Trái đất tạo ra mặt trăng như thế nào?
Tác giả: Thiên văn vũ Trụ
Một vụ va chạm lớn đã tạo nên mặt trăng.
Qua mô hình mới về sự thành tạo mặt trăng, các nhà khoa học chỉ ra rằng chị Hằng trẻ hơn nhiều so với ta tưởng. Ngay trước khi trái đất hoàn tất quá trình khai sinh cách đây khoảng 4,5 tỷ năm, một thiên thạch cỡ sao Hoả đã va vào nó, giải phóng đá và cát bụi, liên kết thành mặt trăng.
Từ nhiều thế kỷ, loài người đã vô cũng ngưỡng mộ chị Hằng. Chúng ta gửi các tàu thăm dò tới đó, đưa các nhà du hành bước trên bề mặt mặt trăng. Nhưng đến tận bây giờ chúng ta vẫn không biết chính xác làm cách nào, trái đất lại có được người bạn đồng hành ấy. Nay, nhóm khoa học của Asphaug, Đại học California, Santa Cruz đã có cách giải thích rõ ràng hơn cho "giả thuyết về vụ va chạm vĩ đại” phổ biến lâu nay về sự thành tạo của mặt trăng.
Giả thuyết này được đưa ra lần đầu vào giữa thập kỷ 70. Theo đó, mặt trăng được hình thành sau khi một vật thể, có kích cỡ sao Hoả, va vào trái đất. Nhưng, trong các mô hình tính toán sau đó, người ta không lý giải nổi mối liên quan giữa một (hay nhiều) vụ va chạm này với thành phần và khối lượng của trái đất, mặt trăng cũng như cách thức chúng lơ lửng trong hệ mặt trời như ngày nay.
Sử dụng mô hình mới, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tây Nam và Đại học California, Mỹ, đã tạo ra một bức tranh mô phỏng tác động xiên do một vật thể có khối lượng bằng 10% khối lượng của trái đất va chạm vào tinh cầu của chúng ta. Vụ đụng độ này có thể đã làm bắn ra một lượng vật chất phi sắt đủ lớn, văng vào quỹ đạo trái đất, cuối cùng liên kết lại thành mặt trăng của chúng ta, để lại trái đất với khối lượng và tốc độ quay như ngày nay.
Cũng theo mô hình này, mặt trăng được sinh ra ngay trước khi trái đất hoàn tất quá trình thành tạo, khoảng 4,5 tỷ năm trước đây. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature, hôm nay (16/8).
B.H. (theo CNN)