngủ, người đưa thư ra ngồi dưới mái hiên nhìn mông lung vào trời đêm. Những chùm hoa phượng tím trong sân nhà giờ đã chìm theo lá vào chung một màu đêm. Anh ngồi yên, lòng cũng chìm rạt trong suy nghĩ ngổn ngang như bãi sông chiều dạt nước trơ vơ những thân cây rã mục xiêu vẹo.
Từ sau cánh cửa rón rén khép hờ, anh sửng sờ nhìn thấy rồi bước đi trong cảm xúc tràn bờ. Cơn giật động của hạnh-phúc-bất-chợt oà đến bơ vơ, mãnh liệt, và nỗi buồn tênh sau đó. Những điều anh đã cố gắng không nghĩ đến từ mười năm qua, tưởng chừng đã quên nay tìm lối quay về.
Người vợ ba năm xa cách được vào thăm chồng qua đêm ở trại cải tạo. Đêm bưng bít khát khao trong ngôi nhà thăm nuôi vắng lặng, lay lắc ngọn đèn dầu hao ám khói. Đêm lột trần cảm xúc, rịn mướt bờ thân thể tròn vun dựng bóng man khai, dập dềnh thúc bách. Người chồng vồ vập chóng vánh rồi rủ xuống cạn lực, khô ròng, phía ngoài quan ải. Sáu tháng sau, khi hay tin người vợ sinh con gái đầu lòng, anh rụng rời như đứng giữa đất trời trong cơn địa chấn. Ngày ra khỏi trại cải tạo chứng kiến thực tế đắng cay anh nuốt hận bỏ nhà ra đi. Mặc cảm bất lực bị lôi níu làm chứng nhân thầm lặng cho sự phân bua buồn bã, rồi thôi. Tưởng quên rồi giòng xác thân mê đắm tuôn nguồn đã một lần trong đêm khuya lai láng nhận chìm anh ngợp đuối. Thế mà trong nhiều năm, mỗi lần nhớ lại ngón tay mềm mại của vợ vuốt ve lên phần da thịt bạc nhược như con sâu đo lần tìm vô vọng và tiếng thở dài nàng chìm vào đêm thâu, thì mặc cảm về lần thiếu nợ xác thân lại trồi lên cấp bách. Những lần nhìn người đàn bà qua vội trong đời nằm thỏa mãn đắm say sau cơn bảo gối chăn, anh vẫn thường thất vọng bỏ đi. Họ không phải là người gây cho anh thứ mặc cảm câm nín và khó ngủ đó.
Vài năm trước, trong thư người cha gởi để thuyết phục anh về chuyện tình cảm gia đình có kèm theo tấm hình bé Lục-Hà vừa lên sáu. Con bé giống mẹ rất xinh.
Không lâu sau khi Dũng định cư ở Úc, Ngân-Giang bán nhà dẫn con lên Đà Lạt sinh sống, còn gã công an phường vì ăn chia không đều bị vào tù rồi khăn gói về lại Bắc. Mỗi lần Dũng gởi tiền về giúp đỡ gia đình, người cha đều nhín lên Đà Lạt một phần gọi là của bố gởi về cho mẹ con Lục-Hà. Thư ông Ba Chánh viết cho con trai... Con Giang dạo này bán buôn tần tảo đàng hoàng. Nó nhiều lần muốn viết thư cho con mà không dám. Con nên làm hồ sơ xin bảo lãnh cho gia đình được đoàn tụ với nhau. Dù gì cũng còn chút tình nghĩa vợ chồng. Nghĩ tới tương lai của bé Lục-Hà phải lớn lên trong xã hội dung tục, lừa đảo, ráo cạn tình người, ba rất lo lắng và tội nghiệp cho hai mẹ con nó.
Dũng vâng lời cha. Điều còn lại là đợi chờ và xa cách mà anh không thường khi nghĩ tới. Khoảng cách giữa hai người không chỉ là một đại dương xa. Là hai cảnh đời cách biệt. Là lần người vợ tìm thăm anh với mưu định lọc lừa tuy sự cần thiết của xác thân vẫn luôn thiệt thà như cảm giác. Là lần người chồng đành đoạn bỏ đi trong căm hận chua cay. Chăn gối cũ phai hương tàn tạ trong căn nhà kỷ niệm ẩm thấp dập vùi qua bao mùa mưa nắng. Dũng cố gắng nhưng không thể nào hình dung được cảnh sống hai mẹ con trên thành phố cao nguyên mù tăm, tất cả đã xa xôi như tiếng còi tàu mất hút trong lãng đãng sương mù.
Trời đã vào khuya. Người đưa thư vẫn ngồi im lặng dưới mái hiên ngập bóng tối. Lòng bay xa mông lung về những ngày rất cũ, tuy muộn phiền nhưng anh chỉ muốn vẩn vơ ở đó để khỏi phải trở về đối mặt với cảm giác thèm muốn căng rần. Anh nhắm mắt không nhìn nhưng hình ảnh còn đọng trên võng mô tròn căng bật lộng trong đêm từng cơn sóng trào đầm đìa cảm xúc. Anh nghĩ tới bóng dáng người đàn bà trong giây phút cuối thoát thân thành cánh bướm. Suối tóc đen tuyền buông lơi trên vùng sa thạch rợp óng cát vàng mơn man bờ ốc đảo rền xanh bóng lá.
Người đưa thư bước ra khỏi bóng tối hiên nhà. Con đường vắt qua đêm khuya im lìm những ngọn đèn chong chờ sáng, hao hớt từng vũng ánh sáng vàng vọt nhỏ dần chìm khuất. Anh nghĩ tới một tiếng thở dài, đã từ lâu lắm còn vương...
Người đàn bà chợt tỉnh vì tiếng chuông gọi cửa tưởng trong mơ. Nàng run rẩy mở toang cánh cửa khép kín. Đêm bao la bên ngoài. Người đàn ông đứng đó, khuôn mặt chìm trong bóng tối mà gần gủi như tiếng chuông réo gọi giữa cơn mơ làm hồng da thịt nàng. Bóng tối phủ quanh, lột trần cảm xúc. Chút lụa là cuối cùng rớt chìm xuống đêm thâu. Đêm rưng rưng da thịt, ngừng trôi.
Một lúc nào đó họ thức dậy, lạc loài ý niệm thời gian nơi chốn. Giữa sàn bếp thô cứng mà cứ ngỡ là êm đềm chăn chiếu. Họ ôm chặt nhau cố ghì níu lại cơn thoáng chốc nhân duyên say đắm. Thân hình người đàn bà còn rung lên theo ngân vang của cảm xúc tột cùng. Nàng cắn vào vai người đàn ông trách móc.
- Ông sẽ bị phạt vì tội để người khác chờ, rồi vội vã khiến cả hai phải nằm trên sàn bếp.
- Vậy thì khi nào tôi bị gặp lại cô để thọ phạt đây ?
Người đàn bà ngồi dậy. Nàng với tay lấy chiếc khăn lụa trên sàn nhà, nghịch ngợm quàng qua vai kéo người đàn ông gần lại đôi bầu ngực căng tròn.
- Ngày nào ông thấy chiếc khăn treo trên rãnh cửa bỏ thư thì tối đó sẽ làm đêm thọ hình.
Người đưa thư đùa với lọn tóc buông trên bờ vai trần.
- Còn lúc tôi bất ngờ muốn thọ phạt thì biết làm sao đây ?
Người đàn bà xé đôi chiếc khăn lụa, chẳng vừa.
- Ông cứ treo nửa chiếc khăn này lên cái xách bưu điện, tôi sẽ quét dọn cái sàn bếp chờ tội nhân đến.
- Vậy thì cô sẽ thấy chiếc khăn lúc nào cũng buộc chặt trên cái xách của tôi.
Người đàn bà trao nửa chiếc khăn lụa cho người đưa thư.
- Đừng quên là ông phải thấy nửa chiếc khăn kia trên rãnh thư thì ngục thất mới mở.
Người đàn ông kéo nàng nằm lại bên mình trên sàn gỗ. Ngón tay thênh thang vẽ hình hài của gió rờn rợn lũng đồi mịn màng sa thạch.
- Cô ích kỷ quá thôi! Hoá ra chỉ khi nào cần thì tôi mới được vời đến.
- Có lẽ là như vậy. Giữ được chừng mực này cho đến một lúc nào đó... cũng đã là hạnh phúc không ngờ.
Tiếng người đàn bà nhẹ như hơi thở chìm xuống. Hình như có giọt lệ mềm vừa âm thầm lăn qua khóe mắt.
Tháng ngày hạnh phúc êm đềm trôi. Dải khăn lụa đỏ trên chiếc xách bưu điện phất phơ theo nhịp bước dồn vui của người đưa thư. Từ sau chiếc màn cửa vải hoa, người đàn bà nhón chân nhìn theo bóng dáng dỏng cao với chiếc nón bưu điện đội lệch trên đầu. Nàng nhắm mắt lắng nghe âm vọng tiếng chuông gọi của người đưa thư trong đêm khuya, tiếng cánh cửa mở cho đêm ấm tràn vào, tiếng xác thân vật vã cơn giật động nhấp nhô như sóng cuốn vùi. Dải lụa đỏ mềm mại đong đưa trên cánh cửa như cánh tay vẫy gọi.
Cho đến một ngày, người đưa thư chờ mãi mà bóng chiếc khăn quen vẫn không thấy treo bên rãnh cửa. Trong chừng mực đã hứa hẹn, anh như con sói hiền kiên tâm chờ dấu lụa hồng của cô gái choàng khăn sẵn lòng. Đến lúc có thư để phát tận nhà, anh khấp khởi mừng bấm chuông gọi cửa. Người ra nhận thư là một ông lão người Trung Đông mới định cư. Hôm đó người phát thư lại là người nhận thư buồn bã. Vì tương lai của đứa bé, người đàn bà đã quyết định đoàn tụ với thân nhân ở Hoa Kỳ. Nàng không muốn chuyện giã từ, chỉ buồn thêm cho kẻ ở người đi.
Người đưa thư đứng yên lặng cả hồi lâu bên giàn bông giấy. Nghĩ tới đêm cuối cùng hai người làm tình trút cạn cho nhau, anh chợt hiểu ra... Giữ được chừng mực này cho đến một lúc nào đó... cũng đã là hạnh phúc không ngờ. Anh nghĩ tới câu nói của người đàn bà lúc bước xuống bậc thềm nhà loang nắng.
Trong một thời gian dài, hàng ngày đi phát thư ngang nhà, người đưa thư vẫn nhìn qua cửa sổ mường tượng bóng người đàn bà Trung Đông thấp thoáng sau rèm cửa. Anh hi vọng, ở một nơi nào đó, có lẽ người đàn bà đang sống vui với đời mình, thiết tha nhịp đập trái tim đơn giản đắm say.
Năm cuối trước ngày mẹ con được phép rời khỏi nước, người đàn ông nhận thư của bé Lục Hà đều đặn hơn. Theo thời gian, những tờ thư lời lẽ ngây ngô, năm sáu hàng đã đầy trang giấy, dần dà được thay thế bằng những trang thư chữ viết mềm mại, đầy niềm hi vọng háo hức về cuộc sống mới và niềm vui sắp gặp lại người cha chưa hề gặp mặt. Đối thoại giữa cha mẹ chỉ là những câu nhắn hỏi ngại ngần vào cuối tờ thư.
Những tuần lễ đầu tiên sau ngày người cha đón mẹ con về nhà, sự tíu tít bận rộn về sinh hoạt ăn ở, trường lớp cho cô bé Lục Hà, đã giúp họ phần nào giữ được tự nhiên cho đến khi đêm về, lúc chỉ còn hai người trong phòng riêng vắng lặng. Họ không biết bắt đầu lại từ đâu. Quá khứ tuy xa rồi nhưng vẫn còn đó chẳng cần lục lọi. Hơn mười năm, người vợ sống đời ăn năn thầm lặng, vất vả nuôi con trên góc phố sương mù. Lầm lỗi cũ như hàng thông nghĩa trang ủ rũ, muộn màng làn sương trắng chưa tan mỗi sớm mai bên đường nàng đơn chiếc cúi đầu đi đến chợ.
Sự chăm sóc tận tình của người chồng cho cô con gái càng khiến người vợ thêm áy náy khó xử. Bé Lục Hà thì vui mừng sung sướng lần đầu tiên có cha lo lắng cận kề. Trong lúc đó, những lần nhìn mẹ con ríu rít bên nhau, mặc cảm cũ như vết thương chưa lành rỉ máu trong lòng người cha đau xót.
Vào một buổi tối, nỗi phiền hà trong lòng khiến người đàn ông lái xe lang thang không định hướng qua những con phố. Lúc sực tỉnh ra, anh mới biết là mình vừa đậu xe lại dưới bóng cây phượng tím ở đầu con phố quen thuộc mỗi ngày. Người đưa thư chậm bước trên lộ trình quen thuộc, đầu óc hoang mang chồng chất bao nỗi nghĩ suy bất lực kiếp người.
Hình ảnh buổi trưa ngày cuối tháng Tư bảy lăm âm u cơn mưa nhẹ như sương chợt trở về trong trí nhớ anh mở trừng câm nín. Người sĩ quan cảnh sát trẻ vừa kéo hạ lá cờ, cuốn lại, rụt rè trao nó cho nhóm người đội nón cối vừa đến tiếp thu. Anh ở lại những ngày sau đó, chuyên cần mau mắn lúc được sai khiến với hi vọng sẽ được an thân.
Có lẽ sự lựa chọn và lầm lỡ đôi khi chẳng khác gì nhau. Và như thế nỗi đau hay niềm cay đắng chỉ là vết xướt nối dài trong lòng khi phải sống với sự lựa chọn hay lầm lỡ chính mình.
Người đàn ông đứng lặng nghe câu hát cũ dìu dặt bềnh bồng trong căn phòng mờ ảo ánh đèn. Người vợ ngồi quay lưng bên chiếc bàn trang điểm góc phòng. Mái tóc nàng buông lơi lên bờ vai thon thả chiếc áo ngủ màu hồng gợi cảm. Người đàn bà ngồi đó đã lâu, thấp thỏm đợi chờ tiếng bước chân trở về, thế mà lòng nàng chợt thắt lên khi cảm thấy bàn tay người chồng rụt rè trên vai.
- Có phải chiếc áo ngủ ngày đám cưới không em?
Người đàn bà quay lại gật đầu. Giọt nước mắt chưa thành giòng đọng long lanh nỗi hạnh phúc choáng ngợp không ngờ rồi chợt tuôn rơi như mưa qua cho tan đi dấu vết ăn năn. Thôi em. Có lẽ chúng ta không cần phải ray rứt thêm về sự lựa chọn hay lỗi lầm của mình. Mười mấy năm qua chúng ta đã tận sống và đã ngất ngư với nó. Hảy giữ lấy những điều còn có được và sống tử tế với nhau.
Không gian mềm như đêm ríu lại đắm say trong câu hát cũ quay về, quay về, ngát bừng da thịt.
Thời gian qua. Sự bình thản trở về với gia đình người đưa thư. Bé Lục Hà lớn khôn, ngoan hiền chăm học. Một năm trước đây, không lâu sau ngày Lục Hà đính hôn, người mẹ có triệu chứng ung thư nghiêm trọng. Nàng từ chối điều trị, sống vui với những tháng ngày cuối đời mình. Người đàn bà qua đời, mãn nguyện nhìn thấy con gái được yên bề gia thất. Và lầm lỡ đời mình, bà không vướng bận mang theo mà được giữ kín cưu mang bởi một tấm lòng tử tế thương yêu.
*
* *
Đôi vợ chồng mới cưới làm xong thủ tục lên phi cơ rồi vội vã quay ra tìm người cha đang đứng chờ trong nhóm người đưa tiễn. Lục Hà mang di thể đã đốt thành tro của mẹ về quê. Vợ chồng nàng sẽ hưởng tuần trăng mật và ăn tết muộn trên thành phố cao nguyên, nơi nàng đã sống thời ấu thơ khốn khó mà nuôi hi vọng một ngày đi xa, đoàn tụ.
Nhìn người cha mãi dặn dò cẩn thận về chiếc hộp gỗ trầm hương người con rể trân trọng trên tay, Lục Hà tươi cười hôn lên má cha, trấn an ông.
Người đưa thư ngẩng nhìn theo chiếc phi cơ đang ngóc đầu lấy cao độ lao mình vào khoang trời ngập nắng không một bóng mây. Ông nhủ thầm sẽ về thăm vợ vào dịp tết. Ông nghĩ tới những ngày cuối năm quê nhà, đào mai khoe sắc thắm và người người náo nức chuẩn bị ăn tết đón Xuân trong khí lạnh vừa se da, điểm xuyết làn mưa bụi mong manh, chứ không phải là cái nắng nung người của mùa hè Úc Đại Lợi.
Ông chợt nhớ ra đã không nghĩ tới điều này từ lâu lắm. Chuyện tết giữa mùa hè.