Chương VII
Tác giả: Robert van Gulik
Có người dẫn đường, Dịch Nhân Tiết trở lại con đường quen thuộc.
Đến phía trên gian giữa của ngôi tu viện, cả hai quay lưng lại nhìn hành lang đưa đến căn phòng chứa vật liệu rồi cả hai lần theo một con đường thẳng được thắp sáng bằng một ngọn đèn có bao ngoài bằng giấy đã rách.
Bước lên cao, vị phán quan cảm thấy chóng mặt.
Đột nhiên, Dịch Nhân Tiết quay lại thì bắt gặp một bóng đen, đó là một người đàn ông mặc áo màu xám. Người này bước mau vào hành lang và biến mất.
Hai người lại bước đi. Vị phán quan hỏi chú tiểu:
- Các tu sĩ thường hay dùng hành lang đó không?
- Bẩm quan lớn. Các tu sĩ không dùng hành lang đó. Vì không muốn quan lớn phải đi dưới mưa nên con phải mượn con đường này. Những người khác khi có việc cần qua tháp ở phía tây thì họ leo lên một cầu thang con ốc ở ngay gần cửa đối diện với nhà ăn.
Lúc hai người đến căn phòng vuông ở cánh phía tây. Dịch Nhân Tiết ra lệnh ngưng lại và từ đây vị phán quan nhắm hướng.
Dịch Nhân Tiết chỉ về phía một cánh cửa và hỏi:
- Vậy cánh cửa này mở ra phòng nào?
- Bẩm quan lớn. Cánh cửa đó dẫn tới “hành lang kinh hoàng”. Hành lang đó chiếm hết cánh trái sân chánh, nhưng tất cả các chú tiểu không được phép vào hành lang đó.
Dịch Nhân Tiết biết rằng tất cả các ngôi thiền viện tương đối lớn đều có một hành lang dành chứa những bức chạm trổ diễn tả theo lối vẽ tả thực về các hình phạt mà những người có tội phải chịu đựng lúc bị đày xuống “mười hoả ngục”.
Vị phán quan nói một mình:
- Ta nghĩ rằng các thanh niên cũng nên cần viếng thăm hành lang đó để biết mà tránh xa tội lỗi.
Hai người bước lên những bậc tam cấp ngăn cách khoang cầu thang, bước tới cánh cửa sơn đỏ của vị nguyên quốc tử giám.
Chú tiểu lên tiếng:
- Bẩm quan lớn. Xin cẩn thận, những chiếc lan can kia đã hư cần phải sửa chữa.
Lúc bước chân lên sân thượng, Dịch Nhân Tiết nhận thấy có nơi lan can bị gãy. Vị phán quan nghiêng mình nhìn rõ lỗ trống thì chú tiểu vội nói:
- Đây là cầu thang mà con đã trình quan lớn biết lúc nãy. Cầu thang này dẫn tới cửa phía tây, đi xuống hai tầng lầu.
Dịch Nhân Tiết trao cho chú tiểu một tấm thiệp màu đỏ, chú tiểu cầm thiệp và bắt đầu gõ cửa.
Một giọng nói lớn vang lên:
- Cứ vào!
Đạo sĩ Tuyên Minh đang ngồi trước một chiếc bàn bày đầy sách và giấy tờ.
Chú tiểu cung kính cúi đầu và trao tấm thiệp. Liếc mắt nhìn thật nhanh, đạo sĩ Tuyên Minh đứng dậy và bước ra:
- Té ra phán quan Dịch Nhân Tiết. Chẳng mấy khi phán quan đến thăm tu viện Chiêu Vân.
Dịch Nhân Tiết vòng tay, kính cẩn cúi đầu:
- Thật quá hân hạnh được gặp đạo sĩ nơi đây.
Đạo sĩ Tuyên Minh vui vẻ:
- Hãy bỏ những lời chúc tụng long trọng đó. Cứ ngồi xuống đi để ta sắp xếp thứ tự đống giấy tờ kia lại một chút.
Chú tiểu vừa dâng trà thì đạo sĩ Tuyên Minh đã lên tiếng:
- Cảm ơn con. Bây giờ thì con có thể bước ra. Để ta lo săn sóc khách quý của ta.
Vừa nhấp từng ngụm trà ướp hoa lài, Dịch Nhân Tiết vừa dò theo từng cử chỉ một của đạo sĩ Tuyên Minh.
Đạo sĩ Tuyên Minh, dáng người cao lớn, cổ to biến hẳn vào đôi vai. Mặc dù đạo sĩ đã quá sáu mươi nhưng nét mặt của ông không thấy một đường nhăn nào, hơn nữa da thịt lại hồng hào, trông dáng rất khoẻ mạnh. Đạo sĩ có bộ râu quai nón, tóc ông ngả màu bạc chải về phía sau để lộ một cái trán cao và rộng.
Đạo sĩ Tuyên Minh không đội mão. Râu hàm én của ông buông thõng xuống đi ngược với đôi lông mày dựng lên… làm cho đạo sĩ có cốt cách khác hẳn với một người thường.
Dịch Nhân Tiết đưa mắt quan sát một vòng quanh căn phòng rồi mới bắt đầu đọc hết các hàng chữ trên những tấm giấy treo ở vách.
Đạo sĩ Tuyên Minh sau khi sắp xếp xong mớ giấy tờ, bỗng nhìn Dịch Nhân Tiết với cặp mắt sắc sảo, rồi hỏi:
- Nghe tin quan lớn vừa gặp nạn. Ta mong mỏi tai nạn đó không mấy hệ trọng.
Dịch Nhân Tiết đáp:
- Dạ, tai nạn không đáng kể. Sau hai tuần lễ ở lại kinh đô, chúng tôi cùng gia đình trở về Hàn Nguyên. Chúng tôi trù tính đến Gia Mân dùng cơm tối, nhưng nửa đường gặp giông bão. Trục bánh xe lại bị gãy. Chúng tôi xin phép hoà thượng tá túc tại tu viện và dự định sáng sớm sẽ lên đường vì ngày mai có lẽ trận giông bão cũng dứt.
Đạo sĩ Tuyên Minh mỉm cười:
- Nhờ việc không may của quan lớn mà ta được hân hạnh đón tiếp ngài. Ta rất thích được bàn chuyện với các vị phán quan trẻ, đầy tương lai. Đáng lý ngài cần đến thăm thiền viện này sớm hơn vì dù sao thiền viện cũng thuộc quyền tài phán dân sự của ngài.
Dịch Nhân Tiết vội vã trả lời:
- Sự chểnh mảng của chúng tôi thật không thể tha thứ được, nhưng thật ra chúng tôi có rất nhiều việc chưa làm xong ở Hàn Nguyên đó ạ!
Đạo sĩ Tuyên Minh gật gật đầu:
- Ta rõ hết. Ngài rất chăm lo công việc. Cũng nhờ sự sốt sắng của ngài mà bao nhiêu rối loạn ở Hàn Nguyên đều được dập tắt. Xin thành thật ngợi khen.
Dịch Nhân Tiết nghiêng mình:
- Hôm nay chúng tôi đến đây để nghe thêm lời chỉ giáo của đạo sĩ.
Nhân thấy đạo sĩ Tuyên Minh vui vẻ và thân mật. Dịch Nhân Tiết tự hỏi là vì sao mình không bày tỏ thắc mắc về người đàn bà cụt tay. Vị phán quan lưỡng lự một hồi, sau cùng đi đến quyết định:
- Thưa đạo sĩ, xin đạo sĩ cho phép thỉnh vấn về một câu chuyện kỳ lạ mà vừa rồi chính chúng tôi được chứng kiến.
- Sao lại không được? Chuyện gì đã xảy ra thế?
Dịch Nhân Tiết có vẻ bối rối nhưng rồi cũng cố gắng trình bày câu chuyện:
- Thưa đạo sĩ, thật sự chúng tôi cũng không biết sự việc có đúng không. Lúc chúng tôi đến căn phòng dành riêng cho chúng tôi thi chính mắt chúng tôi nhìn thấy, nhưng chỉ trong vài giây đồng hồ, một cảnh tượng đã xảy ra cách đây một thế kỷ khi các binh lính đã giết các loạn quân. Một sự việc như thế có thể xảy ra không?
Đạo sĩ Tuyên Minh ngồi phịch xuống ghế rồi với giọng nghiêm nghị:
- Có chứ! Có bao giờ ngài bước vào một căn phòng trống nhưng rồi ngài tự cảm biết là vừa có người ở trong phòng ấy không? Ngài có cảm giác đó chứ! Thật ra thì ngài không rõ lý do về sự việc chắc chắn đó, nhưng phải nói là ngài cảm thấy sự việc đó. Hiện tượng ấy cũng rất dễ giải thích. Một người vừa bước ra ít ra cũng để lại một chút gì hơi hướng của hắn trong căn phòng. Hắn không làm việc gì kỳ lạ. Có thể hắn đọc một trang sách hay viết một bức thư. Bây giờ đặt giả thiết là người đó bị chết một cách đột ngột tại nơi đó. Những luồng sóng điện đau đớn thấm sâu vào không khí cho đến vài năm sau còn để lại dấu vết. Một người cảm xúc quá độ hoặc bị gây nên cảm xúc quá độ do mệt mỏi cũng có… là có thể cảm thấy được cái không khí đó đã có từ cả thế kỷ. Vậy ngài có nhận thấy sự giải thích như vậy là hợp lý không?
Dịch Nhân Tiết gật đầu. Lẽ dĩ nhiên, đạo sĩ Tuyên Minh đã suy nghĩ rất nhiều về những câu hỏi đầy bí ẩn đó.
Dịch Nhân Tiết tuy chưa mấy thoả mãn về lời giải thích nhưng vị phán quan cũng không tuyệt đối bác bỏ, nên đã kính cẩn trả lời:
- Có thể lời giải thích của thầy rất hữu lý. Chúng tôi bị mệt nhiều. Hơn thế nữa, chúng tôi lại bị cảm vì đã bị gặp mưa và lạnh.
- Bị cảm sao? Suốt ba mươi năm nay, ta chưa hề bị cảm một lần nào cả. Ta đã vạch cho ta một cuộc sống riêng, chăm sóc cẩn thận đến nguyên tắc bồi dưỡng sự sống đó.
Dịch Nhân Tiết hỏi lại:
- Vậy đạo sĩ có tin rằng con người có thể trở thành bất tử ở trên quả đất này không?
Đạo sĩ Tuyên Minh phì cười:
- Ta không tin điều đó. Đời người có hạn. Kéo dài cuộc sống bằng phương tiện này hay phương cách nọ rồi cũng chỉ vô ích. Mọi cố gắng của chúng ta là phải giữ cho thân thể được tráng kiện, tinh thần được minh mẫn. Muốn đạt được mục đích đó, cần phải sống một cách tự nhiên hơn, khởi sự là nên điều hoà việc ăn uống, ngài Dịch Nhân Tiết ạ! Ngài cần cẩn thận hơn trong việc ăn uống.
- Vâng, bản chức là đồ đệ của Đức Khổng nhưng bản chức xác nhận rằng trong Lão giáo cũng có nhiều sự khôn ngoan của đạo đó.
- Lão giáo cũng giống như đạo Khổng. Đạo Khổng giải thích cho con người phải cư xử như thế nào trong một xã hội đã thành hình. Lão giáo cho ta biết mối liên hệ giữa con người và vũ trụ… trật tự xã hội chỉ là một hinh thức mà thôi.
Dịch Nhân Tiết có vẻ không mấy hăng hái trong một cuộc thảo luận nặng về triết học. Thâm tâm vị phán quan còn muốn nêu hai câu hỏi nữa nhưng vì phép xã giao, đợi mấy giây sau, ông ta mới lên tiếng:
- Có thể có những phần tử xấu ở bên ngoài thường tìm cách lui tới ngôi thiền viện này không? Vì lúc chú tiểu dẫn bản chức đến gặp đạo sĩ thì bản chức có cảm giác như có kẻ theo dõi…
Đạo sĩ Tuyên Minh im lặng một phút. Sau đó, đột nhiên đạo sĩ Tuyên Minh hỏi:
- Ngài vẫn thích dùng cá đấy chứ?
Dịch Nhân Tiết có vẻ ngạc nhiên:
- Vâng. Bản chức vẫn thích ăn cá.
- Đấy! Thịt cá làm giảm bớt sự hồn nhiên của chúng ta ở chỗ nó làm cho sự tuần hoàn bị trì chậm lại, thần kinh hệ bị ảnh hưởng… cho nên chúng ta nhìn thấy những sự việc không hề xảy ra. Để ta nghiên cứu kỹ những sách thuốc của ta và sáng mai ta sẽ kê khai một bảng đầy đủ chi tiết về các thức ăn mà ngài nên dùng đến.
- Xin đa tạ. Ngoài ra chúng tôi xin đa tạ đạo sĩ hơn nữa, xin nhờ đạo sĩ soi sáng một điểm thắc mắc cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi có nghe nói có một số người mượn cớ tu hành, bên trong tổ chức những lễ tửu thần để rồi ép buộc các thiếu nữ tham dự. Vậy có một chút nào sự thật trong những lời đồn đãi đó không?
- Hoàn toàn xuyên tạc và có ác ý. Làm thế nào con người còn ham mê tửu dục khi họ quyết tâm theo một chế độ ăn uống hết sức đạm bạc như vậy? Toàn là những xuyên tạc có ác ý!
Đạo sĩ Tuyên Minh đứng dậy, nói thêm:
- Bữa tiệc sắp bắt đầu rồi đấy! Hoà thượng trụ trì có lẽ đang đợi chúng ta, ngài phán quan ạ! Hoà thượng trụ trì không phải là nhà trí thức nổi tiếng, nhưng hoà thượng là người khôn ngoan, biết cai quản thiền viện một cách tài tình.
Dịch Nhân Tiết vui vẻ:
- Vâng. Đó không phải là việc dễ dàng đâu! Thiền viện cũng giống như một đô thị nhỏ. Chúng tôi muốn biết thiền viện rõ hơn, nhưng người ta bảo rằng không có hoành đồ nào về ngôi thiền viện này cả. Ngoài ra, lại có tin là tất cả các tín đồ không được lai vãng nhiều khu vực ở ngoài đền thờ.
- Ồ! Thật ra thì người ta chỉ muốn tạo ra một sự bí ẩn nào đó thôi, nhưng ta đã nói đến cả trăm lần với hoà thượng trụ trì là cần phải thiết lập một bức hoành đồ của tu viện. Hơn nữa, đó là một điều bắt buộc đúng theo điều 28 - Sắc lệnh thiết lập xây dựng các nơi thờ phụng. Tuy nhiên ta có thể trình bày qua về ngôi tu viện này để ngài rõ.
Bước lại gần một tờ giấy lớn treo ở vách, đạo sĩ Tuyên Minh bắt đầu giải thích:
- Đây là bức hoành đồ đó, chính ta vẽ lấy. Giản dị lắm! Tu viện này xây cất được hai trăm năm rồi! Người ta muốn biểu tượng vừa cả vũ trụ, vửa cả con người – thu nhỏ lại. Tất cả nằm trong hình bầu dục này tượng trưng cho sự tạo lập nguyên thuỷ. Tu viện quay mặt về hướng Nam, nằm theo sườn núi. Mặt Đông có vực thẳm. Mặt Tây có rừng rậm.
Hãy theo bần đạo kể tiếp. Chúng ta, từ cái sân rộng lớn này bước đi, sân hình tam giác, mỗi bên có nơi dành riêng làm nhà bếp, nơi ở của các chú tiểu và xa xa là chuồng ngựa. Qua tiền sảnh này là sân của đền thờ, nơi đây có những cánh mái nhà cao đến hai tầng lầu. Ở tầng trệt cánh nhà phía Tây là phòng tiếp khách, ở tầng lầu một có thư viện, ở tầng lầu hai có nơi ngụ của vị tăng sĩ giữ tu viện, tăng sĩ lo việc nghi lễ và tăng sĩ lo lưu trữ tài liệu. Tầng trệt cánh phía Đông có phòng hội, nơi đây có sân khấu và có nhiều văn phòng. Ở tầng lầu một và tầng lầu hai có phòng dành riêng cho các tân khách. Ta đoán rằng ngài cùng quý gia đình hiện chiếm ngụ tầng lầu hai thì phải?
- Đúng vậy! Hoà thượng trụ trì đã dành cho chúng tôi hai căn phòng rộng rãi ở góc Đông Bắc của tầng lầu thứ hai.
- À! Đúng vậy sao? Hãy tiếp tục. Ở cuối cái sân này là đền thờ. Nơi đây du khách được thưởng lãm nhiều bức tượng xưa cũ hết sức mỹ thuật. Ở phía sau đền thờ là sân chánh, mỗi góc có dựng lên một ngọn tháp. Chúng ta đang ở phía ngọn tháp Tây Nam. Phía trái sân có “hành lang kinh hoàng” – đó là tiếng nói của người nặng óc dị đoan mà thôi. Phía mặt là nơi trú ngụ của các tu sĩ và ở phía cuối, trên một cái cổng dẫn tới chánh điện, nơi đây còn là chỗ ở của hoà thượng trụ trì.
Chánh điện có hình dáng một vòng tròn. Theo thứ tự trong tu viện có hình tam giác, hai hình vuông, rồi lại một hình vuông và một hình tròn. Thôi hãy gác việc ấy qua một bên đã! Điều chính yếu là chắc hẳn lúc này ngài đã có thể định hướng rồi đấy chứ? Lẽ dĩ nhiên trong tu viện có cả trăm ngõ ngách gồm những hành lang, những bậc thang, những lối đi nối liền toà nhà này với toà nhà nọ, nhưng nếu ngài có sẵn bức hoành đồ trong đầu óc rồi thì chẳng bao giờ ngài có thể lầm lạc được nữa.
Dịch Nhân Tiết niềm nở:
- Xin tạ ơn đạo sĩ.Vậy ngài cho biết điện thờ gồm đến mấy căn phòng?
- Chỉ có một ngôi đền nhỏ. Trong ngôi đền chỉ có một cái bình đựng tro của vị sáng lập.
- Hẳn không có ai ở trong đền cả chứ?
- Chắc chắn là không rồi. Ta cũng đã đến thăm nơi đó. Chỉ có ngôi đền và những bức tượng bao quanh. Nhưng ngôi đền đó được xem là nơi thiêng liêng nhất. Ở đây, trên tờ giấy này, ta thay thế bằng một vòng tròn đen và trắng, làm như vậy để khỏi phật lòng hoà thượng trưởng lão. Theo Lão giáo, vòng tròn biểu hiện cho hoạt động của vũ trụ trong đó có hai sức mạnh căn bản, nhịp độ muôn thuở của thiên nhiên tức âm và dương. Có thể nói đó là ánh sáng và bóng tối, sự hữu hạn và sự vô cùng, người đàn ông và ngưòi đàn bà, mặt trời và mặt trăng… Vòng tròn đó chỉ cho ta thấy rằng khi sức mạnh hữu hạn rơi xuống điểm thấp nhất thì nó lại biến thành sức mạnh vô cùng và khi sức mạnh vô cùng đạt đến cao độ, lẽ dĩ nhiên, nó lại biến đổi ra sức mạnh hữu hạn khi nó xuống điểm thấp nhất của nó.
- Còn vòng tròn nhỏ ở nửa vòng tròn lớn có ý nghĩa gì?
- Sự hiện diện của hai vòng tròn nhỏ đó nhắc chúng ta nhớ rằng sự hữu hạn nảy mầm từ sự vô cùng, và ngược lại. Vòng luân chuyển đó áp dụng cho mọi vật, cả người đàn ông lẫn người đàn bà. Mỗi người đàn ông có một phân tử rất nhỏ của người đàn bà và mỗi người đàn bà lại có một phân tử của người đàn ông.
Dịch Nhân Tiết suy nghĩ một lát lại hỏi:
- Dương như có lần bản chức thấy rằng có đường cắt ngang một trong hai hình tròn đó, như vậy thì con đường ngang đó có ý nghĩa gì đặc biệt không?
- Đường chia cắt phải nằm dọc mới đúng. Nhưng thôi! Đừng để hoà thượng trưởng lão phải chờ đợi lâu chúng ta. Ông ấy thực tế hơn nhiều.
Lúc hai người bước ra ở khoang cầu thang, đạo sĩ Tuyên Minh nói:
- Cẩn thận đấy nha! Một chiếc lan can đã bị gãy. Đáng lý thợ mộc trong tu viện phải thay lan can khác nhưng có lẽ ngày đại hội làm cho họ bận rộn quá chừng.