Người Đàn Bà Trong Phố Cổ
Tác giả: Phan Thái Yên
1.
C huyến bay từ Bắc Kinh đến trễ hơn lịch trình. Phi cảng Đà Nẵng nóng bức chật chội càng ngột ngạt hơn vì đám hành khách của vài chuyến bay bị dồn lại đang nôn nóng chờ nhận hành lý. Khách từ Sài Gòn ra đa số là Việt Kiều về thăm gia đình. Đám người tha hương, ăn mặc sang trọng có khi kệch cởm, hăm hở ồn ào đẩy từng xe hành lý chất cao như núi về phía cửa kiểm soát. Người thanh niên với túi hành lý trên vai đứng kiên nhẫn ở góc phòng đợi, mắt lơ đãng nhìn quanh. Hàng cây kiểng mới trồng bên ngoài phi cảng lá to xanh bóng như những chiếc quạt sắp thành tầng đều đặn. Màu lá xanh làm dịu đi phần nào ánh nắng gay gắt buổi trưa mùa hè Đông Nam Á. Đám thân nhân bên ngoài đứng ngồi hổn độn, ngóng nhìn chờ đợi. Bóng họ dưới hàng hiên tối sẫm lại vì nền nắng trưa chói chang.
Ánh mắt người thanh niên quay về dừng lại trên hai đứa bé khoảng bảy tám tuổi, đứng cách chàng không xa đang tò mò nhìn nhau. Chàng mỉm cười nhìn cô bé nguýt dài quay lưng trong lúc cậu bé đứng nhịp chân, hai tay thọc sâu trong túi quần jean kênh kiệu. Cô bé kiêu sa trong chiếc áo dài màu vàng thổ rất thời trang, cổ đeo kiềng, đầu đội chiếc nón cối Đông Dương kiểu cách cùng màu với áo. Cậu bé thì ngổ ngáo trong chiếc nón Texas rộng vành, chân đi boot cao cổ bằng da cá sấu. Chàng thanh niên bước đến gần vẫy tay chào hai đứa bé. Câu hỏi thăm bằng tiếng Việt chỉ được trả lời bằng hai đôi mắt mở chăm trong im lặng. Cô bé liếng thoắng khi người thanh niên hỏi chuyện bằng tiếng Pháp trong lúc đôi boot Texas chỉ im lìm xê dịch tới lui trên nền xi măng. Cậu bé chờ đợi được hỏi bằng ngôn ngữ quen thuộc mà cậu đã học nói từ lúc mới sinh để đắc chí nhìn con bé khó ưa, đôi mắt nâu ấm ức sau vành nón cối. Phấn động với vai trò mới người thanh niên quên hẳn đám đông ồn ào chung quanh vui vẽ nhìn hai đứa bé bắt đầu cuộc đối thoại qua sự phiên dịch của mình. Những câu nói chê bai nhau về cái nón đang đội trên đầu khiến chàng không cầm được tiếng cười.
Hai đứa bé thân mật vẫy chào người bạn lớn mới quen rồi chạy về phía cha mẹ đang đứng chờ. Người thanh niên đến nhận hành lý của mình rồi theo đoàn hành khách đi về phía cửa kiểm soát. Chàng ngỡ ngàng bước qua hàng rào người đang ồn ào chồm kiếm thân nhân hoặc đón mời khách doanh thương của hãng xưởng trong khu vực. Những tấm bảng cầm tay đủ cở viết bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Hàn la liệt tên người chen lẫn tên công ty nhảy múa rối mắt.
Đứng tách rời khỏi đám đông là một cô gái vóc dáng mảnh mai, tay ngần ngại cầm tấm bìa giấy với hàng chử in tên người thanh niên và trường đại học anh đang theo học ở Hoa Kỳ. Chàng suýt bật cười khi thấy tên mình bằng tiếng Hoa được cẩn thận chú thích bên dưới hàng tên viết theo lối Mỹ. Ánh mắt cô gái vẫn chăm chú nhìn về phía hành khách, không thấy người thanh niên đang chậm bước về phía nàng. Đôi mắt nâu to không cân đối với khuôn mặt xương gầy thanh tú. Sự không cân đối vướng vất nỗi mong manh quyến luyến nào đó khó cầm lòng cho một ngoái nhìn.
Cô gái bối rối bắt tay người thanh niên rồi trã lời lưu loát bằng tiếng Anh.
- Xin lỗi ông. Tôi đã không nhìn thấy ông đến. Tôi đang lo ông không thể về kịp chuyến bay này.
- Vâng, có lúc tôi đã nghĩ vậy. Phải chờ ở phi trường Bắc Kinh hơn hai tiếng đồng hồ, sốt ruột quá. Cô là...
- Sông Hương, nhân viên trường Đại học Đà Nẵng.
Người thanh niên buột miệng hỏi.
- Sông Hương chứ không phải Hương Giang sao?
Cô gái ngạc nhiên, mở lớn đôi mắt sâu lắng như hồ.
- Ông biết tiếng Việt?
Người thanh niên gật đầu.
- Bố Mẹ tôi là người Huế. Có lẽ cô cũng là người Huế?
- Mẹ tôi có thời học ở Huế. Gia đình tôi ở Hội An, cách đây khoảng ba mươi cây số.
Cô gái đỏ mặt xấu hổ.
- Vậy mà nãy giờ tôi bắt anh phải nghe mớ Anh Ngữ què của mình.
- Cô quá khiêm nhường. Hai tháng vừa qua ở Bắc Kinh tôi chưa hề gặp người Hoa bản xứ nào nói tiếng Anh giỏi như cô. Xin cô cũng rộng lượng cho mớ tiếng Việt nghèo nàn của tôi.
Cô gái hướng dẫn người thanh niên ra xe, miệng vẫn phân trần chuyện không nhận ra chàng sớm hơn. Người thanh niên bỡn cợt.
- Sông Hương nói thật đi mà. Tôi đến từ Bắc Kinh. Chắc cô mãi tìm một người Mỹ gốc Hoa ăn mặc lịch sự sang trọng nên không thấy anh chàng Việt Kiều ba lô này chứ gì?
Cô gái chẳng vừa.
- Thấy người rồi thì phải nói là tài tử Hồng Kông mới đúng.
- Cô quá lời. Tôi chỉ mong cuối năm này bảo vệ được luận án, bắt đầu sự nghiệp để khỏi báo cha mẹ là mừng lắm rồi.
Dọc theo con đường từ phi trường vào thành phố thẳng tắp hàng cây mới trồng. Trên đường tấp nập người đi, xe đạp xe gắn máy xao xác ngược xuôi. Hình ảnh khá quen thuộc sau mấy tháng sống ở Bắc Kinh sao lòng người thanh niên vẫn ngập tràn nỗi bồi hồi xao xuyến. Đi vào lòng quê hương chưa một lần gặp mặt mà chàng ngỡ như đang từ một mộng mị nào đó trở về. Phải chăng giọt nước mắt nhớ nhà của Mẹ và hình ảnh quê hương lãng mạng trau chuốt trang trải trong nhiều truyện viết của Bố đã là vốn liếng tinh thần giúp chàng có được cảm giác quay về. Phố biển. Chuyến phà qua sông. Con dốc hẹn hò. Cha mẹ đã lớn lên, yêu nhau trong thành phố này. Họ đã bỏ đi mà vẫn quay quắt nhớ về sau hơn nửa đời người xa xứ.
- Đường về trường có qua con dốc nào không Sông Hương ?
- Có mà không. Chính phủ đã san bằng dốc Cầu Vồng để làm đường mới.
Sông Hương quay nhìn người thanh niên, nụ cười nở trên đôi mắt thuyền nâu.
- Em chợt có cảm tưởng như anh đã từng sống ở thành phố này.
- Đó là điều tôi vẫn hằng ao ước. Bố Mẹ tôi lớn lên ở đây.
Xe chạy qua khu phố đông đúc rồi rẽ theo con đường ôm dọc bờ sông. Hàng cây ven bờ nở bông đỏ rực.
- Bông phượng đó anh. Hồi nhỏ ở Hội An, mùa hè em thích theo ghe qua Cẩm Nam thơ thẩn dọc theo bờ sông hái phượng với bạn. Cuống hoa chua chua nhai rất vui miệng.
Nhìn những cành phượng đầy hoa thắm nghiêng mình la đà soi bóng trên mặt sông, người thanh niên nôn nao nghĩ đến xấp hình cũ Mẹ vẫn ấp ủ giữ gìn. Cô học trò tóc ngang vai, áo dài trắng, đi thơ thẩn với bạn bè đâu đó bên khoảng sông này. Những gốc phượng già theo năm tháng vẫn đơm bông cho thắm từng mùa hạ đỏ. Giòng nước chở chuyên xác hoa tàn úa vẫn lặng lờ trôi như một ước nguyền. Mẹ cha trong cuộc đá vàng đã cùng nhau ôm ấp giấc mơ đời, dắt díu nhau qua từng nỗi truân chuyên ở cuối trời xa quay quắt thời gian.
Xe dừng lại trước một khách sạn. Lúc người thanh niên nhận phòng thu xếp hành lý xong trở ra, cô gái vẫn đứng chờ trước sân khách sạn. Cô quay mặt dấu vẽ ngượng ngùng khi chợt nhận ra mình vừa trong một khoảnh khắc đã lén nhìn người thanh niên dáng dấp lịch sự trong trang phục làm việc. Cô chỉ tay về phía cuối đường.
- Trường cách đây không xa, chỉ vài phút đi bộ.
Người thanh niên khoác chiếc xách đựng máy vi tính lên vai.
- Bắc Kinh họ cho tôi nối máy lên mạng khá dễ dàng, không biết ở đây thì sao?
- Trường đã họp tới họp lui mấy lần vì chuyện này. Sau đó trường ở Mỷ đã can thiệp nên anh tha hồ mà lên mạng.
Cô gái nhìn đồng hồ.
- Sông Hương mới gọi về trường. Ông Khoa Trưởng đang chờ anh. Chiều thứ Sáu nên ai cũng nóng lòng về sớm.
Hai người bước dọc theo bờ sông. Gió sông rười rượi thổi đôi tà áo màu thiên thanh cuống quít trong nắng chiều. Dãy nhà mới xây cho hãng xưởng ngoại quốc thuê mướn nằm cao ngạo trên thành lũy xưa. Mấy khẩu thần công từ hơn hai thế kỷ trước nằm quên lãng bên khóm cây lấm tấm hoa vàng. Cả một thời thơ trẻ của cha mẹ trầm tích từ nhiều buổi tối thủ thỉ bên Me hoặc học lịch sữ với Bố đang hiện rõ ra trước mắt người thanh niên. Màu vàng vương đế của vùng trời Đông Á đã bị sạm đen vì khói tàu chạy bằng than đá đến từ trời Âu. Người quân tử thấm làu văn hóa nghìn xưa, phong kín trong lẽ nghĩa nhân, tu thân tề gia trị quốc đã bị hà hiếp bởi giá trị mới còn phôi thai mờ ảo trong hơi nước của cuộc cách mạng kỷ nghệ phương Tây. Kẻ sĩ mà không bảo vệ được nhà, không giữ được nước nên biết bao người đã tuẫn tiết cho tròn gánh trượng phu.
- Tòa nhà nầy trước đây có phải là Trung Tâm Văn Hoá Pháp không cô?
Sông Hương lắc đầu tỏ vẽ không biết.
- Bố tôi hay nhắc về chuyện sau lớp học ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp vẫn thường với bạn ra chơi đánh đu quanh mấy khẩu thần công để chờ lớp Anh Văn ở Hội Việt Mỹ phía bên kia đường. Bố nói khoảng hai thế kỷ trước Nguyễn Tri Phương lập đồn ngăn tàu Pháp mà thất bại nên sau đó đã tuẫn tiết theo thành.
- Anh biết nhiều quá. Em lớn lên ở trong nước mà không rành mấy về lịch sử nước nhà.
- Có lẽ ở đây chỉ chú trọng dạy cho học sinh về những phần lịch sử có lợi cho chủ thuyết của họ. Lịch sử, sau khi bị bóp méo, chỉ là phương tiện để biện minh cho cuộc đấu tranh giai cấp bạo động và vô luân. Lịch sử như thế không còn là sự thật mà chỉ là lối lý luận hồ đồ.
Cô gái ngoái nhìn về phía sau, hỏi lãng sang chuyện khác.
- Em sẽ học tiếp với anh về chuyện ông Nguyễn Tri Phương trong dịp khác. Bây giờ nói cho em biết về lịch trình làm việc tuần tới của anh đi.
- Tôi đang ở giai đoạn cuối của luận án khảo cứu về vấn đề người Hoa ở Đông Nam Á. Tôi rất mừng được xa giãng đường thư viện vài tháng. Được đi lại thăm viếng học hỏi qua sự gặp gỡ giao dịch giữa con người với nhau là điều rất phấn khởi.
- Anh ở lại Việt Nam lâu không?
- Chỉ được một tháng thôi cô, hai tuần sau đó ở Tân Gia Ba. Ba vùng khảo cứu chính ở Việt Nam là Hội An, Chợ Lớn Sài Gòn và vùng Bạc Liêu, Hà Tiên.
Sông Hương nhìn người thanh niên nói như reo.
- Vậy là tiện lắm rồi! Ngày mai cuối tuần em về thăm nhà. Má em dạy ở trường trung học. Má biết nhiều người Trung Hoa ở phố cổ Hội An lắm.
- Bố tôi thường nhắc về Hội An. Ngày trước ông là Sĩ Quan Hải Quân đồn trú phía cửa biển.
- Em có lần nghe bạn bè nói, rủ nhau đi ra tận doi biển Thuận Tình tìm xem mà không thấy dấu tích gì về căn cứ đó nữa.
- Bố nói về Việt Nam nếu không có thời gian đi thăm hết các nơi thì nên tìm cách thăm cho được Hội An. Bố vẫn gọi Hội An là Thị Trấn Miền Đông.
- Miền Đông...?
- Tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ ý Bố muốn nghĩ đến Hội An như một nước Việt Nam thu nhỏ, phía Đông Châu Á.
Trường Đại Học Đà Nẵng tọa lạc trên khu đất lớn không xa bờ sông. Con đường trước trường im bóng cây vắng vẽ. Vài người phu xích lô uể oải đạp xe không khách về phía phố chợ, bóng họ rã rời ngã dài trên đường. Bên trong trường những dãy nhà cổ kính xây theo kiến trúc Châu Âu nằm im lìm ngái ngủ dưới bóng mát mấy hàng cây xum xuê lá. Trên cổng trường dưới lớp vôi dày lờ mờ tấm bảng đá khắc mấy chử Lycée Blaise Pascal.
Chỉ một vài giờ ngắn ngủi mà chàng đã cảm thấy gần gủi với thành phố này. Vết tích kỷ niệm của Bố Mẹ, gia đình qua từng câu chuyện kể tưởng đã ngủ quên trong trí nhớ như tiếng còi lãng đãng sa mù. Chàng náo nức sờ mó, nhìn ngắm, hít thở từng dấu vết điển tích trên mỗi bước chân tìm về. Bà Nội từng dạy kèm cho đám học trò nhỏ của ngôi trường Tây. Ngã tư cuối góc trường từng là chiến địa giữa học trò trường Ta trường Tây ngày Bố còn ở trung học. Trò chơi chiến tranh vô hại của mấy cậu học trò mới lớn chỉ đủ làm quấy rầy buổi tối tưởng đã yên lặng của bác cảnh sát vô tình đạp xe qua.
Sông Hương dựng xe gắn máy trước văn phòng làm việc của người thanh niên. Chiếc mạng che bụi cùng màu với áo dài thiên thanh làm đôi mắt đẹp và huyền bí hơn bội phần.
- Thầy Khoa Trưởng rất tốt bụng, hy vọng anh đạt được hết những điều yêu cầu.
- Vâng, ông ta hứa sẽ hết lòng giúp tôi trong việc khảo cứu. Ông là giáo sư Hoa Văn và Khoa Học Chính Trị nên tôi rất mừng.
Cô gái nhìn ra khu công viên nhỏ trước văn phòng, cười chúm chím.
- Văn phòng của anh ở chổ rất trung tâm. May đang giữa mùa hè chứ không thì anh không thể nào tập trung tư tưởng để làm việc được...
- Sao vậy?
- Công viên đàng kia là nơi lui tới của sinh viên nữ giữa giờ học. Bận ngắm người đẹp thì giờ đâu nữa mà làm việc.
- Trễ rồi. Từ lúc ở phi trường, đôi mắt Sông Hương đã chiếm hết một nửa hồn rồi.
- Còn nửa kia...?
- Nửa kia cũng dại khờ theo nên chỉ còn một cách là...cô phải hướng dẫn tôi đi thăm phố đêm Đà Nẵng và chọn quán ăn tối nay.
Sông Hương dấu vẽ thẹn thùng, chào theo kiểu nhà binh.
- Xin vâng lệnh ông chủ.
Người thanh niên khóa cửa văn phòng, bước theo cô gái ra đường. Sông Hương đeo chiếc mạng lên mặt, nổ máy xe. Đôi mắt đẹp long lanh.
- Anh có đủ can đảm ngồi xe gắn máy không? Sông Hương đưa anh về.
- Cám ơn cô. Tôi muốn được đi bộ dọc theo bờ sông...
Người thanh niên chưa chịu buông tha.
- ...để nghĩ về đôi mắt của Sông Hương và tìm cách khỏi bị té chìm trong đó.
2.
Quãng đường Đà Nẵng đi Hội An chỉ hơn ba mươi cây số mà chiếc xe đò cũ kỷ chạy chuyến đầu ngày phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới. Cô gái trấn tỉnh sự thẹn thùng, khép nép bước bên người thanh niên cao lớn đi vào phố nhà thân thuộc của mình. Buổi sáng mùa hè cuối tuần vẫn còn quá sớm cho khu phố cổ đang ngái ngủ. Bên dưới hiên phố mái lợp ngói âm dương, lác đác quán hàng ăn bắt đầu dọn mở. Mùi thức ăn thơm lừng bay trong gió sớm. Trên đường rãi rác khách du lịch Tây Phương đang rảo bước về phía cuối phố.
- Những người khách này đi ra Cửa Đại tắm biển sớm đó anh.
- Cửa Đại cách đây bao xa Sông Hương?
- Chừng năm cây số. Mùa hè em và Má thỉnh thoảng đạp xe ra biển thật sớm, không tắm, chỉ ngồi bâng quơ một lúc rồi về.
Nhà Sông Hương ở cuối khu phố không xa trường trung học. Ngôi nhà vườn cổ kính nép mình kín đáo sau tường gạch bao quanh. Cổng nhà có mái che lợp ngói kiểu cách, giàn bông giấy đỏ rực phủ hờ trên cánh cửa đóng im lìm. Trong sân xum xuê hàng cây ăn trái trồng đã lâu năm. Ngoại trừ lối mòn từ cổng vào tới hiên nhà khoe màu gạch đỏ, lớp gạch quanh sân cũ kỷ màu xanh xám rêu phong. Mùi hương trầm từ trong nhà tỏa ra thơm ngát lẫn trong tiếng tụng kinh nho nhỏ trầm đều. Chú chó đen bỏ chổ nằm ở đầu thềm, cạnh chiếc ghế xích đu màu xanh biển, sủa ăng ẵng quẩy đuôi cuống quít mừng chủ.
Cô gái ngồi xuống ôm chú chó con vào lòng, vuốt ve lớp lông đen bóng trên lưng.
- Mực bắt tay chào ông chủ của chị đi. Má đi ăn đám giổ trong Điện Bàn tháng trước xin con Mực về. Em xin đem đi Đà Nẵng mà Ngoại không cho.
Con Mực ngẩng đầu nhìn người thanh niên, chân trước quơ ngập ngừng. Chàng đưa tay cầm chân con Mực, tay kia xoa lên chiếc đầu nhỏ nhắn.
- Cái thân mi đó, ăn chưa no lo chưa tới. Đem con Mực theo bỏ quên bữa đói bữa no, giỏi lắm thì được vài tuần rồi cũng trả về cho Ngoại.
Bà lão vóc người nhỏ nhắn trong khổ áo dài lam, tóc bạc màu muối từ trong nhà bước ra hiền từ nhìn cháu.
- Con về chuyến xe đầu hay sao mà sớm quá vậy? Đi sớm rứa cho mát cũng được.
- Dạ. Đây là ông chủ của con ở trường về Hội An có việc cần.
Người thanh niên cúi đầu kính cẩn chào bà Ngoại của cô gái.
- Sông Hương nói quá lời. Cháu chỉ làm khảo cứu ở trường một thời gian ngắn, cần nhờ cô Hương giúp đở về việc đi lại giấy tờ.
- Mời cậu vào nhà chơi. Con Hương rót nước mời anh rồi đem áo quần dơ xuống nhà dưới chút nữa Ngoại giặt cho.
Sông Hương mắc cở nhìn người thanh niên, rùn vai làm mặt xấu.
- Trợn mắt trợn mũi gì?! Ngoại biết tụi bây quá mà!
Cô gái theo bà Ngoại đi khuất vào nhà sau. Người thanh niên đứng tần ngần nhìn quanh gian phòng khách nghi ngút khói hương. Giữa nhà là bộ ghế trường kỷ và tủ chè làm bằng gổ cây sơn chi màu nâu đen lên nước bóng ngời. Trướng liễng hơn trăm năm cũ phóng thảo bằng nét bút điêu luyện từ một triều vua Nguyễn được treo dọc theo những thân cột tròn mun dấu thời gian. Công đức của tiền nhân mà tên tuổi còn ghi tạc trên mấy tấm bài vị đỏ lung linh ánh nến đã được tán dương bằng những câu thơ đối chỉnh tuyệt. Địa linh nhân kiệt. Vùng đất của Ngũ Phụng Tề Phi. Chàng ngước nhìn tấm hoành phi sơn son thếp vàng treo bề thế trên trần thượng giữa gian nhà. Người tiên trưởng của giòng họ là một trong nhữmg con phụng hơn trăm năm trước đã sải cánh trên vùng đất oai linh có núi có sông xứ Quãng.
Cô gái ló đầu khỏi tấm rèm trúc, mời người thanh niên xuống nhà sau uống trà. Chàng tò mò dừng chân trước bàn thờ nhỏ ở hông nhà. Bên cạnh tấm hình đen trắng của một người đàn ông nét mặt khắc khổ khoảng ngoài ba mươi là hình một cậu bé chừng mười tuổi tươi cười rạng rỡ. Bấc giác người thanh niên đốt một nén hương cắm vào bát đã đầy ngập chân nhang.
- Mời anh uống trà. Má em đang bận nấu thức ăn sáng dưới bếp.
Chàng đưa tay đón tách trà nóng thơm ngát hương sen, mắt ngước nhìn tấm hình chân dung cô gái rọi lớn treo ở góc nhà.
- Nhà Sông Hương gần trường quá chắc các anh chàng Hội An không thích lắm đâu.
- Sao vậy anh?
- Thì sắp hàng đi theo người đẹp vừa được mấy bước thì nàng đã khuất bóng, cửa đóng then cài tức lắm chứ.
Cô gái mắc cở cúi đầu bước nhanh xuống bếp.
- Anh này thật...xạo quá trời!
Khoảng sân nối nhà sau với bếp lót gạch cao, trên có mái che. Cạnh nhà bếp là giếng nước, xi măng tráng tròn quanh. Bà Ngoại cô gái đang giặt áo quần bên bờ giếng. Dáng bà ngồi nhỏ thó cần cù dưới bóng mấy tàng lá chuối cong dài xanh mướt.
Người thanh niên cất tiếng chào người thiếu phụ đứng tuổi đang bận rộn với nồi thức ăn trên bếp. Bà tươi cười, đôi mắt to dưới đôi mày cong thanh thoát. Bà mẹ chào người thanh niên rồi quay qua trách con gái.
- Sao con không mời anh ngồi ở nhà trên, xuống bếp làm chi cho khói?
- Dạ không sao đâu cô. Cháu muốn đứng ngoài này cho mát.
Nhìn chàng luống cuống xách gàu nước chỉ còn lại một nửa lúc kéo lên khỏi giếng, Sông Hương được dịp cười chế diễu.
- Má ra coi ông Việt Kiều múc nước giếng nè Má!
Bà Ngoại ngồi móm mém cười chờ người thanh niên giúp múc nước giếng đổ vào thau giặt. Đôi mắt bà trong sáng so với tuổi đời chồng chất trên mái tóc bạc trắng thời gian. Đứng nhìn ba người đàn bà tươi cười bên nhau, lòng người thanh niên dâng lên nỗi xúc động diệu kỳ. Ba thế hệ. Ba đôi mắt đẹp. Bao nỗi truân chuyên trãi dài giữa mấy chặng tuổi đời cách biệt? Đôi mắt người đàn bà Việt Nam. Mắt Mẹ tha hương rưng rưng nỗi nhớ nhà. Đôi mắt thuyền xưa lung linh bến nước buổi chiều qua sông bối rối lụa là. Ánh mắt ngọc lan trong vườn khuya thơm bóng trăng vàng. Chàng nghĩ đến ánh mắt chất chứa sắc màu kỷ niệm trong truyện viết của Bố. Đôi mắt có ánh nhìn cong như cánh lá. Những đôi mắt sâu lắng âm thầm, sống can đảm với phận đời mình. Chàng muốn được lắng nghe, tìm biết nỗi vui hay niềm cay đắng tiềm tàng đâu đó sau ánh mắt đẹp, bình thản tuyệt vời.
Trong bữa ăn sáng bà Mẹ hỏi nhiều về cha mẹ và chuyện học của người thanh niên. Bà chăm chú nghe chàng kể chuyện Bố Mẹ những năm tháng đầu vất vả ở xứ người.
- Tên ba mẹ cháu nghe quen nhưng chắc chỉ là trùng tên. Hai người có lẽ không học ở Huế?
- Bố Mẹ cháu gốc người Huế nhưng thời trung học ở Đà Nẵng. Mẹ cháu sau đó về lại Đà Nẵng đi dạy. Bố cháu học ở Sài Gòn, năm sau cùng trước khi đi lính có ra Huế học. Ông tốt nghiệp trường Hải Quân Mỹ rồi về nước sông hồ mấy năm. Đơn vị cuối của Bố ở cửa biển gần đây.
Bà Ngoại vuốt tóc cô cháu gái, trầm ngâm.
- Mới đó mà đã hơn ba mươi năm. Hồi đó mỗi lần vô Duy Xuyên chở lụa, đi đò trên sông Thu Bồn gặp tàu tuần chạy ngược chiều là Ngoại sợ muốn chết. Tàu bè gì mà phóng như bay, sóng gió nỗi lên làm chiếc đò máy cứ hụp lên hụp xuống muốn chìm.
Người mẹ im lặng loay hoay dọn dẹp thức ăn thừa trên bàn.
- Sông Hương, con bưng mâm chén bát ra giếng rửa cho xong rồi đi chợ với má.
Bà nhìn người thanh niên dò hỏi.
- Anh muốn đi thăm phố sáng nay hay ghé chùa Tàu trước.
Cô gái nhanh nhảu.
- Để chiều nay con dẫn ảnh đi thăm phố. Đi với Má ai cũng biết, chào trả mệt lắm.
- Hội An có năm bang hội người Hoa, hội Phúc Kiến lớn nhất. Hy vọng họ có đủ tài liệu cho anh thu thập.
- Dạ, cháu xin theo cô đi gặp hội người Phúc Kiến trước. Giấy bút, máy chụp hình, máy ghi âm, mọi thứ đã sẵn sàng.
- Nếu anh cần gặp các nhóm người Hoa khác tôi sẽ giới thiệu giúp. Mời anh cứ tự nhiên ở lại nhà, khi nào xong việc thì ra lại Đà Nẵng chứ đi về hàng ngày tốn thời giờ và bất tiện lắm.
Người thanh niên lưỡng lự hồi lâu rồi gật đầu cám ơn. Chàng sánh bước cùng Sông Hương và bà Mẹ qua khoảng sân lấm tấm nắng mai. Đầu thềm con Mực nằm lơ đãng trong tiếng mõ trầm đều của bà Ngoại từ trong nhà vẵng ra. Lời kinh nghe như điệu buồn xa vắng. Hai người đàn bà đứng lại dưới cổng nhà theo lời yêu cầu của người thanh niên. Qua ống kính màu, hình ảnh của một cơ ngơi Đông Phương cổ xưa và con người trắc trở trong cảnh sinh ly quay bước đẹp mà buồn diệu vợi. Dù sao mái cổng chào khép hờ và sắc thắm của những chùm hoa có dáng hình của trái tim cho dù rạn vỡ đã như một ước hẹn trở về.
Người đàn bà vấn tóc cao qúy phái trong chiếc áo dài lụa màu mở gà. Sông Hương hồn nhiên đi bên mẹ. Nàng đẹp rạng rỡ như ánh nắng mai. Nhiều người trẻ tuổi đi ngược chiều trên đường kính cẩn cúi đầu chào cô giáo của họ. Sông Hương quay nhìn người thanh niên cười chúm chím.
- Học trò của Má hết đó. Anh thấy Má em chào trả mệt chưa.
- Học trò tôi có người đã bốn mươi. Tỏ lòng kính nể người trên kẻ trước là điều nên làm. Văn hóa mình hay ở chổ đó.
Đường phố trở nên tấp nập hơn. Khách du lịch tò mò thăm viếng đi lại trên đường. Cây thiên tuế lâu đời, có lẽ đã hơn trăm năm, dày kín những bè lá mọc tua tủa như bàn tay xòe khổng lồ. Tàng cây chiếm khoảng trời rộng che mát ngôi nhà cổ bề thế được dùng làm quán ăn và tiệm bán hàng lưu niệm cho du khách. Trong nhà khách ăn người mua kẻ bán chật ních. Người thanh niên hấp tấp theo hai mẹ con đi băng qua bên kia đường. Người đàn bà phân bua.
- Tôi có thói quen đi tránh ngôi nhà đó từ gần hai mươi năm nay. Bà Ngoại con Hương thì từ luôn cả con đường, không hề đặt chân đến. Ngôi nhà trước đây là từ đường chính của giòng họ Ngoại.
Cô gái ngoái nhìn đài hoa thiên tuế hiếm hoi trắng nõn trên tàng lá xanh.
- Bây giờ có lẽ anh đã hiểu vì sao gian phòng khách ở nhà la liệt bàn thờ không có chổ đi rồi chứ gì.
Người anh độc nhất của bà Ngoại, đứa con trai một của dòng họ, theo kháng chiến tập kết ra Bắc. Từ thời con gái Ngoại đã ngược xuôi trên mấy dòng Ô Lâu, Thu Bồn buôn lụa. Cô gái Duy Xuyên phải lòng ông sĩ quan Bảo An Đoàn trẻ tuổi. Đất Quãng sông núi bao la Điện Bàn, Chợ Được, Hà Lam, Thăng Bình, Quế Sơn...và biết bao vùng chiến trận phải đi qua. Đoàn quân đến rồi đi. Bướm đậu rồi bay. Người đàn bà một mình nuôi con và lo toan việc nhang khói ngôi từ đường cho ấm lòng tiên tổ. Mẹ tần tảo để con ăn học nên người. Mẹ nở mày nở mặt ngày mẹ gả con gái lấy chồng. Đám cưới xôn xao, cô dâu chú rể, nhà trai nhà gái xúng xính lọng tàn. Mẹ vui nhìn con có tình yêu và có cả lễ nghì ngày xưa mẹ thiếu. Sau năm bảy lăm, Mẹ tuy lo lắng cho con cháu nhưng trong bụng cũng mừng. Người anh độc nhất của mình đã sống sót sau cuộc chiến tranh tàn khốc trở về. Từ nay ngôi từ đường sẽ có người trưởng nam lo việc hương khói. Niềm vui sum họp không được bao lâu, gia đình đã có chuyện khó xử. Bà chị dâu, cô nông dân đảng viên nghèo đói lạc hậu của thời cải cách ruộng đất, tham lam muốn giành cả ngôi nhà tộc làm của riêng. Hai mươi năm trước cô đã dẫn đầu hò hét những đêm đấu tố địa chủ dưới ánh đuốc loang máu vùng Nghệ Tĩnh thì giờ đây sá gì cái lư nhang bài vị, tấm liễng ngoằn ngoèo hàng chử Nho vô ích của mấy tên phong kiến đã chết tiệt thời nào. Người anh nghe lời vợ và mấy đứa con thô lỗ thiếu văn hóa. Họ dọn bàn thờ từ đường xuống nhà sau, nơi mà một góc nhà đã biến thành chổ nuôi heo, để lấy nhà trước cho thuê. Mẹ quá tức giận đã từ chối nghĩa ruột thịt với người anh duy nhất. Bà thỉnh nơi thờ tự gia tiên về ở với con gái và người rể có hiếu đạo. Gần hai mươi năm nay Mẹ lại làm thêm bổn phận trưởng nam như Mẹ đã làm tròn mấy mươi năm trước đó, từ thuở còn son.
Người đàn bà cười nhẹ, nói như tự trách.
- Không hiểu sao tôi lại kể chuyện nhà không vui cho anh nghe như vậy.
Sông Hương dí dỏm.
- Tại Mẹ băng qua đường gấp quá nên phải kể câu chuyện dài đến hai mươi năm để giải thích.
- Chuyện gì cũng có nguồn cơn của nó con à. Ngần ngại một chuyến đi, lỡ một chuyến đò qua sông, một phút dại khờ... cái nguồn tưởng nhỏ nhoi mà có khi cơn tiếc nuối ân hận theo đuổi mình đến suốt đời.
Chùa Tàu tấp nập khách du lịch. Cổng tam quan mái che cong vút với hình tượng long phụng chạm trổ công phu. Ba người len lỏi qua sân vườn chùa công phu hai hàng sứ kiểng lâu năm rồi đi theo ông vải giữ chùa vào nhà sau.
Lúc ông Bang Trưởng cùng người thanh niên đứng dậy tiễn hai mẹ con ra cửa, Sông Hương quay lại hỏi chàng.
- Anh có cần Sông Hương ra dẫn anh về ăn trưa không?
Người thanh niên lắc đầu.
- Cám ơn cô. Tôi định làm việc đến chiều, buổi trưa hoặc khi nào đói thì quanh quẩn trong phố ăn vội chút gì đó cho đở tốn thời giờ.
Hai mẹ con đi lẩn trong đám đông khách du lịch về phía chợ. Người thanh niên quay vào ngồi đối diện với ông Bang Trưởng người Hoa trên chiếc trường kỷ chạm trổ công phu. Chồng sách cổ đặt trịnh trọng trên áng thư. Ông già người Hoa mừng rỡ ra mặt vì hiếm khi được nói chuyện văn hóa lịch sữ của dân tộc mình bằng tiếng mẹ đẻ. Hai người khách chủ vong niên, kẻ nói người nghe, chuyện trò tâm đắc. Người thanh niên từ chối lời mời, ngồi lại một mình trong thư phòng, làm việc qua trưa. Chàng chăm chú ghi chép làm việc quên cả thời gian.
Mặt trời đã xế bóng lúc người thanh niên rời ngôi chùa đi thơ thẩn thăm phố rồi thả bước về phía bến sông. Cồn cát màu mở giữa sông xanh tươi từng đám ruộng bắp khoe mình trong nắng chiều. Bao thế hệ con người đã cần mẫn cơ cực hàng năm, hàng ngàn năm trên vùng đất nhỏ nhoi. Từng mùa lũ, mưa trên nguồn đã giận dữ trôi xuôi về vùng đất cách biển không xa. Cơn lũ đi về biển rộng để lại đổ nát cho người và lớp phù sa mới nuôi lớn mầm hi vọng sống còn. Vùng đất nhỏ, nơi giao lưu giữa nước nguồn và nước biển Đông đã chứng kiến sức sống của con người và mối hận mất nước của cả dân tộc Hời. Những ngôi tháp Chàm đổ nát ở Trà-Kiệu, Mỷ-Sơn, chỉ còn là di tích của nền văn hóa Sa Huỳnh một thời vang bóng. Con người của nền văn hóa Đông Sơn thuộc lưu vực sông Hồng, với sức sống mãnh liệt đã giành được độc lập từ phương Bắc và gầy dựng cho mình một xã tắc riêng. Giấc mộng mở mang bờ cõi không dừng ở đất Thuận Hóa cho dù thân-quế-huyền-trân phải chịu cảnh máng mường.
Xứ Đàng Trong, tên gọi vùng đất mới sao nghe quá xa xôi. Âm thanh lửng lơ buồn như tiếng chim quốc kêu thương cho thân gái dặm trường và nỗi sầu cố quốc. Đàng Trong. Đàng Ngoài. Phải chăng vì chuyện phân tranh giữa hai ông Chúa, vì Phố Hiến Đàng Ngoài tấp nập tàu thuyền thương khách phương xa nên ông Chúa Đàng Trong đã mở rộng cửa biển cho phép kẻ Tây Dương vào dựng phố mới Hội An?
Dù sao thì đất mới đã chìu đãi người xa trọng hậu. Đám người Tàu, người Nhật, bị bạc đãi ở bản quốc hay phải tha phương cầu thực đã chọn Hội An làm quê hương mới. Khoảng sông rộng Thu Bồn không xa biển lớn đón mời thương khách từ trời Tây đến đã biến Hội An thành thương cảng lớn nhất của Xứ Đàng Trong vào thế kỷ thứ mười sáu. Món quà văn hóa lưu truyền giữa những nhóm người khác nhau qua hàng thế kỷ đã xây dựng Phố Hội An với những nét kiến trúc Đông Tây đặc thù mà hài hòa. Khu phố cổ êm đềm mà tinh tế như con người đang sống quây quần trong đó.
Nhìn những chiếc thuyền đánh cá từ biển về, người thanh niên nghĩ đến cuộc sống hải hồ của Bố thời trai trẻ. Phải chăng bóng đoàn tàu hùng dũng trên giòng sông êm ả đã khiến lòng cô gái ven bờ cuộn sóng? Phải chăng dáng con tàu từ biển về đã làm rộn ràng hồn người trong phố? Chàng nghĩ đến ánh mắt xa vời của Bố khi ông quẩn quanh trong khu vườn nhỏ sau nhà rồi chợt hiểu ra người cha trầm lặng của mình.
- Anh đứng ngắm mây nước ở đây mà nảy giờ Sông Hương đạp xe đi kiếm muốn chết.
Cô gái dựng xe đạp. Đôi má nàng hồng lên vì nắng.
- Chút xíu nữa là em gọi về trường báo cáo anh bị mất tích rồi đó.
- Không mất tích nhưng rất đói bụng.
- Buổi trưa anh không ăn gì sao?
Người thanh niên chỉ tập giấy dày cộm trên tay lắc đầu.
- Tôi làm việc qua trưa. Mừng quá! Tài liệu nhiều nhưng sách được giữ cẩn thận nên rất dễ đọc. Ngày mai tôi sẽ trở lại khoảng vài giờ nữa là xong.
Cô gái lúng túng ôm hờ lưng người thanh niên lúc chàng lấy thăng bằng đạp xe.
- Anh đói bụng, về nhà tha hồ ăn. Má nấu cao lầu, mì Quảng. Ngoại làm hến xúc bánh tráng. Ngon lắm!
- Còn Sông Hương thì nấu gì?
- Sông Hương phụ anh ăn cho hết mấy món Ngoại với Má nấu, sau đó dẫn anh đi ăn chè Cồn.
- Vậy là cô muốn dấu tài nấu ăn của mình rồi.
- Anh chỉ đúng một nửa thôi. Em dấu tài nấu, còn tài ăn có muốn dấu cũng không được. Dù sao thì tuần tới về Đà Nẵng thế nào em cũng trổ tài nấu mì gói cho anh biết.
Tiếng Sông Hương cười hồn nhiên khiến người thanh niên cảm thấy vui lây. Nỗi vui dịu dàng đằm thắm như làn khói ấm vươn lên từ một thân tình nào đó chưa tên mà xao xuyến hồn người.
- Sông Hương chỉ cho anh con đường xa nhất để về nhà đi.
Cô gái cười trêu chọc.
- Em có nhiều câu hỏi để hỏi câu hỏi của anh trước khi trả lời. Đường nào? Nhà nào? Từ đó sẽ có thêm câu hỏi chẳng hạn như thế nào là xa? Rồi vì nói đến xa nên chúng ta đụng chạm đến gần. Khi nào thì gần, lúc nào thì xa? Xa theo nghĩa xa mấy cây số hay là chia xa, xa xôi, xa nhau, xa vời vợi. Còn gần là gần thế nào? Gần gủi, gần trong gang tấc, gần kề, gần sát hay là gần thiệt gần, gần đến nỗi hòa nhập nhau, hai trở thành một, một mà hai. Đó là chưa nói đến xa thì nhớ, nhớ vì thương, thương ai, nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai. Mà nếu không nhớ tức là đã quên, quên ai, ai quên, quên nhớ, nhớ quên. Quên thì mất, mất còn, còn mất, mất ai, ai mất...
Cô gái thao thao bất tuyệt. Người thanh niên bối rối không hiểu kịp những âm từ gần nhau tuôn như nước. Chàng cười lớn ngăn lời cô gái.
- Thôi, tôi xin chịu thua. Cô biết vốn liếng tiếng Việt của tôi nghèo đến mức nào rồi. Cô muốn dấu không chịu chỉ đường thì thôi đành vậy.
Cô gái chưa chịu buông tha.
- Đường là đạo. Đạo thì phải thiền, phải ngộ. Sông Hương không thể chỉ cho anh được. Em có thể chỉ giúp cho anh chùa để tu nhưng ngại chỉ trăng anh lại chỉ thấy bàn tay chỉ trăng nên thôi anh phải tự kiếm chùa lấy. Tội nghiệp một điều là anh phải biết đường lên chùa nên đường và đạo vẫn là một vấn nạn lớn cho anh.
- Thôi, thôi! Xin Sông Hương tha cho anh đi.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Sáng nay Má ngạc nhiên khi thấy em lục sách lịch sử cũ đọc chăm chú. Má quở chắc chiều nay trời sẽ mưa. Ngồi đọc chuyện ông Nguyễn Tri Phương, em chợt nghĩ là phải tìm cách trả miếng anh về cái tội làm em xấu hổ vì dốt lịch sữ nước nhà.
- Cô mà dốt thì ai thông minh?
Sông Hương bước xuống xe đạp, mở cổng nhà, quay nhìn người thanh niên. Trong bóng chiều, đôi mắt ngước nhìn chan chứa khoang trời xanh thẳm.
- Về câu hỏi của anh lúc nảy. Sáng mai Sông Hương sẽ dẫn anh ra biển. Con đường từ biển về lúc nào cũng xa.
- Xa vời vợi hay là chia xa?
Cô gái duyên dáng háy người thanh niên. Đuôi mắt dài như lá.
3.
Người thanh niên chăm chú đọc lại bài viết trên máy vi tính. Vừa lòng với công trình làm việc suốt buổi tối của mình, chàng đứng dậy làm vài động tác thể dục cho giãn gân cốt. Trời đã vào khuya. Bên ngoài cửa sổ, một thứ ánh sáng huyền hoặc vàng như lụa trải mịn màng lên khu vườn đêm. Chàng mở cửa bước ra ngoài. Bầu trời không mây cao thẳm. Chàng chưa hề thấy vầng trăng nào sáng như trăng đêm nay. Ánh trăng vàng lóng lánh ướt trên từng bóng lá đang say ngủ im lìm. Chàng bước chậm trong vườn khuya lắng nghe tiếng đêm quanh mình. Từ phía trước nhà, tiếng nhạc thật nhẹ nương theo gió thoảng dặt dìu vọng lại. Giọng hát liêu trai lãng đãng mơ hồ quyện lướt trong hương đêm đằm thắm mùi hoa bưởi.
Dưới bóng trăng chênh chếch đầu thềm, người mẹ ngồi lặng lẽ nghe nhạc từ chiếc máy cassette nhỏ. Bà ngồi nhìn trăng. Chiếc ghế xích đu khẽ lay động làm ánh trăng hồ như long lanh trong đôi mắt mở lớn. Chàng chợt hiểu vì sao Bố đã viết được những giòng văn sinh động khi diển tả đôi mắt đẹp người xưa trong vườn khuya của mùa trăng nào cổ điển .
- Có lẽ cô vẫn thường thức khuya?
- Người già ít ngũ, nhất là vào những đêm trăng sáng.
Người đàn bà nhích người chừa chổ trên chiếc ghế xích đu rộng.
- Cháu ngồi xuống đây đi. Thềm nhà con Mực quẩy phá suốt ngày dơ lắm.
- Bài hát cô đang nghe hay quá. Hầu như người lớn cùng thời Bố Mẹ cháu ai cũng thích nghe nhạc TCS.
- Chúng tôi lớn lên trong chiến tranh. Tình ca TCS hát lên được tình tự chia xa đổ vỡ của quê hương và những thất thóat ngóng trông của tình yêu bằng tất cả sự trau chuốt có thể có được của ngôn từ nên dễ lắng sâu vào hồn người.
- Và sau đó đã trở thành máu thịt của mình...
Người đàn bà gật đầu mỉm cười.
- Cháu ngộ rồi đó. Tôi cũng định nói vậy.
- Cháu chưa hiểu lắm đâu, chỉ nhớ lời Bố mà nói ra.
- Tôi cũng nghĩ như ba cháu. Khi hình ảnh âm vọng trong nhạc là kỷ niệm của chính mình thì sự cảm thông sẽ đến đậm sâu.
Giọng người đàn bà nghe xa vắng như một lời tự trầm. Đã hơn ba mươi năm mà hình ảnh hai người đạp xe qua cầu, hàng cây long não buổi chiều qua phố, vạt áo bay luống cuống mắt ai nhìn trên chuyến đò ngang vẫn lãng đãng trên từng giòng nhạc mỗi khi nghe. Mỗi bài hát như khung cửa sổ khép hờ của căn nhà kỷ niệm, chắt chiu cất giữ từng nỗi nhớ. Nghe lại bài hát cũ như nghe bước chân mình trở về mái nhà xưa, mở rộng cửa, thu xếp hong phơi lại mớ tàn y còn vướng vất hơi hám yêu thưong ngày cũ.
- Có lẽ vì vậy mà tôi vẫn thích nghe hoài những bài hát cũ.
- Cháu nghe cô nhắc hai người. Người kia là...
- Người bạn trai đầu đời.
Người tập cho tôi uống cà phê nghe nhạc rồi bỏ Huế mà đi. Tôi ở lại, cắt tóc ngắn, đạp xe qua cầu đi học một mình. Qua phố một mình. Những sáng tinh sương mùa đông Huế, tôi mặc hoài chiếc áo len cao cổ màu tím than người ấy khen đẹp. Ngày nhận thư từ phương xa, tôi mừng quýnh đọc giòng chữ thương quen. Vậy mà tôi đã ngần ngại một chuyến đi. Mẹ tôi ngồi không nói. Ánh mắt xa xôi trãi dài theo phần đời hai mươi năm của mẹ. Một mình lặn lội nuôi con mà vẫn ôm ủ trong lòng nỗi vọng tưởng mong manh về người đàn ông đành đoạn. Hình ảnh buồn bã đó đã làm chùng bước chân mình.
- Có phải vì... người trong tấm ảnh?
Người đàn bà lắc đầu.
- Chúng tôi gặp nhau sau này. Cha của chị em Sông Hương ngày trước dạy cùng trường.
Mẹ mừng ngày con lấy chồng, sống đời lứa đôi đằm thắm. Tình nghĩa vợ chồng cao quý đã giúp gia đình sống còn những năm đầu sau ngày đất nước đổi chủ. Sông Hương ra đời vào năm đói kém nhất của thời kỳ đó. Hai năm sau thì Sông Hương có em. Sinh kế khó khăn mà gia đình ai cũng mừng, nhất là cha của Sông Hương. Ông đã có người nối dõi tông đường. Nhìn con lớn lên trong xã hội đong chia vụn vặt ráo cạn tính người, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau buồn khổ mà không biết làm sao hơn. Vì tương lai con, đứa con nối dõi tông đường, cha mẹ đã lén lau khô nước mắt tươi cười vẫy tay lúc cha con đứng trên chiếc tàu đò từ từ rời bến chợ để đi Cù Lao Ré. Con tàu vượt biên ra đi từ hòn đảo nhỏ đó đã không tìm đến được bến bờ tự do. Số phận của mấy chục con người đã quá mong manh như con tàu nhỏ nhoi dập vùi trong cuồng nộ đại dương. Tội nghiệp Sông Hương, tuổi thơ của con là những ngày buồn. Những sớm chiều hai mẹ con ra bờ biển Đông ngồi lặng lẽ chờ đợi một mầu nhiệm không bao giờ đến. Con đường từ biển về lúc nào cũng quá xa xôi. Tóc Ngoại bạc hơn trong chiếc áo dài lam khổ hạnh. Lời kinh Ngoại buồn hơn trong làn hương khói lắt lay tấm hình con hình cháu. Thời gian âm thầm trôi. Hai người mẹ và cô gái nhỏ sống lặng lẽ trong ngôi từ đường không có trưởng nam để nối dõi tông đường. Cửa Đại ngày càng đông người ra đi được nay trở về thảnh thơi tắm gội. Biển sớm với con sóng ân cần an ủi bước chân nhỏ cô đơn đã không còn nơi để chia sớt chổ ngồi cho một nỗi sầu. Có lần nhìn đám người xa về nô đùa trên bãi, Sông Hương nói với Mẹ. Nếu Ba và Em đi được có lẽ bây giờ cũng đang tắm biển với họ. Câu nói chất chứa chút hờn nghi len lấn nỗi buồn chạm mặt. Con đường từ biển về càng xa hơn buổi chiều hôm đó. Có còn không giấc mơ đời về người lính Bảo An đã bỏ Ngoại đi từ lâu lắm. Từ thuở đầu đời con gái âu sầu trên bến lụa Duy Xuyên. Những người đàn ông đã đi xa khỏi đời mình sao Mẹ vẫn mãi dằn vặt về nỗi ngại ngần một lần đi thời thiếu nữ. Họ đã bõ đi và để Mẹ lại một mình. Trách móc chi số phận. Hãy làm lành với nỗi buồn của mình để được sống vui với kỷ niệm đằm thắm. Sông Hương lớn khôn, chăm ngoan, hồn nhiên với bè bạn. Bãi biển Cửa Đại tràn ngập tiếng Sông Hương cười đùa với sóng. Trăng sáng đầu thềm Mẹ ngồi lắng nghe từng bài hát cũ lòng thật bình yên. Cây trứng cá trước nhà, già nua, rủ lá ngũ im lìm trong bát ngát hương đêm. Trăng xưa, vợ chồng ngồi đong đưa trên chiếc ghế xích đu, chị em Sông Hương leo trèo cười đùa trên cây trứng cá không bao giờ kịp ra trái chín. Giòng nhạc đưa người đàn bà có khi về trên một dòng sông, chân bước qua bóng cổ thành mát rượi, có khi là đôi bước chân vui buổi chiều qua phố lòng rộn ràng say. Và như thế ba người đàn bà sống những ngày bình yên trong thành phố cổ, trong ngôi từ đường mà những đứa con trai đã bỏ đi xa.
Người thanh niên ngồi im sửng, lặng nhìn đôi mắt ngấn lệ. Bà mẹ đứng dậy, vuốt tóc người thanh niên rồi mỉm cười hôn nhẹ lên trán chàng.
- Có người biết về tôi nhiều hơn Sông Hương rồi đó. Thôi cháu sửa soạn đi ngũ để sáng mai Sông Hương đưa ra biển.
Người thanh niên ngồi lại thật lâu dưới mái hiên nhà. Trong đêm, anh ngồi lắng nghe từng câu hát lãng đãng sương khói trần gian. Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về...
4.
Người thanh niên đứng tựa thành cầu bâng khuâng nhìn xuống dòng sông. Thời gian trôi nhanh đến không ngờ. Suốt buổi tối đi lang thang dọc theo bờ sông, chàng buồn bã nghĩ đến ngày mai phải rời xa thành phố này. Chiều hôm trước lúc Sông Hương chào để về Hội An nghỉ cuối tuần với Mẹ và Ngoại, chàng định theo về nhưng vì công việc bề bộn nên ngại ngần, bây giờ lại vơ vẩn ngóng trông. Chàng quay bước về khách sạn. Lúc đi ngang qua văn phòng, người làm việc ở quầy đêm gọi anh lại.
- Cô gái vẫn đến đây hàng ngày...
- Vâng, Sông Hương làm việc ở trường Đại Học...
- Cô tìm đến nói có việc cần muốn chờ ông. Người quen nên tôi đã mời lên phòng.
Người thanh niên nói vội lời cám ơn, hấp tấp đi về phòng. Sông Hương thẹn thùa mở cửa đón chàng. Đôi mắt nàng long lanh đẹp lạ thường dưới mái tóc còn ướt hương tắm gội.
- Lần đầu tiên em chạy xe gắn máy đường xa ban đêm, sợ quá.
- Tôi đang buồn lo không biết làm gì cho hết đêm. Lang thang dọc theo bờ sông suốt buổi tối, trách mình sao không cùng về với Sông Hương để thăm Cô và Ngoại trước khi đi.
- Ăn tối xong, ngồi với Má trước hiên nhà, em chợt ôm Má khóc như mưa. Má khóc với em mà mắt Má vui. Má nói, trời chưa tối lắm đâu con. Rồi Má đùa, tôi biết thế nào rồi cũng tới ngày Sông Hương bỏ Má mà đi.
Người thanh niên xúc động đứng lặng nhìn giọt lệ rưng vui trong mắt Sông Hương.
- Ngoại gởi anh chai dầu khuynh diệp. Thư này của Má.
- Còn Sông Hương cho tôi cái gì?
- Em đem cả Sông Hương về cho anh đây.
- Tôi chỉ dám xin mang theo đôi mắt thôi. Nhờ em ấp ủ giúp dòng Sông Hương cho tới khi tôi trở về.
Người thanh niên mở phong thư dán kín người mẹ gởi. Trong thư vỏn vẹn tấm ảnh nhỏ rất cũ. Tấm ảnh quen thuộc chàng đã thấy nhiều lần trong album gia đình. Tấm ảnh Bố thuở còn là sinh viên trước khi vào lính. Chàng nghĩ đến mẹ mình, nghĩ đến người đàn bà ở lại trong phố cổ. Những người đã bỏ đi xa hay quay về. Mỗi người đều long đong chật vật trên từng nỗi hội ngộ chia xa để cuối cùng bằng lòng với hạnh phúc cầm giữ được. Rồi quen đi. Ngay cả những cơn sầu. Có lẽ người mẹ đang quay quắt vì tấm ảnh kỷ niệm ba mươi năm ôm giữ đã không còn. Có lẽ bà đã cầm lòng không nói rõ hơn về người bạn đầu đời với chàng vì biết nói ra sẽ không giữ được giòng lệ rơi. Người thanh niên cảm thấy mắt mình cay.
- Má viết thơ từ giã buồn lắm sao anh?
- Không đâu, má chỉ dặn đừng làm Sông Hương khóc đêm nay.
Người thanh niên mở xách hành lý. Chàng bỏ tấm ảnh nhỏ vào cuối quyển truyện Bố viết.
- Của Má. Để Má đọc cho đỡ buồn.
Cô gái nhìn tựa đề quyển sách và tên người viết tò mò hỏi. Người thanh niên lắc đầu cười.
- Sông Hương nhắn với Má rằng tôi nhờ Má trã lời giùm câu hỏi của em.
- Em vừa nhớ ra là anh chưa hề hỏi tên Má.
Người thanh niên ân cần cầm tay cô gái.
- Anh đã biết tên Má từ lâu. Người Đàn Bà Trong Phố Cổ.
Phan thái Yên