cái ngõ tối
Tác giả: Thanh Châu
Xe lửa dừng lại trước một ga lớn. Hành khách đua nhau lên xuống.
Có lẽ đêm đã khuya. Tạo ngủ từ quãng nào cũng không nhớ nữa.
Chàng bừng mắt nhìn xuống sân ga lúc ấy đương sáng một ánh đèn lạnh lẽo. Đó là thứ ánh sáng ở tất cả các nhà ga trên thế giới, lúc đêm khuya cũng chỉ gợi cho người ta sự hiu quạnh chia rẽ. Tạo vội vàng quờ tay sang bên cạnh. Tay đụng phải một cái gì âm ấm, lòng chàng bỗng vui mừng như đứa trẻ nửa đêm thức giấc nắm được vào người mẹ hay người bố. Sâm vẫn còn ở cạnh và đang ngủ trong cái hạnh phúc bao bọc cả hai người. Nàng cất tiếng hỏi:
- Ga gì thế hử anh?
Tạo ngoái cổ ra ngoài một lát rồi quay lại:
- Vinh! Hà, dễ đến Vinh rồi?
Chàng tự hỏi mình như vậy. Rồi im lặng. Trong bóng tối, Sâm và chàng không nhìn được mặt nhau, nếu không, nàng đã thấy rõ vẻ cảm động trên mặt người yêu.
Đoàn xe chuyển bánh, Tạo đứng sát vào người Sâm:
- Chúng ta sắp đi qua trường cũ của anh, Sâm ạ.
- Trường gì? Trường học ấy à? Làm sao?
ừ, như vậy thì không sao cả, đối với Sâm, đối với tất cả mọi người đang ngủ gà ngủ gật trên chuyến xe tốc hành. Nhưng đối với chàng, đó là một điều quan hệ. Đoàn xe vút đi như một cái tên bắn. Nhưng Tạo đã nhìn thấy hết, qua cái cửa sổ nhỏ. Những cây dương liễu đứng ở sân trường trung học từ cái thuở chàng ôm sách trên tay, giờ vẫn còn đứng đó. Cái sân cỏ rộng cũng vậy vẫn còn nguyên như cũ. Những hàng hiên vắng vẻ đi từ lớp nhà ngủ sang lớp nhà học vẫn như xưa. Và chung quanh là đồng ruộng. Tạo nhớ lại như vừa mới đó, chàng đi thui thủi trên những nơi kia, không dự gì vào cái vui tươi chung của chúng bạn. Tạo là một anh học trò cô độc, nghèo và rút rát. Đêm đến, chàng nhìn ngọn đèn xanh để suốt sáng trong buồng ngủ của lưu trú học sinh, rồi chàng nghĩ đến gia đình như một anh già. Chàng nghĩ đến tương lai nữa.
Bây giờ tương lai đã ở trong tay chàng. Chắc chắn rồi. Tạo lại có một người đàn bà ở bên mình. Tiền và đàn bà, hai tiếng đó vang lên trong đầu Tạo như tiếng guốc của bọn học sinh ngày trước kéo lê trên nền xi măng những hàng hiên, trong cái trường trung học cũ. Nỗi đơn độc ngày trước cũng làm cho tim chàng đập rộn rã lên một lúc, khi chàng quay về dĩ vãng, nhưng chẳng còn làm cho đau xót nữa. à, ra chàng cũng có quyền hưởng hạnh phúc như mọi người. Chàng có thể hưởng được? Vậy mà xưa kia chàng nghĩ lẩn thẩn rằng: "Có những người suốt kiếp không bao giờ được sung sướng. Và chàng là một trong số đó. Có những cuộc đời cởi mở và rộng rãi như những con đường đi đến các thành thị lớn lao và các đại dương. Nhưng cũng có những con đường bí tắc, không đi đâu cả: những con đường nghẽn".
Tạo nắm nhẹ cánh tay Sâm như muốn chuyển cho nàng một ít thỏa sướng đầy ắp cả ngực chàng. Tiếng bánh xe nghiến rít trên đường sắt, tiếng một vài hành khách ngáy hay nói chuyện ở cạnh chàng, tiếng thở của Sâm trong giấc ngủ mỏi mệt chập chờn, chàng nghe thấy hết. Và Tạo cảm thấy tất cả những cái gì ở chung quanh chàng đều không phải là làm ra để cho mình, vậy mà mình có hết. Cái cảm giác được sống sâu xa, thực sự cái đời mình giữa những vật vô can, cái cảm giác đó khiến chàng thấy lòng mình thắt chặt như trong một cơn khoái lạc.
Chàng đẩy cửa sổ trên xe cho nó rộng thêm ra một chút. Như vậy gió đêm sẽ đập vào mặt chàng và xua đuổi được ít nhiều hơi thở nặng nề của mọi người khiến chàng dễ chịu hơn. Trên trời sao đêm chen chúc lẫn nhau mà lấp lánh như bực tức vì chật chỗ. Chưa bao giờ Tạo thấy một đêm đẹp đẽ như thế. Chàng muốn gọi Sâm dậy kể hết quãng đời thiếu thời cực khổ của chàng nhưng chàng sợ Sâm không hiểu được. Và nàng rất có thể gắt lên vì đương hám ngủ. Tạo nói thầm với một mình mình:
- Này Tạo, anh thấy rõ ràng đấy chứ? Mười lăm năm trước anh đã qua con đường này. Anh buồn và khổ sở. Bố mẹ anh làm vàng hồ cả ngày lẫn đêm chỉ được hai hào chỉ. Anh đi học nhờ lương nhà nước, anh thèm tất cả mọi thứ ở đời. Anh thù giận xã hội. Anh không có bạn. Anh không có hơn hai cái quần lành để mặc. Buổi tối, khi các bạn anh ngủ yên lành rồi, anh gấp quần để xuống lưng nằm để cho có nếp lâu. Anh không có sách và anh phải chép hàng trang chữ in cho đến tê cóng cả tay. Những con nhà giàu gờm anh như gờm hủi. Chúng gọi anh là "người hà tiện". Nhưng nếu anh không hà tiện, thì anh còn trông cậy vào ai? Nhà anh năm sáu anh em đều khổ hơn anh cả.
Vậy mà bây giờ anh kiếm ra tiền. Anh có tiền trong túi của anh. Anh mặc Tây và thắt cà vạt tựa như tất cả mọi người trưởng giả. Anh chải đầu chứ không để bù xù. Anh lại lấy một người con gái mà anh thích, mặc dầu họ hàng, chúng bạn bảo anh người đó không đứng đắn. Anh gặp hắn và anh mê, rồi anh lấy, không kể gì tất cả. Anh đã đem người yêu đi chơi Huế. Như những kẻ tình nhân trong tiểu thuyết. Anh đi chơi thuyền, anh đi thăm lăng tẩm của các bậc đế vương ngày trước, anh nghe ca. Anh giống những mặc khách tao nhân tối thị phong lưu ở đời này. Và Huế là cái kinh đô huyền ảo nhất trên mặt đất.
Tạo tự bảo mình như vậy, trong tai còn văng vẳng tiếng thông reo trên các con đường núi đỏ bao bọc kinh đô. Anh nhắm mắt lại để thử nhớ một lần nữa những nơi vừa mới đi qua. Trời xanh ngắt. Những ngàn thông nghiêng ngả trên đồi, bóng Tạo và bóng Sâm song song nhau đi giữa đó. ái tình hát lên ở trong đầu chàng. Nước sông Hương lững lờ trôi. Bao nhiêu là âm thanh, bao nhiêu là màu sắc. Tạo chẳng dám ngờ mình lại có lần đi đến chốn lạ lùng này với một người đàn bà đẹp như Sâm. Thật là quá mức! Nhiều lúc chàng chợt giật mình cho rằng chàng đã không xứng đáng được hưởng cái ân huệ đó. Huế? Làm sao chàng chọn Huế? Là bởi trong tất cả cái thuở thanh niên mơ mộng của chàng, chàng đã nghĩ đến tỉnh thành này như người ta nghĩ đến thiên đường. Chàng đã đọc ở đâu đấy nhiều đoạn văn nói về xứ Huế. Tạo cho rằng khi có đủ tiền, thì việc đầu tiên mà chàng làm, là đi tới đó, với một người đàn bà đẹp.
Điều dự định lớn lao kia chàng đã thực hành xong. Tạo thấy rằng mình đã trở thành to lớn. Trong đời Tạo có hai điều đáng kể: việc chàng dám bỏ gia đình để tự sống một mình, và việc chàng dám tới chốn kinh đô ao ước kia với một người đàn bà mình chọn. Lần đầu chàng có cái kiêu ngạo của người đàn ông thấy cái vỏ của mình đã cứng, đã dám chống lại gia đình để sống theo chí nguyện. Ôi, những năm tù hãm trong cái không khí ngạt thở, cứ nghĩ lại mà sởn da lên được. Cái gia đình thê thảm của chàng gồm có một người cha mê vợ lẽ đến bỏ mẹ chàng chết rụi vì sầu muộn trong cảnh đời chiều. Và những người em hèn hạ vì cờ bạc, thuốc sái, chỉ rình chực chiếm đoạt gia tài của bố. Vậy mà xưa kia, đã có ngày cái gia đình ấy đoàn tụ và vui sướng trong cảnh nghèo an phận.
Ngọn đèn gia đình le lói trong đêm khuya khoắt. Những cái đầu xanh xúm quanh hai cái đầu điểm bạc. Và người ta làm, người ta hát hay cười. Người ta ky cóp từng đồng, có khi thức suốt đêm mà chẳng một ai ta thán. Chao ôi, thế mà có đồng tiền thì người ta chia rẽ. Không ai thương ai cả. Người ta thù oán và ganh tỵ. Người ta gây nên thảm trạng trong nhà.
Đó, chỉ có cái lần Tạo dám bước ra khỏi ngưỡng cửa thân yêu của nhà mình mà ra đi cùng thiên hạ ấy mới đáng kể nhất mà thôi. Tạo sẽ sống bằng cái sức của mình, không hèn đớn như những người thân, như những người thân của chàng trở nên ti tiện vì tiền bạc. Tạo sẽ bỏ mặc tiền bạc với cái sống hẹp hòi của mọi người cùng máu mủ với chàng, và không bao giờ chàng quay lại, dù là chàng chết đói. Chàng sẽ như con chó hoang thả giữa giống thú. Nhưng chàng có cái tự do của mình, cái đời sống của chính mình. Tạo nhớ lại cái đêm mình trở dậy với gói hành lý nhỏ mọn trong tay để bước ra đường. Trời nổi gió, chàng đi như một cánh buồm đã căng lên. Đầu chàng rối loạn. Trong tai như có một đám hội nổi lên. Chàng ngờ cái sức của mình, cái vốn liếng của mình mang ra đóng góp với "đời". Đời! Cái kẻ địch ghê gớm đấy sẽ nuốt chửng chàng vào bụng như nó đã từng nuốt bao nhiêu kẻ non yếu và khờ khạo. Không, không, chàng sẽ thắng, bởi vì chàng là một thiếu niên. Mà một thiếu niên tức là một kẻ anh hùng. Chàng đã cầm gươm lên ngựa thì rồi chàng sẽ phải xông vào cuộc.
Cái kiêu ngạo khi xưa lúc này Tạo lại thấy có ở lòng mình. Chàng đã không giống một con người nào của gia đình. Chàng đã có một con đường riêng để mà đi, anh em họ hàng không dự gì vào đó, và họ cũng không hiểu được cái hân hoan hay cái chua chát của người phấn đấu, của con chim bay bằng cánh của mình ở giữa trời.
Tạo đã thấy được Đời. Chàng nghĩ vậy và cúi xuống nhìn khuôn mặt đẹp của người yêu trong giấc ngủ. Chàng cởi chiếc áo tây đương mặc ở người ra để đắp cho Sâm, âu yếm như một người mẹ. Trời gần về sáng, gió đồng ở hai bên đường xe lửa đưa lên đã lạnh hơn. Một ông già ngồi gần đấy ho sù sụ. Tạo ngồi sát vào người Sâm mong rằng nàng sẽ ấm hơn. Mấy người đàn bà đi buôn ngồi trước mặt chàng thấy vậy thì thầm với nhau không hiểu "đôi kia" là vợ chồng hay là kẻ tình nhân? Tạo cũng biết là họ đương bàn tán về mình. Và sự đó, càng khiến chàng thêm sung sướng.
*
* *
- Chị Sâm ạ, cứ mỗi lần tôi nhìn thấy khuôn mặt chị tôi lại nghĩ đến người thiếu nữ mà tôi yêu hồi mười chín tuổi. Sao lại giống nhau đến thế?
- Thực à?
Sâm hỏi một cách tin tưởng vậy. Nàng chắc rằng người đó cũng đẹp như mình. Và nàng thương hại người đàn ông bé nhỏ đối diện. Nhưng vốn tính không chịu được buồn lâu nàng hỏi lại:
- Vậy thì chắc anh làm nhiều thơ vì "cô ta" lắm nhỉ?
- Suốt một đời tôi, câu thơ nào làm ra cũng vì ngươì đó. Chao ôi, chị có thể nào hiểu được ? Khi người ta bị chia lìa trong lúc yêu nhau...
Sâm ngẫm nghĩ "Khi người ta bị chia lìa trong lúc yêu nhau". Câu đó nghe như một tiếng đàn. Nàng nhìn lại mặt Tôn, người thi sĩ. Và nàng thấy anh chàng không bé nhỏ nữa. Nàng kính phục. Một kẻ đàn ông chung tình là một người hiếm có và đáng kính đối với đàn bà. Nàng nói:
- Hừ, lạ thực! Cái đời anh với đời anh Tạo thật khác nhau quá sức!
Tôn đứng dậy như một người sắp sửa làm một việc gì quan trọng lắm. Nhưng Tôn không làm gì cả. Chàng hỏi: - Chị cũng thấy vậy à?
-ừ, anh Tạo thì hoạt động, nói ít làm nhiều, kiếm nhiều tiền, còn anh ...
- Còn tôi thì nhàn rỗi, nghĩa là lười biếng, và không kiếm ra tiền mấy.
Tôn ngồi phịch xuống như một khối thất vọng. Câu chàng nói tiếp như một câu trách móc, nhưng chính là sự thực. Tôn cũng biết là mình vô dụng. Sâm sợ hãi, chữa vội vàng :
-Không, tôi muốn nói rằng anh và anh Tạo rất khác nhau, nhiều lúc tôi không hiểu nên cho cái đời nào là giá trị. Anh Tạo khô khan, tính toán, thiết thực ... Sâm chưa nói hết thì Tạo ẩy cửa đi vào. Nàng mừng như người vừa thoát nạn :
- à, anh Tạo đã về! Em và anh Tôn đương nói đến anh. Nhưng làm gì mà tươi tắn thế?
Tạo xoa tay phá lên cười:
- Không tưởng tượng được! Chỗ đinh khóa và bản lề đó, tôi được lời ngót một ngàn! Ngót một ngàn! Tối hôm nay chúng ta đi ăn hiệu, đừng làm cơm nữa.
Mắt Sâm bỗng sáng lên. "Đinh, khóa, bản lề", đây cũng là một bản đàn. Mà cũng chẳng kém phần réo rắt. "Khi người ta bị chia lìa trong lúc yêu nhau" và "đinh khóa bản lề", đằng nào nghe cũng được. Nhưng lúc đó, nàng coi như trong phòng không có bóng Tôn nữa. Nàng nhìn cái trán rộng rãi và rám nắng của Tạo, và nàng nghĩ đến một cuộc vui chơi như kỳ đi Huế, hồi mới gặp Tạo.
Cái thời khắc mơ mộng đã xong. Tôn lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Chàng nói với hai người:
- Tôi phải đi ra nhà báo một lát, chưa chắc đã đi ăn với anh chị được.
Tạo đập vào vai bạn:
- Anh không đi đâu cả. Làm báo là cái nghề chết đói hiểu chưa? Anh sẽ đi với chúng tôi, bởi vì tôi còn kiếm ra tiền.
Tạo quay lại phía Sâm mà tiếp:
- Có phải không Sâm? Cái gia đình của chúng ta neo người quá! Nếu không có anh Tôn đi lại thì vui sao được?
Sâm phụ họa vào ngay:
- Anh Tôn thế nào cũng phải đi với chúng tôi.
Tôn không có cách nào từ chối nữa. Đã mấy tháng nay, Tôn tự coi mình như đã thuộc vào sự thân mật của cái gia đình son trẻ ấy. Tôn và Tạo là đôi bạn cũ. Tôn được Tạo mời đến nhà mình giữa lúc chàng vừa xây xong cái tổ. Hạnh phúc của Tạo đầy tràn quá. Phải có một người thứ ba trông thấy chàng sung sướng và thèm thuồng. Chàng đã chọn Tôn, một kẻ xấu hơn mình, nghèo hơn mình, để dắt về nhà. Như vậy Tạo sẽ không có điều gì lo ngại. Tôn sẽ làm nổi bật cái lộng lẫy của đời kẻ khác lên. Tôn hiểu như vậy lắm. Các bữa cơm do tay Sâm sửa soạn, các bữa cơm hiệu đầy đủ cao lương mỹ vị mà Tạo thết chàng cũng còn hơn là bữa cơm đạm bạc cô độc của chàng trong nhà trọ. Huống chi Sâm lại là một người đàn bà nói chuyện có duyên. Và nàng lại thích đọc thơ và tiểu thuyết. Tôn ngắm Tạo kỹ càng và Tôn không thấy Tạo có gì là xuất chúng cả. Cái gì ở Tạo cũng thường thường. Mặt mũi, thường, dáng điệu cũng thường. Vậy mà Tạo đã có tất cả những cái mà một người đàn ông mong ước. Tạo đã có một cái nhà để ở với một người đàn bà mình thích, chứ không phải đi trọ như Tôn. Tạo ăn và mặc, và đi chơi một cách tự nhiên, chứ không chật vật như Tôn. Tạo lại đi buôn bằng nước bọt mà lãi bạc ngàn như bỡn. Tạo vẫn nói:
- ở Hà Nội, thường ngày có những kẻ vác cặp da đi nói khoác mà làm ra bạc. Trong số đó tôi là một.
Chao ôi, giá mà Tôn cũng sống được dễ dàng như Tạo giữa cuộc đời! Giá mà Tôn làm được những việc của Tạo dễ dàng như Tôn đã làm thơ hay tiểu thuyết. Giá có thể đổi lấy một nửa cái tài của bạn. Thật là chua chát! Bao nhiêu sôi nổi của lòng Tôn đã biến ra thơ văn hết cả. Trong khi đó thì bao nhiêu điều suy nghĩ ở đầu Tạo đã biến thành ra bạc. Mà bạc thì mới làm cho con người sống được một cách đường hoàng.
Tôn không đến nhà báo như chàng đã nói. Tôn đi ăn với cặp Tạo - Sâm, và khi cả ba người tới một tiệm ăn hạng nhất của người Tàu ở phố Hàng Buồm thì chàng không còn những tư tưởng yếm thế trong đầu nữa. Mùi chim quay và mùi rượu Thanh Mai bốc lên ngào ngạt. Tạo gọi hết món ăn này đến món ăn khác, mà toàn món bổ. Hình như đời Tạo chỉ có hai việc chính: kiếm ra tiền và ăn cho bổ. Sâm cũng vậy, từ lúc ngồi vào bàn ăn hình như nàng trẻ đẹp thêm ra. Chung quanh ba người cũng có những người đàn bà khác ngồi ăn uống, nhưng Tôn không thấy có người nào tươi tắn mặn mà như Sâm. Nàng cũng uống một ngụm rượu khiến cho hai má hồng thêm và đôi mắt tinh anh thêm chút nữa. Tay nàng nắm đũa có nhẫn kim cương lóng lánh. Cái dáng điệu nàng ngồi ăn trông cao quí quá chừng. Tôn cười với bạn:
- Bữa tiệc vui mà không có giai nhân thì cũng uổng. Anh xem bao nhiêu người nhìn vào bàn chúng mình, làm tôi cũng được thơm lây. Xin uống vì hạnh phúc vô song của anh cho rõ thực say.
Tạo nâng cốc uống một hơi như một con trâu khát nước. Tôn tưởng tượng Tạo có thể nốc cả bát rượu đầy mà thân hình vẫn bền vững như thường. Đến sự uống, chàng cũng chịu thua Tạo nốt. Chàng làm thơ mà không uống được rượu. Đó là một điều thất bại nữa. Nhưng có một chút hơi men thấm vào cái quả tim bé nhỏ của chàng cũng đủ làm cho nó rung lên một điệu riêng. Tôn thấy mình không ăn nhập gì vào cái xã hội của những người no nê đầy đủ và tự mãn sống ồ ạt quanh mình. Tôn thấy mọi vật là thường hết. Chỉ có linh hồn thanh khiết của mình trong hiu quạnh là hơn cả. Có làm gì những tiếng vàng tiếng bạc chạm rượu ngon, thịt ngon và Sâm đẹp. Chàng hưởng thụ mọi sự ở đời bằng cách riêng. Và Tôn chắc chắn rằng nếu bây giờ hai người đàn ông ngồi cạnh người đàn bà kia, có một người biết rõ cái giá trị của sắc đẹp, của tình yêu thì người đó là Tôn, Tôn chứ không phải Tạo. Mà ví thử bây giờ đem hỏi Tạo xem cái màu mắt của Sâm nên ví với màu gì Tạo chịu không trả lời ngay được. Tạo chỉ sống hời hợt, sống ở từng trên sự vật. Còn Tôn, Tôn biết rằng mình sống ẩn vào trong. Và đó mới là cái sống. Tôn muốn làm ngay một bài thơ lúc đó. Một bài thơ chỉ gồm có một câu, theo lối những nhà thơ sợ phí thì giờ cũng được.
Nhưng bàn rượu bỗng có một người đến quấy rầy, làm cho nguồn thơ chàng biến mất. Đó là một loại "cầm cặp da đi nói khoác mà ra bạc" như Tạo. Hai người "buôn nước bọt" gặp nhau, vồn vã một cách niềm nở, nhưng giả dối. Họ ghé vào tai nhau mà bảo cho nhau biết những giá hàng có thể "làm ăn được". Mắt Tạo nảy ra những tia đắc ý khiến Tôn trông mà phát ghét. Tôn nhìn Sâm mà tự bảo:
- Hừ, làm quái gì cái đồ tự túc đó? Sâm đêm nay đẹp thế kia, nhưng có ai để ý đến đâu? Tôn uống một tợp rượu nữa và chàng nhìn ngắm bàn tay trắng trẻo của mình, thanh tú như một bàn tay đàn bà. Một bàn tay chưa từng làm việc gì bẩn cả. Tôn nghĩ vậy. Và chàng có dáng điệu một ông hoàng thất thế, chàng nghĩ rằng cái tay của mình chưa bao giờ nắm nhiều giấy bạc cả, vì nó chỉ viết ra văn thơ. Chàng hơn đời ở chỗ đó. Và kém đời cũng vì chỗ đó.
Người lạ mặt đi rồi, Tôn thở ra khoan khoái, những câu chuyện buôn bán của Tạo và người đó làm chàng chán nản. Mà Sâm cũng vậy, hình như nàng cũng không lấy gì làm chú ý đến câu chuyện của hai người.
Tạo gọi một người hầu sáng đến tính tiền. Chàng mở cái ví da khá lớn của mình ra. Tôn đánh diêm hút thuốc nhìn đi chỗ khác. Bữa ăn đương tiêu hóa. Đời đương đẹp. Chàng không muốn biết rằng bữa cơm vui vẻ, ngon lành kia, người ta đã trả bằng tiền, bằng đồng tiền kiếm rất khó khăn chật vật. Sâm cũng lấy ví sửa lại cái nhan sắc của mình bằng son phấn. Dáng điệu của nàng ung dung điềm tĩnh như cố ý bảo hai người đàn ông ngồi trong bữa tiệc: "Có làm gì những sự thờ phụng của các anh. Chỉ có nhan sắc này là đáng kể". Tạo đẩy ghế đứng lên và nói:
- Ngày mai tôi xuống Phòng sớm. Có món sợi này bở lắm.
Ngoài đường, không khí đầm ấm như trong giữa mùa xuân. Người ta đi đi lại lại như ai ai cũng có một nỗi vui ở lòng mình. Tạo nện gót giầy đi giữa bạn và người yêu như một ông tướng trận. Bỗng chàng nghe Tôn nói:
- Bây giờ tôi trở về nhà. Tôi sẽ leo lên cái gác hẹp và thấp. Tôi sẽ thức suốt đêm để nghĩ đến một người đàn bà đã chết rồi.
Tạo cười chế nhạo:
- Đồ thi sĩ!
Nhưng Sâm nói tiếp:
- Anh Tôn nói đúng. Những đêm như đêm nay lòng người có nhiều sự nhớ tiếc bâng khuâng lắm. Những người làm thơ như anh Tôn mới hiểu.
Tạo quẳng điếu thuốc đương hút dở. Chàng hơi kinh ngạc nhìn Sâm. Chưa bao giờ nàng nói một câu lạ tai như vậy.
*
* *
"Anh Tạo,
"Chuyến này anh về nhà chắc anh buồn lắm. Em cũng vậy anh Tạo ạ. Nhưng không hiểu sao vẫn có một sức mạnh gì lôi kéo em đi. Em biết là anh Tạo yêu em lắm, thương em lắm. Em không phải là đồ vong ân bội nghĩa. Anh đã chiều em hết sức, em không ao ước gì hơn là ở với anh hết đời hết kiếp, để hầu hạ anh, làm kẻ tôi đòi cho anh. Nhưng em là đàn bà, anh Tạo ạ. Em hèn yếu lắm. Vậy thì chỉ còn mong anh tha thứ mà thôi. Em đi với anh Tôn đây. Vâng, Tôn, người bạn nghèo của anh. Em đi để chia xẻ cái đời bất hạnh đó. Em biết rằng em sẽ không được như khi ở với anh, nhưng số kiếp như vậy, "lại tìm những lối đoạn trường mà đi". Em cũng không hiểu em yêu Tôn tự bao giờ. Trong từng ấy tháng trời, anh ấy đi lại nhà này, chính anh cũng biết đó, em vẫn tỏ ra là một người đoan chính. Nhưng sự đó có lẽ do duyên kiếp. Em thấy em hợp với anh Tôn hơn là hợp với anh. Anh đừng giận, anh Tạo của em, anh Tạo mà không đời nào em quên được. Anh đừng giận bởi vì chính ra cũng tại anh. Tại sao anh không có lấy một phần tình cảm của anh Tôn.
"Ngoài sự ấm no, người đàn bà còn cần đến món ăn đó nữa cho linh hồn. Anh có những công việc của anh, anh bận rộn quá, anh không để ý đến việc gì khác ngoài việc kiếm tiền. Trong lúc đó thì em sầu não quá. Lòng em có đâu được cứng cỏi như bọn đàn ông. Chao ôi, anh không hiểu được, em chắc vậy. Em có nói ra chắc anh cũng không hiểu được cho em. Như cái hôm anh đi Nam Định mà em sốt mê man đó. Nếu anh Tạo của em có nhà! Em đã gọi anh suốt cả đêm, nhưng chỉ có anh Tôn. Em sốt đến bốn mươi độ, mà anh thì đi vắng. Anh Tôn đi gọi đốc tờ, anh Tôn đi mua nước đá. Anh Tôn vất vả cả ngày hôm sau nữa. Bạn anh đã trông nom em, trong lúc anh mải mê kiếm tiền. Bạn anh đã có những cử chỉ dịu dàng, những lời an ủi nhẹ nhàng, khiến cho em cảm cái tấm lòng tốt của người ta quá. Người ta nghèo thật, nhưng mà tốt phải không anh. Khốn nạn, em đã đến cái chỗ anh Tôn trọ, em đã trông thấy cái nơi anh ấy nằm. Thật là thảm hại. Anh Tạo ơi, anh đã có một đời sung sướng như vậy thì anh không hiểu được người nghèo. Nhà em xưa kia cũng nghèo nên em hiểu và thương hại anh Tôn. Em chắc anh là một người có hạnh phúc từ trong trứng. Vậy thì anh không thể nào hiểu và tha thứ cho em và anh Tôn được.
"Em thấy rằng đời em không sống yên ổn trong sự giàu sang no đủ. Như thế là dại lắm, em biết lắm, nhưng em vẫn theo tiếng nói của lòng mình. Những người như em và Tôn, hình như trời sinh ra để chịu sự nghèo khó hơn là hưởng sự an nhàn êm ấm. Không hiểu mãi đến lúc gặp anh Tôn, em mới có tư tưởng ấy hay là em đã có từ lâu rồi? Nhưng dù sao em cũng xin anh Tạo của em tha tội. Và nhất là anh đừng giận anh Tôn. Trăm sự đều tại em, đứa đàn bà khốn nạn này. Anh đã được đời chiều chuộng, anh đã có một số phận hơn người từ bé, anh nên biết thương những kẻ không may mắn như em và bạn của anh.
Người đàn bà phụ bạc lạy anh. Sâm."
Tạo đọc xong bức thư không biết mình nên đập hết đồ đạc và phá nhà rồi chạy ra đường, hay nên đi tự tử. Tay chàng run lên như sốt rét. Nếu lúc đó có một cái gương lớn cho Tạo nhìn vào, chàng sẽ thấy cái vẻ mặt mình là vẻ mặt một kẻ giết người. Chàng không chạy đi đâu cả. Chàng ôm đầu ngồi rũ xuống bàn như một cái cây bị chặt gốc. Có một cục đá lớn đè lên cổ họng chàng. Rồi nước mắt cứ việc tuôn ra ở hai con mắt của chàng. Nó tuôn ra cả hai lỗ mũi. Người Tạo là một cái đê vỡ. Chàng mặc cho đau xót chảy ngang dọc tung tóe khắp cơ thể mình như những làn nước lụt. Chàng nghĩ đến mẹ mình chết héo hắt, vì người chồng già phụ ngãi. Chàng nghĩ đến cái gia đình chia rẽ của mình mà từ lâu chàng không nhớ tới. Chàng nghĩ đến đoạn đời tủi nhục của mình thuở bé. Chàng rên lên tuyệt vọng:
"Chao ôi, chúng tưởng ta không có một quả tim nhiều tình cảm như của chúng? Đã khốn nạn chưa hở Tạo? Cái quả tim yếu ớt dễ rung động nhất đời kia của mày, mày đã làm gì nó? Mày đã cắn răng bóp chết nó đi rồi. Và mày đã luyện cho nó rắn chắc như hòn đá. Mày có một hòn đá cuội ở trong lồng ngực, ở chỗ mà Thượng đế đặt quả tim của con người ta vào đó. Mày đã cố thay đổi cuộc đời. "Sống khỏe để mà vật lộn". Vì không vậy, vì nhiều tình cảm thì chết đói. Khốn nạn cho thằng Tôn! Khốn nạn cho con Sâm! Đời mình tháo vát thế này mà còn chửa ra gì, huống hồ nữa là làm thơ mà sống được, mà yêu nhau được. Cái khờ dại của chúng đã giết hại luôn cả đời mày rồi Tạo ạ. Bây giờ ta định xử trí thế nào đây? giết cả hai đứa hay là quên chúng đi, quên cái việc bội bạc, đau đớn chúng đã gây ra cho đời mình". Quên. Giết. Máu. Đầu Tạo có những chữ đó sáng lòe như chớp.
Người đàn ông khốn khổ không còn biết hành động ra sao nữa. Chàng là một con tàu mất hướng. Chàng không còn một sự sáng suốt nào trong người nữa. Nếu giữa lúc này mà chàng làm "công chuyện" của mình thì là thua lỗ, là sai hỏng hết. Mà Tạo còn lòng nào nghĩ đến chuyện làm ăn nữa. Bây giờ là ngày hay đêm, chàng cũng không nhớ nữa. Chàng đã đổ sụp như một cái nhà tuy mặt ngoài hào nhoáng nhưng cốt trong thì già yếu đã lâu rồi.
Tạo đứng lên đi đi lại lại trong gian phòng mới cách mấy ngày đây vốn sực mùi hương phấn của Sâm. Cô độc! Cô độc! Từ đây thì Tạo lại sống cái đời cô độc của chàng như cũ. Đứa đầy tớ không có việc làm, ngủ trong bếp co quắp như một con vật bị người ta trói chặt chân tay trên chõng. Cái nhà của Tạo có hơi lạnh như là nhà đám. Chàng mở cửa buồng, đứng ngắm những đồ vật do tay Sâm sắm sửa, trang hoàng. Này đây là tủ áo. Chàng mở tủ ra, chùm chìa khóa để nguyên trong lỗ khóa. áo quần còn nguyên như cũ, có lẽ Sâm chỉ mặc có một cái áo thường và cũ nhất mà ra đi với Tôn. Nàng không mang theo một vật gì khác ngoài cái tình của nàng, để bước khỏi nhà này với người yêu. Đã thấm chưa? Người ta không cần gì cái giàu sang của Tạo cả. Người ta đi với bàn tay trắng. Và người ta biết yêu nhau. Thôi, cái tai họa của chàng thực là không cứu được nữa rồi. Tiền bạc làm hỏng hết! Chàng đã biết vậy, sao chẳng đề phòng? Chàng nản hết! Chàng nản hết!
Tạo gọi thằng ở dậy. Chàng giao nhà cho nó như khi người ta giao của cải cho một người nào đó giữ để đi sang thế giới khác cho thoát kiếp. Chàng không còn gì nữa hết! Chàng nghĩ đến rượu và chàng bước ra đường. Ngoài đường, thiên hạ vẫn sống như thường, xe cộ vẫn rộn ràng, người đi lại vẫn tấp nập không ai biết rằng trên đời có một kẻ tên là Tạo đang đau khổ và đang chán ngấy sự đời. Chẳng nhìn mọi người đi trong phố với những nỗi lo toan hay hy vọng của riêng mình. Chàng nhớ lại cái hình dáng chàng mọi ngày vác cặp đi chen chúc trong đám đông. Chàng cười nhạt một mình. Bỗng tự dưng chàng cười nhạt một mình. Và Tạo thấy lòng mình tuy chứa đầy nỗi đau xót, nhưng đã nhẹ biết bao nhiêu phiền muộn. Chàng ngửa mặt nhìn lên một cái cây cạnh đường đi, trời không có gió, nhưng tầng lá dưới cùng của cái cây lại lay động. Đã lâu lắm, bây giờ Tạo mới để ý đến rằng ở đời còn có những cái cây nẩy lá xanh. Và những cái cây ấy vẫn sống, không dự gì vào cuộc xôn xao vô ích của người ta cả. Có lẽ trong người Tạo, tại một chỗ nào sâu kín cũng có một sự rung động hiu hiu như từng lá dưới cùng ở cái cây kia. Tạo không thiết tha gì sự sống lắm, nhưng mà phút này, chàng không muốn chết như vừa đây nữa. Chàng cũng không muốn giết một người nào nữa. Chàng đi lang thang hết phố nọ đến phố kia như một triết nhân. Những kẻ bất mãn ở đời đều có thể làm triết nhân được cả. Chàng tìm những đường phố vắng mà đi, sợ rằng mình có thể gặp Sâm , hoặc Tôn, hoặc một người bạn làm ăn buôn bán với mình. Tạo thấy mình xa hẳn họ rồi. Và sau cùng chàng đi ra mãi ngoại ô lúc nào không biết.
Trời lúc đó đã về chiều. Có một đám đông, phần nhiều là con trẻ, tụ họp nhau xem bọn khách bán thuốc làm trò các cửa ô. Tiếng phèng phèng của bọn khách mỗi lúc lại kéo thêm được một dúm người tò mò lại gần mình. Như mọi hôm thì không bao giờ Tạo lại phí thời giờ "vàng ngọc" của chàng cho những việc làm tầm thường như vậy. Nhưng lần này không hiểu vì sao chàng cũng lại tò mò như lũ trẻ. Chàng bước gần cái vòng người bậu quanh đám khách bán thuốc mãi võ. Chàng thấy một người Tàu cao gầy đương làm trò nuốt lửa. Người Tàu vừa hò hét bằng tiếng nước mình vừa đấm vào ngực thình thình. Thỉnh thoảng hắn lại ngửa người bỏ cái bùi ngùi lửa vào mồm mà không tỏ vẻ gì khác cả. Người xem cảm động không ai nói một tiếng. Cứ xong mỗi trò, bọn khách lại lôi một hai con rắn bỏ trong một hũ rượu thuốc ra quảng cáo và bán rượu cho một vài người. Muốn tỏ cho công chúng biết là rượu tốt, hai thằng hề trong bọn bán thuốc rong chốc chốc lại cởi trần ra đánh võ. Chúng đấm vào ngực, vào mặt nhau làm cho da thịt đỏ hằn lên, rồi cuối cùng đều múc một chén rượu cho để uống, làm như không hề gì cả. Gió chiều thổi lạnh. Chỗ đánh võ bụi bốc lên. Người lớn và trẻ con reo hò. Tạo cũng quên cả cái sầu đè chĩu trong lòng mình một lát. Chàng nhìn hai con khỉ gày xơ xác ngồi nép mình bên đùi người khách. Hai con khỉ phải làm trò gánh nước và kéo xe xong, được bọn trẻ con thích lắm. Bây giờ chúng mệt, vừa nhìn đám đông vừa thở. ở chân mỗi con có một cái xích sắt dài. Chúng nhìn đám người xem một cách buồn rầu, và hình như chúng nghĩ: "Chúng ta sinh ra ở rừng xanh đẹp đẽ kia. ở đấy có suối mát, có hoa quả ngon lành. Và chúng ta không trông thấy có giống người độc ác. Chúng ta làm cái trò gì thế này? Chúng ta kiếm tiền để làm gì? Rừng núi! Thiên nhiên ôi!".
Trời sắp tối. Trong một vài nhà gần đó đã có ánh đèn. Bọn bán thuốc đã mệt, mà tiền nhặt được chả là bao. Đám đông tan rã. Tạo không đói, nhưng chàng cũng không quay trở về đường cũ. Có lẽ chàng sẽ trở về nhà và sống như thường. Chàng sẽ ăn và rồi làm việc và kiếm được tiền như trước. Chao ôi, đời không là gì cả. Nhưng nó đè bẹp người ta. Tiền bạc không là gì cả, nhưng không có nó thì không được. Tạo thấy trong mình tự nhiên mỏi mệt, như cơ thể bỗng trống rỗng. Kể cả lúc đi làm ăn khó nhọc nhất cũng chưa bao giờ chàng thấy thế. Chàng biết lúc này chỉ có bàn tay mát dịu của Sâm đặt lên trán chàng, sục vào tóc chàng mới làm cho chàng dễ chịu được. Nhưng Sâm, Sâm thì chẳng bao giờ nữa. Chàng thề không bao giờ nhìn lại mặt người đàn bà đó nữa. Đời có thiếu gì những người đàn bà nhan sắc. Đêm nay chàng sẽ uống rượu thật say và chàng sẽ đi hành lạc trong những kỹ viện có tiếng là sang trọng. Đồng tiền của chàng sẽ đem lại cho chàng nhiều thứ lạ. Chàng sẽ hành hạ những người đàn bà đẹp như Sâm cho xứng đáng với đồng tiền, như những kẻ phàm phu tục tử. Đàn bà theo ý Tạo lúc này chỉ là một giống ưa nhận tiền bạc đãi. Họ chỉ có thể nhận hạnh phúc trong cay đắng, trong sự dằn vặt bởi giống đàn ông mà họ phục tòng. Họ chỉ có thể sung sướng trong sự đọa đày.
*
* *
Tạo nhìn bàn tay Sâm đặt trên bàn. Bàn tay nổi gân xanh, và không còn nhẫn. Nhưng bàn tay vẫn còn đẹp lắm. Có lẽ chiếc nhẫn kim cương đã bị tiêu vào lúc Tôn ốm và Tôn mất. Chiếc áo trên người Sâm vẫn là chiếc áo lúc ra đi. Nhưng đã hơn một năm trời rồi. Chiếc áo đã bạc màu. Một mùi ẩm mốc phảng phất trong gian nhà hẹp tối. Trên bàn thờ lạnh lẽo, chiếc ảnh của Tôn lồng trong khung kính cười với Tạo một nụ cười gượng gạo. Trong hai người, bây giờ Tạo biết mình là một kẻ bại rồi. Tôn đã bước sang cõi bên kia, không ai chạm đến người được nữa. Tôn đã làm gì người đàn bà yêu mến của Tạo rồi? Hắn đã làm thành một cái giẻ rách. Chao ôi, sự đời đến thế này ư? Một bên là no đủ, một bên là đói khổ. Người đàn bà đã chọn cái thứ hai. Tạo không thể tưởng tượng được rằng lớp cuối của đời Tôn và Sâm, và đời mình lại diễn ra trong một cái nhà lá hẹp, ở một vùng ngoại ô lầy lội thế này. Hình như trời vẫn mưa bụi ở bên ngoài. Tạo hỏi Sâm bằng một giọng hơi phẫn uất.
- Thế cái nhà này của ai mà Sâm lại đến đây?
Sâm chùi một giọt nước mắt và đáp lại:
- Nhà của bà cô em. Khi anh Tôn ốm nặng, và không còn đồng nào nữa thì chúng em dọn về đây.
- Thế ai bảo Sâm viết thư gọi tôi lại? Cũng bà cô ấy à?
- Không, anh Tôn khi hấp hối...
Tạo tiếp lời Sâm chua chát:
- Anh Tôn khi hấp hối liền nghĩ đến tôi, vì anh biết tôi là một người yếu đuối, tôi còn có thể yêu Sâm, và tôi sẽ tới.
Tạo nhìn vào chiếc ảnh của Tôn mà nói. Chàng cay đắng rằng Tôn không còn sống để cho chàng rửa được thù. Chàng bỏ hai tay rơi thõng xuống. Người chết, anh chàng thi sĩ thực là quá quắt. Hắn đoán hiểu được lòng tất cả mọi người. Hắn biết được đàn bà ao ước cái gì, và đàn ông chỉ là những đồ hèn nhát. Một giọt nước mắt của giống yếu làm cho quả tim cứng rắn đến đâu cũng phải tan.
Bây giờ Tạo sẽ nói những chuyện gì với Sâm? Trách móc hay giận dữ? Cái gì bây giờ cũng không có ích cho cả hai rồi. Sâm bây giờ là một kẻ bơ vơ. Chàng là một người đàn ông cô độc. Người đàn ông ấy mặc dầu thế nào cũng chưa quên được chuyện cũ. Chàng ngao ngán. Chàng chỉ còn nên ngao ngán. Chàng không đánh được ai. Và chàng biết rằng không bao lâu nữa, chàng lại sẽ yêu Sâm như là Sâm không làm điều gì xằng bậy đối với chàng.
Ngoài ngõ, trời vẫn sụt sùi mưa. Thôi thôi cái số kiếp của chàng là như vậy. Hạnh phúc thừa của thiên hạ mới đến phần chàng. Những người như chàng, chàng tin rằng không bao giờ được hưởng một cái gì trọn vẹn. Xưa kia chàng đã mặc những áo thừa của các anh, do bà mẹ chàng hoạn lại. Không bao giờ người ta may cho chàng một cái áo riêng. Tạo không bao giờ có một cái gì riêng cho mình mình hết. Chàng nhìn Sâm bây giờ gầy võ, nhưng còn đủ đắm say chàng. Và chàng tự an ủi: "Thôi, ta có vậy thì ta cứ giữ. Số kiếp ta là thế. Đời nó chẳng là gì hết. Nhưng nó đã đè thì ta phải chịu". Tạo nghĩ vậy, và chàng nhìn quanh gian nhà của bà cô Sâm lần nữa. Cái mùi mốc nhạt nhẽo của những gia đình nghèo khổ lại đưa lên mũi Tạo, khiến chàng nhớ lại thuở hàn vi của bố mẹ mình. Chàng đoán rằng Sâm cũng như chàng, không ai muốn ở lâu trong một cái nhà như thế. ở ngực chàng, cái tức hận vẫn nằm ngang như một hòn núi chặn đường. Nhưng chàng đã thương hại Sâm ngay khi chàng bước vào cửa nhà này. Ôi, cái lòng của chàng bao giờ cũng vậy, bây giờ cũng yếu, bao giờ cũng nặng những tình thương làm thiệt hại cho đời mình. Chàng biết lắm, Chàng thở dài ảo não:
- Lầm hết! Người ta lầm nhau hết!
Sâm tưởng là Tạo vừa thốt ra một câu trách oán, mỉa mai. Nàng ngước mắt nhìn chàng cầu khẩn:
- Thôi, tôi xin anh quên hết! Tôi biết tự tôi làm ra cái cảnh này đây. Anh thương được phần nào may phần ấy. Bằng không, xin anh cứ coi như là việc đã rồi. Tôi nghĩ cũng không dám làm bận đời anh nữa.
Cái giọng Sâm quả quyết như là nàng lại sắp dự định một điều gì ghê gớm. Người đàn bà này phải coi chừng. Tạo không phải là địch thủ của hạng người như vậy, về tình cảm. Chàng có thể được lãi rất nhiều trong khi nói những chuyện về "đinh, khóa, sắt", nhưng bước vào cái địa hạt này thì chàng là một người yếu vậy. Bước vào những trận này thì chàng là người thua lỗ trước.
Chàng đấu dịu:
- Không. Sâm lầm! Tôi đã quên hết trước khi bước vào đây. Nếu không, tôi đã không tìm gặp lại Sâm. Tôi cũng có một tấm lòng Sâm ạ, mà nó không phải là bằng sắt.
Chàng nói vậy rất nhanh, cho thế là quá đủ. Rồi chàng đứng phắt lên, sợ rằng tình thế ấy sẽ kéo dài ra một cách bất lợi cho chàng.
- Thôi, chúng ta đi, tôi vẫn còn giữ cái nhà thuê lúc trước!
Tạo mặc áo mưa vào, rồi nắm cái cán ô ở trong tay.
Sâm nói:
- Anh đi ra ngõ trước chờ em một lát.
Tạo quên rằng Sâm còn có một bà cô, và nàng không thể đứng lên đi một cách đột nhiên như thế được. Chàng có nghe tiếng ho nhè nhẹ ở buồng bên. Chàng đưa mắt hỏi Sâm có nên lên tiếng chào chăng? Sâm giơ tay ra hiệu cho chàng bước lùi ra cửa.
Ngoài ngõ, bóng tối đã phủ dày, gió thổi từng trận một. Tạo thấy ngực mình nhẹ nhõm hơn. Chàng giương ô lên đợi.
Vài người thợ đi làm về hát nghêu ngao trong ngõ tối. Một hai cửa hàng tạp hóa con con thắp những ngọn đèn dầu cháy lù mù. Có tiếng ru em trong một căn nhà không có ánh đèn. Cái xó tối tăm, nghèo nàn nhất trần gian cũng chứa đựng lúc nhúc những mầm mống dồi dào mãnh liệt như trên đống phân chuồng, ánh lên cái ánh biếc của các loài sâu bọ.
Tạo hít từng hơi gió lạnh vào trong ngực. Những cảm giác nặng nề lúc mới bước vào đây không còn nữa. Sự khinh khi buồn phẫn bây giờ nhường chỗ cho một sự ngạc nhiên lớn trong khi chàng nghĩ đến muôn ngàn trạng thái khác nhau của những cuộc đời. Trong mỗi căn nhà tối mịt kia đều có một cái vui riêng, không chuyện nào giống chuyện nào, mỗi một cánh cửa lại mở ra trên một cuộc đời đang nở, đang nhóm, đang tàn. Và nước mắt, tiếng thở dài trộn lẫn tiếng cười. Tạo nghe một tiếng kẹt cửa, đoán là Sâm đương khép cửa để ra đi. Đôi guốc gỗ của nàng nện trên nền đất vang dội đến cả lớp sâu xa nhất trong người kẻ đàn ông đứng đợi.
Tạo thấy mình bối rối như lần đầu đến chỗ hẹn hò với một người con gái. Tái hợp! Tạo và Sâm tái hợp trong một cái ngõ hẻm sau hơn một năm trời, dưới mưa. Tạo thấy mình đã khác mà Sâm cũng khác. Chàng cố nhìn xem ở tay Sâm có bọc gì không. Chắc chắn nàng phải đem theo một thứ gì để ra đi, để thay đổi cuộc đời. Nếu vậy Tạo sẽ đỡ lấy hộ nàng. Cử chỉ ấy sẽ như một lời nói xử hòa của đôi vợ chồng trẻ sau cơn giận dỗi. Tạo cố nhìn trong bóng tối. Không, ở tay Sâm không có cái bọc gì hết cả. Sâm đi về nhà chàng để ở với chàng, cũng như khi Sâm bước ra khỏi nhà chàng để theo Tôn, trên tay không vướng bận một vật gì. Thật là dễ dàng và kỳ lạ. Tạo nghiêng cái ô của mình về phía người Sâm.
Những giọt mưa nhỏ rơi trên đó nghe như tiếng nói thì thầm.
Bốn bước chân đều đều, song song trên mặt đường tối ướt. Thật là dễ dàng và kỳ lạ.
Tạo không muốn gọi xe tay. Khi hai người ra đến đường cái rộng, chàng bảo Sâm:
- Chúng ta chờ xe điện ở đầu ô lên phố thì tiện hơn.
Sâm không đáp lại làm sao cả. Nhưng nàng hiểu. Nàng cũng rất bằng lòng như vậy. Ngồi trên xe điện đông người, Sâm và Tạo sẽ không ngượng nghịu. Cả hai người đều cùng muốn kéo dài buổi tối ra.
Khi xe điện chạy, một người đàn ông ở đâu tới đập vào vai Tạo và chào:
- Hai bác đi đâu về mưa thế?
Sâm nhìn kỹ, nhớ ra rằng đó là một người bạn "làm ăn" của Tạo. Nàng đã gặp người này ở bữa ăn có cả mặt Tôn và Tạo. Hơn một năm rồi! Người này không biết đã có sự đổ vỡ giữa Sâm và Tạo.
Tạo cuống quýt nhìn Sâm có vẻ dò hỏi xem cái màu áo của nàng có còn coi được dưới ánh đèn không? Nhưng ánh đèn buổi tối thực đã khéo nịnh màu da và nhan sắc của những người đàn bà gần phai nhạt.
Sâm không còn được lộng lẫy như trong bữa tiệc đắc thắng của chàng năm nào, nhưng nàng cũng không phải là đã xấu.
Tiểu thuyết thứ bảy, 1943,
Nhà xuất bản Thăng Long, Hà Nội 1944.
Xe lửa dừng lại trước một ga lớn. Hành khách đua nhau lên xuống.
Có lẽ đêm đã khuya. Tạo ngủ từ quãng nào cũng không nhớ nữa.
Chàng bừng mắt nhìn xuống sân ga lúc ấy đương sáng một ánh đèn lạnh lẽo. Đó là thứ ánh sáng ở tất cả các nhà ga trên thế giới, lúc đêm khuya cũng chỉ gợi cho người ta sự hiu quạnh chia rẽ. Tạo vội vàng quờ tay sang bên cạnh. Tay đụng phải một cái gì âm ấm, lòng chàng bỗng vui mừng như đứa trẻ nửa đêm thức giấc nắm được vào người mẹ hay người bố. Sâm vẫn còn ở cạnh và đang ngủ trong cái hạnh phúc bao bọc cả hai người. Nàng cất tiếng hỏi:
- Ga gì thế hử anh?
Tạo ngoái cổ ra ngoài một lát rồi quay lại:
- Vinh! Hà, dễ đến Vinh rồi?
Chàng tự hỏi mình như vậy. Rồi im lặng. Trong bóng tối, Sâm và chàng không nhìn được mặt nhau, nếu không, nàng đã thấy rõ vẻ cảm động trên mặt người yêu.
Đoàn xe chuyển bánh, Tạo đứng sát vào người Sâm:
- Chúng ta sắp đi qua trường cũ của anh, Sâm ạ.
- Trường gì? Trường học ấy à? Làm sao?
ừ, như vậy thì không sao cả, đối với Sâm, đối với tất cả mọi người đang ngủ gà ngủ gật trên chuyến xe tốc hành. Nhưng đối với chàng, đó là một điều quan hệ. Đoàn xe vút đi như một cái tên bắn. Nhưng Tạo đã nhìn thấy hết, qua cái cửa sổ nhỏ. Những cây dương liễu đứng ở sân trường trung học từ cái thuở chàng ôm sách trên tay, giờ vẫn còn đứng đó. Cái sân cỏ rộng cũng vậy vẫn còn nguyên như cũ. Những hàng hiên vắng vẻ đi từ lớp nhà ngủ sang lớp nhà học vẫn như xưa. Và chung quanh là đồng ruộng. Tạo nhớ lại như vừa mới đó, chàng đi thui thủi trên những nơi kia, không dự gì vào cái vui tươi chung của chúng bạn. Tạo là một anh học trò cô độc, nghèo và rút rát. Đêm đến, chàng nhìn ngọn đèn xanh để suốt sáng trong buồng ngủ của lưu trú học sinh, rồi chàng nghĩ đến gia đình như một anh già. Chàng nghĩ đến tương lai nữa.
Bây giờ tương lai đã ở trong tay chàng. Chắc chắn rồi. Tạo lại có một người đàn bà ở bên mình. Tiền và đàn bà, hai tiếng đó vang lên trong đầu Tạo như tiếng guốc của bọn học sinh ngày trước kéo lê trên nền xi măng những hàng hiên, trong cái trường trung học cũ. Nỗi đơn độc ngày trước cũng làm cho tim chàng đập rộn rã lên một lúc, khi chàng quay về dĩ vãng, nhưng chẳng còn làm cho đau xót nữa. à, ra chàng cũng có quyền hưởng hạnh phúc như mọi người. Chàng có thể hưởng được? Vậy mà xưa kia chàng nghĩ lẩn thẩn rằng: "Có những người suốt kiếp không bao giờ được sung sướng. Và chàng là một trong số đó. Có những cuộc đời cởi mở và rộng rãi như những con đường đi đến các thành thị lớn lao và các đại dương. Nhưng cũng có những con đường bí tắc, không đi đâu cả: những con đường nghẽn".
Tạo nắm nhẹ cánh tay Sâm như muốn chuyển cho nàng một ít thỏa sướng đầy ắp cả ngực chàng. Tiếng bánh xe nghiến rít trên đường sắt, tiếng một vài hành khách ngáy hay nói chuyện ở cạnh chàng, tiếng thở của Sâm trong giấc ngủ mỏi mệt chập chờn, chàng nghe thấy hết. Và Tạo cảm thấy tất cả những cái gì ở chung quanh chàng đều không phải là làm ra để cho mình, vậy mà mình có hết. Cái cảm giác được sống sâu xa, thực sự cái đời mình giữa những vật vô can, cái cảm giác đó khiến chàng thấy lòng mình thắt chặt như trong một cơn khoái lạc.
Chàng đẩy cửa sổ trên xe cho nó rộng thêm ra một chút. Như vậy gió đêm sẽ đập vào mặt chàng và xua đuổi được ít nhiều hơi thở nặng nề của mọi người khiến chàng dễ chịu hơn. Trên trời sao đêm chen chúc lẫn nhau mà lấp lánh như bực tức vì chật chỗ. Chưa bao giờ Tạo thấy một đêm đẹp đẽ như thế. Chàng muốn gọi Sâm dậy kể hết quãng đời thiếu thời cực khổ của chàng nhưng chàng sợ Sâm không hiểu được. Và nàng rất có thể gắt lên vì đương hám ngủ. Tạo nói thầm với một mình mình:
- Này Tạo, anh thấy rõ ràng đấy chứ? Mười lăm năm trước anh đã qua con đường này. Anh buồn và khổ sở. Bố mẹ anh làm vàng hồ cả ngày lẫn đêm chỉ được hai hào chỉ. Anh đi học nhờ lương nhà nước, anh thèm tất cả mọi thứ ở đời. Anh thù giận xã hội. Anh không có bạn. Anh không có hơn hai cái quần lành để mặc. Buổi tối, khi các bạn anh ngủ yên lành rồi, anh gấp quần để xuống lưng nằm để cho có nếp lâu. Anh không có sách và anh phải chép hàng trang chữ in cho đến tê cóng cả tay. Những con nhà giàu gờm anh như gờm hủi. Chúng gọi anh là "người hà tiện". Nhưng nếu anh không hà tiện, thì anh còn trông cậy vào ai? Nhà anh năm sáu anh em đều khổ hơn anh cả.
Vậy mà bây giờ anh kiếm ra tiền. Anh có tiền trong túi của anh. Anh mặc Tây và thắt cà vạt tựa như tất cả mọi người trưởng giả. Anh chải đầu chứ không để bù xù. Anh lại lấy một người con gái mà anh thích, mặc dầu họ hàng, chúng bạn bảo anh người đó không đứng đắn. Anh gặp hắn và anh mê, rồi anh lấy, không kể gì tất cả. Anh đã đem người yêu đi chơi Huế. Như những kẻ tình nhân trong tiểu thuyết. Anh đi chơi thuyền, anh đi thăm lăng tẩm của các bậc đế vương ngày trước, anh nghe ca. Anh giống những mặc khách tao nhân tối thị phong lưu ở đời này. Và Huế là cái kinh đô huyền ảo nhất trên mặt đất.
Tạo tự bảo mình như vậy, trong tai còn văng vẳng tiếng thông reo trên các con đường núi đỏ bao bọc kinh đô. Anh nhắm mắt lại để thử nhớ một lần nữa những nơi vừa mới đi qua. Trời xanh ngắt. Những ngàn thông nghiêng ngả trên đồi, bóng Tạo và bóng Sâm song song nhau đi giữa đó. ái tình hát lên ở trong đầu chàng. Nước sông Hương lững lờ trôi. Bao nhiêu là âm thanh, bao nhiêu là màu sắc. Tạo chẳng dám ngờ mình lại có lần đi đến chốn lạ lùng này với một người đàn bà đẹp như Sâm. Thật là quá mức! Nhiều lúc chàng chợt giật mình cho rằng chàng đã không xứng đáng được hưởng cái ân huệ đó. Huế? Làm sao chàng chọn Huế? Là bởi trong tất cả cái thuở thanh niên mơ mộng của chàng, chàng đã nghĩ đến tỉnh thành này như người ta nghĩ đến thiên đường. Chàng đã đọc ở đâu đấy nhiều đoạn văn nói về xứ Huế. Tạo cho rằng khi có đủ tiền, thì việc đầu tiên mà chàng làm, là đi tới đó, với một người đàn bà đẹp.
Điều dự định lớn lao kia chàng đã thực hành xong. Tạo thấy rằng mình đã trở thành to lớn. Trong đời Tạo có hai điều đáng kể: việc chàng dám bỏ gia đình để tự sống một mình, và việc chàng dám tới chốn kinh đô ao ước kia với một người đàn bà mình chọn. Lần đầu chàng có cái kiêu ngạo của người đàn ông thấy cái vỏ của mình đã cứng, đã dám chống lại gia đình để sống theo chí nguyện. Ôi, những năm tù hãm trong cái không khí ngạt thở, cứ nghĩ lại mà sởn da lên được. Cái gia đình thê thảm của chàng gồm có một người cha mê vợ lẽ đến bỏ mẹ chàng chết rụi vì sầu muộn trong cảnh đời chiều. Và những người em hèn hạ vì cờ bạc, thuốc sái, chỉ rình chực chiếm đoạt gia tài của bố. Vậy mà xưa kia, đã có ngày cái gia đình ấy đoàn tụ và vui sướng trong cảnh nghèo an phận.
Ngọn đèn gia đình le lói trong đêm khuya khoắt. Những cái đầu xanh xúm quanh hai cái đầu điểm bạc. Và người ta làm, người ta hát hay cười. Người ta ky cóp từng đồng, có khi thức suốt đêm mà chẳng một ai ta thán. Chao ôi, thế mà có đồng tiền thì người ta chia rẽ. Không ai thương ai cả. Người ta thù oán và ganh tỵ. Người ta gây nên thảm trạng trong nhà.
Đó, chỉ có cái lần Tạo dám bước ra khỏi ngưỡng cửa thân yêu của nhà mình mà ra đi cùng thiên hạ ấy mới đáng kể nhất mà thôi. Tạo sẽ sống bằng cái sức của mình, không hèn đớn như những người thân, như những người thân của chàng trở nên ti tiện vì tiền bạc. Tạo sẽ bỏ mặc tiền bạc với cái sống hẹp hòi của mọi người cùng máu mủ với chàng, và không bao giờ chàng quay lại, dù là chàng chết đói. Chàng sẽ như con chó hoang thả giữa giống thú. Nhưng chàng có cái tự do của mình, cái đời sống của chính mình. Tạo nhớ lại cái đêm mình trở dậy với gói hành lý nhỏ mọn trong tay để bước ra đường. Trời nổi gió, chàng đi như một cánh buồm đã căng lên. Đầu chàng rối loạn. Trong tai như có một đám hội nổi lên. Chàng ngờ cái sức của mình, cái vốn liếng của mình mang ra đóng góp với "đời". Đời! Cái kẻ địch ghê gớm đấy sẽ nuốt chửng chàng vào bụng như nó đã từng nuốt bao nhiêu kẻ non yếu và khờ khạo. Không, không, chàng sẽ thắng, bởi vì chàng là một thiếu niên. Mà một thiếu niên tức là một kẻ anh hùng. Chàng đã cầm gươm lên ngựa thì rồi chàng sẽ phải xông vào cuộc.
Cái kiêu ngạo khi xưa lúc này Tạo lại thấy có ở lòng mình. Chàng đã không giống một con người nào của gia đình. Chàng đã có một con đường riêng để mà đi, anh em họ hàng không dự gì vào đó, và họ cũng không hiểu được cái hân hoan hay cái chua chát của người phấn đấu, của con chim bay bằng cánh của mình ở giữa trời.
Tạo đã thấy được Đời. Chàng nghĩ vậy và cúi xuống nhìn khuôn mặt đẹp của người yêu trong giấc ngủ. Chàng cởi chiếc áo tây đương mặc ở người ra để đắp cho Sâm, âu yếm như một người mẹ. Trời gần về sáng, gió đồng ở hai bên đường xe lửa đưa lên đã lạnh hơn. Một ông già ngồi gần đấy ho sù sụ. Tạo ngồi sát vào người Sâm mong rằng nàng sẽ ấm hơn. Mấy người đàn bà đi buôn ngồi trước mặt chàng thấy vậy thì thầm với nhau không hiểu "đôi kia" là vợ chồng hay là kẻ tình nhân? Tạo cũng biết là họ đương bàn tán về mình. Và sự đó, càng khiến chàng thêm sung sướng.
*
* *
- Chị Sâm ạ, cứ mỗi lần tôi nhìn thấy khuôn mặt chị tôi lại nghĩ đến người thiếu nữ mà tôi yêu hồi mười chín tuổi. Sao lại giống nhau đến thế?
- Thực à?
Sâm hỏi một cách tin tưởng vậy. Nàng chắc rằng người đó cũng đẹp như mình. Và nàng thương hại người đàn ông bé nhỏ đối diện. Nhưng vốn tính không chịu được buồn lâu nàng hỏi lại:
- Vậy thì chắc anh làm nhiều thơ vì "cô ta" lắm nhỉ?
- Suốt một đời tôi, câu thơ nào làm ra cũng vì ngươì đó. Chao ôi, chị có thể nào hiểu được ? Khi người ta bị chia lìa trong lúc yêu nhau...
Sâm ngẫm nghĩ "Khi người ta bị chia lìa trong lúc yêu nhau". Câu đó nghe như một tiếng đàn. Nàng nhìn lại mặt Tôn, người thi sĩ. Và nàng thấy anh chàng không bé nhỏ nữa. Nàng kính phục. Một kẻ đàn ông chung tình là một người hiếm có và đáng kính đối với đàn bà. Nàng nói:
- Hừ, lạ thực! Cái đời anh với đời anh Tạo thật khác nhau quá sức!
Tôn đứng dậy như một người sắp sửa làm một việc gì quan trọng lắm. Nhưng Tôn không làm gì cả. Chàng hỏi: - Chị cũng thấy vậy à?
-ừ, anh Tạo thì hoạt động, nói ít làm nhiều, kiếm nhiều tiền, còn anh ...
- Còn tôi thì nhàn rỗi, nghĩa là lười biếng, và không kiếm ra tiền mấy.
Tôn ngồi phịch xuống như một khối thất vọng. Câu chàng nói tiếp như một câu trách móc, nhưng chính là sự thực. Tôn cũng biết là mình vô dụng. Sâm sợ hãi, chữa vội vàng :
-Không, tôi muốn nói rằng anh và anh Tạo rất khác nhau, nhiều lúc tôi không hiểu nên cho cái đời nào là giá trị. Anh Tạo khô khan, tính toán, thiết thực ... Sâm chưa nói hết thì Tạo ẩy cửa đi vào. Nàng mừng như người vừa thoát nạn :
- à, anh Tạo đã về! Em và anh Tôn đương nói đến anh. Nhưng làm gì mà tươi tắn thế?
Tạo xoa tay phá lên cười:
- Không tưởng tượng được! Chỗ đinh khóa và bản lề đó, tôi được lời ngót một ngàn! Ngót một ngàn! Tối hôm nay chúng ta đi ăn hiệu, đừng làm cơm nữa.
Mắt Sâm bỗng sáng lên. "Đinh, khóa, bản lề", đây cũng là một bản đàn. Mà cũng chẳng kém phần réo rắt. "Khi người ta bị chia lìa trong lúc yêu nhau" và "đinh khóa bản lề", đằng nào nghe cũng được. Nhưng lúc đó, nàng coi như trong phòng không có bóng Tôn nữa. Nàng nhìn cái trán rộng rãi và rám nắng của Tạo, và nàng nghĩ đến một cuộc vui chơi như kỳ đi Huế, hồi mới gặp Tạo.
Cái thời khắc mơ mộng đã xong. Tôn lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Chàng nói với hai người:
- Tôi phải đi ra nhà báo một lát, chưa chắc đã đi ăn với anh chị được.
Tạo đập vào vai bạn:
- Anh không đi đâu cả. Làm báo là cái nghề chết đói hiểu chưa? Anh sẽ đi với chúng tôi, bởi vì tôi còn kiếm ra tiền.
Tạo quay lại phía Sâm mà tiếp:
- Có phải không Sâm? Cái gia đình của chúng ta neo người quá! Nếu không có anh Tôn đi lại thì vui sao được?
Sâm phụ họa vào ngay:
- Anh Tôn thế nào cũng phải đi với chúng tôi.
Tôn không có cách nào từ chối nữa. Đã mấy tháng nay, Tôn tự coi mình như đã thuộc vào sự thân mật của cái gia đình son trẻ ấy. Tôn và Tạo là đôi bạn cũ. Tôn được Tạo mời đến nhà mình giữa lúc chàng vừa xây xong cái tổ. Hạnh phúc của Tạo đầy tràn quá. Phải có một người thứ ba trông thấy chàng sung sướng và thèm thuồng. Chàng đã chọn Tôn, một kẻ xấu hơn mình, nghèo hơn mình, để dắt về nhà. Như vậy Tạo sẽ không có điều gì lo ngại. Tôn sẽ làm nổi bật cái lộng lẫy của đời kẻ khác lên. Tôn hiểu như vậy lắm. Các bữa cơm do tay Sâm sửa soạn, các bữa cơm hiệu đầy đủ cao lương mỹ vị mà Tạo thết chàng cũng còn hơn là bữa cơm đạm bạc cô độc của chàng trong nhà trọ. Huống chi Sâm lại là một người đàn bà nói chuyện có duyên. Và nàng lại thích đọc thơ và tiểu thuyết. Tôn ngắm Tạo kỹ càng và Tôn không thấy Tạo có gì là xuất chúng cả. Cái gì ở Tạo cũng thường thường. Mặt mũi, thường, dáng điệu cũng thường. Vậy mà Tạo đã có tất cả những cái mà một người đàn ông mong ước. Tạo đã có một cái nhà để ở với một người đàn bà mình thích, chứ không phải đi trọ như Tôn. Tạo ăn và mặc, và đi chơi một cách tự nhiên, chứ không chật vật như Tôn. Tạo lại đi buôn bằng nước bọt mà lãi bạc ngàn như bỡn. Tạo vẫn nói:
- ở Hà Nội, thường ngày có những kẻ vác cặp da đi nói khoác mà làm ra bạc. Trong số đó tôi là một.
Chao ôi, giá mà Tôn cũng sống được dễ dàng như Tạo giữa cuộc đời! Giá mà Tôn làm được những việc của Tạo dễ dàng như Tôn đã làm thơ hay tiểu thuyết. Giá có thể đổi lấy một nửa cái tài của bạn. Thật là chua chát! Bao nhiêu sôi nổi của lòng Tôn đã biến ra thơ văn hết cả. Trong khi đó thì bao nhiêu điều suy nghĩ ở đầu Tạo đã biến thành ra bạc. Mà bạc thì mới làm cho con người sống được một cách đường hoàng.
Tôn không đến nhà báo như chàng đã nói. Tôn đi ăn với cặp Tạo - Sâm, và khi cả ba người tới một tiệm ăn hạng nhất của người Tàu ở phố Hàng Buồm thì chàng không còn những tư tưởng yếm thế trong đầu nữa. Mùi chim quay và mùi rượu Thanh Mai bốc lên ngào ngạt. Tạo gọi hết món ăn này đến món ăn khác, mà toàn món bổ. Hình như đời Tạo chỉ có hai việc chính: kiếm ra tiền và ăn cho bổ. Sâm cũng vậy, từ lúc ngồi vào bàn ăn hình như nàng trẻ đẹp thêm ra. Chung quanh ba người cũng có những người đàn bà khác ngồi ăn uống, nhưng Tôn không thấy có người nào tươi tắn mặn mà như Sâm. Nàng cũng uống một ngụm rượu khiến cho hai má hồng thêm và đôi mắt tinh anh thêm chút nữa. Tay nàng nắm đũa có nhẫn kim cương lóng lánh. Cái dáng điệu nàng ngồi ăn trông cao quí quá chừng. Tôn cười với bạn:
- Bữa tiệc vui mà không có giai nhân thì cũng uổng. Anh xem bao nhiêu người nhìn vào bàn chúng mình, làm tôi cũng được thơm lây. Xin uống vì hạnh phúc vô song của anh cho rõ thực say.
Tạo nâng cốc uống một hơi như một con trâu khát nước. Tôn tưởng tượng Tạo có thể nốc cả bát rượu đầy mà thân hình vẫn bền vững như thường. Đến sự uống, chàng cũng chịu thua Tạo nốt. Chàng làm thơ mà không uống được rượu. Đó là một điều thất bại nữa. Nhưng có một chút hơi men thấm vào cái quả tim bé nhỏ của chàng cũng đủ làm cho nó rung lên một điệu riêng. Tôn thấy mình không ăn nhập gì vào cái xã hội của những người no nê đầy đủ và tự mãn sống ồ ạt quanh mình. Tôn thấy mọi vật là thường hết. Chỉ có linh hồn thanh khiết của mình trong hiu quạnh là hơn cả. Có làm gì những tiếng vàng tiếng bạc chạm rượu ngon, thịt ngon và Sâm đẹp. Chàng hưởng thụ mọi sự ở đời bằng cách riêng. Và Tôn chắc chắn rằng nếu bây giờ hai người đàn ông ngồi cạnh người đàn bà kia, có một người biết rõ cái giá trị của sắc đẹp, của tình yêu thì người đó là Tôn, Tôn chứ không phải Tạo. Mà ví thử bây giờ đem hỏi Tạo xem cái màu mắt của Sâm nên ví với màu gì Tạo chịu không trả lời ngay được. Tạo chỉ sống hời hợt, sống ở từng trên sự vật. Còn Tôn, Tôn biết rằng mình sống ẩn vào trong. Và đó mới là cái sống. Tôn muốn làm ngay một bài thơ lúc đó. Một bài thơ chỉ gồm có một câu, theo lối những nhà thơ sợ phí thì giờ cũng được.
Nhưng bàn rượu bỗng có một người đến quấy rầy, làm cho nguồn thơ chàng biến mất. Đó là một loại "cầm cặp da đi nói khoác mà ra bạc" như Tạo. Hai người "buôn nước bọt" gặp nhau, vồn vã một cách niềm nở, nhưng giả dối. Họ ghé vào tai nhau mà bảo cho nhau biết những giá hàng có thể "làm ăn được". Mắt Tạo nảy ra những tia đắc ý khiến Tôn trông mà phát ghét. Tôn nhìn Sâm mà tự bảo:
- Hừ, làm quái gì cái đồ tự túc đó? Sâm đêm nay đẹp thế kia, nhưng có ai để ý đến đâu? Tôn uống một tợp rượu nữa và chàng nhìn ngắm bàn tay trắng trẻo của mình, thanh tú như một bàn tay đàn bà. Một bàn tay chưa từng làm việc gì bẩn cả. Tôn nghĩ vậy. Và chàng có dáng điệu một ông hoàng thất thế, chàng nghĩ rằng cái tay của mình chưa bao giờ nắm nhiều giấy bạc cả, vì nó chỉ viết ra văn thơ. Chàng hơn đời ở chỗ đó. Và kém đời cũng vì chỗ đó.
Người lạ mặt đi rồi, Tôn thở ra khoan khoái, những câu chuyện buôn bán của Tạo và người đó làm chàng chán nản. Mà Sâm cũng vậy, hình như nàng cũng không lấy gì làm chú ý đến câu chuyện của hai người.
Tạo gọi một người hầu sáng đến tính tiền. Chàng mở cái ví da khá lớn của mình ra. Tôn đánh diêm hút thuốc nhìn đi chỗ khác. Bữa ăn đương tiêu hóa. Đời đương đẹp. Chàng không muốn biết rằng bữa cơm vui vẻ, ngon lành kia, người ta đã trả bằng tiền, bằng đồng tiền kiếm rất khó khăn chật vật. Sâm cũng lấy ví sửa lại cái nhan sắc của mình bằng son phấn. Dáng điệu của nàng ung dung điềm tĩnh như cố ý bảo hai người đàn ông ngồi trong bữa tiệc: "Có làm gì những sự thờ phụng của các anh. Chỉ có nhan sắc này là đáng kể". Tạo đẩy ghế đứng lên và nói:
- Ngày mai tôi xuống Phòng sớm. Có món sợi này bở lắm.
Ngoài đường, không khí đầm ấm như trong giữa mùa xuân. Người ta đi đi lại lại như ai ai cũng có một nỗi vui ở lòng mình. Tạo nện gót giầy đi giữa bạn và người yêu như một ông tướng trận. Bỗng chàng nghe Tôn nói:
- Bây giờ tôi trở về nhà. Tôi sẽ leo lên cái gác hẹp và thấp. Tôi sẽ thức suốt đêm để nghĩ đến một người đàn bà đã chết rồi.
Tạo cười chế nhạo:
- Đồ thi sĩ!
Nhưng Sâm nói tiếp:
- Anh Tôn nói đúng. Những đêm như đêm nay lòng người có nhiều sự nhớ tiếc bâng khuâng lắm. Những người làm thơ như anh Tôn mới hiểu.
Tạo quẳng điếu thuốc đương hút dở. Chàng hơi kinh ngạc nhìn Sâm. Chưa bao giờ nàng nói một câu lạ tai như vậy.
*
* *
"Anh Tạo,
"Chuyến này anh về nhà chắc anh buồn lắm. Em cũng vậy anh Tạo ạ. Nhưng không hiểu sao vẫn có một sức mạnh gì lôi kéo em đi. Em biết là anh Tạo yêu em lắm, thương em lắm. Em không phải là đồ vong ân bội nghĩa. Anh đã chiều em hết sức, em không ao ước gì hơn là ở với anh hết đời hết kiếp, để hầu hạ anh, làm kẻ tôi đòi cho anh. Nhưng em là đàn bà, anh Tạo ạ. Em hèn yếu lắm. Vậy thì chỉ còn mong anh tha thứ mà thôi. Em đi với anh Tôn đây. Vâng, Tôn, người bạn nghèo của anh. Em đi để chia xẻ cái đời bất hạnh đó. Em biết rằng em sẽ không được như khi ở với anh, nhưng số kiếp như vậy, "lại tìm những lối đoạn trường mà đi". Em cũng không hiểu em yêu Tôn tự bao giờ. Trong từng ấy tháng trời, anh ấy đi lại nhà này, chính anh cũng biết đó, em vẫn tỏ ra là một người đoan chính. Nhưng sự đó có lẽ do duyên kiếp. Em thấy em hợp với anh Tôn hơn là hợp với anh. Anh đừng giận, anh Tạo của em, anh Tạo mà không đời nào em quên được. Anh đừng giận bởi vì chính ra cũng tại anh. Tại sao anh không có lấy một phần tình cảm của anh Tôn.
"Ngoài sự ấm no, người đàn bà còn cần đến món ăn đó nữa cho linh hồn. Anh có những công việc của anh, anh bận rộn quá, anh không để ý đến việc gì khác ngoài việc kiếm tiền. Trong lúc đó thì em sầu não quá. Lòng em có đâu được cứng cỏi như bọn đàn ông. Chao ôi, anh không hiểu được, em chắc vậy. Em có nói ra chắc anh cũng không hiểu được cho em. Như cái hôm anh đi Nam Định mà em sốt mê man đó. Nếu anh Tạo của em có nhà! Em đã gọi anh suốt cả đêm, nhưng chỉ có anh Tôn. Em sốt đến bốn mươi độ, mà anh thì đi vắng. Anh Tôn đi gọi đốc tờ, anh Tôn đi mua nước đá. Anh Tôn vất vả cả ngày hôm sau nữa. Bạn anh đã trông nom em, trong lúc anh mải mê kiếm tiền. Bạn anh đã có những cử chỉ dịu dàng, những lời an ủi nhẹ nhàng, khiến cho em cảm cái tấm lòng tốt của người ta quá. Người ta nghèo thật, nhưng mà tốt phải không anh. Khốn nạn, em đã đến cái chỗ anh Tôn trọ, em đã trông thấy cái nơi anh ấy nằm. Thật là thảm hại. Anh Tạo ơi, anh đã có một đời sung sướng như vậy thì anh không hiểu được người nghèo. Nhà em xưa kia cũng nghèo nên em hiểu và thương hại anh Tôn. Em chắc anh là một người có hạnh phúc từ trong trứng. Vậy thì anh không thể nào hiểu và tha thứ cho em và anh Tôn được.
"Em thấy rằng đời em không sống yên ổn trong sự giàu sang no đủ. Như thế là dại lắm, em biết lắm, nhưng em vẫn theo tiếng nói của lòng mình. Những người như em và Tôn, hình như trời sinh ra để chịu sự nghèo khó hơn là hưởng sự an nhàn êm ấm. Không hiểu mãi đến lúc gặp anh Tôn, em mới có tư tưởng ấy hay là em đã có từ lâu rồi? Nhưng dù sao em cũng xin anh Tạo của em tha tội. Và nhất là anh đừng giận anh Tôn. Trăm sự đều tại em, đứa đàn bà khốn nạn này. Anh đã được đời chiều chuộng, anh đã có một số phận hơn người từ bé, anh nên biết thương những kẻ không may mắn như em và bạn của anh.
Người đàn bà phụ bạc lạy anh. Sâm."
Tạo đọc xong bức thư không biết mình nên đập hết đồ đạc và phá nhà rồi chạy ra đường, hay nên đi tự tử. Tay chàng run lên như sốt rét. Nếu lúc đó có một cái gương lớn cho Tạo nhìn vào, chàng sẽ thấy cái vẻ mặt mình là vẻ mặt một kẻ giết người. Chàng không chạy đi đâu cả. Chàng ôm đầu ngồi rũ xuống bàn như một cái cây bị chặt gốc. Có một cục đá lớn đè lên cổ họng chàng. Rồi nước mắt cứ việc tuôn ra ở hai con mắt của chàng. Nó tuôn ra cả hai lỗ mũi. Người Tạo là một cái đê vỡ. Chàng mặc cho đau xót chảy ngang dọc tung tóe khắp cơ thể mình như những làn nước lụt. Chàng nghĩ đến mẹ mình chết héo hắt, vì người chồng già phụ ngãi. Chàng nghĩ đến cái gia đình chia rẽ của mình mà từ lâu chàng không nhớ tới. Chàng nghĩ đến đoạn đời tủi nhục của mình thuở bé. Chàng rên lên tuyệt vọng:
"Chao ôi, chúng tưởng ta không có một quả tim nhiều tình cảm như của chúng? Đã khốn nạn chưa hở Tạo? Cái quả tim yếu ớt dễ rung động nhất đời kia của mày, mày đã làm gì nó? Mày đã cắn răng bóp chết nó đi rồi. Và mày đã luyện cho nó rắn chắc như hòn đá. Mày có một hòn đá cuội ở trong lồng ngực, ở chỗ mà Thượng đế đặt quả tim của con người ta vào đó. Mày đã cố thay đổi cuộc đời. "Sống khỏe để mà vật lộn". Vì không vậy, vì nhiều tình cảm thì chết đói. Khốn nạn cho thằng Tôn! Khốn nạn cho con Sâm! Đời mình tháo vát thế này mà còn chửa ra gì, huống hồ nữa là làm thơ mà sống được, mà yêu nhau được. Cái khờ dại của chúng đã giết hại luôn cả đời mày rồi Tạo ạ. Bây giờ ta định xử trí thế nào đây? giết cả hai đứa hay là quên chúng đi, quên cái việc bội bạc, đau đớn chúng đã gây ra cho đời mình". Quên. Giết. Máu. Đầu Tạo có những chữ đó sáng lòe như chớp.
Người đàn ông khốn khổ không còn biết hành động ra sao nữa. Chàng là một con tàu mất hướng. Chàng không còn một sự sáng suốt nào trong người nữa. Nếu giữa lúc này mà chàng làm "công chuyện" của mình thì là thua lỗ, là sai hỏng hết. Mà Tạo còn lòng nào nghĩ đến chuyện làm ăn nữa. Bây giờ là ngày hay đêm, chàng cũng không nhớ nữa. Chàng đã đổ sụp như một cái nhà tuy mặt ngoài hào nhoáng nhưng cốt trong thì già yếu đã lâu rồi.
Tạo đứng lên đi đi lại lại trong gian phòng mới cách mấy ngày đây vốn sực mùi hương phấn của Sâm. Cô độc! Cô độc! Từ đây thì Tạo lại sống cái đời cô độc của chàng như cũ. Đứa đầy tớ không có việc làm, ngủ trong bếp co quắp như một con vật bị người ta trói chặt chân tay trên chõng. Cái nhà của Tạo có hơi lạnh như là nhà đám. Chàng mở cửa buồng, đứng ngắm những đồ vật do tay Sâm sắm sửa, trang hoàng. Này đây là tủ áo. Chàng mở tủ ra, chùm chìa khóa để nguyên trong lỗ khóa. áo quần còn nguyên như cũ, có lẽ Sâm chỉ mặc có một cái áo thường và cũ nhất mà ra đi với Tôn. Nàng không mang theo một vật gì khác ngoài cái tình của nàng, để bước khỏi nhà này với người yêu. Đã thấm chưa? Người ta không cần gì cái giàu sang của Tạo cả. Người ta đi với bàn tay trắng. Và người ta biết yêu nhau. Thôi, cái tai họa của chàng thực là không cứu được nữa rồi. Tiền bạc làm hỏng hết! Chàng đã biết vậy, sao chẳng đề phòng? Chàng nản hết! Chàng nản hết!
Tạo gọi thằng ở dậy. Chàng giao nhà cho nó như khi người ta giao của cải cho một người nào đó giữ để đi sang thế giới khác cho thoát kiếp. Chàng không còn gì nữa hết! Chàng nghĩ đến rượu và chàng bước ra đường. Ngoài đường, thiên hạ vẫn sống như thường, xe cộ vẫn rộn ràng, người đi lại vẫn tấp nập không ai biết rằng trên đời có một kẻ tên là Tạo đang đau khổ và đang chán ngấy sự đời. Chẳng nhìn mọi người đi trong phố với những nỗi lo toan hay hy vọng của riêng mình. Chàng nhớ lại cái hình dáng chàng mọi ngày vác cặp đi chen chúc trong đám đông. Chàng cười nhạt một mình. Bỗng tự dưng chàng cười nhạt một mình. Và Tạo thấy lòng mình tuy chứa đầy nỗi đau xót, nhưng đã nhẹ biết bao nhiêu phiền muộn. Chàng ngửa mặt nhìn lên một cái cây cạnh đường đi, trời không có gió, nhưng tầng lá dưới cùng của cái cây lại lay động. Đã lâu lắm, bây giờ Tạo mới để ý đến rằng ở đời còn có những cái cây nẩy lá xanh. Và những cái cây ấy vẫn sống, không dự gì vào cuộc xôn xao vô ích của người ta cả. Có lẽ trong người Tạo, tại một chỗ nào sâu kín cũng có một sự rung động hiu hiu như từng lá dưới cùng ở cái cây kia. Tạo không thiết tha gì sự sống lắm, nhưng mà phút này, chàng không muốn chết như vừa đây nữa. Chàng cũng không muốn giết một người nào nữa. Chàng đi lang thang hết phố nọ đến phố kia như một triết nhân. Những kẻ bất mãn ở đời đều có thể làm triết nhân được cả. Chàng tìm những đường phố vắng mà đi, sợ rằng mình có thể gặp Sâm , hoặc Tôn, hoặc một người bạn làm ăn buôn bán với mình. Tạo thấy mình xa hẳn họ rồi. Và sau cùng chàng đi ra mãi ngoại ô lúc nào không biết.
Trời lúc đó đã về chiều. Có một đám đông, phần nhiều là con trẻ, tụ họp nhau xem bọn khách bán thuốc làm trò các cửa ô. Tiếng phèng phèng của bọn khách mỗi lúc lại kéo thêm được một dúm người tò mò lại gần mình. Như mọi hôm thì không bao giờ Tạo lại phí thời giờ "vàng ngọc" của chàng cho những việc làm tầm thường như vậy. Nhưng lần này không hiểu vì sao chàng cũng lại tò mò như lũ trẻ. Chàng bước gần cái vòng người bậu quanh đám khách bán thuốc mãi võ. Chàng thấy một người Tàu cao gầy đương làm trò nuốt lửa. Người Tàu vừa hò hét bằng tiếng nước mình vừa đấm vào ngực thình thình. Thỉnh thoảng hắn lại ngửa người bỏ cái bùi ngùi lửa vào mồm mà không tỏ vẻ gì khác cả. Người xem cảm động không ai nói một tiếng. Cứ xong mỗi trò, bọn khách lại lôi một hai con rắn bỏ trong một hũ rượu thuốc ra quảng cáo và bán rượu cho một vài người. Muốn tỏ cho công chúng biết là rượu tốt, hai thằng hề trong bọn bán thuốc rong chốc chốc lại cởi trần ra đánh võ. Chúng đấm vào ngực, vào mặt nhau làm cho da thịt đỏ hằn lên, rồi cuối cùng đều múc một chén rượu cho để uống, làm như không hề gì cả. Gió chiều thổi lạnh. Chỗ đánh võ bụi bốc lên. Người lớn và trẻ con reo hò. Tạo cũng quên cả cái sầu đè chĩu trong lòng mình một lát. Chàng nhìn hai con khỉ gày xơ xác ngồi nép mình bên đùi người khách. Hai con khỉ phải làm trò gánh nước và kéo xe xong, được bọn trẻ con thích lắm. Bây giờ chúng mệt, vừa nhìn đám đông vừa thở. ở chân mỗi con có một cái xích sắt dài. Chúng nhìn đám người xem một cách buồn rầu, và hình như chúng nghĩ: "Chúng ta sinh ra ở rừng xanh đẹp đẽ kia. ở đấy có suối mát, có hoa quả ngon lành. Và chúng ta không trông thấy có giống người độc ác. Chúng ta làm cái trò gì thế này? Chúng ta kiếm tiền để làm gì? Rừng núi! Thiên nhiên ôi!".
Trời sắp tối. Trong một vài nhà gần đó đã có ánh đèn. Bọn bán thuốc đã mệt, mà tiền nhặt được chả là bao. Đám đông tan rã. Tạo không đói, nhưng chàng cũng không quay trở về đường cũ. Có lẽ chàng sẽ trở về nhà và sống như thường. Chàng sẽ ăn và rồi làm việc và kiếm được tiền như trước. Chao ôi, đời không là gì cả. Nhưng nó đè bẹp người ta. Tiền bạc không là gì cả, nhưng không có nó thì không được. Tạo thấy trong mình tự nhiên mỏi mệt, như cơ thể bỗng trống rỗng. Kể cả lúc đi làm ăn khó nhọc nhất cũng chưa bao giờ chàng thấy thế. Chàng biết lúc này chỉ có bàn tay mát dịu của Sâm đặt lên trán chàng, sục vào tóc chàng mới làm cho chàng dễ chịu được. Nhưng Sâm, Sâm thì chẳng bao giờ nữa. Chàng thề không bao giờ nhìn lại mặt người đàn bà đó nữa. Đời có thiếu gì những người đàn bà nhan sắc. Đêm nay chàng sẽ uống rượu thật say và chàng sẽ đi hành lạc trong những kỹ viện có tiếng là sang trọng. Đồng tiền của chàng sẽ đem lại cho chàng nhiều thứ lạ. Chàng sẽ hành hạ những người đàn bà đẹp như Sâm cho xứng đáng với đồng tiền, như những kẻ phàm phu tục tử. Đàn bà theo ý Tạo lúc này chỉ là một giống ưa nhận tiền bạc đãi. Họ chỉ có thể nhận hạnh phúc trong cay đắng, trong sự dằn vặt bởi giống đàn ông mà họ phục tòng. Họ chỉ có thể sung sướng trong sự đọa đày.
*
* *
Tạo nhìn bàn tay Sâm đặt trên bàn. Bàn tay nổi gân xanh, và không còn nhẫn. Nhưng bàn tay vẫn còn đẹp lắm. Có lẽ chiếc nhẫn kim cương đã bị tiêu vào lúc Tôn ốm và Tôn mất. Chiếc áo trên người Sâm vẫn là chiếc áo lúc ra đi. Nhưng đã hơn một năm trời rồi. Chiếc áo đã bạc màu. Một mùi ẩm mốc phảng phất trong gian nhà hẹp tối. Trên bàn thờ lạnh lẽo, chiếc ảnh của Tôn lồng trong khung kính cười với Tạo một nụ cười gượng gạo. Trong hai người, bây giờ Tạo biết mình là một kẻ bại rồi. Tôn đã bước sang cõi bên kia, không ai chạm đến người được nữa. Tôn đã làm gì người đàn bà yêu mến của Tạo rồi? Hắn đã làm thành một cái giẻ rách. Chao ôi, sự đời đến thế này ư? Một bên là no đủ, một bên là đói khổ. Người đàn bà đã chọn cái thứ hai. Tạo không thể tưởng tượng được rằng lớp cuối của đời Tôn và Sâm, và đời mình lại diễn ra trong một cái nhà lá hẹp, ở một vùng ngoại ô lầy lội thế này. Hình như trời vẫn mưa bụi ở bên ngoài. Tạo hỏi Sâm bằng một giọng hơi phẫn uất.
- Thế cái nhà này của ai mà Sâm lại đến đây?
Sâm chùi một giọt nước mắt và đáp lại:
- Nhà của bà cô em. Khi anh Tôn ốm nặng, và không còn đồng nào nữa thì chúng em dọn về đây.
- Thế ai bảo Sâm viết thư gọi tôi lại? Cũng bà cô ấy à?
- Không, anh Tôn khi hấp hối...
Tạo tiếp lời Sâm chua chát:
- Anh Tôn khi hấp hối liền nghĩ đến tôi, vì anh biết tôi là một người yếu đuối, tôi còn có thể yêu Sâm, và tôi sẽ tới.
Tạo nhìn vào chiếc ảnh của Tôn mà nói. Chàng cay đắng rằng Tôn không còn sống để cho chàng rửa được thù. Chàng bỏ hai tay rơi thõng xuống. Người chết, anh chàng thi sĩ thực là quá quắt. Hắn đoán hiểu được lòng tất cả mọi người. Hắn biết được đàn bà ao ước cái gì, và đàn ông chỉ là những đồ hèn nhát. Một giọt nước mắt của giống yếu làm cho quả tim cứng rắn đến đâu cũng phải tan.
Bây giờ Tạo sẽ nói những chuyện gì với Sâm? Trách móc hay giận dữ? Cái gì bây giờ cũng không có ích cho cả hai rồi. Sâm bây giờ là một kẻ bơ vơ. Chàng là một người đàn ông cô độc. Người đàn ông ấy mặc dầu thế nào cũng chưa quên được chuyện cũ. Chàng ngao ngán. Chàng chỉ còn nên ngao ngán. Chàng không đánh được ai. Và chàng biết rằng không bao lâu nữa, chàng lại sẽ yêu Sâm như là Sâm không làm điều gì xằng bậy đối với chàng.
Ngoài ngõ, trời vẫn sụt sùi mưa. Thôi thôi cái số kiếp của chàng là như vậy. Hạnh phúc thừa của thiên hạ mới đến phần chàng. Những người như chàng, chàng tin rằng không bao giờ được hưởng một cái gì trọn vẹn. Xưa kia chàng đã mặc những áo thừa của các anh, do bà mẹ chàng hoạn lại. Không bao giờ người ta may cho chàng một cái áo riêng. Tạo không bao giờ có một cái gì riêng cho mình mình hết. Chàng nhìn Sâm bây giờ gầy võ, nhưng còn đủ đắm say chàng. Và chàng tự an ủi: "Thôi, ta có vậy thì ta cứ giữ. Số kiếp ta là thế. Đời nó chẳng là gì hết. Nhưng nó đã đè thì ta phải chịu". Tạo nghĩ vậy, và chàng nhìn quanh gian nhà của bà cô Sâm lần nữa. Cái mùi mốc nhạt nhẽo của những gia đình nghèo khổ lại đưa lên mũi Tạo, khiến chàng nhớ lại thuở hàn vi của bố mẹ mình. Chàng đoán rằng Sâm cũng như chàng, không ai muốn ở lâu trong một cái nhà như thế. ở ngực chàng, cái tức hận vẫn nằm ngang như một hòn núi chặn đường. Nhưng chàng đã thương hại Sâm ngay khi chàng bước vào cửa nhà này. Ôi, cái lòng của chàng bao giờ cũng vậy, bây giờ cũng yếu, bao giờ cũng nặng những tình thương làm thiệt hại cho đời mình. Chàng biết lắm, Chàng thở dài ảo não:
- Lầm hết! Người ta lầm nhau hết!
Sâm tưởng là Tạo vừa thốt ra một câu trách oán, mỉa mai. Nàng ngước mắt nhìn chàng cầu khẩn:
- Thôi, tôi xin anh quên hết! Tôi biết tự tôi làm ra cái cảnh này đây. Anh thương được phần nào may phần ấy. Bằng không, xin anh cứ coi như là việc đã rồi. Tôi nghĩ cũng không dám làm bận đời anh nữa.
Cái giọng Sâm quả quyết như là nàng lại sắp dự định một điều gì ghê gớm. Người đàn bà này phải coi chừng. Tạo không phải là địch thủ của hạng người như vậy, về tình cảm. Chàng có thể được lãi rất nhiều trong khi nói những chuyện về "đinh, khóa, sắt", nhưng bước vào cái địa hạt này thì chàng là một người yếu vậy. Bước vào những trận này thì chàng là người thua lỗ trước.
Chàng đấu dịu:
- Không. Sâm lầm! Tôi đã quên hết trước khi bước vào đây. Nếu không, tôi đã không tìm gặp lại Sâm. Tôi cũng có một tấm lòng Sâm ạ, mà nó không phải là bằng sắt.
Chàng nói vậy rất nhanh, cho thế là quá đủ. Rồi chàng đứng phắt lên, sợ rằng tình thế ấy sẽ kéo dài ra một cách bất lợi cho chàng.
- Thôi, chúng ta đi, tôi vẫn còn giữ cái nhà thuê lúc trước!
Tạo mặc áo mưa vào, rồi nắm cái cán ô ở trong tay.
Sâm nói:
- Anh đi ra ngõ trước chờ em một lát.
Tạo quên rằng Sâm còn có một bà cô, và nàng không thể đứng lên đi một cách đột nhiên như thế được. Chàng có nghe tiếng ho nhè nhẹ ở buồng bên. Chàng đưa mắt hỏi Sâm có nên lên tiếng chào chăng? Sâm giơ tay ra hiệu cho chàng bước lùi ra cửa.
Ngoài ngõ, bóng tối đã phủ dày, gió thổi từng trận một. Tạo thấy ngực mình nhẹ nhõm hơn. Chàng giương ô lên đợi.
Vài người thợ đi làm về hát nghêu ngao trong ngõ tối. Một hai cửa hàng tạp hóa con con thắp những ngọn đèn dầu cháy lù mù. Có tiếng ru em trong một căn nhà không có ánh đèn. Cái xó tối tăm, nghèo nàn nhất trần gian cũng chứa đựng lúc nhúc những mầm mống dồi dào mãnh liệt như trên đống phân chuồng, ánh lên cái ánh biếc của các loài sâu bọ.
Tạo hít từng hơi gió lạnh vào trong ngực. Những cảm giác nặng nề lúc mới bước vào đây không còn nữa. Sự khinh khi buồn phẫn bây giờ nhường chỗ cho một sự ngạc nhiên lớn trong khi chàng nghĩ đến muôn ngàn trạng thái khác nhau của những cuộc đời. Trong mỗi căn nhà tối mịt kia đều có một cái vui riêng, không chuyện nào giống chuyện nào, mỗi một cánh cửa lại mở ra trên một cuộc đời đang nở, đang nhóm, đang tàn. Và nước mắt, tiếng thở dài trộn lẫn tiếng cười. Tạo nghe một tiếng kẹt cửa, đoán là Sâm đương khép cửa để ra đi. Đôi guốc gỗ của nàng nện trên nền đất vang dội đến cả lớp sâu xa nhất trong người kẻ đàn ông đứng đợi.
Tạo thấy mình bối rối như lần đầu đến chỗ hẹn hò với một người con gái. Tái hợp! Tạo và Sâm tái hợp trong một cái ngõ hẻm sau hơn một năm trời, dưới mưa. Tạo thấy mình đã khác mà Sâm cũng khác. Chàng cố nhìn xem ở tay Sâm có bọc gì không. Chắc chắn nàng phải đem theo một thứ gì để ra đi, để thay đổi cuộc đời. Nếu vậy Tạo sẽ đỡ lấy hộ nàng. Cử chỉ ấy sẽ như một lời nói xử hòa của đôi vợ chồng trẻ sau cơn giận dỗi. Tạo cố nhìn trong bóng tối. Không, ở tay Sâm không có cái bọc gì hết cả. Sâm đi về nhà chàng để ở với chàng, cũng như khi Sâm bước ra khỏi nhà chàng để theo Tôn, trên tay không vướng bận một vật gì. Thật là dễ dàng và kỳ lạ. Tạo nghiêng cái ô của mình về phía người Sâm.
Những giọt mưa nhỏ rơi trên đó nghe như tiếng nói thì thầm.
Bốn bước chân đều đều, song song trên mặt đường tối ướt. Thật là dễ dàng và kỳ lạ.
Tạo không muốn gọi xe tay. Khi hai người ra đến đường cái rộng, chàng bảo Sâm:
- Chúng ta chờ xe điện ở đầu ô lên phố thì tiện hơn.
Sâm không đáp lại làm sao cả. Nhưng nàng hiểu. Nàng cũng rất bằng lòng như vậy. Ngồi trên xe điện đông người, Sâm và Tạo sẽ không ngượng nghịu. Cả hai người đều cùng muốn kéo dài buổi tối ra.
Khi xe điện chạy, một người đàn ông ở đâu tới đập vào vai Tạo và chào:
- Hai bác đi đâu về mưa thế?
Sâm nhìn kỹ, nhớ ra rằng đó là một người bạn "làm ăn" của Tạo. Nàng đã gặp người này ở bữa ăn có cả mặt Tôn và Tạo. Hơn một năm rồi! Người này không biết đã có sự đổ vỡ giữa Sâm và Tạo.
Tạo cuống quýt nhìn Sâm có vẻ dò hỏi xem cái màu áo của nàng có còn coi được dưới ánh đèn không? Nhưng ánh đèn buổi tối thực đã khéo nịnh màu da và nhan sắc của những người đàn bà gần phai nhạt.
Sâm không còn được lộng lẫy như trong bữa tiệc đắc thắng của chàng năm nào, nhưng nàng cũng không phải là đã xấu.
Tiểu thuyết thứ bảy, 1943,
Nhà xuất bản Thăng Long, Hà Nội 1944.