Chương 14
Tác giả: QUỲNH DAO
Qua ngày hôm sau, khi đã làm công việc hằng ngày xong, Trình Diệu Quang ngồi ngoài vườn và bắt đầu vẽ tranh cho Điền Tích Xuân. Tôi đứng bên cạnh xem một lúc, rồi bỏ đi lên phòng đọc sách.
Qua ba ngày thì Trình Diệu Quang đã vẽ xong bức họa cho Điền Tích Xuân và thật là giống, khiến Điền Tích Xuân rất hài lòng.
Sự xuất hiện của Điền Tích Xuân khiến tôi không sao khỏi lo ngại. Tôi có linh cảm rằng cô ta yêu Trình Diệu Quang nên lòng tôi không vui được nữa.
Quả nhiên, sự linh cảm của tôi rất đúng: một đêm nọ, mọi người trong nhà đều ngủ hết, thì có mình tôi thức đọc sách dưới ánh đèn, bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ phòng tôi vang lên. Tôi liền chỗi dậy, mở cửa nhìn ra, thì thấy đó là Điền Tích Xuân. Tôi cười nói:
- Điền tiểu thơ đó ư?
Điền Tích Xuân có vẻ buồn bã hỏi:
- Cô chưa ngủ à?
- Vâng, hãy còn sớm. Mời Điền tiểu thơ vào trong này ngồi nói chuyện chơi đi.
Điền Tích Xuân vào trong phòng, ngồi xuống ghế và buông ra một tiếng thở dài, nói:
- Y Sa, lòng tôi thật đau khổ vô cùng.
Tôi chăm chú nhìn cô ta:
- Tại sao vậy?
Điền Tích Xuân đứng dậy tiến đến trước chiếc tủ kính, nhìn bóng mình vào gương rồi hỏi:
- Cô xem tướng mạo của tôi có khó coi lắm không? Có phải là tôi đã già lắm chăng?
Tôi nén không được nên cười nói:
- Điền tiểu thơ đâu có khó coi, cũng nào có già đâu! Sao Điền tiểu thơ lại nghĩ như thế?
Điền Tích Xuân không trả lời tôi, mà lại thở dài một tiếng, đưa tay sờ vào mặt mình rồi băn khoăn hỏi:
- Nếu tôi không xấu và không già thì tại sao chàng lại chẳng hề rung động con tim chút nào đối với tôi?
Nghe Điền Tích Xuân nói câu ấy, tôi đã đoán biết ngay tiếng "chàng" mà cô ta vừa dùng ám chỉ ai rồi. Tuy nhiên, tôi cố trấn tĩnh và cười hỏi:
- Điền tiểu thơ yêu ai vậy?
Điền Tích Xuân quay lại nhìn tôi và lộ vẽ buồn rầu đáp:
- Không ai khác hơn là anh làm vườn Trình Diệu Quang! Đêm hôm qua, tôi đã uống rượu và cố thu hết can đảm bảo anh ấy hãy hôn tôi, nhưng anh ấy lại nói là không thể hôn tôi được!
Tôi càng cảm thấy ghen tức điên lên vì câu nói đó. Tôi trố mắt nhìn Điền Tích Xuân đăm đăm mà chẳng nói gì.
Điền Tích Xuân tiếp:
- Còn nữa, cách nay hai hôm nhằm ngày thứ bẩy, tôi đã đưa cho anh ấy ba trăm đồng để trả tiền công anh ấy đã họa bức tranh cho tôi, nhưng anh ấy cũng không chịu nhận. Một lúc sau, tôi mới đề nghị với anh ấy "Nếu anh không chịu nhận thì thôi, hãy lấy ba trăm đồng ấy mà đi đến "Sa Điền Tửu Điếm" để chúng ta cùng ăn một bữa cơm tối cho vui đi". Nhưng anh ấy vẫn không nhận lời! Y Sa, tôi đã mời anh ấy đi ăn cơm như vậy, thế mà anh ấy lại từ chối, có phải là vì anh ấy không rung động con tim chút nào đối với tôi không?
Tôi biết ngay là Trình Diệu Quang đã vì sợ tôi ghen tuông nên chàng mới từ chối lời mời của Điền Tích Xuân như thế. Tuy nhiên, điều này thì Điền Tích Xuân hoàn toàn chẳng hề biết gì cả.
Đột nhiên Điền Tích Xuân nói một câu:
- Y Sa, tôi chẳng ngại ngùng gì mà không nói với Y Sa điều này: tôi rất thích anh Trình Diệu Quang và... tôi đã yêu anh ấy! Tôi chỉ mới quen Trình Diệu Quang có hai ngày thì đêm hôm đó tôi đã nằm chiêm bao thấy anh ấy và tôi đã gọi tên anh ấy trong giấc mộng của mình.
Tôi cố làm cho cô ta tỉnh ngộ:
- Nhưng anh ấy chỉ là một người thợ làm vườn, anh ấy không thể nào xứng đáng để yêu cô được. hơn nữa, cô chưa biết quá khứ của anh ấy như thế nào, vậy mà cô vừa gặp anh ấy thì cô đã yêu ngay, há chẳng phải là một điều quá liều lĩnh sao?
Điền Tích Xuân chẳng nói gì. Tôi cố ý dọa cho cô ta sợ:
- Anh ấy là một kẻ đầy dục vọng, cô không biết sao? Anh ấy sẽ hại cô đấy!
- Không! - Giọng nói của cô ta yếu hẳn đi. rồi sau một lúc im lặng, cô ta lại hỏi tôi - Cô đã quen với anh ấy lâu chưa?
Tôi nói dối:
- Khi đến nơi này tôi mới quen với anh ấy.
- Nếu vậy thì sao cô lại biết anh ấy là kẻ nhiều dục vọng? Không, anh ấy không phải là một gã sở khanh, mà là một chính nhân quân tử.
Tôi chẳng còn biết nói sao hơn nữa.
Điền Tích Xuân cúi đầu xuống và nói tiếp:
- Không lẽ cô cũng yêu Trình Diệu Quang?.. Y Sa, chúng ta nên nói thẳng với nhau, nếu như cô cũng yêu Trình Diệu Quang thì tôi sẽ sẵn sàng buông tha anh ấy. Tôi thừa biết rằng tôi không phải là địch thủ với cô, vì lẽ cô hãy còn trẻ tuổi hơn tôi, đồng thời cô lại còn quyến rũ hơn tôi nhiều lắm.
Tôi muốn nói thẳng cho Điền Tích Xuân biết điều này: Điền tiểu thơ, Trình Diệu Quang chính là người tình đầu tiên của tôi. Cô chớ nên đem đồng tiền ra mà cướp đoạt chàng. Chính tôi là người chàng yêu, chứ không phải cô!
Tôi quyết định nói như thế, bởi đó là sự thật, chứ không phải là điều giả dối.
Thế nhưng, khi câu nói ấy vừa đến đầu môi thì tôi chẳng còn can đảm để thốt ra nữa, chỉ vì tôi sợ sẽ đau lòng Điền Tích Xuân. Cô ta đã yêu Trình Diệu Quang say đắm lắm, nếu khôang, chẳng đời nào cô ta lại thố lộ điều đó cho tôi biết cả.
Nhưng nếu tôi nói câu ấy ra, thế nào cô ta cũng sẽ tuyệt vọng ghê gớm và có thể xỉu đi cho chẳng vừa.
Thấy tôi chẳng nói gì, cô ta gượng cười thốt:
- Câu chuyện vừa rồi đáng lẽ tôi chẳng nên nói ra, nhưng chỉ vì tôi sợ lòng mình sẽ mang vết thương đau, nên tôi mới đem cái tâm sự của mình mà nói ra cho cô biết vậy.
Tôi vẫn tiếp tục lặng thinh. Điền Tích Xuân lại tiếp:
- Chỉ cần cô nói thẳng ra là cô cũng yêu Trình Diệu Quang thì tôi sẽ lập tức buông anh ấy ra ngaỵ Tôi chỉ sợ là khi tôi và Trình Diệu Quang đang có cảm tình sâu đậm với nhau rồi thì cô lại đoạt anh ấy mất đi. Chừng đó chỉ có cái chết mới làm cho tôi quên được nỗi đau khổ mà thôi. Chứ hiện tại, nếu cô đó đoạt mất anh ấy, tuy lòng tôi cũng đau khổ lắm, nhưng tôi còn có thể chịu đựng nổi.
Giọng nói của Điền Tích Xuân quả là giọng nói của một kẻ chiến bại, khiến tôi không khỏi bùi ngùi thương xót cô ta.
Ngừng lại một chút, Điền Tích Xuân nói tiếp:
- Rất có thể cô sẽ cười tôi là kẻ quá đa tình, nhưng cô phải hiểu cho rằng tuổi thanh xuân của tôi sẽ qua đi rất là nhanh chóng, nên tôi không thể nào không tính cho mau được. Đối với cảm tình cũng như sinh lý của tôi, tôi rất cần đến sự an ủi của một người đàn ông. Cô nên nhớ rằng, khi cô chưa đến đây, Trình Diệu Quang đã từng mời tôi đi xem phim, đi chơi núi Vọng Phu, đi bơi thuyền ở vườn Nam Sinh... Thế nhưng, từ khi cô đến đây, anh ấy lại đâm ra lãnh đạm đối với tôi ngay.
Nghe Điền Tích Xuân nói như thế, tôi liền bảo cô ta:
- Điền tiểu thơ hãy yên tâm, tôi chẳng hề yêu Trình Diệu Quang đâu, vậy cô hãy vững lòng! Tôi sẵn sàng đáp ứng lời yêu cầu của cô mà chẳng hề cướp đoạt Trình Diệu Quang của cô đâu.
Trong khi tôi nói câu ấy, lòng tôi thật đau đớn vô biên.
Chúng tôi ngồi đấy thêm mười phút nữa thì chẳng ai còn chuyện gì để nói với nhau nữa, nên Điền Tích Xuân đứng dậy cáo từ tôi trở về phòng riêng của cô tạ Tôi cố gượng cười tiễn Điền Tích Xuân ra khỏi phòng, rồi đóng cửa lại, đoạn nằm vật xuống giường, nghĩ ngợi miên man.
Tôi đâm ra hối hận và nghĩ thầm:
- Trình Diệu Quang là người yêu của ta thì tại sao ta lại đáp ứng lời yêu cầu của Điền Tích Xuân mà buông rời chàng ra chứ?
Nhưng, nghĩ kỹ thêm một lúc nữa, tôi nhận thấy việc mình xa Trình Diệu Quang là một điều rất sáng suốt.
Lẽ thứ nhất: Cái bào thai trong bụng của tôi không phải là con của Trình Diệu Quang, nếu tôi kết hôn với chàng thì chẳng khác nào tôi làm nhục chàng, tôi không còn xứng đáng để yêu chàng nữa.
Lẽ thứ nhì: Tôi giúp cho Điền Tích Xuân được sống trong sung sướng.
Kể từ hôm ấy trở đi, tôi cố ý lánh xa Trình Diệu Quang và còn tạo nhiều cơ hội để Điền Tích Xuân và chàng được gần nhau luôn, chẳng hạn như vào ngay nghỉ tôi rời khỏi biệt thự đi nơi khác, hoặc những lần Trình Diệu Quang đến phòng tôi để nói chuyện chơi, tôi đều nói dối là trong người không được khỏe để chàng ra khỏi phòng, và di nhiên là trong những lúc trống trải như vậy, tự nhiên chàng phải đi tìm Điền Tích Xuân để nói chuyện cho đỡ buồn.
Qua hai tuần lễ sau, tôi đã bắt đầu cảm thấy bụng mình lớn hẳn lên, nên tôi bắt buộc phải mặc đồn nịt vào cho cái bụng nhỏ bớt đi, và đồng thời tôi cảm thấy khủng hoảng tinh thần không ít.
Tôi trở về Cửu Long tìm Tá Ty để bàn tính xem phải làm thế nào. Nhưng Tá Ty lại chủ trương là tôi hãy đến áo Môn để ẩn mình chờ ngày sinh nở. Tôi cau mày, ấp úng nói:
- Điều đó thì...
- Thì sao? Sự tình đã như thế rồi, bạn còn đợi chờ gì nữa? Hay là bạn không có tiền?
- Không phải thế. Chẳng qua tôi cảm thấy sợ nếu đi một mình đến áo Môn.
- Nếu vậy thì tôi sẽ đưa bạn đến đó. Có điều là tôi không thể nào ở luôn với bạn tại đó suốt mấy tháng liền được, mà chỉ có thể đến thăm bạn những khi rỗi rảnh thôi. Bạn ở tại áo Môn thì chẳng còn sợ bị người quen trông thấy. Chỉ cần mấy tháng sau thì còn ai biết được bạn đã sinh con rồi.
Tôi khổ sở nói:
- Mấy tháng đó thật có khác nào tôi bị ngồi tù đâu!
Tá Ty trách nhẹ:
- Ai bảo bạn nông nổi làm gì.
Từ giã Tá Ty xong, tôi gọi một chiếc taxi đưa tôi đến nhà ga để tôi đáp xe lửa trở về Sa Điền.
Nhưng khi tôi vừa trên taxi bước xuống thì đột nhiên, sau lưng tôi có một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi, tiếp theo đó có tiếng nói:
- Y Sa, cô đi đâu vậy?
Tôi chẳng dám quay đầu nhìn lại, chỉ vì sợ gặp phải người quen, họ sẽ hỏi thăm chỗ ở của tôi, rồi nói cho mẹ tôi biết thì phiền lắm. Cho đến khi nhận ra được tiếng nói của ông Trương Vĩnh Trọng, tôi mới dám quay đầu lại nhìn ông.
Trương Vĩnh Trọng trách:
- Y Sa, tôi đã gọi cô, thế mà cô chẳng quay nhìn lai., tại sao thế?
- Tôi... tôi...
Trương Vĩnh Trọng thấy tôi ấp úng, nói không ra lời thì hỏi tiếp:
- Cô đang đi đâu vậy? Trở về Sa Điền hả?
- Vâng!... Trương Tiên Sinh, tôi tính cuối tháng này thì tôi sẽ xin nghỉ việc rồi.
- Sao vậy? Bộ hai đứa bé ấy cứng đầu lắm hả? Chúng nó không chịu nghe lời cô à?
Tôi lắc đầu.
- Hay là cô đã có chỗ làm khác với số lương cao hơn?
Tôi lại lắc đầu. Ông Trương Vĩnh Trọng thở dài, nói:
- Các cô quả thật là khó hiểu!
- Trương Tiên Sinh...
Tôi muốn đem câu chuyện tôi có con mà kể cho ông nghe, nhưng tôi sợ Ông khinh khi và mắng tôi là đồ đê tiện, nên tôi chẳng dám nói ra nữa.
ông ta nhìn tôi một lúc, rồi đề nghị:
- Đã lâu chúng ta không gặp nhau, vậy chúng ta hãy đến đường Nhỉ Đốn tìm một quán cà phê mà ngồi uống và nói chuyện đi.
- Nhưng tôi cần phải trở về Sa Điền bây giờ.
- Tôi thiết tưởng hãy còn sớm mà.
Tôi đành đáp ứng lời mời của ông tạ Thế là sau đó, tôi cùng ông ta đi đến đường Nhỉ Đốn. Nhưng vừa đi tới góc đường này, bỗng tôi thấy một cô bạn học ngày xưa đang từ xa đi tới. Cô ta quen biết cả mẹ tôi và có biệt hiệu là "Tiểu La La" (tức cây kèn nhỏ, có nghĩa là rất nhiều chuyên), nên tôi lật đật nắm lấy tay ông Trương Vĩnh Trọng mà kéo quay trở lại ngaỵ Ông ta ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao lại quay trở lại?
- Vì tôi không thích đi trên đường lớn, chúng ta hãy đến con đường nào thanh tịnh hơn đi.
- Phải chăng vì tôi đã quá già, nên cô đi với tôi thì sợ mắc cở chăng?
- Không, tôi không hề có cái ý nghĩ ấy. Chẳng qua là vì tôi sợ gặp người quen, bởi tôi...
Nhưng tôi không nói tiếp nữa.
Sau khi đã vào một quán giải khát vắng vẻ và cũng nhau ngồi xuống xong, tôi mới dọhỏi thử lòng dạ Ông Trương Vĩnh Trọng:
- Trương tiên sinh, tôi có một người bạn gái đã bị một gã bất lương lường gạt và cô ta đã đánh cắp tiền của bà mẹ, nên đã phải bỏ nhà ra đi trong khi cô ta lại đang mang một cái bào thai trong bụng, vậy theo ý của ông, cô ta phải làm sao bây giờ?
ông Trương Vĩnh Trọng chỉ nhún vai, biểu lộ là rất khó nghĩ. Tôi nói:
- Tôi cho rằng cô ta chỉ còn có cách là tự tử mà thôi.
Trương Vĩnh Trọng phản ứng ngay:
- Đó là một sự ngu xuẩn. Cô ta cần phải tiếp tục sống mới được.
- Nhưng cô ta không thể sinh một đứa con không cha.
ông Trương Vĩnh Trọng đưa tay sờ cằm, trầm ngâm giây lát rồi nói:
- Đó là một điều rắc rối thật.
- Nếu như có một người đàn ông nào đó sẵn sàng giúp đỡ cô ta thì chắc hẳn là cô ta sẽ không đến nỗi nào phải tự tử nữa.
- Cô nói như thế có nghĩa là...
- Tốt nhất là phải có người nhận làm chồng của cô tạ Nhưng nói là nói thế, chứ đàn ông trong cõi đời này đều là thứ bạc tình cả. Nếu muốn cho họ nhìn nhận một cô gái không có danh dự làm vợ thì đó là một điều không tưởng mà thôi.
Nói đến đây, tâm tình tôi quá khích động, nên tôi không sao ngăn được nước mắt tuôn trào ra khóe. Nhất là tôi nghĩ đến sự phụ tình của Vũ Bội đối với mình, tôi hết sức đau khổ, nên càng không cầm được giọt lệ.
Nhưng giữa lúc ấy, bỗng tôi cảm giác có một bàn tay đặt nhè nhẹ bên tay tôi. Tôi cúi đầu xuống, không dám ngước lên nhìn Trương Vĩnh Trọng nữa.
Chợt tôi nghe có tiếng ông nói bên tai:
- Y Sa, cô đã tìm được người đàn ông ấy rồi. Người đàn ông đó sẽ sẵn sàng thừa nhận đứa con trong bụng Y Sa, nếu Y Sa không chê y đã quá già.
Nghe ông Trương Vĩnh Trọng nói như thế, tôi cảm thấy hết sức vui mừng, nhưng đồng thời tôi cũng xấu hổ không ít.
Phải chăng ông đã biết được chuyện đã qua của tôi rồi?
Tôi không dám ngước mặt lên nhìn ông và chỉ hạ thấp giọng nho nhỏ:
- Trương tiên sinh, ông đã hiểu lầm rồi. Không phải tôi có thai, mà chính là người bạn gái của tôi.
- Chớ có giấu diếm tôi nữa làm chi, Y Sa ạ! Mọi chuyện tôi đều đã biết rõ hết rồi. Tôi chẳng hề cười chê Y Sa đâu, mà trái lại, tôi rất hiểu rõ và cảm thông với nỗi lòng của Y Sa.
Tôi nghẹn ngào nói:
- Trương tiên sinh... tôi... tôi không biết phải cám ơn ông như thế nào bây giờ.
Trương Vĩnh Trọng thành thật nói:
- Căn cứ vào tâm sự của Y Sa, tôi đã biết rõ chuyện đó từ lâu rồi. Tôi rất muốn giúp đỡ Y Sa, nhưng tôi chỉ sợ nói ra thì Y Sa cho là tôi lợi dụng hoàn cảnh đau khổ của Y Sạ Giờ đây, Y Sa đã nói ra rồi thì tôi chẳng còn có lý do gì để từ chối sự giúp đỡ Y Sa nữa.
- Thế ra ông đã biết trước chuyện này rồi ư?
Tôi ngại ngùng hỏi.
- Phải! Tôi đã hơn 40 tuổi đầu rồi, có chuyện gì mà tôi lại không biết? Chẳng qua vì Y Sa không chịu nói tâm sự của Y Sa ra, nên tôi vẫn phải làm như chẳng biết gì.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ giây lâu rồi nói:
- Đứa con trong bụng tôi không phải là con của ông, thế mà ông lại nhận làm cha nó, tôi e rằng...
Nhưng Trương Vĩnh Trọng ngắt ngang ngay:
- Y Sa chớ có tự ty mặc cảm như thế. Tôi đã là người từng kết hôn rồi mà.
Tôi vui mừng và cảm động nói:
- Ông đã bằng lòng cưới tôi thì mọi chuyện không hay sẽ được giải quyết ổn thoả. Tôi sẽ không cần phải đi áo Môn để sinh đẻ nữa.
- Phải. Nhưng...
- Ông có điều gì khó khăn chăng?
ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:
- Tôi không thể nào cùng Y Sa cử hành hôn lễ được, vì lẽ vợ tôi đang ở tại Thượng Hải, vạn nhất vợ tôi sang bên này thì tôi sẽ phạm tội song hôn mất.
Tôi mỉm cười nói:
- Ông đã đối với tôi quá tốt rồi, tôi không dám làm khổ ông thêm đâu. Chúng ta chẳng cần phải làm hôn lễ, chẳng cần áp dụng nghi thức về hôn nhân làm gì, vì tôi ghét hình thức chủ nghĩa. Chúng ta cứ sống chung với nhau là được rồi, ông nghĩ sao về chuyện đó?
- Tôi cũng mong muốn như vậy.
- Thế là chúng ta đã quyết định rồi?
Trương Vĩnh Trọng gật đầu.
Ngay lúc ấy, bỗng tôi cảm thấy buồn nôn và phát ho lên. Trương Vĩnh Trọng vội vàng thò tay vào túi lấy chai dầu ra, mở nút và chấm một ít quẹt vào đầu mũi tôi rồi nói:
- Không sao, đàn bà trong thời kỳ thai nghén thường bị buồn nôn và chóng mặt như thế.
Tôi cầm lấy chiếc sắc tay và nói:
- Chúng ta hãy đi thôi.
Trương Vĩnh Trọng tỏ vẻ đồng ý. Ông ta đứng dậy và gọi bồi lại tính tiền.
Khi đã ra đến ngoài đường, ông ta choàng tay nhè nhẹ lên vai tôi và chầm chậm bước đi. Khi đã đến nhà ga xe lửa, ông ta hỏi:
- Y Sa có cảm thấy dễ chịu phần nào không? Nếu hãy còn khó chịu thì chớ nên trở về Sa Điền vội.
- Không có sao đâu.
- Tôi sẽ cố gắng kiếm một căn phòng trong vòng hai ngày, sau đó tôi sẽ chờ Y Sa dọn đồ đến để chúng ta chung sống với nhau.
- Cám ơn và hẹn sẽ gặp lại.
- Chào Y Sa!
Khi xe lửa sắp sửa khởi hành, tôi bước chân lên nấc thang để leo lên xe thì bỗng Trương Vĩnh Trọng chạy theo sau lưng tôi và cất tiếng gọi:
- Y Sa hãy chờ một chút.
Tôi dừng chân đứng lại thì ông ta nhảy thót lên xe, lấy trong túi áo ra một chai dầu Vạn Kim còn mới nguyên trao cho tôi và bảo:
- Khi xe lửa chạy ra ngoại ô, gió rất nhiều, chai dầu Vạn Kim này sẽ rất tác dụng cho Y Sa.
Tôi cầm lấy chai dầu và cảm động nhìn Trương Vĩnh Trọng mỉm cười.
Khi tôi chuyển mình bỏ đi vào trong toa xe thì Trương Vĩnh Trọng còn căn dặn với:
- Y Sa chớ có ngồi ở chỗ nhiều gió nhé!
- Vâng, tôi biết rồi.
Khi xe chạy đi, tôi thò đầu ra cửa sổ nhìn xuống, thấy Trương Vĩnh Trọng đang đứng dưới sân ga, miệng mỉm cười tiễn tôi đi. Tôi đưa tay vẫy chào ông.
Tôi trầm ngâm nghĩ ngợi miên man.
- Người lớn tuổi bao giờ cũng có cái hay của họ. Trương Vĩnh Trọng bao giờ cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến tạ Chính vì lo sợ ta bị bịnh trên xe nên ông mới đưa cho ta chai dầu để sức. Nếu là người trẻ tuổi thì làm sao có sự chăm lo chu đáo như thế.
Nghĩ đến đó, tôi càng có hảo tâm đối với Trương Vĩnh Trọng hơn nữa.