Vật chất tối trải khắp vũ trụ như một tấm lưới
Tác giả: Thiên văn vũ Trụ
Vật chất tối như một tấm lưới dày mà các nút là những ngôi sao hay các thiên hà (hình mô phỏng).
Các nhà khoa học Anh mới đưa ra mô hình tổng quát về vật chất tối. Theo đó, vũ trụ của chúng ta có thể ví như một tấm lưới dày được trải đều bởi thứ năng lượng lạ lùng này, và chỉ các mắt lưới là nơi hội tụ của vật chất thường.
Tiến sĩ Andrew Taylor, Đại học Edinburgh, thông báo như vậy tại buổi họp của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh ở Bristol mới đây.
Dựa vào nguyên lý khuếch đại hấp dẫn (gravitational microlensing), Taylor đã nghiên cứu một trong những nơi hội tụ vật chất lớn nhất của vũ trụ: nhóm thiên hà Abell 901/2. Ban đêm, nhóm thiên hà này có độ lớn như một mặt trăng đầy (nhưng rất mờ). Nó có đường kính rộng khoảng 10 triệu năm ánh sáng.
Abell 901/2 được chia thành nhiều nhóm nhỏ: Abell 901a, Abell 901b, Abell 902. Tổng cộng có khoảng 50.000 thiên hà lớn nhỏ đã được quan sát trong hệ thống.
Phân tích cho thấy, sao ở những thiên hà này xắp xếp thành các "mạng" dày mỏng khác nhau. Có chỗ vật chất xếp dày đặc như các mắt lưới bị xoắn, có chỗ lại rất thưa. Theo giới khoa học, điều này chỉ có thể giải thích bằng sự có mặt của vật chất tối - loại vật chất không quan sát được, nhưng có thể xác nhận chúng bằng lực hấp dẫn.
Theo các nhà thiên văn, vũ trụ chỉ có 5% vật chất thường, tức là có thể quan sát và đo đạc được. 95% còn lại thuộc loại "tối". Trong số vật chất tối, có 33% tồn tại dưới dạng không nhìn thấy được (như các lỗ đen), và 67% còn lại xuất hiện dưới dạng "năng lượng tối" (theo thuyết tương đối, vật chất và năng lượng có thể hoán chuyển cho nhau). Nguồn năng lượng tối này trải ra khắp vũ trụ, tác động ngược lại lực hấp dẫn, và đẩy các thiên hà xa rời nhau, khiến vũ trụ ngày càng giãn nở.
Nhóm khoa học của Taylor hy vọng sớm dựng được "tấm lưới vật chất tối" trong không gian ba chiều. Đây sẽ là một thành tựu đáng ghi nhận trong việc xây dựng mô hình vật lý hiện đại.