trong bóng tối
Tác giả: Thanh Châu
Bệnh nhân sực tỉnh giấc, dưới cái chăn dạ xám, để lộ ra một khuôn mặt võ gầy, xanh rớt của những người "ăn phải nước ngược" về.
Hai con mắt sâu hoắm nhìn vơ vẩn quanh phòng như mất hết cả tinh thần, hai bàn tay gân guốc đặt hai bên cạnh giường run lẩy bẩy... Trong phòng còn bốn chiếc giường nữa đều có người nằm, người nào cũng chùm kín từ đầu đến chân trong những chiếc chăn dạ xám.
Cái im lặng, lạnh lùng, ghê sợ nơi bệnh viện làm cho bệnh nhân phải rùng mình. Có lẽ anh ta thấy lạnh. Có lẽ anh ta đã nghe rõ tiếng đập cánh của tử thần bay lượn quanh mình. Có lẽ anh ta đã nhìn thấy cái bàn tay xương xẩu, nặng nề của thần chết giơ gần đến cổ anh ta để chực bóp...
Nhưng chưa! Cái giờ cuối cùng ấy chưa đến được, vì anh ta vừa nghe có tiếng rên la thảm thiết của một người bạn "đồng viện" ở góc phòng. Cái tiếng rên thoát ở miệng một người cũng đương đau đớn như anh, làm cho anh tỉnh táo vì anh ta nghĩ:
"Trên đời còn có kẻ cùng chung đau khổ với ta thì ta còn có bạn, ta chưa đến nỗi trơ trọi lắm".
Trên đường sinh kế, anh ta là một tên lính cảm tử xông pha mũi tên, hòn đạn đến kỳ cùng. Nhưng, đến nay thì thật hết! Cuộc chiến đấu với đời để cướp miếng ăn, anh đành chịu bại; anh ta cố gắng mãi nhưng quá sức rồi, anh ta đã bị thương.
Quanh mình anh, những bệnh nhân khác biết đâu không phải là những tên lính như anh, cũng thua trận, cũng bị thương vì phải xông pha trên đường sinh kế, đến nay mòn mỏi cả xác thịt lẫn linh hồn.
Họ chỉ là cái rơm rác, bẩn nhơ đối với xã hội. Ngày mai, ngày kia... sẽ có một ngày, một buổi tối trời, người ta đem hắt những rơm rác đó xuống những cái hố đen chẳng ai biết đến. Thế là xong!
Đến lượt anh? Rồi cũng thế! Nhưng không, anh muốn sống, muốn được sống như mọi người, dù có phải lăn lóc, ê chề, đau đớn, dù có phải bước lại cái quãng đường anh ta vừa bước khỏi, dù đầy những sự thảm khốc, bất công, tàn ác, đầy những sự lo lắng, mệt nhọc, nặng nề, anh ta cũng vui lòng trở lại. Rồi, và không rên, không la, anh ta cũng vui lòng chịu hết mọi thứ cực hình trên cõi thế. Miễn là anh thoát khỏi bàn tay ghê tởm của tử thần, miễn là anh lại kiếm được ngày hai bữa no hay đói, để sống với ngày qua, tháng lại.
Mặt trời lên cao, chiếu qua cửa sổ bên cạnh giường bệnh nhân, rải những ánh nắng vàng lên trên tấm chăn dạ xám. Cùng một lúc, phía ngoài cửa sổ, trên hàng rào dâm bụt nở hoa đỏ ối, những con chim sâu buổi sáng đi kiếm mồi ăn, ríu rít kêu những tiếng êm đềm. Ngoài trời đầy ánh sáng, vạn vật như vui mừng, hớn hở, thắm tươi...
Bệnh nhân cảm thấy lòng mình như hồi hộp vì một sự gì mới lạ vừa xảy đến. Anh ta biết chỉ hai bước, cách chỗ mình nằm, bên ngoài cửa sổ là cõi thiên đàng của đồng loại, đầy sinh thú. Còn trong phòng, chỗ mình nằm, tối tăm, ẩm thấp là cõi chết hay là quãng giữa của cõi sống và cái chết. Nhưng làm thế nào mà thoát ra được?
Bệnh nhân định trở mình để quay mặt ra chỗ có ánh sáng của trời đất, định quay về phía cửa sổ có hoa nở, có chim kêu, nhưng nghe trong mình đau đớn như giần, anh ta không nhúc nhích, không động đậy được một chút nào, toàn thân tê liệt như bị dán xuống mặt giường.
Anh ta nằm im, nhắm nghiền mắt, cố ôn lại những thời khắc của buổi đời qua:
Anh ta nhớ đến những buổi sáng đầy ánh nắng lúc thiếu thời, quả tim anh đập rộn ràng, vì tình yêu đời vì say mê tạo vật.
Anh ta nhớ đến một người thiếu nữ dịu dàng đã làm cho anh biết yêu, biết cảm. Cái gương mặt hiền lành, đôi mắt long lanh thường nhìn anh trong những lúc ân ái, nay lại hiện ra trước mắt, trên quãng không gian, rõ rệt như trên màn ảnh... nhưng xa xôi quá, xa xôi như trong cõi mộng. Anh ta lại nhớ đến buổi anh phải ra đời, chật vật vì mưu sống, khổ sở vì miếng cơm, manh áo, ước vọng không thành, hi vọng không đạt, chí tiến thủ nhụt dần, anh đem mình đến chốn rừng xanh, núi đỏ, nước độc, ma thiêng. Suốt ngày làm việc, làm như một con vật, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm...
Anh lại nghĩ đến lúc mình bị thương, họ thải, họ chở về xuôi, họ quẳng vào một xó bệnh viện, họ quên... rồi anh nghĩ đến ngày mai, nếu anh sống. Ôi!...! Nếu có thể sống được! Sống được để lại chịu đựng những sự bất công của đồng loại, những sự gian lao, thảm cực của cái đời tôi tớ khốn nạn... nhưng mà được sống, sống với ngày qua tháng lại như tất cả mọi người.
Nghĩ đến "sự sống" bệnh nhân lại mỉm một nụ cười... hi vọng. Nhưng cái nụ cười ấy chỉ thoáng qua rất chóng trên bộ mặt gầy hốc hác, xanh xao, vì bệnh nhân đã thấy lạnh trong người.
Cố nhích tấm thân tàn cỗi, bệnh nhân định quay mặt về phía cửa sổ đầy ánh sáng, có hoa nở, chim kêu, nhưng vô ích và phí sức! Toàn thân bệnh nhân đã tê liệt như bị dán xuống mặt giường.
Cuộc đời của bệnh nhân là phải sống trong xó tối rồi chết trong xó tối; Ngoài ánh sáng, dưới mặt trời không có chỗ cho anh ta...
Bệnh nhân biết mình không cưỡng được nữa, đành nằm yên lặng, nhắm nghiền mắt lại, rồi như một kẻ tàn quân bị tử thương, một buổi chiều kia trên bãi chiến trường mà bóng tối lan dần, bệnh nhân thở hắt ra một tiếng thở dài thảm đạm. Có lẽ đó là hơi thở... cuối cùng của người bại trận chịu thua đời.
(Septembre 1934)
Rút từ tập truyện ngắn Trong bóng tối,
Ngô Ngọc Trương xuất bản, Hà Nội, 1936.
Bệnh nhân sực tỉnh giấc, dưới cái chăn dạ xám, để lộ ra một khuôn mặt võ gầy, xanh rớt của những người "ăn phải nước ngược" về.
Hai con mắt sâu hoắm nhìn vơ vẩn quanh phòng như mất hết cả tinh thần, hai bàn tay gân guốc đặt hai bên cạnh giường run lẩy bẩy... Trong phòng còn bốn chiếc giường nữa đều có người nằm, người nào cũng chùm kín từ đầu đến chân trong những chiếc chăn dạ xám.
Cái im lặng, lạnh lùng, ghê sợ nơi bệnh viện làm cho bệnh nhân phải rùng mình. Có lẽ anh ta thấy lạnh. Có lẽ anh ta đã nghe rõ tiếng đập cánh của tử thần bay lượn quanh mình. Có lẽ anh ta đã nhìn thấy cái bàn tay xương xẩu, nặng nề của thần chết giơ gần đến cổ anh ta để chực bóp...
Nhưng chưa! Cái giờ cuối cùng ấy chưa đến được, vì anh ta vừa nghe có tiếng rên la thảm thiết của một người bạn "đồng viện" ở góc phòng. Cái tiếng rên thoát ở miệng một người cũng đương đau đớn như anh, làm cho anh tỉnh táo vì anh ta nghĩ:
"Trên đời còn có kẻ cùng chung đau khổ với ta thì ta còn có bạn, ta chưa đến nỗi trơ trọi lắm".
Trên đường sinh kế, anh ta là một tên lính cảm tử xông pha mũi tên, hòn đạn đến kỳ cùng. Nhưng, đến nay thì thật hết! Cuộc chiến đấu với đời để cướp miếng ăn, anh đành chịu bại; anh ta cố gắng mãi nhưng quá sức rồi, anh ta đã bị thương.
Quanh mình anh, những bệnh nhân khác biết đâu không phải là những tên lính như anh, cũng thua trận, cũng bị thương vì phải xông pha trên đường sinh kế, đến nay mòn mỏi cả xác thịt lẫn linh hồn.
Họ chỉ là cái rơm rác, bẩn nhơ đối với xã hội. Ngày mai, ngày kia... sẽ có một ngày, một buổi tối trời, người ta đem hắt những rơm rác đó xuống những cái hố đen chẳng ai biết đến. Thế là xong!
Đến lượt anh? Rồi cũng thế! Nhưng không, anh muốn sống, muốn được sống như mọi người, dù có phải lăn lóc, ê chề, đau đớn, dù có phải bước lại cái quãng đường anh ta vừa bước khỏi, dù đầy những sự thảm khốc, bất công, tàn ác, đầy những sự lo lắng, mệt nhọc, nặng nề, anh ta cũng vui lòng trở lại. Rồi, và không rên, không la, anh ta cũng vui lòng chịu hết mọi thứ cực hình trên cõi thế. Miễn là anh thoát khỏi bàn tay ghê tởm của tử thần, miễn là anh lại kiếm được ngày hai bữa no hay đói, để sống với ngày qua, tháng lại.
Mặt trời lên cao, chiếu qua cửa sổ bên cạnh giường bệnh nhân, rải những ánh nắng vàng lên trên tấm chăn dạ xám. Cùng một lúc, phía ngoài cửa sổ, trên hàng rào dâm bụt nở hoa đỏ ối, những con chim sâu buổi sáng đi kiếm mồi ăn, ríu rít kêu những tiếng êm đềm. Ngoài trời đầy ánh sáng, vạn vật như vui mừng, hớn hở, thắm tươi...
Bệnh nhân cảm thấy lòng mình như hồi hộp vì một sự gì mới lạ vừa xảy đến. Anh ta biết chỉ hai bước, cách chỗ mình nằm, bên ngoài cửa sổ là cõi thiên đàng của đồng loại, đầy sinh thú. Còn trong phòng, chỗ mình nằm, tối tăm, ẩm thấp là cõi chết hay là quãng giữa của cõi sống và cái chết. Nhưng làm thế nào mà thoát ra được?
Bệnh nhân định trở mình để quay mặt ra chỗ có ánh sáng của trời đất, định quay về phía cửa sổ có hoa nở, có chim kêu, nhưng nghe trong mình đau đớn như giần, anh ta không nhúc nhích, không động đậy được một chút nào, toàn thân tê liệt như bị dán xuống mặt giường.
Anh ta nằm im, nhắm nghiền mắt, cố ôn lại những thời khắc của buổi đời qua:
Anh ta nhớ đến những buổi sáng đầy ánh nắng lúc thiếu thời, quả tim anh đập rộn ràng, vì tình yêu đời vì say mê tạo vật.
Anh ta nhớ đến một người thiếu nữ dịu dàng đã làm cho anh biết yêu, biết cảm. Cái gương mặt hiền lành, đôi mắt long lanh thường nhìn anh trong những lúc ân ái, nay lại hiện ra trước mắt, trên quãng không gian, rõ rệt như trên màn ảnh... nhưng xa xôi quá, xa xôi như trong cõi mộng. Anh ta lại nhớ đến buổi anh phải ra đời, chật vật vì mưu sống, khổ sở vì miếng cơm, manh áo, ước vọng không thành, hi vọng không đạt, chí tiến thủ nhụt dần, anh đem mình đến chốn rừng xanh, núi đỏ, nước độc, ma thiêng. Suốt ngày làm việc, làm như một con vật, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm...
Anh lại nghĩ đến lúc mình bị thương, họ thải, họ chở về xuôi, họ quẳng vào một xó bệnh viện, họ quên... rồi anh nghĩ đến ngày mai, nếu anh sống. Ôi!...! Nếu có thể sống được! Sống được để lại chịu đựng những sự bất công của đồng loại, những sự gian lao, thảm cực của cái đời tôi tớ khốn nạn... nhưng mà được sống, sống với ngày qua tháng lại như tất cả mọi người.
Nghĩ đến "sự sống" bệnh nhân lại mỉm một nụ cười... hi vọng. Nhưng cái nụ cười ấy chỉ thoáng qua rất chóng trên bộ mặt gầy hốc hác, xanh xao, vì bệnh nhân đã thấy lạnh trong người.
Cố nhích tấm thân tàn cỗi, bệnh nhân định quay mặt về phía cửa sổ đầy ánh sáng, có hoa nở, chim kêu, nhưng vô ích và phí sức! Toàn thân bệnh nhân đã tê liệt như bị dán xuống mặt giường.
Cuộc đời của bệnh nhân là phải sống trong xó tối rồi chết trong xó tối; Ngoài ánh sáng, dưới mặt trời không có chỗ cho anh ta...
Bệnh nhân biết mình không cưỡng được nữa, đành nằm yên lặng, nhắm nghiền mắt lại, rồi như một kẻ tàn quân bị tử thương, một buổi chiều kia trên bãi chiến trường mà bóng tối lan dần, bệnh nhân thở hắt ra một tiếng thở dài thảm đạm. Có lẽ đó là hơi thở... cuối cùng của người bại trận chịu thua đời.
(Septembre 1934)
Rút từ tập truyện ngắn Trong bóng tối,
Ngô Ngọc Trương xuất bản, Hà Nội, 1936.