Chương 2
Tác giả: Thụy Ý
Chí Hòa … ngày… tháng …năm…
“Không hiểu sao hôm nay mình lại viết nhật ký?
Mua cuốn tập hai trăm trang, mình ngần ngại trước khi đặt bút viết. Lạ lùng! Mình còn tình cảm, còn mê văn chương nữa sao?
“Không! Một thằng du đãng từng nhúng tay vào máu như mình đã chai đá, không còn ý niệm gì về văn chương, tình cảm nữa.
“Nhưng tại sao mình viết?
“Bâng khuâng rạo rực làm mình chơi vơi. Lạ! Động lực nào thúc đẩy mình kỳ thế nhỉ?
“ Hoàng Trọng Diễn! Hoàng Trọng Diễn! Lâu quá rồi mình mới nhớ lại cái tên đó… Thấy xa xôi như tên của một kẻ nào khác. Nhưng không, đó là tên trong khai sinh của mình cơ mà. Cái tên mà ngày mình cất tiếng khóc chào đời, ba mẹ đã âu yếm đặt cho.
“Chắc chắn ông bà cụ cũng đắn đo nhiều lắm trước khi chọn cho con một cái tên. Hoàng Trọng Diễn ngày đó với tràn đầy hy vọng của gia đình ở một tương lai sáng chói. Còn Hoàng Trọng Diễn bây giờ? Tên tội phạm đã nhận lãnh tất cả những lời nguyền rủa, những lời kết án của xã hội. Mà không, tên tội phạm đó, tên sát nhân đó không phải là Hoàng Trọng Diễn. Không bao giờ Hoàng Trọng Diễn phạm tội. Chỉ có tên tù mang số 702! Tên tù 702. 702 là tên hắn, hắn không có tên Hoàng Trọng Diễn.
“Ồ! Hình như mình đã lý luận quá nhiều, suy tư quá nhiều cho những chuyện đã đi vào quên lãng. Những trang giấy vô tri này có mãnh lực gì bắt mình phải thú nhận tâm tư nhỉ? Chắc chắn động lực thúc đẩy không ở những tờ giấy vô tri, mà là do đôi mắt của cô bé đó!
“Đúng rồi! Mình không thể tự dối. Chính ánh mắt dịu hiền, ngơ ngác, chính nét mặt thánh thiện của cô bé… Cô bé gì nhỉ? À An. Nguyễn thị Duy An, em thằng Chính, thúc giục cho mình làm công việc này.
“Một rung động bâng quơ nào đó thì phải. Mình bị xúc cảm bởi tình thương của một người mẹ dành cho con, bởi ánh mắt rưng rưng của cô em gái nhỏ! Gia đình quá! Nhân đạo quá! Đó mới là tình nhân đạo từ thủy tổ loài người.
“Máu trong tim mình hình như nóng trở lại. Tên tù 702 trở thành Hoàng Trọng Diễn rồi sao?!”
Có tiếng cười hô hố vang lên. Hai ba giọng cười khác nối theo. Căn phòng vang động. Gã tù mang số 702 tức Hoàng Trọng Diễn ngước lên hất hàm.
- Tụi mày cười ông hả?
Những tiếng cười vẫn tiếp tục. Hắn đập mạnh tay xuống chiếc thùng gỗ thông được kê làm bàn. Chiếc thùng gãy kêu “crắc” một tiếng. Hắn chửi thề, gằn giọng:
- Đứa nào cười thử cười lớn nữa coi. Tại sao tụi bay cười?
Một tên tù đi đến gần hắn:
- Tại thấy đại ca viết văn nên tụi này mừng cho đại ca đó chớ.
- Tao viết văn!? Ha ha! Tao mà viết văn! Tụi bay có lạm dụng danh từ không đó? Viết văn để bán cho Diêm vương chắc.
- Ai biết đâu, thấy đại ca hý hoáy viết từ sang đến giờ mà.Viết trong tập thì không phải là làm đơn tại ngoại hay xin xét xử sớm, mà chắc là… viết tiểu thuyết.
Diễn định cười chợt ngưng! Sự dừng lại nửa chừng làm những đường gân dưới cổ gã nổi hẳn lên, mắt hắn nheo lại rồi cả gương mặt dịu đi. Gã không nói nữa, bỏ rơi lũ đàn em đang nhìn, gã dán mắt xuống tập nhật ký, gật gù một mình.
- Ê Chính.
- Gì đại ca?
- Lại đây mày.
Chính buông những lá bài tây, đi lại phía Diễn.
- Ngồi đây. Tao với mày nói chuyện chơi.
Chính ngồi xuống cạnh Diễn, không nói gì. Hắn đã được mấy tên tù cũ cho biết tính của “đại ca” – đừng nói gì nếu “đại ca” chưa bảo nói – cả khu AH đều ngán Diễn, tên tù lâu năm, cộc ngầm mà ít nói, Diễn ít khi phô trương lực lượng, nhưng ít ai lãnh một cú đấm của hắn mà đứng vững. Người ta không dám gọi tên dù tên có ngay trên ngực áo. Người ta chỉ gọi hắn là “đại ca”, các giám thị thì gọi 702! Danh số đó làm mờ tên Hoàng Trọng Diễn!
- Chính à.
- Em nghe đây đại ca.
- Mồi tao điếu thuốc đi Chính.
Gã con trai nhanh nhẹn rút điếu ba số năm ra gắn vào môi Diễn, bật quẹt châm lửa. Điếu thuốc cháy tròn đầu, Diễn bật cười:
- Mẹ kiếp, thuốc cháy kiểu này là tao có người yêu chung thủy… nó chung thủy đến nổi tao vô khám hôm trước, hôm sau nó đi lấy chồng…chém cha đời, chó quá.
Chính rụt rè:
- Đời có kẻ này, người khác chớ đại ca.
- Mày còn tin có người tốt nữa à?
- Có chứ. Những người thân của mình. Mẹ mình, em mình đại ca. Họ thương mình không vụ lợi, và không bao giờ phản phé mình.
Diễn gật gù:
- Ờ. Mày nói đúng. Cô em gái mày chắc không thuộc hạng phản phé đâu. Con nhỏ lành quá hả.
- Nó ngoan lắm đại ca.
Diễn bập một hơi thuốc:
- Ở nhà chắc mày ăn hiếp nó dữ hả?
- Bà già cưng nó lắm, em làm sao dám ăn hiếp nó.
- Mày bao nhiêu tuổi Chính?
- Hai mươi ba.
- Con nhỏ?
- Nó mười tám. Nhà có hai anh em.
- Mày thua tao hai tuổi. Nhưng mày hơn tao quá nhiều diễm phúc.
Chính mồi thuốc cho mình, yên lặng nghe bạn nói.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả miền sông Hậu, cậu bé Diễn hư hỏng từ năm lên mười hai tuổi. Nghe lời bạn bè, cạy tủ ăn cắp của cha mẹ hai trăm ngàn bạc rồi trốn luôn. Mặc dù biết cha mẹ đăng báo gọi về để tha thứ hết, hắn cũng quyết định đi luôn. Tiêu hết số tiền Diễn mới biết sự xảo trá của bạn bè. Đã muộn, hắn ân hận những ngày lãng phí đã qua. Vừa đi đánh giày để sống vừa xin học lớp tối. Vậy mà Diễn học được. Hắn quyết làm cái gì để chuộc tội với cha mẹ. Khi Diễn đậu tú tài phần nhất và sửa soạn về “trình diện” gia đình thì được tin cha mẹ bị tử nạn trong chuyến xe đò từ Long Xuyên lên Sài Gòn. Cơn đau đớn làm hắn tưởng điên lên được. Thế là hết. Hy vọng cuối cùng của hắn tan đi trong tiếng nổ của trái mìn trên con đường liên tỉnh… Diễn bỏ ý định về nhà, tiếp tục cuộc sống vô gia đình, cơm hàng quán trọ. Rồi những bất công của xã hội thi nhau ùa tới, chất chồng lên hắn. Đã bất hạnh càng bất hạnh thêm. Hắn bị bỏ rơi bên lề cuộc sống. Xã hội loài người với những giả trá đầu môi làm Diễn thêm căm thù và chán ngán. Hắn quay quắt trong cơn sóng dữ của cuộc đời mà không có ý niệm nào.
Để tạo được nếp sống, Diễn kết nạp một số bạn bè bất hảo tổ chức móc túi. Hắn tổ chức có qui củ, luật lệ đàng hoàng. Đàn em hắn phần nhiều thuộc thành phần con nhà khá giả, bất mãn gia đình đi bụi đời. Diễn sếp sòng một bọn du đãng cướp giựt làm điên đầu mấy thầy cảnh sát một dạo. Diễn muốn trở thành một người hùng được đời nhắc nhở như Trần Đại, nhưng hắn quên rằng cuộc đời không phải là tiểu thuyết. Và Hoàng Trọng Diễn đã bị truy nã gắt gao để đến nổi phải bắn hạ nhân viên công lực khi tẩu thoát.
Hơn ba năm nằm trong khám lạnh, Diễn vẫn chưa nhận lãnh bản án. Hắn quen đi, sống là sống, và quên tên tuổi. Hắn sống rất điệu với đàn em nên được nể sợ, và trở thành ông vua con trong tù.
Diễn kết luận một cách gay gắt:
- Mày thấy chưa Chính? Khi mà mình có ý định lương thiện nào đó sắp được thực hiện thì những bất hạnh đến làm tan vỡ tất cả.
- Nói vậy mình cứ phải giữ những ý định bất chính sao?
- Không, À…Ờ… Phải nói trước kia tao cho rằng như thế, nhưng giờ thì hết rồi.
- Tại sao? Cái gì làm đại ca thay đổi?
- Thôi, bỏ tiếng đại ca đi mày, Chính. Biết đâu một lúc nào đó tao lại không phải gọi mày là anh.
- Kỳ vậy?
- Bộ tao em rể mày không được à?
Vỡ lẽ. Chính cười:
- Thì ra con An. Con bé con ấy có thể là nguyên nhân sự thay đổi của đại ca?
Diễn chợt nghiêm giọng:
- Thôi không đùa nữa. Nói thật với mày không hiểu sao khi nhìn thấy ánh mắt rưng rưng của cô bé nhìn mày, tao chợt thấy… tất cả chúng ta cùng có tội.
- Thì mình có tội hẳn rồi. Có tội mới phải đền.
- Không phải có tội đối với pháp luật đâu, mà là đối với… nổi khổ trong lòng những người yếu đuối như mẹ, như em mày kia.
Chính không hiểu gì cả, tuy hắn đã được nghe rất đầy đủ và rất thật. Chính không hiểu gì cả và hắn không thể ngờ tên tù 702, “đại ca” của hắn lại có thể xúc động vì mẹ hắn, em gái hắn.
Chính cũng cảm thấy một chút nôn nao, nhưng hắn tuyệt nhiên không thể phân định được sự nôn nao đó ở khía cạnh nào…