Chương 11
Tác giả: Thuỳ An
Thoại đi Hà Nội về, đem đến cho tôi thật nhiều quà.
Ban đầu tôi làm mặt giận trách Thoại tại sao đi chơi xa vậy mà chả cho tôi biết. Thoại vò đầu bút tai thề sống chết rằng có nhắn với Bích, tôi giả vờ bảo mình chưa gặp Bích ... Hành hạ một lúc, sau thấy nét mặt bối rối của Thoại tội nghiệp quá, tôi bèn đổi giận làm vui:
- Thôi lần nầy bổn cô nương tha cho anh đó.
Thoại mừng rỡ, anh chuộc lỗi bằng cách lột nhãn cho tôi ăn.
Ôi những trái nhãn Hưng Yên sao mà thơm ngon thế, vỏ mỏng cơm dầy và hột nhỏ xíu, vị ngọt dịu như đường phèn. Ăn xong một chùm nhãn lớn, tôi bắt đầu kiếm chuyện:
- Mai mốt Minh thi rớt, Thoại có còn chơi với Minh nữa không?
Thoại nhìn tôi đăm đăm:
- Minh nghĩ sao mà nói với Thoại như vậy? Minh không hiểu lòng Thoại thật hay cố tình không hiểu?
Đôi mắt của Thoại buồn kỳ lạ, tôi chợt ân hận, tôi nói sang chuyện khác:
- Thoại đi Hà Nội có nhớ những hàng dầu thẳng tắp của thành phố mình không?
Gương mặt Thoại sáng lên:
- Nhớ chứ, nhớ nhất là chỗ hai đứa mình gặp lại nhau hôm đi lấy phiếu báo danh ấy.
- Thôi, Thoại đừng nhắc đến chuyện thi cử nữa, Minh chán lắm.
Thoại đứng dậy:
- Vậy bây giờ chúng mình đến đó chơi nghen - rồi anh nhìn lên trời - Trời hôm nay thật đẹp lại có gió nữa, thế nào mình cũng gặp được một vài cánh hoa bay.
Tôi vỗ tay:
- Hay quá, Minh chưa có bài thơ nào nói về loài hoa nầy cả.
Tôi và Thoại ra tới cổng thì gặp mẹ, không hiểu có việc gì mà mẹ về nhà vào lúc nầy.
- Con đi mô ? - Mẹ hỏi.
Tôi bối rối nhìn Thoại.
- Thưa bác ạ.
Mẹ lạnh lùng gật đầu rồi không để ý đến Thoại, mẹ quay sang tôi:
- Mẹ hỏi con đi mô?
- Con đi chơi chút xíu mà mẹ.
Không lẽ trước mặt Thoại mẹ lại bắt tôi ở nhà, nên mẹ nghiêm nghị:
- Đi mau rồi về, mẹ có chuyện muốn nói với con.
Cuộc đi chơi mất cả vui vì tôi cứ nơm nớp không biết ở nhà có chuyện gì mà mẹ bỏ hàng về sớm vậy. Chắc Thoại cũng thấy tầm quan trọng của lần gặp mẹ hồi sáng, nên nắng chưa cao, anh đã giục tôi về. Tôi nhìn theo những đám mây trắng trôi lang thang:
- Tiếc ghê Thoại nhỉ, sáng nay chỉ có một vài cánh hoa chong chóng thôi, thường thường vào buổi chiều mới có gió mạnh.
Thoại cười:
- Nhưng cũng đủ đầy cho những dòng thơ của Minh chứ?
- Minh sẽ cố gắng, lâu quá không làm thơ, sợ nàng thơ giận bỏ mình đi luôn thì chết.
Dì Đào đứng chờ tôi ở cổng, ủa, dì cũng không bán hàng sao, có chuyện gì vậy?
Tôi theo dì Đào vào phòng khách, mẹ đã ngồi sẵn ở đó với một đĩa bánh bao trước mặt, dì Phượng từ trong bếp bưng ra một khay đựng bốn tách cà phê:
- Chị Đào và Chị Loan ăn sáng nghe, Ái Minh ngồi xuống ăn luôn.
Mẹ kéo tôi ngồi xuống bên cạnh rồi âu yếm đưa tay vuốt tóc tôi. Gương mặt của mẹ và dì Đào trịnh trọng đến nỗi tôi quên mất những chiếc bánh thơm tho và tách cà phê sữa ngào ngạt... Mẹ nhắc lại:
- Mẹ có chuyện muốn nói với con.
- Chuyện gì vậy mẹ?
Mẹ nhìn dì Đào rồi nắm tay tôi:
- Con có nhớ Trần Hổ không?
Tôi giả vờ lắc đầu, dì Đào nhắc:
- Trần Hổ, cháu của bác Thống mà hôm ăn tiệc tại nhà dì, cháu đã gặp đó, nhớ ra chưa hả cháu?
Tôi làm bộ nhíu mày suy nghĩ.
- Cháu nhớ lại đi, hôm đó ngoài Trí ra, chỉ có nó là thanh niên trẻ thôi, nó ngồi cạnh cháu mà.
Tôi cố tình reo to:
- A, anh chàng Việt Kiều.
Mẹ kéo tay tôi:
- Đúng rồi đó con, Trần Hổ đàng hoàng và lịch sự lắm.
Tôi nhìn sững mẹ:
- Ủa, sao tự nhiên mẹ lại đi khen anh ta?
Mẹ nói nhỏ:
- Anh ta muốn tới nhà mình chơi con à.
- Tới thì tới, ai cấm, chắc anh ta muốn làm bạn với anh Trí đó mẹ.
Mẹ lắc đầu cười âu yếm:
- Không phải đâu con, Trần Hổ... thương con nó muốn cưới con và đem con về Canada.
Tôi sờ vào trán mẹ:
- Mẹ có "mát" không đó?
Mẹ hất tay tôi ra:
- Con ni hỗn, mi nói tao điên à?
Tôi nổi nóng lên:
- Vậy thì con "mát", con điên, có vậy con mới nhận lời cầu hôn của anh ta.
Dì Đào ôm vai tôi, từ tốn:
- Đừng nói như rứa cháu à, Trần Hổ rất thật lòng với cháu.
Tôi dựa người vào ghế, bướng bỉnh:
- Nhưng cháu không cần lòng thành thật của anh ta.
Mẹ hét lên:
- Ái Minh, con hư quá, con hỗn quá.
Tôi cãi lại:
- Con chỉ nói lên quan điểm của con thôi.
Dì Phượng nói nhỏ nhẹ:
- Thôi, hai chị đừng ép nó nữa, nó đã có người yêu rồi mà.
Mẹ bĩu môi:
- Yêu tinh quỉ tặc đó, chị thấy rồi, cái thứ con nít hỉ mũi chưa sạch bày đặt bồ với bịch, đã làm ra đồng xu mô chưa.
Tôi không còn biết sợ nữa:
- Mẹ thì luôn luôn nghĩ đến tiền.
Mẹ dằn mạnh ly cà phê xuống bàn:
- Có rứa mới nuôi mi lớn, trằng da dài tóc, có rứa cả nhà mới khỏi treo mỏ. Con ngu lắm con ơi, cái thằng Thoại đó chỉ có cái mã đẹp trai, cái đẹp đó có bỏ vô nồi nấu được không con?
Tôi bịt hai tai lại, mẹ kéo tay tôi ra, mẹ hét lên thật to:
- Con phải nghe mẹ nói...
Dì Đào vịn vai mẹ:
- Loan, từ từ rồi khuyên bảo nó.
Mẹ ngồi phịch xuống ghế:
- Con mình nó ngu lắm Đào à, thằng con trai cũng rứa, Đào biết thằng Trí nó yêu ai không, nó yêu con Bích bạn của con Minh đó, nghèo xơ nghèo xác, cha thì đạp xích lô...
Tôi ngắt lời mẹ:
- Đạp xích lô mà có học còn hơn mấy người ăn diện đi xe cúp mà đầu óc toàn là đất sét không biết Archimède là ai.
Dì Phượng bênh tôi:
- Phải rồi đó chị, thời buổi chừ thượng vàng hạ cám, ba của Bích ngày xưa cũng là một giáo sư đó.
Mẹ xua tay:
- Thôi, không thèm cãi lý với hai dì cháu mầy nữa. Bây giờ nghe tôi hỏi đây nì, Ái Minh!
Tôi phụng phịu:
- Dạ.
- Con có chịu nghe lời mẹ không?
- Con chỉ nghe khi mẹ đúng.
Giọng mẹ từ tốn trở lại:
- Mẹ nghĩ là mẹ đúng vì luôn luôn mẹ muốn cho con được sung sướng hạnh phúc.
Tôi ôm cánh tay mẹ:
- Vậy thì con cám ơn mẹ.
Mẹ nâng mặt tôi lên:
- Chiều nầy mẹ mời Trần Hổ lại nhà mình ăn cơm.
- Chi vậy mẹ?
Dì Đào nói:
- Để cháu và Trần Hổ tìm hiểu nhau thêm.
Tôi la lên:
- Cháu không thích anh ta đâu.
- Nhưng Trần Hổ sẽ bảo đảm cho cháu một tương lai sung sướng giàu sang.
Tôi lắc đầu:
- Cháu không cần giàu sang đâu dì, còn sung sướng thì hiện giờ cháu đang sung sướng lắm, chung quanh cháu có bao nhiêu là người để cháu thương yêu...
Dì Đào chưng hửng, mẹ thì ngao ngán đứng dậy:
- Thiệt con ni lì lợm quá, thôi Đào à, để đó rồi tính.
- Rứa chiều ni có dắt nó qua không, nó năn nỉ mãi, nó muốn gặp con Minh lắm.
- Thì cứ mời cậu ấy qua cho vui, thức ăn cũng đã chuẩn bị hết rồi.
Còn lại tôi và dì Phượng trong phòng khách, dì nhìn tôi cười cười:
- Dì cười gì cháu vậy?
- Cháu không biết thời nầy mô đen lấy Việt kiều thịnh hành lắm sao?
- Mặc kệ họ, cháu thích ở đây à.
- Anh ta ra sao?
- Ai hở dì?
- Trần... Trần chi đó, à Trần Hổ.
- Nghe cái tên cũng đủ lạnh người phải không dì, anh ta mặt mày cũng được nhưng hơi… vô duyên.
- Dù không chịu, chiều nay cháu cũng nên tiếp chuyện với anh ta đàng hoàng kẻo mẹ buồn.
- Chiều nay cháu qua nhà chú Vinh.
- Chú Vinh sẽ đến đây.
- Vậy thì cháu đi lang thang cho hết buổi chiều và tối nay nữa, cháu không về nhà sớm đâu, dì nhớ đợi cửa cháu.
Tôi nhón một chiếc bánh bao ăn ngon lành.
Đúng như lời chúc của Thoại, tập thơ của tôi sẽ có một bài nói về những cánh hoa dầu mà chúng tôi cùng thích. Tôi đã ghi được vài dòng tuy chưa chỉnh lắm:
Những thân dầu thẳng tắp
Như vươn tới triền mây
Mây đi về gọi gió
Làm rụng đóa hoa bay
*
Hai cánh hồng xinh xinh
Quay đều trong nắng nhe.
Chờ biết bao ân tình
Em đoán chừng như thế...
Bây giờ tôi đã hết buồn, hết ganh tức với Thoại rồi.
Anh Trí đã nói đúng, tôi là đứa con gái háo thắng và ích kỷ, ban đầu tôi không thèm nghe nhưng ngẫm nghĩ kỹ tôi thấy anh Trí càng đúng chừng nào thì tôi càng sai chừng đó. May mà tôi biết dừng lại được nên Thoại vẫn còn bên tôi với toàn vẹn tình cảm ban đầu. Hôm tên Trần Hổ lại nhà, tôi vào phòng khóa cửa lại, mẹ tức muốn nổi điên. Mặc cho mẹ đập cửa, mẹ réo gọi, tôi vẫn nằm yên không nhúc nhích. Cuối cùng mẹ đành thua. Một lát có tiếng gọi tôi nơi cửa sổ:
- Ái Minh, con làm sao vậy? Con bệnh à?
Tôi tung mình chạy đến bên ba:
- Ba ơi, con không muốn kết mô đen với tên Việt kiều đó nên con vờ giả cảm cúm, ba ra nói với mẹ và dì Đào là con không dậy nghe.
Ba lắc đầu:
- Con kỳ quá, không thích thì thôi, tại sao phải đóng kịch như vậy.
Suy đi nghĩ lại, trong nhà nầy, chỉ có ba và anh Trí là thông cảm cho tôi, là hiểu được những tâm tư tình cảm của một đứa con gái như tôi.
Sao mà xót xa khi tôi cứ xa dần mẹ trong ngôi nhà thân yêu nầy, mẹ ngày xưa đằm thắm dịu dàng là thế vậy mà bây giờ lý tài đến tàn nhẫn lạnh lùng. Mẹ nài ép, mẹ năn nỉ tôi, thậm chí mẹ còn đòi tự tử nếu tôi không chịu theo anh chàng Trụi Beo đến một phương trời xa xôi nào đó, chung quanh không có cha mẹ, thiếu vắng bạn bè, và cả những con đường ngập lá vàng rơi. Không, sẽ không bao giờ tôi dám phiêu lưu bằng một cuộc hôn nhân như thế khi mà tôi chẳng hề yêu thương Trần Hổ, khi mà trong trái tim tôi đã thấp thoáng một bóng hình. Mẹ giận, mẹ hờn, mẹ khóc, mẹ than nhưng rồi mẹ đành chịu thua vì tất cả mọi người trong gia đình đều đứng về phía tôi: Ba, anh Trí, dì Phượng và cả chú Vinh nữa.
oOo
Sáng nay chủ nhật, tôi ngủ dậy đã thấy Thoại và Bích ngồi nơi phòng khách, anh Trí đang tiếp chuyện. Thấy tôi, anh nói:
- Mọi người đang chờ em.
Bích cười:
- Tao đi lưu diễn ở Vũng Tàu mời về, đến rủ mầy đi chơi.
Tôi chăm chú nhìn con bạn thân:
- Trông mầy mạnh khỏe hẳn ra nhưng hơi đen, chắc là tắm nắng dữ lắm?
Tôi quay sang Thoại:
- Thoại mới đến hả?
- Bích đến nhà rủ Thoại, sáng nay Bích định mời Minh và anh Trí đi hồ Kỳ Hòa chơi, Thoại có mang máy hình theo nữa nè.
- Hay quá, Minh phải mặc đồ thật đẹp mới được.
Dì Phượng đi chợ về, bảo:
- Các cháu đi chơi trưa ghé về ăn cơm nghe, bữa nay dì mua được tôm tươi làm chả Huế ngon lắm.
Tôi ôm eo ếch của dì, nói nhỏ vào tai:
- Chắc chắn trưa nay có chú Vinh nữa phải không dì?
Dì Phượng đỏ mặt, trông dì thật dễ thương.
Nghe nói mối tình giữa dì và chú Vinh sắp đi đến hợp thức hoá. Chờ chú lành hẳn cánh tay, chú sẽ về Cần Thơ chuẩn bị một lễ hỏi tại nhà tôi và ba tháng sau chú sẽ đưa ba má chú ra Huế rước dâu. Cầu trời ban phước lành cho hạnh phúc của chú dì.
Chúng tôi bốn người trên hai chiếc Honda trực chỉ về hồ Kỳ Hòa. Buổi sáng thật đẹp, trời xanh trong vắt và những cây phượng ven đường rộn rã ngàn hoa. Mùa hè đang đi những bước thật êm qua các nẻo đường thành phố, trên lối cỏ mềm dẫn đến nơi vui chơi. Những chiếc đu quay cao vút, những chiếc pédalo hình con thiên nga dạo chơi trên mặt hồ xanh biếc. Bích đề nghị cả bọn đi bơi thuyền, được một đoạn, tôi thấy chóng mặt, Thoại phải dìu tôi lên bờ. Còn lại trên thuyền là anh Trí và Bích, hai người chèo tuốt ra xa. Tôi tuy còn cảm thấy buồn nôn nhưng vẫn dỏi mắt theo họ, tò mò thầm hỏi không biết lần nầy anh Trí có dám ngỏ ý với Bích không.
Tôi tựa mình vào một gốc cây để Thoại xức dầu lên trán.
- Minh đỡ chóng mặt chưa?
Tôi âu yếm nhìn Thoại, khẽ gật đầu.
Thoại đưa chai dầu cho tôi:
- Minh xức chút xíu vào cổ sẽ thấy khỏe hơn.
- Minh khỏe rồi, tại Minh không quen ngồi ghe - tôi cười - vậy là Minh chả bao giờ vượt biên được Thoại hén.
Thoại nhìn tôi đăm đăm:
- Minh đâu cần phải vượt biên, nếu Minh muốn...
Tôi ngắt lời:
- A, Thoại biết chuyện đó rồi à?
- Anh Trí có nói sơ cho Thoại nghe... Minh ạ, không phải Thoại ghen tức gì, nhưng Trần Hổ không phải là người tốt đâu.
- Sao Thoại biết?
- Trước kia, gia đình Trần Hổ ở cùng khu phố với Thoại.
- Nghe nói anh ta là cháu họ của bác Thống, nhưng thôi, mặc xác anh ta, mình đừng nhắc đến nữa.
Thoại cùng tôi đi dạo loanh quanh đợi anh Trí và Bích, sau đó chúng tôi tìm cảnh đẹp để chụp hình. Buổi trưa đến thật nhanh, trên đường về nhà, chúng tôi còn thấy luyến tiếc cuộc vui và cùng hứa hẹn một lần đi chơi khác.
Sao lạ quá, cửa nhà mở toang khi chúng tôi về đến. Tôi mời các bạn ngồi nơi phòng khách rồi chạy vào bếp tìm dì Phượng. Chắc dì đang mải mê làm món ăn đãi chú Vinh nên quên hết trời đất chứ gì. Tôi tưởng tượng trước mắt những đĩa chả tôm vàng ươm, chén nước mắm trong ngần lấm tấm những hạt ớt đỏ tươi, dĩa rau xanh mơn mởn... Tôi chưa kịp ngạc nhiên khi thấy bếp núc lạnh tanh thì đã nghe tiếng gọi của anh Trí từ phòng mẹ. Ôi, mẹ đang nằm thiêm thiếp trên giường và dì Phượng đang ngồi bên khóc không ra tiếng.
- Mẹ cháu sao vậy dì?
Dì Phượng nói trong tiếng nấc:
- Dì không biết, các cháu vừa ra khỏi nhà là mẹ đi xích lô về, chạy thẳng vào phòng và ngất luôn. Dì giật tóc mai rồi cạo gió, mẹ tỉnh nhưng mẹ chả nói gì, chỉ khóc thôi, khóc mệt quá mẹ vừa mới thiếp đi đó.
Anh Trí cầm chiếc chìa khóa xe:
- Để cháu đi gọi bác sĩ.
Nhưng mẹ đã mở mắt:
- Thôi, khỏi Trí ơi, dì không sao đâu.
Tôi nhào tới ôm chầm lấy mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ ơi...
Mẹ yếu ớt xô tôi ra:
- Con làm chi rứa Minh, đỡ mẹ ngồi dậy đi.
Tôi và dì Phượng cùng nâng mẹ dậy, dì Phượng hỏi:
- Chị gặp điều chi ghê gớm lắm?
Mẹ gật đầu, mẹ ôm dì:
- Phượng ơi, chị có lỗi với em, chị có lỗi với mạ.
Dì Phượng giật mình:
- Chị Loan, chị nói chi rứa?
Dì Mộng Đào chạy xộc vào buồng:
- Loan ơi, rứa là tụi mình tiêu hết.
Dì Phượng hết nhìn mẹ lại nhìn dì Đào:
- Hai chi... hai chị nói chi em không hiểu?
Dì Đào ngả người ra ghế:
- Em ơi, Trần Hổ là thằng khốn nạn, nó lường gạt chị và các bạn bè của chị một số tiền khổng lồ.
Dì Phượng đưa tay chặn ngực:
- Trời ơi.
- Đừng kêu trời em ơi, phải kêu công an còng đầu thằng đó lại.
Chú Vinh vào tới tự nãy giờ và đã nghe tất cả, chú nói:
- Để em chở chị đi tìm nó.
- Vô ích em ơi, chị và anh Thống đi suốt buổi sáng tốn cả mười lít xăng vẫn không ra tông tích nó. Nơi nó tạm trú khi về nước đã trả lại cho người ta rồi.
Tôi buột miệng:
- Dì ơi, Thoại biết chỗ ở của nó trước kia ấy, chả biết có giúp được gì không?
Dì Đào ngồi bật dậy, níu tay chú Vinh:
- Vinh ơi, Vinh giúp dùm chị, chở người bạn của cháu Minh đi tìm nó thử xem.
Vậy là chú Vinh chở Thoại đi, có anh Trí tháp tùng theo. Tôi và Bích vào bếp sửa soạn cơm nước, tình thế nầy chắc cũng chả ai nuốt cơm cho nổi.
Ba cũng vội về nhà sau khi chú Vinh điện thoại gọi. Ba ngồi bên mẹ, cầm tay mẹ để trấn an tinh thần. Gặng hỏi mãi mẹ mới cho biết, nghe lời đường mật của Trần Hổ, mẹ và dì Đào đã gửi cho anh ta một số tiền rất lớn để đổi đô la với giá rẻ, không ngờ tới ngày hẹn, chả thấy tăm hơi anh ta đâu và khi tìm đến nhà trọ thì được tin anh ta đã dọn đi từ lâu rồi. Trớ trêu nhất là số tiền đó là tiền hàng của bà ngoại gửi, mẹ vừa thu xong là đưa hết cho anh ta cả lời lẫn vốn.
Ba không còn lòng dạ nào để trách mẹ nữa khi thấy mẹ cứ rũ người ra như một chùm hoa héo, ba an ủi:
- Thôi, em đừng khóc nữa, để rồi gắng buôn bán gom góp trả lại cho mạ, chắc mạ cũng thông cảm.
Tôi và Bích dọn cơm ra, không ai buồn cầm đũa. Tôi và nó ăn qua loa vài chén rồi ra cổng đón chú Vinh, anh Trí và Thoại. Mãi đến bốn giờ chiều mới thấy ba người chở nhau trên hai chiếc honda trở về mặt mày lem luốc như một đám tàn binh và… hình như anh Trí bị thương. Tôi thấy tay trái anh được băng bằng một lớp gauze dầy, bên ngoài có loang chút máu và Bích đã để rơi những giọt nước mắt trong sáng của mình lên những vệt màu hồng dễ thương đó.
Chú Vinh chở mẹ và dì Đào lên đồn công an làm nhân chứng. Nghe nói, dưới cái mác Việt kiều, Trần Hổ đã lừa được nhiều người bằng cách nầy và đây là vố làm ăn sau cùng trước khi trở về quê hương mới của anh ta. Thoại đã dẫn chú Vinh và anh Trí đến đúng lúc, Trần Hổ đang bị các chủ nợ bao vây và trong lúc xô xát, một tên đồng bọn của Trần Hổ đã đâm vào tay anh Trí. Sau đó công an đã đến giải vây và bắt trọn ổ. Ngay trong ngày, mẹ đã lấy lại được 90% số tiền tưởng mất, như vậy là quá hên rồi. Cả nhà kéo nhau đi ăn nhà hàng, có cả Bích và Thoại nữa. Lần nầy mẹ nhìn hai người bạn thân nhất của tôi bằng đôi mắt đầy cảm mến.