Mặt trăng ra đời sau vụ đụng độ giữa hai hành tinh
Tác giả: Thiên văn vũ Trụ
Nguồn gốc mặt trăng vẫn là điều bí ẩn.
Đây là giả thuyết mới nhất về nguồn gốc của mặt trăng, do nhà địa lý Trung Quốc Huang Jinzhong, thuộc Cục địa chấn, tỉnh Phúc Kiến công bố hôm nay (28/11).
Trong báo cáo tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CAST), Huang cho biết: 4,6 tỷ năm trước, hai hành tinh nằm giữa quỹ đạo của Hoả tinh và Mộc tinh, đã va chạm với nhau và vỡ vụn thành nhiều mảnh. Một trong số đó tạo thành mặt trăng nguyên thuỷ.
Mặt trăng nguyên thuỷ là một thiên thể nóng chảy, quay quanh mặt trời. Bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của Mộc tinh, quỹ đạo của nó bắt đầu thay đổi. Và đến khoảng 4,46 tỷ năm trước, mặt trăng này va chạm với vùng nam cực của trái đất và bị bật trở lại không gian. Phản lực và lực ly tâm của trái đất sau đó đã giữ mặt trăng chạy vòng tròn xung quanh hành tinh chúng ta.
Giả thuyết của ông Huang căn cứ vào cấu trúc và thành phần hoá học trong lòng mặt trăng, tuổi thọ của đá và các thông số địa chất khác.
Cho đến nay, đã có 4 giả thuyết về nguồn gốc của mặt trăng: Thứ nhất: Mặt trăng là một mảnh vụn tách ra từ trái đất. Thứ hai: Mặt trăng là một hành tinh độc lập, bị sức hút trái đất giữ lại trở thành vệ tinh. Thứ ba: Cả mặt trăng và trái đất cùng hình thành từ một đám mây bụi vũ trụ. Và thứ tư: Mặt trăng được hình thành từ các vật chất thoát ra sau khi một hành tinh khổng lồ va chạm vào trái đất.
Tuy nhiên, ở những mặt nào đó, tất cả các giả thuyết trên vẫn còn một số điểm chưa chắc chắn.
Huang cho biết lý thuyết va chạm hành tinh của ông chứa đựng lý lẽ của cả 4 giả thuyết trên, nhưng nó không đơn giản chỉ là “sự pha trộn”.
B.H. (theo Tân Hoa Xã)