Mùa mưa
Tác giả: Thanh Quế
Mùa mưa đang sung sức. Những trận mưa cứ kéo dài hết ngày này sang ngày khác. Trên những sườn dốc cao khô nứt ngày nào, bất chợt có những con nước lớn ào xuống cuốn băng băng.
Đã hai mươi ngày liền, tôi cùng đi với Phê, nhân viên điện đài Phú Yên, ra Khu lãnh máy, quay về. Hai đứa tôi gặp nhau tại trạm Dốc Quế. Bây giờ thì đang ở trên đất Gia Lai. Con đường mùa mưa trơn lầy, đi lại vất vả, cõng hàng nặng, nhưng lương thực của hai đứa đã cạn. Mấy ngày một lần các trạm giao liên phát cho vài cân sắn tươi. Chúng tôi phải dừng lại, giã ra làm bánh như bánh tét mang theo. Số lương khô cũng hết. Mỗi đứa chỉ còn một ít muối ăn dè. Năm ấy, chiến khu đói muối. Đồng bào các dân tộc còn khổ hơn nữa. Bọn địch vừa thả chất độc để phá nương rẫy vừa chặn các vùng ranh không cho ta lấy muối lên. Trong khi đó, nhiều đoạn có suối lũ lớn, giao liên không chịu dẫn qua. Chúng tôi càng sốt ruột. Phê khỏe, bơi giỏi, nên rủ tôi đi vượt trạm giao liên để kịp chiến dịch. Phê có một bạn quen ở đội sản xuất nam đường 19. Chúng tôi mong chóng đến đó để "nhờ" lương thực.
Một buổi chiều, chúng tôi tới bờ Krông-Pa. Nước lũ dữ tợn phủ ngập những hàng cây đôi bờ, cuốn những thân gỗ lớn ầm ầm lao đi. Hai anh em đều bị sốt, sáng nay lại vượt quá cung đường nên cả hai cảm thấy cần phải căng tăng nghỉ lại.
Mưa vẫn đổ như thác. Gió điên cuồng giật đứt góc này đến góc khác chiếc tăng cũ. Nước tạt vào tung tóe. Đã bốn giờ chiều rồi mà chúng tôi vẫn chưa nhóm lửa được. Phê rút ào mấy quai dép. Củi ướt. Nước mắt, nước mũi trào ra. Phê phồng má thổi mãi, ngọn lửa mới chịu bựt lên. Chúng tôi chỉ còn một chiếc bánh sắn. Tôi cùng Phê thay nhau giữ lửa và tìm thêm rau. Cả tiếng đồng hồ sau, anh em mới được nhúm môn dóc. Không hiểu sao ở rừng này lại ít rau quá. Muốn tìm buôn làng để xin thêm thức độn, cũng không thấy nốt. Hai đứa tôi hì hục nấu canh môn dóc rồi vừa hơ lửa vừa húp xì xụp.
- Chả ăn thua gì sất. Bụng em cứ đói cồn đói cào. Phê nói.
- Mình cũng vậy. Tôi phụ họa.
Chúng tôi ngồi nhắc lại những bữa cơm ngon mà chúng tôi đã ăn từ hồi xửa hồi xưa. Phê người Hải Hưng. Cậu ta cứ khoe hoài thứ bánh gai làm tôi phát thèm. Chợt Phê mỉm cười. Cậu chạy lại phía ba lô. Tôi mừng thầm. Có lẽ, cậu ta nhớ lại món gì đã bỏ quên. Nhưng Phê chỉ xách ra gói mì chính, trút một chút vào lòng bàn tay rồi đưa tôi:
- Ăn tạm, anh.
Tôi lắc đầu. Phê cũng lắc đầu. Tí mì chính không làm cậu ta hết đói.
Giữa lúc ấy, tôi nghe thấy có tiếng bước chân người lội nườc mỗi lúc một rõ dần. Hai đứa cùng ngửng mặt lên, nhìn chăm chú. Từ cánh rừng trước mặt đang lao xao trong mưa gió, một dáng người nho nhỏ hiện ra. Khi tới gần, chúng tôi thấy một chú bé khoảng mười ba tuổi. Người chú gầy teo, tóc xắn, da xạm như bao em bé khác của Tây Nguyên. Đặc biệt, chú mặc một cái áo bộ đội cũ dài quá gối.
- Vào đây hơ lửa chú bé ơi! Tôi gọi
- Mình phải về nhà thôi, mẹ mình đau.
Chú bé trả lời như vậy. Nhưng đã lại bên tăng chúng tôi. Bây giờ tôi mới thấy sau lưng chú có cái gùi lớn, chắc chẳng có gì trong đó nên chú đi rất nhẹ nhàng. Phê nhìn cái gùi trân trân làm chú bé bất giác nhận ra điều gì:
- Bộ đội không có gì ăn hết à?
- Chẳng có gì cả! Phê đáp.
Chú bé đặt gùi, lấy ra mấy củ sắn luộc đã lạnh tanh đư chúng tôi. Chúng tôi lấy muối ra rồi mời chú cùng ăn. Mắt chú bé bừng sáng lên, miệng ứa nước bọt. Tôi vốc độ chục hạt muối gói trong một mảnh giấy bóng đưa cho chú. Chú ta chùi tay khô, săm soi rồi bỏ vào túi:
- Mình để dành muối chia cho các bạn mình, cho mẹ mình. Mẹ mình ho có máu.
Chú bé bỗng giở gói muối ra nhìn, nuốt nước bọt ừng ực. Rồi như không ghìm được, chú lấy một hạt lè lưỡi liếm. Sau đó, chú bỏ hạt muối vào gói, rồi lại lấy ra. Tôi im lặng, chụm đầu ngón tay vốc cho chú một ít muối nữa rồi bắt chuyện:
- Em đi đâu về thế?
- Mình đi nộp đảm phụ, buôn mình người lớn đi công dân hết, tụi nhỏ mình phải đi nộp đảm phụ thôi.
- Nộp thứ chi?
- Gạo-chú tự nhiên vui vẻ, cúi xuống cầm một khúc sắn ăn ngon lành, hình như chú cũng thèm cả sắn và nói tiếp-nhà mình có ít gạo, cách mạng bảo nộp sắn, mẹ mình bảo cứ nộp gạo thôi.
- Cha em đâu?
- Cha mình chết. Cha mình đi tải đạn đường 19. Mỹ phục bắn cha mình chết.
Chú bé đứng dậy, phủi tay nói:
- Mình về, mẹ mình chờ. Mẹ mình ho có máu.
Tôi đưa chú bé một ít muối nữa. Chú bé bước ra mấy bước, bỗng quay đầu lại hỏi:
- Krông-pa lớn quá, làm sao mai bộ đội đi?
- Có thể mai nước nhỏ lại em à.
Chú bé giơ tay chào và bước vội. Chúng tôi ngồi hơ lửa thêm chút nữa rồi lên võng nằm hút thuốc.
Suốt đêm mưa lớn. Những cây rừng vặn mình răng rắc. Cành rơi ào ào gần chỗ chúng tôi. Phía bên phải, Krông-pa réo ầm ầm. Ngay dưới võng, nước cũng lên lấp xấp. Cả đêm lo lắng, chúng tôi không ngủ được. Gần sáng, vừa chợp mắt, bỗng thiếp đi. Chợt có ai đó lay võng. Tôi thức dậy. Thì ra chú bé hôm qua:
- Nước sông lớn quá, không đi được đâu. Bộ đội vào buôn mình thôi. Buôn mình cũng xa xa nhưng khắc đi khắc đến.
- Thôi để các anh ở đây. Hễ nước rút là các anh đi ngay.
Chú bé ngồi trầm ngâm nhìn nước sông sủi bọt, vẻ lo lắng. Bất chợt chú chạy ra một đoạn, cầm vào mấy củ sắn tong teo rồi nói:
- Bộ đội ở đây nhé. Mình phải đi đóng giúp đảm phụ cho Bok Lan. Bok cũng ho có máu.
Chú bước ra, chạy về một gốc cây đổ. Chúng tôi nhìn theo. Bây giờ, chúng tôi mới thấy ở đó có cái gùi to phủ ni-lông. Chú bé cho vai vào quai, bặm môi cõng gùi lên. Bỗng nhiên, chú ngã kềnh ra đất. Tôi nhảy khỏi võng, chạy về phía chú. Nhưng chú đã gượng dậy được, mỉm cười. Tôi đứng lặng. Trên môi tôi có cái gì mằn mặn?
Mưa vẫn rơi không ngớt. Nơi cánh rừng chú bé vừa bước vô, những cành lá rung lên lao xao. Nước Krông-pa vẫn réo ầm ầm. Chúng tôi nhìn bầu trời mọng nước thêm sốt ruột. Phê ỷ khỏe hơn tôi, giành đi tìm rau nhưng vẫn chẳng có gì hơn. Chúng tôi lại ngồi bên nhau, đốt thuốc, nhắc mãi những bữa ăn ngon?
Hai giờ sau, chú bé trở lại. Từ xa, chú đã reo:
- Mình cho bộ đội cái này.
Thoáng một cái, chú đã đứng bên cạnh chúng tôi. Tay chú cầm một cái lồng, trong đó có một con sóc to, đuôi dài. Thấy chúng tôi săm soi, con sóc nhảy nhót la chét chét. Chú bé thò tay bắt sóc. Tôi nhìn thấy một ngón tay chú chảy máu.
- Tay em làm sao thế?
- Bẫy dập đó!
Chú bé nói:
- Mình cho bộ đội, bộ đội nấu với sắn ăn ngon lắm.
Mắt chú bé mỉm cười. Chú chùi tay vào áo, hơ lửa, xin tôi điếu thuốc. Tôi lấy cả túm muối còn lại đưa cho chú. Chú lắc đầu:
- Bộ đội còn đi xa, mình không lấy.
- Không, mình còn túm nữa, anh kia. Tôi chỉ vào Phê đang làm thịt con sóc ở mé nước.
Chúng tôi ép mãi, một lúc sau chú bé mới lưỡng lự cầm túm muối nhỏ, cho vào túi áo bộ đội dài lòng thòng. Từ trên áo, nước chảy xuống tong tong:
- Mình sẽ chia cho buôn mình, cho mẹ mình, mẹ mình ho có máu.
Bất chợt, chú giở túi ra, săm soi túm muối miệng ứa nước bọt. Chú cất vô. Nhưng chỉ một phút sau, chú lại giở ra, tháo nhanh, lấy một hạt nuốt ực. Chú đứng dậy:
- Mình đi rẫy lấy sắn đây. Mẹ mình làm rẫy miết miết mà chỉ có củ nhỏ thôi. Chất độc Mỹ nó ăn hết sắn lớn rồi. Mình đem cho các anh.
- Các anh đi với được không?
- Chẳng có nhiều chi. Mình mình đi thôi.
Chú bé phóc nhanh ra ngoài tăng, chạy đụi đụi trong mưa.
Chúng tôi ngồi bên hăng-gô cháo sắn có thịt sóc đang sôi sùng sục, nhìn theo, lòng bồn chồn. Mùi cháo bốc lên ngon lành. Phê mỉm cười cho đũa vào khoáy, quay lại bảo tôi:
- Anh lại túi cóc em lấy túm muối-Cậu ta mút mút chiếc đũa-Chà ngon tuyệt.
Tôi ngồi lục mãi ba cái túi ba lô nhưng không thấy gói muối đâu cả.
- Túi nào?
- Em không nhớ!
Tôi soát lại lần nữa nhưng vô hiệu.
- Em nhớ ra rồi. Chiều qua, lúc lội suối, em bíu nhánh cây, ba lô nghiêng. Lúc đó em nghe có cái gì rơi, em tưởng cục đất em không chú ý, té ra là túm muối. Chà, làm sao đây?
Bữa cháo không có muối sao mà lạt lẽo quá. Cũng may, nhờ có món thịt cóc vớt vát được phần nào. Nhưng bữa mai, bữa kia thì sao? Phê, anh chàng đánh mất muối cứ cười hì hì hoa hoa tay:" Có gì đâu mà phải lo nhỉ? Trời sinh voi, sinh cỏ". Cậu ta vừa nháy mắt với tôi vừa đưa tay bứt một cộng cỏ bên cạnh nhai nhai và láu lỉnh nhất quyết rằng, trong cây lá chiến khu nhà ta ở đâu mà chẳng có clorua-natri. Cho dù muối có làm cao chạy trốn tận ruột trái đất thì đồng bào các dân tộc vẫn vui sống đàng hoàng. Bộ đội, cán bộ ta vẫn cứ thế mà đàng hoàng vui sống. Còn hai ta thì việc gì mà chẳng ung dung ngồi rung đùi ngắm cảnh trời đất. Tôi nhìn bộ dạng tinh nghịch của Phê, mỉm cười. Bỗng chốc, không nhịn được nữa, ngửa cổ ra cười sằng sặc. Đầu tôi gật lia lịa để tỏ sự đồng tình. Bất giác, tôi nghe có nhiều tiếng chân người lội ào ào trong nước. Từ trong cánh rừng trước mặt, một đám trẻ bước ra. Từ xa, chúng đã reo rối rít:
- Bộ đội ơi, cho mình muối. Bộ đội ơi, cho mình muối.
- Không có muối các em ơi. Tôi ngừng ăn cháo quay ra nói.
- Bộ đội đừng nói dối mình. Bộ đội cho thằng tóc xoắn ở buôn mình. Hồi hôm nó chia cho tụi mình mỗi đứa mấy hột đó.
- Hồi hôm còn, nhưng sáng ra nước trôi mất rồi.
Bọn trẻ lắc đầu, nói với nhau bằng tiếng Gia Rai, vẻ không tin. Không biết nói sao, tôi im lặng đặt bắp hăng-gô cháo xuống. Bọn trẻ vây quanh, chằm chằm nhìn vào hăng-gô cháo.
Tôi mời:
- Ngồi xuống ăn cho vui. Cháo lạt muối đấy.
Bọn trẻ nuốt nước bọt. Bỗng một đứa quay ra ngoài:
- A, thằng tóc xoăn kia rồi. Bộ đội cho mày muối phải không?
Thằng bé quen chúng tôi không đáp. Nó bước thẳng vào tăng. Chúng tôi nhìn nó. Nó nhìn chúng tôi. Tự nhiên, nó giơ tay lên túi, lấy ra túm muối hồi sáng đưa cho tôi, nói:
- Mình trả lại bộ đội! Mình ăn cà đắng được. Mẹ mình ăn cà đắng được. Bộ đội không quen ăn cà đắng. Mình nghĩ miết, thương bộ đội lắm. Mình trả lại cho bộ đội thôi.
- Các anh cũng sắp tới nơi ? tôi giả bộ nói cho cậu bé an lòng-Anh chỉ cần xin lại mỗi người năm hột, còn bao nhiêu em đem về chia cho mẹ, cho các bạn này?Tôi vừa nói vừa chỉ bọn trẻ xung quanh.
Chú bé không đáp, bỏ gói muối xuống nắp ba lô, bước ra nói gì với các bạn, tôi không hiểu. Chỉ thấy bọn trẻ reo lên rồi vụt chạy.
Phê đứng dậy, cầm gói muối chạy theo. Chúng càng chạy nhanh hơn.
- Này em, quay lại lấy muối đi nhé-Phê gãi gãi tai ? Chà, em tên chi hở em?
- Mình không có tên. Chú bé tóc xoắn vừa cười vừa đáp lại.
Nói xong, chú bé tiếp tục chạy nhanh về phía dốc. Chiếc áo bộ đội quá dài cứ lật phật trong mưa. Lên tới đỉnh, cả bọn quay lại reo lên lần nữa rồi biến mất. Chúng tôi nhìn theo chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn lao xao, đang nói lên những tiếng nói riêng của rừng.
Suốt hai mươi năm nay, chúng tôi đã đi qua biết bao nhiêu cánh rừng rộng lớn của Tây Nguyên.
9.1973 - 6.1976