Hai chị em
Tác giả: Thanh Quế
Họ rúc vào những đám mía xùm xòa lá sắc, phóng ào ào về phía trước. Lá mía cắt mặt mũi chân tay họ rỉ máu. Nhưng mãi sau này, họ mới nhận ra. Còn lúc ấy họ chỉ biết bươn tới với sức mạnh mà trước đó, họ chẳng bao giờ có. Họ chạy như thế một lúc lâu. Có lúc họ ngã bổ nhào bởi những thân mía chìa ra khỏi luống ngáng đường. Họ ngồi dậy, xuýt xoa rồi lại chạy. Sau lưng họ, tiếng súng AR 15 nổ loạn xạ. Bọn giặc vừa la ó vừa rọi đèn bin sục sạo.
Ra khỏi bãi mía, họ không còn nghe thấy những tiếng la ó nữa. Tiếng súng AR 15 cũng chỉ còn nổ lụp bụp. Bấy giờ Hà mới bước chậm lại. Thoát nạn rồi. Hà vừa thở vừa nhìn lên trời. Bầu trời đang vần vũ, đầy mây. Gió thổi rào rào qua đồng trống. Thỉnh thoảng từ phía tây những vòng chớp ngoằn ngoèo vạch trên bầu trời, tạo nên những khoảnh khắc lúc sáng lúc tối, lúc tối lúc sáng. Trên nguồn đang mưa. Hà nghĩ vậy. Nay mai ở đồng bằng miền Trung này những trận mưa sẽ ồn ã xối như trút. Mỗi lần thấy ánh chớp Hà bất giác run bắn lên, người nổi gai ốc. Cô đưa mắt nhìn lên nền trời, miệng lẩm bẩm như đang cầu khẩn một điều gì mà chính cô cũng không rõ nữa.
Đúng ra là cô không nên xuống làng trong đêm nay, cô ở lại bờ sông là phải hơn cả.
Hơn nửa tháng nay, bọn địch thực hiện "bình định" cấp tốc ở xã Nghĩa Trung của Hà. Nghĩa Trung nằm lọt thỏm giữa thị xã và thị trấn huyện lỵ. Năm ngoái, trong đợt tổng tiến công vào dịp Tết Mậu Thân, một số lượng của ta về đứng chân tại xã để đánh vào thị trấn và thị xã. Bọn địch uất lắm, nên chúng muốn "cào sạch" lực lượng ta ở cái xã này. Chúng đưa về một trung đội cảnh sát dã chiến thực hiện sục sạo, xăm hầm diệt cán bộ nằm vùng, bắt bớ phá tan các cơ sở của ta. Chúng củng cố bộ máy tề xã, cắt cử các thôn trưởng và liên gia trưởng. Tại xã, chúng lập hai trung đội dân vệ, bắt dân thay nhau canh gác, gõ mõ la làng khi thấy có ta vào. Đội du kích xã bị bật ra khỏi dân. Họ sống lang thang trong những bờ lau ven sông Vệ, chui rúc như chồn chuột trong những đám ruộng hoang, những bãi mía. Đêm đêm, họ cử người xuống làng bám dân, nắm tình hình, tìm lương thực. Nhưng chưa lần nào họ vào được làng, họ luôn bị phục kích. Cán bộ, du kích xã bị bắt, bị chết dần mòn đi. Cách đây năm hôm, anh Thái, bí thư xã, anh rể của Hà dẫn hai du kích xuống làng thì bị phục, bị bắt, chẳng biết giờ ra sao. Chiều nay, đội du kích do anh Hường, xã đội trưởng, người yêu của Hà dẫn đầu xuống làng. Chị Tâm và Hà được phân ở lại. Chị có mang năm tháng rồi nhưng cứ nằng nặc đòi đi. Chị không muốn ở lại cứ, chị thích xuống dân. Lần này chị xuống xã còn có việc riêng của chị: chị muốn biết tin chồng chị. Từ ngày anh Thái bị bắt, chị cứ buồn bã, ăn xong lại lên võng, chẳng hé miệng nói với ai một lời nào. Mặt chị vốn sinh sỉnh vì có mang, giờ càng sị ra. Không cho chị đi cũng không xong, nên anh Hường phải đồng ý. Chị Tâm đi, Hà cũng phải đi để giúp đỡ chị. Hà không muốn ở cứ một mình. Mới lên cứ, một tháng nay, Hà chưa quen cách sống của những người du kích. Nghe gió thổi bờ cây, Hà thấy rờn rợn. Tiếng chuột đuổi nhau chiu chít trong bờ lau cũng làm Hà run bắn lên.
Đội du kích nằm phục bên đám mía sát rìa làng. Trời tối như mực. Chung quanh thật yên ắng. Ai cũng hồi hộp, lo âu nhìn chăm chăm vào làng. Bỗng nhiên trước mắt họ, trên cửa sổ nhà bà Sáng, cơ sở của họ, bỗng hiện lên ánh đèn. Cả đội thở phào, vui sướng. Anh Hường mừng rỡ ra lệnh vào làng. Đèn nhà bà Sáng hiện lên là trong làng không có địch, đêm nay đội sẽ gặp dân, sẽ có lương thực. Mấy hôm nay anh chị em du kích đói rũ...
Họ bước nhanh, có người còn khúc khích cười. Tâm và Hà đi sau cùng. Tâm bước lệt bệt làm Hà sốt ruột lắm. Bất ngờ một bên bụi rậm sát nhà bà Sáng, tốp người đi trước bỗng khựng lại khi nghe tiếng súng nổ và tiếng quát to: "Đứng lại, giơ tay lên". Hà và Tâm cũng đứng sững lại, ngơ ngác một lúc, sau đó mới hiểu ra, vội quay ngược lại, phóng nhanh trong tiếng súng quát của giặc đuổi theo.
Bây giờ chẳng biết các anh ra sao? Ai chết? Ai bị bắt? Hà lo cho anh Hường quá. Hà dừng lại bên một bờ đất đợi Tâm. Nãy giờ, Hà cứ lo chạy, quên cả chị đang có mang. Thoát nạn rồi, cô mới ân hận. Cô hỏi nhỏ khi Tâm đến gần:
- Sao? Có mệt không chị Hai?
Tâm chưa trả lời ngay. Tâm thở hổn hển. Trong đêm tối Hà ngỡ như chị dùng cả tai, cả mắt, cả miệng để thở.
- Chị mệt quá, nghỉ một chút, em.
Họ ngồi xuống bờ cát, Hà nhìn Tâm ủ rũ, chậc lưỡi:
- Chẳng biết anh Hường với các ảnh ra sao chị hỉ?
- Có lẽ bị bắt rồi, như anh Thái thôi.
Tâm nói thế rồi im bặt. Hà cảm thấy chị đang nén khóc. Có lẽ chị lo cho anh Thái lắm. Hà cũng lo cho anh Hường. Nhưng ảnh mới là người yêu. Còn chị Tâm và anh Thái đã có chung một giọt máu, chị mang nặng nên ngồi thở ì ạch đó. Hà an ủi:
- Không sao đâu chị, chắc các ảnh chẳng chết đâu. Có thể bị bắt, ở tù sơ sơ rồi chúng cho ra. Có khi các ảnh còn trốn ngục nữa đó...
- ờ...
Tâm trả lời cho qua chuyện rồi im. Hà nhìn chị lo lắng. Hai chị em không nói gì với nhau nữa. Mới có mười lăm phút mà Hà cảm thấy lâu quá chừng. Hà tưởng chừng như bầu trời đêm sẫm đặc lại, đè xuống người mình, bức bối. Cô đứng dậy, giục:
- Thôi, ta đi chị...
Hai chị em dìu nhau về phía bờ sông Vệ. Nước chảy ào ào. Dòng sông quẫy lên như vật vã với ai để cứu thoát chính mình. Thường ngày, sông vẫn hiền hòa lắm. Có một đêm hè xa rồi, Hà theo chị Tâm ra sông ngụp lặn. Nước sông khỏa mát đôi vai tròn lẳn và bộ ngực mới nhú của Hà. Hà vuốt mớ tóc dài đen nhánh hỏi Tâm: "Em đẹp không chị?" Tâm mỉm cười: "Đẹp". "Chị cũng đẹp, mặt chị trắng nè, tròn nè, môi chị đỏ nè, chị đẹp hơn em" - "Hứ, mày cứ vớ vẩn". Tâm bảo thế rồi hai chị em bơi đuổi nhau trên mặt sông. Tiếng xe nước quay đều đặn âm vang đôi bờ. ánh trăng lấp lánh trong tiếng hò kéo mía. Những muỗng đường bóng vàng nằm trong lòng khoang những con đò dọc bình yên đi về đâu...
Mãi mãi, dù có ao ước bao nhiêu, đi qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu dặm đường. Hà và Tâm cũng không bao giờ trở lại được đêm hè ấy. Có lẽ đó cũng là nỗi đâu khổ chung của hàng triệu người trên trái đất, đã bao nhiêu thế kỷ vẫn nhức buốt một câu hỏi: Làm sao chúng ta có thể tìm lại được thời gian đã mất?
Bây giờ, cả khúc sông này vắng ngắt. Chỉ có chồn và chuột bay sàn sạt trong những bờ lau. Lau ngút ngàn.
Hai chị em đi theo bờ sông một đoạn thì đến một bãi lau mọc xen với những lùm táo và trâm bầu. Đấy chính là căn cứ của xã. Hàng ngày, anh chị em du kích, kẻ treo võng, người trải ni-lông nằm trong bãi rậm này. Họ dùng bếp dầu nấu ăn dể tránh lửa và khói. Đêm ấy, họ lần mò vào làng công tác. Đêm nay, sau khi chạy thoát trận phục kích ban nãy, hai chị em đều cảm thấy mệt lử. Hà chưa kịp đi lấy cái gùi đựng quần áo, võng ni lông giấu trong lau trước khi đi xuống làng đã ngã vật ra nằm thở. Tâm lui cui đi lấy cái gùi của hai chị em đến.
- Trải ni lông mà nằm chớ không lau cắt xót đó em.
- Xót thì xót, ngủ cái đã, mệt chết được.
Không biết nói sao, Tâm trải ni lông rồi kéo Hà nằm bên mình.
Có tiếng trực thăng dợn ở phía xa. Dạo này trong đêm bọn trực thăng thường bay dọc các vùng đồng hoang, thả đèm phát hiện lực lượng ta. Đó là lệ quen rồi. Hẳn chúng chẳng được xơ múi gì đâu. Hai chị em cứ nằm ườn ra thở hổn hển. Hà ngáp mấy cái rồi nằm im. Một lúc sau Tâm nghe Hà ngáy pho pho. Chợt Tâm bật dậy. Có hai chiếc trực thăng bay thẳng về phía họ. Nó bay qua đầu hai chị em rồi bay trở lại thả đèn sáng xuống khu vực cứ. Tâm đập vào chân Hà.
- Gì thế chị? Hà ngơ ngác hỏi.
- Chạy. Nó phát hiện ra đúng chỗ tụi mình, chắc có kẻ chỉ điểm.
Theo bờ sông, hai chị em chạy một đoạn rồi phóng tạt ra những đám ruộng cũ ngút ngàn cỏ hoang. Vùng này thuộc xã Nghĩa Hòa. Bà con bị giặc lùa xuống sát đường quốc lộ cho chúng dễ kiểm soát. Cuối cánh đồng hoang là một khu núi đá tên là núi Nhạn. Xa nữa là những ngọn núi chập trùng, chân dãy Trường Sơn. Trên những ngọn núi ấy bọn địch đã đóng nhiều chốt hòng ngăn chặn chiến khu liên lạc với đồng bằng.
Khi hai chị em đã ở giữa đồng hoang thì một đàn trực thăng bay đến thả đèn và bắn đại liên xuống căn cứ của xã. Chúng quần đi quần lại, xả những loạt đạn rất trúng đích. Tâm quay lại nhìn, tự nghĩ: Sao vậy hè? Sao chúng biết đích xác căn cứ của ta? Anh em khai chăng?Cơ sở khai chăng? Tại sao nhà bác Sáng thắp đèn mà trong làng có địch, anh em bị phục?
- Tại sao mình bị lộ hở chị? Có phải bác Hai Sáng làm điệp viên không? Hà bất ngờ hỏi như có cùng một ý nghĩ với Tâm.
Tâm vừa thở vừa nói:
- Chị cũng không biết nữa.
Gió thổ ào ào qua ruộng trống. Mây vần vũ ngổn ngang trên nền trời. Có lúc mây bị gió thổi tạt, để lộ ra một vầng trăng rọi sáng bàng bạc xuống đồng vắng. Tâm thấy người ớn lạnh như có ngọn gió buốt từ trong lòng mình thổi ra, một cái lạnh chạy từ ót xuống sống lưng. Người Tâm run run...
- Bây giờ ta làm sao đây, chị Hai? Hà hỏi.
- Chị tính mình phải lên khu núi Nhạn thôi em à. Tâm trả lời sau một lúc suy nghĩ.
Bà con trong vùng này thường kể rằng:
Ngày xửa ngày xưa, khi biển cả ngự trị khắp cả trái đất này, tất cả chỉ có nước. Nước mênh mông trắng xóa. Những con sóng cứ chảy chồm chồm xô vật nhau, không biết vỗ vào đâu. Không có bờ, không có đất, không có gì cả. Chỉ có nước, nước, nước. ấy vậy mà thượng đế lại thả xuống một đàn chim Nhạn (vốn là những cô tiên đã chống đối lại mình) để đày họ. Đàn chim không biết đậu vào đâu, cứ bay mãi. Trước mắt chúng, thỉnh thoảng lại hiện lên một hòn đảo. Chúng dáng sức bay tới, nhưng đến nơi, hòn đảo bỗng biến mất. ở nơi xa lại hiện lên một hòn đảo mới. Nhưng rồi, đảo lại biến mất khi chim bay tới. Đàn chim Nhạn mệt lắm, cánh rời rã, vẫn dìu nhau bay ngày này qua ngày khác. Một hôm, có một con Nhạn trắng yếu sức quá không muốn bay nữa. Chim đầu đàn nói:
- Này, mày đậu lên thân tao, tao dìu mày đi.
Nhạn trắng nói:
- Tôi muốn được làm theo ý mình, tôi không muốn phiền ai. Chúng ta rồi sẽ chết hết thôi, để cho tôi chết trước.
Đàn chim nhao nhao phản đối.
- Không được, chúng ta sống có nhau, chết có nhau, chúng ta sẽ tìm được đảo để đậu.
Con Nhạn trắng không nghe lời. Nó kêu lên một tiếng ngắn rồi lao xuống nước. Cả đàn chim dừng lại bay vòng tròn trên vùng nước nhạn trắng lao xuống để vĩnh biệt rồi dìu nhau bay đi. Chúng bay, bay mãi. Thượng đế nhìn xuống thấy thương quá, đang ăn giở miếng bánh, Ngài ném xuống trần, tạo nên những hòn đảo cho bầy chim đậu. Chúng bắt đầu sinh cơ lập nghiệp, đẻ con cái, từ đó hình thành nên các nòi giống cho trái đất.
Còn phần chim nhạn trắng, sau khi chết, thượng đế thương cảm, hối hận về việc làm của mình, đang đội chiếc mũ cánh chuồn, ngài giật phắt ném xuống trần che cho xác nhạn trắng đang trôi nổi trong nắng. Chiếc mũ thành ngôi mộ của nhạn trắng. Năm tháng qua đi, nơi ấy bây giờ thành núi Nhạn. Núi gồm có ba ngọn từa tựa giống hình chim nhạn. Thân Nhạn là một dải núi đất dài. Hai cánh nhạn là hai ngọn núi đá mọc hai bên...
Hai chị em đến được ngọn núi đá phía đông thì trời đã khuya. ở đây có một hang lớn. Mấy năm trước đội du kích có trú ở hang này vài lần khi gặp khó khăn. Đợt qua anh em cũng đòi lên đây, nhưng anh Thái bảo ở sông gần xã hơn, bám vào dân dễ hơn. Từ bờ sông chỉ qua bãi mía là tới làng. Đây là căn cứ thứ hai, đội chỉ đến ở khi tình thế bí quá.
Tâm đưa Hà vào hang núi. Hang tối om. Khi Tâm rút cái đèn chai, vốn có trong gùi của mọi người du kích, châm lửa lên, Hà thấy hiện ra một cái hang như một cái mõm rộng của một con thú đang há hốc. Vách hang trắng bệch. Từ trần hang rơi xuống những cây thạch nhũ như những vòng dây treo cổ. Bao hình thù kỳ quái nhảy múa rồi biến mất, rồi lại hiện ra khi Tâm cầm đèn soi chỗ này, chỗ nọ. Tâm bước tới một vách hang, sờ sờ một lúc rồi nói:
- May quá, mấy cây cọc sắt gài vào đá để mắc võng nay vẫn còn. Chị em mình nghỉ thôi.
Hà mắc võng cạnh chị. Nhưng cô không ngủ được. Cô nghe có tiếng gió hú ngoài cửa hang. Chiếc võng cô nằm như con thuyền chao chao trên biển cả. Tiếng đại bác nổ ùng oàng đâu đó. Mấy lần, nghe Tâm ngay, Hà cũng cố nhắm mắt nhưng rồi mở mắt ngay. Trong một phút chợp mắt ngắn trước khi trời sáng câu chuyện xưa bỗng đi vào giấc mơ. Hà thấy mình biến thành con chim nhạn trắng. Nhưng không phải cô bay tìm đảo mà phải bay bay mãi trước những phát đạn săn đuổi của địch. Cho đến cái phút cánh rã rời và phải lao xuống mặt nước, cô bỗng thét lên một tiếng và bật dậy, người toát mồ hôi.
2.
Buổi sáng, môt tia nắng rọi vào hang đánh thức Tâm dậy. Cô đã đặt chân xuống đất, nhưng cảm thấy người đau ê ẩm, hai bên hông mỏi nhừ, nhất là cái đạp bất ngờ quá mạnh bất ngờ của đứa con trong bụng làm cho cô choáng váng, nên lại nằm vội xuống võng. Một lúc, Tâm thấy người hơi khỏe lại. Cô bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh, bây giờ, cô mới nhận thấy Hà không còn ở trong hang.
- Hà ơi.
Chung quanh im lặng.
- Hà ơi.
Vẫn im lặng.
"Con nhỏ đi đâu hè" Tâm nghĩ. Không khéo chưa biết tin tức người yêu, nó buồn nó đi ngơ ngơ xuống làng bọn địch nó "lượm" mất. Mà cũng chẳng cần đi đâu cho xa, ngay đứng ở đần núi Nhạn mà không kín đáo, bọn đóng trên những ngọn núi nhìn ống nhòm xuống, gọi pháo cũng nguy rồi. Nó chưa có kinh nghiệm hoạt động du kích. Chỉ mới lên căn cứ có hai tháng nay lại trúng thời kỳ ác liệt nữa, Tâm chưa kịp dặn dò nó, Tâm lo quá.
Từ nhỏ, hai chị em đạ quấn quít nhau. Bà con trong làng thường bảo Hà là cái đuôi của Tâm. Tâm leo lên hái ổi, Hà đứng dưới chỉ trỏ, giơ nón hứng. Tâm ra vườn chặt củi, Hà chạy theo nhặt giúp cho chị. Tâm nấu cơm Hà chầu hẫu ngồi bên lật đật đưa cho chị khi thì que củi, lúc cái vung. Tâm đi đâu, ai cho gì, cũng mang về cho em. Chị em thương nhau lắm. Từ khi cha mất, ba mẹ con càng thương nhau hơn. Cha Tâm đi kháng chiến, hòa bình ông về nhà làm ăn. Một buổi tối cả nhà đang quây quần ngồi ăn cơm dưới ánh đèn thì có mấy tên lính đội mũ nồi có hai tua vàng và đỏ xộc đến, chĩa súng vào cha Tâm:
- Thằng Dinh đây phải không?
Cả nhà mặt mày xanh lét. Tâm khóc trước, Hà và má cũng khóc theo. Cha yên lặng nhìn tụi giặc, và nhanh bát cơm, bỏ chém đũa xuống mâm rồi đứng dậy:
- Tôi đây, các ông cần gì?
Một thằng đã già, mắt đeo kính cận nói:
- Đi theo chúng tao!
Cha không nói không rằng, bước xuống thềm, ra sân đi trước. Dáng ông cao lớn, hiên ngang. Bọn địch lủi thủi theo sau.
Cha Tâm đi, không về nữa. Ngay đêm ấy, chúng trói ông bỏ vào bao tải, ném xuống dòng sông Vệ mùa nước sôi sực sóng.
Ba mẹ con đùm túm nuôi nhau, Tâm phải đi chăn bò thuê, hái củi bán, giúp mẹ nuôi em. Rồi mẹ bị bắt đi tù. Tâm vừa phải nuôi em vừa phải mang cơm đến nhà tù nuôi mẹ. Đến ngày đồng khởi, Tâm gặp các chú bạn của cha chốn chui nhủi trên núi trở về. Tâm bắt đầu hoạt động cách mạng, nuôi các chú các anh trong nhà mình. Gần một năm nay, Tâm bị lộ nên thoát ly. Còn Hà được mẹ nuôi cho ăn học. Mẹ thường bảo, có khổ cũng phải cho một đứa con học nên người. Hà chuẩn bị thi lên lớp mười hai thì mẹ bị trúng pháo chết lúc làm đồng. Vốn quen trước với Hường trong những ngày Hường xuống làng hoạt động, Hà nhảy lên căn cứ với người yêu. Bây giờ chỉ còn có một mình, con nhỏ này phát điên mất.
- Hà ơi.
Tâm gọi lần nữa nhưng vẫn không thấy Hà trả lời. Cô số ruột quá, cố gắng ngồi dậy bước ra ngoài cửa hang.
Trong lúc ấy, Hà đang đứng ở mỏm núi phía đông ngó về làng.
Tầm mắt của Hà phóng lướt qua cánh đồng hoang, qua bãi mía, dừng lại trên những mái ngói tranh ẩn hiện trong những vườn cây kéo dài ra tận mép quốc lộ một. Làng Tân Thành của Hà đó, đứng ở đây, Hà thấy làng mình như một hòn đảo xanh. Bên trái làng là một cánh đồng trải dài đến tận thị xã tỉnh lỵ, nơi nhấp nhô những ngôi nhà cao tầng. ở đó, cô đã từng mặc bộ quần áo dài trắng bước vào ngôi trường Trần Quốc Toản bạn bè ríu rít đông vui. Cô đã cùng với các bạn gào khản cổ, ký tên đến dại cả tay trong những đêm hội thảo đòi hòa bình, tự do, chống bắt lính, đòi cấm quân sự hóa học đường. ở đó, cô đã từng lủi thủi đi mua một ổ bánh mì nhỏ, với số tiền ít ỏi mẹ cho trên những đường phố lúc nhúc bọn Mỹ, ngụy, bọn đĩ, bọn giàu có ăn mặc sang trọng. Bên phải làng là thị trấn nhỏ với những mái ngói chen mái tôi nằm dọc bờ sông Vệ. Trong buổi mai, con sông rực lên màu nắng. Chưa bao giờ Hà thấy quê hương hiện lên toàn cảnh như vậy. Cô thèm được chạy xuống đó, đến ngồi trên bậc thềm một ngôi nhà, đọc sách, chạy vào khoèo ổi trong một vườn cây, cầm tay bạn bè cười nói ríu ran. Nhưng bây giờ không sao làm được như thế. Chị em cô như hai con thỏ con bị địch săn đuổi. Hà ngồi xuống một tảng đá chống hai tay lên cằm ngó đăm đăm qua cánh đồng hoang, qua bãi mía...
Trước mắt Hà bỗng hiện ra một đêm trăng trải vàng trên bãi mía. Sông Vệ lấp loáng sáng thì thầm. Hà sánh vai Hường đi trên bờ mẫu. Mấy hôm trước, cô học sinh có thân hình thon thả và mềm mại, da trắng hồng, đôi mắt đen láy mơ mơ vừa nghỉ hè đã gặp Hường, một xã đội phó, có dáng vóc cao gầy, vừng trán rộng, khuôn mặt vui vẻ trẻ trung xuống làng gặp chị cô công tác. Hai người nhìn nhau. Ngay lúc ấy họ đã có cảm tình với nhau. Đêm nay trăng sáng trong làng không có địch, Hường rủ Hà dạo chơi ngoài đồng mía, Hà say sưa nghe Hường kể về tuổi thơ mồ côi lang thang của anh ở thị xã, những năm tháng vừa đi đánh giày vừa học, những dự định trong tương lai của anh sau ngày miền Nam giải phóng...
Bên một hàng mía khuất ánh trăng, Hường dừng lại cầm tay Hà, giọng khàn khàn hỏi nhỏ: "Anh đã kể cho em nghe, cuộc đời anh đau khổ lắm. Em có... có thương... anh không". Hà thấy mặt đất rung rinh dưới chân mình. Cô không đứng vững nữa, ngã rúi về phía đôi tay người đỡ.
Hà đưa tay lên ngực, cảm thấy ngực mình còn ấm nóng tay anh. Hà nhắm mắt lại, mơ một bàn tay, một bàn tay ấm nóng.
Bỗng Hà giật nảy mình. Có tiếng súng nổ ở xa, Hà đứng lên, rướn người nhìn. Từ trong làng hiện ra lố nhố bóng người. Họ sắp hàng dài ở mép bãi mía và cúi lom khom phát mía. Sao vậy hè? Đã tới mùa thu hoạch mía đâu? Sao lại có tiếng súng nổ? Hà chạy về phía hang, tới cửa thì gặp chị Tâm ngồi trên một phiến đá:
- Chị ơi, hình như bà con ta bị chúng bắt chặt mía. Sao chưa tới mùa mà đã chặt hả chị?
Mắt Tâm tròn xoe:
- Nó phá mía đi. Có lẽ nó muốn phát quang để dễ kiểm soát ta vào làng.
Tối hôm đó, Hà xuống làng để nắm tình hình. Hai giờ sau, cô trở về, thất vọng:
- Không vô được làng đâu chị. Tụi lính đang đóng dã ngoại ở bãi mía. Em núp sát bờ sông nhìn vô. Có lần em nhổm lên suýt bị chúng phát hiện. Em đã đến chỗ gốc sung bí mật để lấy thư, lấy gạo bà con tiếp tế nhưng không thấy gì hết. Dân mình như vậy đó, chị ơi.
Tâm nhìn Hà, thấy mũi Hà nhun nhun một cách khó chịu. Cô biết Hà đang bực bội.
Tuy hai chị em ruột, nhưng tính nết mỗi người một khác. Hà xốc nổi, vui đó, buồn đó và hầu như không say mê một việc gì lâu bền. Trái lại, Tâm chín chắn, nói ít làm nhiều, có phần hơi quá thận trọng trước mọi việc. Tâm hỏi khe khẽ:
- Em thấy trong làng ra sao?
Hà nhăn nhó:
- Tối thui. Nhà bà Sáng cũng tắt đèn. Dân mình sợ trọi lỏi rồi. Bắt đầu theo tụi nó hết rồi.
- Đâu chắc vậy?
- Chị không tin à? Tại sao bà Sáng làm tín hiệu không có địch mà mình vô lại bị phục?
Tâm đắn đo:
- Có gì trục trặc thôi. Em đừng vội nói vậy.
Tâm không thể nghi ngờ dễ dãi được. Cuộc đời cách mạng bao năm tháng đã dạy cô như thế. Không tin nhân dân thì còn gì mà tin nữa. Hồi mới hoạt động cách mạng, cô cũng chưa hiểu hết việc này đâu. Cô chỉ ưa đến những nhà quen, xa lánh những người bị thành kiến. Có một lần, cô mò vào nhà bác Đấu, một người trong họ để hỏi tình hình. Chẳng ngờ, khi tới gần cổng nhà bác thì gặp địch. Cô chạy vòng qua vòng lại tìm những nhà người quen để nấp. Nhưng tới đâu, họ cũng đóng cổng. Bọn địch lại la ó rượt theo. Cô quýnh quá. Bất ngờ, cô chạy vụt vào một cái nhà còn mở cổng:
- Bác ơi, bác cho con...
Một bà già thấp bé, da đen đủi, áo quần rách dưới hiện ra. Bà nhìn Tâm, chằm chặp một lúc, rồi dẫn Tâm vào bàn thờ. Tâm chẳng ngờ ở dưới bàn thờ nhà bà có một cái hầm đào sẵn. Sau này khi bà là cơ sở của mình, Tâm mới biết bà đã từng nuôi bao nhiêu cô chú ở hầm này, trước cả lúc Tâm gặp cách mạng. Đó là tấm lòng thầm lặng của nhân dân mà dần dần trong quá trình tham gia cách mạng Tâm mới nhận ra.
Bà già Tâm gặp hôm đó chính là bà Sáng. Từ lâu, cả làng này, ai cũng coi rẻ, bởi bà không chồng nhưng đã có một đứa con riêng. Chuyện ấy xảy ra hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Một lần, có một anh bộ đội xuống xã công tác, nghỉ lại bà, lúc ấy bà là một cô gái muộn chồng gần ba mươi tuổi. Chẳng rõ hai người quan hệ ra sao mà một thời gian anh kia đi thì bà có mang. Cha mẹ bà, lúc ấy vẫn còn sống, chưởi rủa bà, làng xóm mỉa mai bà, bà vẫn bảo: "Có lẽ ảnh chết rồi chớ còn sống thì ảnh về cưới thôi. Bộ đội ai lại thế". Nhưng rồi sau mới vỡ lẽ ra, anh này đã có vợ, đi đâu cũng tằng tịu, đã bị đuổi khỏi quân ngũ. Bà không lấy ai nữa, cứ ở vậy nuôi con. Con bà lớn lên cũng bỏ bà theo trai biệt xứ. Cha mẹ mất, bà chỉ còn có một mình.
Tâm ngồi trong hầm, nghe có tiếng hỏi:
- Có con Việt Cộng vô đây không?
- Không.
- Láo. Bà giấu nó đâu? Tụi tôi vừa thấy nó chạy vô ngõ.
Im lặng một lúc, Tâm nghe bà Sáng nói:
- ờ , ờ tôi lẫn quá. Có thấy. Nó chạy ngang qua đây, phóng ra sau hè, chạy ra đồng rồi. Tui cứ tưởng ai...
Tâm nghe tiếng hỏi gằn và tiếng báng súng nện bình bịch vào người bà:
- Thật không, thật không? Nói láo tao đập vỡ sọ.
- Tui thấy vậy đó, mấy ông đánh tui chết cũng vậy thôi.
Bọn địch chạy lịch bịch ra đồng.
Từ hôm đó, Tâm bắt đầu tin bà già Sáng. Tâm đưa anh em xuống nhà bà ở. Nhà bà có lợi thế: sau nhà có bờ tre, mảnh vườn, vượt qua rào là tới khu ruộng mía. Bà nuôi hết người này đến người khác. Khi anh em bị bật ra, bà thắp đèn để báo hiệu. Ngọn đèn ấy vững lòng bao nhiêu trong những đêm tối đầy lo âu, Vậy mà, tại sao vừa qua; bà thắp đèn, ta vào lại bị phục? Chẳng lẽ bà khai sao? Hay anh em ta? Có cái gì đó từ sâu thẳm trong lòng mình mách bảo Tâm là mọi việc không phải tại bà già Sáng. Tâm nói với Hà:
- Nếu bà con có chuyện gì chắc cũng là do chúng o ép quá - Tâm dừng lại một chút rồi tiếp - Chị thì tin là bà Sáng không theo địch.
Hà nhăn nhó:
- Chị thì lúc nào cũng tin. Tin mãi tin mãi rồi chết luôn. Em nói dân xã mình hư hỏng cả rồi. Họ chạy theo tiền cả rồi...
Hai chị em im lặng. Đêm đen đặc. Gió thổi rào rào qua đồng trống, lùa hun hút vào cửa hang.
Những ngày tiếp theo tình bình cũng không sáng sủa gì thêm. Bọn địch vẫn đóng dã ngoại, vẫn bắt dân chặt mía.
Gạo rang trữ trong gùi đã hết. Cơ sở vẫn không tiếp tế gạo. Mấy lần, Hà xuống moi hũ gạo cơ sở đặt dưới một gốc sung ở sát bờ sông, lâu nay tiếp tế cho du kích khi gặp khó khăn cũng cghỉ thấy hũ không. Một hôm, Hà xuống bờ sông thấy có người lom khom dưới gốc sung. Hà mừng húm, suýt la lên. Nhưng vốn cảnh giác, cô ngồi xuống nhìn. Một lúc sau, cô phát hiện ra đó là một thằng dân vệ. Nó ngồi ngay chỗ chôn gạo, ngủ gà ngủ gật. Nguy rồi, cơ sở không tiếp tế mà còn báo cho địch phục. Hà bỗng thấy như có một màn bóng tối phủ xuống lòng mình. Cô vừa quay về cứ vừa nghĩ, hoang mang. Mọi chuyện cứ rối tung ra: Bà Sáng thắp đèn mà ta bị địch phục? Hũ gạo chị Thắng chôn có lính phục? Sao vậy? Sao vậy? Đối với một người vừa thoát ly một tháng nay, biết bao điều thật khó hiểu.
Bắt đầu là những ngày đói quay quắt, Hà cảm thấy buồn bực, suốt ngày vật vờ, như nhớ một cái gì, quên một cái gì. Đôi mắt trống rỗng như cửa sổ một ngôi nhà bỏ hoang. Một ngày xa mới rồi, có một ngôi nhà, ở đó biết bao nhiêu kỷ niệm của ông bà cha mẹ, kỷ niệm của tuổi thơ mà hai chị em đã bỏ ra đi... Hà cảm thấy thương chị hơn. Chị có mang đau đớn mà chẳng rên la gì. Hà quanh quẩn quanh núi để tìm các thứ ăn được. Nhưng núi chỉ có đá và cây chua me. Ăn lá chua me xong, ruột cứ quặn lên, nước miếng tứa ra. Hà đi dần sang khu núi đất. Mấy ngày liền, rảo chỉ mỏi chân, Hà quay về bực tức, uống nước cầm hơi, thả người xuống võng. Tới ngày thứ tư, Hà bỗng phát hiện ra một bụi củ mài, Hà mừng lắm, chạy về báo cho Tâm. Tâm nói:
- Chị quên đó, ngày nhỏ, có lần chị đã theo bạn lên tìm củ mài ở đó.
Hà vui mừng, xách dao găm mà người du kích nào cũng có, đi đào. Sau mấy ngày mệt xỉu Tâm cũng lần theo em. Tới trước một tảng đá, cô ngồi nghỉ. Bỗng nghe Hà lẩm bẩm phía sau:
- Mày trốn đây, mày cút đâu. Tao lôi mày lên, tao bửa mày ra cho chị tao nuôi cháu tao.
Tâm bước tới. Thì ra Hà đang cố moi một khúc rễ củ mài chui tọt vào tảng đá. Mặt Hà tái xanh nhưng rạng rỡ.
Củ mài không phải còn mãi. Tình hình xã cũng chưa nắm được. Mấy ngày sau, hai chị em bàn nhau. Tâm nói:
- Chị em mình phải xuống làng thôi, chị sốt ruột quá.
Hà trề môi:
Bà xuống đó, nó rượt nữa, bà chết mất...
Tâm cười:
- Mà không xuống cũng chết đói.
- Đói thì tui đi xa nữa tìm cái ăn, mình cũng sống lâu. Chớ xuống đó, dân theo địch hết, khai ra thì mình chết quẻo ngay. Xã mình đã mất thì em cho mất luôn. Bộ chị lo cho anh Thái lắm hả.
- Chớ mày không lo cho thằng Hường à, cái con...
Hai chị em cười. Buổi chiều ấy, sau bao nhiêu ngày bị săn đuổi, hai chị em mới cất tiếng cười....
3
Hai chị em ngồi trong một khóm lau sát bờ sông nhìn vào bãi mía.
Trời nóng một cách khó chịu. Những ngày trước khi vào mùa mưa trời vẫn thường như vậy đó. Nắng ong vàng vàng, mồ hôi tứa ra, lá lau quệt khứa làm hai chị em xót không chịu được. Hà gãi sồn sột, mặt nhăn nhó. Trên mặt trên cổ, trên tay cô hiện ra những đường đỏ tứa máu. Cô lẩm bẩm chửi rủa, nhưng im bặt ngay, khi thấy Tâm giơ tay chỉ về phía trước, ra dấu im lặng.
Bọn địch vẫn bắt bà con chặt mía. Có lẽ mọi người không chịu làm theo, nên thỉnh thoảng hai chị em nghe chúng quát: "Chặt mau lên, bộ tiếc mía hả, bộ muốn giúp Việt cộng về núp hả?". Thường sau tiếng quát là một loạt súng bắn chỉ thiên và những tiếng cười ha hả. Tiếng chặt mía lại rào rào rộn lên một lúc rồi lại thưa thớt đi dần. Rồi lại có tiếng quát. Rối lại có tiếng rộn ràng chặt mía. Càng về chiều tiếng quát thưa dần, tiếng chặt mía cũng rời rạc.
Hai chị em ngồi tê cả chân. Có lúc, Hà thiu thiu ngủ dưới nắng, nhưng bật dậy ngay. Hà thấy Tâm vẫn chăm chăm nhìn vào bãi mía. Đôi mắt màu xám mở to, căng thẳng. Khuôn mặt tái xanh vì sốt, vì đang có mang vì đói ăn nên hằn lên những vết nhăn. Hà cảm thấy thương chị lắm. Hồi sáng, hai chị em bàn nhau mãi thử Tâm có nên đi không. Hà không cho Tâm đi nhưng Tâm vẫn quyết đi. Tâm sợ Hà không quen đi một mình. Vả lại, Tâm muốn tự mình nắm tình hình bà con. Tâm không tin là bà con đã quên cách mạng. Nếu có lúc họ quên cách mạng là vì cách mạng không biết hướng dẫn, tổ chức mà thôi. Năm ngoái, có một lần lên huyện họp, hội nghị du kích chiến tranh, tổ chức cho những du kích đánh phá. Tâm nghe một anh du kích ở xã An Khang lên báo cáo. Anh kết luận: "Dân xã tôi có đốt ra tro, đem tro bón đất, đất xấu thêm". Chú Chín bí thư huyện ủy cười khà khà: "Thế thì ai nuôi anh bấy lâu nay mà anh có thành tích?". Anh nọ bị chỉnh là do chiến đấu đơn độc, không hiểu không tin dân. Tâm thấy anh ta đỏ mặt vò đầu bứt tai. Tâm buồn cười quá. Có lẽ bây giờ mình cũng mắc khuyết điểm như anh nọ sao?" Tâm không thể quên những nắm cơm, viên thuốc, những căn hầm chật chội với tấm lòng rộng lớn của bà con che chở mình. Có một cái gì tắc nghẹn đây, "vì địch" hay vì ta tổ chức không được. Đôi mắt xám mở to. Tâm chằm chằm nhìn vào bãi mía. Vừa lúc ấy Tâm nghe có tiếng người băng trong mía loat xoạt về phía mình. Trước mắt cô, hiện ra hai thằng dân vệ. Chúng đi thẳng đến một bụi rậm trước mặt hai chị em, ngồi xuống đó ăn mía. Một thằng có vẻ con trẻ, nhưng để bộ râu quai nón. Thằng kia già hơn, mặt đen thui như mặt khỉ, Tâm thất quen quen.
- Này, thằng già nói, coi chừng chớ ngồi ngoài này Việt cộng nó lượm đó.
Thằng trẻ đang ngồi bỗng bật dậy cười ha hả:
- Còn cứt Việt cộng đâu mà sợ. Ông không biết chuyện gì à?
- Chuyện gì?
- Tụi bị bắt lên quận đã khai hết cả rồi. Té ra bọn cộng sản cũng chẳng có gì ghê gớm lắm.
- Tụi nó khai sao?
Tên trẻ lại cười như hóa rồ, rồi nói:
- Chúng bị lượm hết rồi. Chỉ còn hai con hổ cái thôi. Mà có lẽ cũng bị rốc-két xơi rồi.
Sao chúng biết là chỉ còn hai chị em? Ai khai? Cơ sở hay anh em? Tâm vừa nghĩ vừa dỏng tai nghe.
- Đứa nào khai, chắc đúng không? Tên già lại hỏi.
- Hỏi kỹ dữ vậy. Tôi cũng như ông, nghe lỏm vậy thôi.
Im lặng. Tâm nghe hai thằng nhai mía rau ráu. Nếu như ngày nào, cô sẽ nổ súng "chơi" luôn cả hai thằng. Nhưng giờ đây, để giữ bí mật, nhất là cái tin hai đứa vùa nói làm cô bàng hoàng. Cô thấy tay mình run run. Cô nhìn Hà. Hà cũng nhìn cô với vẻ mặt lúng túng.
- Còn cái mụ Sáng có khai gì không mày? Cái giọng lì lì của tên già lại cất lên.
- Có vẻ chì hơn. Nhưng mới ở xã thôi. Lên quận chắc khác.
- Tao phục mụ ta. Bữa bắt mụ chưởi bọn chiêu hồi quá.
Hai tên lại nhai mía, một lúc lâu Tâm nghe tên già nói:
- Nhưng đừng chủ quan với hai con hổ cái. Biết đâu nó còn sống, nó nấp trong bờ trong bụi. Nó "tạch" cho ta một phát là xong đó.
Có một tiếng hú ở đâu đó, một tiếng hú nữa vang trên bãi mía. Hai tên dân vệ đứng vụt dậy, chạy ào ào qua mía.
Từ nãy giờ, Hà ngồi im, úp mặt xuống đầu gối, bỗng bật dậy, ôm chầm lấy Tâm khóc thút thít.
- Chị ơi, ai chiêu hồi, ai khai vậy chị?
Tâm thấy cả người mình bủn rủn, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh:
- Chị đang nghĩ, coi thử.
Hà bỗng khóc uất ức:
- Nếu các anh... anh Thái, anh Hường cũng... cũng...
Tâm vuốt tóc em:
- Nín đi, biết đâu tụi nó chơi trò tâm lý đó.
Mặt trời đã tụt xuống dưới chân ngọn núi phía Tây. Có mấy tiếng súng nổ. Bà con chặt mía nhốn nháo ra về. Hai chị lần mò vào bãi mía nhìn theo đoàn người: May ra họ có gặp một cơ sở nào đó. Đang đi, Tâm bỗng dừng lại kéo Hà nằm ẹp xuống một rãnh mía. Trước mặt họ, như một cơn lốc, có một người đàn bà chạy ào ào qua, dừnglại trước một cụm mía vừa chặt, ngó quanh quất. Chợt chị ta cười thành tiếng cúi xuống nhặt một cái rựa rồi phóng ngược lại. Chị chạy xuyên qua những luống mía, thẳng hướng hai chị em. Tâm, Hà nín thở, dán mặt xuống đất... Ngồi đàn bà phóng qua lưng họ. Bất ngờ, chị ta đứng sững, mồm há hốc, ngó lại chỗ hai chị em đang nằm bất động rồi chạy nhanh hơn. Một lúc sau, chị ta bỗng ré lên:
- Cộng sản, cộng sản.
Ngay lúc ấy, những tiếng hô "Cộng sản, cộng sản - bắt lấy nó" vang lên. Tâm và Hà nghe súng nổ chát chúa trên đầu mình, chung quanh mình. Hai chị em chống cùi tay sát đất cố bò dưới làn đạn ra phía bờ sông. Dựa vào những bãi lau, họ bắt đầu chạy.
Hà phóng lên trước. Tâm mệt nhọc vừa đi vừa thở. Khi ra tới cánh đồng hoang, trời đã tối mịt, hai chị em ngồi nghỉ trên một bờ ruộng. Hà trách Tâm:
- Đã biểu đừng đi mà cứ đi. Khổ cho người ta quá chừng.
4
Trong cuộc đời, mỗi người đều có những đêm mất ngủ. Lúc ấy, đầu ta nặng chịch, mắt cứng đơ, ta nghe máu chạy rần rật ở hai bên thái dương. Ta nhắm mắt lại đếm, đếm mãi, hoặc nghĩ một điều gì đó cho cái ngủ chợp đến, đưa ta vào cái lãng quên huyền ảo. Nhưng ta chỉ ở trong trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh, một lúc sau trí óc lại sáng suốt lạ thường.
Đêm nay, Tâm cũng trải qua một đêm như thế. Nằm trên võng, cô nghe tiếng ngáy pho pho của Hà bên cạnh. Con nhỏ vô tư ghê. Có cái gì bức bối trong người là nó tuôn tuột ra, vậy mà mấy hôm nay chẳng mấy khi nó nhắc đến Hường. Chỉ có Tâm với cái thai trong bụng là luôn nhắc nhở đến Thái mà thôi.
Tâm và Thái gặp nhau trong một đêm tối trời của hai năm trước đây. Lúc ấy, Thái là huyện ủy viên, được tăng cường xuống làm bí thư xã. Cho đến lúc đó, xã cô có mưòi hai đồng chí thư đã lần lượt hy sinh. Thái là người thứ mười ba. Anh vốn ở một xã ven biển, chưa quen vùng này. Anh nhận xuống làm bí thư xã phải nói là anh đã hy sinh lắm. Bởi vì cán bộ các huyện khác đều từ chối bằng cách này hay cách nọ xuống cái xã khó khăn này. Trước khi Thái xuống đứng ở xã Tâm đã nghe nhiều người kể về Thái. Cô biết anh là một du kích anh dũng ở vùng đông. Người ta tặng cho anh một cái biệt hiệu "con hùm xám" dù ở vùng đông anh chưa bao giờ thấy hổ, bởi những trận đánh giáp lá cà của anh. Tâm bấy giờ là du kích hợp pháp. Cô có nhiệm vụ giúp đỡ Thái đứng trong làng để chỉ đạo phong trào. Tâm nuôi Thái ở hầm bí mật trong vườn mình. Tâm quý trọng Thái như một người anh, một người lãnh đạo. Hàng ngày, cô lo cơm nước, mua mọi thứ đồ dùng cho Thái, dù nhà cô rất nghèo. Đêm đến, nếu không có địch, cô mở hầm cho Thái lên ở trong buồng cô. Thái thường hỏi thăm Tâm về tình bình, về cơ sở. Tâm báo cáo cho anh và nhận nhiệm vụ mới. Có một điều, Tâm chẳng hiểu sao, là cứ mỗi lần gặp Tâm, Thái nhìn Tâm rất lạ. Mắt anh như có những tia lửa, làm cho tim Tâm hồi hộp, lòng Tâm xốn xang. Những lúc ấy, Tâm thường ấp a ấp úng, còn Thái cứ nhìn cô đăm đăm như muốn nuốt chửng lấy cô. Tâm ở trong trạng thái như thế cũng có lý do: Năm nay cô đã hai mươi bốn tuổi, người dong dỏng cao, cân đối, tóc dài, có đôi mắt màu xám mở to, phải nói là cô đẹp. Nhưng từ lâu đầu tắt mặt tối trong nỗi nghèo khổ, chưa bao giờ cô nghĩ có ai yêu mình. Mỗi lần gặp cái nhìn đắm đuối của một bạn trai nào đó, cô hồi hộp, cảm động, người cứ ngây ngất, say say, nhưng cô lại gạt đi, cho là họ nhìn để giễu cợt mình thôi.
Một đêm, cô dẫn Thái đến một số cơ sở về. Trời đã khuya, khu vườn hoang vắng. Những làn gió lang thang qua những bụi cây chẳng biết từ đâu tới, đi về đâu. Cô mở hầm bí mật cho Thái xuống và đưa thức ăn cho Thái dự trữ ngày hôm sau, phòng khi bất trắc. Nhưng Thái không chịu xuống ngay. Anh kéo tay Tâm ngồi trên nắp hầm. Cô run run rút tay ra, hồi hộp ngồi bên cạnh. Thái lại nắm tay Tâm. Lần này cô để tay cô nguyên trong tay Thái, khẽ thở dài. Bất ngờ Thái ôm trầm lấy Tâm hôn như mưa như gió, Tâm thấy người mình mềm nhũn trong lòng Thái.
Bầu trời cao nghiêng ngả trên căn hầm bí mật. Những bờ cây xao xác trong tiếng gió nhè nhẹ. Hình như từ lâu rồi, gió vẫn rung nhè nhẹ như thế...
Họ tổ chức đám cưới tại căn cứ du kích ven bờ sông Vệ vào một đêm trăng sáng cách đây chín tháng, sau một trận càn quét của địch, Thái bị bật ra khỏi xã, Tâm bị lộ nên cũng thoát ly. Bữa đó, anh chị em du kích quây quần, khui mấy hộp thịt, uống bia và hút thuốc lá Côtáp. Chỉ một tiếng sau ai lo việc nấy. Kẻ đi phục vụ, người xuống làng, những công việc vốn có trong cuộc đời du kích.
Tâm và Thái sống với nhau hạnh phúc được vài tháng. Họ luôn ở cạnh nhau, lúc xuống làng, lúc ở cứ. Có nhiều đêm đội du kích phân nhau đi công tác, để hai người ở lại với nhau.
Bây giờ, chẳng lẽ Thái cùng đồng đội bỏ Tâm đi chiêu hồi? Có thể bọn giặc chơi trò ú tim thôi. Tâm nghĩ vậy nhưng trong lòng cứ bồn chồn, không yên.
Tâm bỗng nhớ khuôn mặt lầm lì của Thái hơn nửa tháng nay. Tình hình cả xã khó khăn dần, khuôn mặt ấy cũng khó đăm đăm. Tâm nghĩ Thái có lẽ lo lắng cho phong trào quá, nên có lần an ủi chồng:
- Mọi sự rồi sẽ qua thôi anh à, đừng lo lắng lắm.
Trước sự âu yếm của Tâm, Thái gắt:
- Qua qua cái gì. Tình hình đen thui, chẳng ra làm sao cả. Càng ngày càng khó. Chẳng biết mấy ông lãnh đạo ở trên có hiểu gì không hay cứ xua con người ta "cố gắng" "cố gắng" rồi ngồi rung đùi chẳng lo gì cả.
Những cơ sở Thái về ăn ở, Thái cũng không còn tin họ nữa. Chỉ vì những sơ xuất chưa rõ lý do của họ, như họ sai giờ hẹn, họ mang gạo đến cung cấp cho đội du kích không đều đặn, Thái cho rằng họ đang thoái hóa, xấu xa đi. Anh thường nói về bà già Sáng, người đã nuôi anh và cả đội du kích bằng một giọng hằn học:
- Bà ấy mà ăn thua gì. Đi lang chạ lung tung, có con mà không có chồng. Mình có vẻ nghi lắm.
Tâm thường khuyên Thái đừng nghĩ xấu về bà con. Tâm đã quen biết, Tâm hiểu họ. Tâm cho Thái biết xã Tâm đâu phải xoàng. Hồi kháng chiến chống Pháp là một xã có phong trào du kích nổi tiếng. Nghĩa Trung đồng khởi rất sớm và là bàn đạp đứng chân của ta trong những đợt tấn công vào thị xã. Những lúc ấy, Thái hay ứ hự cho qua, có lúc lầu bầu một cách khó chịu:
- Xã cô, cô không nói tốt thì ai nói cho.
Tâm cảm thấy đau khổ. Cô càng muốn làm cho Thái hiểu dân, Thái càng lạnh lùng với cô.
Bữa Thái xuống làng, Tâm rất lo. Cô thấy Thái có vẻ bứt dứt, thảng thốt một điều . Cô sờ đầu Thái, thấy nóng bừng.
- Anh sốt rồi, ở nhà đi.
- Sốt gì, mình là bí thư, mình phải đi.
Trời tối đen, gió thổi lộng trên cánh đồng. Thái lẳng lặng ra đi như một cái bóng. Tâm đứng nhìn theo, bỗng òa khóc.
Bây giờ, Thái có đi chiêu hồi không? Thái có vậy, có vậy không?
Tâm cảm thấy đầu óc nóng bừng, mũi ngạt thở. Trong một phút chợp mắt ngắn trước lúc trời sáng, Tâm bỗng mơ thấy một đêm trời sao lấp lánh, có gió thì thầm trong những bụi cây, Tâm đang ở trong vòng tay của Thái. Mặt đất phập phồng lên... Chợt có tiếng hét:
- Thằng ác ôn, thằng ác ôn.
Tâm vùng khỏi tay Thái chạy lại bên bà già, lắp bắp phân bua:
- Sao bác gọi là ác ôn, anh Thái đấy chớ.
Bà Sáng như không nghe, không hiểu gì lời Tâm nói cả, gạt Tâm ra gào lên như điên:
- Tên ác ôn, tên ác ôn.
Khẩu súng trên tay bà bỗng đưa về phía Thái. Một tiếng nổ. Máu ai loang đỏ mặt đất. Thái biến mất. Bà già Sáng biến mất.
Tâm bừng tỉnh dậy. Trời đã sáng.
5
Chính lúc ấy, Tâm nghe những tiếng nổ dội vào vách đá. Cùng một lúc, Tâm và Hà đều bật dậy chụp lấy súng của mình ở đầu võng, hai khuôn mặt dớn dác ngó ra phía cửa hang. Cửa hang vẫn yên lặng, không có dấu hiệu gì chứng tỏ địch đã phục. Họ nhìn nhau một lúc, lại dỏng tai nghe ngóng. Có mấy tiếng súng lẹt đẹt. Bây giờ thì họ tin chắc rằng bọn địch đang ở dưới chân núi. Tâm bước trước, Hà theo sau, hai người rón rén đi về phía cửa hang.
Trong ánh sáng lờ mờ của buổi rạng đông, Tâm thấy mặt Hà tái nhợt. Cô đưa mắt bảo Hà nép sau vách đá, còn tự mình ló ra cửa hang. Dưới chân núi đang lố nhố bọn lính ngụy. Có một bóng người ăn mặc kiểu dân thường: áo quần bà ba xanh đang đứng cùng với bọn lính. Bọn lính tụ lại một đám chỉ chỉ trỏ trỏ lên phía hang. "Địch bao vây rồi, lộ rồi" Tâm quay sang nói khe khẽ với Hà. Hai đầu gối Hà bỗng run bần bật. Tâm nghiêm mặt bảo Hà bình tĩnh rồi lại nhìn xuống núi. Bất ngờ Tâm nghe tiếng loa:
- Hai nữ Việt cộng chú ý. Chúng tôi yêu cầu các cô quay về với quốc gia... với chồng con... với người yêu. Chúng tôi sẽ bỏ qua tất cả.
Tâm dựa vào vách đá, chân tay bủn rủn. Không phải là nỗi sợ. Một cái gì đó còn ghê rợn hơn, như có một bàn tay của một con vật bấu chặt trái tim cô. Trời, Tâm tự nhủ, tại sao chúng biết mình ở hang này? Nơi đây chỉ có anh em ta biết thôi? Tại sao vậy? Trong đầu tâm lời kháo nhau của hai tên lính trong ruộng mía hôm nọ bỗng nổi lên...
Trong một lúc, những đồng đội vừa bị bắt bỗng hiện ra trong óc Tâm: Thái, Hường, Hùng, Sung, Tấn... Những khuôn mặt trẻ trung, những khuôn mặt sạm nắng, đan cài nhau, tách biệt ra rồi lại nhập lại. Tất cả thành một nụ cười mệt mỏi, thành một nét mặt căng thẳng. Một bàn ta run run cầm củ sắn đưa cho Tâm với giọng nó nhỏ nhẹ: "Sắn đây, đồng chí ăn đi" - "Tôi ăn rồi" - "Đồng chí đã ăn hai hôm trước hả" - "Thật đấy mà" - "Thôi ăn đi rồi bám vào lưng tôi dìu qua sông. Chúng ta sắp đến rồi, sống ta cùng sống, chết ta cùng chết". Không thể quên những bờ lau, những bãi mía, những đêm đánh phục kích, những khi đau ốm, những khi bị thương băng bó dìu nhau. Hạt muối. Viên thuốc sốt. Lời dặn dò: "Đi an toàn nhé". Hôm nào đó Hường nói với Tâm "Chị ở nhà mạnh nghe", tôi đi sẽ kiếm hộp sữa bồi dưỡng cho chị? Sao? Sao? Chẳng lẽ những người này đã khai? Đã đầu hàng?
Mười hai lượt đồng chí bí thư qua rồi. Năm tháng trôi qua tính bằng máu của các đồng chí. Lớp cũ ngã xuống. Lớp mới lên thay. Xã Tâm chưa có ai đầu hàng cả. Tâm nhớ có lần bà già Sáng nói: "Tao khổ mấy cũng ráng nuôi tụi bay được, đừng lo. Ngẫm đi ngẫm lại tao thấy sắp bay khổ thì chịu khổ, chết thì chịu chết, chẳng đứa nào đầu hàng. Tao ưng bụng. Tao cũng cố gắng theo tụi bay". Cả bà Sáng nữa? Bà có khai không?
- Bây giờ hai cô nghe tiếng ông Thái, chồng cô Tâm đã quay về với quốc gia, đứng bên chúng tôi nói.
Tất cả như chết lặng. Cô không thể có một phản ứng nào khác. Cô chỉ thấy tai mình đang nổi lên những tiếng vo vo và mắt mình hoa lên.
- Tâm, Hà ơi. Anh với Hường không bị sao cả. Các anh đã về với quốc gia. Các anh được tiếp đãi tử tế. Hôm nay Hường bận đi công tác không lên đón hai em được, chỉ có anh đây. Anh mong hai em xuống núi để chúng ta cùng sum họp...
Cửa hang bỗng xoay tròn. Một vòng. Hai vòng. Trăm vòng. Mỗi lúc một nhanh. Những vòng tròn.
Tâm choáng váng muốn ngã quỵ. Nhưng cô gượng dậy. Bây giờ không phải lúc quỵ. Tâm quỵ, Hà sẽ quỵ. Tâm không thể quỵ Tâm dựa vào vách hang thở rốc. Bỗng nhiên một luồng ánh sáng chạy qua đầu cô. Cô nghĩ: Có lẽ chúng dí súng ép anh Thái thôi, anh Thái chẳng vậy đâu. Nhưng sao cái giọng khàn khàn của anh Thái lại nhiệt thành vậy? Một tiếng thầm thì phản đối. Chẳng lẽ anh Thái đã chiêu hồi? Có lẽ không phải vậy? Chúng ép anh ấy thôi? Sao anh ấy nói nhiệt thành thế? Cửa hang xoay tròn, xoay tròn...
Có một bầu trời sao nghiêng nghiêng trên nóc hầm. Và gió. Hôm đó gió thì thầm qua những bờ cây. Mặt đất tròng trành. Bãi lau ven bờ sông... Và giọt máu của anh ấy đây...
Đầu Tâm u u. Xoay tròn. Cửa hang xoay tròn. Chẳng lẽ anh Thái chiêu hồi? Không phải vậy. Anh bị bắt ép thôi. Anh không phải thế phải không anh Thái?
- Tên ác ôn, tên ác ôn.
Giấc mơ hiện về. Máu loang trên đất...
- Tâm, Hà ơi, anh mong hai em...
Một loạt súng nổ vang. Tâm sực tỉnh, nhìn xuống chân núi. Bọn ngụy bắt đầu tràn lên. Dẫn đường cho chúng là người mặc quần áo bà ba xanh.
Trong khi Hà run run nép sau lưng mình, Tâm vẫn chừng chừng nhìn xuống núi. Tâm phải nhìn cho rõ để xem có đúng Thái đi với địch không, dẫu kẻ thù có phát hiện ra bắn chết, cô cũng mặc. Nếu là Thái thật thì kẻ thù trong tim cô chứ đâu.
Chúng đã lên tới lưng chừng núi. Tâm có thể thấy rõ mồn một kẻ đi đầu. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là Thái. Cái dáng cao cao, bước lòng khòng chúi về phía trước chính là Thái chứ còn ai nữa. Thái vừa đi vừa quay lại chỉ chỉ trỏ trỏ cửa hang nói gì với bọn địch. Cả bọn bỗng dừng lại. Tâm thấy Thái giơ hai tay lên làm loa:
- Tâm ơi, Hà ơi, chúng ta không có cách gì chống lại quốc gia... Anh mong hai em suy nghĩ...
Trong một phút, Tâm thấy cổ họng mình bỗng trào lên một cái gì nhờn nhợn, lờm lợm. Cô nhìn vào khuôn mặt của Thái và bỗng thấy khuôn mặt ấy xa lạ đáng ghét vô cùng.
- Không nghĩ gì nữa - Tâm vụt nghĩ - anh có chiêu hồi thì chiêu hồi. Tôi không thể xa bà con tôi được. ừ, có một lần anh nói: "Xã cô cô khen, chớ tình hình tối mò rồi". Anh đã dao động mất rồi. Mất lòng tin rồi. Có một thời, anh là con hổ xám vùng Đông. Thời ấy đâu rồi? Con hổ xám co cẳng chạy trốn đâu rồi?
Thời ấy đã hết. Cả bầu trời nghiêng nghiêng trên nóc hầm và gió thổi rì rầm qua những hàng cây đã hết. Tất cả đã hết. Đã chết lặng rồi. Chỉ còn mặt đất của Nghĩa Trung. Chỉ còn vách hang cô đang tựa: Một bức tường của nhân dân hiện lên. Tâm cầm cây súng, lên cò, từ từ đưa lên ngắm vào Thái. Ngay lúc ấy, Hà níu vào tay Tâm:
- Trời ơi, chị không sợ lộ sao. Chị bắn được một đứa nhưng chị em mình sẽ chết, chúng đông lắm mà...
- Chị không thể chịu đựng được. Nhục nhã quá. Em nhìn kìa, anh Thái...
- Có thể ảnh bị ép buộc thôi chị à - Hà vừa nói vừa kéo Tâm vào hang.
Bọn địch đã nổ súng vào cửa hang. Tâm vội kéo Hà đang run cầm cập vào sau một tảng đá ở góc trái hang. ở đó có một cái cửa nhỏ bước xuống tầng dưới hang. Từ đây có thể nhìn ra ngoài chân núi, phía bờ sông. Tâm biết nơi này vì hồi nhỏ, Tâm theo một người bạn nay đã mất, đi tìm một cái rựa bị rơi. Chẳng hiểu vì sao Tâm chưa chỉ cho ai cái cửa này, kể cả Thái. Có thể vì những ngày ở bên nhau, tình hình còn thơ thới, họ chỉ ở hang để tránh pháo thôi, chưa ai nghĩ có những lúc thế này. Vậy mà nay. Tâm đưa Hà xuống hang dưới, còn mình đứng chân ở bệ lên xuống, ngẩng đầu nhìn qua một kẽ nứt lớn của tảng đá xem thử chúng làm ăn ra sao.
- Đúng hang này.
Tâm nghe giọng khàn khàn của Thái cất lên. Ba chữ "đúng hang này" như một hòn đá ném vào ngực Tâm. Ba chữ ấy như nói "Bắn đi nào". Tại sao Thái lại nói ba tiếng ấy. Thái bảo bọn địch bắn vợ con mình ư? Con người có thể có lúc dao động nhưng sao lại bỉ ổi đến vậy? Tâm vốn là người nhân hậu. Cô nhìn sự bỉ ổi của con người chậm hơn kẻ khác. Cô không hề biết rằng, kẻ nào đã phản bội, chúng sẽ đi tới cùng của sự phản bội, còn kinh tởm hơn cả kẻ địch. Tâm thoáng thấy mặt Thái xám xịt như xác chết.
- Mày vào trước đi. Một tên lính cao cao ở sau Thái giục.
Thái nói, giọng hổn hển như tiếng nấc:
- Dạ, tôi sợ xơi đạn.
- Đồ hèn. Vẫn tên lính cao cao quát.
Bọn lính ẩy Thái đứng vào góc hang. Tâm thấy mặt Thái trắng bệch, gục xuống một tảng đá. Bây giờ, với chúng nó Thái như một mảnh giẻ rách, một xác chó chết.
ánh đèn pin loang loáng, súng lăm lăm, bọn địch hớt hải đi qua các tảng đá trong hang. Mỗi lần đến một góc tối, chúng lại tụm nhau, cùng chiếu đèn pin vào. Những khẩu súng cũng chĩa lăm lăm về một hướng.
- Này, con cộng sản ở sau tảng đá kia, ra ngay, ra ngay, không tao bắn.
Một phát súng nổ vào đá nghe đánh "chát". Mảnh đá bay lên xèn xẹt. Chúng lại đi sang góc khác:
- Chỗ tối kia kìa, có một đứa ra ngay, ra ngay.
Một tiếng nổ nữa. Chúng vẫn đi vòng quanh hang. Tâm thấy chúng đứng trước tảng đá của cô núp. Cô cúi đầu xuống sát bậc lên xuống.
- Chỉ có nơi đây thôi. A, ra đi, ra đi không tao cho lựu đạn.
- Xách cổ thằng Thái lại, nó không vào tìm thì khử luôn.
Tâm nghe tiếng người bị lôi xềnh xệch, có tiếng rên rỉ rồi giọng khàn khàn của Thái run run cất lên:
- Tâm ơi, Hà ơi ra ngay nếu không anh chết mất.
Tiếng của Thái đập vào vách hang "ra... đi... không anh chớt mơ... ất".
- Gọi nữa đi.
- T... â... ơ... ơi...
Tâm nín thở. Cái giọng nói có một thời cô yêu thương giờ đây nghe sao nó thảm hại quá.
Trên đầu Tâm, bọn lính bắn chan chát vào tảng đá. Mảnh đá bay xèn xẹt. Nhưng chúng vẫn đứng im. Không tên nào dám mò vào sau tảng đá. Một lúc Tâm nghe bước chân chúng lùi xa. Tâm ló đầu lên nhìn, thấy chúng ra cửa hang. Chỉ còn Thái như ngây, như dại gào lên: "Tâm ơi, Hà ơi!" để lấy lòng chủ. Thái không dám theo ngay bọn địch, nhưng không dám ở lại một mình, nên vừa gọi vừa lùi ra cửa hang, dáng thất thểu...
Thái quỳ xuống trước thằng cao cao:
- Thưa ông, có lẽ chúng chết cả rồi.
- Còn hang nào nữa không?
Thái hơi nhổm người chỉ:
- Dạ núi bên kia có một cái hang nữa ạ.
- Sang đó.
Thằng cao cao kéo Thái dậy, ấn đi trước.
Trưa hôm đó, bọn địch rút. Hai chị em mệt nhoài, ngồi ở cửa hang đón gió. Hà ngả vào vai Tâm:
- Em không ngờ anh Thái đã...
- Thôi, em đừng nhắc nữa.
Tâm định nói tiếp điều gì nhưng bỗng im bặt. Ngay lúc ấy, Tâm nghe có tiếng động cơ máy bay. Cô nhìn ra cửa hang, trước mắt cô, trên cánh đồng hiện ra một chiếc "Sâu voi" (1). Nó đeo dưới bụng một vật gì như một tấm bê tông. Nó bay về hướng hai chị em. Chỉ một lúc sau, nó sà xuống khu núi đất, cánh vỗ phành phạch. Nó lại bay đi, rồi bay trở lại với khối bê tông mới nữa.
- Nó đổ quân hay làm gì đó chị? Hà hỏi.
Tâm nhìn vào bụng máy bay. Bụng trống rỗng. Chỉ có tên Mỹ lái thôi.
- Có lẽ chúng mang bê tông xây bốt trên núi đất.
- Có lẽ thế, Hà lẩm bẩm.
Ngày hôm sau, một cái bốt được dựng lên. Bọn lính được trở tới. Có cả một khẩu pháo.
Hàng ngày, bọn lính chia nhau đi sục sạo quanh khu núi Nhạn. Có lần chúng đã sục tới cửa hang hai chị em ở. Tâm đang ngủ, Hà vội kéo chị dậy, chạy vào sau tảng đá hôm nọ. May mà chúng chỉ đứng ở cửa nhìn vào hang chứ không sục vào.
Chẳng lẽ ở đây nhịn đói, chờ chúng sục sạo đến bắt? Chị em đành lùi về khu căn cứ cũ ở bờ sông.
6
Họ sống lang thang, nay chui bụi lách này, mai rúc bờ lau nọ, người xơ xơ xác rác như kẻ ăn mày. Thêm vào đó, mùa mưa đã đến. Mưa liên miên hết ngày này sang ngày khác, đôi lúc dừng lại vài tiếng, nhưng bầu trời căng mọng, sấm chớp ùng oàng và bất ngờ đổ xuống một đợt mưa dài khác.
Hai chị em suốt ngày ướt sũng. Mấy bộ quần áo nghèo nàn của những người du kích qua những đợt chạy trốn, những cơn mưa đã rách bung lổ đổ, lòi ra từng mảng da. Nếu nhìn từ xa, người ta có thể tưởng lầm hai chị em là hai hình bù nhìn rơm. Họ ôm nhau ngồi run trước những đợt gió, những trận mưa đổ ào ạt lên người. Cái đói đang dằn vặt. Từ khi rời hang đá, gặp thứ gì, họ ăn thứ nấy. Có khi là rau má, rau xam. Có lúc lượm được một mẩu khoai lang, họ chia nhau nhai rau ráu. Bụng luôn sôi sùng sục. Bệnh đi lỏng như một người bạn đường khó tính giày vò họ. Chân tay mỏi nhừ, hai chị em bước vật vờ như hai cái bóng.
Có một lần, hai chị em bám dần vào làng. Gần tới bãi mía đã trống hoang trống huếch, họ phát hiện có địch phục, đành quay lại. Cơn đói xỉu níu họ lại ngồi bên một bờ ruộng. Trong cơn đói hoa cả mắt, Hà phát hiện ra đám ruộng ấy trồng lang. Hà bới thử, được mấy củ khoai non. Hai chị em chia nhau nhai sống. Hà lại bới thêm một bọc áo rồi hai chị em đi về phía bờ sông. Sáng hôm sau, hai chị em đang ôm nhau trùm ni lông ngủ, bỗng bật dậy khi nghe tiếng chưởi:
- Đồ ăn trộm. Khoai người ta còn non mà đào. Đói thì đi ăn xin chớ. Tổ cha bọn ăn trộm.
Hai chị em nhìn nhau rồi ôm nhau khóc. Những củ khoai non làm họ nôn nao. Nhất là Tâm, Tâm cứ ọe mửa. Đứa con trong bụng như cũng không chịu được, bức bối đạp vào thành bụng cô đau nhói.
Hà cảm thấy tủi nhục quá. Trong lòng người du kích mới vốn là học sinh này, những hạt thất vọng đang đâm chồi. Cô cảm thấy mình đã quá sức chịu đựng. Hà nói với chị:
- Kiểu cách này em hết chịu nổi. Không xông ào vô làng cho nó bắn chết thì cũng phải chiêu hồi thôi.
- Bậy nào - Tâm mắng - Cả xã chỉ còn có hai chị em mình. Phải dáng sống mà cự lại tụi nó chớ.
Một buổi tối, dưới cơn mưa đổ ào ào như thác, Tâm mò sát vào rìa làng. Cô nằm trong một cái hố sau một mả đá. Từ đây cô có thể thấy những tên dân vệ mặc áo mưa, mang súng, quét đèn pin đi tuần tiễu. Chúng nó la í oái, nổ vài phát súng vào bóng tối vô
định rồi kéo vào một nhà nào đó tránh mưa. Một lúc sau, chúng lại đi xào xào ra rìa làng rồi thụt vào ngay.
Mưa vẫn đổ ào. Tâm nằm độ hai tiếng đồng hồ trong hố nước. Người ướt sũng, lạnh cóng. Cô đang nghĩ cách vào làng thì thấy có hai bóng người mặc áo tơi, tay cầm mõ đứng ngay trước cái mả đá, ngó về núi. Họ sững sờ như trông ngóng một điều gì. Vừa lúc ấy, có một tên dân vệ soi đèn pin đi tới, rọi thẳng vào họ:
- Sao không đi tuần mà đứng đây.
- Thưa ông, hai chúng tui vừa tuần xong một vòng rồi, yên ổn cả. Một người có giọng trầm nói.
- Coi chừng bọn cộng sản nó bắn đấy.
Người đàn ông có giọng trầm trầm cười thành tiếng, giọng rất quen.
- Cộng sản đâu còn mà bắn. Các ông lùng sục mãi không ra huống hồ tụi tôi. Người ấy im lặng một lúc rồi tiếp-Thưa ông, tôi nghĩ cộng sản không còn đâu, ông bắt tụi tui đi canh tuần gõ mõ trong mưa khổ quá.
Tên dân vệ nạt nộ cái gì đó rồi bỏ đi. Người có giọng trầm trầm quay sang nói với người kia:
- Cái kiểu này, chắc tụi nó không còn đứa nào đâu. Tui đi canh, trông mãi không thấy tụi nó vô.
Tâm nín thở. Cái giọng quen quen của ai đó làm cô thấy vui, như vậy là bà con vẫn tin cách mạng, vẫn chờ cách mạng, ít ra là hai người cô không nhận ra mặt này. Tâm muốn đứng dậy và nói to: "Hai chú ơi, tụi cháu còn đây chớ" nhưng vừa lúc ấy, một tốp dân vệ lại túa ra, giục hai người đàn ông đi tuần.
Đêm hôm ấy hai chị em bàn nhau. Tâm nói:
- Chị thấy là tụi mình nên xuống ở thẳng trong dân chớ đi đi lại lại kiểu này có ngày cũng chết.
- Nhưng em sợ họ nộp tụi mình cho bọn nó mất.
Tâm nhìn em. Có thể Hà nói đúng. Nhưng không tin dân thì tin ai. Chết thì ở đây cũng chết. Vào dân thì mới hy vọng sống. Phải tin ở bà con. Bà con bị o ép quá, chớ luôn yêu cách mạng. Ta phải lôi kéo bà con. Tới dân mà đã xấu thì đừng hòng làm cách mạng thành công. Mà mình làm cách mạng vì ai? Tâm lại nhớ hai người đàn ông đứng trước mỏm đá...
- Phải đi thôi em ạ. Em không đi thì chị đi thử.
Hà sợ ở lại một mình vội nói:
- Em cùng đi với chị.
Họ quyết định nối lại các cơ sở trước kia.
Nhưng bắt mối với ai trước đây? Bà già Sáng thì cần điều tra thêm nữa, có thể tốt, nhưng lại bị bắt mất rồi. Bây giờ gặp ai đây? Họ điểm tên từng người. Cuối cùng quyết định vào nhà chị Thắng, một chị có chồng đi tập kết, vẫn nuôi dấu cán bộ du kích lâu nay.
Đêm hôm sau, họ đến nhà chị Thắng.
Nhà chị nằm ở cuối xã, sát đường quốc lộ. Từ bờ sông, hai chị em phải băng qua bãi mía đã bị phá sạch men rìa làng để đến nhà chị. Tâm nhìn vào làng, các nhà đều đóng cửa tối om. Ngay cả bọn dân vệ hình như đêm nay cũng ngại đi tuần. Chỉ có mưa đổ như trút nước xuống đầu hai chị em. Họ vừa bước trầy trật trong bùn vừa vuốt nước mưa. Thỉnh thoảng, những trận gió lớn nổi lên, xô những thân người ốm đói ấy ngã giụi. Họ liêu xiêu đứng dậy, lại bước rồi lại ngã. Mỗi lần như vậy, Hà lại bực dọc lầu bầu, có lúc òa lên khóc. Tâm đi trước, phải dừng lại dỗ em. Cô cảm thấy quá mệt nhọc, cái bụng mang thai của mình như mỗi lúc một sệ xuống, dí cô trong bùn. Nhưng cô bặm môi ráng bước tới, cô không thể quỵ xuống được. Cô quỵ xuống thì Hà sẽ dựa vào ai?
Hai chị em lần mò hơn một tiếng đồng hồ mới đến được bờ ruộng sát nhà chị Thắng. Họ dừng lại, lắng nghe mọi động tĩnh. Trong nhà chị có ánh đèn sáng. Họ nhìn kỹ thấy bọn lính ngồi lố nhố. Chúng la hét, cười rộ. Có lẽ chúng đang đánh bài.
- Quy cơ.
- át chủ.
Có tiếng the thé:
- Ăn gian, ăn gian.
Một giọng ồ ồ đâm ngang:
- Sao cứ túm tụm đánh bài không chịu đi tuần.
- Đã đi rồi, vô sự, thượng sĩ.
- Bà chủ cho chai la de.
Tiếng ồn ào. Tiếng cười hô hố. Tâm chong mắt nhìn qua hàng rào thưa, thấy chị Thắng thỉnh thoảng đi lại cười nói giữa bọn lính đang níu kéo chòng ghẹo. Đôi lúc, chị cười ha hả như chúng.
Hai chị em thất vọng quay về.
Đêm hôm sau, đêm sau nữa, họ cũng gặp cảnh như thế. Trên đường về cứ, hai chị em thất thểu như hai bóng ma. Niềm thất vọng từ Hà bắt đầu lan sang Tâm. Trong lòng Tâm, những dằng co dữ dội giữa niềm tin và sự thất vọng đang diễn ra. Cô lững thững bước ra sau Hà, run cầm cập trong mưa. Chợt Hà dừng lại bấu bấu vai Tâm. Bây giờ họ mới nhận ra, họ đang đứng ở hàng rào nhà bà Sáng. Từ trong nhà vọng ra một tiếng hơ quen thuộc. Có lẽ bà được ra tù rồi, Tâm chợt nghĩ. Hai chị em lần vào sân. Tâm bảo Hà ngồi sau một gốc bưởi, còn cô lần về phía cửa phên ào ào mưa đập. Tâm nghiêng tai nghe. Tiếng ho vẫn vọng ra. Cô thử gõ cửa. Tiếng ho im bặt. Đúng ra, như mọi lần trước kia, sau tiếng gõ cửa, Tâm sẽ nghe tiếng cọt kẹt trên giường rồi tiếng dép lẹt quẹt. Rồi một lúc sau, từ bên trong tiếng liếp cửa sẽ vọng ra tiếng hỏi ấm áp của bà già:
- Đứa nào đấy.
- Dạ Tâm đây bác.
Có tiếng thở nhẹ:
- Nó có phục không con? Tội nghiệp, mưa gió như vậy mà tụi bay còn đi lại.
Nhưng đêm nay, tất cả đều im lặng, cái im lặng chứa đầy sự lạnh nhạt. Tâm gõ cửa lần nữa. Vẫn im lặng. Khuya hôm đó, tại bãi lau ven bờ sông, Hà nói với Tâm:
- Không vào được đâu, mà bà Sáng bị tụi nó mua rồi. Coi chừng biết tụi mình gọi, bả báo với cảnh sát đến rình đó.
- Để coi thử đã. Tâm nói lưỡng lự.
Đêm hôm sau, Tâm, Hà lại đến nhà bà Sáng, Tâm gõ cửa. Có tiếng trở mình trên giường. Tâm hy vọng quá, gõ cửa lần nữa. Nhưng tất cả lại im lặng như chết. Hai chị em lững thững quay về. Họ lại trùm ni lông ngồi dưới trận mưa lớn. Hà bực dọc lắm bảo chị:
- Em không chịu được nữa. Dân mình xấu cả rồi. Chị cứ ti... tin...
Tâm yên lặng. Hà càng nói cô càng đau lòng:
- Em thương chị nhưng em chịu hết nổi rồi.
Trong một phút, Tâm thấy toàn thân mình ớn lạnh. Cô cảm thấy như cô vừa mới mất đi một cái gì đó. Nhưng cô không nghĩ ra được. Cô mệt mỏi nghe em mình nói những gì những gì sau đó, cô không rõ. Cô tự nhủ: ngủ một chút đã. Rồi chị sẽ nói mọi thứ cho em rõ. Tội nghiệp...
Khi tỉnh dậy, Tâm không còn thấy Hà bên mình nữa. Lúc đầu, cô quýnh lên lo sợ. Nhưng sau cô hiểu ra: Hà mất lòng tin rồi, mệt mỏi rồi...
Còn lại một mình, bụng mang dạ chửa, Tâm càng thấy khổ tâm. Nhưng cô không bám vào dân thì còn bám vào ai nữa. Có một đứa em nó cũng ra đi...
Đêm hôm sau, Tâm lại xuống gõ cửa nhà bà Sáng. Lần này, cô nghe một tiếng thở dài. Cô hy vọng quá, gõ cửa lần nữa. Cô nghe tiếng dép lẹt quẹt, nhưng người trong nhà vẫn không lên tiếng. Thế là tốt rồi, bà già sẽ ra mở cửa thôi. Tâm tự nhủ và nói gấp gáp:
- Bác ơi, bác cho con nói cái này...
Người trong nhà bước lại gần cửa nhưng vẫn im lặng.
Tâm nói:
- Bác ơi, bác...
- Tui xin bà, bà đi cho, chồng bà, em bà đi rồi sao bà không đi?
Tâm nói hổn hển:
- Con ở với bác thôi.
Bên trong im lặng. Tâm nói tiếp:
- Bác ơi, mưa to, bác cho con trú với. Con có mang, con không có chỗ nào sống, bác cho con vào. Bác bỏ con, đêm nay con chết rét mất.
Một giọng run run cất lên:
- Thì đi đi, đi mà chiêu hồi, gặp chồng gặp em. Tụi nó cho vô nhà thương mà sanh. Tụi nó nuôi cho mà sướng... - Có tiếng thở mạnh bên trong. Tâm ngỡ bà Sáng đang mở chốt cửa. Nhưng bà nói tiếp: - Thôi đi đi, đi đi đừng làm khổ tôi, xin bà.
Tâm cảm thấy rã rời. Cô tưởng mình sẽ ngã quỵ ngay bên liếp cửa của nhà người cơ sở này. Bỗng nhiên một luồng ánh sáng lướt qua ý nghĩ cô. Cô nói gấp:
- Bác hai ơi, bác không nuôi con thì con đi đây. Con chỉ muốn bác nhớ là, sau nàycó gì bác phải chịu khuyết điểm trước Đảng là đuổi con đấy.
Có tiếng nấc ở bên trong. Tâm bước một bước ra sân...
Tiếng súng nổ ở đầu làng và tiếng la thét của bọn dân vệ. Tâm bước thêm một bước nữa. Cô nghe sau mình có tếng cửa bật mở. Cô quay lại nhìn. Bà già Sáng đang đứng bên cô:
- Đồ ngu dại, mày đi cho nó bắt à. Vô nhà đi.
Bà già vào buồng đưa quần áo cho Tâm thay. Một lúc sau, bà đem cơm cho Tâm ăn. Bà nói:
- Tao cho mày biết, thằng Thái chồng mày xuống bất ngờ bị bắt, nó khai tao. Bữa sau, bọn lính đến bắt tao thắp đèn báo tin yên lành. Tao giả bộ làm vỡ đèn, không chịu thắp. Tụi nó dúi tao nhốt vô phòng, thắp đèn lên. Tao lo quá, sợ bay vào quá. Tao muốn la nhưng không sao la được. Tụi nó nhét giẻ vô họng, dí súng vô ngực, bắt tao ngồi im. Vậy là tụi thằng Hường xuống. Tụi nó bị bắt, lại khai tao lần nữa. Tao bị bắt vô tù. Tụi nó khai tao thắp đèn ra sao, giấu gạo ở đâu. Bọn địch đánh tao, tao cứ giả ngây giả dại nên tụi nó mới cho ra.
Bà già Sáng nhìn Tâm chằm chằm, im lặng một lúc rồi tiếp :
- Tụi nó chiêu hồi hết rồi. Còn mày, mày có chiêu hồi nữa không?
Tâm ứa nước mắt, nói lí nhí:
- Dạ...
Bà Sáng nói rành rọt:
- Bao nhiêu đứa "dạ" xong rồi lại đi. Còn mày, tao sẽ nuôi mày, Nếu mày đi nữa, khai tao nữa, nó bắt tao nó đánh, tao chịu hết. Bay làm chi thì làm. Chớ tao thì tao vẫn làm cách mạng đó. Tao nói cho mày biết.
Bà giục Tâm ăn cơm, gắp cá thêm cho Tâm. Mắt nhìn Tâm đăm đăm, thương mến.
Tâm vừa ăn vừa khóc. Nước mắt rơi xuống bát cơm. Khi cô ngẩng lên, cô thấy bà Sáng cũng đang lấy vạt áo thấm nước mắt...
đoạn kết
Chị Tâm kể cho tôi nghe câu chuyện mười ba năm trước đây vào một ngày cuối năm 1982, khi tôi về công tác ở Nghĩa Trung.
Bây giờ xã này nằm trong vùng chuyên canh mía, kéo dài từ bắc sông Vệ ra tận thị xã. Đang giữa tháng ba, bà con đang bận bịu thu hoạch mía để cung cấp cho nhà máy đường của tỉnh. Tôi phải ra tận đồng mía để tìm gặp chị Tâm. Người ta giới thiệu cho tôi một người đàn bà dong dỏng cao, khuôn mặt vốn xinh xắn, hơi xanh bủng một chút, dấu vết tàn phá của những trận đau ốm. Mái tóc chị đã có những sợi bạc. Chị đi nhanh nhẹn và có một nụ cười hiền hậu. Chị đưa tôi về nhà chị. Đó là một ngôi nhà ngói xinh xắn vừa mới xây. Chung quanh vườn trồng chuối, sắn, dong riềng. Trước nhà là những cây hồng, những chậu kiểng trồng các loại thuốc nam.
Chúng tôi ngồi trước hiên, ngó ra phía đồng mía. Nắng tháng ba viền ở chân trời một màu vàng bình yên. Chị Tâm kể rằng: Sau khi vào nhà bà Sáng được hai tháng thì chị sinh một cháu trai. Cháu nay đã mười ba tuổi, có hình dáng giống Thái nhưng đôi mắt giống chị như đúc, đang học lớp bảy. Chính bà Sáng đã đỡ đẻ cho chị và nuôi mẹ con chị trong những ngày gian khổ đó. Trong khi chị nghỉ sanh, theo ý kiến của chị, bà Sáng đã nối được những cơ sở trong xã. Phong trào của Nghĩa Trung mạnh lên. Nghĩa Trung là địa bàn vững chắc cho bộ đội ta đứng tiến công và giải phóng thị xã trong mùa xuân 1975. Đang kể chị bỗng rút chiếc khăn xéo vắt vai xuống thấm những giọt nước mắt đang trực trào ra:
- Anh ạ, bác Sáng đã mất rồi. Nghĩ lúc chiến tranh gian khổ, ác liệt vậy mà chẳng sao, ai dè, lúc giải phóng rồi đáng ra bác được thảnh thơi đôi chút bác lại mất. Tội nghiệp quá. Anh nghĩ coi, giải phóng xong, ta lo khai hoang phục hóa. Bác già rồi, mà cũng đi quốc đất. Bác đã trúng mìn.
Chị ngồi lặng một lúc nhìn ra cánh đồng mía ven sông Vệ đang ngập màu nắng mới.
- Sau khi phong trào của xã được hồi phục, trên huyện có cử một số cán bộ xuống tăng cường. Anh Sinh cán bộ tuyên huấn được chỉ định làm bí thư - Chị cười gượng chỉ một tấm hình trên vách. Trong đó hiện ra một người đàn ông có khuôn mặt vuông vức, trán cao, mái tóc lốm đốm bạc, đôi mắt cười hóm hỉnh - Bây giờ là nhà tôi đấy. ảnh đang ở trên tỉnh chứ không anh em gặp nhau thì rộn cả nhà. ảnh rất vui, cũng võ vẽ làm thơ viết báo đấy. Nhưng anh đừng cười. Lúc ấy chúng tôi chưa lấy nhau đâu. ảnh có vợ, hai con. Vợ ảnh ở ngoài Bình Sơn. Chị ấy và hai con vừa bị mất vì một quả bom của chúng ném xuống hầm. ảnh buồn lắm. Tụi tôi ai cũng thương ảnh. Bác Sáng nuôi hai chúng tôi trong hầm bí mật ở trong vườn bác. Đêm đêm chúng tôi đi hoạt động với nhau. Lúc đó chẳng có ý nghĩ gì đâu, coi như anh em thôi. Tới ngày giải phóng thì mỗi người một nơi có ai dè chuyện đời cũng có cái duyên số. Năm kia ảnh về đây công tác...
Chị Tâm cười lỏn lẻn như một cô gái. Khuôn mặt xanh bủng của chị ửng hồng lên, trông trẻ hẳn ra. Tôi cũng mỉm cười. Trong một lúc vui vẻ, tôi bạo dạn hỏi về chị Hà, Thái và Hường. Hỏi xong, tôi lại lúng túng, sợ chị mất lòng, đã khơi dậy những vết thương cũ. Nhưng chị chỉ im lặng, bước vào trong buồng cầm ra một phong thư rất đẹp:
- Thư con Hà đấy, anh xem sẽ rõ.
Chị bước ra sân, đuổi mấy con heo đang ủi phá hàng chuối. Còn tôi, tôi rút vội phong thư, đọc ngấu nghiến:
"Caliphoocnia 24-6-1981
Chị Hai yêu quý
Khi nhận được lá thư này, chắc chị ngạc nhiên lắm. Hẳn chị tưởng con Hà hư đốn bỏ chị đã chết dấp ở đâu rồi, bỗng dưng lại lù lù gởi thư cho chị. Chị đừng giận em nữa nghe. Em khổ lắm, em khóc hết nước mắt rồi, chị đừng làm em khổ nữa. Chị cứ coi như em không còn trên đời này nữa cũng được. Mấy năm nay, em nhớ chị lắm nhưng sợ chị nên không dám viết thư. Mà như vậy càng không dằn lòng được. Hôm nay em đành liều viết thư cho chị.
Chị ơi, em sống ở đây, có mọi thứ mà em coi như thiếu tất cả. Em nhớ con sông Vệ mà chị em mình cùng tắm thời thơ ấu, nhớ những dàn xe nước, những con đò chở đường muỗng đi về đâu đâu. Nhớ những ngày thật khổ lang thang mà có chị có em. Sao em cứ ngu ngu bỏ chị sang đây làm chi. Em không bao giờ được như chị. Có lẽ do em nhát quá.
Chị chắc trách em lắm. Ngày đó, em đi cũng không đành chị à. Nhưng em khổ, em quẫn quá, vừa đi vừa khóc. Đi được một đoạn ngoảnh lại nhìn thấy chị vẫn vô tư trùm ni lông ngủ mệt nhọc trong mưa, em không dằn lòng đươc cứ muốn quay về ôm chị khóc. Nhưng không kịp nữa rồi. Ngay lúc ấy một người dân vệ đi gác chụp lấy em...
Em ra tới thị xã thì gặp anh Thái, anh Hường. Các anh ấy làm ở ty chiêu hồi. Con người thay đổi hết rồi, tình nghĩa cũng không còn như xưa nữa chị ạ. Trong khi em mừng rú lên thì các anh ấy lơ em. Thậm chí còn khai em nữa. Chúng nó hỏi cung em về chị. Em thương chị, nói dối chúng, mà chúng lại tin, là chị bị pháo bắn chết, một mình em sợ quá, em đi. Em bị hỏi cung một thời gian rồi được sống tự do. Em không dám về quê nữa. Em đi ngơ ngơ đến nhà lũ bạn học. Em nói thiệt tình cảnh em với tụi nó. Tụi nó xì xịt lơ em. Sau này, em mới biết, dân ở đây rất ghét những người đi chiêu hồi. Cuối cùng em gặp một người, sau này là chồng em, làm cảnh sát... ảnh già hơn em tới mười tám tuổi. Vợ ảnh bị chết, còn ba đứa con. Em không thích lắm, nhưng đâm lao phải theo lao, chị ơi.
Em không gặp anh Thái anh Hường nữa. Việc nội trợ bù đầu rồi, ai quan tâm chi người cũ. Nghe các ảnh có vợ rồi. Tới năm 1975, giải phóng đánh mạnh quá, chồng kéo em đi vào Sài Gòn rồi dông tuốt sang đây. Em không biết các anh kia ra sao. Nhưng em đoán các ảnh chết cả rồi. Vì khi chạy qua ty chiêu hồi, em thấy nhà sập, lửa cháy bừng bừng...
Chị thương của em! Chị có biết vì sao em biết chị vẫn còn sống mà gởi thư không? Vừa qua, chẳng hiểu ở đâu ra, em vô tình đọc một tờ báo phụ nữ bên ta, có nói chị làm bí thư xã mình, xã trồng mía khá nhất tỉnh. Em thấy ảnh chị, đúng i sì cả họ tên. Em mừng quá, cất tờ báo vào đáy rương lâu lâu lấy ra xem lén một mình. Nhìn chị, em thương chị quá. Chị già hơn xưa. Sao có thời chị đẹp quá. Chị có cực không chị ? Chị cần gì em gởi về cho. Em sống không cực đâu, sướng nữa, chị ạ. Chồng em làm ở tiệm vàng "Tân Tiến" nghề ảnh làm trước khi vào cảnh sát. Bên này các tiệm của người Việt cứ giữ y nhãn hiệu như bên ta. Nào tiệm ?;Tiếng dân" tiệm "Thành Nghi" tiệm "Ba Béo" y hệt ở xã mình. Tụi em có đủ thứ. Em có ba con rồi. Hàng ngày, ảnh đi làm, em ở nhà, hết đọc sách, xem ti vi lại dọn dẹp nấu ăn. Việc cứ xoay vần đều đều, chán lắm chị à, nhàn cư thành ra lẩn thẩn. Chủ nhật không biết đi đâu. Vợ chồng con cái dắt díu nhau dạo phố rồi về. Có chỗ nào thú mà đi. Em buồn lắm chị ạ.
Chị thương, chị có khỏe không? Chị đã "xây dựng" với ai chưa? Cho em biết em mừng nghe chị. Chị có giận em thì giận nhưng thương đứa em sai lạc mà gởi cho em vài chữ. Em giống như con nhạn không chịu theo bầy cứ đâm bổ xuống đất mà chết. Cái tích ở quê mình sao giờ đúng với em quá. Chị có nhớ cái tích ấy không chị.
Chào chị, hôn chị thật nhiều cái hôn.
Em gái ở phương xa
Phạm Thị Hà
Hà Nội 1-1981
Đà Nẵng 4-1983
(1) Sâu voi: Loài trực thăng chong chóng (H34) Mỹ dùng để trở quân hoặc vận tải