Chương 4
Tác giả: Thi Lâm
Hoàng đã có thói quen mới mỗi đêm đến khoảng mười một giờ đều phải gọi cho Hải Yến rồi mới đi ngũ được. Ðêm nay cũng như mọi đêm Hoàng nhìn đồng hồ trên tường, bước mau về phía bếp với ly cà phê trên tay, nhoài người với lấy điện thoại để gần nồi cơm điện. Chưa kịp bấm điện thoại thì tiếng reng đã vang lên làm phá tan sự tĩnh mịch trong căn phòng.
-Hello!
-Anh Hoàng hả? Em đây khỏe không anh? Ðang làm gì đó?
Hải Yến làm một tràn không kịp thở, giọng nói dồn dập đầy sự lo lắng của Hải Yến làm Hoàng cảm động.
-Ồ, anh đang pha cà phê,cám ơn em đã gởi cho anh mấy bộ đồ mùa hè nhưng lần sau đừng có gởi nhiều như vậy tốn tiền lắm, em còn đi học làm gì có tiền mà mua đồ cho anh.
-Không sao đâu anh, ba biểu em gởi cho anh.. thiệt tội nghiệp không có ai lo cho anh, em nhớ anh quá.
-Anh cũng vậy, có nhiều khi nhớ em đến mất ngủ còn trong bụng cứ nao nao làm sao ấy, không biết em có vậy không?
-Không, em chẳng nhớ anh tí nào.. hí hí.. Anh có muốn em lên thăm anh không?
Hoàng vừa nghe câu nói ấy như được uống liều tiên dược nên vội trả lời:
-Muốn.. Muốn, sao lại không muốn, em có nói với anh là hè em và chú An sẽ lên thăm anh mà, bây giờ đã vào hè rồi em tính chừng nào lên thăm anh đây?
-Anh thiệt muốn em lên thăm anh sao?
-Bộ khùng hay sao lại không muốn.. . Giọng hấp tấp của Hoàng làm Hải Yến cười vang.
-Thôi đi ông khùng ơi! Nếu muốn sao không mau ra mở cửa.
Hoàng bối rối khi nghe Hải Yến nói như vậy, cùng lúc đó ngoài cửa vang lên tiếng chuông cửa quen thuộc của nhà Hoàng, Hoàng vội vàng chạy ra mở cửa thì đã thấy Hải Yến đứng đó tự lúc nào trên tay còn cầm điện thoại.
-A.. . Hoàng la lên đầy kinh ngạc trước sự xuất hiện bất ngờ của Hải Yến.
-Ðứng đực đó làm gì? Mau ra sau xe khiêng đồ phụ cho ba em kìa.
Hoàng vội vàng chạy ra sau xe chú An như một cái máy, chú An đang lôi mấy cái valy và xách tay lỉnh kỉnh các thứ ra khỏi xe, vừa thấy Hoàng chú liền giang hai tay ôm Hoàng vào lòng vỗ vào lưng một cách thân mật:
-A Hoàng ! khỏe không con, cái thằng này..
Chú An nói chuyện với Hoàng mà Hoàng cảm giác như một người cha đang vỗ về con cái làm Hoàng thật sự cảm động:
-Dạ khỏe, để con xách đồ đạc vào nhà cho, chú vào nhà nghỉ cho khỏe.
Hải Yến chạy lại phụ Hoàng mang đồ đạc vào nhà, ngoài hành lý còn có một thùng giấy to tướng đựng các loại đồ màu và đồ khô Việt Nam. Thấy Hải Yến lăng xăn trong bếp luôn miệng hỏi cái này cái nọ làm Hoàng cũng vui theo. Khi chú An đi tắm hai đứa mới có dịp riêng bên nhau. Hoàng vội ôm choàng lấy Hải Yến và đặt một nụ hôn lên môi cho thỏa những ngày mong nhớ, những ngày của sự cô đơn và chờ đợi, nụ hôn của hơn ba tháng ngóng trông.
Ôi! Sao mà ngọt ngào, vị ngọt của nụ hôn thấm dần vào người Hoàng, lan tỏa nhẹ nhàng khắp thân thể tạo nên nguồn sinh lực mới..
-Anh này! Ba ra rồi kìa..
Hải Yến vừa nói vừa đẩy Hoàng ra nhưng ánh mắt lại như mời gọi Hoàng siết chặt vòng tay hơn, tiếng lách cách phát ra từ buồng tắm làm cả hai đứa vội vã buông tay. Chú An từ phòng tắm đi ra vừa hỏi:
-Ngày mai con có đi làm không?
-Dạ không, con đã nghỉ làm chỗ đó rồi, ngày mai con ra phi trường xách máy bay đi rải phân, không biết chú và Hải Yến có muốn đi với con không, công việc chỉ chừng vài tiếng đồng hồ là xong.
Vừa nghe đến máy bay là cặp mắt chú An sáng lên, cái máu pilot trong người của ông bừng dậy:
-Ði chứ sao không, vừa nghe bây nói là tao đã thấy sướng rồi mà máy bay của hãng làm sao được.
-Chú đừng lo chiếc máy bay đó là của con mua để đi rải phân cho khắp vùng này.
Chú An thật sự ngạc nhiên khi Hoàng nói như vậy:
-Máy bay của con à, mắc lắm làm sao mua nổi?
-Khi nghe đến chữ máy bay ai cũng nghĩ là mắc lắm nhưng thật ra chỉ khoảng trên dưới 70 ngàn là có thể kiếm được tuy không phải mới tinh, chỉ có tiền mướn sân bãi là tốn thôi bởi vậy nếu mua đi chơi thì mắc nhưng để làm việc thì được. Với lại con rất mê lái tàu bay nên công việc này đối với con thật thú vị.
Chú An thật không ngờ Hoàng lại có cùng chung sở thích với mình. Gần 30 năm không còn được ngồi trong buồn lái nhìn cảnh trời mây nước, không còn cảm giác của cánh chim đã từng tung bay trong lửa đạn trên bốn vùng chiến thuật, tất cả những oai hùng đó chỉ còn trong ký ức mà thôi. “Thần Ðiểu” của một thời ngang dọc, một thời làm khiếp hải quân thù giờ đây.. Quá khứ vùn vụt trôi qua như thoáng mắt, thời gian đã xóa nhòa đi tất cả còn lại chăng chỉ là những hình ảnh mờ nhạt thoáng ẩn.. thoáng hiện từ trong sâu xa của ký ức mà thôi.
Hoàng nhìn Hải Yến rồi nhìn chú An và như nghĩ ra điều gì, nên nói:
-Ðể con kiếm cái gì tối nay nấu ăn, có lẽ chú và Hải yến đi đường mệt và đói bụng rồi.
Hoàng ngừng một chút và tiếp:
-Hay mình ăn cháo gà nghe.
-Ðược để Hải Yến giúp anh.
Nói xong Hải Yến lăng xăn lục loại thùng đồ màu còn Hoàng bắc nồi nước và chuẩn bị làm gà. Chú An ngồi nhìn hai đứa mà lòng cũng dâng lên niềm vui nho nhỏ..
Ánh nắng chiếu xuyên qua cửa sổ làm Hoàng tỉnh giấc, với tay lấy chiếc đồng hồ để trên bàn nhìn xem, đã gần 8 giờ sáng rồi, Hoàng vội vàng nhảy xuống giường vào phòng vệ sinh. Khi bước ra phòng khách thì chú An đã pha sẵn bình trà và đang ngồi uống cà phê, vừa thấy Hoàng chú An liền gọi:
-Hoàng lại đây uống nước trà con, cà phê chú đã pha sẵn đây rồi tính vào gọi thì bây đã ra rồi. Bao giờ mình đi con?
-Dạ chừng chín giờ hơn, mình đi đến phi trường khoảng mười giờ. Hải Yến dậy chưa chú?
-Ôi chào! Cái con nhỏ nầy nó làm biếng lắm làm sao mà dậy sớm cho được.
-Ai nói xấu “cui” đó, không có mặt người ta là tha hồ muốn nói gì lại không được.
Hải Yến vừa nói vừa đi đến phía sau chú An ôm vòng lấy cổ ông vừa cười hì hì làm chú An cũng vui lây. Ông khẽ lấy tay ký nhẹ lên đầu đứa cón gái cưng vừa nói:
-Lớn đầu rồi mà còn nhỏng nhẻo, may thằng Hoàng là người nhà nếu không người ta cười chết.
Ăn sáng xong mọi người ra xe đi đến phi trường, Hải Yến cười nói tíu tít trên xe hồn nhiên như một con chim nhỏ, Hoàng và chú An nói chuyện về máy bay xem ra rất tâm đắc. Xe rẽ vào con đường mòn nhỏ, khoảng mười lăm phút sau phi trường hiện ra trước mắt. Hải Yến chồm ra phía trước vỗ vào vai Hoàng:
-Phi trường gì mà kỳ vậy chỉ có một cái nhà và ba chiếc máy bay hà?
Hoàng cười lớn nhìn qua chú An giải thích:
-Cái bãi đất trống này gọi là phi trường cho nó oai chứ thực ra là một con đường lộ cũ đã bỏ hoang nằm trong khu đất nhà, ông Phillip đã lợi dụng con đường lộ cũ này làm thành đường băng cho máy bay của ông, những người sống quanh đây thấy vậy nên đến mướn chỗ rồi lâu ngày thành ra cái sân bay này.
Hoàng cho xe đậu bên hông căn nhà, cả ba bước xuống đi về phía cửa chính, bên ngoài có một tấm bản gỗ đề “J.PHILLIP AIRPORT”, chưa kịp bước vào bên trong thì cánh cửa đã bật mở, một người đàn ông đứng tuổi dáng người trông rất khỏe mạnh vừa gặp Hoàng ông liền lên tiếng:
-Hi son! How do you do?
-Fine, thank you.
Ông tiến về phía Hoàng đưa tay ra bắt tay Hoàng và nói tiếp bằng tiếng Việt với giọng lơ lớ:
-Khỏe không con trai.
Hoàng chỉ chú An và nói:
-Ðây là Mr An, còn đây là Mr Phillip là một cựu chiến binh Việt Nam, ngày xưa ông lái F4 đóng quân tại phi trường Ðà Nẵng.
Chú An bắt lấy tay ông Phillip thật chặt, lòng đầy cảm xúc của thời trai trẻ, cái thời được vi vút trên trời cao lồng lộng, giữa họ mất đi khoảng cách của hai người mới gặp lần đầu, chú An mở đầu câu chuyện:
-Ngày xưa ông đã ở Ðà Nẵng năm nào? Tôi cũng từng phục vụ ở đó, tôi có người bạn học cùng khóa vào năm 70 cũng lái F4, ông ta phục vụ tại Ðà Nẵng năm 72 tên là J.Phillip.
Ông Phillip nhìn chú An một cách chăm chú và rất lâu bỗng nhiên ông hét to một cách mừng rỡ:
-Anh.. Anh Le, “Anh thunder” lái A 37 phải không? Còn nhớ mình không? Thằng phillip đầu trọc đây này, hồi còn ở trường bay chiều thứ bảy nào hai đứa mình cũng chạy đi ăn cơm Tàu cách trường gần hai giờ lái xe cậu còn nhớ không?.
-Nhớ, nhớ rồi.. Nhớ luôn thời gian tụi mình gặp lại ở Ðà Nẵng nửa.. thật không ngờ đã hơn 30 năm rồi mà vẫn còn gặp lại.
Hai người ôm nhau mừng mừng tủi tủi, cả bốn người kéo nhau vào nhà. Ông phillip pha cà phê cho mọi người rồi nói với Hoàng:
-Nè con trai chưa giới thiệu cho ta biết cô tiểu thư xinh đẹp này là ai?
Hoàng mau mắn trả lời:
-Ðây là con gái của chú An tên Hải Yến.
-Có phải là cái tên chiếc máy bay của chú mày đang đậu phía trước không?
-Vâng! ..
Hoàng lúng túng và đỏ mặt vì hơi mắc cỡ. Ông Phillip cười thật lớn và nói tiếp:
-Ngày xưa bọn này thường dùng tên người yêu làm danh hiệu truyền tin đó nghe, có gì mắc cỡ mà đỏ mặt vậy.
-Ha.. Ha...
Hoàng bị ông Phillip chọc mặt đỏ như gấc trong ánh mắt Hải Yến dậy lên một chút lòng kiêu hãnh. Ông Phillip dứt tiếng cười nhìn chú An nói tiếp:
-Nè cậu còn nhớ cách lái máy bay không? Có muốn đảo một vòng lả lướt không?
-Ok, nghe cậu nói là tớ ngứa tay rồi. Mà máy bay này loại gì vậy?
-Cessna thứ một động cơ giống như loại máy bay thám thính L 19 ở Việt Nam, thứ máy bay mà mình được huấn luyện ở giai đoạn đầu đó.
Quay đầu sang phía Hoàng ông nói tiếp:
-Con trai, bữa nay mình khỏi đi rải phân vì ông Tony có phone cho mình là phân chưa về kịp, ngày mai ông ta mới chở phân lại cho mình. Thôi bây giờ ra xách máy bay chở bạn gái đi chơi đi để tụi tao ở lại đây tâm tình được rồi.
Tính tình ông Phillip là vậy đó muốn gì nói nấy không e ngại gì cả. Ông là người thầy của Hoàng trên nhiều mặt, trong số đó lái máy bay là một, ngoài ra cuối tuần ông thường rủ Hoàng đi câu cá và săn Nai. Có lẽ số của Hoàng thường được người lớn tuổi thích.
Hoàng nắm tay Hải Yến đi ra chỗ đậu máy bay, vừa nhìn thấy, Hải Yến đã biết ngay là chiếc nào nên vừa chỉ vừa ồ lên một cách thích thú:
-Ai sơn màu xanh da trời và cả sóng biển nửa đẹp quá vậy.
Hoàng ưỡn ngực chỉ vào mình:
-Mỗ đây chứ ai! Chưa đẹp đâu nhìn gần cửa kính kìa.
Hải Yến nhìn theo tay Hoàng chỉ khoảng giữa chong nhóng và cửa buồng lái là hai con chim Hải Âu màu trắng đang bay thật sống động, phía dưới hình hai con Hải Âu là hàng chữ “Hải Yến” màu đỏ thật nổi làm cho Hải Yến cảm thấy hãnh diện thật sự. Niềm kiêu hãnh của con gái khi được người khác tôn vinh một cách trân quí.
Khi chiếc phi cơ cất cánh cũng là lúc tâm hồn Hải Yến mênh mông giữa bầu trời bao la của ái tình. Hải Yến cảm thấy mình trở thành én biển đang tự do bay liệng giữa khoảng trời xanh vô tận, được bay trên đồng cỏ bao la xuyên qua những rặng núi chập trùng với rừng thông già xanh thẫm một màu trùng điệp.
Bây giờ chỉ còn lại chú An và ông Phillip đang ngồi ôn lại quá khứ, nhắc đến bạn bè trong cùng khóa kẻ còn người mất, họ nói đến chiến tích một thời vẫy vùng ngang dọc trên đôi cánh đại bàng. Họ đã rơi những giọt lệ tiếc thương cho những cách chim trời đã gãy.. những đồng đội đã vĩnh viễn ra đi. Còn lại chăng chỉ là hai mái đầu điểm trắng.. Kiếm đã tra vào vỏ, mảnh chiến bào đã xếp lại, vó ngựa nay đã chồn chân cho dù ngọn lửa anh hùng vẫn còn ngùn ngụt cháy trong lòng. Ông phillip chép miệng thở dài:
-Anh này, vậy mà ba mươi năm trôi qua như thoáng mắt, nhiều khi mình cứ ngỡ như vừa mới hôm qua..
-Thôi đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa, cái gì đã qua thì cho qua luôn đi, cậu biết không cả con gái cũng không biết mình là phi công, chỉ biết ngày xưa tôi đi lính thôi.
-Vậy à! Chiều nay cậu biểu diễn cho tụi nhỏ coi cho biết tài nghệ của thủ khoa xem nào.
Ông phillip vỗ hai tay vào nhau như tìm ra điều gì rất là vừa ý:
-À này, tôi muốn thành lập công ty chuyên đi rải phân và phun thuốc trừ sâu nên rất cần phi công lành nghề, cậu có muốn làm không?
-Tôi đâu có bằng lái làm sao được.
-Dễ ợt có gì đâu phải lo tôi sẽ lục lại bằng cũ cho, chỉ cần kiểm tra lại là có bằng ngay, huống gì thằng Jack cùng khóa mình hiện đang là huấn luyện viên chính của trường dạy lái máy bay, chỉ cần gọi một tiếng là được. Cậu thấy thế nào?
-Ðược để tôi suy nghĩ xem sao. Tôi cũng muốn trở lại nghề bay lắm nhưng có cái hơi kẹt là con gái đang còn đi học sợ không ai chăm sóc cho nó.
Hai người đang còn tiếp tục bàn bạc thì Hoàng nắm tay Hải Yến đi vào, vừa bước vào cửa thì tiếng cười của Hải Yến cũng đi theo, cái vui vẻ của Hải Yến đã khuấy động sự yên tĩnh trong văn phòng ông Phillip:
-Ba đã đói bụng chưa, mình đi kiếm cái gì ăn đi. Anh Hoàng ở gần đây có chỗ nào ăn được không?
Chú An nhìn vào đồng hồ tay đã gần một giờ trưa rồi nên quay sang bạn:
-Phillip. Tôi muốn mời cậu đi ăn cơm trưa chung với tụi này, cậu thấy thế nào?
-Khỏi đi đâu cho xa lại nhà tôi dùng bữa cơm gia đình với lại cũng muốn giới thiệu vợ tôi cho cậu quen biết.
Mọi người ra xe Hoàng làm tài xế. Xe chạy chưa đầy năm phút đã tới nhà ông Phillip. Trước sân trồng rất nhiều loại hoa, đặc biệt là một bụi trúc rất lớn dài gần bằng hàng rào dọc theo đường xe chạy vào tận garage đậu xe. Vừa bước vào nhà Hải Yến đã ồ lên một cách kinh ngạc:
-Ðẹp quá, nhà này được bài trí theo phong cách Á Ðông với hồ nước kiểu Nhật chiếm một góc phòng, đường đi trải bằng sỏi tạo nên cảm giác thật nhẹ nhàng khoáng đạt.
Ông Phillip mỉm cười khuông mặt lộ vẽ sung sướng pha chút tự hào.
-Công trình này của hai vợ chồng tôi tự làm lấy, bà nhà tôi tốt nghiệp ngành trang trí mỹ thuật mà.
Ông mời mọi người ngồi rồi đi thẳng ra sau vườn nói lớn:
-Em! Mau vào nhà có khách quí đến thăm nhanh lên.
Bà Phillip buông cái cào cỏ vội đi theo ông vào nhà, vừa đi vừa hỏi:
-Ai vậy anh?
-Cứ vào rồi biết.
Hoàng ngạc nhiên khi thấy vợ ông Phillip là người Á Ðông vậy mà bấy lâu nay Hoàng cứ tưởng là người Mỹ, Bà Phillip dáng người nhỏ nhắn với khuông mặt phúc hậu, tướng đi nhẹ nhàng quí phái làm cho người đối diện cảm thấy gần gũi và có thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên.
Vừa vào đến phòng khách nhìn thấy chú An bà sững người lại trong giây lát rồi nhào đến vừa ôm vừa hét lớn:
-Anh !Lê Hoàng Anh.. Anh thật sao? Em đây.. Thanh Mai đây.. Con bé tóc cột đuôi gà chuyên đưa thơ qua lại cho anh và chị em ngày nào anh còn nhớ không?
-Nhớ !.. Làm sao anh quên được cô bé ngày nào đã giúp anh đưa chị em đi trốn ba em.
-Chị của em đâu rồi anh, có đi chung với anh đến đây không?
-À.. Chị của em.. chị của em.. đã qua đời rồi.. câu chuyện đã xảy ra nhiều năm.
Nói một cách ngập ngừng xong ông cúi đầu im lặng mà hai hàng lệ chảy dài trên má. Còn bà Phillip thì thẫn thờ hai tay buông thõng nhìn người anh rể mà không nói nên lời. Hải Yến nhìn thấy cảnh đó cũng xúc động mãnh liệt nước mắt tuôn tràn ôm lấy chú An và hỏi qua làng nước mắt:
-Ba, chuyện này là sao vậy? Ba hãy nói cho con biết đi.
Chú An trầm ngâm giây lát rồi ngước mặt lên ôn tồn nói với Hải Yến:
-Qua chào dì Thanh Mai đi con.
Bà Phillip giang rộng hai tay ôm chầm lấy Hải Yến hôn vào trán vừa nói:
-Ðứa cháu tội nghiệp của dì, dì thương mẹ con lắm bây giờ dì đặt hết tình cảm đó lên người con, nào hãy ngẩn mặt lên cho dì xem, cháu gái tôi xinh quá.
Hoàng nhìn cảnh gia đình chú An sum họp mà nghĩ đến thân phận cô đơn của mình. Một chút trống vắng từ từ xâm chiếm lấy trái tim vốn đã cô đơn của mình. Những giọt nước mắt của Hoàng rơi xuống để khóc cho thân phận hẩm hiu, khóc cho cuộc đời đơn độc.
Ông Phillip phá tan sự im lặng:
-Em ! Chuyện gì xảy ra vậy? Các người nói tiếng Việt làm sao tôi hiểu được?
-Anh yêu! Ðây là anh rể của em, còn đây là cháu gái của em mà em đã thất lạc bấy lâu nay.
-Thật vậy à! Như vậy là chuyện vui mừng rồi, anh phải xách chai rượu quí mà anh đã cất lâu nay ra uống mừng mới được.
Ông Phillip chạy lăng xăn cười nói vui vẻ, còn Hoàng cảm thấy mình thừa thãi trong căn nhà tràn ngập nụ cười của tình thương sum họp này. Bỗng dưng bà Phillip đến bên Hoàng và hỏi:
-Con là con trai lớn của anh chị phải không?, đôi mắt con giống mẹ như một khuôn đúc ra, còn giương mặt thì của anh rể bước ra đường không thể nào không nhận ra là hai cha con và còn..
-Dạ không phải đâu dì. Con không phải là con của chú An, con mồ côi từ thuở nhỏ làm gì còn người thân.
Bà Phillip cứ lẩm bẩm trong miệng:
-Không thể nào như thế được.. Không thể nào.. .
Bà Phillip trầm ngâm suy nghĩ và bà cảm nhận được có cái gì gắn bó với đứa con trai này.
-Không sao đâu, dì vừa thấy con là dì thấy thương liền. Không biết tại sao dì có cảm nhận con như một người thân ruột thịt của dì vả lại dì không có con nên muốn hỏi một việc không biết có quá đường đột không?
-Không có chi! Xin dì cứ hỏi?
-Dì muốn nhận con làm con nuôi không biết ý con thế nào?
Hoàng nhìn bà Phillip một cách trừu mến như có một sợi dây vô hình gắn chặt giữa hai người và một niềm cảm thông sâu sắc. Nhất là đôi mắt nhìn Hoàng giống y như mẹ của Hoàng trước lúc lâm chung khi bà tỉnh lại sau cơn si dại nhiều năm. Phải rồi cũng khuông mặt ấy và đôi mắt nầy đây sao mà giống quá. Tự đáy lòng Hoàng dâng trào lên niềm cảm xúc vô hạn, bật ra thành tiếng:
-Mẹ.. . Ngược lại bà Phillip cũng vậy. Sợi dây tình thương kia đã kéo bà lại với Hoàng. Bà ôm lấy Hoàng như ôm lấy đứa con ruột của mình vỗ vào lưng một cách trừu mến.
-Con trai của mẹ, từ nay con không còn cô đơn nửa.
Bà gọi ông Phillip đang ngồi khui chai rượu đỏ trên ghế sofa:
-Anh ! Em có chuyện muốn nói với anh.
Ông Phillip vội vã bước đến cạnh bà và hỏi:
-Có chuyện gì vậy em?
-Chuyện nầy rất quan trọng. Em đã nhận Hoàng làm con nuôi là đứa con đúng nghĩa trên mặt pháp lý chớ không phải gọi cho vui đâu, anh thấy thế nào?
-Ðồng ý quá đi chứ, anh đã thích nó từ khi nó học bay với anh, anh đã muốn nhận nó làm con nuôi mà nó không chịu, không biết em làm thế nào mà nó chịu hay vậy.
-Này con trai từ nay gọi ta là dady nghe, ta mong tiếng này mấy chục năm nay rồi đó.
-Yes sir !
-Sao lại yes sir, phải là yes dady mới đúng nghe không con trai.. hì hì..
-Vâng, con đã nhớ rồi.
Cả hai cùng cười xòa một cách vui vẻ. Ðến bây giờ ông Phillip mới nhớ vụ cơm nước nên vội tìm bà nói chuyện:
-Em à! Chưa ai có gì trong bụng hết, mình phải kiếm gì cho mọi người ăn mới được.
-Em có ướp thịt nai rất nhiều, mời mọi người ra vườn sau BBQ đi có lẽ mấy đứa nhỏ đã đói bụng lắm rồi, nhanh đi anh.
Cả nhà kéo ra sân sau, Hải Yến phụ dì Thanh Mai nướng thịt và bắp, mùi thịt nướng bốc lên thơm ngát, Hoàng đem giúp các thứ trong bếp dọn ra vườn sau, trên chiếc bàn lớn chỉ còn lại chú An và dượng Phillip:
-Hoàng Anh ! Thật không ngờ hai đứa mình lại trở thành bà con. Vợ chồng tôi không có con nay nhận được thằng Hoàng chắc là bả vui lắm, mà nói thật cái thằng này tôi khoái nó thật tình.
Chú An nâng ly rượu hớp một ngụm nhỏ và thở dài rồi như nói với chính mình:
-Trái đất này tròn thật, đã đi đến nửa vòng rồi mà vẫn gặp được Thanh Mai. Cái tên Lê Hoàng Anh tưởng rằng đã vĩnh viễn chôn vùi vào đống tro tàn của quá khứ vậy mà vẫn được moi lên và nhớ lại.
-Phillip ! Uống đi, uống mừng ngày họp mặt. Khi qua đến Mỹ nầy tôi đã đi hỏi khắp nơi kiếm cậu nhưng không gặp, thật là không ngờ..
Hai người vừa uống rượu vừa cười nói vui vẻ. Bên lò nướng tiếng thịt cháy kêu xèo xèo thật vui tai. Lâu lâu dì Thanh Mai lại hôn vào trán Hải Yến hoặc là vuốt tóc đứa cháu gái như để bày tỏ tình thương, mà bà đã thiếu đi bấy lâu nay. Trong lòng bà tâm sự ngổn ngang, phần nhớ đến người chị đã qua đời, phần nghĩ đến đứa cháu và đứa con nuôi mới nhận, mà lạ thật tại sao thằng Hoàng mới gặp lần đầu lại cảm thấy thân thiết như vậy làm lòng bà cứ thắc mắc không yên, bà có linh tính có cái gì đó giữa bà và Hoàng .. cái gì nhỉ?.
Bà lắc đầu để quên đi thắc mắc trong lòng mà không giải đáp được, nhưng hình ảnh đôi mắt Hoàng như in đậm trong trí không thể nào quên được, có phải Hoàng có liên hệ gì đến chị Mai Nương? .. Không thể nào như thế được, nếu Hoàng là con chị Mai Nương thì làm sao anh rể không biết. Hay là.. ? Thôi đúng rồi có lẽ Hoàng là con của ai đó trong thân tộc. Bà yên tâm với ý nghĩ đó.
-Dì ơi! Hết thịt ướp sẵn rồi, mình còn không để con đi lấy?
-Còn một thau để trên bếp đó con. Hoàng à, đi lấy đi con.
Cả nhà sum họp vui vẻ mãi đến tận khuya chú An mới dẫn đám nhỏ về. Trên xe Hải Yến cười nói luôn miệng với Hoàng. Riêng chú An cảm thấy lòng mình xao động và tự nói thầm trong đầu.
Thật là khó nghĩ ! Làm sao ăn nói với Thanh Mai về chuyện Mai Nương mà thân phận Hải Yến vẫn được giấu kín? Thật tình mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ngày hôm nay.
Mai Nương anh có nên nói sự thật cho Thanh Mai biết không? Nếu không nói lòng anh cảm thấy không yên, mà nói thì.. thật tội nghiệp cho đứa con gái, một khi câu chuyện đổ bể Hải Yến có còn vui tươi như bây giờ không? Anh thật sự sợ mất đứa con gái này. Chú An thở dài đưa mắt nhìn đứa con gái cưng đang nói chuyện líu lo với Hoàng.
Chú An bấm cửa kính xe xuống, một làng gió mát thổi vào mang theo mùi vị đồng quê, đưa mắt nhìn về đồng cỏ dưới ánh trăng lưỡi liềm, cảnh vật mờ ảo của đồng cỏ về đêm làm cho ta tìm được sự bình yên và lắng dịu của tâm hồn. Xa xa một vài đốm sáng của những căn nhà nằm sâu phía trong như báo hiệu sự sống thanh nhàn của cảnh đồng quê êm đềm.
-Ba, đến nhà rồi, con phải vào phone cho dì Thanh Mai mới được.
Nói xong Hải Yến chạy một mạch vào đến cửa mới nhớ là Hoàng giữ chìa khóa nên gọi Hoàng lớn tiếng:
-Mau lên anh Hoàng, em có hứa với dì là về đến nhà sẽ gọi cho dì ngay, mà tiếc thật bữa nay đi lại quên điện thoại cầm tay ở nhà.
Hải Yến làm cho Hoàng luống cuống cả tay chân, chú An thấy vậy liền la Hải Yến :
-Cái con này làm gì mà quýnh lên vậy, từ từ để thằng Hoàng mở cửa.
-Không phải đâu ba. Xưa nay con đâu có người thân nào ngoài ba đâu, nay có dì thương con thì con phải gọi để cho dì đỡ buồn chứ hì.. hì..
Chú An chỉ biết cười trừ. Vỗ vai Hoàng ông nói :
-Con đi tắm cho khỏe, có muốn uống nước trà thì tắm xong ra đây với chú. Còn con nhỏ nầy gọi điện thoại thì đi mau đi cả khuya lắm rồi.
Dòng nước tràn lên người cuốn phăng đi những mệt mỏi làm cho đầu óc Hoàng minh mẫn hơn. Sau khi sấy tóc Hoàng cầm sợi dây truyền hình trái tim mân mê chữ A trên tay và nói thầm, đây là tất cả những gì còn lại của thân thế mình. Cha ! Cha bây giờ ở đâu?.. Không biết cha có biết rằng có con tồn tại trên đời này không?.. Hoàng thở dài rồi đeo sợi dây chuyền vào cổ trong đầu vẫn mang hình bóng người cha chưa biết mặt.
Tất cả những chi tiết mà mẹ Hoàng kể lại trước khi chết thật ít ỏi, lại thêm lúc đó bà đã sức tàn lực kiệt nên Hoàng chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Hoàng chỉ biết cha là phi công và bị lạc với mẹ khi Hoàng được khoảng sáu tháng. Lúc đó vào những ngày cuối tháng tư năm bảy lăm sau khi bà ở trên tàu đang thẳng tiến ra khơi, vì đứng sát lan can và người trên tàu quá đông nên bà đã ngã xuống biển trên người còn cột chặt lấy Hoàng. Sau khi tỉnh lại thì bị mất trí may nhờ ông bà Tư thấy tội nghiệp nên cho ở trong một cái chái bỏ hoang cho đến ngày Hoàng khôn lớn.
Bước ra khỏi phòng tắm nhìn thấy chú An đang lục đục trong bếp Hoàng liền nói:
-Chú đang nấu nước hả? Ðể con làm cho.
-Không, chú đang coi nồi chè hạt sen của con Hải Yến, nước trà chú để ở phòng khách, ra uống trà con. Chốc nữa con nhỏ ra là mình có chè ăn rồi.
Vừa nói chú An vừa kéo tay Hoàng bước ra phòng khách. Trên bàn là một bộ bình trà mà Hoàng chưa thấy lần nào trông thật lạ mắt, Hoàng cầm chiếc bình lên ngắm nghía và hỏi:
-Bộ bình trà này trông thật lạ mắt nhưng nhỏ vậy làm sao mà uống?
-Cái này là trà tàu có cách uống riêng, không phải như bình trà lớn mình uống hằng ngày. Chiếc bình con đang cầm gọi là bình Tống còn những cái chung nhỏ xíu này gọi là chén Phan, cái bình có miệng to thì gọi là bình chuyên dùng để rửa trà.
Vừa nói ông vừa châm nước rửa trà một cách nhanh nhẹn. Sau đó rót trà ra những chiếc chung nhỏ, dòng nước màu xanh biết và mùi thơm bốc lên ngạt ngào làm Hoàng có cảm giác êm dịu và thoải mái.
Hải Yến từ phòng tắm bước ra đưa tay hất ngược mái tóc tạo nên sự khêu gợi, thêm vào chiếc áo ngủ tuy kín đáo nhưng mềm mại đã làm nổi bật những đường cong tuyệt mỹ của người con gái lúc xuân thì, Hoàng dao động cả tâm hồn. Ước gì?.. Ước gì?..
-Hoàng ! đang suy nghĩ gì vậy? Vô giúp Hải Yến đem chè ra dây con.
-Dạ .. Không có gì.
Hoàng đứng dậy đi mau vào bếp để giấu đi sắc mặt bối rối với những ý nghĩ không được đứng đắn của mình.
Ðứng bên cạnh Hải Yến Hoàng len lén nắm lấy tay nàng, mắt nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của Hải Yến như muốn nói em đẹp lắm.
Hải Yến đưa mắt nhìn xuống tay Hoàng rồi nhìn về phía chú An với ngụ ý có ba đó kìa. Hải Yến nói to để che lấp đi sự mắc cỡ:
-Mau bưng mấy chén chè, coi chừng nóng à nghe.
Hoàng bưng mấy chén chè đi ngang với Hải Yến. Thấy Hải Yến cứ cười mỉm chi hoài, Hoàng cũng không biết cô tiểu thư xinh đẹp đang nghĩ gì?
Ăn chè xong chú An ngồi uống nước trà trò chuyện với Hoàng đến quá nửa đêm mới đi ngủ.
Hoàng giật mình thức giấc khi tiếng chuông điện thoại reo vang:
-Allo..
Giọng nói vui vẻ quen thuộc của ông Phillip vang lên trong điện thoại:
-Con trai dậy chưa? Mau lên ra phi trường làm việc, ông Tony đã đem phân tới rồi.
Hoàng vội vàng ngồi dậy phóng vào buồng tắm làm vệ sinh thật mau, vừa bước ra nhìn thấy chú An Hoàng liền nói:
-Con phải đi làm chú có muốn đi với con hôm nay không?
-Ði chứ sao không, đi máy bay vui thấy mồ. Anh Hoàng hư lắm hỏi ba em mà không hỏi em, bộ coi con nhỏ này là người tàng hình sao?
-Ðâu có đâu, tại anh không thấy Hải Yến chứ bộ, nếu được Hải Yến đi chung thì còn gì bằng.
Chú An nhìn Hải Yến lắc đầu và cười nói:
-Con hơi đâu mà đính chính với con nhỏ này, tính nó ưa chọc phá người ta lắm.
-Hoàng à! Con với Hải Yến đi, hôm nay chú hơi mệt thôi để khi khác.
Hoàng sánh vai cùng Hải Yến ra xe vừa đi vừa cười nói vui vẻ, chú An nhìn theo hai đứa trẻ mà lòng cũng cảm thấy vui theo.