watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hậu Thủy Hử-Hồi 120 - tác giả Thi Nại Am Thi Nại Am

Thi Nại Am

Hồi 120

Tác giả: Thi Nại Am

Đ ang nói chuyện Tống Giang hiển đạt về thăm quê rồi trở lại Đông Kinh gặp lại các anh em đầu lĩnh, đốc thúc mọi người sửa soạn hành trang lên đường đi nhậm chức.
Thần hành thái bảo Đái Tôn đến thăm Tống Giang, hai người ngồi bàn chuyện phiếm một lúc, Đái Tôn đứng dậy nói :
- Tiểu đệ đội ơn thiên tử được bổ đi giữ chức Đô thống chế huyện Duyên Châu, nay muốn đem tấm bằng quan trả lại, trở về miếu Ngũ Nhạc ở châu Thái An chăm lo việc đèn hương thờ cúng, mong được thảnh thơi, sống đến hết đời. Được như thế thật là may mắn lắm.
Tống Giang nói :
- Sao hiền đệ lại nẩy ra ý nghĩ ấy ?
Đái Tôn đáp :
- Đệ chiêm bao thấy Thôi phủ quân cho lính đến gọi, nên mới phát nguyện dốc lòng làm việc thiện.
Tống Giang nói :
- Hiền đệ đang lúc sống đây đã có tiếng là Thần hành thái bảo, ngày sau ắt sẽ làm vị thần thiêng được thờ trong Nhạc miếu.
Sau buổi từ biệt hôm ấy, Đái Tôn trả lại quan bằng, trở về châu Thái An làm thủ từ, ở luôn trong Nhạc miếu, ngày đêm chăm chỉ việc đèn hương thờ phụng Ngọc hoàng thượng đế, tấm lòng thành kính thảnh thơi. Mấy tháng sau, một hôm đang lúc vui vẻ, không ốm đau bệnh tật, Đái Tôn mời đạo hữu đến vĩnh biệt, rồi cười vang mà mất. Sau đó Đái Tôn thường hiển linh ở Nhạc miếu. Người trong châu đến làm lễ tế rồi đắp tượng đặt thờ trong miếu. Khung sườn của pho tượng ấy chính là di thể của Đái Tôn.
Nguyễn Tiểu Thất sau khi nhậm chức quan bằng của triều đình đã đến chào từ biệt Tống Giang rồi lên đường đi nhậm chức Đô thống chế ở quận Cái Thiên. Hai tên đại tướng Vương Lẫm, Triệu Đàm chưa quên mối thù dạo trước bị Tiểu Thất mắng cho bẽ mặt ở động Bang Nguyên, trước mặt khu mật Đồng Qúan bọn chúng nhiều lần bới tội, nói Tiểu Thất dám tự tiện mặc hoàng bào, đeo đai ngọc của Phương Lạp, tuy chỉ là chuyện đùa giỡn nhất thời, nhưng cũng chứng tỏ vẫn ôm ấp ỹ nghĩ bất lương. Nay được bổ đến trấn thủ ở quận Cái Thiên là miền hẻo lánh mọi rợ, thì trước sau gì cũng làm phản. Đồng Quán trình với Sái Kinh để tâu lên thiên tử. Vì thế chỉ mấy tháng sau có lệnh của triều đình đưa xuống truy đoạt quan bằng của Nguyễn Tiểu Thất, bắt trở về làm thứ dân. Tiểu Thất lấy làm mừng, đưa mẹ già trở về thôn Thạch Kê ở Lương Sơn Bạc, lại làm nghề đánh cá để sinh sống, phụng dưỡng mẹ già, rồi qua đời, hưởng thọ sáu mươi tuổi.
Lại nói Tiểu toàn phong Sài Tiến trở lại kinh đô, thấy Đái Tôn trả lại quan bằng tìm nơi nhàn lánh, lại nghe nói Nguyễn Tiểu Thất chỉ vì chuyện lúc trước dám đội mũ triều thiên, mặc áo rồng, đeo đai ngọc của Phương Lạp nên bị triều đình truy đoạt quan tước, đuổi về làm thứ dân. Sài Tiến thầm nghĩ : “Ta cũng đã từng sắm vai phò mã của Phương Lạp, sau này bọn gian thần biết chuyện đặt điều tâu thiên tử thì ta cũng sẽ mắc tội, bị truy đoạt quan bằng, há chẳng là nhục nhã ư ? Chi bằng phải liệu trước để khỏi mang nhục vào thân”. Nghĩ vậy, Sài Tiến bèn thác cớ bị chứng phong thấp, thường bất ngờ phát cơn đau, khó đảm đương công việc, xin được nộp lại quan bằng, trở về làm nghề nông. Sau đó Sài Tiến từ biệt liêu hữu, trở về an nhàn làm kẻ dân thường ở quận Hoành Hải, phủ Thương Châu, rồi bỗng một hôm không bệnh mà mất.
Lý Ứng được bổ chức Đô thống chế ở phủ Trung Sơn đến nhậm chức được nửa năm thì nghe tin Sài Tiến cáo quan về nhà. Lý Ứng nghĩ mình cũng chung một tâm sự, bèn noi theo Sài Tiến dâng sớ lên Trung Thư Sảnh thác cớ mắc bệnh phong thấp không đủ sức làm quan, xin nộp trả quan bằng trở về ở thôn Độc Long Cương. Về sau Lý Ứng cùng với Đỗ Hưng làm ăn trở nên giàu có, cả hai đều được sống lâu.
Quan Thắng giữ chức Tổng quản binh mã ở phủ Đại Danh thành Bắc Kinh, rất được lòng quân sĩ, ai nấy đều lấy làm khâm phục. Một hôm Quan Thắng đi thao luyện quân mã trở về, nhân lúc say rượu, sẩy chân ngã ngựa, lâm bệnh rồi mất.
Hồ Diên Chước giữ chức Chỉ huy sứ ở ngự doanh, hàng ngày thao luyện võ bị, hộ giá hầu vua, sau thống lĩnh đại quân đi đánh quân Kim, đuổi đánh thái tử thứ tư con vua Ngột Truật đến tận Hoài Tây thì tử trận. Chỉ có Chu Đồng giữ chức Quản quân ở phủ Bảo Định lập được chiến công, sau theo Lưu Quang Thế cả phá quân Kim, được thăng chức Tiết độ sứ ở quận Thái Bình.
Hoa Vinh đem vợ con và em gái đến nhiệm sở ở phủ Ứng Thiên. Ngô Dụng từ trước vẫn sống độc thân, chỉ đưa theo một đứa tiểu đồng đến nhậm chức ở quận Vũ Thắng. Lý Quỳ cũng chỉ một mình đưa theo hai người hầu đi nhậm chức ở Nhuận Châu. Tại sao chỉ nói ba người kia đến nhiệm sở, còn số phận kết thúc ra sao thì không nói đến? Đó là vì bẩy viên chánh tướng nói ở đoạn trênvề sau không gặp lại nữa, nên phải kể luôn chung cục của từng người. Còn năm chánh tướng Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Hoa Vinh, Ngô Dụng, Lý Quỳ thì về sau còn gặp lại. Cuộc đời kết thúc ra sao, xem tiếp đoạn sau sẽ rõ.
Nói tiếp chuyện Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa ở lại kinh đô phân phát đồ thưởng của triều đình cho anh em các tướng, đốc thúc mọi người đi nhậm chức. Còn những người đã chết vì vương sự thì gia quyến theo số người nhiều ít được cấp vàng bạc vải lụa, đưa về quê nhà, cho tuỳ ý làm ăn sinh sống.
Mười lăm phó tướng còn sống trở về kinh đô, không kể Tống Thanh là em ruột Tống Giang đã về quê làm ruộng. Đỗ Hưng cùng về quê với Lý Ứng, còn nữa thì Hoàng Tín lại trở về nhậm chức ở Thanh Châu, Tôn Lập cùng với vợ chồng em là Tôn Tân, Cố Đại Tẩu đưa gia đình về phủ Đăng Châu giữ chức việc cũ. Trần Nhuận không muốn làm quan, xin trở về núi Đăng Vân làm ăn sinh sống. Sái Khánh theo Quan Thắng về Bắc Kinh làm dân thường. Bùi Tuyên và Dương Lâm, sau khi bàn bạc với nhau, cả hai đều xin trở về vùng suối An Mã giữ chức quan nhỏ. Tưởng Kính nhớ quê, xin được trở về Đàm Châu làm dân thường. Chu Vũ đến truyền thụ đạo pháp cho Phàn Thuỵ, rồi cả hai người làm đạo sĩ đi vân du giang hồ, theo Công Tôn Thắng xuất gia tu hành đến trọn đời. Mục Xuân trở về làm lương dân ở quê nhà, tại trấn Yết Dương. Pháo thủ Lăng Chấn có biệt tài, được bổ chức ở Hoả dược cục thuộc Ngự Doanh. Năm phó tướng trước đã được giữ lại làm việc ở kinh sư thì : An Đạo Toàn được bổ chức Kim tử y quan ở Thái y viện, Hoàng Phủ Đoan làm đại sứ ở Ngự mã giám như cũ, Kim Đại Kiên vẫn làm chức việc cũ ở Ngự bảo giám thuộc Nội phủ, Tiêu Nhượng được bổ chức Môn quan tiên sinh ở phủ Sái thái sư, Nhạc Hoà trông coi việc ca nhạc ở phủ phò mã Vương đô uý, trọn đời thanh nhàn, chuyện không có gì phải nói l
Lại nói Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa sau khi chia tay mỗi người một ngả đi nhậm chức. Lư Tuấn Nghĩa gia quyến cũng chẳng còn ai, chỉ đem theo mấy tên quân tuỳ tòng lên đường đi Lư Châu. Tống Giang vào tạ ơn từ biệt triều đình, chào các quan ở sảnh viện, đem theo gia nhân đầy tớ mấy người đi nhậm chức ở Sở Châu. Từ đó hai người xa nhau, ai theo việc nấy, cũng không nói tới nữa.
Lại nói triều nhà Tống, nguyên từ khi vua Thái Tông nối ngôi vua Thái Tổ đã bị lời nguyền độc, khiến cho triều đình rối bét, gian nịnh hoành hành. Đến nay thiên tử Tống Huy Tông là bậc chí thánh chí minh, không ngờ cũng bị kẻ sàm nịnh chuyên quyền, bọn gian thần hoành hành, bực hại bậc trung thần lương tướng, thật đáng đau lòng. Chỉ vì bốn tên tặc thần Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn phá nước hại dân mà thiên hạ đại loạn. Bấy giờ thái uý Cao Cầu, Dương Tiễn ở phủ Điện suý thấy thiên tử ban thưởng trọng hậu cho anh em Tống Giang thì tỏ ý không bằng lòng. Chúng gặp nhau bàn cách đối phó.
Cao Cầu nói :
- Bọn Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa là kẻ thù của ta, thế mà nay ta lại phải coi chúng như bậc công thần được triều đình phong quan ban tước cho cai quản quân dân. Các quan sảnh viện bọn ta sao khỏi bị người ta chê cười ? Người xưa có câu : “Giận nhỏ không quân tử, không độc chẳng trượng phu!”.
Dương Tiễn nói :
- Hạ quan có một kế, trước hết đối phó với Lư Tuấn Nghĩa để chặt đứt một cánh tay của Tống Giang. Hắn ta là một kẻ anh hùng, nếu định hại hắn trước mà để cho hắn biết thì hỏng việc, gây ra nhiều chuyện bất lợi.
Cao Cầu nói :
- Xin túc hạ cứ cho nghe diệu kế.
Dương Tiễn nói :
- Tìm lấy vài tên quân ở Lư Châu, bảo bọn chúng đến sảnh viện tố cáo an phủ Lư Tuấn Nghĩa chiêu binh mãi mã, ngầm chứa lương thảo, có ý muốn làm phản. Sau đó đưa bọn chúng đến trình ở phủ thaí sư, nhưng không cho thái sư biết sự thật. Chờ thái sư tâu lên thiên tử xin thánh chỉ định đoạt, lúc đó sẽ sai người dụ hắn về kinh, rồi nhân khi thiên tử ban yến, ta sẽ ngầm trộn thuỷ ngân vào thức ăn khiến hắn phải truỵ thận, không làm được việc gì nữa. Thế là yên chuyện. Sau đó sai sứ giả đem ngự tửu đến ban cho Tống Giang, trong rượu bỏ thuốc độc chậm, chỉ trong vòng nửa tháng thì vô phương cứu chữa.
Cao Cầu nói :
- Thật là đại diệu kế ?
Có thơ rằng :

Tự cổ quyền gian hại thiện lương
Bất dung trung nghĩa lập gia bang
Hoàng thiên nhược khẳng minh chiêu báo
Nam tác bài ưu, nữ tác xương.

Dịch :

Giận lũ quyền gian đạo phá đạo thường
Bịt đường rấp lối hại trung lương
Trời xanh ví biết treo gương xấu
Con đĩ, thằng hề dám nhiễu nhương .


Hai tên tặc thần ấy bàn xong mưu kế liền sai kẻ tâm phúc đi tìm hai người dân quê ở Lư Châu cho ăn mặc giả làm quân sĩ, rồi viết hộ đơn, bảo bọn chúng đưa đến khu mật viện tố cáo Lư Tuấn Nghĩa hiện đang chiêu binh mãi mã, chứa lương thảo ở Lư Châu có ý muốn làm phản, lại nói Lư Tuấn Nghĩa đã sai người sang Sở Châu liên kết với an phủ sứ Tống Giang để cùng nhau dấy loạn. Quan khu mật viện Đồng Quán vốn cũng thâm thù với Tống Giang nên khi hai tên tố cáo đem đơn đến thì Đồng Qúan nhận đơn rồi trình ngay sang phủ thái sư. Sái Kinh nhận đơn rồi trình ngay sang phủ bàn định. Cao Cầu, Dương Tiễn tất nhiên cũng ở trong số đó. Thế là bốn tên gian thần cùng nhau bàn định mưu kế, rồi dẫn cả hai tên tố cáo vào nội phủ tâu lên thiên tử.
Huy Tông hoàng đế nói :
- Trẫm nghĩ bọn Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa trong tay có hơn mười vạn quân đi dẹp giặc bốn phương mà không sinh lòng phản trắc, nay đã bỏ tà theo chính, lẽ nào còn tính chuyện làm phản? Trẫm cũng chưa từng đối xử bội bạc với bọn họ, sao có chuyện họ dám phản lại triều đình? Bên trong hẳn có điều gì gian trá, chưa xét rõ thực hư, chưa thể tin ngay được.
Lúc ấy Cao Cầu, Dương Tiễn đứng bên cạnh tâu rằng :
- Đạo lý như bệ hạ phán dạy là chí phải, nhưng lòng người khó lường. Bọn thần nghĩ Lư Tuấn Nghĩa hẳn là chê quan thấp chức nhỏ cho nên lại sinh lòng phản trắc, không may bị phát giác.
Huy Tông hoàng đế nói :
- Cứ gọi kẻ tố cáo vào đây để trẫm đích thân thẩm vấn.
Sái Kinh, Đồng Quán lại tâu rằng :
- Lư Tuấn Nghĩa là con thú dữ, vẫn chưa đổi lòng. Nếu làm kinh động lọt chuyện ra ngoài thì rất bất lợi, sau khó lòng truy bắt. Chỉ có cách lừa hắn về kinh, bệ hạ sẽ lựa lời phủ dụ, ban yến và ngự tửu cho hắn để dò xét thực hư động tĩnh ra sao. Nếu quả không có chuyện gì thì không cần phải xét hỏi, mà cũng tỏ ra bệ hạ không phụ kẻ công thần.
Thiên tử chuẩn tâu, liền truyền chỉ sai sứ giả đến Lư Châu triệu Lư Tuấn Nghĩa về triều để sai phái công việc.
Sứ giả vâng lệnh đến Lư Châu, các quan văn võ lớn nhỏ ra ngoài thành nghênh đón, mời sứ giả vào phủ đường tuyên đọc chiếu thư.
Lư Tuấn Nghĩa nghe truyền thánh chỉ, vội thu xếp công việc rồi theo sứ giả rời Lư Châu về kinh. Chuyện trên đường đi không cần nói đến. Chẳng bao lâu Lư Tuấn Nghĩa về đến Đông Kinh, vào nghỉ ở ty Hoàng Thành.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm, Lư Tuấn Nghĩa đã đến ngoài cửa Đông Hoa chờ buổi chầu sáng. Bấy giờ thái sư Sái Kinh, khu mật viện Đồng Quán, hai thái uý Cao Cầu, Dương Tiễn cùng đến dẫn Lư Tuấn Nghĩa vào điện phụ triều kiến thiên tử. Lư Tuấn Nghĩa lạy chào xong, thiên tử nói :
- Qủa nhân có việc muốn gặp khanh.
Lại hỏi :
- Đất Lư Châu của khanh có được yên ổn không ?
Lư Tuấn Nghĩa lạy hai lạy tâu rằng :
- Nhờ phúc lớn như trời biển của thánh thượng, quân dân bản châu đều được yên ổn thái bình.
Thiên tử lại hỏi tiếp, toàn những chuyện không đâu, kéo dài đến tận trưa. Quan nhà bếp bước vào tâu :
- Ngự thiên đã dọn xong, xin bệ hạ cho thánh chỉ.
Lúc ấy Cao Cầu, Dương Tiễn đã ngầm bỏ thuỷ ngân vào thức ăn, sai bưng bầy trên ngự án. Thiên tử cho phép Lư Tuấn Nghĩa dùng cơm ngự. Lư Tuấn Nghĩa vái tạ rồi kính cẩn ngồi ăn.
Thiên tử ôn tồn phủ dụ :
- Khanh đi trấn nhậm Lư Châu, cốt nhất phải tận tâm, dưỡng yên quân sĩ, chớ sinh ý nghĩ rông càn.
Lư Tuấn Nghĩa rập đầu lạy tạ, rồi ra khỏi triều trở về Lư Châu, tuyệt nhiên không biết mình đã bị bốn tên gian thần bầy cách hãm hại. Cao Cầu, Dương Tiễn hể hả bảo nhau :
- Từ nay thế là yên chuyện.
Lại nói Lư Tuấn Nghĩa đêm ấy trên đường trở về Lư Châu, cảm thấy đau thắt ngang bụng, cử động khó khăn, nên không đi ngựa được, đành xuống thuyền đi đường sông. Đến sông Hoài ở đất Tứ Châu, âu cũng là lúc số trời sắp hết, tự nhiên sẩy chuyện chẳng lành : Đêm ấy sau lúc uống rượu, Lư Tuấn Nghĩa muốn đứng đầu mũi thuyền tiêu khiển, không ngờ thuỷ ngân đã chạy vào tuỷ, vào bụng dưới, Lư Tuấn Nghĩa run chân đứng không vững, lại vì chuếnh choáng hơi men nên sẩy chân rơi xuống sông Hoài ở chỗ nước sâu mà chết đuối. Thương thay Ngọc kỳ lân ở đất Hà Bắc, rốt cuộc phải ôm hận làm quỷ oan trên sông nước. Người hầu vớt được thây, lo liệu quan quách, khâm liệm mai táng Lư Tuấn Nghĩa trên một gò cao thuộc đất Tứ Châu. Quan bản châu gửi văn thư trình lên sảnh viện, việc không có gì phải nói nữa.
Lại nói bọn gian thần Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn thấy mưu kế đã thành, liền đem văn thư của quan Tứ Châu vào triều tâu lên thiên tử :
- Quan Tứ châu có biểu tâu việc Lư an phủ về đến Hoài Hà, vì uống rượu say ngã xuống sông chết đuối. Bọn hạ thần ở sảnh viện không dám không tâu lên. Nay Lư Tuấn Nghĩa đã chết, chỉ sợ Tống Giang có ý nghi ngờ, lại sinh chuyện khác. Xin bệ hạ soi xét, sai sứ đem ngự tửu đến Sở Châu ban cho Tống Giang để Tống Giang yên lòng.
Thiên tử im lặng hồi lâu, vì chưa biết bụng dạ bọn chúng thế nào nên chưa muốn chuẩn tâu, sợ xẩy ra chuyện xấu. Thiên tử chưa biết thế nào còn lưỡng lự thì bọn gian thần xảo trá lại lựa lời tâu gièm, làm cho thiên tử dần dần cũng phải nghe theo bọn chúng. Thiên tử bèn giáng chỉ ban hai bình ngự tửu, sai sứ đem đi Sở Châu, giao hẹn phải lên đường ngay hôm ấy. Kẻ được sai đi lại chính là thủ hạ tâm phúc của Cao Cầu, Dương Tiễn. Số phận đã định, Tống Công Minh lẽ ra được hưởng mệnh trời lâu nữa, không ngờ bị bọn gian thần bỏ thuốc độc vào ngự tửu rồi sai người mang đến Sở Châu để ban cho !
Lại nói Tống Công Minh được bổ về Sở Châu làm an phủ sứ kiêm tổng quản binh mã. Từ khi nhậm chức, Tống Giang một lòng yêu thương quân dân, được trăm họ kính trọng như cha mẹ, quân sĩ ngưỡng mộ như bậc thần minh. Án kiện xét xử nghiêm minh, các việc trong châu phủ đều đặt người trông nom đầy đủ, lòng người đều khâm phục tôn kính. Những lúc việc quân nhàn rỗi, Tống Giang thường ra ngoài vãn cảnh. Nguyên ở phía nam thành Sở Châu có một nơi gọi là đầm Lục Nhí (loài cây dại, tựa như cây rau răm mọc ở bờ nước, lá màu đỏ. Đầm này có nhiều loại răm dại nên gọi tên ấy). Nơi này bốn bề là ao đầm ngòi rạch mênh mông, ở giữa nhô lên một ngọn núi có hình thể rất đẹp, tùng bách rậm rạp xanh tươi. Tuy chỉ là một vùng đất không rộng lắm, nhưng địa thế rồng cuộn hổ ngồi, núi non nhấp nhô uốn lượn, sườn núi đá xếp như bậc thềm, thật chẳng khác gì địa thế trại Thuỷ Hử ở Lương Sơn Bạc. Tống Giang thấy vậy trong lòng rất vui, thầm nghĩ : “Nếu ta chết ở đây thì đất này đáng là nơi âm trạch. Những lúc rảnh rang ta nên đến đây dạo chơi ngắm cảnh cho đỡ buồn”.
Khỏi kể rườm rà : thấm thoát sắp được nửa năm từ khi Tống Giang về nhậm chức. Bấy giờ là thượng tuần tháng tư năm Tuyên Hoà thứ sáu (1124). Tống Giang bỗng nghe tin có sứ giả của triều đình đến ban ngự tửu bèn cùng thuộc hạ ra ngoài thành nghênh tiếp. Sứ giả vào đến phủ đường, tuyên đọc thánh chỉ. Đọc xong sứ giả bưng ngự tửu đến ban cho Tống Giang. Tống Giang uống xong, lại tự tay rót mời sứ giả, nhưng sứ giả từ chối, nói là không quen uống rượu. Lễ ban ngự tửu đã xong, sứ giả liền lên đường về kinh. Tống Giang sửa soạn lễ vật đem biếu sứ giả, nhưng sứ giả không nhận, cáo từ đi ngay.
Sau khi uống ngự tửu Tống Giang thấy đau thắt ngang bụng liền sinh nghi, đoán là rượu có pha thuốc độc. Nghĩ vậy Tống Giang vội sai người hầu đuổi theo dò xét thì thấy tên sứ giả vẫn uống rượu mỗi khi nghỉ chân ở các dịch trạm dọc đường. Biết chắc mình mắc mưu gian, uống phải thứ rượu đã bị bọn tặc thần pha thuốc độc. Tống Giang than rằng : “Ta từ nhỏ học Nho, lớn lên làm tiểu lại, không may sẩy thân mắc tội, nhưng trước sau chưa từng làm việc gì có dị tâm. Nay thiên tử khinh suất nghe lời sàm nịnh, sai đem rượu độc ban cho ta ! Nào ta có tội tình gì? Ta chết cũng đành, chỉ lo Lý Quỳ hiện làm đô thống chế ở Nhuận Châu, nếu hắn biết triều đình thi hành gian kế ấy, tất lại vào rừng tụ tập chúng bạn, làm hỏng thanh danh một đời trung nghĩa của bọn ta. Đành phải làm một cách này thì mới yên chuyện được.”
Nghĩ đoạn Tống Giang sai người đi ngay sang Nhuận Châu gọi Lý Quỳ ngày đêm đi gấp về Sở Châu để bàn công việc cần thiết.
Lại nói Lý Quỳ, từ khi về Nhuận Châu giữ chức đô thống chế chỉ thấy mệt mỏi buồn bực trong lòng, suốt ngày cùng chúng bạn uống rượu không biết chán. Thấy Tống Giang sai người đến mời, Lý Quỳ nói :
- Huynh trưởng cho người sang gọi, tất có chuyện cần đây!
Nói đoạn, bèn đem theo mấy thuộc hạ xuống thuyền sang Sở Châu, đến thẳng phủ đường tìm gặp Tống Giang, Tống Giang nói :
- Từ khi chia tay mỗi người một ngả, ta ngày đêm tưởng nhớ các anh em. Quân sư Ngô dụng ở quận Vũ Thắng thì xa, tri trại Hoa Vinh về phủ Ứng Thiên cũng không có tin tức. Chỉ có hiền đệ về quận Trấn Giang là gần hơn cả, vì thế ta cho mời hiền đệ đến để cùng bàn một việc lớn.
Lý Quỳ nói :
- Thưa huynh trưởng, việc lớn gì vậy ?
Tống Giang nói :
- Hiền đệ hãy uống chén rượu đã!
Nói đoạn Tống Giang mời Lý Quỳ vào hậu đường. Trên bàn đã bầy sẵn mâm chén, Tống Giang tự tay rót rượu khoản đãi Lý Quỳ. Hai người cùng nhau nói chuyện trò ăn uống hồi lâu. Rượu đã ngà say, Tống Giang nói :
- Hiền đệ hãy nghe ta nói việc này : Nghe tin triều đình sai người đem rượu pha thuốc độc đến ban cho ta. Nếu ta buộc phải chết thì tính thế nào ?
Lý Quỳ bèn kêu to :
- Lại làm phản thôi, thưa huynh trưởng !
Tống Giang nói :
- Này hiền đệ, bọn ta người ngựa không có, anh em còn sống thì chia lìa, mỗi người một nơi, muốn làm phản có thành sự được hay không ?
Lý Quỳ nói :
- Ở quận Trấn Giang đệ có ba nghìn quân mã, đại ca điểm lấy người ngựa và quân dân ở Sở Châu này, cùng nhau nhất tề nổi dậy, rồi chiêu binh mãi mã đánh tới! Chỉ còn cách lại lên Lương Sơn Bạc mới thật thoả chí của anh em ta ! Cần gì phải chịu luồn cúi để bị bọn gian thần làm nhục.
Tống Giang nói :
- Nguyên là trong tiệc rượu tẩy trần tối hôm ấy, Tống Giang đã rót cho Lý Quỳ uống rượu có pha thuốc độc. Sáng hôm sau, Tống sai đem thuyền đến đưa Lý Quỳ về. Lý Quỳ nói :
- Bao giờ huynh trưởng dấy nghĩa binh thì đệ sẽ đưa quân bên Trấn Giang sang tiếp ứng.
Tống Giang nói :
- Mong hiền đệ đừng trách ta. Hôm trước sứ giả của triều đình đã đem rượu pha thuốc độc đến ban cho ta uống, chết đến chỉ trong sớm chiều. Cả đời ta chỉ nêu cao hai chữ trung nghĩa, không chút lòng dối trá. Nay triều đình bắt ta phải chết vô tội, ta đành chịu cho triều đình phụ ta, còn lòng trung nghĩa của ta chẳng dám phụ triều đình. Ta sợ rằng sau khi ta chết, hiền đệ sẽ lại làm phản tổn hại thanh danh trung nghĩa thay trời hành đạo của anh em Lương Sơn Bạc chúng ta. Vì thế ta mời hiền đệ đến đây gặp ta một lần cuối. Trong bữa rượu tối hôm qua, ta đã rót rượu pha thuốc độc ngấm chậm cho hiền đệ uống rồi đó. Về đến Nhuận Châu tất hiền đệ phải từ giã cõi đời! Sau khi chết, hiền đệ hãy đến đây. Ngoài cửa nam thành Sở Châu có đầm Lục Nhí phong cảnh không khác mấy với Lương Sơn Bạc, âm hồn của ta và hiền đệ sẽ cùng nhau chung tụ. Ta đã định trước là sau khi ta chết, thi hài sẽ chôn cất ở đó.
Tống Giang nói xong nước mắt giàn giụa như mưa. Lý Quỳ cũng khóc theo mà nói :
- Thôi, Thôi ! Lý Quỳ này lúc sống hầu hạ huynh trưởng, chết rồi cũng xin làm quỷ hầu của huynh trưởng thôi !
Nói xong lại khóc nấc, toàn thân thấy nặng trĩu. Rồi đó Lý Quỳ gạt nước mắt lạy chào từ biệt Tống Giang, xuống thuyền trở về. Về đến Nhuận Châu thì quả nhiên thuốc độc đã ngấm. Lúc sắp tắt thở, Lý Quỳ căn dặn người hầu :
- Sau khi ta chết, bằng mọi cách phải chở quan tài của ta đến đầm Lục Nhí ở ngoài cửa nam thành Sở Châu chôn chung một chỗ với huynh trưởng Tống Công Minh !
Lý Quỳ dặn dò xong thì chết. Người hầu sửa soạn quan quách khâm liệm, rồi theo lời dặn chở quan tài người quá cố sang Sở Châu.
Lại nói Tống Giang, sau khi từ biệt Lý Quỳ, trong lòng buồn rầu nhớ đến Ngô Dụng, Hoa Vinh từ khi xa nhau chưa từng gặp lại. Đêm ấy thuốc ngấm nguy kịch, Tống Giang gọi những người hầu thân tín đến dặn rằng :
- Sau khi ta chết, các người hãy đem quan tài ta an táng ở chỗ khuất trên gò cao bên đầm Lục Nhí ở phía nam ngoài thành. Ta ắt sẽ đền đáp công đức của các người. Nhớ làm theo lời ta dặn!
Tống Giang nói xong thì qua đời. Người hầu của Tống Giang sửa soạn quan quách, làm lễ khâm liệm. Theo đúng di chúc của Tống an phủ, quan lại Sở Châu cùng những gia nhân theo hầu và đông đảo dân chúng bản châu đưa linh cữu Tống Giang đến mai táng ở đầm Lục Nhi. Mấy ngày sau, quan tài của Lý Quỳ từ Nhuận Châu chở đến cùng được chôn bên mộ Tống Giang, việc không có gì phải nói .
Lại nói Tống Thanh cáo ốm về chữa bệnh tại quê nhà ở huyện Vận Thành, nghe gia nhân về báo tin Tống Giang đã mất ở Sở Châu, nhưng lúc ấy Tống Thanh đang ốm không đến đưa tang được. Sau nghe nói mộ Tống Giang chôn ở đầm Lục Nhi ngoài thành Sở Châu, Tống Thanh sai người nhà đến làm lễ tế, sửa đắp phần mộ chu đáo rồi trở về báo lại, chuyện không phải nói đến.
Lại nói quân sư Ngô Dụng từ khi về nhậm chức thừa tuyên sứ ở quận Vũ Thắng trong lòng cảm thấy không vui, lúc nào cũng tưởng nhớ tình cảm thân ái của Tống Công Minh. Bỗng một hôm cảm thấy tâm tình hoảng hốt, ngồi nằm không yên. Đêm ấy Ngô Dụng chiêm bao thấy Tống Giang cùng đi với Lý Quỳ đến tìm mình, níu áo mà nói : “Quân sư Ngô Dụng ơi! Anh em ta thay trời hành đạo, lấy trung nghĩa làm đầu không hề có lòng phụ ơn thiên tử. Nhưng nay triều đình sai đem rượu pha thuốc độc đến ban cho ta uống, ta chết mà chẳng có tội gì! Sau khi ta chết, thi hài đã mai táng ở đầm Lục Nhi, ngoài cửa nam thành Sở Châu. Quân sư còn nhớ đến tình nghĩa ngày trước thì nên đến thăm mộ ta một chuyến.” Ngô Dụng muốn hỏi rõ, nhưng đột nhiên tỉnh dậy, mới hay là giấc chiêm bao. Ngô Dụng khóc nức hồi lâu, ngồi chờ trời sáng. Cả ngày hôm ấy Ngô Dụng bồn chồn vì giấc mộng, ăn ngủ không yên. Ngay hôm sau, Ngô Dụng bèn thu xếp hành lý, không đem theo người hầu, một mình lên đường đi Sở Châu. Tới nơi quả nhiên biết Tống Giang đã chết, dân bản châu ai nấy đều đau buồn thương tiếc. Ngô Dụng bèn sắm sửa lễ vật đồ tế rồi đi thẳng đến đầm Lục Nhi tìm nơi chôn mộ của Tống Công Minh và Lý Quỳ. Ngô Dụng sụp xuống trước mộ vục tay cào đất khóc to rằng :
- Linh hồn của nhân huynh thiêng liêng, xin soi thấu cho! Ngô Dụng tôi vốn chỉ là thầy đồ Nho nơi thôn dã, lúc đầu theo Tiểu Cái, về sau gặp gỡ nhân huynh, đã nhờ ơn cứu sống lại được hưởng giàu sang hơn mấy mươi năm nay đều nhờ ơn đức của nhân huynh cả. Nay nhân huynh vì việc nước nhà mà chết, hiển linh báo mộng cho biết, Ngô Dụng tôi không có gì báo đáp, xin theo giấc mộng lành về nơi chín suối cùng hội ngộ với nhân huynh!
Ngô Dụng nói xong rống khóc nức nở. Ngô Dụng sắp treo cổ tự sát thấy Hoa Vinh từ dưới thuyền chạy như bay đến trước mộ Tống Giang. Ngô Dụng và Hoa Vinh gặp nhau, ai nấy giật mình kinh ngạc. Ngô Dụng nói :
- Hiền đệ đang làm quan ở phủ Ứng Thiên, làm sao biết huynh trưởng chết ?
Hoa Vinh đáp :
- Từ khi chia tay mỗi người một ngả. Hoa Vinh tôi chảng một ngày lòng dạ được yên, lúc nào cũng canh cánh một niềm tưởng nhớ đến anh em ta. Đêm hôm trước Hoa Vinh tôi nằm chiêm bao rất lạ, thấy huynh trưởng Tống Công Minh và Lý Quỳ đến níu áo báo cho tiểu đệ biết vì triều đình ban rượu có thuốc độc bắt uống mà chết, mộ chôn trên gò cao ở đầm Lục Nhi ngoài cửa nam thành Sở Châu. Huynh trưởng nói nếu tiểu đệ còn nhớ đến tình nghĩa anh em thì tìm đến đó mà thăm mộ. Vì vậy Hoa Vinh tôi vứt bỏ việc nhà, chẳng quản đường xa ngày đêm đi gấp về đây.
Ngô Dụng nói :
- Ta cũng chiêm bao hệt như hiền đệ nên mới đi gấp đến đây. Nay lại gặp hiền đệ nữa thật là đúng lúc! Ngô Dụng này trong lòng không thôi tưởng nhớ ơn nghĩa của Tống Công Minh, tình sâu khó đền đáp, đang định treo cổ chết tại đây để hồn phách được chung tụ một chỗ với Tống nhân huynh. Lo liệu mọi việc cho ta, cậy nhờ cả ở hiền đệ.
Hoa Vinh nói :
- Quân sư đã nghĩ như thế, Hoa Vinh tôi cũng xin đi theo để được gặp Tống nhân huynh! Những người gắn bó sống chết có nhau là như thế?
Có thơ làm chứng như sau :

Hồng lục oa trung thác mộng trường
Hoa Vinh, Ngô Dụng các bi thương
Nhất xoang nghĩa huyết nguyên đồng hữu
Khởi nhẫn Điền Hoành độc tang vong

Dịch :

Răm đỏ đầy đồng mộng thân thương
Hoa Vinh, Ngô Dụng thật đau lòng
Một dòng máu nghĩa cùng sinh tử
Há một Điền Hoành(1) khá nêu gương!


---------------------------
1. Người cuối đời Tần, từng đánh lui quân Hạng Võ, xưng là Tề vương. Sau Hán Cao Tổ lên ngôi. Điền Hoành cùng thuộc hạ chạy ra hải đảo. Hán Cao Tổ nhắn ra bảo : “Nếu bọn Hoành trở về, lớn thì cho tước vương, nhỏ thì cho tước hầu, không về thì sẽ đem quân ra diệt”. Hoành nghe lời đem hai thuộc hạ cùng thần phục, đi chưa được ba mươi dặm. Hoành nói : “Ta lúc đầu cũng xưng vương như Hàn vương, nay mặt mũi nào thần phục người ấy.” Nói xong rút kiếm tự sát. Câu thơ trên ý nói Hoa Vinh, Ngô Dụng và sự nghiệp không thành cũng tự sát theo Tống Giang chứ không phải chỉ riêng mình Điền Hoành đời xưa làm như vậy.
-----------------------


Ngô Dụng nói :
- Ta chỉ mong sau khi ta chết được hiền đệ chôn cất ở đây. Còn hiền đệ thì chẳng nên theo gương ta làm gì !
Hoa Vinh nói :
- Tiểu đệ cũng ngày đêm tưởng nhớ Tống huynh trưởng, ân tình không dứt được. Anh em chúng ta từ khi lên Lương Sơn Bạc đã đắc tội to, may mà không chết. Đội ơn thiên tử xá tội chiêu an, sai đi đánh nam dẹp bắc để lập công chuộc tội. Nay anh em ta tính danh vinh hiển được thiên hạ biết đến. Thế mà triều đình đã có ý nghi ngờ, tất sẽ bới lông tìm vết mà trị tội. Nếu bọn chúng thi thố mưu gian, khép bọn ta vào tội cực hình thì khi ấy cũng không kịp. Chi bằng theo Tống huynh trưởng cùng xuống suối vàng, thân này tuy mất mà thanh danh còn lưu lại.
Ngô Dụng nói :
- Hiền đệ hãy nghe ta : ta chỉ một thân một mình không gia quyến, có chết cũng chẳng ngại gì! Hiền đệ thì còn vợ trẻ con thơ biết nương tựa vào đâu ?
Hoa Vinh đáp :
- Việc ấy chẳng ngại. Gia sản tiểu đệ cũng có ít nhiều, vợ con không đến nỗi phải đói. Phía bên ngoại cũng sẽ có người giúp lo liệu thêm cho.
Ngô Dụng và Hoa vinh khóc lớn rồi cùng treo cổ lên cây tự tử. Người hầu của Hoa vinh ở trên thuyền chờ lâu không thấy chủ quay lại, bèn vào tìm ở nơi chôn mộ Tống Giang thì thấy cả Ngô Dụng và Hoa Vinh đã thắt cổ tự tử. Bọn họ vội đi báo với quan bản châu, lo sắm quan quách khâm liệm, rồi chôn cất hai người bên mộ Tống Giang ở đầm Lục Nhi thành một khu gò mộ bốn ngôi, mỗi ngôi trông về một phương trời. Dân chúng Sở Châu cảm nhớ ơn đức của Tống Giang trung nghĩa vẹn toàn, bèn dựng đền thờ bốn mùa cúng tế, dân làng đến cầu đảo không điều gì không linh ứng.
Không nói chuyện Tống Giang nhiều lần hiển linh ở đầm Lục Nhi, người đến cúng lễ cầu gì được nấy. Lại nói Đạo quân hoàng đế ở nội cung tại Đông Kinh từ sau khi ban ngự tửu cho Tống Giang đã có ý nghi ngờ không hiểu việc Tống Giang hư thực thế nào, lại vì không biết tin tức Tống Giang ra sao nên thường vẫn băn khoăn nghĩ ngợi. Hàng ngày bọn Cao Cầu, Dương Tiễn vẫn bàn bạc xảo trá làm mê hoặc thiên tử, tìm cách rào đường rắp lối người hiền, mưu hại kẻ trung lương. Một hôm thiên tử đang dạo chơi trong nội cung, chợt nhớ đến Lý Sư Sư bèn đem theo hai chú tiểu hoàng môn đi tắt đến vườn sau nhà họ Lý, kéo dây chuông. Lý Sư Sư vội chạy ra nghênh đón, mời thiên tử vào phòng riêng. Thiên tử sai đóng hết cửa trước cửa sau. Lý Sư Sư trang điểm xong bước ra lạy chào. Thiên tử nói :
- Gần đây trẫm hơi bị mệt phải triệu thần y An Đạo Toàn vào cung điều trị, vì thế đã mấy chục ngày không đến được, trẫm rất mong nhớ. Nay lại gặp khanh, trẫm vui lòng lắm!
Lý Sư Sư tâu rằng :
- Đội ơn bệ hạ yêu mến, tiện thiếp thật hổ thẹn vô cùng. Trong phòng đã bầy xong các món ăn thịnh soạn, Lý Sư Sư mời thiên tử xơi rượu giải phiền. Rượu cạn vài tuần, thiên tử đã có vẻ mệt mỏi. Khi đèn nến vừa thắp sáng toả khắp phòng. Bỗng một cơn gió lạnh từ bên ngoài tạt vào. Đạo quân hoàng đế thấy trước mặt có một người mặc áo vàng rộng cổ.
Hoàng đế sợ hãi hỏi :
- Ngươi là ai ? Sao dám vào đây ?
Người mặc áo vàng tâu :
- Thần là Thần hành thái bảo Đái Tôn thuộc hạ của Tống Giang ở Lương Sơn Bạc.
Thiên tử nói :
- Ngươi đến có việc gì ?
Đái Tôn đáp :
- Huynh trưởng Tống Giang của thần hiện ở gần đây, xin mời bệ hạ lên xa giá cùng đi.
Hoàng đế nói :
- Chưa rõ ngươi định đưa ta đi đâu ?
Đái Tôn thưa đáp :
- Có nơi phong cảnh tươi đẹp, xin bệ hạ tới thưởng ngoạn.
Thiên tử nghe xong liền cùng Đái Tôn ra khỏi nhà Lý Sư Sư. Thấy xe ngựa đã sắp sẵn. Đái Tôn mời thiên tử lên ngựa. Chỉ thấy xung quanh mịt mù sương khói, bên tai tiếng gió thổi ù ù, chẳng mấy chốc đã tới nơi, chỉ thấy :
Mờ mờ khói nước, núi lớp mây đùn. Chẳng thấy trăng sao, nước trời một sắc. Mênh mông răm dại thẳm màu, hun hút lau xanh ngút mắt. Hồng nhạn dàn hàng, buồn thương bay qua đầu bãi cát, vịt trời đôi một, mỏi chân ngủ cạnh bờ sen. Sương nhuộm cành phong tựa chinh phu rơi lệ, gió phơ bờ liễu như oan phụ cau mày. Trăng mờ sao lạnh, đêm vắng vẻ, gió buốt sương tê cảnh thu buồn.
Bấy giờ Đạo quân hoàng đế ngồi trên ngựa nhìn không rõ, bèn hỏi Đái Tôn :
- Đây là đâu ? Đưa trẫm đến làm gì ?
Đái Tôn đưa tay chỉ con đường trên núi rồi nói :
- Xin bệ hạ cứ đi, đến nơi sẽ rõ.
Đạo quân hoàng đế thúc ngựa lên núi. Đi qua ba lớp cửa ngoài, đến trước toà cổng thứ ba thiên tử thấy đám đông chừng hơn một trăm viên võ tướng mặc chiến bào, khoác giáp sắt, đội mũ sắt, thắt đai da đen, đeo gươm giáo đang rập đầu vái lạy. Thiên tử cả sợ, hỏi :
- Bọn các khanh là ai ?
Chỉ thấy một người đứng ở hàng đầu, đội mũ sắt hình cánh phượng, mặc chiến bào gấm, ngoài khoác giáp sắt bước lên tâu rằng :
- Thần chính là Tống Giang ở Lương Sơn Bạc.
Hoàng đế nói :
- Trẫm đã sai khanh đi Sở Châu làm An phủ sứ, sao lại ở đây ?
Tống Giang nói :
- Xin mời bệ hạ đến Trung Nghĩa đường để thần được tố cáo cái chết oan khuất của thần.
Hoàng đế đi tiếp, đến trước Trung Nghĩa đường dừng ngựa lên ngồi trên chính sảnh. Nhìn xuống dưới thấy trong lớp sương núi lờ mờ có đông người đang quỳ lạy. Hoàng đế còn do dự chưa biết làm gì thì thấy Tống Giang bước lên thềm quỳ khóc mà tâu lên. Hoàng đế hỏi :
- Khanh vì sao mà khóc ?
Tống Giang tâu :
- Bọn thần tuy từng chống lại quan quân triều đình, nhưng vẫn giữ lòng trung nghĩa, không một chút dị tâm. Sau khi vâng sắc mệnh chiêu an của bệ hạ, bọn thần trước hết đánh lui quân Liêu, sau đó ba lần dẹp yên phản loạn, anh em thuộc hạ của thần thiệt mạng đến bảy tám phần. Thần đội ơn bệ hạ sai đi trấn thủ Sở Châu, từ khi nhậm chức tới nay của cải của quân dân không một chút tơ hào, trời đất đều biết. Nay bệ hạ ban rượu độc cho thần uống, thần chết đành ôm hận. Nhưng thần còn sợ Lý Quỳ oán giận, lại dấy dị tâm, vì vậy, thần đã sai người đi Nhuận Châu gọi Lý Quỳ đến đây, tự tay rót rượu độc cho hắn uống. Bọn Ngô Dụng, Hoa Vinh cũng vì trung nghĩa mà đến đây rồi cùng treo cổ tự tử bên mộ thần. Bọn thần bốn người cùng được mai táng ở đầm Lục Nhi phía nam thành Sở Châu. Dân làng thương xót dựng đền thờ trước mộ. Nay âm hồn của bọn thần về tụ hội ở đây, xin tâu lên bệ hạ nỗi oan khuất của bọn thần, trước sau không có ý làm phản. Xin bệ hạ soi xét.
Thiên tử nghe xong cả sợ nói rằng :
- Trẫm đích thân sai sứ đem ngự tửu có niêm phong giấy vàng. Chẳng biết kẻ nào đã thay rượu độc đem ban cho khanh ?
Tống Giang nói :
- Xin bệ hạ cứ xét hỏi sứ giả sẽ rõ đầu đuôi.
Thiên tử nhìn thấy doanh trại ba lớp cửa rào hùng tráng, buồn rầu hỏi :
- Đây là nơi nào mà các khanh về tụ hội ?
Tống Giang đáp :
- Đây là Lương Sơn Bạc, nơi bọn thần tụ nghĩa trước đây.
Thiên tử lại hỏi :
- Các khanh đã chết, đáng phải đầu thai, sao lại đưa nhau tụ tập ở đây ?
Tống Giang đáp :
- Ngọc hoàng thượng đế thương xót bọn thần là người trung nghĩa, đã phủ điệp sắc phong cho bọn thần giữ chức đô thổ địa cai quản vùng Lương Sơn Bạc. Các tướng tụ hội ở đây đều có oan khuất chưa được dãi bày, nên thần sai Đái Tôn mời bệ hạ quá bộ đến nơi sông nước để bọn thần bày tỏ oan khuất.
Hoàng đế nói :
- Sao các khanh không đến triều đình tâu bày rõ ràng với trẫm ?
Tống Giang đáp :
- Bọn thần là âm hồn trong cõi u minh, sao có thể đến được nơi cửa phượng lầu rồng ? Vì thế mới mạo muội mời bệ hạ rời cung cấm đến đây.
Hoàng đế nói :
- Trẫm có thể dạo xem phong cảnh được không ?
Bọn Tống Giang sụp lạy tạ ơn. Thiên tử bước xuống bậc thềm, ngoái lại nhìn tấm biển để ba chữ lớn “Trung Nghĩa Đường” treo trước chính sảnh. Hoàng đế gật đầu đi xuống chợt thấy Lý Quỳ từ phía sau Tống Giang hai tay vung hai búa chạy đến lớn tiếng quát vang :
- Tên hoàng đế kia! Sao ngươi lại nghe lời xúi bẩy của bốn tên tặc thần mà giết hại bọn ta ? Nay gặp ngươi ở đây, ta phải báo thù ngươi !
Hắc toàn phong Lý Quỳ nói xong liền vung búa xông tới đánh. Đạo quân hoàng đế cả sợ, giật mình tỉnh dậy, mới hay là giấc chiêm bao, mồ hôi vã ra ướt đầm. Hoàng đế từ từ mở mắt vẫn thấy đèn nến sáng trưng. Lý Sư sư vẫn chưa ngủ, Hoàng đế hỏi :
- Trẫm vừa từ đâu đến đây vậy?
Lý Sư Sư đáp :
- Bệ hạ chỉ vừa mới chợp mắt thôi.
Hoàng đế bèn kể lại giấc chiêm bao kỳ lạ đó cho Lý Sư Sư nghe. Lý Sư Sư nói :
- Phàm những người chính trực sau khi chết sẽ thành thần linh. Phải chăng đúng là Tống Giang đã chết, nay hiển linh báo mộng cho bệ hạ ?
Hoàng đế đáp :
- Ngày mai ngự triều trẫm sẽ hỏi rõ việc ấy. Nếu quả Tống Giang đã chết thì phải sai dựng đền thờ, phong tước hầu cho ông ta.
Lý Sư Sư nói :
- Nếu đúng là thánh thượng phong tặng cho Tống Giang thì sẽ làm sáng đức thánh thượng không phụ bậc công thần.
Suốt đêm ấy, Đạo quân hoàng đế buồn rầu than tiếc mãi không thôi.
Ngày hôm sau hoàng đế ngự triều, truyền gọi các quan đến chầu ở điện phủ, bọn Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn sợ hoàng đế truy hỏi về việc Tống Giang nên đã kiếm cớ lánh ra ngoài. Chỉ có Túc Thái uý và mấy vị đại thần khác đứng hầu. Hoàng đế bèn hỏi Thái uý Túc Nguyên Cảnh :
- Khanh có biết tin gì về an phủ Tống Giang ở Sở Châu không ?
Túc thái uý tâu :
- Từ bấy đến nay thần không được biết tin tức gì của Tống an phủ, thế nhưng đêm qua thần mộng thấy một giấc chiêm bao rất kỳ lạ.
Hoàng đế nói :
- Khanh cứ kể cho trẫm nghe xem sao ?
Túc thái uý đáp :
- Thần chiêm bao thấy Tống Giang mặc áo chiến, thắt đai trận, đầu đội mũ trụ sáng loáng đến nhà nói với thần là bệ hạ sai ban rượu độc cho uống mà chết. Người đất Sở cảm thương bậc trung nghĩa, đã mai táng Tống Giang ở đầm Lục Nhi ngoài cửa nam thành Sở Châu, dựng đền thờ bốn mùa cúng tế.
Nghe xong hoàng đế gật đầu nói :
- Quả đúng là sự lạ, đêm qua trẫm cũng chiêm bao thấy như thế !
Rồi hoàng đế căn dặn Túc thái uý :
- Khanh hãy sai người tâm phúc đến Sở Châu dò xét việc này xem hư thực ra sao rồi tâu gấp cho trẫm biết.
Túc thái uý vâng mệnh ra khỏi cung cấm rồi về phủ sai người tâm phúc đi Sở Châu nghe ngóng tin tức Tống Giang. Chuyện không có gì phải nói .
Ngày hôm sau Đạo quân hoàng đế ngự triều ở điện Văn Đức, thấy Cao Cầu, Dương Tiễn đứng hầu, hoàng đế bèn hỏi :
- Các khanh ở sảnh viện, gần đây có biết tin tức Tống Giang ở Sở Châu không ?
Cao Cầu, Dương Tiễn cúi đầu đáp là không biết. Hoàng đế băn khoăn nghi ngại, cảm thấy mệt mỏi không vui.
Lại nói người giúp việc của Túc thái uý đi Sở Châu về, kể lại đầu đuôi việc Tống Giang uống phải ngự tửu pha thuốc độc mà chết. Sau khi mai táng, người đất Sở cảm thương lòng trung nghĩa đã mai táng Tống Giang trên gò cao ở đầm Lục Nhi ngoài thành Sở Châu. Bọn Ngô Dụng, Hoa Vinh, Lý Quỳ cũng đã chết, mộ chôn gần nhau ở đó. Trăm họ thương tiếc đã dựng đền thờ trước mộ để xuân thu hai kỳ cúng tế, thành tâm phụng thờ. Dân chúng có việc gì cầu đảo đều thấy linh nghiệm.
Túc Thái uý nghe xong vội dẫn người giúp việc vào triều tâu lên thiên tử. Thiên tử nghe nói buồn rầu thương xót khôn nguôi. Trong buổi chầu sáng hôm sau, trước mặt các quan, thiên tử cả giận quát mắng bọn Cao Cầu, Dương Tiễn :
- Các ngươi là gian thần hại nước, làm hư nát cả thiên hạ của trẫm !
Bọn Cao Cầu, Dương Tiễn sụp xuống rập đầu tạ tội. Sái Kinh, Đồng Quán bước lên tâu rằng :
- Việc sống chết đều do số mệnh. Vì các quan ở hạ sảnh viện chưa gửi văn thư trình lên nên thần không dám tâu lên bệ hạ. Đêm qua quan Sở Châu mới có tờ tâu gửi về, bọn thần cũng định sáng nay tâu lên bệ hạ.
Rốt cuộc hoàng đế bị bốn tên gian thần quanh co che giấu nên không bắt tội được chúng, chỉ quát đuổi Cao Cầu, Dương Tiễn ra ngoài, bắt chung truy tìm tên sứ gỉa trước đây đã sai mang ngự tửu. Không ngờ tên sứ giả đó sau khi rời Sở Châu trở về đã chết dọc đường.
Ngày hôm sau Túc thái uý lại vào yết kiến hoàng đế ở điện phủ, tâu việc Tống Giang trung nghĩa hiển ứng linh thiêng. Hoàng đế chuẩn tâu, phong cho em ruột Tống Giang là Tống Thanh được hưởng tập ấm nối giữ quan tước của Tống Giang. Không may Tống Thanh bị bệnh phong thấp thành tật, không ra làm quan được , nên dâng biểu từ tạ, chỉ xin được làm ruộng ở huyện Vận Thành. Hoàng đế thương xót Tống Thanh là người hiếu để, ban cho mười vạn quan tiền và ba nghìn mẫu ruộng để gia quyến được no đủ, đợi khi con trai trưởng thành sẽ được triều đình bổ dụng. Về sau Tống Thanh sinh được một trai là Tống An Bình. An Bình theo đòi khoa cử, làm quan đến chức bí thư học sĩ, nhưng đó là câu chuyện về sau.
Kể tiếp chuyện Đạo quân hoàng đế nghe lòi tâu của Túc thái uý, tự tay viết thánh chỉ sắc phong cho Tống Giang tước trung liệt nghĩa tế linh ứng hầu. Lại cấp tiền cho dựng đền thờ to lớn ở Lương Sơn Bạc, đắp tượng Tống Giang và anh em các tướng đã chết vì việc nước. Tấm biển treo trước đền thờ có ngự bút của Đạo quân hoàng đế đề bốn chữ “Tinh Trung Chi Miếu (đền thờ trung thần dẹp loạn). Quan Tế Châu vâng sắc chỉ đến Lương Sơn Bạc lập đền thờ.
Chỉ thấy :

Đinh săt gỗ đỏ, cột ngọc cửa vàng
Rường chạm keo sơn, hiên sơn ngói bạc
Lan can xanh vòng uốn cửa ngoài
Rèm thêu gấm buông che bậu kín
Năm gian điện lớn, chữ vàng biển ngạch cao treo
Hai dãy hành lang, cảnh vẽ võ quan dũng mãnh
Hoè xanh rợp bóng, lầu nội điện cao vút mây xanh
Liễu biếc che trùm, miếu Tinh Trung thẳng vươn trời thẳm
Trên điện thếp vàng, đủ bài vị Tống Công Minh và ba mươi sáu viên Thiên cang chánh tướng
Hai dãy hành lang, xếp bàn thờ từ chu Vũ cùng bẩy mươi hai vị Điạ sát tướng quân
Trước cửa quân hàu nhẩy nhót giơ nanh
Bên sân thần binh nhe răng múa vuốt
Trụ thiên đài thợ khéo điểm tô bốn mùa hương bay khói toả
Cột tre cao cờ phướn dài buông, hai xã chung lo thờ phụng
Cúng tế muôn dân khấn linh thần
Sổ bộ triều đình ghi trung liệt
Muôn năm hương hoả hưởng vô cùng
Vạn thuở công lao ghi sử sách

Lại có bài thơ tứ tuyệt :

Thiên cang tận dĩ quy thiên giới
Địa sát hoàn ưng nhập địa trung
Thiên cổ vi thần giai miêu thực
Vạn niên thanh sử bá anh hùng

Thiên cang đã khuất về thiên giới
Địa sát lại theo xuống đất cùng
Muôn thuở thần linh đều hưởng tế
Vạn năm sử sách rạng anh hùng

Về sau Tống Công Minh nhiều lần linh thiêng hiển ứng, trăm họ bốn mùa thờ cúng không dứt. Trong vùng Lương Sơn Bạc dân chúng cầu gì được nấy. Đầm Lục Nhi ở Sở Châu cũng linh thiêng ứng nghiệm. Dân sở tại sửa sang miếu điện nguy nga, sau lại dựng thêm hai dẫy hành lang, tâu xin triều đình ban biện ngạch. Lại đắp tượng ba mươi sáu viên chánh tướng, đặt thờ ở chánh điện, đắp tượng bẩy mươi hai viên phó tướng đặt thờ ở hành lang hai bên. Hàng năm đến ngày tế dân chúng gần xa đều đến dâng hương kính lễ. Người chép sử có hai bài Đường luật tỏ ý thương tiếc như sau:

Mạc bả hành tàng oán lão thiên
Hàn, Bành xích tộc di kham liên
Nhất tâm báo quốc thôi phong nhật
Bách chiến cầm Liêu phá Lạp niên
Sát diệu cang tinh kim di hỉ
Sàm thần tặc tử thượng y nhiên
Tảo tri cưu độc mai hoàng nhưỡng
Học thủ chi di Phạm Lãi thuyền

Dịch :

Chớ lấy thân danh oán trách trời
Hàn, Bành mấy họ máu đào rơi
Một lòng báo nước lừng chinh chiến
Trăm thắng Liêu lui, Lạp hết đời
Địa sát thiên cang đà hết sáng
Gian thần tặc tử chẳng im hơi
Nếu hay đầu độc vùi thân xác
Học phép rong thuyền Phạm Lãi (1) chơi

Bài thứ hai :

Sinh đang đỉnh thực tử phong hầu
Nam tử sinh bình chí dĩ thù
Thiết mã dạ tê sơn nguyệt hiểu
Huyền viên thu khiếu mộ vân trù
Bất tu xuất xứ cầu chân tích
Khước hỉ trung lương tác thoại đầu
Thiên cổ Lục oa mai ngọc địa
Lạc hoa đê điểu tổng quan sầu

Dịch :

Sinh thời đỉnh vạc (2) chết phong hầu
Hồ thỉ nam nhi nợ sạch làu
Ngựa săt hí vang trăng núi rạng
Vượn đen kêu hú bóng đêm thâu
Chẳng cần xuất xứ tìm văn bản
Chỉ khoái trung lương soạn thoại đầu
Muôn thuở Lục Nhi vùi ngọc quý
Chim kêu hoa rụng chạnh lòng sầu .


HẾT

--------------------
1. Phạm Lãi : người nước Sở thời Xuân Thu, giúp Việt Vương Câu Tiễn hơn hai mươi năm. Khi Câu Tiễn diệt được nước Ngô, phong Phạm Lãi làm thượng tướng quân. Phạm từ chối, bảo với tả hữu là Câu Tiễn “dễ chung hoạn nạn, nhưng khó cùng hưởng phú quý”, rồi lên một chiếc thuyền con chu du trong chốn Ngũ hồ.

2. Đỉnh vạc, dịch chữ “đỉnh thực” (ăn bằng vạc), chỉ quan cao lộc hậu. Theo lệ cổ, bữa ăn của vua, thiên tử được hưởng cửu đỉnh (chín vạc), vua chư hầu ngũ đỉnh (năm vạc, nấu năm món : bò , dê, lợn, cá, nai) v… v…
Hậu Thủy Hử
Hồi 72
Hồi 73
Hồi 73(b)
Hồi 74
Hồi 75
Hồi 76
Hồi 77
Hồi 78
Hồi 79
Hồi 80
Hồi 81
Hồi 82
Hồi 83
Hồi 84
Hồi 85
Hồi 86
Hồi 87
Hồi 88
Hồi 89
Hồi 90
Hồi 91
Hồi 92
Hồi 93
Hồi 94
Hồi 95
Hồi 96
Hồi 97
Hồi 98
Hồi 99
Hồi 100
Hồi 101
Hồi 102
Hồi 103
Hồi 104
Hồi 105
Hồi 106
Hồi 107
Hồi 108
Hồi 109
Hồi 110
Hồi 111
Hồi 112
Hồi 113
Hồi 114
Hồi 115
Hồi 116
Hồi 117
Hồi 118
Hồi 119
Hồi 120