Hồi 100
Tác giả: Thi Nại Am
Đang nói chuyện Hỗn giang long Lý Tuấn lợi dụng cơn lũ sau đợt mưa to cùng bọn anh em họ Trương, họ Nguyễn đốc suất thuỷ quân tháo nước ở ngoài Trí bá và sông Tấn Thuỷ cho chảy vào nhận chìm thành Thái Nguyên . Trong khoảnh khắc, thác nước hung dữ cuộn dâng . Quân dân trong thành xôn xao nháo nhác, ai nấy vội tìm nơi cao trèo lên tránh nước . Người già yếu ốm đau chỉ kịp đứng lên bàn lên ghế . Trong nháy mắt bàn ghế cũng trôi nổi bập bềnh, nhà cửa nghiêng lật, ngập chìm trong dòng nước lũ . Từ ngoài thành, bọn Lý Tuấn, anh em họ Trương, họ Nguyễn nhân thế nước xiết, lướt thuyền áp sát mặt thành . Quân sĩ bám nhau trèo lên, vung mã tấu chém giết quân giữ thành . Lý Tuấn lại cho thuỷ quân lái bè lao thẳng vào thành, tường thành bị xung động mạnh, sụp lở ào ào .
Lúc ấy Trương Hùng đang hoảng hốt đứng trên chòi canh thì Trương Hoành, Trương Thuận bất ngờ ập đến, vung phác đao lia rụng hơn mười đầu . Quân Điền Hổ tán loạn chạy trốn . Trương Hùng không kịp tránh, bị Trương Thuận sả một đao ngã nhào . Trương Thụân đuổi theo đưa thêm một nhát đầu lìa khỏi xác . Khi nước rút mới biết quân dân trong thành bị chết đuối, bị giết nhiều vô số . Nhà cửa, đồ đạc, xác chết trôi lềnh bềnh tắc cả cửa thành phía nam . Trong thành chỉ còn cung Tị thử (cung tránh nắng) xây dựng từ đời vua Thần Vũ thời Bắc Tề vì có nền cao nên không bị ngập . Quân dân tranh nhau trèo lên tránh lũ, giẫm đạp lên nhau mà chết cũng đến hơn hai nghìn người . Số trèo lên gò cao mặt thành sống sót chỉ còn hơn nghìn người . Dân chúng ngoài thành trước đó đã được Lư Tuấn Nghĩa mật báo; khi nghe tiếng thanh la mọi người đều trèo lên chỗ cao tránh nước . Ở ngoài thành bốn phía thoáng rộng, nước rút nhanh, nên dân chúng không đến nỗi thiệt hại nhiều . Bấy giờ Hỗn giang long Lý Tuấn đốc suất thủy quân chiếm cửa tây thành . Thuyền hoả nhi Trương Hoành cùng Lãng lý bạch điều Trương Thụân chiếm cửa bắc, Lập địa thái tuế Nguyễn Tiểu Nhị, Đoàn mệnh nhị lang Nguyễn Tiểu Ngũ chiếm cửa đông; Họat diêm la Nguyễn Tiểu Thất chiếm giữ cửa nam . Trên cả bốn cửa thành đều treo cờ quân Tống . Khoảng chập tối nước rút, bọn Lý Tuấn mở toang cửa thành, cho người mời Lư tiên phong đưa quân mã tiến vào . Trong thành hoàn toàn yên ắng, không một tiếng chó sủa gà kêu, xác chết chất cao như núi . Dù bọn Trương Hùng có phạm tội đến đâu thì thủ đọan của bọn Lý Tuấn cũng phải kể là độc ác tàn bạo . Hơn một nghìn dân sống sót trong thành quỳ sụp trong bùn lầy thảm thiết van xin . Lư Tuấn Nghĩa sai tra xét thì số sống sót chỉ có hơn một chục tên quân sĩ, còn lại đều là dân thường . Hạng Trung, Từ Nhạc trèo lên cây cao sau suý phủ khi nước rút tụt xuống liền bị quân Tống trói bắt giải đến trình Lư tiên phong . Lư Tuấn Nghĩa sai chém đầu thị chúng, sai lấy tiền bạc trong kho chẩn cấp cho nạn dân . Một mặt sai người báo tin cho Tống tiên phong biết tin thắng trận . Lư Tuấn Nghĩa cho quân sĩ chôn cất tử thi, sửa đắp thành trì, nhà cửa, gọi dân chúng trở về làm ăn sinh sống .
Lại nói chuyện thành phủ Thái Nguyên từ khi chưa bị phá: Điền Hổ thống lĩnh mười vạn đại quân kéo đến đóng giữ phía nam núi Đồng Đề giữa lúc mưa to gió lớn . Thám mã về báo tin Ô Lê quốc cữu ốm chết, quận chúa và quận mã đưa quân về huyện Tương Viên lo liệu tang lễ . Điền Hổ nghe tin cả kinh, vội sai người đến Tương Viên truyền lệnh cho quận chúa Quỳnh Anh ở lại giữ thành, còn quận mã Toàn Vũ phải về ngay triều đình chờ sai phái . Nhân đó Điền Hổ truy hỏi vì sao những người trước đây chờ sai đi công việc ở huyện Tương Viên đều không thấy về tâu báo .
Ngày hôm sau mưa tạnh, vào lúc tảng sáng quân lưu tinh thám mã trở về báo tin Tống Giang đã sai Tôn An, Mã Linh đem quân đến đánh . Điền Hổ nghe tâu nổi giận mắng:
- Bọn Tôn An, Mã Linh được ta phong cho quan cao lộc hậu, thế mà nay trở mặt làm phản! ta sĩ đích thân hỏi tội bọn chúng . Các khanh hãy gắng sức, ai bắt sống được hai tên phản nghịch ấy sẽ được trọng thưởng ngàn vàng .
Nói đoạn Điền Hổ đích thân đốc suất quân lính dàn trận đối địch . Quân Điền Hổ nhìn cờ hiệu mới hay đó là quân của hai tướng Bệnh uý trì Tôn Lập và Thiết địch tiên Mã Lân . Bên trận quân bắc, gươm giáo tua tủa, kiếm kích dàn hàng; cờ nheo xếp thành đội . Đại vương Điền Hổ cưỡi ngựa trắng yên vàng, che lọng vàng thêu hình chín khúc rồng cuộn . Bên trận quân Tống, Tống Giang cùng quân sư Ngô Dụng và các tướng Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Vương Anh, Hỗ Tam Nương, Tôn Lập, Chu Đồng, Yến Thuận dẫn quân mã tiến đến .
Điền Hổ đang tìm cách đối phó với Tống Giang thì quân thám mã đến báo:"bọn Quan Thắng liên tiếp tiến đánh hai huyện Du Xã, Đại Cốc . Hai huyện Bình Giao và Giới Hữu ở phía tây cũng bị quân của Lư Tuấn Nghĩa đánh phá; thành huyện Thái Nguyên bị tháo nước nhận chìm . Hữu thừa tướng Bịên Tường đóng quân ở núi Miên Sơn chống cự với bọn Hoa Vinh, bị quân Lư Tuấn Nghĩa từ Thái Nguyên ập đến đánh vào phía sau . Lư Tuấn Nghĩa cùng bọn Quan Thắng hội quân bao vây thành huyện Tẩm Nguyên". Điền Hổ nghe xong hoảng hốt, vội truyền lệnh thu quân về giữ thành Uy Thắng . Lý Thiên Tích ở lại giữ trận để cho bọn Tiết Thời, Lâm Kích, Hồ Anh, Đường Xương hộ vệ Điền Hổ rút trước . Bỗng nghe súng nổ vang ở phía bắc núi Đồng Đề, rồi quân bộ do các đầu lĩnh Lỗ Trí Thâm, Lưu Đường, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn chỉ huy chia hai đường đánh xáp tới . Điền Hổ vội cho quân ngự lâm lên ứng chiến, bất ngờ bị Mã Linh và Tôn An dẫn quân kỵ mã từ phía đông đánh tạt sang . Mã Linh đạp bánh xe gió lửa, cầm quả cầu sắt ném mạnh về phía quân bắc . Tôn An múa song kiếm dẫn quân đánh tràn sang trận giặc, cắt quân Điền Hổ làm hai mảng . Tống Giang theo kế của Ngô Dụng chia quân tiến đánh từ ba phía . Quân Điền Hổ đông mười vạn mà không đối phó nổi, bị quân Tống đánh tan tác như sao rụng mây tan . Bọn thượng thư Lý Thiên Tích hộ vệ Điền Hổ chạy về phía đông chưa được bao xa lại gặp quân bộ của Lý Quỳ chận đánh . Bọn Lý Thiên Tích, Trịnh Chi Thuỵ, Tiết Thời, Lâm Tích dẫn tàn quân chạy giạt về phía tây . Thủ hạ của Điền Hổ tuy có sức vóc võ nghệ nhưng chưa từng đối địch với quan quân nhà Tống trận nào ác liệt thì trận này làm sao địch nổi ? Tuỳ tòng của Điền Hổ chỉ còn bọn đô đốc Hồ Anh, Đường Xương, tổng quản Diệp Thanh, mấy viên kim ngô hiệu uý và khoảng năm nghìn người ngựa . Đang lúc nguy cấp lại thấy một đoàn quân mã từ phía đông đang bon đến . Điền Hổ ngước mắt than lớn:
- Trời hại ta!
Dẫn đầu đội quân ấy là viên tướng trẻ khôi ngô tuấn tú, chít khăn lục xanh mặc chiến bào xanh, tay cầm ngọn thương lê hoa, cưỡi chiến mã trắng cao lớn, trên cờ hiệu đề rõ "Trung hứng bình Nam tiên phong quận mã Toàn Vũ" . Diệp Thanh thấy có hiệu liền báo ngay cho Điền Hổ biết . Điền Hổ truyền lệnh cho quận mã đi theo hộ tống . Quận mã Toàn Vũ đến gần, xuống ngựa quỳ tâu:
- Vì mặc giáp trụ trên người không tiện quỳ lạy, thần đáng muôn lần tội chết .
Điền Hổ nói:
- Trẫm xá tội cho khanh!
Toàn Vũ lại tâu:
- Tình thế nguy cấp, xin đại vương rời ngự giá đến thành Tương Viên tránh mũi nhọn của quân địch . Xin cho thần cùng quận chú Quỳnh Anh đánh lui quân Tống rồi sẽ đón đại vương về đại nội ở châu Uy Thắng đề bàn định kế sách khôi phục cơ nghiệp của vương triều .
Điền Hổ cả mừng, truyền lệnh cho quân sĩ đi về phía huyện Tương Viên . Phò mã Toàn Vũ đi sau cùng để giữ mặt hậu . Người ngựa của Điền Hổ vừa đến dưới thành Tương Viên thì từ phía sau một đội quân mã đuổi theo rất gấp, tiếng hò reo vang trời . Tướng giữ thành Tương Viên thấy vậy vội cho mở cổng, thả cầu treo, Hồ Anh liền dẫn quân vào trước . Quân sĩ nghe tiếng hò reo đuổi theo thì xô nhau chạy qua cầu treo vào thành . Hồ Anh vừa qua khỏi cổng, bỗng nghe một tiếng mõ kêu vang, quân mai phục hai bên nhất loạt nổi dậy dồn Hồ Anh và hơn ba nghìn quân sĩ xuống hố ngầm . Quân giữ thành đứng bên trên cầm giáo dài tới tấp đâm xuống . Thương thay, ba nghìn quân của Hồ Anh không một người sống sót . Có tiếng quát lớn:
- Điền Hổ muốn sống thì quy hàng!
Điền Hổ thấy quân dân thành Tương Viên làm phản, biết mắc mưu của quân Tông, vội quay ngựa chạy về phía bắc, Trương Thanh, Diệp Thanh liền vỗ ngựa đuổi theo . Điền Hổ cưỡi túân mã chạy nhanh như gío . Trương Thanh, Diệp Thanh dẫn quân đuổi không kịp, bị tụt lại ngoài một tầm tên . Bỗng Điền Hổ thấy phía trước nổi lên một cơn gió lốc, trong hơi gió một nữ tướng hiện ra, cất tiếng nói lớn:
- Gian gặc Điền Hổ, ngươi phải đền tội ác ngươi đã gây ra với nhà họ Cừu chúng ta! ngươi còn định trốn đâu ?
Đúng lúc ấy, một luồng gío lạnh tạt đến, bỗng viên nữ tướng cũng biến mất . Điền Hổ ngồi xuống, bỗng con ngựa kinh sợ, chồm chân hí vang, Điền Hổ mất đà ngã nhào . Trương Thanh, Diệp Thanh đuổi kịp, liền nhảy xuống ngựa cùng quân sĩ ùa tới bắt . Đuờng Xương dẫn quân xông đéen giải vây cho Điền Hổ . Trương Thanh trông thấy vội lên ngựa phóng tới ném đá trúng mặt Đường Xương, hất Xương lăn nhào xuống ngựa, Trương Thanh nói lớn:
- chẳng phải Toàn Vũ nào cả, ta chính là Một vũ tiễn Trương Thanh!
Bấy giờ bọn Lý Quỳ, Võ Tòng dẫn năm trăm quân bộ từ trong thành đánh ra . Hai người hét vang, xông vào chém giết . Hai nghìn quân của Điền Hổ bị đánh tan tác . Trương Thanh đâm chết Đường Xương, trói Điền Hổ, rồi dẫn quân mã tiến vào thành, sai đóng chặt cổng chờ tin của Tống tiên phong . Lỗ Trí Thâm cũng vừa đuổi đến, thấy Điền Hổ đã bị bắt, bèn quay lại phía tây đuổi đánh bọn tàn quân đến tận chân núi Đồng Đề .
Ba cánh quân người ngựa của Tống Giang giáp chiến với quân Điền Hổ suốt một ngày, giết tại trận hơi hai vạn tên . Quân Điền Hổ mất chủ, chạy trốn khắp nơi . Phạm Mỹ nhân và thê thiếp của Điền Hổ đều bị lọan quân giết hại . Bọn Lý Thiên Tích, Trịnh Chi Thụy, Tiết Thời, Lâm Tích dẫn hơn ba vạn quân lên đống trên núi Đồng Đề, bị quân Tống Giang vây chặt bốn phía . Nghe Lỗ Trí Thâm đến báo tin Điền Hổ đã bị Trương Thanh bắt sống, Tống Giang sai thám mã ngày đêm ruổi gấp về Tương Viên truyền lệnh cho Võ Tòng canh phòng Điền Hổ cẩn mật để cho Trương Thanh cấp tốc đem quân đến Uy Thắng hỗ trợ Quỳnh Anh .
Nguyên là Quỳnh Anh theo đúng mật kế của quân sư Ngô Dụng, đã cùng bọn Giải Trân, Giải Bảo, Nhạc Hoà, Đoàn Cảnh Trụ, Vương Đình Lục, Úc bảo Tứ, Sái Phúc, Sái Khánh đem năm nghìn quân mã trương cờ hiệu của quân Điền Hổ đến mai phục ở chân núi Thạch Bàn ngoài thành huyện Vũ Hương . Nghe tin Điền Hổ đã đem quân đi đánh, Qùynh Anh liền dẫn quân ngày đêm tiến gấp đến thành Uy Thắng . Chiều muộn ngày hôm ấy, khi bóng tối lan dần, ráng chiều đã khuất, trăng non buông lưỡi liềm, Quỳnh Anh đến trước cổng, cất tiếng gọi to:
- Ta là công chúa Quỳnh Anh, vâng mệnh đem quân hộ vệ đại vương . Quân canh mau mở cổng!
Quân giữ thành vội phi báo về phủ của trấn thủ . Điền Báo, Điền Bưu nghe tin vội lên ngựa đến cửa nam trèo lên lầu thành quan sát, quả thấy đại vương Điền Hổ cưỡi ngựa bạch yên thêu đứng dưới lọng vàng . Trước ngựa là một nữ tướng, có cờ hiệu thêu chữ lớn "Quỳnh Anh quận chúa", phía sau là bọn các quan thượng thư, đô đốc . Qùynh Anh lại lên tiếng nói to:
- Hồ đô đốc bị thua, ta hộ vệ đại vương đến đây, các ngươi mau báo quan trấn thủ mở cửa thành tiếp giá!
Bọn Điền Báo nhận ra đại vương Điền Hổ, vội truyền lệnh mở cổng ra ngoài thành nghênh tiếp . Điền Báo, Điền Bưu vừa đến gần, bị đại vương ngồi trên ngựa bất ngờ quát lớn:
- Võ sĩ đâu, bắt ngay hai tên giặc này!
Quân sĩ nghe lệnh ập đến bắt trói . Điền Báo, Điền Bưu kêu to:
- Chúng tôi vô tội!
Bọn chúng không kịp giãy gụa đã bị quân của Qùynh Anh trói chặt . Người đóng giả Điền Hổ chính là Tôn An có khuôn mặt hơi giống Điền Hổ, các viên thượng thư, đô đốc thì do bọn Giải Trân, Giải Bảo đóng giả, cả mấy người lúc ấy mới rút khí giới ra . Bọn vương Đình Lục, Úc Bảo Tứ, Sái Phúc, Sái Khánh đem theo năm trăm quân áp giải bọn Điền Báo, Điền Bưu đi gấp về thành Tương Viên . Đứng trên mặt thành thấy Điền Báo, Điền Bưu bị bắt, biết là mắc mưu của quân Tống, các tướng của Điền Hổ vội đem quân ra ngoài thành đánh cứu . Quỳnh Anh nóng lòng muốn bắt giết Điền Định, chẳng quản nguy hiểm, cùng bọn Giải Trân, Giải Bảo dẫn quân ập vào thành . Quân giữ thành ra sức chống cự, bị Quỳnh Anh ném đá sát thương sáu bảy tên . Giải Trân, Giải Bảo tiến sát theo sau trợ chiến . Ngoài thành, bọn Nhạc Hoà, Đoàn Cảnh Trụ lệnh cho quân sĩ bỏ quần áo cải trang, bấy giờ ai nấy đều mặc quần áo có dấu hiệu của quân Tống . Quân sĩ được lệnh ồ ạt xông vào chiếm thành cửa nam . Nhạc Hoà, Đoàn Cảnh Trụ múa phác đao dẫn quân lên mặt thành, giết quân canh, dựng cờ hiệu Đại Tống . Dân chúng trong thành Uy Thắng xôn xao nháo nhác . Vương thân quốc thích và bọn ngụy quan văn võ còn lại trong thành hợp quân đánh lại . Quân Quỳnh Anh chỉ có hơn tám nghìn quân đến tiếp ứng . Thấy Quỳnh Anh cùng bọn Giải Trân, Giải Bảo đang hỗn chiến với quân Điền Hổ, Trương Thanh vội vung tay ném đá giết ngay bốn tướng giặc . Quân Điền Hổ tan rã phải lui về . Trương Thanh nói với Quỳnh Anh:
- Bên ta ít quân, không tiến qúa sâu vào đất địch .
Qùynh Anh đáp:
- Thiếp có mối thù cha, dẫu tan thân không tiếc!
Nghe Trương Thanh nói Điền Hổ đã bị bắt giải về thành Tương Viên, Quỳnh Anh vui mừng khôn xiết . Trương Thanh, Quỳnh Anh thấy giặc đông, quân bên mình ít, định cho lui quân ra ngoài thành . Vừa hay lòng trời ghen ghét quân nghịch tặc, Lư tiên phong lấy xong thành Tẩm Nguyên, trên đường về thấy cờ hiệu của quân mình bay trên thành Uy Thắng, bèn vào thành hội quân với Trương Thanh để tiến đánh tàn quân của Điền Hổ, bọn Tần Minh, Dương Chí, Đỗ Thiên, Tống Vạn đem quân chiếm cửa đông . Âu Bằng, Đặng Phi, Lôi Hoành, Dương Lâm chiếm cửa tây . Hoàng Tín, Trần Đạt, Dương Xuân, Chu Thông dẫn quân chiếm cửa bắc . Dương Hùng, Thạch Tú, Tiêu Dĩnh, Mục Xuân, Trịnh Thiên Tho, Trâu Uyên, Trâu Nhuận chỉ huy quân bộ chuyên đánh đao búa từ phía trước cung điện của Điền Hổ đánh vào . Bọn Cung Vương, Đinh Đắc Tôn, Lý Lập, Thạch Dũng, Đào Tông Vượng dẫn quân bộ từ phía cửa Hậu Tề đánh tới . Bọn phi tần, thê thiếp trong nội cung Điền Hổ bị quân Tống giết nhiều vô kể . Điền Định nghe tin có biến liền rút gươm tự sát . Trương Thanh, Quỳnh Anh, Thái viên tử Trương Thanh, Tôn Nhị Nương, Đường Bân, Văn Trọng Dung, Thôi Dã, Cảnh Cung, Tào Chính, Tiết Vĩnh, Lý Trung, Chu Phú, Thời Thiên, Bạch Thắng chia quân đi lùng bắt bọn vương thân quốc thích cùng tướng tá của Điền Hổ đang trốn tránh . Đúng là:
Kim gia điện hạ nhân đầu cốn
Ngọc thiết triều môn nhiệt huyết phôn .
Mạc đạo bất phân ngọc dữ thạch,
Vi khánh vi ương tâm tự môn .
Thềm vàng điện tía đầu người rụng,
Cửa ngọc sân rồng máu nóng tuôn .
Chớ bảo chẳng phân đâu vàng đá,
Họa phúc tuỳ tâm định mất còn .
Bấy giờ quân Tống vào đóng trong thành Uy Thắng, tử thi quân giặc ngổn ngang đầy chợ, máu chảy đỏ khe . Lư Tuấn Nghĩa truyền lệnh cho quân sĩ không được giết hại dân chúng, một mặt sai người báo cho Tống tiên phong biết tin thắng trận .
Tảng sáng hôm quân Tống dẹp yên các đám tàn quân, binh tướng của Điền Hổ ra hàng nhiều không đếm xủê . Lư tiên phong cho điểm diện các tướng chỉ thiếu hai người: Thần cơ quân sư Chu Vũ ở lại trấn thủ huyện Tẩm Nguyên, hàng tướng Cảnh Cung ngã ngựa bị loạn quân xéo chết . Các tướng khác đều bình yên vô sự, đến báo công tại quân doanh của Lư tiên phong . Khi Tiêu Đĩnh chở xác Điền Định đến, Quỳnh Anh không nén nổi giận, nghiến răng tuốt đoản đao chặt lìa thủ cấp .
Bấy giờ, vợ Ô Lê quốc cữu là Nghê thị đã chết, Quỳnh Anh vội đi tìm vợ Diệp Thanh là An thị . Rồi Qùynh Anh xin phép Lư tiên phong cùng với Trương Thanh đến huyện Tương Viên áp giải Điền Hổ đến quân doanh của Tống tiên phong, Lư Tuấn Nghĩa ngồi trong trướng đang xử lý việc quân, bỗng có quân thám mã vào báo tin: tướng của Điền Hổ là Phòng Học Độ hiện đang vây bức Sách Siêu và Thang Long ở huyện Du Xã . Lư tiên phong bèn sai Quan Thắng, Tần Minh, Lôi Hoành, Trần Đạt, Dương Xuân, Dương Lâm, Chu Thông đem quân đi giải vây . Ngày hôm sau, Tống Giang đánh tan quân của bọn Lý Thiên Tích ở núi Đồng Đề . Trong thư báo tin với Trần an phủ, Tống Giang nói "sào huyệt giặc bị phá, đại quân đã bắt sống được Điền Hổ, kính mời an phủ đến thành Uy Thắng xét định công việc". Tống Giang dẫn đại quân đến Uy Thắng, Lư Tuấn Nghĩa và các tướng ra ngoài thành nghênh tiếp, đưa Tống tiên phong vào thành . Tống tiên phong cho treo bảng vỗ yên trăm họ, Lư Tuấn Nghĩa cho áp giải Biện Tường đến trước trướng . Tống Giang thấy Biện Tường dáng mạo khôi ngôi tuấn tú bèn tự tay cởi trói, lấy ân tình khuyên bảo tà theo chính . Biện Tường thấy Tống Giang là người đức độ, nghĩa khí, trong lòng cảm kích, bèn xin quy hàng .
Ngày hôm sau Trương Thanh, Quỳnh Anh và Diệp Thanh áp giải xe tù chở Điền Hổ, Điền Báo, Điền Bưu đến . Quỳnh Anh cùng Trương Thanh đến vái chào Tống tiên phong . Quỳnh Anh cũng đến chào bọn Vương Anh, tỏ lời tạ lỗi về việc mạo phạm khi trước . Tống Giang truyền lệnh tống giam bọn Điền Hổ vào nhà ngục, chờ ngày áp giải về Đông Kinh làm lễ hiến tù . Rồi đó Tống Giang sai dọn tiệc rượu chúc mừng nhân duyên của Trương Thanh và Quỳnh Anh . Ngày hôm ấy tướng trấn thủ thành huyện Vũ Huơng là Phương Thuận đem sổ sách ghi hộ khẩu quân dân và bản kê khai tiền thóc trong kho công bản huyện đến nộp Tống tiên phong . Tống Giang khen thưởng, úy lạo, rồi cho Phương Thuận vẫn được làm trấn thủ như trước .
Mấy hôm sau, thám mã về báo tin Quan Thắng đem quân về huyện Du Xã phối hợp với Sách Siêu, Thang Long, trong đánh ra ngoài đánh vào, giết tướng giặc là Phòng Học Độ, quân Bắc bị giết đến hơn năm nghìn tên . Số còn lại đều ra hàng . Tống Giang cả mừng nói:
- Việc đánh dẹp thành đạt như thế là công lao chung của các anh em .
Rồi đó Tống Giang cho lập sổ ghi chép công của từng người . Trương Thanh, Quỳnh Anh được ghi công đầu vì bắt sống được đầu sỏ giặc . Mấy ngày sau quân mã của Quan Thắng và của Trần an phủ tới nơi . Tống Giang dẫn các tướng ra ngoài thành đón tiếp, mời Trần an phủ vào thành . Nghi lễ chào hỏi đã xog, Trần an phủ khen rằng:
- Anh em các tướng quân chỉ trong vòng năm tháng mà lập được công lao muôn đời . Nghe tin bắt được đầu sỏ giặc, hạ quan đã viết biểu văn, sai quân lưu tinh ruổi ngựa về kinh sư báo tin thắng trận . Sớm muộn gì triều đinh ắt sẽ phong quan ban tước, trọng thưởng cho các tướng quân .
Tống Giang lạy tạ Trần an phủ, rồi cáo từ về doanh trại nghỉ ngơi . Ngày hôm sau Qùynh Anh đến trình với Tống tiên phong, xin đến núi Thạch Thất ở châu Thái Nguyên tìm hài cốt thân mẫu để lo liệu an táng . Tống Giang cho phép Trương Thanh và Diệp Thanh cùng đi, việc không cần nói đến .
Sau khi trình với Trần an phủ, Tống Giang hạ lệnh thiêu hủy toàn bộ lâu đài, hiên son gác vàng cung điện của Điền Hổ ở thành Uy Thắng . Một mặt sai lấy tiền thóc trong kho chẩn cáp cho dân chúng bị nạn binh hoả . Trần an phủ viết văn thư gửi Túc thái uý, nhờ thái uý chuyển biểu văn tâu lên triều đình . Tống Giang giao thư cho Đái Tôn đi gấp về kinh .
Đái Tôn nhận thư và biểu văn lập tức lên đường, chẳng bao lâu đuổi kịp viên thừa biện do Trần an phủ sai đi từ trước .
Hai người cùng lúc về đến Đông Kinh, Đái Tôn đi ngay đến phủ Túc thái uý tìm Dương ngu hầu, nhờ chuyển văn thư lên Túc thái uý . Túc thái uý cả mừng, ngay buổi chầu sáng hôm sau đem biểu văn của Trần an phủ và Tống Giang tâu lên thiên tử . Tống Huy Tông mặt hồng rạng rỡ liền ban sắc cho Tống Giang được phép định liệu công việc, chờ khi đem quân về kinh sẽ phong quan ban tước . Đái Tôn nghe kể lại mọi việc, ngay ngày hôm ấy từ tạ Túc thái uý, lên đường rời Đông Kinh, quá trưa hôm sau đã về đến quân doanh ở thành Uy Thắng phúc đáp với Trần an phủ và Tống tiên phong .
Trần an phủ và Tống Giang hạ lệnh: trừ Điền Hổ, Điền Báo, Điền Bưu phải giam giữ để giải nộp về Đông Kinh, bọn đồ đảng trong nguỵ triều Điền Hổ đều đem ra chợ Uy Thắng chém bêu đầu thị chúng . Vùng đát chưa thu phục được chỉ còn huyện Bồ, huyện Giải thuộc châu Tấn Ninh . Bọn tham quan ô lại làm việc cho nguỵ triều nghe tin Điền Hổ bị bắt, một phần bỏ trốn, số còn lại ra đầu thú . Trần an phủ chấp thuận cho trở lại làm lương dân . Một mặt sai người đi các nơi yết bảng chiêu an, vỗ yên dân trăm họ . Những người bị ép buộc theo giặc, chỉ giữ thân phận tuỳ thuộc không giết hại dân chúng thì cho ra đầu hàng, tự thú để trở về quê quán, được cấp trả ruộng vườn sản nghiệp .
Thu phục các châu huyện đã xong, Trần an phủ điều quan quân đến trấn thủ để giữ coi yên dân, chuyện không cần nói đến .
Lại nói Tống Huy Tông đã xuống chiếu sai sứ giả mang đến Hà Bắc tuyên dụ bọn an phủ sứ Trần Quán . Ngày hôm sau thiên tử lên dự nghe giảng ở nhà Vũ Học . Các quan đã tề tựu đông đủ từ trước . Sái Kinh ngồi trên ghế cao bình giảng binh pháp, các quan kính cẩn khoanh tay lắng nghe . Duy có một viên quan chỉ ngửa mặt nhìn lên trần nhà, không một lần liếc mắt nhìn người thuyết giảng . Sái Kinh cả giận, sai người nhận mặt cho kịp để biết viên quan ấy là ai . Quả như người ta vẫn thường nói: "một người ngoảnh mặt đi, cả bàn chán nản". Chỉ vì Sái Kinh tra vấn họ tên viên quan ấy, khiến cho:
Địa sát, Thiên cang về Dực, Chẩn
Binh hùng tướng mạnh nhập Sinh Đô .
Chưa biết viên quan ấy là ai, xem hồi sau sẽ rõ .