watch sexy videos at nza-vids!
Truyện TẤN THẢM KỊCH CỦA TÀU KOROSKO-Chương 2 - tác giả Sir ARTHUR CONAN DOYLE Sir ARTHUR CONAN DOYLE

Sir ARTHUR CONAN DOYLE

Chương 2

Tác giả: Sir ARTHUR CONAN DOYLE

Người đàn ông Mỹ ngẩn ngơ một lát ông muốn lên bộ để gửi bưu điện bài tường thuật về những cảm tưởng trong chuyến du hành mà ông thường gửi hàng ngày cho chị gái ông, nhưng những điếu xì gà của đại tá Cochrane và Cecil Brown vẫn còn đỏ lập lòe ở đầu bên kia của boong tàu, và ông thì lúc nào cũng rình rập để lấy các tin tức. Ông không biết cách làm thế nào xen vào cuộc đàm thoại của họ, nhưng ông đại tá đã đẩy lại phía ông một cái ghế đẩu và gọi ông.
- Headingly, lại đây! Ðây là nơi lý tưởng cho một sự giải độc. Tôi tin chắc rằng Fardet vừa mới nói với ông về chính trị.
"Tôi luôn luôn nhận ra lối đề cập tới vấn đề chính trị quốc tế của ông ấy, chỉ cần trông thấy ông ấy cúi vai xuống để xông vào những cuộc bàn bạc thân mật", nhà ngoại giao sang trọng nói. "Nhưng đó là một sự xuẩn ngốc quá chừng vào một buổi tối như tối hôm nay! Mặt trăng mọc trên sa mạc thế này hứa hẹn với chúng ta một bầu trời đêm kỳ diệu màu xanh và trắng bạc. Trong một bản nhạc của Mendel-Sohn đã có một tình cảm hình như bao gồm được tất cả những điều đó: một sự cảm xúc về vô biên, về sự nhắc nhở, tiếng gió hú bên các khoảng không vô tận. Âm nhạc là nghệ thuật diễn dịch các cảm hứng vi diệu mà các từ ngữ không diễn tả được".
Ông người Mỹ đã ra nhận xét:
- Ðêm hôm nay tôi thấy phong cảnh có vẻ man rợ hơn, dữ tợn hơn bao giờ hết. Nó cho tói cảm giác của một sức mạnh tàn nhẫn, giống hệt như Ðại Tây Dương vào một ngày lạnh lẽo và u ám của mùa đông. Có lẽ cảm giác này nảy sinh ở việc là chúng ta biết rằng chúng ta đang ở chỗ ranh giới cùng cực của tất cả các loại pháp luật và các nền văn minh. Thưa đại tá Cochrane, theo ý ông thì chúng ta còn cách những tu sĩ Hồi giáo bao xa?
Vị đại tá trả lời.
- Trên mạn bờ thuộc Ả Rập, chúng ta có đồn binh Ai Cập ở Sarras vào khoảng sáu mươi cây số về phía Nam của chúng ta. Bên ngoài nơi đó là những miền đất rất hoang vu nằm dài một trăm cây số trước mặt đồn canh của các tu sĩ Hồi giáo ở Akashek. Nhưng ở bờ bên kia thì không có một vật gì giữa họ và chúng ta.
- Abousir nằm ngay trên bờ bên đó phải không?
- Phải. Ðó là lý do tại sao hồi năm ngoái chuyến du hành đã bị ngăn cấm. Nhưng bây giờ thì sự yên tĩnh đã trở lại.
- Ai có thể ngăn không cho bọn tu sĩ Hồi giáo tràn vào nơi này?
"Hoàn toàn không có gì cả"!. Cecil Brown đáp lại với một giọng hững hờ.
- Không có gì cả, ngoại trừ sự sợ hãi. Chắc chắn là họ có thể đến không khó khăn gì! Nhưng sự trở về sẽ nguy hiểm hơn: những con lạc đà kiệt sức của họ sẽ là những mồi ngon cho những con ngựa khỏe mạnh của đạo quân đồn trú ở Ouadi-Halfa. Họ cũng biết rõ điều này như chúng ta vậy : đó là lý do tại sao không bao giờ họ dám liều lĩnh làm việc đó.
Brown nói lớn:
- Suy luận về một cảm giác sợ hãi của những tu sĩ Hồi giáo là một điều không hợp lý. Không bao giờ chúng ta được quên rằng họ không tuân theo các động lực giống như những dân tộc khác. Họ đông người và mong mỏi được chết, và họ nhất trí tin tưởng một cách mù quáng vào định mệnh, người ta có thể coi họ là một sự ngoan cố tột cùng của tất cả các điều dị đoan, và chính đó là bằng chứng cho thấy sự cuồng tín và dị đoan đã dẫn con người thẳng tới tình trạng man rợ!
Ông người Mỹ hỏi:
- Ông có tin rằng dân tộc này tiêu biểu cho một sự đe dọa thật sự đối với Ai Cập không? Tôi đã từng nghe thấy nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, chẳng hạn như ông Fardet, ông ấy không nghĩ rằng mối hiểm nguy là rất cấp bách.
Ðại tá Cochrane trả lời, sau một sự yên lặng ngắn ngủi.
- Tôi không phải là người giàu có, nhưng tôi sẵn sàng đánh cuộc tất cả những gì mà tôi có là trong ba năm sau khi các sĩ quan Anh đi khỏi, những tu sĩ Hồi giáo sẽ tới bờ biển Ðịa Trung Hải. Lúc đó thì nền văn minh Ai Cập sẽ ra sao? Hàng trăm triệu bạc đã được đầu tư vào nước này sẽ ra sao? Và những đền đài mà cả thế giới đều ngưỡng mộ và sùng kính và đó là những công trình quí giá nhất của cổ thời sẽ ra sao?
Headingly cười lớn phản đối:
- Này, ông Ðại tá! Không phải là ông cũng định nói rằng họ sẽ phá hủy các Kim Tự Tháp đấy chứ?
- Không thể đoán trước được là họ sẽ làm gì! Không có một kẻ bài trừ thánh tượng nào lại điên cuồng hơn là một tên Hồi giáo cuồng tín. Trong cuộc xâm nhập cuối cùng của họ vào Ai Cập, các tu sĩ Hồi giáo đã đốt cháy thư viện ở Alexandrie: Ông biết rằng kinh Coran đã cấm đoán tất cả mọi sự hình dung cái mặt của con người. Do đó dưới mắt họ một pho tượng là một vật chống tôn giáo. Và bọn người man rợ này coi các cảm tính của Âu Châu như một điều xui xẻo. Ngược lại: họ càng lăng nhục chúng thì họ càng khoan khoái. Tượng Sphinx sẽ bị hạ xuống, pho tượng Colorse sẽ bị hạ xuống! Giống hệt như ở nước Anh, trước các quân lính của Cromwell, các vị thánh đều bị quăng xuống đất.
"Ta hãy xét kỹ một chút" Headingly nói với sự chậm chạp chín chắn của ông ấy. "Ta hãy chấp nhận rằng bọn tu sĩ Hồi giáo có đủ khả năng chinh phục Ai Cập và ta cũng chấp nhận là người Anh các ông ngăn cản họ làm việc đó. Nhưng vì lý do nào mà các ông chi ra nhiều triệu đô la đó và các ông hy sinh bao nhiêu sinh mạng người Anh như vậy? Các ông kiếm được bao nhiêu lợi lộc hơn là nước Pháp, nước Ðức hoặc bất cứ một nước nào không gánh chịu một sự rủi ro nào và không tiêu tốn một xu nào?
Cecil Brown trả lời:
- Nhiều người Anh hiền lành cũng đặt ra câu hỏi như vậy. Theo ý tôi thì từ khá lâu rồi chúng tôi đã là những viên cảnh sát của thế giới: chúng tôi đã quét sạch bọn kẻ cướp và bọn buôn nô lệ khỏi các đại dương; hiện nay chúng tôi giải phóng trái đất khỏi tay các tu sĩ Hồi giáo và tất cả những lũ giặc cướp đe dọa nền văn minh. Nếu những người Kurdes quấy rối trật tự công cộng ở Tiểu Á-tế-á, nhân dân trên thế giới muốn biết rằng tại sao Anh Quốc lại không trừng trị họ. Nếu xảy ra một cuộc binh biến ở Ai Cập hay ở Soudan, cũng vẫn là Anh Quốc có nhiệm vụ dẹp tan nó. Và tất cả công việc đó giữa những lời nói xấu cùng một giọng điệu khắp nơi, giống như một nhân viên cảnh sát đã nghe thấy khi anh ta bắt giữ một tên côn đồ trong một ngõ hẻm tối tăm. Chúng tôl chỉ nhận được những lời nói xấu và không có một lời cám ơn nào. Tại sao phải kiên trì như thế? Tốt nhất là ta nên để cho Âu Châu tự mình hoàn thành cái công việc bạc bẽo này.
"Thú thật là" đại tá Cochrane nói trong khi bắt chéo chân lên và khom mình về phía trước với vẻ cương quyết của một người đã có một ý kiến vững vàng "tôi không đồng ý với ông một chút nào, ông Brown ạ! và tôi cho rằng sự hẹp hòi trong lý luận của ông không phù hợp với những bổn phận của Anh Quốc. Tôi nghĩ rằng đằng sau các quyền lợi quốc gia, đằng sau công việc ngoại giao và tất cả mọi thứ còn lại, còn có một mãnh lực chủ đạo nữa (thực sự là một thiên mệnh) là điều từ xưa vẫn luôn luôn gạn lọc lấy phần tinh hoa nhất của mỗi dân tộc và dùng nó để làm điều tốt đẹp cho cả loài người. Khi một dân tộc thôi không tuân theo điều này tức là nó đã cằn cỗi để nằm trong cơn bệnh hoạn vài ba thế kỷ, như kiểu nước Tây Ban Nha hay nước Hy-Lạp: đó là vì những phẩm chất tốt đã rời bỏ họ, một người hay một quốc gia không phải chỉ được sinh ra trên trái đất này để làm việc gì thích thú hay việc gì mang lại lợi lộc. Thường khi người ta đòi hỏi chúng ta phải làm những việc vừa buồn chán, vừa tốn kém, nhưng nếu công việc là chính đáng thì chúng ta phải tiến lên và không lẩn tránh... "
Headingly gật đầu tán thành.
-... Mỗi nước có một sứ mạng riêng của mình ! Nước Ðức thì vượt trội trong tư tưởng trừu tượng; nước Pháp thì trong văn chương, trong nghệ thuật và sự thanh lịch. Nhưng các ông và chúng tôi (tất cả những người nói tiếng Anh đều ở trên một con tàu), chúng ta có trong giới thượng lưu của chúng ta một quan niệm cao cả hơn về tinh thần đạo đức và về nhiệm vụ chung so với bất kỳ một dân tộc nào khác mà đó là hai đức tính cần phải có để dẫn dắt một chủng tộc yếu kém hơn. Các ông không thể giúp đỡ các dân tộc yếu kém bằng tư tưởng trừu tượng hoặc bằng các nghệ thuật mua vui, nhưng chỉ có thể bằng cái tinh thần đạo đức này, nó giữ thăng bằng cho cán cân công lý và nó tự giữ được trong trắng, tránh khỏi mọi hoen ố. Ðó là cách mà chúng tôi cai trị Ấn Ðộ. Chúng tôi đã tới nơi đó bởi kết quả của một thứ luật thiên nhiên, giống hệt như không khí ùa vào để lấp kín một chỗ trống. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, đi ngược lại với quyền lợi trực tiếp của chúng tôi và bất chấp những ý định có sẵn của chúng tói, chúng tôi đã bị đưa đẩy tới chỗ phải làm cùng một việc như vậy. Ðiều này rồi sẽ đến với cả các ông đó: áp lực của định mệnh sẽ ép buộc các ông phải điều khiển tất cả Mỹ Châu, từ Mễ Tây Cơ cho tới mũi Horn.
Headingly bật ra một tràng huýt gió.
"Những anh ái quốc cuồng tín hẹp hòi của chúng tôi sẽ rất sung sướng được nghe ông nói đấy, đại tá Cochrane ạ!", ông ta nói. "Họ bỏ phiếu cho ông ở Thượng viện và sẽ làm ông trở thành một ủy viên của ủy ban ngoại vụ đấy!"
- Thế giới thì nhỏ bé, và mỗi ngày nó một thu nhỏ hơn. Nó tạo ra một cơ thể duy nhất: sự thối mục ở một địa phương sẽ có thể lan truyền và làm ung thối tất cả toàn thể. Trên trái đất không có chỗ cho những chính phủ gian lận, không làm tròn những lời cam kết, chuyên chế, vô trách nhiệm. Sự tồn tại của họ bao giờ cũng là nguồn gốc của các vụ lộn xộn và hiểm nguy. Nhưng nhiều chủng tộc có vẻ như quá bất lực trong sự tiến bộ khiến ta không thể hy vọng một ngày nào đó họ có được một chính quyền tốt. Vậy thì ta phải làm gì? Ngày xưa Thượng đế giải quyết vấn đề bằng sự tận diệt một Attila, một Tamerlan đã tỉa bớt những cành yếu kém nhất. Ngày nay thì những qui luật ít nghiêm ngặt hơn đã được thay vào đó: những Phó Vương ở Trung Á và những Quốc gia bảo hộ ở Ấn Ðộ là bằng chứng về điều này. Vì công cuộc này phải được hoàn thành, và bởi vì chúng tôi là những người có trang bị tốt nhất để thành công trong việc này, tôi nghĩ rằng bác - khước chúng tôi sẽ là một sự hèn nhát và một tội ác.
Ông người Mỹ phản đối.
- Nhưng ai giải quyết vấn đề để biết rằng các ông có phải là những người được trang bị tốt nhất để can thiệp hay không? Bất kỳ một quốc gia ăn cướp nào cũng có thể sử dụng chiêu bài này để thôn tính toàn thể trái đất.
- Chính những biến có sẽ giải quyết vấn đề. Những biến cố tàn khốc và không thể tránh được. Thí dụ ông hãy xem vụ Ai Cập đó. Vào năm 1881, ở nước chúng tôi không ai nghĩ tới việc can thiệp ở Ai Cập. Vậy mà năm 1882 chúng tôi đã chiếm giữ nước này. Sự tiếp diễn của các biến cố không để cho chúng tôi một sự lựa chọn. Một vụ tàn sát trong các phố ở Alexandrie, việc bố trí các súng đại bác để xua đuổi hạm đội của chúng tôi đang có mặt tại đó để làm tròn các trách vụ thiêng liêng của - một thỏa ước, như ông đã biết đó, đã khơi ngòi cho cuộc oanh kích. Cuộc oanh kích đã khai mào cho một cuộc đổ quân nhằm giải cứu thành phố khỏi bị hủy diệt. Cuộc đổ bộ dẫn tới sự mở rộng các cuộc hành quân... Và chúng tôi đang ở đây để trông nom, săn sóc đất nước này. Khi những vụ lộn xộn bùng lên, chúng tói đã khẩn cầu, năn nỉ người Pháp và nhiều nước khác tới giúp chúng tôi vãn hồi trật tự : họ đều ngoảnh mặt làm lơ, nhưng họ đã sẵn sàng để công kích chúng tôi. Khi chúng tôi định ra khỏi cái tổ ong vò vẽ này thì vụ nổi loạn của các tu sĩ Hồi giáo bùng ra, và chúng tôi đã phải trụ lại một cách vững chắc hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã không đòi hỏi nhiệm vụ này; nhưng khi chúng tôi bị bắt buộc phải hoàn thành nó, thì ít nhất chúng tôi cũng phải làm cho tốt. Chúng tôi đã thiết lập công lý, thanh lọc bộ máy cai trị, bảo vệ những dân nghèo. Nước Ai Cập, đã tiến bộ nhiều hơn trong vòng mười hai năm qua, so với suốt cuộc xâm lăng của Hồi giáo từ thế kỷ mười bảy. Ngoài số lương của hai trăm người, những người này lại tiêu tiền của họ ở ngay trong nước Anh Quốc đã không lấy đi một cách trực tiếp hay gián tiếp, một xu nào trong suốt công cuộc này. Tôi không tin rằng ông lại có thể tìm ra trong lịch sử một sự nghiệp thành công tốt đẹp và vị tha hơn thế.
Headingly hít một hơi thuốc lá trong khi suy nghĩ.
"Ở Boston có một ngôi nhà gần với nhà chúng tôi" ông nói, "đã làm hư hại tất cả vẻ đẹp trên vùng biển. Những cái ghế bành cũ nát quăng bừa bãi trên sân đất trước nhà, những bức tường sụp đổ, khu vườn là một bãi bụi hoang, nhưng tôi không nghĩ rằng những người hàng xóm có ý định xâm nhập bằng bạo lực để cư ngụ tại đó và để xếp đặt các đồ vật theo sở thích của họ".
Ông đại tá hỏi:
- Nhưng nếu ngôi nhà bốc cháy thì sao?
Headingly cười lớn và đứng lên ông nói.
- Thưa ông đại tá, trường hợp này không được tiên liệu bởi chủ thuyết Monroe! Tôi bắt đầu nhận thức được rằng nước Ai Cập hiện đại cũng hoàn toàn thú vị như nước Ai Cập cổ đại và rằng vua Ramsès đệ nhị đã không phải là người đàn ông cuối cùng sống ở nước này.
Ðến lượt họ, cả hai người Anh cùng đứng lên.
- Phải, đó là một sự mỉa mai của định mệnh đã xui khiến những cư dân một hòn đảo nhỏ trên Ðại Tây Dương cai trị mảnh đất của các vị Hoàng đế Ai Cập". Cecil Brown đưa ra lời nhận xét. "Ðến lượt chúng ta, chúng ta sẽ tự tàn lụi, và chúng ta sẽ không để lại một kỷ niệm đặc biệt nào trong số những chủng tộc khác nhau đã cai trị đất nước này, vì người Anh không có thói quen khắc các hành động của họ lên đá. Những dấu vết của một hệ thống thoát nước ở Le Caire chắc chắn sẽ là vết tích duy nhất của sự dừng chân của chúng tôi ở đây. Vậy mà rất có thể là sau đây một ngàn năm những nhà khảo cổ sẽ cho rằng công trình này đã được thực hiện bởi triều đại Hyksos. Nhưng kìa những bạn đồng hành khác của chúng ta đi dạo chơi thành phố đã trở về rồi.
Thật vậy, ở phía dưới họ, họ đã nghe thấy giọng nói Ái Nhĩ Lan êm ái của bà Belmont và tiếng nói trầm trầm của ông chồng bà. Ông Stuart vị mục sư to lớn của Birmingham đang tranh cãi về vấn đề những đồng bạc với một anh chàng dắt lừa lắm mồm; những ý kiến và lời khuyên can tuôn ra từ khắp mọi phía. Rồi sự thỏa thuận được dàn xếp xong, tiếng ồn ào giảm dần, những người về muộn leo lên cầu thang, những tiếng "Chúc ngủ ngon" được trao đổi, những cánh cửa sập mạnh và con tàu nhỏ trở lại yên lặng trong bóng tối của bờ cao của con sông. Ở bên kia cái điểm cùng cực này của nền văn minh và sự tiện nghi, trải dài một bãi sa mạc vô biên, man rợ, vĩnh cửu, màu rơm dưới ánh trăng, lốm đốm những bóng đen xì của những dãy núi.
TẤN THẢM KỊCH CỦA TÀU KOROSKO
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10 (chương kết)