Xuân Về Non Cao
Tác giả: Phan Thái Yên
Đành tôi chân mỏi non cao
Rừng lồ ô dậy tiếng gào châu thân
Buồn em ngõ hạnh phân vân
Dẫu nguyên sơ cũng trầm luân cuối trời
Phan Thái Yên
minh
Người đàn bà ngồi đọc lại trang thư vừa viết rồi gấp bỏ vào phong bì. Nhìn bao thư khép hờ chưa đề tên người nhận, chị lưỡng lự trong giây lát rồi với tay xé trang giấy mới viết mấy giòng ngắn ngủi.
Buổi chiều hai mươi bảy Tết thả vệt nắng dài xuống hiên nhà nằm vàng vọt bên chậu cúc vừa nở hoa. Ngôi nhà tập thể giáo viên cũng vắng lặng như buổi chiều cuối năm. Giáo viên đã bỏ về nhà nghỉ Tết từ trưa chỉ còn lại nàng và cô bạn giáo viên trẻ đang ngủ ở góc phòng. Cọng nắng tò mò nhảy chuyền qua cửa sổ xoi bói lung lay trên khoảng thân thể lả lơi giấc nồng thiếu nữ. Người đàn bà bước ra trước hiên nhà nhìn về phía con suối ẩn khuất sau rừng cây dưới chân đồi. Rặng xoài thẳng tắp dọc theo con dốc bụi đỏ đưa nàng về gần lại với tiếng suối thở than quen thuộc. Dốc Tình Xanh - cô bạn trẻ đã lãng mạng đặt tên cho quãng dốc cheo leo xanh bóng lá. Người đàn bà buông nụ cười bâng quơ khi chợt bắt gặp mình đưa tay vuốt tóc làm duyên lúc chậm bước qua chòm cây xum xuê đầu con dốc. Không lâu sau ngày khai trường, một nhóm sĩ quan cải tạo miền Nam đi lao động xa trại đã cắm lều võng dưới bóng mát hàng xoài làm chỗ trú tạm sau lúc ở rẩy về. Những người sĩ quan trẻ tuy gầy ốm tiều tụy vẫn còn dáng vẻ thành phố của những ngày hào hoa cũ. Con suối vui lên mấy ngày họ ở lại đây. Rồi thôi. Nhóm người cải tạo đến đi bất chợt trong im lìm chịu đựng dưới họng súng canh chừng của gã vệ binh. Bóng dáng người sĩ quan tù binh ngồi bên bờ suối, đôi mắt im sửng chìm sâu trong chiều, đã rạng lên trong trí tưởng nàng cơn nắng kỷ niệm hiếm hoi.
Từng chiều bên suối và biết bao lần thức giấc giữa đêm tâm sự đã giúp hai cô giáo thân nhau như chị em. Có lần nhìn người đàn bà ngồi trên ghềnh đá buồn bã soi bóng mình xuống dòng suối cô bạn trẻ đã tìm lời an ủi.
- Sắp đám cưới rồi mà sao dáng chị ngồi buồn như một người chinh phụ. Chị thấy em không? Hơn hai năm nay không biết tin anh ấy sống chết ra sao mà em vẫn sống vui với hy vọng.
- Sắp đám cưới mới buồn đó. Có người yêu cho dù đang ở trong trại cải tạo hay đi xa để đợi chờ, hy vọng, thì vẫn hạnh phúc hơn là sẽ phải sống với người mình không ưa. Tình yêu không cần phải sòng phẳng. Khi yêu chúng ta có thể hy sinh cả đời mình, ngay cả sự chia xa, mà vẫn thấy hạnh phúc.
Cô gái trút bỏ áo quần trầm mình xuống dòng suối mát lạnh. Đôi chân thuôn dài và cặp vu sơn thanh thoát xuân thì lồng lộng trong bóng nước. Cô tát nước về phía bạn mình.
- Cho em xin đi bà triết gia của tình yêu. Dòng suối mát nầy là nguồn hy vọng của em. Trầm mình vào nước mát hy vọng sẽ trở thành nguồn sống. Dừng lại bên bờ chúng ta chỉ còn có nỗi buồn.
- Chưa biết ai là triết gia. Thôi lên mặc áo quần vào đi, lỡ có người thấy thì chỉ còn nước bỏ xứ mà đi.
Cô gái bơi về phía phiến đá, khều chân bạn.
- Chị Minh, trong nhóm sĩ quan cải tạo chị lựa ông nào ?
- Ông Hải Quân!
- Không được đâu, em xí ông đó rồi. Ờ, mà tại sao chị lựa ông Hải Quân?
- Tại ổng hát hay. Mi còn nhớ ổng nằm trên phiến đá này hát nhạc Trịnh công Sơn? Lúc hai chị em mình đi xuống, ổng không hay biết gì cứ tiếp tục trình diễn văn nghệ. Ổng hát bài Biển Nhớ hay quá trời.
Cô bạn trẻ cười vang. Tiếng cười lẫn theo tiếng suối reo, trôi xa rồi êm đềm chìm lắng trong bóng chiều tà.
Người đàn bà đứng nhìn dòng suối thân thuộc, trầm xa tiếng buồn muôn thủa. Nàng nghĩ tới cô học trò tỉnh nhỏ về trường Trưng Vương mấy năm cuối trung học. Những giờ nghỉ ngồi một mình trong góc vườn cuối Thảo Cầm Viên thả hồn theo từng cơn mộng viển vông. Rồi một chiều... Tiếng giày bước khẽ của chàng Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân làm chao động cánh bướm ươm mơ. Lòng cô học trò chưa kịp thẹn thùng đã choáng ngợp tình cảm lạ lẫm làm nóng bừng đôi má. Chiếc ghế đá cuối công viên đã trở thành nơi hẹn hò không hề ước hẹn. Cô học trò ngồi lơ đãng học bài chờ bước chân quen. Người thanh niên học làm lính thoáng đến như một động hờ. Anh không nói đến mộng hải hồ sông nước nhưng rất nhiều về thành phố phải bỏ đi xa. Giọng nói nhỏ nhẹ miền Trung vẽ lên hình ảnh nên thơ của chiếc cầu nối hai bờ phố và dòng sông lênh đênh tiếng mái chèo khua nước chao động trăng vàng. Rồi người lính chào từ giã để đi học xa. Nụ hôn đầu đời đến với nàng trong buổi chiều tiễn biệt. Đôi môi khép hờ run rẩy như cánh lá. Cô học trò vẫn ngồi một mình, chờ đợi bâng khuâng. Ghế đá bơ vơ mà bước chân quen thì đã phương trời.
Sau mùa xuân năm bảy lăm, cô bỏ dở năm cuối Đại học về lại Phước Bình để giúp đỡ gia đình. Hàng ngày cô an phận, đạp xe hơn mười cây số đi về, dạy học kiếm sống. Thời thế đảo điên nên ai cũng im lặng cúi đầu mong được an thân. Gia đình cô buôn bán ở thị xã bị chính quyền cách mạng kiểm kê vì thuộc diện tư sản. Suốt một đời kinh doanh khó nhọc chỉ trong phút chốc trở thành trắng tay. Cha cô vì quá buồn bực đã nhuốm bệnh. Cảnh nhà lại càng thêm khốn đốn. Trong thị xã có một y sĩ bộ đội muốn được lòng cô nên đã tìm cách giúp đỡ. Một phần nhỏ tài sản chính quyền trả lại chỉ vừa đủ để mua thuốc chợ đen chữa chạy cho cha. Gã y tá kháng chiến có trình độ giáo dục cấp một, đi tập kết lâu năm, đã được đề bạt lên tới chức y sĩ. Những bụm thuốc ký ninh bộ đội đắng nghét chỉ càng làm thân thể cha thêm đuối mệt nhưng ông y sĩ thì đã trở thành người ơn. Cô và bà mẹ đã khóc nhiều, ngày ông y sĩ đến dạm hỏi cô làm vợ. Nghĩ đến cảnh nhà và thương cha, cô đành phải gật đầu nhưng tìm mọi cách để đình hoãn ngày cưới. Hơn một năm nay, viện lẽ trường dạy quá xa, cô đã ở lại nhà giáo viên tập thể, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Gần đây người cha cho biết ra Giêng cô sẽ phải làm đám cưới.
Trưa nay nhìn nhóm giáo viên hối hả thu dọn về quê ăn Tết, người đàn bà buồn bã bỏ vào phòng ngồi khóc một mình. Những ngày Tết sắp đến là thời điểm đánh dấu sự mất mát lớn lao của số phận mà nàng biết sẽ không thể nào cầm giữ được nữa. Nàng quay quắt với ước muốn làm được điều gì đó cho thời yêu thương cũ có thướt tha bóng dáng cô học trò Trưng Vương đầy ắp mộng mơ. Nàng muốn sống cho trọn vẹn với giấc mơ cuối đời mình. Có cần gì cho thời sắp chết - sống với người không yêu, liên hệ với chế độ đã làm biết bao người thân điêu đứng. Người đàn bà ôm mặt che giấu dòng lệ lẻ loi.
Nắng chiều nhuộm vàng lên đỉnh rừng cây bên kia đồi. Náu mình sau rừng cây, dòng suối len lỏi quanh co theo dãy ghềnh đá cheo leo cất tiếng gọi mời. Người đàn bà dừng lại bên bờ suối trút bỏ mớ trang y phiền toái rồi trầm mình vào làn nước mát. Từng con sóng nhỏ lao xao vỗ vào bờ thân xác như hàng trăm ngón tay ân cần mơn trớn. Dòng nước trở thành chỗ trọ an toàn cho cơn xúc động làm hồng da thịt và cuốn trôi đi nỗi buồn đã không còn cần thiết. Nàng ngửa mặt nhìn trời buông trôi thân mình theo con nước mơn man.
phương
Tia nắng ấm đọng trên gò má làm cô gái tỉnh ngủ. Nàng ngồi bật dậy hoảng hốt với cảm giác như đang khỏa thân trước đôi mắt lạ. Chiếc màn vải mở toang lay động theo cơn gió nhẹ thổi luồng vào nhà từ khung cửa mỡ. Nàng ôm ngực hoàn hồn, ngượng ngùng trở về với thực tế. Mới đó mà đã hai mươi bảy Tết. Ngoại trừ chị bạn ở Phước Bình, những giáo viên khác trong nhóm đã khăn gói đạp xe về nhà ăn Tết.
Cô gái biếng lười nằm rướn người tiếc rẻ cơn mơ còn hâm hấp trong thân thể. Giấc mơ quá gần và rõ ràng như nỗi nhớ quắt quay. Cánh tay ghì xiết khuôn mặt người yêu lên khoang ngực căng phồng khát vọng. Ngọn khải triều trào cuốn mở toang dòng hạ lưu ăm ắp phù sa. Nàng nhắm mắt ước ao được về lại với giấc ngủ cho trọn vẹn cơn cảm giác nửa vời. Chỉ trong giấc ngủ nàng mới có thể sống hết cho ước vọng của mình. Với đôi con ngươi mở lớn tất cả chỉ là thực tại buồn thiu. Trong mơ nàng đã băng ngàn vượt suối lén thăm người yêu trong một trại tù. Đôi tình nhân ôm nhau trong vòng tay quay quắt ân tình. Chỉ là giấc mơ nhưng cơn sốt thân xác và cảm giác rần chạy trong từng mạch máu thì quá thiệt thà. Phải chi chàng đã không bỏ đi xa. Phải chi chàng là người tù cải tạo trong một góc núi nào đó trên đất nước này để nàng được làm kẻ băng ngàn. Nàng tự trách mình buồn nhớ người yêu mà không thể nào mường tượng ra được nơi chàng đang sống. Một nghìn trùng nào đó. Nàng lo sợ nghĩ tới ngày cô đơn nhất của đời mình khi nơi chốn cuối cùng trong tâm tưởng ấy cũng tuột khuất khỏi tầm mong nhớ.
Cô gái nằm yên lắng nghe tiếng mình thở dài trong buổi chiều cuối năm im vắng thinh không. Tiếng thở phân vân quyện lời suối tự trầm vọng lên từ phía dưới chân đồi nghe xa lắc như tiếng buồn kỷ niệm.
Ngôi biệt thự nhỏ kín đáo sau vách tường cao ở cuối đường Trần hoàng Quân. Cô bé tóc bím áo đầm xanh đứng nép bên mẹ trên sân thượng đón Bố về sau chuyến hành quân xa. Bé nhón gót ló đầu khỏi dãy lan can vẫy tay reo mừng. Cô gái lớn lên theo từng chuyến trở về bình an của Bố. Ánh mắt lo âu của Mẹ khi theo dõi bản tin chiến sự vội trở thành nụ cười vỗ về con gái. Chiến tranh đối với nàng là chiếc xe jeep đầy bụi cao nguyên, là cánh tay chào rắn chắc của sĩ quan dưới quyền và ánh mắt nhìn uy nghi của Bố. Và đôi khi, bóng dáng những chàng sĩ quan trẻ tuổi thời thượng hào hoa làm rộn lòng chiều dạo phố. Cuộc sống trong thành phố êm đềm như con đường đi học. Hàng cây kiền kiền cao vời thả bóng mát theo suốt bước chân cô gái và bạn bè trên đường đến trường. Ngọt chua miếng ổi miếng me, rộn rã tiếng cười.
Những ngày gần Tết năm bảy lăm. Bước chân cô sinh viên chưa kịp quen với sân trường cuối đường Duy Tân đã sẹ bước vào con đường tình đầu đời con gái. Tiếng sỏi trước sân nhà rộn ràng bước đi vụng trộm. Người lính Thượng già, ông Đại Tá sai phái từ Phước Long về làm việc nhà, im lặng mở cánh cửa sắt thả cánh chim chuyền bay vào lòng phố đêm xôn xao hò hẹn. Căn phòng trong khu vãng lai của người sĩ quan Không Quân bề bộn đến dễ thương. Tiếng máy bay phản lực hung hãn gầm thét từng hồi xé rách màn đêm. Cô gái nhón gót chân hồng để lòng kịp cao theo từng nụ hôn nồng ấm. Đêm cuối năm dài đến vô cùng cuộc trao thân khơi mở dòng suối đam mê.
Chương cuối cùng của cuộc chiến tranh mở ra khúc quanh không ngờ. Sinh thể miền Nam giẫy giụa trong cơn hấp hối ngắn ngủi mùa Xuân năm bảy lăm. Bố không về ăn Tết. Bố ở lại tử thủ Phước Long. Lịch sử của mùa hè năm bảy hai đã không thể lặp lại được. Những ngày cuối tháng Tư, Mẹ bơ phờ hốt hoảng giữa những cơn khóc ngất tính toan. Mẹ quyết định ở lại để mong được sum họp với Bố. Người yêu nàng thì đã theo đơn vị bay ra biển không kịp lời từ giã.
Lòng căm thù giai cấp của những người cuồng tín đã bắt hàng ngàn sĩ quan miền Nam vào những trại tù lao động trên khắp cùng đất nước. Gia đình nàng cùng hàng vạn người dân thành phố thì bị lùa đến những vùng đất rừng rú. Không lâu sau khi về sống ở khu kinh tế mới Bù Gia Mập, Mẹ và mấy chị em nàng được tin Bố đã bị chuyển đi cải tạo tận miền Bắc. Tội nghiệp Mẹ đành phải ôm mối thất vọng không được gặp chồng. Bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của Mẹ đã sạm đen cháy nắng vì phải làm công việc nặng nhọc không quen để đùm bọc con cái. Từ hơn một năm nay nàng xin được chỗ dạy học chỉ cách nhà vài cây số. Mẹ khuyến khích nàng vào sống ở nhà giáo viên tập thể để tránh xa những tên thanh niên xung phong, công an dốt nát hẹp hòi. Ngoài những ngày cuối tuần về nhà giúp đỡ Mẹ, cuộc sống giáo viên thư thả càng khiến nàng nhớ nhiều đến Bố đang gian nan trong một trại tù nào đó trên vùng thượng du Bắc Việt.
Cô gái vươn vai ngồi dậy nhìn quanh ngôi nhà vắng lặng. Chị bạn không còn ngồi ở bàn viết. Từ mấy tháng nay, càng gần đến ngày cưới chị Minh càng buồn hơn. Ông y sĩ bộ đội luống tuổi và cũng là người ơn trong gia đình đã dạm hỏi chị làm vợ. Vì muốn giúp gia đình được yên thân giữa thời buổi tai ương chị đã nhận lời nhưng cố trì hoãn đám cưới từ hơn một năm nay. Buổi trưa nhìn bạn ngồi khóc một mình trong khi nhóm giáo viên đang lục đục thu xếp hành trang để về nhà ăn Tết nàng đã an ủi bạn và gợi ý hai chị em ở lại qua đêm để tâm sự.
Mặt bàn viết trơ trọi vệt nắng chiều nằm lỡ làng trên phong thư khép hờ và trang giấy có hàng chữ viết vội. Con quỷ Phương, Con gái gì mà ăn ngủ vô duyên quá. Đọc thư đi rồi xuống suối cho ta biết ý kiến của mi. Minh. Người đàn bà nhớ lại giấc mơ ngày, ngượng ngùng mở phong thư. Trang giấy bắt đầu bằng ba chữ Ông Hải Quân.
Chậu cúc chị Minh trồng từ đầu thu đã nở bông. Mấy nụ hoa vàng nhỏ nhắn lay động mong manh trong nắng muộn. Cô gái múc nước trong lu tưới lên bụi hoa. Những giọt nước hiếm hoi tan biến nhanh vào chậu đất khô nứt, khát khao chờ đợi cơn mưa không hề đến. Nàng vuốt mái tóc rối, nghiêng nhìn khoảng bóng mát ở đầu con dốc, nơi nhóm tù cải tạo đã tình cờ ở lại vài ngày ngắn ngủi dạo đầu thu. Mấy chiếc võng vải dù treo quanh bếp lửa cơ hàn. Bữa cơm muộn. Ánh lửa lắt lay soi vết hằn trên mặt người hốc hác. Cơn mưa đêm bất chợt. Bóng người co ro nép vào nhau dưới tàng cây. Họ chuyền nhau điếu thuốc cho ấm tâm hồn đang nhuốm lạnh. Đôi mắt thành phố làm cuống quít chân ai trên dốc núi bụi đỏ mà ngỡ phố chiều .
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về...
Tiếng hát buồn thả buông theo dòng nước lung linh vạt nắng xanh mơ hồ kỷ niệm. Những người lính tù lặng lẽ đến rồi đi. Mỗi lần nhìn khoảng sân vắng, lòng nàng lại bâng khuâng nỗi xao xuyến lạ kỳ. Nàng cảm thấy gần gũi với những người cùng hàng ngũ và cảnh ngộ với Bố. Hình như những cảm nghĩ ấm lòng đó đã giúp nàng nguôi ngoai nỗi thương nhớ người yêu đã nghìn trùng xa cách.
Cô gái đọc lại tờ thư bạn viết, lòng miên man nghĩ về buổi chiều đầu thu nắng đẹp hiếm hoi bên bờ suối. Những cảnh đời luân lạc gặp gỡ nhau trên bước tình cờ. Câu chuyện nổ ran về những ngày phố xá cũ giờ chỉ còn trong kỷ niệm. Ông Hải Quân - người lính tù có nụ cười hiền và lối nói chuyện có duyên đã là đề tài tâm sự thâu đêm cho hai cô bạn gái. Đôi mắt chị Minh ngời vui mỗi lần nhắc lại chuyện anh chàng Sinh Viên Sĩ Quan những ngày Trưng Vương cũ. Sâu lắng trong hồn chị là hình ảnh cô học trò nhỏ ngồi lặng lẽ trong góc vườn cuối Thảo Cầm Viên. Chị vẫn ngồi đó, từ lâu lắm, cô đơn như chiếc ghế đá trong góc vườn mộng ảo mong manh. Đã qua rồi thời mong chờ. Chị Minh ơi, hãy đứng dậy tìm sống lại thời yêu thương cũ, cho mình, cho cô học trò mơ mộng ngày nào. Như chị đang trải lòng mình ra trên trang giấy, chẳng che đậy ngại ngùng.
người tù binh
Trời đã quá trưa. Nắng cuối năm chênh chếch trước hiên bệnh xá soi tràn ánh sáng vào tận bên trong ngôi nhà vách đất mái lợp lá trung quân. Từ làng Phước Thành vào, khu bệnh xá nằm bên cạnh ngã ba đi Bù Gia Mập và tỉnh lộ 10 trên đường vào trại.
Người bạn bác sĩ cải tạo dập bớt lửa trong bếp, vỗ vai hắn dặn dò.
- Đừng để lửa cao quá, nước thuốc bị kẹo lại thì khó uống. Qùa Tết của bệnh xá cho mầy đó. Nam sâm sắc với hà thủ ô và rể tranh nguyên chất. Uống vào thì hết biết luôn.
Hắn bồn chồn nhìn về phía làng Phước Thành, lo âu.
- Hy vọng đừng có thằng vệ binh nào ở ngoài Trung Đoàn quá giang xe đò về. Bể mánh, vừa mất ăn Tết lại phải ngồi tù mấy ngày thì oải lắm.
- Không sao đâu, thân nhân đi thăm nuôi lén hà rầm. Mầy lại có chuyên gia thăm nuôi Đắc lo việc đưa đón thì hết sẩy rồi. Thôi, tao về trại. Mẹ! Ở tù, đi nằm bệnh viện chui mà có em gái hậu phương vào thăm... Thằng này thiệt là đẻ bọc điều!...
Bác sĩ Lãng quảy chiếc bao cát đựng đầy bánh mì lát phơi khô lên vai, tay cầm hủ nước mắm mỡ hành.
- Đừng để mấy thằng vệ binh bên khu bệnh xá bộ đội thấy họ. Kẹt lắm thì nói mấy cổ là thân nhân đi thăm nuôi bị lỡ đường. Còn mầy thì đừng quên là đang bị sốt rét. Có người hỏi thì nhớ trùm mền cho kín, nói là tao đi đào thuốc Nam.
Con lộ về trại vắng ngắt. Người sĩ quan quân y chậm bước trên con dốc bụi đỏ. Lãng đội cái nón lá làm lấy vụng về, bao cát lắc lư trên vai, trông xa như gả cái bang trong truyện Kim Dung.
Không chờ đợi nhưng bạn tù quanh hắn ai cũng vui vì Tết sắp đến. Họ vui vì sắp được nghỉ ba ngày lao động. Ngủ cho đã. Khâu vá lại mấy manh áo quần rách nát. Ngồi nhâm nhi ly cà phê gạo rang. Hoặc chỉ ngồi mà không cần phải làm gì. Người được vệ binh giảm chỉ tiêu cho về trại sớm vì có thân nhân vào thăm, mặt mày hớn hở như đứa trẻ được quà. Mấy cái lều cỏ dựng vội bên mép rừng để nghỉ lưng sau bữa cơm trưa đã trở thành nơi hẹn hò lý tưởng cho những người đi thăm nuôi lén. Một bạn tù ở cùng láng, buổi trưa vợ lên thăm, tối ngồi trầm ngâm hút thuốc có vẻ buồn. Hỏi thăm mãi bạn mới tâm sự.
- Trước khi làm ăn, bả mở xách lấy đưa cho tao cái áo mưa. Đương lúc lên cơn không để ý, giờ ngồi nghĩ lại rầu thấy mẹ.
- Mầy khéo lo chuyện bao đồng. Phải tin nhau thì mới sống vui được. Thời buổi này, sinh kế khó khăn, lở phải lo thêm chuyện chửa đẻ thì mệt lắm.
Thằng bạn tù rít sâu hơi thuốc lào, phả khói, đăm chiêu thở dài.
- Tao cũng hy vọng chỉ đơn giản vậy thôi.
Những sớm mai cuối năm bơ phờ giọt sương mất ngủ đọng long lanh trên cây cỏ làm đẫm ướt bước chân trên đường ra rẫy. Bạn tù chuyền nhau hơi thuốc, trao đổi câu chuyện đùa bỡn để đôi chân quên đi con dốc dài và chỉ tiêu lao động nặng nề. Tết như một thời điểm để tự trấn an mình bằng những ước vọng lớn nhỏ ấm lòng. Hi vọng năm mới được trở về. Hi vọng mấy ngày Tết được nghỉ ngơi tấm thân mòn mỏi. Vậy mà từ hai hôm nay hắn như người mất hồn. Từ lúc Đắc lấm lét đưa cho hắn bức thư niêm kín, không đề tên người gởi.
- Cô giáo tên Phương ở Phước Bình năn nỉ nhờ tao bằng mọi cách đưa thư tận tay mày. Cổ nhắn là chiều ba mươi Tết, cô giáo Minh sẽ cùng vào thăm.
Người bạn tù nhìn hắn, cười đểu.
- Tao nghe cô giáo nói sẽ vào trại bằng chuyến xe trễ là cặp mắt tao sáng rỡ giùm cho mầy liền. Tao đã tình nguyện hẹn đón hai người ở làng Phước Thành. Địa điểm “khách sạn” thì tùy mày quyết định.
Hắn mở bao thư, mường tượng nhớ tới hai cô giáo hiền lành đã gặp trong thời gian lao động xa trại mấy tháng trước. Đọc qua bức thư cô giáo Minh gởi, lần đầu tiên, hắn dụi mắt không ngờ tới tình cảm ước mơ người đàn bà phơi trải trên trang giấy. Hắn đọc đi đọc lại bức thư, lòng càng bồi hồi xúc động vì sự thiết tha trung thực người đàn đang muốn sống trọn vẹn cho mình. Giấc mơ thời thanh xuân như liều thuốc quý giúp nàng sống hạnh phúc với sự đợi chờ không tưởng. Đã đến lúc phải từ giã cõi mơ để trở về với thực tại buồn bã. Người đàn bà muốn gởi lại hết cả sắt son để mai đây nàng sẽ không còn nuối tiếc mơ mộng. Người đàn ông trong cuộc sống sắp tới không đáng để nhận lãnh sự nguyên sơ ngà ngọc đó. Nụ hôn đầu trên đôi môi cô học trò buổi chiều tiễn biệt năm nào vẫn làm thân xác nàng rung động như cánh bướm mỗi khi nhớ đến. Và từng đêm con gái thở dài cơn cảm xúc cuộn dòng. Người đàn bà muốn thực sự sống một lần, muốn được một lần nghe thân xác mình căng như tiếng đàn rung. Cho mình. Cho cô gái vẫn từ lâu ngồi chờ trong cõi nhớ mông lung...
Hắn thở dài nhìn ngút theo đầu con dốc xa đã khuất chìm bóng bạn.
Buổi chiều cuối năm. Dấu mốc buồn bã của thời gian. Sự chấm dứt của một đời người. Giao thừa. Sự bắt đầu cho một cảnh đời khác. Hắn vẫn mòn mỏi sống từng ngày với mơ ước chưa thành. Giấc mộng của cô gái đã không thành sự thật. Chỉ là sự chấp nhận. Một nhủ lòng khi nàng phải lách mình qua khung cửa hẹp của số phần. Không như cô học trò nhỏ trong góc vườn xưa, nàng đang sống cấp bách với cơn mộng du mới, vụng về mà thật thà. Cảm xúc bồi hồi rung lên tiếng tụng ca thân xác làm rã tan biên giới giữa mộng và thực dù chỉ trong khoảnh khắc. Một khoảnh khắc đời người. Hắn thấy mình, từ một lúc nào đó, nằm xuống trên mặt đất thơm ngái mùi cỏ tranh. Mắt mở bình yên nhìn khoảng trời xanh bay đầy mây trắng.
mộng du
Gian bếp nhỏ liếp cài bập bùng ánh lửa. Hai người đàn bà trẻ thon thả ngồi yên lặng trên chiếc chiếu cói trải trên nền đất trước bếp. Bóng họ lắt lay lên vách đất phía sau lưng. Cô bạn thỉnh thoảng nhìn người đàn ông ngồi ở góc phòng chúm chím cười, trong lúc người đàn bà đang làm ra vẽ bận bịu với nồi chè trên bếp. Trong một lúc lâu, ngoại trừ tiếng lửa reo, gian bếp thật yên lặng. Tiếng súng đón giao thừa sớm của mấy gã vệ binh thiếu kiên nhẫn réo qua đêm vắng làm người đàn bà giật mình lo lắng nhìn quanh. Nàng thẹn thùng liếc nhìn người đàn ông. Khuôn mặt thanh tú hồng lên trong ánh lửa. Có lẽ bóng đêm trừ tịch bên ngoài và gian bếp yên lặng đã làm người đàn bà mất đi vẽ linh hoạt ban chiều. Hắn cũng vậy, ngồi lơ đãng hút thuốc, cây đàn trên tay thỉnh thoảng rớt vài nốt nhạc rời.
- Chị Minh khen anh hát nhạc TCS hay lắm. Anh ngồi lại đây hát vài bài cho em nghe ké với.
Người đàn bà bẽn lẽn nhìn hắn.
- Nhỏ Phương này lanh lắm đó anh. Ưa nghe Ông Hải Quân hát thì nói đi còn đổ oan cho người khác làm chi.
Hắn cầm đàn ngồi lại giữa hai người đàn bà. Bếp lửa và mái nhà ấm cúng đã làm hắn xúc động. Trong một khoảnh khắc hắn quên lửng dãy trại trống vắng, tiếng thở dài lăn trở của bạn tù mất ngủ, tiếng mơ sảng mệt mỏi đêm tù. Hắn trở về, chân bước qua cầu, tà áo lụa màu vàng phai quằn quại buổi chiều bến đò Thừa Phủ. Hắn thanh xuân, mắt thuyền ngời ánh trăng sao, lộng gió vườn khuya Bến Ngự. Hắn sông nước, con kinh dài hơn đêm, bâng khuâng nỗi lòng Nha Mân Hồng Ngự. Hắn hạnh phúc, xôn xao chuyến tàu từ khơi về nghỉ bến, con dốc cao mặn gió, cây bông giấy trước nhà thắm lá đợi chờ. Hắn hát miên man cho mình, từng bài hát chở chuyên kỷ niệm của một thời chất ngất thương yêu.
Đêm trôi dần vào giờ phút cuối cùng của năm. Bếp lửa bập bùng. Thời gian lắng đọng. Trong ánh sáng mờ ảo, gian bếp như thu nhỏ lại ấm áp lạ thường. Vai hắn nằng nặng mái đầu người đàn bà đang nhắm mắt để hồn lơi trên đôi cánh cảm xúc diệu kỳ. Em đến thăm anh đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi...
Tiếng hát đã im bặt từ lâu. Cô gái nằm tê điếng trên từng sợi cảm giác căng rợn tơ đàn. Nàng lặng nghe dư âm tiếng hát rồi thở dài trở trăn trên từng tiếng động hân hoan vọng lên từ bếp lửa. Trong khuya khoắc dòng khát khao xúc động tuôn nguồn. Đêm lắng sâu vào biên ngưỡng mới rợi của sự khởi đầu. Hãy bỏ lại sau lưng năm cùng tháng tận và nỗi ưu phiền. Trong cơn mộng du rần rần da thịt, cô gái bước về phía bếp lửa. Nàng khêu bừng lên ngọn lửa từ rực ngấm than hồng.
Người đàn bà nằm lắng nghe từng âm thanh ghì rịt vọng lên từ chốn đam mê. Nàng trở người nằm cuộn mình như sâu, đôi vú ấm lòng bàn tay rịt giữ cơn mộng thiệt thà. Người đàn bà đi vào giấc ngủ hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng trong đời.
Phan thái Yên