watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tôi tự học-Chương Thứ Hai - tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Chương Thứ Hai

Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

A.HỌC VẤN VÀ THỜI GIAN


Trang Tử nói: "Đời sống ta có hạn mà sự học hỏi thì vô hạn...". Đời bấy giờ mà ông còn nói thế, thì sống vào đời này phải nói như thế nào? Khoa học đã đi đến trình độ cực kì phức tạp và sâu rộng, dẫu là bậc thông minh đến đâu cũng không thể dám nói: "Óc tôi có thể chứa được tất cả cái học hiện thời ". Người như Trang Tử mà Tư Mã Thiên bảo là có một cái học "thông kim bác cổ ", vậy mà còn phải nói thế. Ta cứ nhìn kĩ chung quanh từng ngành học, sẽ thấy sự gia tăng của nó trong mấy năm gần đây mà ngợp. Dù cho ta có thể đầu thai mấy ngàn kiếp cũng không sao chứa được hết cái học của con người, ngay trong mỗi một ngành học nào cũng vậy.


Sự học ngày càng tăng, mà thời giờ con người càng ngày càng thu hẹp. Đừng nói thì giờ rỗi rãi của ta ngày nay có nhiều...Lấy ngay một cái nghề giáo viên cũng đủ thấy ngày giờ của mình đã mất hết. Dù ta bỏ hết thời giờ của ta cũng không sao có đủ để nghiên cứu học hỏi cho tinh chuyên. Nghề bác sĩ, nghề kĩ sư...và bất luận là nghề nào, muốn học đến chỗ tinh vi của nó, đều phải mất thì giờ không ít. Thế là sự học càng tăng thì giờ để thu thập nó lại càng hẹp.


Thật là một sự mâu thuẩn đau đớn cho những người ham học như chúng ta. Trước vấn đề khó giải này phải đối phó cách nào?


Chắc chắn là chúng ta không nên giải quyết một cách tiêu cực như hạng "dốt kim thời" này: họ viện lẽ "bể học mênh mông mà thời giờ không có đủ...vậy tốt hơn việc nhà mình mình biết, ghé mắt vào việc nhà kẻ khác để làm gì? Học làm gì, rút cuộc cũng không hiểu biết gì hơn người không học ..." Socrate há không có nói: "Điều mà ta biết rõ nhất là ta không biết gì cả !" hay sao?


Hạng "dốt" này, may thay chỉ có một phần tử rất ít trong xã hội ngày nay. Nói thế, đâu phải chỉ có đời nay mới có hạng người này mà thôi. Đời nào cũng có cả. Nhưng có điều là hạng "dốt kim thời" này họ dốt và biết biện hộ sự dốt nát của họ: họ viện đủ lí lẽ, nào là khoa học phá sản, nào là sức hiểu biết của trí não thì hữu hạn, còn sự hiểu biết của loài người thì vô biên...Nói cho đúng, họ là hạng dốt có "triết lí". Họ lí sự lắm và tìm đủ cách để biện hộ sự khuất phục của họ trước vấn đề học hỏi.


Lại còn có một hạng người phản đối hạng trên. Họ nhất định không chịu khoanh tay chịu dốt...Nhưng, cẩn thận hơn, họ quyết định chọn một vài sự hiểu biết nào mà họ thích nhất, rồi bám lấy, ngăn tường đắp lũy, đem tất cả thời giờ và tâm trí họ để nghiên cứu một cách sâu sa triệt để hơn. Đây là giải pháp của nhà chuyên môn . Hạng người này hiện thời rất đông. Bất cứ là đi vào giới trí thức nào ta luôn luôn đụng chạm với những nhà thông thái "trong tháp ngà" ấy. Một ông kĩ sư cấu cống không biết gì cả đến các phong trào văn nghệ trong nước, cũng không đủ sức hiểu biết một bài thơ hay. Một bác sĩ y khoa không bao giờ đọc sách triết học, hay văn chương. Một kịch gia suốt đời không đọc một quyển sách về khoa học ứng dụng.


Ngoài cái ngành chuyên môn của họ, họ không buồn biết đến việc gì ngoài chỗ sở trường của họ. Họ cũng là hạng người công nhận sự bất lực của trí não con người trước vấn đề mênh mông của sự học hỏi. Nhưng, thay vì như anh "dốt kim thời" trên đây bó tay chịu dốt, thì họ lại quyết định chọn con đường cô lập và chuyên môn. Tuy vậy, hạng người này đáng mến hơn hạng người trên đây, nhất là họ dễ thương hơn hạng người "ngụy trí thức " sau đây.


Hạng người "ngụy bác học" hay "ngụy trí thức" lại cũng là nạn nhân của vấn đề nan giải trên đây: cái học thì vô cùng mà thời gian thì có hạn. Họ không chịu dốt, nhưng họ cũng không có đủ can đảm làm nhà chuyên môn. Họ là những hạng người "dở dở ương ương" : cái gì cũng biết, nhưng biết không có cái gì thực biết. Đấy cũng là lối học ở nhà trường để đào tạo một hạng người "bác học nửa mùa ". Sách gì họ cũng đọc...nhưng mà họ chỉ đọc phớt qua như con bướm giỡn hoa...Họ bàn đến nguyên tử lực, họ nói chuyện Einstein và thuyết tương đối, họ bàn đến Vô Vi của Lão Tử, họ luận về Tam Giáo, sành chính trị, kinh tế...không có câu chuyện gì là không thấy họ phê bình chỉ trích như một kẻ chuyên môn. Những nhà "bác học nữa mùa" này hiện thời đã chiếm số khá đông trong nhân loại. Chế độ dân chủ cho phép họ nghênh ngang múa mép trong khắp các ngành hoạt động xã hội. Những báo chí, những sách phổ thông viết một cách hối hả của những "học giả nữa mùa" là những "tội nhân" đã đào tạo ra hạng người này, nhất là cái học "bách khoa" của giáo dục.


Hạng "ngụy trí thức" này thật là cả một tai vạ cho xã hội hiện thời. Đối với hạng dốt và hạng chuyên môn trên đây họ là hạng người bêu xấu sự học, hạng người đáng ghét nhất. Dân chúng thiếu học thường bị bọn người này loè bịp khiến kẻ nào múa môi lẻo mép nhất, thường được quần chúng hoan nghênh...Và chính họ là kẻ dẫn dân chúng vào những con đường phiêu lưu tăm tối của lịch sử sau này.


B. CÁI HỌC VỀ BỀ RỘNG VÀ CÁI HỌC VỀ BỀ SÂU


Có hai thứ học vấn: học về bề sâu và học về bề rộng
Có một thứ hiểu biết do bên ngoài đưa đến, có một thứ hiểu biết do bên trong mà phát huy ra được.



Cái học bao quát mà người xưa ở Đông Phương khuyên bảo: "Thượng tri thiên văn, hạ tri địa lí, trung tri nhân sự " là một cái học hết sức cần thiết để tìm biết được chân lí trong đời này. Thật vậy, mọi sự mọi vật trên đời liên quan rất mật thiết với nhau. Có biết được nguyên nhân mới hiểu rành lí sự. Nhưng cái "nhân " này sanh ra cái "quả" kia, rồi cái quả ấy lại là cái nhân cho cái quả khác, tiếp tục nhau mà đến. Sự việc này xảy ra trước mắt ta hôm nay, trước đây đã có một dọc nguyên nhân mà ta không biết và có biết chăng, cũng chỉ biết được một vài nguyên nhân thiển cận mà thôi, còn lại không biết bao nhiêu nguyên nhân khác nữa, hữu hình có, vô hình cũng có mà ta không làm sao biết hết được. Người trí sở dĩ khác được kẻ ngu chỉ ở điểm này: Một đàng đã tìm thấy được nhiều nguyên nhân sâu xa và rộng rãi, còn một đàng thì không nhận thấy một nguyên nhân nào khác hơn là sự việc đã xảy ra mà thôi. Vì vậy mà người trí thức cần phải có một cái học rộng rãi để khỏi phải bị thiên kiến trong khi nhận xét và phê bình.


Nhưng cần nhất là phải có một cái học chuyên môn, một cái học về bề sâu. Victor Duruy nói: "Phải có một cái học tổng quát để phụng sự cho ngành chuyên môn của mình !".


Câu chuyện sau đây chứng tỏ rằng cái học chuyên môn mà được tận tâm huấn luyện bắt buộc ta phải đi đến cái học tổng quát.


Một nhà tiến sĩ văn chương cổ điển, ngày kia đến viếng ông Kerschensteiner, bấy giờ đang làm hiệu trưởng các trường ở Munich, để xin một chân giáo học ở trường tiểu học của ông. Dĩ nhiên trong việc xin dạy đây, chắc hẳn không phải vì vấn đề sinh nhai mà chính vì ông ta muốn tự mình nghiên cứu sự tổ chức và phương pháp dạy dỗ ở cấp đại học mà ông sẽ có phận sự đảm nhiệm.


Kerschensteiner, trước lòng khẩn thiết nhật thành ít có ấy, bằng lòng nhận ông ấy vào dạy học, nhưng cũng không quên nhắc ông rằng cái học chuyên khoa về ngôn ngữ học của ông e sẽ là một trở ngại to tát cho công việc dạy dỗ của ông đối với cấp sơ học. Ông này cho biết rắng sự chuyên học về tiếng La Tinh va Hy Lạp đầu tiên đã hướng ông vào công việc nghiên cứu về lịch sử thời cổ sơ. Và nghiên cứu thời tiền sử, và vì thế bắt ông phải đeo đuổi theo khoa nhân loại học. Chính lúc ấy ông cảm thấy ông cần phải có một sự hiểu biết vững vàng về vạng vật học và ông bắt đầu nghiên cứu về thực vật học và động vật học. Nhân đó, ông cảm thấy ông còn thiếu sót rất nhiều về vật lí học cũng như về hóa học, bởi vậy ba năm sau khi thi đậu bằng tiến sĩ văn khoa, ông theo thọ giáo những nhà khoa học trứ danh Rontgen và Bayer.


Câu chuyện trên đây, đâu phải là một câu chuyện đặc biệt riêng gì của một người: các nhà học thức chân chính nào cũng đi một con đường như ông tiến sĩ trên đây cả. Thật vậy, khi mình muốn đi thật sâu vào một vấn đề nào, thường thường lại phải cầu cứu đến các ngành học khác có liên lạc đến nó. Như cái học về vật lí bắt ta phải sành toán học, cái học về địa lí buộc ta phải có một cơ sở học vấn vững vàng về địa chất học.


Thành ra, chỉ đi sâu vào ngành học nào, người ta rốt cuộc cũng tìm ra được cái học bao la tổng quát, vì sự vật trong đời chằng chịt dính líu nhau, không có một sự vật nào là cô đơn độc lập cả.



Rồi ra, cái học tổng quát có cái hại này, là cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì chuyên môn thực hiện được cả cho sự tiến bộ chung của nhân loại. Tuy vậy, nó có những cái lợi to tát này là nó đào tạo cho ta có được một cái nhìn bao quát, không thiên kiến, trí óc và tâm hồn rộng rãi, hiểu được người chung quanh, không có tinh thần quá khích. Đời sống tinh thần cũng dồi dào mà hưởng thụ sự sung sướng cũng rộng rãi. Thử tưởng tượng một người có óc thẩm mĩ, hiểu biết được cái hay của âm nhạc hay hội họa, bất kì là âm nhạc hay hội họa của nước nào. Người đó phải chăng là người có nguồn hạnh phúc tinh thần vô tận không? Trái lại, những kẻ chỉ biết cái hay của vọng cổ mà không thưởng thức cái đẹp của một bản nhạc Beethoven, biết cái hay của một tuồng hát bóng Âu Mỹ mà không thưởng thức nổi cái đẹp của một tuồng "hát bội" Á Đông...thì dĩ nhiên nguồn cảm hứng mĩ thuật phải kém nhiều, vì bị hạn định.


Cái học chuyên môn thì có cái lợi nhiều cho xã hội, khiến cho công việc làm ngày càng trở nên tinh tiến, mau lẹ, nhưng nó có cái hại là thường hay biến con người thành bộ óc hẹp hòi, vì nghề nghiệp. Có quá nhiều nhà chuyên môn họ làm thái quá đến lố bịch...Như nhà bác sĩ kia bị ám ảnh vì vi trùng, rồi dưới con mắt ông, cái gì cũng cắt nghĩa bằng vi trùng...Cho đến tình yêu họ cũng cắt nghĩa là bị vi trùng "yêu". Dưới mắt bác sĩ, điên là một chứng bệnh, nhưng thiên tài đối với các ông cũng là một chứng bệnh. Thậm chí có nhà bác học nọ cho Đức Jesus cũng là một người điên, vì là một người "phi thường ". lại nữa, nhà chuyên môn cũng thường bị mang chứng bệnh "Sai ngoa về nghề nghiệp " nữa. Đó là một tai hại đáng lo ngại, cần phải tránh xa vì nó có tính cách phản văn hóa.


C. CỐ GẮNG: ĐIỀU KIỆN ĐẦU TIÊN
CỦA SỰ TIẾN BỘ TINH THẦN


Muốn có sự tiến bộ về văn hóa, tức là muốn cho sự học được bổ ích cho tinh thần, phải để ý đến yếu tố đầu tiên này, sự cố gắng .


Một cố gắng dù nhỏ bậc nào cũng là điều kiện cần thiết để tinh thần trí não ta tiến bộ. Ngày nay, phần đông đã hiểu một cách sai lầm rằng: ông thầy dạy hay không phải ông thầy bắt ta làm việc, mà là ông thầy làm việc thế nào cho ta. Cũng như sách hay không phải là sách mà tác giả bắt ta suy nghĩ, trái lại là sách mà tác giả đã suy nghĩ sẵn cho ta, có khi tác giả đã làm sẵn bài tóm tắt cùng dàn bài cho ta nữa những sách học trò lớp năm...vậy.


Người ta lại còn rút ngắn và lược thuật các quyển sách chỉ nói đại cương như loại "Degest" của Mỹ, và loại sách ấy rất được đa số quần chúng ưa thích...Dường như càng cố tránh cho độc giả phải nhọc công tìm kiếm, và suy nghĩ được chừng nào hay chừng nấy, đó là người ta đã đạt được mục đích mà họ gọi là "phổ thông"...Kể ra những công việc làm ấy, về mặt văn hóa, không giúp ích gì tinh thần bao nhiêu. Độc giả chỉ đóng một vai tuồng thụ động trong khi đọc sách, thành ra, đọc sách thì thật nhiều, mà kết quả về văn hóa thì chả có là bao.


Đọc sách du lịch, viếng các việc bảo tàng, đi nghe âm nhạc, nghe diễn thuyết...không phải là đi tìm món ăn tinh thần, gây dựng cơ sở văn hóa cho mình sao? Làm mấy công việc đó đâu cần gì phải cố gắng?


Ta nên nhớ rằng, người ta có thể đọc sách rất nhiều, đi du lịch cùng khắp thế giới mà dốt nát vẫn hoàn dốt nát. Là tại sao? Đọc sách có nhiều sách. Nếu đọc sách chỉ để giết thời giờ, tìm vui thích hoặc để tìm quên lãng trong những lúc buồn chán ở trên toa xe hay đọc sách để tìm giấc ngủ - thì đọc sách không lợi gì cho tinh thần cả. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là khi nào mình biết vận dụng tất cả năng lực và năng khiếu của mình, nhận thức được rõ ràng những ý kiến sâu thẳm của lòng mình đem ra so sánh với những ý kiến dị đồng của tác giả, biết sắp đạt lại những kí ức của mình, biết trầm ngâm suy nghĩ, biết làm việc có phương pháp, tóm lại, biết thảo luận và thông cảm với tác giả quyển sách mình đọc, đó là cách đọc sách đấy.



Du lịch cũng là một nguồn học hỏi, nhưng biết du lịch chỉ là thụ động, mà không biết quan sát, biết suy nghĩ thì dù có lê chân suốt đời khắp năm châu thế giới cũng chẳng ích gì. Sở dĩ du lịch đã giúp ích cho sự "đa văn quảng kiến" cho nhiều bậc văn hào trên thế giới như bằng chứng nơi những tập du kí của những đại văn hào H. de Keyserling, Aldous Huxley, R.Rolland, A. Gide...là vì những nhân vật ấy đã khéo biết quan sát, không phải cái bề ngoài của sự vật và con người mà là vì họ đã biết nhìn xem cái động cơ vô hình đã nhào nặn những sự kiện hữu hình dưới mắt họ kia. Sự du lịch của họ không có tính cách thụ động nhọc nhằn chán nản như một thí sinh dượt thi một cách đau khổ chán chường...Sự cố gắng trong vấn đề học hỏi rất có thể trái ngược lại, là một cố gắng đầy hứng thú và hăng hái nhất đời - như sự cố gắng của nhà đánh vợt hay đá banh trong một cuộc tranh hùng hào hứng và sung sướng. Ta lại cũng có thể so sánh sự cố gắng ấy như sự cố gắng của nhà thi sĩ "nặn" được một vần thơ...tuy vô cùng nhọc mệt, nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.


D. CỐ GẮNG MÀ ĐƯỢC BỀN BỈ LÀ NHỜ
CÓ SỰ HỨNG THÚ LÀM HẬU THUẪN


Giáo dục mà có hiệu quả, chỉ khi nào gây được nơi con người một sự cố gắng tinh thần. Nhưng đừng hiểu lầm rằng lối "giáo dục mới" chủ trương sự giáo dục tự do, nghĩa là không ép buộc làm việc, trái lại, để cho học sinh thích gì học nấy, đừng bao giờ bắt buộc học sinh những gì nó không thích, mà phải biết gây hứng thú cho việc học, là lối giáo dục hủy bỏ sự cố gắng. Hiểu thế là sai lầm. Lối giáo dục mới ngày nay không bao giờ chủ trương hủy bỏ sự cố gắng, mà thực ra là tìm cách để gây hứng thú cho sự cố gắng được lâu dài. Chỉ khi nào có hứng thú thì sự cố gắng mới được bền bỉ. Lòng ham muốn mê say là một động cơ thúc đẩy và nuôi nấng sức cố gắng không ngừng đến cực độ. Bởi vậy, tìm được hứng thú cho sự học, bất cứ là cái học nào, đó là điều kiện đầu tiên và cần thiết để duy trì sự cố gắng được lâu bền và có đường lối.


Đ. BIẾT TỔ CHỨC SỰ HIỂU BIẾT CỦA MÌNH


Người học thức không chỉ là người học nhiều mà thôi, mà là người đã "tiêu hóa" được cái học của mình, vì đã biết tổ chức những tài liệu mà mình đã thu thập thành một cái biết có cơ sở vững vàng và rộng rãi. Tổ chức sự hiểu biết của mình không phải là đem nó gò bó vào một hệ thống tư tưởng nào. Đừng học theo thói các nhà có óc câu nệ: bất cứ sự kiện nào cũng đều đem sắp vào một hệ thống tư tưởng mà mình đã tôn thờ.


Người có một trình độ văn hóa cao là người có một đầu óc rộng rãi, một tâm hồn khoáng đạt, không bao giờ chịu giam mình trong một học thuyết hay một chủ nghĩa nào. Họ biết rằng trong đời còn biết bao là điều hay chuyện lạ khác ngoài cái triết học mà họ tôn sùng. Vòng chân trời to rộng của sự hiểu biết của họ cứu họ thoát khỏi cái nhìn thiển cận và nô lệ của tâm hồn. Kẻ có một trình độ văn hóa cao rộng là người có rất nhiều bậc thầy nhưng không nô lệ một ông thầy nào cả . Nhờ đọc Epictete mà họ thoát khỏi ảnh hưởng của Montaigne, cũng như nhờ đọc Montaigne mà họ thoát khỏi Epictete. Nhờ đọc Lão Trang mà họ thoát khỏi Khổng Mạnh, nhờ đọc Vương Dương Minh mà họ thoát khỏi cái học của Tống Nho.


Tóm lại, nhờ họ có rất nhiều "Thầy" nên họ không lệ thuộc một ai cả. Họ nhờ đó mà biết quan sát một cách không thiên kiến, biết nhìn lạic các vấn đề quan trọng bằng những nhãn quan khác nhau, biết kiểm lại tư tưởng và những thành kiến của mình với cặp mắt luôn luôn mới mẻ. Họ không bao giờ có những định kiến không thay đổi nghĩa là họ có óc "hoài nghi triết lí" thỉnh thoảng biết đặt lại những vấn đề mà họ thiết tha tin tưởng nhất. Một bậc "thức giả" xứng đáng với cái danh từ tốt đẹp ấy sở dĩ khác kẻ tầm thường trong đời chỉ vì một đàng thì có những phản ứng cực kì uyển chuyển tùy nghi thích ứng, còn một đàng thì chỉ có những phản ứng hạn định một chiều mà bất cứ một ai để ý quan sát đều có thể đoán trước được. Họ là kẻ biết rõ cái đạo "tiến thoái tồn vong", nghĩa là kẻ biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên thối, lúc phải giữ cho còn, lúc phải làm cho mất.


E. ÓC PHÊ BÌNH


Đành rằng, người học thức không thể tránh được tất cả những ảnh hưởng ngoại giới...nhưng họ là người biết phê phán, biết lựa chọn với một đầu óc sáng suốt, độc lập và tự do. Dĩ nhiên những danh từ này dùng với cái nghĩa tương đối của nó. Hay nói một cách khác, họ là người có óc phê bình sáng suốt và linh động.


Một cái "học" mà xứng đáng với danh từ chân chính của nó, ít ra cũng phải có đủ hai điều kiện sau đây:
1. Trước hết cái "học" ấy đừng phải là cái học "quá chuyên môn". Một nhà khảo cứu về các loài bướm hay các loại "tem" bưu điện chưa phải là một nhà có học thức cao.
2. Cái "học" ấy phải là một cái học do sự suy nghĩ nghiền ngẫm mà có, chứ không nên là cái học do kẻ khác mang lại cho mình sẵn sàng, tránh cho ta phải vận động đến óc phê bình, phán đoán hay suy nghĩ gì cả. Một sự hiểu biết không giúp ta suy nghĩ thêm, lại làm tắt hẳn óc tò mò và gây tạo một tinh thần thụ động, không ham thích tìm tòi gì nữa cả...là một cái học "chết". Những kẻ tự hào có một cái học như một cái "đơn bá chứng" có thể dùng để giải quyết được tất cả mọi vấn đề trong đời mình là những kẻ đáng thương hại nhất.


Loài thú cũng giống như loài người đều có thiên tính. Thiên tính là một năng khiếu mà tạo hóa đã ban cho tất cả mọi sinh vật trên đời để phản ứng được với tất cả mọi biến cố trong đời mà không cần phải dùng đến lí trí, không cần phải đặt vấn đề. Trái lại, văn hóa làm nẩy sinh trong đầu óc con người vô số vấn đề, bắt phải luôn luôn suy nghĩ. Cặp mắt của người có một trình độ văn hóa cao luôn luôn nhìn đời với những khía cạnh và máu sắc mới lạ. Và phải chăng đó là tất cả danh dự của con người?


G. "BIẾT MÌNH" LÀ CÁI HỌC
ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI TRI THỨC


Sự học của ta thường có thể đi vào hai chiều. Chiều "hướng ngoại", tức là óc tò mò của ta thiên về ngoại giới, thì đi theo những vật gì ngũ quan tiếp xúc được như mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi, chân tay rờ mó được, mà sự nghiên cứu có lề lối phương pháp, người ta cho nó cái tên chung là khoa học. Hoặc chiều "hướng nội", thì đi sâu vào đời sống tình cảm và ý tưởng của ta, tức là đi vào một cõi thế giới mà chỉ có tâm tư ta đạt đến được mà thôi, nghĩa là đi đến cái học về con người của ta, không phải về con người vật chất mà là về con người tinh thần, cái con người biết suy nghĩ, biết tư tưởng với cái nghĩa rộng của nó, tức là biết đau khổ, biết sung sướng, biết ham muốn, biết nhận thức, biết hiểu biết, biết phê bình, biết lí luận, biết sáng tác và biết tự mình định đoạt qui tắc cho hành động mình, biết chọn lựa sự tín ngưỡng của mình và biết trù liệu suy nghĩ đến số phận của mình. Sự hiểu biết về đời sống nội tâm của mình dường như đã bị nhà khoa học xem thường và cho đó là một cái học "xa xí phẩm" dành cho nhà luân lí, triết học, tâm lí và văn chương thi sĩ lo nghĩ mà thôi. Đối với thường nhân, đó cũng chỉ là một cái học sống trong tưởng tượng chứ không phải là cái học trong thực tế.


Thực sự, trong lịch sử tư tưởng loài người, bao giờ cũng khởi đầu bằng sự chú ý đến ngoại giới trước khi đi về cái học nội tâm. Phải có một trình độ văn hóa cao mới có thể dùng đến khẩu hiệu này: "Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan ", và đi sâu vào con đường quan sát "nội giới".


Cái học cần thiết cho con người là cái học về bản thân.
Tất cả những cái học khác đều là phụ thuộc, đều để mà phụng sự nó, không được quyền cướp phần ưu tiên. Một nhà hiền triết Đông Phương nói: "Tri nhân giả tri, tự tri giả minh" (biết người là trí, biết mình là sáng). Hiền giả Hy Lạp Scrate cũng bảo: "Hãy tự tri". Cuối thế kỉ thứ 18, Geothe khuyên ta: "Cái học về con người là cái học hứng vị nhất đối với chúng ta, và có lẽ là mục đích quan trọng nhất mà ta nên chú trọng. Tất cả chung quanh ta chỉ là cái khung cảnh để chúng ta sinh hoạt, hoặc là để dùng làm dụng cụ cho ta mà thôi. Nếu chúng ta lại quá quan trọng và chú ý đến những hoàn cảnh bên ngoài ấy, đó là ta làm giảm mất nơi ta cái chân giá trị con người của ta và của xã hội nữa. Và ông đã phải than: "cái mà người ta biết thì không biết dùng để làm gì; trái lại cái mà người ta không biết lại chính là điều mà ta cần dùng nhất ". Thật là một câu nói đáng cho ta chú ý, nhất là ở thời buổi này.



H. HỌC ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG
CON ĐƯỜNG XỬ THẾ
Có kẻ cho rằng học là để có một phương tiện đắc lực để thành công - thành công trong con đường xử thế. Nhà văn sĩ Vauvenargues nói: "Người có một tinh thần sâu sắc cần phải tự đào tạo một cái học để khám phá những tế nhị của lòng người, tuy đối với nhà toán học, nó là một cái học mơ hồ nhưng chắc chắn nó giúp ta rất nhiều trong sự thành công trong đời"


Theo ông Vauvenargues thì sự hiểu biết một cách thâm sâu lòng người là để giúp ta gây ảnh hưởng và cái học xử thế phải chăng là cái học cơ sở mà chúng ta cần phải có, để được thành công trên đời? Nghĩa là không có cái học nào là cái xứng đáng với danh từ của nó, nếu nó không giúp ta điều khiển được kẻ khác? Hay nói một cách khác, nói theo danh từ ngày nay, học là để thành công . Thực ra, cái quan niệm về sự học này, có điều không ổn thỏa. Dù rằng, có văn hóa cao, tức là ta có thêm một yếu tố khuất phục được kẻ khác, nhưng đâu phải nó là yếu tố chính, yếu tố duy nhất để gây được uy tín cho mình. Người ta sở dĩ có được uy tín là nhờ rất nhiều yếu tố khác nữa như những yếu tố khách quan này: giọng nói chững chạc, tướng mạo điềm đạm, hoặc có những thiên tư quyết định lẹ làng, can đảm, dám nhận lãnh trách nhiệm...Vả lại, văn hóa cao tuy giúp cho ta có được thêm nhiều phương tiện để phô trương ý chí của mình, thì mặt khác nó cũng giúp cho ta nâng cao tâm hồn và đồng thời làm giảm bớt những dục vọng ích kỉ, không đem con người làm vật hi sinh, nghĩa là sai sử họ và lợi dụng họ để làm nấc thang cho con đường danh lợi của mình. Nó giúp cho ta có lòng biết tôn trọng nhân phẩm kẻ khác, nâng cao tính công bình và lòng nhân đạo của mình. Sự học hỏi không còn phải là một khí cụ để ta ngự trị và bóc lột người đồng loại, một năng lực để cho ta thành công trên sự vụng và ngu dại của kẻ khác. Nhưng, hiểu ngược lại cũng là sai. Nếu bảo rằng sự học không giúp gì cho con người trên thực tế, thì học để làm gì? Sống trong loài người, chúng ta phải cần đến mọi người khác, không có họ ta cũng không làm được gì cả. Ta cần phải làm cho họ nghe theo ta, phụ lực với ta...Vậy làm cách nào cho họ phục ta, đem người thù làm người bạn, đó là cách xử thế rất cần...Cái học dùng trong đạo xử thế không còn phải là cái học dùng để lợi dụng bóc lột người.


Dĩ nhiên, cái học xử thế không thể còn dùng đến toán học để giải quyết những vấn đề khúc mắc của lòng người. Mà trái lại, phải dùng đến một năng khiếu khác hơn là óc khúc chiết: tôi muốn nói đến óc tinh nhuệ .


J. ÓC TINH NHUỆ
Ngoài lí trí, tức là óc khúc chiết, ta cần phải lo đào luyện óc Tinh nhuệ .
Chính óc tinh nhuệ nó giúp ta trên con đường nghiên cứu những gì mà giác quan của ta không còn nhận xét được nữa, tức là giúp ta hoạt động trên những vùng tinh thần rất tế nhị của tình cảm về tư tưởng: ở đây ta chỉ có thể cảm được chứ không còn suy tính ra được, ta có thể nhận thấy ngàn muôn sợi dây liên lạc vô cùng tế nhị và chằng chịt mà ta không sao thấy được dấu hiệu gì bộc lộ bên ngoài...Óc tinh nhuệ giúp ta thấy được chỗ không thể lìa ra của sự vật trên đời, trong khi phần đông người ta thấy toàn là rời rạc.


Muốn đào luyện óc tinh nhuệ, điều kiện đầu tiên là phải biết tập trung tất cả sự chú ý của ta về cái con người "sâu sắc, phức tạp mà duy nhất " của mình đây...Trong tất cả cái học trên đời này, cái học về mình là quan trọng nhất. Cần suy nghĩ, nghiền ngẫm đến con người nói chung và của mình nói riêng, tìm hiểu một cách sâu sắc, tinh tế những tình cảm của ta, những cách suy nghĩ và hành động của ta...Phải để ý quan sát và tìm hiểu ý nghĩa và hành động của con người trong khi mình giao thiệp với họ, từ cái tiếng cười hay câu nói, trong cái lặng thinh hay liếc mắt đều có một cái gì biểu lộ được cái sâu kín của cõi lòng. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để mài giũa óc tinh nhuệ của ta...Muốn cho óc tinh nhuệ được thêm tế nhị, ta cũng cần rút kinh nghiệm nơi những bộ tiểu thuyết danh tiếng của các đại văn gia Âu Mỹ cùng những tuồng truyện có tiếng tăm quốc tế.


K. BIẾT TUYỂN CHỌN
Học, cần phải biết tuyển chọn. Tuyển chọn, tức là phê phán, quyết định và lọc lại trong mớ sách ngổn ngang chồng chất trong các nhà sách những sách nào hợp với mình và cần thiết cho nhu cầu hiện thời của mình. Không lựa chọn, đụng đâu đọc đó, là làm tản mát tinh thần mà cũng không hiệu quả vào đâu cả.


Tuyển chọn phải là công việc đầu tiên của người ham học. Chẳng những phải biết chọn riêng cho mình những sách mà mình thích nhất, lại cũng phải biết chọn trong một quyển sách những chương nào hay nhất để ta thỉnh thoảng đọc đi đọc lại. Tuyển chọn cũng có nghĩa là tuyển lại một trang, một đoạn hoặc một câu nào hay nhất có thể là tinh hoa của cả một chương, hay của một tiết để xem đi xem lại, hoặc để học thuộc lòng hay ghi nhớ trong tâm khảm. Phải có những tập trích tuyển các câu văn hay, những câu thơ đẹp hoặc những đoạn sách đặc sắc với những tư tưởng mới...cho riêng mình. Nhưng cũng phải có một cuốn tập riêng để tóm tắt, và phê bình những sách hay mà mình đã học. Ở đây, mỗi người đều có một phương pháp riêng không thể bắt ai theo ai được.


Tập trích lục các đoạn văn hay nên sắp theo thứ tự vấn đề và theo mẫu tự. Tôi thấy có nhiều người cho dán vào những quyển sổ to luôn cả bài báo nào hay nữa. Thói quen ấy cũng rất hay, nhưng cốt yếu phải sắp đặt cách nào để một khi ta muốn dùng đến là tim được ngay lập tức. Có người chép lại hoặc tóm tắt lại những đoạn văn hay trên những tờ giấy rời, dĩ nhiên là chép trên một mặt thôi, và bỏ chung vào một trong bao thư lớn có đề tựa. Tóm lại, ta cần phải tuyển chọn những sách hay nhất trong những sách hay, những trang hay nhất trong những sách hay nhất. Phương pháp tuyển chọn ấy dĩ nhiên là có tính cách cá nhân, nhưng đó mới thật là phương pháp hay. Khi ta tìm ra được một trang sách hay là vì nó là tiếng dội của lòng ta và ta có thể nói: "Đây là ý tưởng và cảm xúc của tôi, và nếu tôi viết ra, tôi chỉ muốn viết được như thế, chỉ tiếc vì tôi không đủ tài hoa để miêu tả được thôi".



Ta nên dành riêng cho những sách ta đã tuyển chọn ấy một ngăn đặc biệt trong tủ sách ta, và có người lại khuyên ta nên "đem nó mà đóng lại, giấu nó đi, và đừng cho ai mượn cả, dù là bạn chí thân cũng vậy".
Sự tuyển chọn là một phương pháp hay để tự mình biết rõ cái chân tướng của mình. Cứ đọc những tập trích tuyển đủ biết khuynh hướng và tâm hồn của người trích tuyển ấy: hễ "đồng thinh" mới "tương ứng", "đồng khí" mới "tương cầu".


Khi mình còn ít tuổi thì mình chưa định, chưa biết tuyển chọn, nên sự kết giao rất bừa bãi. Đến khi có tuổi, thì sự kết giao bắt đầu siết chặt lại vòng dây: ta bắt đầu tuyển chọn. Về việc học cũng thế.


Lúc còn trẻ, mình thường có nhiều cao vọng muốn biết tất cả và nhớ tất cả! Vì vậy mà tuổi ấy khó học nhất, bởi chưa biết tuyển chọn.


Ngay khi viết sách cũng thế. Có nhiều nhà văn "trẻ tuổi" họ không biết tự giới hạn vấn đề, không biết tiết kiệm lời nói, họ thao thao bất tuyệt và giành hết quyền sáng tác của độc giả. Bởi vậy, có người đã bảo: "Thế nào là quyển sách hay? Là quyển sách mà tác giả đã biết hạn chế vần đề, tiết kiệm lời nói. Trái lại, quyển sách dở là quyển sách mà trong đó tác giả không còn để thiếu sót cái gì cả, không để cho độc giả cùng bàn góp thêm được phần nào ý kiến của mình". Cần nói nữa lời thôi, nhưng là những lời nói khêu gợi. Phải biết giúp cho người suy nghĩ, đừng suy nghĩ thế cho người. Sách hay, tức là sách bắt ta suy nghĩ, bắt ta hoài nghi và đặt lại vấn đề. Jean Giutton nói: "Nhà văn cần phải biết nín lặng, đừng nói hết ý nghĩ của mình và phải đề cho độc giả có chổ tỏ ra sự hiểu biết của họ". Như vậy, những vở tuồng hoặc truyện hay là những vỡ tuồng, truyện như vở Rhasomon hay là Địa ngục môn của Nhật, hoặc những tiểu thuyết của Andre Gide trong đó tác giả chỉ trình bày và đặt vấn đề, chứ không giải quyết. Lối dạy học của Socrate cũng một thế ấy: ông chỉ đặt câu hỏi. Đọc sách mà suy nghĩ thì nên đọc những quyển sách ấy, và sách như thế mới là những quyển sách hay.


Người ta bảo, Pascal chết sớm nên sự nghiệp văn chương của ông bị gián đoạn. Nhưng chính ông chết sớm mà sách vở của ông có tính cách giáo dục nhiều hơn cả, bởi một lẽ rất giản dị là nó bị gián đoạn và pascal không kịp nói hết lời. Tiếng đàn hay là hay ở dư âm...Lời nói hay là lời nói vắn tắt mà hậu ý thâm trầm và man mác...


"Kẻ nào chưa biết tự hạn chế là người không bao giờ biết viết văn". (Boileau)

* Có hai cách tuyển chọn:
Cách thứ nhất là lượm lặt tinh hoa của tất cả sách vở bất cứ thuộc về loại gì, bất cứ thuộc về thời nào.


Cách thứ nhì là chọn trước một đầu đề rồi sau lấy đó làm trung tâm nghiên cứu, tuyển chọn những gì liên quan mật thiết với nó, và mỗi ngày mỗi đi sâu vào vấn đề, được chừng nào hay chừng nấy.


Trong hai cách tuyển chọn ấy, cách sau này là tiếp thu hơn hết, và cách trước là lí thú hơn hết. Cũng cần tham khảo cả hai.


Về sự tuyển chọn, có người khuyên ta: "Đừng bao giờ đọc những vài văn bây giờ, nhất là vừa mới viết do những ngòi bút mới lạ. Đừng đọc sách mới xuất bản. Phải để cho thời gian đào thải...Ngày giờ ta rất ngắn ngủi: đừng nên đọc những sách chưa chịu nổi thử thách của thời gian. Đừng đọc sách của những nhà văn chưa có tên tuổi. Chỉ nên đọc những sách gì đã được tái bản hay xuất bản được trên ba mươi năm, trên ba trăm năm, trên ba ngàn năm...bấy giờ bạn sẽ lại gặp văn hào Homere "...


Lại cũng nên nói "tuyển chọn những sách nào làm cảm xúc được ta ". Nhưng ta nên hiểu chữ "cảm xúc" đây không có nghĩa là cảm động ngoài da bằng một thứ cảm giác kích thích thần kinh hay vật dục của ta như những quyển tiểu thuyết diễm tình hạng rẻ tiền. Cảm xúc đây là sự cảm xúc sâu nặng như sự cảm xúc của Augustin Thierry khi đọc quyển Les Martyrs của Chateaubriand, của Malebranche khi đọc quyển Traite' de Lhomeme của Descartes: một người thì tìm ra được cái khiếu về sử học, một người thì tìm ra được cái khiếu về triết học của mình. Quyển sách đầu tiên đã làm cho tôi xúc cảm quá sâu nặng và đã ảnh hưởng tư tưởng của đời tôi không nhỏ là quyển La Conquete de l'Illision của J.J.Van Der Leeuw. Đó là những sách có thể gọi là hay, dĩ nhiên là đối với riêng từng cá nhân vậy.
Tôi tự học
TỰA
Chương Thứ Một
Chương Thứ Hai
Chương thứ Ba
Chương thứ Ba (tt)
Chương Thứ Tư
Chương Thứ Năm
Chương Thứ Năm (tt)
Chương Thứ Sáu
Chương Thứ Bảy
Chương Thứ Bảy (tt)
Chương Thứ Tám
KẾT LUẬN