Hồi 116
Tác giả: Thi Nại Am
Đ ang nói chuyện bấy giờ Trương Hoành nghe nói Trương Thuận đã chết thì đau xót ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại. Tống Giang nói :
- Hãy dìu Trương Hoành vào sau trướng chăm sóc cho khoẻ, rồi sẽ hỏi tình hình anh em đi đường biển thế nào.
Nói đoạn, Tống Giang sai Bùi Tuyên, Tưởng Kính ghi chép công lao của các tướng, hẹn mọi người đến tụ họp vào đầu giớ Tỵ. Lý Tuấn, Thạch Tú bắt sống được Ngô Trị; ba nữ tướng bắt sống Trương Đạo Nguyên; Lâm Xung dùng xà mâu đâm chết Lãnh Cung; Giải Trân, Giải Bảo giết Thôi Vức. Tướng giặc sống sót chạy thoát năm tên, đó là Thạch Bảo, Đặng Nguyên Giác, Vương Tích, Tiểu Trung và Ôn Khắc Nhượng. Tống Giang sai yết bảng vỗ yên trăm họ, khao thưởng ba quân, áp giải bọn Ngô Trị, Trương Đạo Nguyên đến trước quân doanh của Trương chiêu thảo chém đầu thị chúng. Viên bình sự có công hiến thuyền lương được Tống Giang viết văn thư đề cử làm huyện lệnh Phú Dương , Trương chiêu thảo lấy quan bằng khống chỉ đề họ tên cấp ngay cho Viên bình sự, chuyện ấy không cần phải nói. Các tướng đều về trong thành nghỉ ngơi. Quân hầu vào báo : “Nguyễn Tiểu Thất đi đường sông đã đến.” Tống Giang liền cho mời vào trong trướng .
Nguyễn Tiểu Thất nói :
- Tiểu đệ cùng với Trương Hoành, Hầu Kiện và Đoàn Cảnh Trụ đem các thuỷ thủ ra biển tìm được thuyền chèo đến huyện Hải Diệm để tìm cách cho thuyền vào sông Tiền Đường. Không ngờ sóng to gió lớn thuyền trôi ra biển cả. Cố sức chèo vào bờ thì sóng gió làm hỏng thuyền, các anh em đều rơi xuống biển. Hầu Kiện, Đoàn Cảnh Trụ không biết bơi đều bị chết đuối. Các thuỷ thủ cố bơi vào bờ, tản lạc mỗi người một nơi. Tiểu đệ bơi trước vào bờ ở cửa Chữ Sơn, bị sóng giật trôi dạt đến chân núi Báu Phan, rồi từ đó bơi về đây. Tiểu đệ thấy Trương Hoành bơi trên sông Trường Giang đang lội lên bờ ở gần núi Ngũ Vân nhưng một lúc sau không thấy đâu nữa. Đêm qua tiểu đệ thấy lửa cháy trong thành, lại nghe tiếng súng liên châu nổ vang, biết là huynh trưởng đang đánh vào thành Hàng Châu, vì vậy tiểu đệ mới bơi vào bờ. Chẳng hay Trương Hoành đã về đến nơi chưa ?
Tống Giang kể lại cho Nguyễn Tiểu Thất nghe chuyện của Trương Hoành, rồi sai gọi Trương Hoành đến cho anh em gặp nhau, lại tiếp tục giao cho hai người làm đầu lĩnh thuỷ quân chỉ huy chiến thuyền như trước. Tống Giang truyền lệnh cho các đầu lĩnh thuỷ quân thu thập thuyền bè trên sông để chuẩn bị tiến đánh Mục Châu. Tống Giang lại nghĩ đến Trương Thuận anh linh hiển hiện như thế, bèn cho dựng đền thờ bên bờ Tây Hồ, treo biển ngạch “Kim Hoa thái bảo”. Tống Giang đích thân đến làm lễ tế. Sau ngày dẹp yên loạn Phương Lạp, lập công lớn với triều đình, Tống Giang về kinh đem sự việc Trương Thuận tâu lên được thiên tử sắc phong là “Kim Hoa tướng quân”, giao cho quân dân Hàng Châu đèn hương thờ phụng.
Lại nói Tống Giang đóng suý phủ trong hành cung của Phương Lạp ở Hàng Châu, buồn nghĩ từ lúc qua sông Dương Tử đến nay tổn thất biết bao tướng sĩ, càng nghĩ lại càng thêm sầu muộn. Tống Giang bèn đến chùa Tĩnh Từ xin nhà chùa dựng đàn tràng làm lễ bẩy ngày đêm để siêu độ cho vong hồn anh em các tướng tử trận, mỗi người đều có bài vị đặt riêng một bàn thờ. Xong lễ cầu siêu, Tống Giang ra lệnh phá huỷ các đồ dùng riêng trong cung của Phương Thiên Định, còn vàng bạc châu báu vải vóc thu lấy để chia thưởng cho ba quân tướng sĩ. Dân chúng Hàng Châu đều được bình yên vô sự. Tống Giang cho mở tiệc chúc mừng. Rồi đó Tống Giang cùng quân sư Ngô Dụng bàn tính kế sách tiến đánh Mục Châu. Bấy giờ đã gần cuối tháng tư, bỗng có tin bào : “Phó đô đốc Lưu Quang Thế cùng sứ giả triều đình từ Đông Kinh đang trên đường đi tới Hàng Châu.” Tống Giang cùng các tướng ra ngoài cửa Bắc Quan đón tiếp, mời sứ giả và đô đốc vào thành. Sứ giả đến hành cung tuyên đọc thánh chỉ : “Sắc cho tiên phong sứ Tống Giang cùng các tướng sĩ bộ hạ có công đánh giặc Phương Lạp nhiều lần lập chiến công, nay ban cho ngự tửu có dấu niêm phong của hoàng đế ba mươi lăm bình, áo gấm ba mươi lăm chiếc để thưởng cho các viên chánh tướng. Còn các viên phó tướng chiếu theo danh sách đều được cấp thưởng vải lụa.” Nguyên là triều đình chỉ mới biết một mình Công Tôn Thắng không qua sông đi đánh Phương Lạp, chứ chưa biết rõ nhiều đầu lĩnh đã tử trận trong các trận đánh vừa rồi. Tống Giang nhìn đống đồ thưởng ba mươi lăm bình ngự tửu và ba mươi lăm chiếc áo gấm, lòng quặn đau như thắt, nước mắt trào ra ướt đầm vạt áo. Sứ giả hỏi thăm đầu đuôi sự việc, Tống Giang nói với sứ giả là nhiều đầu lĩnh thiệt mạng trong các trận đánh gần đây. Sứ giả nói :
- Các tướng trận vong nhiều như vậy, sao triều đình không hề biết ? Hạ quan bề kinh sẽ xin tâu lên thiên tử.
Tống Giang sai mở tiệc khoản đãi sứ giả. Đô đốc Lưu Quang Thế ngồi ghế chủ tiệc. Các đầu lĩnh lớn nhỏ theo thứ bậc cùng ngồi, ai nấy đều được hưởng ban ngự tửu, thấm ơn mưa móc của triều đình. Các tặng vật ban thưởng cho các chánh phó tướng trận vong đều được giữ lại để ngày hôm su lập bàn thờ tế vọng. Tống Giang lấy một bình ngự tửu và một chiếc áo gấm đem đến miếu thờ Trương Thuận, đích thân gọi hồn Trương Thuận về hưởng tế. Tế xong đem áo gấm mặc cho pho tượng thần bằng đất, còn các đồ vật khác thì thiêu hoá. Sứ giả nghỉ ngơi vài hôm rồi lên đường trở về kinh sư.
Ngày tháng thấm thoát chẳng bao lâu đã hơn một tháng kể từ khi lấy được Hàng Châu. Trương chiêu thảo sai người đem văn thư đến thúc giục Tống tiên phong xuất quân, Tống Giang, Ngô Dụng mời Lư Tuấn Nghĩa đến bàn bạc :
- Từ đây theo đường sông tiến thẳng đến sào huyệt giặc ở Mục Châu. Đi Hấp Châu thì phải theo đường nhỏ qua cửa ải Dục Linh. Anh em ta thì phải chia quân tại đây, chẳng hay hiền đệ muốn chọn đường nào.
Lư Tuấn Nghĩa nói :
- Điều binh khiển tướng thảy đều tuân theo nghiêm lệnh của huynh trưởng, đệ đâu dám lựa chọn.
Tống Giang nói :
- Đã đành như thế, nhưng thử xem mệnh trời ra sao ?
Nói đoạn phân chia số người làm hai đội viết vào hai lá thăm. Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa thắp hương cầu khấn rồi mỗi người bốc một thâm. Tống Giang bốc được thâm đánh Mục Châu, Lư Tuấn Nghĩa bốc được thâm đi đánh Hấp Châu.
Tống Giang nói :
- Sào huyệt của Phương Lạp ở trong động Bang Nguyên, huyện Thanh Khê. Hiền đệ đánh lấy Hấp Châu, chia quân mà đóng giữ rồi biên thư về báo tin để cùng ta hẹn ngày tiến đánh sào huyệt Phương Lạp .
Lư Tuấn Nghĩa mời Tống tiên phong chuẩn bị việc cắt cử các tướng tá chỉ huy các cánh quân.
Chánh tiên phong Tống Giang dẫn ba mươi sáu viên chánh phó tướng đến đánh Mục Châu và đèo Ô Long : Quân sư Ngô Dụng, Tần Minh, Lý Ứng, Đái Tôn, Chu Đồng, Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Giải Trân, Gỉai Bảo, Lã Phương, Qúach Thịnh, Phàn Thuỵ, Mã Lân, Yến Thuận, Tống Thanh, Hạng Sung, Lý Cổn, Vương Anh, Hổ Tam Nương, Lăng Chấn, Đỗ Hưng, Sái Phúc, Sái Khánh, Bùi Tuyên, Tưởng Kính, Úc Bảo Tứ.
Các chánh phó tướng đầu lĩnh thuỷ quân, bẩy viên chỉ huy chiến thuyền theo quân bộ đánh Mục Châu : Lý Tuấn, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Thất, Nguyễn Tiểu Ngũ, Đồng Mãnh, Đồng Uy, Mạnh Khang.
Phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa dẫn hai mươi tám viên chánh phó tướng tiến đánh Hấp Châu và cửa ải Dục Linh : Quân sư Chu Vũ, Lâm xung, Hồ Diên Chước, Dương Hùng, Thạch Tú, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Tôn Lập, Hoàng Tín, Âu Bằng, Đặng Phi, Đỗ Thiên, Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Trâu Uyên, Trâu Nhuận, Lý Lập, Lý Văn, Thang Long, Thạch Dũng, Thời Thiên, Đinh Đắc Tôn, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Trương Thanh, Tôn Nhị Nương.
Cánh quân của Lư Tiên Phong, kể cả chủ suý, tất cả là hai mươi chín viên chánh phó tướng, chỉ huy ba vạn người ngựa chọn ngày tiến phát. Lư Tuấn Nghĩa đến từ biệt Lưu đô đốc và Tống tiên phong rồi xuất quân theo đường núi từ Hàng Châu tiến qua huyện Lâm An.
Lại nói Tống Giang cho chỉnh đốn thuyền bè người ngựa, cắt cử các chánh phó tướng chỉ huy các đội quân, chọn ngày làm lễ tế cờ xuất quân, thuyền ngựa trông nhau, thuỷ lục cùng tiến. Bấy giờ trong thành Hàng Châu bệnh dịch lan tràn, bộ hạ của Tống Giang đã có sáu tướng mắc bệnh : Trương Hoành, Mục Hoằng, Khổng Minh, Chu Quý, Dương Lâm, Bạch Thắng. Cả sáu viên ấy đều chưa khỏi ốm nên không theo đại quân đi đánh được. Mục Xuân và chánh phó tướng ở lại thành Hàng Châu, còn các tướng tá khác theo Tống Giang đi đánh Mục Châu, tất cả là ba mươi bảy viên theo đường ven sông nhắm huyện Phú Dương tiến phát.
Hãy tạm chưa nói chuyện hai cánh quân người ngựa lên đường như thế nào, kể tiếp chuyện Sài Tiến và Yến Thanh sau khi từ biệt Tống tiên phong tại đình Truy Lý ở Tú Châu, đi qua huyện Hải Diêm ra biển đáp thuyền qua Việt Châu, đi vòng vèo đến huyện Chư Kỳ, qua đò ở bến Cá, sang địa giới Mục Châu. Tướng giữ ải ngăn lại xét hỏi. Sài Tiến đáp :
- Tiểu nhân là nho sinh ở trung nguyên, biết xem thiên văn địa lý, hiểu vận hội âm dương, thạo phong vân khí tượng, kinh sách, ba giáo chín dòng không điều gì không biết, xa trông đất Giang Nam có khí tượng thiên tử nên tìm đến, sao các vị lại rào lấp đường tiến vào người hiền ?
Tướng giữ ải nghe lời nói biết Sài Tiến chẳng phải người tầm thường, bèn hỏi rõ họ tên. Sài Tiến đáp :
- Tiểu nhân họ Kha tên Dẫn, một thầy một tớ tìm đường đến thượng quốc, không vì duyên cớ nào khác.
Tướng giữ ải lưu Sài Tiến nghỉ lại, rồi sai người về Mục Châu báo tin cho thừa tướng Tố Sĩ Viễn, tham chính Thẩm Thọ, thiên tử Hoàn Dật và nguyên suý Đàm Cao biết. Hữu thừa tướng Tổ Sĩ Viễn sai người đưa Sài Tiến về Mục Châu tương kiến. Hai bên gặp nhau chào hỏi xong, Sài Tiến nói qua lý do tìm đến, cả bốn đại thần của Phương Lạp đều xúc động. Lại thêm phong thái, lời lẽ của Sài Tiến lịch thiệp hơn người nên bọn họ không chút nghi ngờ. Tổ Sĩ Viễn cả mừng cho thiêm thư Hoàn Dật dẫn Sài Tiến đến đại nội ở huyện Thanh Khê yết kiến Phương Lạp. Nguyên là ở Mục Châu và Hấp Châu, Phương Lạp đều có cung điện, triều đình có năm phủ sáu bộ đều đóng cả trong động Bang Nguyên thuộc huyện Thanh Khê.
Sài Tiến và Yến Thanh theo Hoàn Dật đến kinh đô của Phương Lạp ở huyện Thanh Khê. Trước hết vào yết kiến tả thừa tướng Lưu Mẫn Trung, Sài Tiến bàn luận chính sự cổ kim, lời lẽ hùng hồn, thông thái. Lâu Mẫn Trung cả mừng mời Sài Tiến nghỉ lại trong trướng phủ khoản đãi trọng hậu. Thấy thầy trò Sái Tiến, Yến Thanh thông minh lịch thiệp. Lưu Mẫn Trung đã vừa ý đến tám chín phần. Lưu Mẫn Trung nguyên là thầy dạy học ở huyện Thanh Khê, tuy có ít văn chương chữ nghĩa, nhưng không lấy gì làm giỏi giang cho lắm, nghe Sài Tiến kể chuyện thì rất khâm phục, định ngày hôm sau vào triều sẽ tâu lên quốc vương Phương Lạp. Sáng hôm sau, Phương Lạp ngự ở chính điện, các thị thần, cung nữ đứng hầu ở phía sau, bên ngoài là các đại thần khanh tướng chia làm văn võ hai bên, cùng các võ sĩ thị tùng đứng hầu trước viện. Hữu thừa tướng Lưu Mẫn Trung bước ra khỏi hàng tâu rằng :
- Tâu bệ hạ, đất trung nguyên vốn là quê hương của đức Khổng Tử. Nay có một hiền sĩ, họ tên là Kha Dẫn có tài năng kiêm thông văn võ, trí dũng đều đủ, am hiểu thiên văn địa lý, tam giáo cửu lưu, bách gia chư tử không điều gì không biết. Người ấy vì lòng hoài vọng thiên tử đã tìm đường đến đây, hiện đang chờ xin vào bệ kiến.
Phương Lạp nói :
- Có hiền sĩ tìm đến, mau truyền cho vào bệ kiến.
Quan thủ môn đại sứ liền dẫn Sài Tiến đến dưới điện. Sài Tiến theo đúng nghi thức lạy chào, tung hô vạn tuế đã xong, quan tuyên lễ cho phép bước vào trước rèm. Phương Lạp thấy Sài Tiến là người quý phái khác thường, có tướng dòng dõi đế vương thì lấy làm mừng. Phương Lạp hỏi :
- Hiền sĩ có nói nhắm theo khí tượng thiên tử mà đến, là có ý chỉ nơi nào đây ?
Sài Tiến tâu :
- Kha Dẫn tôi nghèo hèn, sinh trưởng ở trung nguyên, cha mẹ đều mất sớm, bản thân chỉ theo đòi học vấn để truyền nối bí quyết của tiên hiền, lĩnh thị những áng vãn huyền diệu của tổ sư. Gần đây ban đêm xem thiên tượng thấy sao đế tinh ngời sáng chiếu dọi vào đất Đông Ngô. Vì thế thần không quản xa xôi nghìn dặm nhắm theo tú khí mà đi. Khi đến Giang Nam lại thấy một vầng khí tượng thiên tử năm sắc khởi lên từ đất Mục Châu. Nay thần được chiêm ngưỡng long nhan thiên tử, uy nghi tư thế phượng rồng, thần thái như mặt trời ngời sáng, ấy là ứng vào khí tượng thiên tử vậy. Thần thật muôn phần may mắn, vui mừng khôn xiết.
Sài Tiến nói xong lại sụp lạy hai lạy. Phương Lạp nói :
- Quả nhân tuy có đất đai một giải ở vùng đông nam, gần đây bị bọn Tống Giang xâm lấn chiếm đoạt thành trì. Nay nghe nói bọn chúng đã tiến gần đến kinh đô, chẳng hay quả nhân phải đối phó thế nào ?
Sài Tiến tâu rằng :
- Thần nghe người xưa có câu : “Dễ được thì dễ mất, khó được thì khó mất”, nay bệ hạ lập riêng bờ cõi ở vùng đông nam, từ khi khai cơ lập nghiệp đến nay ruỗi dài thẳng tiến, thu đoạt được biết bao châu quận. Nay tuy bị Tống Giang xâm chiếm một vài nơi, không bao lâu vận số lại quay về, thánh thượng không chỉ lấy lại một cõi Giang Nam, ngày sau cả xã tắc trung nguyên này ắt sẽ thuộc về bệ hạ.
Phương Lạp cả mừng, sai bưng chiếc đôn bọc gấm đến cho Sài Tiến ngồi và sai bày ngự yến khoản đãi, phong cho Sài Tiến làm trung thư thị lang. Từ đó Sài Tiến hàng ngày được chầu hầu bên cạnh Phương Lạp, chẳng phải là không biết dùng những lời lẽ ngon ngọt a dua siểm nịnh nhằm đạt mục đích của mình. Trong khoảng chưa đầy nửa tháng, từ Phương Lạp cho đến các quan trong ngoài không một ai không yêu mến Sài Tiến. Sau đó Phương Lạp thấy Sài Tiến xử lý mọi việc đều được công bằng nên hết lòng yêu quý, bèn bảo riêng tả thừa tướng Lưu Mẫn Trung làm mối, muốn gã công chúa Kim Chi cho Sài Tiến, phong cho chức chủ tước đô uý. Yến Thanh đổi tên là Văn Bích, người ta đều gọi là Văn phụng uý. Từ sau ngày thành hôn với công chúa, Sài Tiến được tự do ra vào trong cung điện, hiểu biết cặn kẻ mọi việc trong ngoài. Mỗi khi có việc quan trọng, Phương Lạp đều cho mời Sài Tiến vào cung bàn bạc. Sài Tiến thường tâu :
- Bệ hạ có khí sắc chân chính, chỉ vì sao thiên cang xung phạm nên có phần bất an trong khoảng nửa năm. Đợi đến khi thủ hạ của Tống Giang bị diệt hết không còn một viên chiến tướng, sao thiên cang lu mờ, bệ hạ lại phục hưng cơ nghiệp : ruỗi dài thẳng tiến chiếm gọn cả đất trung nguyên.
Phương Lạp nói :
- Thủ hạ của quả nhân có mấy viên sủng tướng đều đã bị Tống Giang làm thiệt mạng, không biết nên tính thế nào ?
Sài Tiến lại tâu rằng :
- Thần xem thiên tướng thấy vận số của bệ hạ tướng tinh tuy có mấy chục nhưng đều không phải là chính khí, chẳng bao lâu nữa tất sẽ mất cả, duy có hai mươi tám vì tinh tú sẽ phò tá bệ hạ phục hưng cơ nghiệp. Trong bọn Tống Giang rồi sẽ có mười mấy viên tướng về hàng bệ hạ, trong đó có đến mấy người thuộc số hai mươi tám vì tinh tú kia, đó đều là những kẻ bề tôi giúp bệ hạ mở rộng đất đai bờ cõi.
Phương Lạp nghe nói cả mừng. Có thơ làm chứng như sau :
Tâm thất đương thời trừng Thái sử
Hà nhân bất tôi Lý Lăng hằng
Thuỷ tri quý sủng Kha phò mã
Nhất niệm nguyên lại vị Tống Giang
Phòng tối bao năm giam Thái sử (1)
Nào người bắt tội Lý Lăng hàng
Ai hay Kha Dẫn làm phò mã
Chỉ cốt dò la giúp Tống Giang
--------------------------
1. Thái sử : chỉ Tư Mã Thiên giữ chức thái sử lệnh đời Hán Vũ Đế. Bấy giờ Lý Lăng (là cháu danh tướng Lý Quảng) đem quân đi đánh Hung Nô, thế cô phải đầu hàng. Tư Mã Thiên xét tình thế không quy kết tội đầu hàng cho Lý Quảng. Hán Vũ Đế tức giận giam Tư Mã Thiên vào tâm thất (phòng tắm).
----------------------------------
Tạm chưa kể chuyện Sài Tiến làm phò mã, kể tiếp chuyện Tống Giang dẫn đại quân người ngựa rời Hàng Châu tiến phát về phía huyện Phú Dương. Bây giờ Bảo Quang quốc sư Đặng Nguyên Giác, nguyên suý Thạch Bảo và bọn Vương Tích, Tiểu Trung, Ôn Khắc Nhượng đã hội tụ tàn quân người ngựa về đóng giữ cửa ải ở huyện Phú Dương, một mặt sai người về Mục Châu xin chi viện. Hữu thừa tướng Tổ Sĩ Viễn sai hai viên chỉ huy sứ thuộc đội thân quân dẫn một vạn quân mã đến ứng cứu cho bọn Đặng Nguyên Giác. Chánh chỉ huy là Bạch Khâm, phó chỉ huy là Cảnh Đức đều có sức khoẻ địch nổi vạn người, nay đem quân đến huyện Phú Dương cùng hội quân với Bảo Quang quốc sư đóng giữ ở đầu núi.
Đại quân người ngựa của Tống Giang đã tiến đến eo biên Thất Lý, thuỷ quân đã chờ sẵn để chở người ngựa đi qua. Thạch Bảo trông thấy liền khoác chuỳ lưu tinh, tay cầm phong đao nhẩy lên ngựa, rời vùng núi huyện Phú Dương đón đánh Tống Giang.
Bên quân Tống, Đại đao Quan Thắng định thúc ngựa ra trận thì nghe tiếng Lã Phương kêu lớn :
- Xin đại ca tạm dừng để xem Lã Phương tôi giao đấu với tên giặc kia vài hiệp.
Tống Giang đứng dưới cờ tướng ngước nhìn, thấy Lã Phương một mình một ngựa, tay nâng ngọn kích xông thẳng vào Thạch Bảo, Thạch Bảo vội múa phong đao đón đánh. Hai tướng ngồi trên lưng ngựa quần thảo đến hơn năm mươi hiệp, đao pháp của Lã Phương đã có phần sút kém. Qúach Thịnh thấy vậy bèn nâng kích tề ngựa đến trợ chiến. Hai tướng hết sức đánh giáp vào. Thạch Bảo chỉ một thanh đao chống chọi với hai ngọn kích nhưng không hề một sơ suất nhỏ. Quang quốc sư vội cho khua chiêng thu quân. Nguyên là Bảo Quang thấy chiến thuyền trên sông Dương Tử nhân lúc thuận gió đã cập vào bờ cát. Bảo Quang sợ bị lọt vào thế gọng kìm nên cho thu quân. Lã Phương, Quách Thịnh đâu chịu buông tha, lại giao đấu với Thạch Bảo bốn năm chục hiệp nữa. Bên trận quân Tống, lại thêm Chu Đồng thúc ngựa, cắp thương xông đến. Thạch Bảo biết thế không địch nổi ba tướng, vội vã gạt mở đường chạy thoát. Tống Giang vẫy roi ngựa thúc quân ồ ạt tiến lên chiếm đèo Phú Dương. Quân mã của Thạch Bảo trên đường rút chạy không dừng lại được, phải chạy thẳng sang huyện Đồng Lư. Tống Giang luôn đêm cho quân đuổi theo, qua khỏi đèo Bạch Phong mới dừng quân đóng trại.
Đêm ấy Tống Giang sai bọn Giải Trân, Giải Bảo, Yến Thuận, Vương Nuỵ Hổ, Nhất Trượng Thanh theo đường phía đông; Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn, Phàn Thuỵ, Mã Lân theo đường phía tây, mỗi người dẫn một nghìn quân bộ tiến đến cướp trại của Thạch Bào ở huyện Đồng Lư. Lại sai bọn Lý Tuấn, ba anh em họ Nguyễn, hai anh em họ Đồng và Mạnh Khang theo đường sông đưa chiến thuyền tiến lên.
Kể tiếp chuyện bọn Gỉai Trân dẫn quân bộ tiến đến huyện Đồng Lư, bấy giờ đã vào khoảng canh ba, Bảo Quang quốc sư đang cùng Thạch Bảo bàn bạc việc quân, bỗng nghe tiếng hoả pháo nổ vang, ai nấy hoảng hốt lên ngựa. Nhìn ra xung quanh thấy khắp ba phía, lửa cháy ngùn ngụt, bọn tướng tá của Thạch Bảo chỉ biết cắm đầu theo chủ tướng tìm đường chạy trốn. Cả ba cánh quân người ngựa ào tới chém giết. Ôn Khắc Nhượng chậm chân không kịp lên ngựa phải theo đường tắt chạy trốn. Không dè lại gặp Vương Nuỵ Hổ và Nhất Trượng Thanh chặn đánh rồi bị bắt sống. Bọn Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn, Phàn Thuỵ, Mã Lân kéo đi đốt phá đánh giết khắp nơi trong huyện. Tống Giang được tin vội truyền lệnh cho đại quân nhổ trại, tiến đến đồn trú ở huyện Đồng Lư. Vương Nuỵ Hổ và Nhất Trượng Thanh áp giải Ôn Khắc Nhượng đến báo công, Tống Giang sai đưa đến quân doanh của Trương chiêu thảo ở Hàng Châu chém đầu thị chúng, chuyện không cần nói đến.
Ngày hôm sau, Tống Giang truyền lệnh cho quân thuỷ quân bộ cùng tiến đến chân đèo Ô Long. Bên kia đèo là phần đất Mục Châu. Lúc này Bảo Quang quốc sư và các tướng khác đã đem quân mã lên trên đèo đóng giữ ở các cửa ải. Cửa ải Ô Long này dựa vào sông Trường Giang, núi cao nước xiết, trên đèo là ải quan phòng, chiến thuyền dàn đậu dưới sông. Tống Giang cho quân mã dừng lại đóng trại sát dưới chân đèo. Ở cánh quân bộ, Tống Giang sai Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn dẫn năm trăm quân đao thủ đi trước dò đường. Khi bọn Lý Quỳ đến dưới chân đèo Ô Long thì quân giữ ải từ trên núi lăn gỗ đá xuống ào ào. Quân đao thủ của Lý Quỳ không sao tiến lên được. Lý Quỳ phải đem quân trở về báo tin với Tống tiên phong. Trước đó Tống Giang đã sai Nguyễn Tiểu Nhị, Mạnh Khang, Đồng Mãnh, Đồng Uy đưa một nửa số chiến tướng cùng dẫn một nghìn quân thuỷ đi trên một trăm chiến thuyền cho quân sĩ phất cờ gióng trống hát vang những bài ca sơn dã, từ từ đem chiến thuyền tiến sát đến dưới chân đèo Ô Long. Nguyên dưới chân đèo Ô Long này bên phía dựa núi là thuỷ trại của quân Phương Long, trong trại có khoảng năm trăm chiến thuyền. Số thuỷ quân khoảng trên dưới năm nghìn người, đứng đầu là bốn viên thuỷ quân tổng quản đều có biệt hiệu “con rồng”, người ta thường gọi là “Chiết Giang tứ long” (bốn con rồng Chiết Giang), đó là : Ngọc Trảo long đô tổng quản Thành Quý, Cẩm Lân long phó tổng quản Dịch Nguyên, Xung ba long tả phó quản Kiều Chính, Hý châu long hữu phó quản Tạ Phúc.
Bốn viên tổng quản ấy là lái thuyền trên sông Tiền Đường theo về với Phương Lạp, được phong chức quan tam phẩm.
Hôm ấy, bọn Nguyễn Tiểu Nhị đưa thuyền tiến đến rồi lựa chỗ cuối dòng nước xiết cho thuyền ghé vào bờ. Trong thuỷ trại của quân Phương Lạp, bốn viên thuỷ quân tổng quản đã chuẩn bị trước năm mươi ống lửa. Loại ống lửa này dùng cả cây gỗ thông đục rỗng ruột, trong nhét chặt nhùi rơm, trong nhùi rơm nhồi các chất dẫn lửa lưu hoàng, diêm tiêu, bên ngoài dùng lạt tre buộc chặt dựng sẵn ở đầu bãi cát. Khi bọn Nguyễn Tiểu Nhị ghé vào bãi, bọn bốn viên tổng quản mỗi người giương một lá cờ đỏ đi trên bốn chiếc thuyền nhẹ xuôi dòng lướt nhanh xuống, bị Nguyễn Tiểu Nhị trông thấy đều phải quay lại. Nguyễn Tiểu Nhị thừa thế đuổi theo. Bốn thuyền nhẹ ghếch đầu lên bãi rồi bốn tên tổng quản nhảy cả lên bờ, các thuỷ thủ cũng bỏ thuyền chạy theo. Nguyễn Tiểu Nhị trông thấy thuỷ trại có xưởng thuyền, có ý chần chừ chưa dám đánh tới. Đúng lúc ấy, có cờ lệnh vẫy trên đèo Ô Long, hiệu chiêng trống nổi lên, các ống khói lửa nhất loạt bốc cháy rồi theo chiều gió bùng bùng lăn xuống bờ cát. Quân sĩ trên các thuyền lớn ở phía sau nhất tề hò reo vang dậy, ai nấy đều giơ giáo dài, câu liêm, nhảy xuống chạy tiến theo các ống lửa. Bọn Đồng Uy, Đồng Mãnh thấy tình thế bất lợi vội bỏ thuyền tìm đường chạy qua núi về trại. Nguyễn Tiểu Nhị và Mạnh Khang vẫn ở lại trên thuyền chống đỡ với quân giặc. Bấy giờ các ống lữa đã cháy lan gần tới nơi. Nguyễn Tiểu Nhị vội nhảy xuống nước, liền bị thuyền giặc từ phía sau đuổi tới dùng câu liêm móc chặt. Nguyễn Tiểu Nhị hoảng hốt sợ bị bắt sống phải chịu nhục, bèn rút dao nhọn đâm cổ chết. Mạnh Khang thấy vậy cũng vội nhẩy xuống sông. Lúc ấy hoả pháo nhồi trong các ống lửa nhất loạt phát nổ rơi trúng đầu làm Mạnh Khang chết cháy ngay tại chỗ. Bốn viên thuỷ quân tổng quản nhảy lên hoả thuyền lướt xuống rất gấp . Lúc ấy Lý Tuấn, Nguyễn Tiểu Ngũ và Nguyễn Tiểu Thất đều đang ở phía sau, thấy tình thế bất lợi vội quay thuyền xuôi dòng chèo gấp về thuỷ trại ở huyện Đồng Lư.
Lại nói lúc bấy giờ trên đèo Ô Long, Bảo Quang quốc sư và nguyên suý Thạch Bảo thấy các tổng quản thuỷ quân đắc thắng, bèn thừa thế dẫn quân đánh xuống đèo. Nước sâu khó theo, đường xa khó đuổi, quân Tống Giang phải lui về doanh trại ở huyện Đồng Lư. Quân Phương Lạp lui về cố thủ trên đèo Ô Long. Vì mất hai tướng Nguyễn Tiểu Nhị và Mạnh Khang, Tống Giang lại một phen đau buồn quên ăn mất ngủ. Quân sư Ngô Dụng và các tướng khuyên can mãi không được. Nguyễn Tiểu Thất, Nguyễn Tiểu Ngũ lo liệu xong việc tang, cũng đến khuyên can Tống Giang :
- Anh cả bọn tiểu đệ hôm nay phải từ bỏ mạng sống vì đại sự của quốc gia, còn hơn phải chết ở Lương Sơn Bạc, tên tuổi bị chôn vùi. Huynh trưởng nắm giữ binh quyền chớ nên buồn phiền quá mức, tổn hại đến việc lớn. Hai anh em tiểu đệ xin được tự mình đi báo thù.
Tống Giang nghe vậy có phần khuây khoả. Ngày hôm sau Tống Giang lại cho chỉnh điểm người ngựa để xuất quân tiến đánh. Quân sư Ngô Dụng can rằng :
- Xin huynh trưởng chớ nên nóng vội, để nghĩ thêm mưu kế rồi hãy cho quân vượt đèo cũng chưa muộn.
Lúc ấy, Giải Trân, Giải Bảo bước vào nói :
- Anh em tiểu đệ vốn xuất thân làm thợ săn, đã quen vượt đèo băng núi. Xin huynh trưởng cho anh em tiểu đệ đóng giả làm người đi săn ở vùng này, trèo lên núi cao đốt lửa khiến cho giặc hoảng sợ, tất phải bỏ cửa ải mà chạy.
Ngô Dụng nói :
- Kế ấy cũng tốt, chỉ sợ ở đây đèo núi hiểm trở, nguy đến tính mạng các hiền đệ.
Giải Trân, Gỉai Bảo nói :
- Anh em tiểu đệ từ khi vượt ngục ở Đăng Châu lên Lương Sơn Bạc sống cuộc đời hảo hán trong bấy nhiêu năm đều là nhờ phúc ấm của huynh trưởng. Anh em đệ lại được nhận quan bằng của quốc gia, mặc áo ấm do thiên tử ban tặng, nay vì việc lớn của triều đình, dù phải tan xương nát thịt cũng chưa đủ đền đáp ân nghĩa của nhân huynh.
Tống Giang nói :
- Hai hiền đệ chớ lo nói lời gở, chỉ mong sao anh em ta lập được công lớn, khi về kinh triều đình hẳn không nỡ phụ chúng ta. Vì việc lớn của quốc gia, anh em hiền đều nên dốc sức dốc lòng.
Giải Trân, Giải Bảo vội đi thu xếp bao gói, mặc áo da hổ, giắt dao nhọn ngang lưng, tay xách đinh ba vào trướng từ biệt Tống Giang rồi theo đường nhỏ tìm lối trèo qua đèo Ô Long. Bấy giờ trời mới vừa xẩm tối, anh em Giải Trân, Giải Bảo gặp hai tên quân Phương Lạp mai phục bên đường. Giải Trân, Giải Bảo nhảy tới hạ thủ ngay hai tên ấy rồi đi nhanh đến dưới chân đèo. Bấy giờ vào khoảng đầu canh hai, Giải Trân nghe trên trại giặc có tiếng trống cầm canh đều đều, hai người không dám đi theo đường chính, đành phải vén gai, rẽ dây leo từng bước, từng bước bò lên. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, hai người đã leo được hai phần ba đoạn đèo, từ xa trông thấy ánh lửa thấp thoáng trên núi. Hai người người nấp bên cửa đèo, nghe trên chòi canh trống đã điểm canh tư. Giải Trân khẽ nói với Giải Bảo : “sắp sáng đến nơi rồi, anh em ta phải vượt lên thôi”. Hai ngườilại vén gai góc trèo lên. Gặp chỗ vách đá dựng đứng, hai người chỉ còn cách bám chặt mà trèo lên. Tay bíu, chân đạp, khăn gói, đinh ba bên người lủng lẳng và vào vách đá và cây cối, phát ra tiếng động làm cho lính canh trên đèo nghe tiếng. Khi Giải Trân vừa bò vào một hốc đá bỗng nghe trên có tiếng quát vang :
- Đứng im !
Rồi một ngọn câu liêm đâm tới móc vào búi tóc Gỉai Trân. Gỉai Trân chưa kịp với tay rút dao thì ngọn câu liêm đã kéo bổng người lên. Giải Trân vội vàng rút dao phạt đứt cán câu liêm, người Giải Trân cũng rơi luôn xuống vực. Thương thay cho Giải Trân, sống nửa đời hảo hán từ trên vách đá cao hơn trăm trượng rơi xuống phải chịu chết ngoài số mệnh. Phía dưới vách núi lởm chởm đá tai mèo, Giải Trân rơi xuống đó liền xương tan thịt nát. Giải Bảo thấy anh mình rơi ngã vội xoài người lui xuống nhưng lúc ấy từ trên cao đá lớn đá nhỏ lăn xuống ào ào, tiếp đó cung nỏ từ trong bụi rậm bắn ra tới tấp. Thương thay Gỉai Bảo một đời làm thợ săn, nay cùng anh ruột chịu chết trong bụi rậm bên đèo Ô Long.
Đến lúc trời sáng, bọn Thạch Bảo ở trên cửa ải sai quân xuống chặt thủ cấp Giải Bảo đem bêu nắng gió trên đèo Ô Long. Quân thám thính đi nghe ngóng biết rõ sự việc liền về báo cho Tống tiên phong biết tin. Tống Giang đau đớn khóc ngất mấy lần, bèn gọi Quan Thắng, Hoa Vinh điểm ngay quân sĩ để đi đánh đèo Ô Long báo thù cho bốn anh em đầu lĩnh.
Ngô Dụng can :
- Nhân huynh chớ nên nóng vội. Sống chết đều có số trời, còn như việc đánh chiếm cửa ải thì không thể vội vàng được. Xin chủ tướng hãy trù nghĩ kế sách thần diệu để dùng mưu đánh lấy cửa ải, rồi hãy xuống lệnh điều binh khiển tướng.
Tống Giang tức giận nói :
- Không ngờ bọn giặc này làm anh em thủ túc của ta ba phần mất một ! Ta không thể nhẫn tâm để quân giặc bêu thây anh em ta giữa nắng gió trên đèo Ô Long. Đêm nay tất phải đem quân đi đánh, đoạt thi hài của anh em đem về đây đóng quan tài mai táng trọng thể.
Ngô Dụng can rằng :
- Quân giặc đem bêu thủ cấp anh em tất là có mưu kế, xin huynh trưởng không nên nóng vội.
Tống Giang không nghe lời khuyên của quân sư Ngô Dụng, ngay trong đêm ấy đem theo các tướng Quan Thắng, Hoa Vinh, Lã Phương, Quách Thịnh dẫn ba nghìn tinh binh đi đánh đèo Ô Long. Vào khoảng canh hai quân tiến đến chân đèo. Có viên tiểu hiệu đến báo : “Hai đầu người bêu trên đèo đúng là thủ cấp Giải Trân, Gỉai Bảo”. Tống Giang đích thân phóng ngựa lên xem xet, thấy hai sào tre cắm đầu Gỉai Trân, Giải Bảo buộc trên hai ngọn cây cao. Thân cây bị tước một mảnh vỏ đề chữ lớn nhưng vì đêm tối trăng không đọc rõ.
Tống Giang sai lấy mồi lửa châm đuốc soi lên đọc rõ hai hàng chữ : “Tống Giang sớm muộn cũng bị chém đầu làm hiệu lệnh ở đây.”
Tống Giang xem xong cả giận, sai quân trèo lên cây lấy thủ cấp hai tướng đem về. Bỗng lúc ấy đuốc lửa nhất loạt cháy sáng khắp nơi, chiêng khua trống thúc liên hồi, rồi quân mai phục bốn phía nổi dậy chặn đường. Cũng lúc ấy quân cung nỏ trên đèo bắn tên xuống như mưa, chiến thuyền giặc từ ngoài sông cũng vừa ghé bến, quân thuỷ ào ạt nhẩy lên bờ. Tống Giang biết tình thế nguy cấp không ngớt kêu khổ, vội cho lui quân. Đúng lúc ấy quân giặc do Thạch Bảo dẫn đầu tiến đến chận đường, Tống Giang rẽ sang phía khác lại gặp quân của Đặng Nguyên Giác đang tiến lên. Đúng là :
Quy mô tựa có đường chen ngựa
Quang cảnh nào thua gió cuốn bờ
Chưa biết quân mã của Tống Giang thoát thân ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.