watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người khách lạ - tác giả Thanh Quế Thanh Quế

Người khách lạ

Tác giả: Thanh Quế

Người khách ấy đã đến nhà tôi khi không ai mong chờ ông cả.
Ông đến vào buổi trưa. Vợ chồng tôi vừa ăn cơm xong, đang ngồi bên bàn uống nước thì nghe có tiếng gõ cửa rụt rè. Tôi mở cửa. Trước mặt tôi hiện ra một người đàn ông gầy gò, trán nhăn nheo da sạm nắng. Ông mặc bộ đồ ni-phăng xanh bạc phếch, vai đeo chiếc túi cói đã có những lỗ thủng. Ông lúng túng hỏi tôi:
- Đây có phải là nhà chú Thanh không chú?
Tôi sửng sốt nhìn từ đầu đến chân ông:
- Bác hỏi anh Thanh có việc gì?
Ông lại bối rối nhìn tôi:
- Tôi là Chín Hược chú anh ấy.
Tôi định giơ tay nắm lấy tay ông, nhưng bất giác rụt lại ngay:
- Cháu là Thanh đây. Mời chú vào.
Ông lặng lẽ gật đầu chào vợ tôi khi tôi giới thiệu ông với cô ấy rồi cúi xuống sè sẹ cởi đôi dép cao su, bỏ chiếc túi cói ở góc cửa. Tôi hỏi ông dùng cơm trưa ông mỉm cười cảm ơn, xin phép ngồi xuống một chiếc ghế bỏ trống đối diện với ghế tôi, kê sát bên cửa sổ nhìn ra một khoảnh vườn đầy nắng và rở gói thuốc rê ra quấn. Dáng ông ủ rũ, ngơ ngác thật tội nghiệp. Ông đã thay đổi quá nhiều sau bao năm dài rằng rặc...
Ngày tôi còn bò nhoài ra đất gào rát cổ chữ a, b mà chữ vẫn bay đâu mất ông đã là một thiếu niên mười bốn tuổi, có dáng người mập mạp suốt ngày ôm gà trọi đi lông rông khắp làng. Làng tôi là một làng nghèo, nằm hẻo lánh sát chân núi. Trong kháng chiến chống Pháp là vùng tự do, nhưng do đất đai cằn cỗi nên bà con sống rất lam lũ. Quanh năm suốt tháng chỉ ăn cơm ghế khoai, từ người già đến con nít, ai cũng mặc những bộ đồ xi-ta bạc phếch, chằng đụp những miếng vá. Ông, bà tôi, ba má tôi cũng vậy. Nhưng chú Chín thì lại khác hẳn. Là con út, chú được cả nhà chiều cưng, đòi thứ gì, sắm cho thứ ấy. Bà tôi phải mua lại của một người từ vùng tạm chiếm về cho chú một chiếc áo vải dù hoa, một cái quần gabacđin thật oách. Có lần một người buôn lậu từ vùng tạm chiếm về thì thầm gì đó với chú tôi, chú tôi thì thầm với bà tôi. Bà tôi nói: "Mua chiếc rế ấy à? Bây giờ ai lại đội. Bà con họ xì xào chết. Nhà mình nghèo mẹ lo cho con vậy là quá rồi. Con coi quanh đây có ai như con không" Chú tôi dằn dỗi, đòi nhảy xuống giếng tự tử. Bà tôi phải chiều chú. Chú đội mũ nồi nghễu nghệnh đi trong làng ra dáng tự đắc giữa những tiếng xì xào bà tán của bà con vốn ghét "đồ ngoại". Sau này nhiều lúc tôi tự hỏi, chẳng hiểu vì sao chú khác tính mọi người trong nhà vốn cần mẫn tằn tiện như vậy. Có phải do cả nhà cưng chiều chú, còn chú thì chỉ biết lo cho mình chẳng nghĩ gì đến khó nhọc của người khác, đương nhiên tự cho mình là phải sướng hơn mọi người? Tôi không rõ nữa. Nhưng lúc ấy, trước mặt bạn bè, tôi rất hãnh diện vì có một người chú "oách xì dầu", coi ông như người bảo trợ cho mình.
Chú Chín thường dẫn tôi đi chơi. Trưa trưa, chúng tôi tụ tập dưới bóng một cây đa cổ thụ có tán rộng, rễ trổ lòng thòng từ thân cây xuống. Trên thân cây, quanh gốc cây, bà con trong làng lập khám, lập bàn thờ. Họ coi gốc đa như chỗ linh thiêng nhất làng, nơi có những vị thần phù hộ cho làng. Vào đầu tháng, ngày rằm, bà con thường đem xôi đem chuối ra cúng. Chú Chín và anh sáu Trợ, bạn cùng tuổi rất ăn rơ nhau, rủ chúng tôi chơi chọi gà, đá bóng bằng giẻ rách cuộn rơm, rồi với dáng vẻ hùng dũng, trong khi chúng tôi nơm nớp lo sợ, hai người xông đến bẻ chuối, bốc xôi ăn, cười nhạo chúng tôi là lũ thỏ đế. Chúng tôi tức mình, xông vào giành giật, la ó vang trời. Cho đến lúc cha mẹ réo tên từng đứa, chúng tôi mới dạ ran lên, lục tục chạy về nhà. Chú Chín Hược đứng chống hai tay vào hông ngạo nghễ cười nhạo lũ nhát gan chúng tôi rồi ôm gà sang thôn khác. Có lần, tôi nghe bà tôi bảo chú: "Chín Hược, mày lớn rồi, mày phải giúp cha mẹ, anh chị chứ sao cứ lông rông như con nít vậy?". Chú tôi nói: "Có chút con út, cả nhà không lo được sao bà" rồi cười hì hì, ôm gà ra đi. Bà tôi nhìn theo lắc đầu lẩm bẩm điều gì không rõ.
Vào một ngày cuối năm 1954, cái làng quê hẻo lánh suốt chín năm kháng chiến chống Pháp không hề thấy một thằng địch đã xuất hiện những tên lính ngụy mặc quần bốn túi, đội mũ nồi có sọc vàng sọc đỏ nghênh ngang sục hết hang cùng ngõ hẻm. Những tiệm rượu, những sòng bạc cũng theo bước chân chúng mọc lên như nấm độc. Chẳng hiểu bọn lính rủ rê chú như thế nào mà suốt ngày, chú lê la ở các tiệm rượu, các sòng bạc với bọn chúng. Chú chỉ về nhà khi mồm sặc mùi rượu, chân nam đá chân chiêu hay những lúc thua bạc, năn nỉ bà tôi xin tiền. Tôi thường thấy ông tôi la mắng, đập bàn xô ghế chửi bới, còn bà tôi thì vừa thút thít khóc vừa rút cái đãy nhỏ trút trong túi ra đếm những đồng bạc nhàu nát, đẫm mùi mồ hôi tay, lén lút đưa cho chú. Thế rồi, tự nhiên những bộ bát đĩa kiểu từ thời cụ kỵ để lại, những chiếc sừng nai treo trên tường đã bay biến đâu mất. Ông tôi càng ngày càng không chịu nổi chú. Có lần, ông la mắng, chú cãi lại, ông đã vung chổi lên đập vào đầu chú đốp đốp. Tôi thấy mắt chú vằn lên những tia máu đỏ, trừng trừng nhìn ông. Và, một buổi sáng, tôi thấy chú cuốn tròn quần áo lại, cắp vào nách không thèm chào ai, mặt sưng sưng, bước ra khỏi nhà...
Càng ngày, những cuộc khủng bố, bắn giết những người tham gia kháng chiến cũ của bọn Diệm càng rộ lên ở quê tôi. Bà con lối xóm ai cũng nơm nớp lo sợ sẽ tới lượt mình bị bắn, bị giết. Ai cũng thủ thế, ở nhà, ít đến thăm viếng nhau. Một hôm có một người bà con đi chợ quận về thì thầm với ông bà tôi: "Thằng Chín hư rồi! Tôi thấy nó mặc đồ lính ngụy, đầu chải đít vịt, cặp kè bọn đĩ đi ngoài phố". Bà tôi thút thít khóc, còn ông tôi thì đấm tay rầm rầm xuống bàn, quát to lên: "Tao từ! Tao từ! Từ nay thấy mặt nó là tao chém!".
Thời gian trôi qua, xã tôi đã đứng lên đồng khởi. Cả xã được giải phóng. Mọi người hăng hái tham gia các đoàn thể, đóng góp đảm phụ cho cách mạng. Anh Sáu Trợ tham gia cách mạng từ trước giờ làm xã đội trưởng. Tôi cũng được vào du kích. Chúng tôi vận động bà con đi lôi kéo những người thân đã lầm đường lạc lối trở về làm ăn lương thiện. Bà tôi lọm cọm mò xuống thị trấn để tìm chú. Chú tôi nói: "Bà về đi, tìm tôi làm chi cho uổng công, Tôi là đồ bỏ đi rồi. Ai cũng khinh khi tôi hết. Tôi cũng khinh hết, thù hết cái làng Phú Sơn khốn nạn. Bà bảo với cái thằng Sáu Trợ, xã đội xã điếc gì đó là đừng rủ tôi về. Tôi muốn nhắm gan nó với rượu đây". Nghe việc ấy Sáu Trợ bực bội nói:
- Nó hư lắm rồi. Chỉ còn việc treo cổ nó lên cành đa thôi.
Đùng một cái, bọn địch mở một trận càn lớn vào xã tôi. Chẳng hiểu thế nào mà bọn chúng lại nắm được những ngóc ngách của xã. Đội du kích bị đánh giạt, nhiều anh em chết và bị thương. Sáu Trợ bị thương nặng, may mà đưa đi bệnh viện kịp nên cứu được. Khi địch rút, chúng tôi bắt được một tên tù binh bị thương nặng ở chân phải. Hắn van xin được cứu và khai rằng: "Trận này do thiếu úy Hược mách với cấp trên những đường đi nước bước. Lúc đội du kíp bị vây, thiếu úy chỉ cho tôi một người cao cao gầy gầy nói: "Nó là tên cộng sản cồ, bắn nó đi!" Tôi run rẩy co rúm người lại. Thiếu úy đạp vào người tôi một cái, giật khẩu AR 15 lên ngắm. Tếng nổ làm cho tôi sợ hãi bịt tai lại. Khi khói tan, tôi không thấy người gầy gầy nữa..."
Thế là đã rõ. Chú tôi dẫn địch đến tàn phá quê mình.
Từ đó tôi không nghe tin tức gì về chú nữa.
Ông bà tôi chết từ lâu. Trước khi chết vẫn đau đáu vì có một người con "phản quốc". Cha mẹ tôi đã già, hiện đang ở quê, buồn bã vì có một thằng em xấu xa.
Từ ngày giải phóng đến nay, bao nhiêu người có bà con từ miền Bắc về, từ chiến khu xuống đoàn tụ êm ấm. Bao nhiêu người lầm đường lạc lối, bao nhiêu người đói khổ vì sự tàn phá của thằng địch phải ra đi làm ăn xa đang lần lượt trở về. Chỉ có chú tôi là bặt vô âm tín. Ông chết rồi? Ông đi Mỹ rồi? Không ai còn mong chờ ông nữa. Ông về chỉ rắc rối thêm. Vậy mà bữa nay ông về, ông đang ngồi ở nhà tôi, cháu ruột ông. Ông về làm gì? Nhờ vả chăng? Cầu cứu chăng? Nếu muốn được bảo lãnh, ân xá, ông phải về từ lâu kia chứ, sao bây giờ mới về? Tôi là chuyên viên của văn phòng tỉnh ủy. Từ ngày giải phóng đến nay, bao nhiêu bà con xa gần, làng xóm đến nhờ tôi giúp đỡ: khiếu nại, nhờ làm đơn kiện tụng, xin mua vật liệu, xin bảo lãnh, minh oan. Tôi cố gắng giải quyết cho có lý có tình. Nhưng phải nói, những việc ấy cũng gây cho tôi không ít phiền hà. Bây giờ đến lượt ông chú tôi. Tôi ngồi im, chờ đợi. Vừa lúc ấy, vợ tôi xin phép ông đi làm. Ông hỏi tôi:
- Anh có đi làm không?
- Không, chiều nay cháu nghiên cứu tài liệu ở nhà.
Ông lặng lẽ từ từ quấn một điếu thuốc mới, từ từ châm lửa hút rồi hỏi nhỏ:
- Anh có bao giờ kể cho cô ấy nghe về tôi không?
- Không,
- Thế thì tốt.
Tôi cảm thấy sốt ruột, mong cho ông đi vào câu chuyện. Nhưng ông cứ chậm rãi rít cho kỳ hết điếu thuốc rồi mới lên tiếng:
- Tôi từ Bình Tuy về...
Ông ngừng lại một lát. Mặt căng thẳng. Những nếp nhăn bỗng dồn tụ cả lại ở đuôi mắt:
- Tôi nhờ anh một việc...
Tôi cảm thấy mặt mình đang tái dần, nhưng vội nghiêng tai tỏ ý lắng nghe. Ông liếc nhìn tôi thật nhanh rồi nhìn ra khoảnh vườn phía ngoài cửa sổ chói chang nắng gắt, đôi mắt trông thật bí ẩn. Ông hỏi như nắm được ý nghĩ của tôi:
- Anh nghĩ tôi về đây để nhờ vả làm phiền anh?
Tôi gượng cười:
- Có phiền gì đâu?
Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng trầm hẳn xuống:
- Phiền lắm chớ. Một người như tôi có hại cho lý lịch anh lắm. Tôi nghĩ thế những vẫn muốn gặp anh, mong anh thông cảm.
Ông lắc đầu rồi nói tiếp:
- Tôi biết bây giờ về xã, gặp ai chắc cũng khinh tôi. Điều ấy đúng thôi. Vậy mà tôi vẫn cứ muốn gặp anh, khổ vậy đó-Ông im lặng một chút rồi nói tiếp-Tôi muốn tâm sự với một người ruột thịt. Chẳng hiểu sao, trên đời này có những lúc như vậy đó. Tôi phải mở đầu câu chuyện sao đây? Có lẽ từ lúc tôi bỏ nhà ra đi. Hồi mới ra đi, tôi ngỡ mình bỏ đi như vậy là yên hùng lắm. Nhưng sau này nghĩ lại, đó là chuyện hết sức xấu hổ. Xấu hổ quá, cha mẹ, anh em, làng xóm khinh bỉ nên phải ra đi. Tôi ra thị trấn, lang thang, kết bè với tụi xấu, ăn cắp, nhậu nhẹt. Bọn lính quận thường cho tiền tôi, rủ tôi vào chỗ sa đọa. Tôi biết gia đình, làng xóm càng khinh tôi nhưng tôi không biết cách nào thoát ra, có lẽ tôi yếu đuối quá, hư hỏng quá. Chẳng ai khuyên tôi, nói một lời âu yếm với tôi. Tôi đâm ra thù ghét tất cả. Tôi thấy con đường trả thù là đi lính ngụy. Cho đến khi Sáu Trợ bảo mẹ tôi, bà nội anh xuống gọi tôi về thì tôi sợ anh ta nhử tôi vào bẫy, chớ chẳng tha thứ cho tôi đâu. Đã trót thì phải trét. Tôi hăm dọa lại Sáu Trợ. Và khi biết anh ta đòi treo cổ tôi lên cành đa làng thì tôi càng căm anh ta. Tôi lựa thời cơ để cho anh ta biết tay. Lần ấy, tôi trình với cấp trên của tôi mở một trận càn về xã, tôi chỉ cho mọi ngóc nghách bố trí quân vì xã mình là xã ven núi cộng sản hay trú ngụ. Tôi rất mừng vì có dịp cho dân Phú Sơn biết tay "Chín Hược". Chính lần ấy, cánh tôi đụng phải cánh Sáu Trợ. Cánh ấy, du kích mỏng nên bị chúng tôi bao vây. Chúng tôi tiêu diệt họ gần hết và dồn họ lại một gò đất. Tôi biết Sáu Trợ chỉ huy cánh này vì anh ta cứ choang choác hô xung phong. Tôi giơ tay làm loa gọi:
- Tên Sáu Trợ và bọn du kích đầu hàng sẽ được Chín Hược này tha chết cho.
Sáu Trợ quát:
- Chín Hược hả? Mày gọi tao đầu hàng hả? Đồ phản quốc! Đồ chó đẻ! Hàng nè!
Anh ta đứng thẳng người bắn về phía một phát súng. Sùng máu, tôi bảo một thằng lính bắn lại anh ta. Có lẽ nghe cái giọng hùnh dũng của anh ta mà nó run lẩy bẩy. Tôi giật súng và bóp cò tôi thấy Sáu Trợ ngã xuống. Tôi tưởng Sáu Trợ chết rồi. Tôi hơi hả dạ: "Mày còn treo cổ tao lên cành đa nữa không?". Nhưng vừa nghĩ tới đó tự dưng tôi thấy sợ, sợ run cả người, không biết vì sao. Tôi bỗng nghe đạn nổ, tiếng la hét, tiếng hú mọi nơi. Tôi bỏ chạy. Tôi chạy, chạy mãi và ngã xuống ngất ngay khi chân vấp phải một vật gì đấy. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm ngay dưới gốc đa làng. Thòng xuống đầu tôi là những chiếc rễ lủng lẳng như những sợi dâu treo cổ. Quanh tôi, cành lá xì xào rất lạ, hình như có tiếng hú âm âm nghe như chẳng phải tiếng người mà tiếng của những hồn ma. Tôi rợn cả người, chân tay run lẩy bẩy. Tôi cố gắng lết khỏi gốc đa nhưng không lết nổi. Bỗng tôi thấy có người xốc tôi dậy: "Trời, thiếu úy! Thiếu úy bị trúng gió à? Tụi du kích bị tiêu diệt rồi. Tụi em thấy không có chuyện gì mà tự nhiên thiếu úy chạy làm tụi em chạy theo. Giờ đưa em cõng về...".
Từ đó tôi kinh hãi cái làng Phú Sơn, cái cây đa của làng ta. Tôi muốn quên đi, nhưng cái cây đa có những chiếc rễ lòng thòng như những sợi dây treo cổ cứ theo tôi cả trong giấc mơ.
Tôi xin chuyển đến một đơn vị đóng ở Công Tum.
Vào mùa hè năm 1965, đơn vị tôi bị bao vây ở một làng bên sông Đak Bla. Hai bên đánh nhau dữ dội. Tôi bị thương và sau này, khi được giải thoát phải cưa mất một chân. Đúng ra, như những người khác thì xin về quê hương, nhưng tôi thì tôi xin vào Bình Tuy, vì sao anh biết rồi. Hồi bấy giờ, Bình Tuy là nơi có nhiều bà con ở miền Trung phải bỏ quê hương bị tàn phá vào làm ăn. Tôi nhập cuộc với họ. Tôi nói tôi bị tai nạn, cha mẹ bị chết, nhà cửa bị tàn phá, nên vào làm ăn. Chắc anh sẽ hỏi vì sao tôi không khai báo là thương phế binh để lãnh lương mà sống có sướng hơn không. Lúc đó thương phế binh ngụy có nhiều quyền lợi lắm mà. Nhưng tôi, tôi không muốn nghĩ đến cái cũ nữa. Tôi muốn bắt đầu lại cuộc đời mình, như mọi người, làm việc và sống lương thiện. Tôi tha thiết như vậy.
- Để chú tránh dĩ vãng?
- Đúng. Anh nói đúng.
Ông lại cầm túi thuốc, quấn một điếu thật bự, nhưng chỉ hút có một hơi đã đưa tay dụi mãi dụi mãi xuống cái gạt tàn. Mắt ông chăm chú nhìn tay ông, dường như cái việc dụi tàn thuốc là cái việc đáng kể trong lúc này. Tôi đăm đăm nhìn ông. Bất giác, ông ngẩng lên nhìn tôi, nói tiếp, như nãy giờ ông đang nghiền ngẫm ý nghĩ của tôi mà ông đã nắm được:
- Chắc anh nghĩ tôi sợ cách mạng trị tội nên phải nói dối bà con chứ gì. Không, tôi không sợ. Một thằng bạt mạng như tôi, đã đi lính là cầm chắc cái chết trong tay, đùa dỡn với cái chết như thế mà không sợ, huống hồ chi đã thành một thằng thương phế binh mà sợ cái gì. Tôi biết là ở chế độ này cũng vậy, ai nỡ đi băm vằm bọn thương phế binh, một lũ bỏ đi rồi. Nhưng đúng là tôi chán mọi sự tôi đã làm rồi, tôi không muốn nghĩ đến nó nữa. Chẳng biết nó xuất phát từ chỗ nào nhưng đúng là như thế đó. Khi người ta đã lao vào mọi sự rồi, đã cụt một cái giò rồi, thì tự nhiên mình thấy thương mình và chán hết, chỉ muốn sống lương thiện làm ăn thôi... chẳng còn ham hố cái gì hết.
Thế là còn một số tiền dành dụm, tôi mở quán chữa xe đạp... Tôi sống cô độc như một cái bóng, ai nhờ thì làm, không muốn thân với ai. Chỉ muốn quên dĩ vãng đi. Đối với đàn bà, tôi cũng không để ý, vì tôi nghĩ tôi què cụt rồi. Thế mà, một hôm, có một bà cụ ở nhà bên cạnh bị đau bụng thổ tả. Nhà ấy chỉ có hai mẹ con, bà và một cô con gái. Cô chạy sang nhờ tôi giúp đỡ. Tôi có thuốc, cho uống, bà cụ khỏi. Bà rất thương tôi. Cô gái thấy cảnh lẻ loi cũng thương tôi. Chúng tôi cưới nhau. Có con cái, tôi cảm thấy vui trở lại, mọi thứ cũng phai dần đi.
Miền Nam được giải phóng. Bà mẹ vợ tôi muốn về quê ở Bình Định. Nhưng tôi không muốn về, lấy cớ ở đây đất tốt dễ làm ăn. ý kiến của tôi trùng với ý kiến của ông anh vợ tôi. Ông đi cách mạng mà tôi không biết, giờ làm bí thư huyện ủy.
Vùng tôi ngày càng sầm uất. Bà con ở đây làm ăn ngày một khá lên. Bà con ở các nơi vào đây xây dựng vùng kinh tế mới ngày càng thêm đông vui. Xã tôi bắt đầu thành lập hợp tác xã. Các ông ở xã thấy tôi chăm chỉ, lương thiện, lại là em rể ông bí thư huyện ủy nên cử tôi làm chủ nhiệm. Tôi không nhận, bảo mình bị cụt chân, yếu sức. Họ ép quá, ông anh vợ tôi cũng la rầy nên tôi nhận. Phải nói, đầu óc tôi cũng nhanh nhẹn. Tôi tổ chức sản xuất lúa, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, làm nghề tiểu thủ công. Mọi ngành đều tấn tới. Hợp tác xã tôi tự nhiên nổi bật lên. Hết huyện rồi tới tỉnh khen. Tôi cũng được nhiều giấy khen. Cứ mỗi lần bầu ban chủ nhiệm, tôi xin rút nhưng bà con cứ bầu mãi, cử mãi. Tôi đành nhận. Đang vui thì đột nhiên...
- Có người tố cáo chú? - Tôi hỏi.
Ông cười mặt nhăn nheo, đau khổ:
- Không phải. Họ đề nghị tôi làm sơ yếu lý lịch, khai rõ quê quán, tông tích để họ cho người đi điều tra kết nạp Đảng. Dẫu sao một chủ nhiệm có thành tích như tôi thì nên đứng ở trong hàng ngũ Đảng. Lúc đầu tôi từ chối, bảo mình sức yếu, yêu cách mạng là đủ rồi, vào Đảng cũng không cống hiến được bao nhiêu. Nhưng ông anh vợ la rầy tôi quá, tôi đành thú thật. Ông bực mình vì lâu nay tôi không nói ra tung tích của tôi, nhưng rồi an ủi:
- Thôi được, dượng trước đây có tội nhưng từ lâu nay đã ăn năn làm ăn, giờ có thành tích, dượng chưa vào Đảng cũng được, nhưng việc lo ngại ở quê hương thì tôi sẽ giúp...
Chẳng biết anh ấy giúp thế nào mà một thời gian sau tôi được thư Sáu Trợ thay mặt Đảng ủy và ủy ban xã bảo anh ấy mừng cho tôi tiến bộ, mời về quê chơi, mọi người không nhắc chuyện cũ đâu... Tôi cũng vui vui, nhưng cũng ngại . Tôi muốn về thăm lại quê cha đất tổ nhưng cứ lần lữa, lần lữa hoài. Thì đùng một cái, tháng qua, trên định cho con tôi đi học nước ngoài vì em nó thi điểm cao. Họ đòi tôi phải ghi rõ lý lịch cho nó, có chứng nhận của ủy ban xã. Lần này thì vợ tôi thúc ép ghê quá. Bả động viên tôi đi, vì chẳng có chuyện gì đâu, anh Sáu Trợ đã bảo đảm rồi...
Ông đứng dậy đến bên chiếc túi cói, rút ra một chiếc cặp ba dây, đem đến giở cho tôi xem những giấy khen, bằng khen của ông. Đấy là những tờ chứng nhận tư cách ông trong những năm qua.
- Bây giờ chú ngại đi một mình về xã...
- Không! Không phải. Tôi đã xuống xe và đã rẽ đến làng mình rồi. Tâm trạng tôi có rụt rè, nhưng qua thư anh Sáu Trợ tôi hiểu mình được khoan hồng. Thế nhưng khi thoáng thấy bóng cây đa làng, còn sót lại sau bao bom đạn, cày ủi, thì tự nhiên chân tay tôi bỗng run run kỳ lạ. Tất cả mọi cái tưởng quên rồi bỗng quay lại. Tôi toát mồ hôi lạnh, phải ngồi nghỉ, không bước tiếp được nữa. Tôi rút thuốc ra quấn hút, nhưng tay run không quấn được. Tôi cảm thấy cái bóng đa làng lừng lững như làng mình qua bao biến thiên vẫn đang đứng đó hỏi tội tôi. Dù anh Sáu Trợ và bà con có ân xá cho tôi, nhưng làm sao tôi quên được những tội lỗi mình đã gây ra. Anh ạ, tôi nghĩ, con người ta ai cũng có lúc sai lầm, miễn mình biết nhận ra và cố gắng sửa chữa. Nhưng mình tự kiềm chế để tránh những sai lầm thì vẫn tốt hơn. chúng ta sẽ tránh được biết bao điều dằn vặt đau khổ mà đáng ra không phải có. Huống hồ, những việc mà tôi gây ra là những tội ác chứ không còn là những sai lầm nữa. Tới chừng này tuổi rồi, bao nhiêu năm gác tay lên lên trán nhiều rồi, càng ngày tôi càng thấy rằng những tội ác không có dịp sửa chữa được. Cho nên, con người không được phép gây nên tội ác. Hằng đêm, tôi cứ nằm suy nghĩ mà không cắt nghĩa nổi vì sao, có những kẻ lại coi việc đi gây tội ác như những thói quen hàng ngày. Càng tệ hơn nữa, họ nâng nó lên thành triết lý sống. Nói ra những việc trên, xin anh đừng cười tôi nghe bởi tôi đã gây tội ác rồi, giờ lại nói chuyện này như là để cố tình coi mình là "tiến bộ", hòng xuê xoa tội ác của mình, mong cách mạng bỏ qua. Không phải thế đâu. Tôi thực tình dằn vặt, đau khổ. Điều bắt tôi suy nghĩ hơn, dằn vặt hơn là việc con tôi được cách mạng chiếu cố cho đi học nước ngoài, mở ra một con đường mới cho nó. Trời ơi, con tôi, con tôi chớ không phải con ai đâu anh à-ông bỗng thốt lên những lời quặn thắt nghe đến xé ruột-Con tôi, con của một thằng đã gây tội ác, không phải cảnh đời cha ăn mặn đời con khát nước, mà được những người ngày xưa bị cha nó cầm súng bắn, bây giờ lại nâng đỡ nó, cưu mang nó. Tôi hy vọng cuộc đời nó sẽ sáng sủa hơn đời tôi, tụi nó sẽ không lặp lại những lỗi lầm mà cha nó đã mắc phải. Bởi tụi nó được ấp iu trong chế độ mới. Đôi lúc tôi cứ ao ước giá mình cũng được như tụi nó, được trẻ lại để bắt đầu từ đầu, nhưng tôi đã già rồi... Càng nghĩ tôi càng thấy trước kia mình thật là... thật là - Ông rút khăn tay chậm rãi lau những giọt nước mắt chợt ứa ra trong đôi mắt của người già rồi nói tiếp, giọng thì thầm - Thế là, anh biết không? Tôi không dám về làng nữa mà cứ quay lui, quay lui rồi bỏ chạy ra đường quốc lộ như bị ma đuổi. Ngày xưa, cũng như thế, tôi bị ám ảnh bởi cái cây đa làng có những rễ lòng thòng như những vòng dây treo cổ mà bỏ đi xa. Nhưng mãi mãi nó vẫn theo tôi đến cuối đời.
Tôi ngẩn ngơ đứng bên đường đón xe. Nhưng tôi không đi được bời vì họ đòi vé chợ đen quá cao. Tôi không đành ra bến xe Đà Nẵng để mua vé chính thức. Nhưng anh biết không, tình trạng xe cộ của mình mỗi ngày một khó. Từ Sài Gòn ra đây, tôi chờ xe mất đến năm ngày, còn bây giờ, ở đây tôi đã chờ hai ngày rồi. Họ bán cho những con buôn "có giấy ưu tiên"... Chờ mãi, sốt ruột, tôi bỗng nhớ ai đó đã nói anh làm ở tỉnh ủy, tôi đến đây. Họ chỉ nhà anh ở đây. Tôi muốn...
Ông đột ngột ngừng kể, đưa tay cầm túi thuốc đang đặt ở mặt bàn lên, nhưng không quấn hút mà lại để lại chỗ cũ. Tôi nhìn ông và chợt cảm thấy, ông vừa hé mở cho tôi nhìn thấy những gì đã diễn ra trong ông, trong những người như ông, còn sâu xa và lớn lao hơn nhiều những gì mà trước đây tôi chỉ biết qua các hồ sơ báo cáo. Lúc này thì tôi hoàn toàn tin rằng ông đến đây chỉ đơn giản vì một nhu cầu ấy, nhu cầu muốn được một người ruột thịt hiểu mình...
Từ chối việc tôi mời ông nghỉ lại và không chịu để tôi đưa tiễn, ông khách giơ tay bắt tay tôi rồi bước nhanh ra khỏi phòng. Tôi đứng trên gác nhìn theo, thấp thoáng dáng gầy gầy của ông với mái đầu sớm ngả bạc vì đã trải qua nhiều dằn vặt trong cuộc đời, lẫn vào những tốp người và xe cộ giữa dãy phố vòng vo, đang ra con đường chính...

Các tác phẩm khác của Thanh Quế

Nó Và Ba Nó

Người khách đến phòng tôi

Mùa mưa

Một lần và mãi mãi

Mai

LA HAI

Kỷ niệm nhỏ trong rừng

Hai người bạn

Hai chị em

Dì út

Bà Mẹ Vui Tính