Chương 5
Tác giả: Thụy Ý
Ngày … tháng … năm …
“ 1 giờ trưa…
“Sáng hôm nay anh Chính đi tòa . Cuộc đối chất thứ nhất. Mình, má, chị Thu đi đón anh.
“Mình hỏi ông cảnh sát đón tội nhân ở đâu, ông ta chỉ chổ xe tòa sẽ đến đổ phạm nhân xuống: “Cô đứng đó sẽ nhìn thấy thân nhân và nói gì với họ thì nói, chứ vô trong đó không được đâu”.
Mình cám ơn, đưa má và chị Thu lại đó. Má hỏi :
“ Bộ nó ra đây hả con?
“- Dạ xe tòa đến đây ngừng cho ảnh xuống má à. Mình đợi đây được, ảnh nói chuyện chớ người ta không cho vô tòa đâu.
“Một lát, chiếc xe lớn bít bùng tiến vô. Mình kéo má đứng nép bên thành tường. Từng toán phạm nhân xuống xe, tay bị khóa trong còng sắt hai người một. Nhìn thấy anh Chính bị còng tay mình ứa nước mắt. Má và chị Thu khóc tức tưởi. Anh Chính nhăn mặt , buồn hiu. Những người đi đón thân nhân bao quanh hỏi han, mình hỏi anh Chính:
“- Anh cần gì không?
“ Anh lắc đầu”
“- Anh đủ dùng rồi, đừng làm phiền má nữa. Mà sao bữa nay má ốm vậy An?
“ – Má mới bị cúm xong anh Hai.
“Anh Chính thở dài:
“- Sao không nói má ở nhà nghỉ, để má lên đây làm gì cho khổ thân. Đến Chí Hòa thăm anh được rồi.
“- Má cứ đòi đi không à. Nghe anh Hai được đi tòa má mừng quá, hối em sửa soạn đủ thứ, cả một xách kìa. Anh Hai nhận được không?
“- Được đợi đây chút nữa anh ra sẽ lấy – mà thôi, đưa bây giờ anh xách theo cũng được.
“ – Thôi lát anh Hai ra rồi lấy. Giờ xách theo nặng lắm. Em với má chờ ở đây nha.
“Anh Chính than nhỏ:
“- Anh làm khổ má quá nhiều. Tội nghiệp bà già. Tuổi này còn phải trần thân lo cho con.
“Mình tính nói với anh Chính: “Giá ngày trước anh biết nghĩ vậy thì giờ này má đâu có khổ” nhưng mình không nói. Ít ra anh Hai cũng biết nghĩ lại thương má. Nghe anh Hai than mình cũng thấy tội tội gì đâu. Không biết tất cả mọi người, khi ở vào cảnh tù tội như anh mình có hồi tâm nghĩ lại những việc mình làm không nhỉ. Nếu vậy thì nhà tù đâu có vô ích. Mình chỉ anh Hai:
“ – Chị Thu kìa.
“- Anh thấy rồi. Nhưng thôi em đứng nói chuyện với anh đi, đừng để Thu và má đến đây. Anh sợ nhìn thấy má khóc lắm.
“Má và chị Thu đứng chôn chân, yên lặng. Hình ảnh anh Chính bị còng tay làm má xúc động mạnh. Nước mắt lăn trên đôi gò má gầy làm mình cũng muốn khóc theo. Những người lính giải tù xua phạm nhân đi xuống con đường hầm dẫn qua phía bên kia để vào phòng thẩm vấn hay xử. Anh Chính vội vã đi theo đoàn người. Chắc cũng năm sáu chục người gì đó. Có nhiều tội nhân thật trẻ, chỉ độ mười ba, mười bốn, ốm yếu xanh xao đi như không muốn nổi. Chắc họ bị bắt vì nghiện ma túy. Trong tù thiếu thuốc nên sinh ra bệnh hoạn. Mình chua xót nghĩ đến những kẻ bất hạnh, vì một hoàn cảnh nào đó, vì một lầm lỡ nào đó phải mất cuộc đời tự do.
“Gần mười hai giờ anh Chính mới trở ra. Mình theo xe đưa được xách đồ ăn và anh cũng đưa cho mình một mảnh giấy nhỏ: “Của Diễn gởi cho em đó”. Anh nói được một câu rồi vội bước lên xe. Mình giấu vội mảnh giấy vào ví, không biết Diễn viết những gì nhưng không muốn má và chị Thu biết mình quen Diễn.
“Chiếc xe bít bùng như con quái vật trườn đi. Chắc anh Chính có quay lại nhìn má, nhìn em và người yêu nhưng không làm sao thấy được ánh mắt níu kéo đó.
“Mình về nhà, vào phòng và đọc thư của Diễn. Mảnh giấy nhỏ chỉ vỏn vẹn mấy hàng:
DUY AN,
Gởi theo chính mến thương của anh đến An,
Cô em gái của anh giờ này chắc đang yên giấc. Mộng có đẹp không An? Diễm phúc cho kẻ nào hiện diện trong giấc mơ của em.
Nhà tù lạnh và buồn lắm An. Anh giải buồn bằng rượu. Hơi men nồng bốc lên mặt và anh thấy em cười thật dễ thương trong hơi men đó.
Anh: Diễn
“ Bao nhiêu chữ đó thôi mà mình đọc hoài. Thấy thương thương. Diễn viết mấy câu mà nghe như cả một tâm hồn được gói ghém trong đó. Mà có lẽ như thế. Diễn tế nhị. Mình phục vẻ chịu đựng trên đôi mắt đăm đăm phong trần của anh.
“Ồ, Duy An – Dạo này mi bị chi phối nhiều lắm rồi nghe”. Bạn bè trong lớp cũng tỏ vẻ ngạc nhiên về mình lắm đó. Mình nổi danh là con bé nhí nhảnh, ưa nghịch phá, vui nhất lớp, vậy mà từ ngày anh Chính bị tù đến nay. Không, phải nói là từ ngày mình quen Diễn đến nay, mình hầu như trở thành một người khác. Suy tư và xa vắng đối với bạn bè thân thiết.
Ngày mốt mới có thăm nuôi. Ngày mốt mình mới gặp Diễn. Lâu quá nhỉ? Hai ngày chứ ít sao? Hai ngày đối với nỗi chờ mong, dằng dặc.
“3 giờ khuya”
“Chúa ơi mình vừa qua một giấc mơ vừa đẹp vừa khủng khiếp.
“Mình thấy mình đi bên cạnh Diễn trên con đường thật lạ thật đẹp. Đường vắng, chỉ có hai đứa và những tàn cây cao che lá im mát. Buổi chiều có nắng nhẹ nhàng và hoàng hôn đến muộn. Mình khép nép bên Diễn cao lớn, vững mạnh. Mấy chiếc lá me vướng trên tóc và anh lấy những chiếc lá đó đưa cho mình, mỉm cười trìu mến:
“Cất đi An, hãy giữ lại những tên si tình em để làm kỷ niệm.
“Mình ngơ ngác:
“- Những tên si tình? Ai đâu anh?
“- Mấy chiếc lá này đó em. Em không thấy nó đậu trên tóc em đó sao. Không si tình em nó tìm cách hôn tóc em làm gì!
“Diễn ví von vừa ý nhị, vừa khôi hài.
Con đường trước mặt thênh thang. Diễn hỏi:
“- Đố An biết cuối con đường có gì chờ đợi mình?
“- Còn xa quá mới đến cuối đường, em làm sao biết hở anh?
“Mắt Diễn nhìn mình tràn ngập thương yêu:
“- Có hai sự việc chờ đợi mình: Một là anh dìu An đi qua hết ngã tư… và đi hết cuộc đời. Hai là anh bị chận lại để đưa tay cho người ta còng, đưa ngực cho người ta bắn.
“- Kìa, anh. Sao dưng không anh nói gì kỳ vậy?
“Diễn cười buồn:
“- Sự thật đó An. Biết đâu định mệnh lại không khắc nghiệt, quyết ngăn cản đến cùng những hạnh phúc sau cuối của đời anh.
“- Em không tin như thế. Anh đã mãn án tức là đã đền tội rồi mà.
“- Đó là luật pháp. Còn định mệnh nữa em. Em quên rằng có những con người mà định mệnh tàn ác đến hơi thở cuối cùng hay sao?
“- Anh bi quan quá, anh làm em sợ…Diễn, hãy nói với em rằng cuộc hành trình của chúng ta sẽ không gặp trở ngại nào…Hãy nói với em anh sẽ đưa em qua ngã tư… và suốt cuộc đời đi Diễn.
“Người con trai cúi xuống, định hôn lên tóc người yêu lại thôi.
“- Sao anh ngừng lại? Sao anh không hôn em?
“ – Anh muốn giữ gìn cho em, dù chỉ là một nụ hôn trên tóc. An giữ lấy sự trong trắng hồn nhiên của em… Anh không xứng đáng.
“Mình níu tay Diễn thật chặt:
“Anh lạ lùng quá Diễn ơi. Không thể nào em hiểu nổi anh. Hay anh chê em trẻ con? Hay anh… không thương em?
“Giọng mình nghèn nghẹn, sắp khóc. Diễn dừng lại nhìn thật sâu trong mắt mình:
“- Anh sung sướng thấy em trẻ con. Đừng làm người lớn vội An ạ. Và cũng đừng nghĩ rằng anh không thương em. Anh thương… đến không còn gì để nói, không một danh từ nào đủ để diễn đạt hết ý.
“Diễn vẫn dìu mình bước. Gần đến cuối đoạn đường. Mình cười:
“- Cuối đường rồi kìa anh. Ngã tư đó. Bình yên, có gì đâu.
“- Sao em không nghĩ rằng có một trái mìn đã gài sẳn ở đó để chờ đợi con người được định mệnh chiếu cố!?
“-Không. Anh sẽ đưa em qua đó bình yên. Diễn, bên kia ngã tư con đường cũng đẹp. Cũng có nắng dịu và hoàng hôn nhuộm xám không gian. Anh thấy không? Mình sẽ đi tiếp nữa nghen Diễn.
“Diễn không nói, chỉ nhìn mình thật buồn, ánh mắt Diễn hàm chứa chân tình và khoắc khoải. Mình vẫn bước, rồi đột nhiên, không biết từ đâu, một toán người nhảy ra chận đường. Họ ghìm súng trên tay. Tên đi đầu quát bảo Diễn:
“- Đứng yên, tử tội.
“Mình kinh hoàng nghe Diễn nói:
“- Để tôi đưa người con gái này qua khỏi ngã tư đã. Cô ta vô tội.
“- Khôn được tử tội. Mi phải đền tội ở đây. Không được bước thêm bước nào nữa.
“Diễn nói với mình:
“Em đi một mình, Duy An. Anh rất buồn không đưa được em sang bên kia đường. Anh phải chấp nhận định mệnh ở đây. Tha lỗi cho anh nghe Duy An.
“Mình cứng lưỡi không nói lên được tiếng nào. Mắt mình mở trừng trừng trước nụ cười đau đớn của Diễn. Những gã đàn ông hung hăng sắp hàng trước mặt, đưa súng lên nhắm Diễn, lảy cò. Tiếng nổ chát chúa và mình rú lên… Choàng dậy ! “Giấc mơ lạ lùng!”
***
Diễn hất hàm hỏi thằng con trai gầy còm đang ngồi xếp ve trong góc phòng:
- Mày tội gì?
- Dạ em thổi xế, đại ca.
- Xế hộp hả?
Tên tù mới lắc đầu:
- Dạ đâu có. Xế hai bánh.
- Sức mày làm gì lay nổi xế hộp – Bị bắt ở đâu?
- Dạ quận nhì.
- Ở nhà mày làm gì?
- Dạ… em thổi xế.
- Không tao hỏi lúc trước khi mày trở thành quái xế kia.
- Em đi học đại ca.
- Sao mày bỏ học?
- Bị… má em không cho.
- Nhà nghèo hả?
Tên quái xế lắc đầu:
- Gia đình em khá lắm.
- Nhà khá sao má mày không cho đi học?
- Má ghẻ mà đại ca. Tiền em đóng học một tháng đủ cho bả làm móng tay một lần.
Diễn gật gù:
- Mế kế, thảo nào. Còn ba mày đâu, làm gì?
- Ba em đi thầu làm nhà.
- Mày là con lớn?
- Dạ, em còn người anh đi lính Lôi hổ bị mất tích, từ hồi đó mẹ kế bắt em nghĩ học luôn.
- Ba mày biết không?
- Dạ không.
- Sao mày không nói cho ổng nghe?
- Ổng nghe lời bả, sức mấy nghe em, đại ca.
Diễn nhìn đứa con trai: nó độ mười lăm tuổi, ốm yếu, nó để trần, chỉ mặc có chiếc quần đùi sọc đã cũ. Thằng nhỏ mới bị tống giam, vào khu AB và đang bị “ma cũ” “lột” để chuẩn bị cho một trận đòn hội đồng dằn mặt thì Diễn tới. Mấy lão giám thị ở đây cũng nể Diễn nên bọn tù ngán danh số 702 ghê lắm. Do đó khi Diễn vào trại, cả bọn ngừng, thôi không “làm thịt” “ma mới” nữa.
Diễn tiếp tục tra vấn:
- Lúc mầy bỏ đi ba má mầy biết không?
- Dạ không. Sau em gặp tụi bạn cùng xóm, nghe nói lại là bà dì ghẻ dàn cảnh như em đã ăn cắp tiền bạc trốn đi vậy, và bà ta xúi ba em đăng báo từ.
Nó mở sợi dây đeo trên cổ: một miếng giấy vẽ ngũ sắc được bọc nhựa cẩn thận. Nó lật miếng nilon ra, tút một tấm ảnh và một miếng báo gấp nhỏ.
- Cái này là bùa hộ mạng, ngày em còn bé, má xin cho đeo cổ trừ tà yếm quỉ. Còn đây là ảnh ông bà già chụp chung. Đây là…
Giọng hắn nghẹn lại như muốn tắt. Diễn giật miếng báo gấp làm tư mở ra coi: ảnh đứa con trai trên đó lời bố cáo từ con: “Con tôi Nguyễn Văn Hòa – 15 tuổi – đã nghe lời bạn bè ăn cắp hai trăm ngàn bạc bỏ nhà trốn đi. Vậy từ ngày đăng bố cáo này tôi không nhận tên Hòa là con. Ai chứa chấp phải chịu trách nhiệm mọi hành vi của nó trước luật pháp!”
Hòa cười buồn:
- Tình thương của người cha dành cho con đó đại ca.
- Rồi mày đi thổi xế?
- Dạ, kẹt quá không cách gì sống được, em nhập một “băng” bụi đời chuyên thổi xế, móc túi.
- Mày thổi được mấy chiếc rồi?
Nó lắc đầu:
- Chưa lập được thành tích nào đáng kể, đại ca. Em chỉ đi theo tụi nó “học hỏi” chưa có kinh nghiệm.
- Mày đi tù chắc ba mày biết chớ hả?
- Em không biết. Ổng ít đọc báo, nhất là mấy cái tin xe cán chó.
Diễn móc thuốc hút:
- Hút thuốc không?
- Dạ, đại ca cho em một điếu.
- Thèm?
- Rỏ dãi lận. Mấy bữa nay thiếu – Thiếu cơm còn dễ chịu hơn.
- Chính phủ không để mày thiếu cơm. Chỉ có thiếu không khí và thiếu thuốc. Ờ ngoài mầy có chích chóa gì không?
- Có “phi” nhưng thỉnh thoảng thôi. Nếu nặng giờ này chắc em chết nhũi quá. Trong này đâu có tiếp tế được hả đại ca?
Diễn cười nhếch:
- Mày có tiền thì cái gì cũng có hết. Dĩ nhiên là không đầy đủ như ở ngoài. Nhưng đừng có điên mà bắt chước tụi nó, tàn đời. Cái gì tránh được thì nên tránh. Mày còn nhỏ quá, dừng có tự hại thể xác làm gì. Biết mình có chết được hay không, hay cứ phải kéo lê cuộc sống tàn tạ khốn khổ.
Hòa không nói, im lặng nghe Diễn như một sự nghe lời ngoan ngoãn. Diễn nhìn bộ ngực gầy trơ của hắn, rồi quay sang bảo tên thư ký trại:
- Quần áo của nó đâu rồi?
- Thằng Bản lấy rồi đại ca.
- Đem trả cho nó. Tụi bay ở nhân đạo một chút đi, đừng có hiếp đáp kẻ yếu.
Mấy tên tù cũ nhìn Diễn ngạc nhiên, không hiểu hôm nay “đại ca” lại can thiệp những việc làm “chính đáng” như vậy. Luật lệ của kẻ đi trước đặt ra là ai mới đến phải “đóng thuế”, giàu thì tiền mặt, nghèo thì lột áo quần, và một trận đòn dằn mặt.
Một tên mang vẻ hoài nghi:
- Đại ca… sao hôm nay…
Diễn gạt ngang:
- Nghe tao đi. Trả đồ lại nó, tha cho nó. Từ nay tụi bay ráng bỏ cái lệ cũ đi. Mẹ kiếp, đánh tụi nó cũng bằng đánh em, đánh con tụi mày ở nhà.
Mấy tên riu ríu làm theo lời Diễn, trả quần áo lại cho Hòa. Diễn đứng nhìn thằng bé mặc quần áo bằng ánh mắt thương hại. Hắn hiểu tụi bạn bực tức vì sự can thiệp của mình ghê lắm, nhưng hắn lờ đi. Diễn đã đổi thay nhiều từ ngày có Duy An. Tâm hồn hắn bỗng trở nên thuần hậu. Hắn sống như một kẻ giàu tình cảm nhất đời. Khốn nỗi chung quanh Diễn phần nhiều là dân chai lì, ngang ngược nên số người hưởng ứng thì ít mà bất mãn lại nhiều.
Mỗi lần sắp làm một việc gì, Diễn lại viện trợ tới hình ảnh Duy An để tránh những ảnh Duy An để tránh những hành động không phải. Diễn mến thương cô bé bằng thứ chân tình mãnh liệt. Thứ chân tình của một mức tôn sùng cao quí. Diễn thấy mình tội lỗi, Diễn thấy mình hèn hạ trước vẻ ngây thơ, trong sáng của Duy An. Hắn thay đổi để hy vọng lương tâm mình không cắn rứt mỗi khi đối diện ánh mắt thánh thiện của người con gái đó.