Gió hạt tốc độ cao làm khí quyển mặt trời nóng lên
Tác giả: Thiên văn vũ Trụ
Vòng tròn trắng biểu thị vị trí của mặt trời. Ảnh chụp qua lưới lọc sáng của SOHO. Vành nhật quang có bán kính rộng tới hàng triệu kilomét.
Các cơn bão hạt từ trong tâm mặt trời thổi xuyên qua bầu khí quyển của nó với tốc độ lên tới 320.000 km/giờ – nhanh hơn cả vận tốc âm thanh. Chúng tạo ra vành nhật hoa (corona), với nhiệt độ lớn hơn ở bề mặt của mặt trời đến hàng triệu độ C.
Nhóm nghiên cứu của Amy Winebarger, Trung tâm Harvard - Smithsonian về vật lý thiên văn Mỹ mới thông báo như vậy trên tạp chí Science.
Các nhà khoa học đã phát hiện những luồng khí chuyển động linh hoạt này nhờ sự giúp đỡ của Đài quan sát mặt trời và quang mặt trời (SOHO), hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ Mỹ và châu Âu. Phân tích cho thấy, các luồng hạt ion sôi sục phun lên từ dưới bề mặt của mặt trời thông qua các "ống", tương tự như vòi phun từ giếng nước sâu. Nhờ chuyển động với tốc độ cực nhanh, nên dòng hạt này thoát được sức hút của mặt trời, đẩy lên bề mặt các hạt sôi sục từ trong tâm của nó.